Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

Người “ mẹ hiền” nơi đảo xa

25 năm bám đảo trị bệnh cứu người, bác sỹ Bùi Đình Lĩnh, Giám đốc Bệnh viện quân- dân y huyện đảo Phú Quí, tỉnh Bình Thuận được người dân và chiến sỹ nơi đây tin yêu, kính trọng như một người ruột thịt trong gia đình. Có được tình cảm ấy chính là bởi bác sỹ Bùi Đình Lĩnh đã luôn khắc ghi trong tâm lời dạy của Bác- Lương y như mẹ hiền.

Rời xa quê lúa

Phú Quí bình yên
Gặp thạc sỹ- bác sỹ Bùi Đình Lĩnh vào một ngày giữa tuần tại Bệnh viện quân- dân y Phú Quí, biết ông rất bận, bởi lịch làm việc của ông dày đặc, kín cả tấm bảng trắng treo trên góc phòng làm việc nên tôi chỉ xin phép được hỏi chuyện của ông trong khoảng 30 phút. Tôi không bất ngờ với dáng người chắc đậm và khuôn mặt hiền khô của ông, vì trước khi tới đây, anh bạn bên báo Thanh Niên đã kể sơ qua về ông cho tôi nghe. Nhưng điều bất ngờ là căn phòng làm việc của vị Giám đốc quá sơ sài, giản dị đến mức không thể được hơn nữa. Chiếc bàn làm việc chắc có lẽ theo ông hàng chục năm và được “gia cố” nhiều lần. Cả chiếc bàn tiếp khách của ông cũng vậy, tôi có cảm tưởng động khẽ vào nó sẽ rụng mất chân ra khỏi mặt. Điều bất ngờ hơn cả là cuốn giáo trình y học và từ điển Anh- Việt dày cộp nặng cỡ cả ki lô gam đang được đặt trước mặt ông. “Đó là thói quen tự nghiên cứu, tôi đang đợi cậu nên tranh thủ đọc một chút”, bác sỹ Lĩnh vui vẻ nói. Một không khí ấm cúng và thân mật trong câu chuyện giữa ông và tôi. Hất nhẹ mái tóc đã pha chút điểm bạc qua bên trán, gỡ chiếc kính lão đặt xuống bàn, bác sỹ Lĩnh chậm rãi với câu chuyện của ông cách đây đã 25 năm.
Sinh năm Mậu Tuất, 1958. Năm 1984, bác sỹ Lĩnh tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình. Háo hức được ra trường làm cái nghề mà mình lựa chọn, năm 1986, bác sỹ Bùi Đình Lĩnh tạm biệt quê lúa Thái Bình lên đường vào Thuận Hải công tác( khi đó Thuận Hải chưa tách thành Ninh Thuận, Bình Thuận như hiện nay), tới nơi, chàng sinh viên 26 tuổi được phân công tiếp ra đảo Phú Quí phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân và chiến sỹ nơi này. Nhấp một ngụm nước trắng nhỏ, bác sỹ Lĩnh như nhớ lại cái ngày mới đặt chân ra đảo. Ông kể, sau gần 60 hải lý, con tàu đưa bác sỹ cặp đảo Phú Quí, trước mắt ông tất cả đều như hoang sơ, vắng lặng. Những ngày đầu sống trên đảo không quen, nỗi buồn, nhớ lúc nào cũng dâng ngập trong lòng và nhất là về đêm. Chỉ có sóng biển, sao trời, rồi những đêm mưa giông thì cả một trời đen kịt vần vũ như muốn nuốt chửng lấy đảo. Nỗi cô đơn, nhớ nhà, nhớ người thân dội lên trong lòng khiến chàng sinh viên y khoa nhiều lúc tưởng như không chịu nổi. Nhưng có một nỗi nhớ khôn cùng lúc nào cũng canh cánh trong lòng bác sỹ Lĩnh, đó là nỗi nhớ  người vợ trẻ thân thương đang ở quê nhà, đang cách xa ông cả nghìn cây số. Nhưng rồi công việc đã giúp bác sỹ vượt qua được những day dứt, lo lắng của đời thường. Bác sỹ Lĩnh cho biết, ngày ấy, cũng như các cơ quan khác trên đảo, cơ sở vật chất của bệnh viện quá nghèo nàn, chỉ có hai dãy nhà cấp bốn để điều trị. Cả bệnh viện có một bác sỹ. Năm 1987, khi bác sỹ Lĩnh lên làm Giám đốc thì có thêm một bác sỹ nữa về tăng cường, tuy nhiên khó khăn vẫn chồng chất khó khăn cả về con người cũng như trang thiết bị y tế. 25 năm trên đảo, người thầy thuốc của bà con đảo xa đã làm được rất nhiều việc tưởng chừng không thể qua nổi. Vượt lên hoàn cảnh khó khăn, dù bận công việc quản lý và chuyên môn, bác sỹ Bùi Đình Lĩnh với cương vị Giám đốc bệnh viện vẫn tự mình miệt mài nghiên cứu tự học tiếng Anh và ông đã bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ. Hiện nay, bác sỹ Lĩnh có thể giao tiếp, dịch và nghiên cứu tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh.

Những kỷ niệm khó quên của nghiệp cứu người trị bệnh

Con gái Phú Quí gì mà sinh thế!!!
                                                             

Những người cao tuổi ở đảo Phú Quí khi nhớ lại thời trước cách đây trên ba mươi năm vẫn không khỏi hãi hùng mỗi khi gia đình ai có người bị trọng bệnh. Thời đó, các ca cấp cứu đều phải chuyển vào đất liền bằng tàu. Sóng yên biển lặng còn đỡ, sóng lớn thì cả người khỏe, người yếu vào được đến đất liền không còn nhận ra ai là người bệnh nữa vì sóng dập, sóng vùi cho người phờ phạc, kiệt sức. Nhưng đấy là vẫn còn may, bởi ca cấp cứu nào mà gặp giông bão thì coi như cầm chắc cái chết, chẳng tàu thuyền nào có thể vượt biển về đất liền được. Khi tôi ra đảo, chứng kiến nỗi khó khăn vất vả của người dân, cũng như anh em chiến sỹ nơi đây mỗi khi gặp bệnh tật, bằng lòng quyết tâm, tôi tìm mọi cách để xử lý những ca phức tạp cho bệnh nhân, Bác sỹ Lĩnh tâm sự. Ông nhớ như in ca mổ đầu tiên được thực hiện trên đảo vào năm 1987. Đó là trường hợp của ngư dân Nguyễn Mọi quê ở xã Long Hải. Ngư dân này đang đi đánh bắt cá ở ngoài khơi xa thì bị đau bụng. Tàu chở ông Mọi chạy về đảo cấp cứu mất hai chục ngày, chuyển bệnh nhân vào nhập viện, bác sỹ Lĩnh chẩn đoán bị đau ruột thừa, tuy nhiên do để quá lâu nên đã bị vỡ, không thể để thêm lâu được nữa, sau khi hội ý với đồng nghiệp xong, bác sỹ Lĩnh quyết định mổ tại bệnh viện của đảo. Ca mổ đầu tiên vào ban đêm phải thắp bằng đèn măng xông vì đảo chưa có điện và lấy bàn sinh ra làm bàn mổ. Do để lâu nên ruột vỡ và bị nhiễm trùng nên bệnh nhân Mọi phải cắt ruột. Kíp mổ do bác sỹ Lĩnh chỉ huy và hai kỹ thuật viên hỗ trợ đã thành công, sau hơn một tuần bệnh nhân đã dần hồi phục sức khỏe. Bác sỹ Lĩnh và đồng nghiệp đã cứu người ngư dân thoát khỏi tay tử thần như trong một câu chuyện cổ tích. Ông Nguyễn Mọi giờ đã 77 tuổi và vẫn sống khỏe mạnh tại đảo Phú Quí. Còn khá nhiều trường hợp phải mổ cấp cứu tại đảo do thời tiết và điều kiện vận chuyển không cho phép chuyển bệnh nhân vào bờ. Đây là những lần đối diện với những giây phút quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời làm nghề cứu người của bác sỹ Lĩnh và đồng nghiệp để giành giật mạng sống của bà con thoát khỏi bàn tay tử thần. Trên đảo ngày xưa nghèo, phương tiện đi lại không có mấy, chỉ có xe đạp. Ngày ngày, người ta thấy bác sỹ Lĩnh rong ruổi trên chiếc xe đạp đi thăm bà con trên đảo, lâu dần thành hình ảnh quá đỗi quen thuộc. Mấy chục năm đã qua, Phú Quí giờ có ô tô, xe máy chạy rất nhiều, nhưng bác sỹ Lĩnh vẫn đạp chiếc xe đạp thuở nào mỗi khi có việc hoặc đi thăm bà con, ở đảo này, nơi xa nhất phải đạp xe tới 9 cây số. Ông là người duy nhất trên đảo đi  xe đạp vì không dùng xe máy. Tuy nhiên, trong những tình huống khẩn cấp, người ta lại thấy bác sỹ, Giám đốc bệnh viện lái xe cứu thương chở bệnh nhân đi cấp cứu. Được hỏi vì sao lại vậy, ông nói: Những lúc ấy, anh em lái xe đã về nghỉ, nếu chờ lái xe đến thì sẽ rất nguy cho bệnh nhân, chi bằng mình lên lái xe luôn, sớm giây nào càng đỡ nguy hiểm cho người bệnh giây đó, bởi tôi cũng có bằng lái xe mà!

Ba lần quyết định ở lại với đảo

Người" mẹ hiền" của đảo
“Tôi lấy vợ năm 23 tuổi, kể cũng hơi sớm. Nhưng hồi ấy ngoài Thái Bình quê tôi, tầm tuổi đó nhiều anh đã có con lớn cả rồi”. Bác sỹ Lĩnh cười rất hiền kể lại. Năm đó là năm 1981, cưới vợ sau 5 năm thì ra đảo. Tưởng ra một thời gian, xong nhiệm vụ sẽ được về bên nhau, nhưng rồi cứ năm này qua năm khác, đến bây giờ đã là 25 năm, vợ chồng bác sỹ Lĩnh vẫn như Ngưu Lang- Chức Nữ, hàng năm chỉ được gặp nhau một lần, họ chỉ khác là không gặp nhau vào tháng bảy mưa Ngâu mà là gặp nhau mỗi khi xuân về, anh được bên vợ và các con trong một tháng trời để đón năm mới, nhưng cũng nhiều cái tết, bác sỹ Lĩnh ở lại cùng với bà con trên đảo. 25 năm qua, người vợ thủy chung của bác sỹ Bùi Đình Lĩnh vẫn ở tại xã Vũ Lễ, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, từng ấy thời gian làm hậu phương vững chắc, nuôi dạy hai con trưởng thành, đều tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm để bác sỹ Lĩnh yên tâm công tác ngoài đảo xa, chăm lo sức khỏe cho người dân và chiến sỹ nơi đây. Có những năm, bác sỹ bận quá, không về thăm nhà được, người vợ tần tảo, thủy chung của ông lại lặn lội từ Thái Bình vào Nam rồi ra đảo thăm chồng. Dù xa cách, nhưng hạnh phúc luôn tràn ngập với họ, bởi gia đình ông luôn thuận hòa, đầm ấm. Càng hạnh phúc hơn, bác sỹ Lĩnh đã được lên chức ông nội được ba năm nay.
“ Bác sỹ đã bao giờ có ý định rời đảo về đất liền chưa?”, ông với tay lấy cuốn sổ giở ra xem một cái gì đó như thói quen rồi trả lời: “có chứ, con người chứ đâu phải sắt đá”. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê luôn day dứt trong lòng, bác sỹ Lĩnh cũng đã nghĩ đến ngày chia tay đảo, chia tay bà con nơi đây để trở về đất liền sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Đó là năm 1989, sau khi đến hạn được trở về đất liền, nghe tin bác sỹ chia tay bệnh viện, chia tay đảo, nhân dân đã đến thuyết phục ông ở lại, vì tất cả tin tưởng tuyệt đối vào tài cứu chữa của bác sỹ cũng như tinh thần trách nhiệm của ông với người bệnh. Không nỡ lòng rời xa bà con, bác sỹ Lĩnh đã tình nguyện ở lại. Lần thứ hai cũng vậy, bà con níu kéo ông ở lại với đảo, không muốn cho ông về, xiêu lòng trước tình cảm của họ, bác sỹ Lĩnh tiếp tục ở lại với Phú Quí. Lần gần đây nhất, vào năm 2005, khi bác sỹ Lĩnh học xong cao học, cũng là gần 20 năm gắn bó với đảo, một lần nữa ông được ngành quyết định cho về đất liền. Khi nghe tin này, những người dân ở đảo đã viết một lá thư dài 10 trang giấy khổ A4 để mời ông ở lại, đọc xong lá thư, bác sỹ Lĩnh biết là mình còn rất nặng tình, nặng nghĩa với bà con nơi đây. Quyết định ở lại đảo lần thứ ba của bác sỹ Lĩnh đã nói lên tất cả tinh thần vì dân phục vụ của người thầy thuốc có tấm lòng nhân ái. Ông tâm sự, nếu mình về, không thể yên tâm được vì rất nhiều người cần đến mình và sẽ tình nguyện ở lại đảo cho tới khi nghỉ hưu mới tạm biệt nơi đây. Có một điều đáng lẽ tôi không nên hỏi ông, nhưng vì muốn biết thêm về cuộc sống của những người tình nguyện ở lại đảo, tôi đã buột miệng hỏi về thu nhập. Ông lại cười hiền khô và rất thật: mình giờ được khoảng 8 triệu một tháng. Sau câu trả lời của ông tôi như hiểu ra, rằng giữa biển khơi mênh mông chỉ có sóng và gió quanh năm, cách đất liền đến cả trăm cây số, nơi đây đã có những con người như ông, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc lớn lao mà không cần đòi hỏi bất cứ thứ gì, bởi với ông, một tâm hồn thanh khiết của người thầy thuốc là điều quí giá nhất trên cuộc đời này.
Còn giờ đây, có lẽ, một niềm vui, hạnh phúc lớn nhất của ông là sau bao năm mong ước, bác sỹ Lĩnh và đồng nghiệp chuẩn bị được dọn về cơ sở y tế mới được đầu tư xây dựng khang trang, có đầy đủ các phòng kỹ thuật X-quang, siêu âm, phẫu thuật..., với cơ sở, trang thiết bị mới, nhân dân và chiến sỹ trên đảo sẽ được chăm sóc sức khỏe chu đáo hơn, tốt hơn. Họ, những người ngày đêm bám biển, bám đảo sẽ càng yên tâm hơn, bảo vệ vững chắc chủ quyền thân yêu của tổ quốc, bởi họ biết, đằng sau mình còn có những người với nghị lực phi thường, tận tụy với nghề như bác sỹ Bùi Đình Lĩnh, người thầy thuốc như mẹ hiền giữa ngàn trùng khơi ./..   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét