Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Lặng nhớ mùa đông

Mùa đông năm ấy ở Thành Đông

Có thể ngày nào đó em đọc những dòng chữ này của tôi mùa đông đã qua mất rồi. Nhưng chẳng sao, năm nào mà chẳng có mùa đông. Sẽ lại có một mùa đông khác, rồi lại một mùa đông khác trong sâu thẳm nhớ nhung…Tôi có lần nghe ai đó nói rằng không thích mùa đông, vì mùa đông là mùa của nhà giàu và son phấn. Tôi thì gốc gác đồng quê, bố mẹ chẳng có gì, ngoài tình thương yêu các con vô cùng và tháng lương ít ỏi đủ trang trải cho cuộc sống đạm bạc rau mắm cho năm người.
Mùa đông năm ấy mẹ ngã bệnh, những cơn ho dai dẳng bắt đầu kéo đến hành hạ mẹ vào một sớm chuyển mùa, bệnh viện kết luận, hậu quả của gần 30 năm cầm phấn viết bảng của nghề dạy học, những viên phấn trắng toát lạnh lùng chạy theo cánh tay mẹ trên mặt bảng gỗ lồi lõm mốc thếch, và bụi phấn bay dày đến nỗi bám cả trên tóc, mẹ đã hít phải quá nhiều bụi phấn và viêm thanh quản nặng. Hồi nhỏ tôi chưa ý thức được cái câu mà các cô, các chú trêu đùa nhau về nghề giáo viên: “Nghề bán phổi ăn dần”. Những cơn ho dữ dội của mẹ vào buổi sáng đầu đông đã làm tôi hiểu được ra sự nghiệt ngã của nghề bố mẹ chọn.
Mùa đông miền Bắc hồi đó không ấm áp như bây giờ, gió thổi ngập tràn ngoài rặng phi lao đầu trường thành những tiếng hú dài nghe rõ nhất là vào ban đêm, sáng ra nhìn trời xám xịt, nước dưới hồ trước sân trường trong đến lạ, có thể xuyên tới đáy, nhìn rõ những quả phi lao dưới mặt bùn sâu. Thò tay xuống nước như chạm phải bỏng, rụt tay lại xuýt xoa, như ngàn chiếc kim đâm vào ngón tay. Cái giá rét đến như cắt da ,cắt thịt làm cho sự đói được thể vùng vẫy trong dạ dày càng thêm dữ dội.
Mẹ chớm ho một tuần, bố không thể bỏ lớp học nghiệp vụ ngoài tỉnh, tôi quanh quẩn bên mẹ vào những buổi chiều đông khi mẹ không có giờ trên lớp. Vừa ho, vừa cầm bút soạn giáo án cho kịp giảng sáng mai, nét chữ trên cuốn giáo án như xiêu như vẹo, nét chữ như rúm vào trước mùa đông khắc nghiệt. Vài ngày sau nữa mẹ không thể ngồi dậy được nữa, nằm trên giường đắp mảnh chăn bông thời bao cấp mà người ta vẫn hay gọi tên bằng trọng lượng của nó: chăn 3 cân, 5 cân, 7 cân… Mẹ chỉ được đắp cái chăn 3 cân cũ nát, sờn cả mép ngoài. Những tiếng ho xé ruột của mẹ như quặn thắt cả gan ruột tôi. Không biết ai mách bảo, có bao nhiêu loại lá cây để uống vào cho mát là tôi đi tìm về giã để vắt nước cho mẹ uống. Cánh đồng mùa đông sau trường học lộng gió đón tôi trong bước thấp, bước cao. Một tay cầm chiếc liềm cụt mũi, rụng hết cả chấu bên dưới lưỡi, một tay cầm cái rổ tre nhỏ, tôi lần theo những bờ ruộng để đào từng bụi rau má, đầy rổ lại bước thấp bước cao vội vàng về sợ mẹ một mình ở nhà mệt quá không biết kêu ai. Hết rau má là rau sam, nhưng mùa đông những cây rau sam không lớn nổi, lá nhỏ li ti, cành khẳng khiu, bò rạp xuống mặt đất, lẫn vào trong cỏ để tránh rét, có khi cả buổi chiều mới được một bó nhỏ… Cứ thế tôi quanh quẩn bên mẹ suốt mùa đông. Còn nhớ một ngày gió về tăng cường làm nhiệt độ giảm xuống dưới 10 độ, những con cá rô ở dưới hồ nằm thẳng đơ vì chết cóng, chỉ cần thò tay hoặc mang rổ ra hớt là được, xác cá rô nổi trắng một góc hồ vì sóng đánh về. Mẹ vẫn ho khan như rút ruột, cơn lạnh thấu da thấu thịt như thêm hành hạ phổi của mẹ. Tôi cố ghìm tiếng nấc, chạy ra ngoài tựa lưng vào thành bể nước mắt ràn rụa…Bác Chung, cấp dưỡng của trường đi qua nhìn thấy kéo tôi vào lòng an ủi, vỗ về. Bác đưa tôi một chiếc chảo gang và dặn: con ra ngoài bờ mương nhặt đầy quả phi lao vào đây để bác đốt lửa sưởi cho mẹ đỡ giá.
Hình như khói hăng nồng từ quả phi lao và hơi ấm trong nhà làm mẹ đỡ ho chút ít. Suốt từ buổi ấy, mỗi buổi học về lại tôi lại lụi cụi đi nhặt quả phi lao để dành góc bếp phòng khi rét mướt đốt sưởi cho mẹ…
Năm tháng đã dần xa, không biết bao mùa đông đã đi qua cuộc đời tôi, những cơn gió buốt lạnh từ đồng thổi ào ạt vào mỗi kiếp người. Tiếng của gió u u trên cành phi lao và mùi quả hăng nồng được đốt cháy để sưởi  không làm sao  tôi quên được. Em biết là tôi thích mùa đông, em biết là tôi muốn đón những trận gió lạnh thổi lên mặt như cảm nhận một điều thiêng liêng, đó là tình mẫu tử. Người ta không thích mùa đông, nhưng riêng tôi, mùa đông đã như một mùa của sự hồi sinh, mùa của vạn vật chuẩn bị cho những gì mới lạ, hân hoan trong cuộc đời này./..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét