Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Nước mắt

Em bước vào đời tôi, nhanh hơn cả ráng hoàng hôn chiếu qua khe cửa khép hờ. Nhưng nỗi nhớ thương thì đằng đẵng trong tôi cả những giấc ngủ, những lúc gần bên em hay xa nhau hàng nghìn cây số. Nhớ em nhiều quá đến nỗi ứa cả nước mắt trong những chiều buồn.
Bố bảo: “ Con trai ai lại khóc ra nước mắt, nếu có phải nuốt ngược vào trong”.
Thầy giáo dạy triết nói: “ Nước mắt là một dạng của vật chất…”
Tôi nghĩ nước mắt là do ông trời ban phát cho con người, nó giúp làm dịu đi bao nỗi đớn đau, thăng hoa trong niềm hạnh phúc mà con người nếm trải trong cõi đời này.
Con trẻ khi mới sinh ra, có đứa nào không khóc đâu, mà chẳng may không chịu khóc lúc lọt lòng mẹ thì bà Mụ cũng phát vào đít cho bằng khóc thì thôi. Nhưng sao không phải là nụ cười chào đời? Tôi hỏi mẹ, mẹ nhìn bố. tôi thấy họ bối rối nhìn nhau.
Khi lớn lên rồi tôi cũng chẳng hiểu vì sao có điều như vậy, nhưng nước mắt thì tôi nhìn thấy nhiều lắm, của chính tôi và bao người khác nữa, một phát hiện rất sơ đẳng là nước mắt có vị mặn chứ không phải ngọt như ngày bé tôi nghĩ.
Em ngước lên nhìn bầu trời đêm mùa thu, một vầng trăng non đầu tháng chênh chếch, sao thưa thớt quá, sáng nhất là ngôi sao hôm đang vội chìm dần cuối trời để kịp thành sao mai buổi sớm hôm sau. Trăng đấy thương yêu, chỉ của hai chúng mình nghe em, để khi xa nhau em hãy hình dung đó là giọt nước mắt thương nhớ của anh, của em. Tôi không biết nước mắt của em và tôi, ai mặn hơn ai? dù nước mắt của em tôi đã uống đôi lần.
Mẹ bảo: Nước mắt của con gái có thể làm tăng thêm sức mạnh cho người con trai, nhưng cũng có khi làm cho người con trai chết đuối bởi giọt nước ấy. Tôi lờ mờ hiểu.
Chị lấy chồng ngày ấy, đám cưới ở quê rất đông trẻ con, chẳng có nhiều đặc sản như bây giờ. Người ta uống rượu trắng trong chai nút lá chuối, thịt lợn luộc thái trắng phau bày lên đĩa sành. Thuốc lá rẻ tiền và trầu cau quyện với nhau thành thứ mùi đặc trưng thời bao cấp. Tôi thấy chị vào buồng lén rút khăn tay lau trộm mẹ nước mắt. Mẹ bắt gặp chị và đứng nhìn, hai tay buông thõng rồi mắt cũng ầng ậng nước.
Ngày ấy anh chót đam mê nghiệp văn chương đến nỗi giấu mẹ để trốn học để đi bộ đội. Mấy năm sau về phép, gày gò và đen sạm, nhưng những câu chuyện miền biên giới xa tít mù tắp tôi nghe mãi chả thấy chán. Đó là những đỉnh núi chọc trời quanh năm mây phủ, những con ngựa biết cõng chủ của mình say khướt trên lưng từ chợ về đến nhà. “ Anh có bao giờ khóc vì nhớ nhà không?”- “ Cái thằng này, con trai ai lại khóc, mà tao lại là bộ đội canh giữ  biên giới, bộ đội là không bao giờ được khóc.” Chẳng biết anh nói thật , tôi  nghĩ: thế ngày xưa bố ngủ trong rừng Trường Sơn không biết có khóc vì nhớ bà không?”
Hết phép,mẹ đưa anh nắm cơm và mấy chục nghìn tiền lẻ dặn dò phải biết  giứ sức khỏe vì trên ấy rừng thiêng nước độc và rất nhiều muỗi sốt rét. Mắt anh đỏ hoe, mẹ thì rút khăn lau mặt liên tục. Chị quay đi chỗ khác còn bố với chiếc radio mở bản tin nghe tình hình chiến sự biên giới.
Ngày ông nội mất, tôi nhận được tin muộn nhất vì thuê nhà ở chỗ không có điện thoại công cộng, tất tả đạp xe từ trên trường về, rạp đã bắc kín cái sân gạch cổ, họ hàng chen nhau mỗi người một việc, tôi quẳng túi xuống đầu hè, gạt người chạy thốc vào trong giường ông vẫn nằm hàng ngày. Bác, bố, cô, chú đang đứng quanh ông, thân hình gày chỉ còn da bọc xương đã được bó gọn trong bộ quần áo trắng toát, ông nằm như ngủ rất say, cứ ngỡ ngày nào tôi còn bên ông, buổi sáng thường tha thẩn theo ông đi khắp làng mỏi  rũ chân, về đến nhà nằm dài trên chiếc phản gỗ sung đã mọt chân phải buộc tạm bằng dây thừng cho khỏi đổ, chờ ông nấu cơm xong gọi dậy cho ăn…ông ơi, ông ơi…tôi đứng như chết lặng bên đầu giường. Giờ khâm liệm đã đến, mọi người khiêng ông đặt vào áo quan, bố nấc lên từng tiếng tôi nghe như thắt ruột, thắt gan, và lần đầu tiên tôi thấy bố khóc…
Buổi chia ly, tôi giã từ nơi mà mình đã gắn bó với nghề gần chục năm, em ở lại chốn cũ. Tôi nắm chặt lấy bàn tay em, lòng trào dâng một nỗi buồn mênh mang, đừng khóc nữa em, bởi tôi cũng đang muốn khóc. Sao em không giữ tôi ở lại bên em? Sao em không nói thật nhiều cho tôi vơi đi nỗi buồn thương, cảm giác như tủi thân, như muốn dỗi hờn thời con trẻ.
Bà bảo tháng bảy mưa ngâu, Ngưu Lang- Chức Nữ gặp nhau và khóc, nước mắt chảy thành sông, thành suối và mặn như nước biển. Và tháng bảy mưa ngâu, để mặc cho mưa rơi tôi ôm em thật chặt trong lòng như chỉ sợ em vụt biến mất khỏi vòng tay tôi, cuộc đời tôi. Nước mưa, nước mắt vì thương nhớ của tôi và em đang hòa vào nhau, những giọt nhớ thương sẽ luôn bên tôi và em bởi tôi biết, tôi yêu thương em đến nhường nào, em là gì của tôi trong cuộc đời này…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét