Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Nghề bện thừng

NGHỀ BỆN THỪNG…
Đoạn đầu: đã đôi lần tôi đưa em về làng, cái làng bé nhỏ nằm lọt thỏm giữa vùng quê đồng bằng sông Hồng, đặc điểm chung là  “chiêm khê, mùa thối” và nói ngọng lẫn giữa  “l” và  “n”, gần 30 năm trôi qua, làng tôi đã thay đổi khá nhiều, tôi kể với em như vậy. Có những đổi thay chấp nhận được, nhưng có những cái mất đi mà nuối tiếc, mà xót xa đến bàng hoàng… nhưng con người buộc phải chấp nhận. Tôi đã không thể đưa em đi trên con đê sừng sững, xanh mướt cỏ, uốn khúc theo dòng sông Hoan Ái, không thể cho em nhìn thấy cái giếng làng tròn vành vạnh nở đầy bèo ong, nước trong vắt soi bóng trời xanh, cái giếng làng có ba bậc đá nhẵn lì để các bà, các chị chiều chiều quẩy nước như đi hội, nước rơi thành vệt trên những con đường gạch xếp nghiêng, thành những con rồng ngoằn ngoèo tới tận đầu ngõ. Tôi cũng không thể đưa em tới rặng tre xanh ngắt, cong vút đầu làng, mỗi chiều hè lại xào xạc đón gió nồm,  thân cọ vào nhau kẽo kẹt như tiếng võng đưa… Tất cả giờ đã thành kỷ niệm trong sâu thẳm tâm hồn. Nhưng có một thứ làng tôi đánh mất mà chắc chẳng bao giờ lấy lại được nữa, cái nghề đã cứu cả làng qua bao cơn đói khổ, hoạn nạn, đó là cái nghề chắp thừng đay.
***
Nhà ông nội, cái sân gạch này năm xưa là chỗ quay thừng
của cả xóm, những đêm trăng sáng thật vui,
tiếng máy quay, tiếng người giục nhau í ới...nhưng giờ,
chỉ những đêm ngủ trong mơ thi thoảng mới gặp lại  
Năm 1985, cả nước lao đao vì cuộc đổi tiền có một không hai trong lịch sử. Cái đói hằn sâu trên khuôn mặt, đè nặng lên đôi vai của bao người vốn đã quá quen với nghèo khó. Nhà chỉ còn ba mẹ con, chị Yến học xong ra trường không có việc làm, bố và anh Tuấn mỗi người ở một đầu đất nước, cực chẳng đã mẹ đưa hai chị em về quê mong kiếm thêm việc gì làm để trang trải cuộc sống của một gia đình giáo viên quanh năm chỉ có phấn trắng và bảng đen với tháng lương vài chục đồng bạc.
May mắn sao quê nội có một thứ nghề mà ai thích làm cũng được, chỉ cần người nọ bảo người kia không đầy buổi là thành thạo. Nghề đó là nghề bện thừng bằng đay, dân làng tôi quen gọi là chắp thừng, thế là ba mẹ con có thêm việc làm kiếm đồng rau, đồng muối. Suốt 5 năm trời, sợi thừng mẹ chắp, chị chắp có lẽ dài hơn khoảng cách từ chỗ bố đến chỗ anh Tuấn ở …
***
Các cụ cao tuổi kể rằng, ngày xưa tướng quân Phạm Ngũ Lão người xã Phù Ủng đã truyền nghề chắp thừng cho làng Bún, ông đã ném quả thừng tới đây và từ đó dân làng học được nghề này. Khi tôi biêt, năm ấy khoảng 6 hay 7 tuổi gì đó, cả làng như một công trường chắp thừng. Từ già đến trẻ ai cũng làm được nghề này, mỗi tuổi một công đoạn, tùy theo sức của mình.
***
Làng tôi chắp thừng bằng đay, loại cây này được trồng trong vùng bãi sông Hồng Khoái Châu và Kim Động. Để có được sợi đay những người nông dân vất vả nhọc nhằn đổ cả mồ hôi và máu nữa, mùa chặt đay ngâm tước vỏ là công đoạn khổ cực nhất, các bà, các chị dùng tay trần tước, gai đay đâm nát bàn tay, bàn chân, lâu rồi thành chai cứng, mùa đông hanh khô nứt nẻ rớm máu xót đến tận đỉnh đầu. Những ao, những hồ, những mương nước đặc quánh một màu đen ngòm và bốc mùi thum thủm xa đến hàng cây số. Thế nhưng đàn bà, con gái đều phải lội xuống ngập ngang bụng để vớt đay, bệnh tật cũng từ đó mà ra nhưng vì miếng cơm manh áo cũng đành vậy.
***
4 giờ sáng làng tôi đã phải thức giấc, đàn ông chuẩn bị xe thồ từ chiều hôm trước, buộc lại lốp, tra dầu mỡ vào những cái xích đã rão nát, không phanh, không chuông, họ nhằm hướng chợ Gò, chợ Dàn, chợ Hang thẳng tiến. Tiếng chó sủa khắp làng như có trộm, quá trưa sang chiều lác đác có xe đay về đến làng, những bó đay buộc dựng đứng sau yên xe, người đi xe không có chỗ ngồi, chỉ ghé chút mông vào mỏm yên để lấy điểm tựa mà đạp, cót két, cót két lưng áo mùa đông cũng ướt đầm mồ hôi.
***
Nghề trồng đay đã cực nhọc, nghề chắp thừng cũng chẳng hơn được là bao. Để ra được sợi dây, bao nhiêu là công đoạn. Đầu tiên, người ta mang đay dìm xuống ao, ngâm cho mềm ra, sau đó vắt lên cao cho bó đay dóc hết nước. Hồi đó hàng rào nhà ông nội là rặng duối già, chi chít là cành quấn lấy nhau, chỗ ấy là ngôi nhà lý tưởng của bọn tôi trốn ngủ trưa ra mắc võng, buộc túm cành lại rồi trèo lên nằm ngắm mây, ngắm trời thỏa thích. Sau này chỗ ấy trở thành nơi phơi đay cho ráo nước trước khi đem lột mỏng ra để chắp thành thừng.
***
Làng thức dậy thật sớm, mùa đông cũng như mùa hè. 5 giờ sáng tiếng chó cắn, tiếng lợn rít trong chuồng, tiếng người gọi nhau í ới…suốt bao năm rồi những âm thanh ấy như đóng đinh vào nỗi nhớ của những người xa quê. Những đứa trẻ cùng trang lứa tôi vẫn còn say nồng trong giấc ngủ bị gọi dậy vét cơm nguội quèn quẹt trong xoong gang, ăn cùng với miếng cà nén ròn sần sật mà mặn cứng đầu lưỡi, để rồi ngồi bên máy quay thừng suốt từ sáng đến trưa chật. Cả làng thành đại công trường với những dây, rợ chăng khắp ngõ, ra tận ngoài đường. Những đêm trăng sáng, cả làng cùng thức vặn thừng, tiếng máy quay thừng lách cách, tiếng giục trẻ nhanh tay quay kẻo thừng lỏng… người già ngồi lột đay, thanh niên nam nữ, vợ chồng son trẻ sánh nhau trên đường gạch lát nghiêng vừa chắp thừng vừa râm ran chuyện trên trời, dưới biển. Mỗi một dây thừng chắp xong, người ta cuộn lại đội lên đầu trông như khăn xếp. Vui nhất là ngày cân thừng, nghe tiếng ô tô rì rì từ xa bò vào cổng làng và đỗ hẳn tại sân đình, lũ trẻ con tranh nhau chạy ra ngắm nghía, lúc đầu là đứng từ xa, không thấy chú lái xe phản ứng, chúng tiến lại gần sờ lốp, sờ đèn, có đứa tợn hơn trèo cả lên ca bin nhòm vào trong buồng lái. Những quả thừng lần lượt được khênh ra để cân, to nhất là thừng tạ, dây to như bắp tay người lớn, được gọi là chão, sau đó đến thừng cân, nhỏ hơn một chút. Cả nước dốc sức cho miền Nam đánh giặc, làng Phần Dương cũng góp phần vào công cuộc ấy bằng hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn tấn thừng, hồi đó tôi cũng chẳng hiểu người ta dùng thừng của Phần Dương để làm gì?
Năm 1985, cái đói, cái nghèo đã khiến cả nhà tôi khi đặt chân về quê để rồi biết làm cái nghề ấy, nếu không nồi cơm sẽ chẳng cho ba mẹ con tôi đủ no suốt những năm tháng khốn khổ ấy.
Nghề thừng như một cứu cánh cho người làng tôi suốt mấy chục năm trời, quanh năm suốt tháng cả làng đều bận, chẳng có ai lấy một buổi rảnh rỗi để nghỉ ngơi, trẻ làng ngoan hiền, lễ phép. Người lớn chịu thương chịu khó…. Thế mà chỉ sau 5 năm, cái nghề thân thương ấy tự dưng biến mất khỏi làng, hỏi ra mới biết có rất nhiều nguyên nhân, đó là do người ta dùng máy bơm nước cho đồng ruộng, gầu dai, gầu sòng cho lên gác bếp chẳng ai còn sờ đến nữa, dây thừng cũng không cần để làm gì, nông dân không gánh gồng bằng quang gánh. Xe thồ, công nông đã thay đôi vai gầy guộc của họ… nhưng công nghệ dây sản xuất bằng ni lông mới là nguyên nhân chính đánh gục hẳn nghề làm thừng của làng tôi.
Đoạn cuối: Tôi đưa em về làng không còn cảnh dây chăng như mắc cửi, không còn tiếng giục nhau í ới… làng đã khác xưa thật nhiều, thanh niên giờ mải chơi vì chẳng có việc gì để làm, tóc nhuộm xanh đỏ chở nhau vun vút bằng xe máy Trung Quốc trên đường làng, nói tục tĩu và cười to hơn ngày xưa. Tôi tiếc cái nghề của làng tôi trong những đêm trăng hiếm hoi thanh bình chỉ nghe tiếng xạc xào trên tàu cau già trước sân./..




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét