Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

Nhiệt liệt chào mừng đồng chí Thùy Dương tròn 10 năm

Thế là đã 10 năm, đồng chí nhớn nhà mình bước vào lớp năm.
Nhân dịp sinh nhật đồng chí, mình bèn tặng đồng chí dững hình ảnh không mang tính chất báo chí, ngày còn ở ngoài Bắc.

Thích đọc truyện phết

Mẹ và con

Buồn thiu trước ao nhà


Hướng dẫn viên du lịch cho Bảo

Đôi bạn


Ôm My thối ở Long Khánh

Thả diều


Hai chị em trong sân nhà ông nội (Hưng Yên)

Cười tí

Nhân sự kiện đọc được cái tin bàn giao máy tiêm thuốc độc dành cho án tử hình trên báo công an nhân dân, có một mẩu ngắn về cái sự chết chóc này:
Đầu óc kỹ sư

Thời kỳ cách mạng Pháp, một kỹ sư, một luật sư và một thầy tu bị đem ra xử trảm. Bước ra đoạn đầu đài, họ được lựa chọn nằm ngửa hoặc nằm sấp tuỳ ý khi đưa đầu vào máy chém.
Thầy tu nói:
- Tôi sẽ ngửa mặt lên nhìn trời vì Chúa ngự trên đó và tôi có thể nhìn thấy Người trên đường tới thiên đàng.
Dứt lời, ông đường hoàng bước tới, đưa đầu vào máy chém. Đao phủ thả lưỡi dao và nó lao xuống cách cần cổ của ông thầy tu vài đốt tay thì dừng lại. Cho rằng đức tin của ông đã làm cảm động cả trời đất, đao phủ trả tự do cho ông ta.
Đến lượt ông luật sư bước lên đoạn đầu đài. Ông nghĩ thầm: “Nếu vị tu sĩ kia may mắn nhờ ngửa mặt lên trời, biết đâu mình cũng vậy” và chọn được chặt đầu trong thế nằm ngửa.
Y như lần trước, lưỡi dao lại hạ xuống cách cần cổ ông luật sư vài đốt tay. Ông kêu lên:
- Các người không thể hành quyết ta hai lần vì một tội danh được.
Thế là ông được tha chết.
Đến lượt người kỹ sư, khi đưa đầu vào máy chém, ông cũng chọn tư thế nằm ngửa và không ngừng suy nghĩ về điều kỳ diệu vừa xảy ra. Chợt nhận ra điều gì, ông la lớn:
- Chờ chút đã! Nếu mấy người đổi chỗ sợi dây xanh và sợi dây đỏ cho nhau, lưỡi dao sẽ không bị kẹt nữa./..

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

Buồn như sư chửa

Chuyện về sư thời nay mình đã nghe nhiều, dưng mà chứng kiến thì ít, thế giới sư cũng phong phú, đa dạng, lắm nỗi truân chuyên. Ở xứ mình, chùa nhều, đâu cũng có, xã mình nhỏ xíu mà cũng có đến ba bốn cái chùa, trung bình mỗi làng một.
Về chất lượng của sư thì nghe bàn thảo đã lắm, có ông thế này, có ông thế kia...có sư học cao đỗ đạt, hệ chính qui, có sư vì bận việc, đi tu xong mới đi học nên phải đi học tại chức.
Mình nghĩ, thì cũng khác gì quan chức địa phương xứ mình, tuyền đi làm giữ chỗ xong mới đi học, nên tại chức là khóa tu nghiệp hữu hiệu nhất cho mấy bác này.
Thăm kha khá chùa, mình rút ra một nhận xét, hầu như sư trụ trì chùa nào cũng thích treo ảnh chụp với quan chức, càng quan chức cấp nhớn càng oách, thể hiện bản lĩnh, phong độ.
Ngày còn ở quê, mình vào chùa Đại Đồng- Văn Lâm, thấy ông thích gì đó chụp ảnh cùng nguyên Bộ trưởng Ngoại giao trên Tam Đảo, bức ảnh phóng to cỡ bằng cái chiếu một treo tại phòng khách của chùa, đến kinh!
Có ông, trong chùa đầy ảnh chụp cùng Nguyên thủ, còn quan hàng tỉnh, hàng huyện là muỗi, không xếp thứ hạng.
Hôm trước, mình đi 49 ngày thằng em con cô, vì hôm hỏa táng, tang gia bấn loạn, gia đình nghe mách nên lấy cốt của nó đem gửi vào một ngôi chùa cách nhà chừng gần chục cây, đường sá khấp khổm, heo hút.
Sau này tĩnh lại, cô chú tìm được một ngôi chùa to đẹp ngay sát nhà nên đã xin cho nó về ở đây.
Hôm 49 ngày, cả nhà đi đón nó từ chùa cũ về chùa mới.
Làm lễ ở nơi cũ xong, cả đoàn lên xe, người ôm cốt, người ôm bát hương, người ôm ảnh rồng rắn di chuyển về chùa mới có tên Mục Đồng.
Sau khi yên vị nó ở một vị trí khá khang trang, ông sư chùa này ra làm lễ. Khi cầm miếng vải màu vàng, trên đó chi chít chữ loằng ngoằng, mình thấy vị này đọc khá to, tự tin.
Phục sát đất vì trình độ nội ngữ của thầy, ông này sinh năm 78, trẻ tươi nguyên.
Tuy nhiên chỉ lúc sau, thấy thầy ngắc ngứ, hóa ra tên của nó thầy không dịch được.
Bố nó đằng sau liền nhắc, cháu tên Nguyễn Ngọc Quynh.
Thầy lại xướng rõ to và lầm rầm tiếp.
Lại ngắc ngứ... toát bồ hôi, thầy hỏi mất ngày nào?
Nhà lại nhắc ngày mất của nó.
Mình nghĩ trong cái mảnh vải vàng như áo cà sa của sư ấy, có lẽ đã ghi hết thông tin của nó rồi, chỉ có điều thầy học chưa hết chữ nên không dịch ra thôi. Có khi học tại chức Phật giáo cũng nên.
Có đận đi chơi cùng cô em làm bác sỹ ở Hưng Yên vào Vũng Tàu. Đang đủ thứ chuyện trên đời, nó quay sang hỏi mình:
- Anh có biết ông sư trụ trì chùa Chuông không?
Mình bẩu có nghe tên hồi ngoài đó.
Nó cười như một đứa lên cơn, đưa cho mình xem cái tin nhắn rồi giải thích, sư nhắn cho em đấy, sư giai đàng hoàng...
Mình cầm máy, đọc tin mà ôm bụng cười, đai loại là: " Chúc một năm mới an lành, thịnh vượng, em đang ở đâu? Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn, cảm thông được nỗi vắng xa người thương..." hahaha...mình cười đứt ruột mất...
Ngày ở quê, mình hay xuống làng An Khải xã bên chơi, ở đó có một bà bác ngày xưa làm cấp dưỡng cho trường bố mẹ mình dạy học. Bác là vợ liệt sỹ, chỉ có độc nhất một anh con trai tên là Kiên, Đặng Công Kiên.
Mấy lần mình xuống chỉ gặp bác ở nhà, hỏi anh Kiên đâu, bác đáp;
- Cái tiên nhân nhà nó, suốt ngày ở chùa, không đoái hoài gì nhà cửa.
Rồi bác kể, hai tháng nay, có một sư nữ ở mạn trong Hưng Yên về chùa này xin trụ trì, vì chùa An Khải chưa có sư nên các cụ đồng ý, dưng mà từ ngày sư về, đám thanh niên làng hay vào chùa chơi với sư lắm, có hôm sư tiếp khách đến khuya.
Hỏi ra, mình mới biết sư này là sư nữ, tuổi chỉ băm, nói chung là trắng trẻo, trẻ trung, xinh tươi. Từ ngày có sư về, bao thanh niên làng chết mê, chết mệt, chỉ thích lên chùa, trong đó có ông anh con bác mình.
Bẵng đi một thời gian, mình ghé qua nhà bác, gặp ông anh đang nằm vắt vẻo trên võng đọc kinh, lạ kinh!
Bác giải thích, làng thấy sư đàn đúm với thanh niên khỏe quá, báo cáo lên xã, lên huyện rồi đuổi sư đó đi rồi, khiếp quá. Thằng anh mày từ ngày sư đi đâm đổ đốn, suốt ngày kinh kệ, giờ còn đi hầu đồng, hầu bóng chẳng thiết tha làm ăn gì cả đây này. Hình như nó yêu sư, tao thấy mấy bà ở gần chùa bảo thế.
!!!

Cái sự ngu

Mình học luật, ra trường đã hơn chục năm, dưng mà bố khỉ, chưa bao giờ sử dụng đến cái nghề mà mình được đào tạo trong trường. Không động đến nó, quên dần và quên tiệt...vả lại ngày xưa học cũng có đến đầu đến đít đâu mà nó ra sao, dưng mà mang tiếng kinh. Nhất là giờ sểnh tí là kiện cáo nhau, con kiện bố mẹ, vợ kiện chồng...đang yêu đương nhau thắm thiết, tưởng có thể cho nhau cả bầu trời đầy sao, cả biển cả bao la mênh mông sóng vỗ...ấy thế mà chỉ vì cái sự tức giận nhau nho nhỏ như con thỏ chạy trên cánh đồng không có cỏ thôi mà giai thanh, gái lịch nỡ đem nhau ra tòa chia từ cái kim, sợi chỉ chia đi.
Mấy lần về quê, mình bị tra tấn về ba cái vụ ly hôn chia tài sản mà toát bồ hôi hột, gớm nào mình đã tham gia một ngày làm luật cho cam, nên mấy cái vụ đó rất kinh hãi, sau này tuyền đất đai phang vào đầu, bí quá mình nói liều, ối giời ơi, văn bản về luật của mình nó sản xuất ra nhều lắm, cập nhật không tài nào kịp đâu, từ tinh mơ mắt đến lúc đi ngủ không biết bao nhiêu chỉ thị, thông tư, nghị định hướng dẫn luật ra đời nên bó tay chấm cơm thôi...
Hôm trước con cháu hỏi: Thừa phát lại là gì?
Mình ớ người ra.
Nó bẩu: Sao nói cậu học luật mà thế?
Mình chẳng biết giả nhời sao.
Thôi thì tìm được sự giải thích này tương lên đây cho nó đọc vậy.
Mấy lại, theo như cái sự giải thích của mấy ông này thì hoạt động thừa phát lại tuy thực chất đã có tại miền Nam trước năm 1975, nhưng nay có thể xem là một hoạt động còn rất mới mẻ tại Việt Nam, có ý nghĩa xã hội hóa thêm một phần trong lĩnh vực tư pháp, vốn đang ở tình trạng quá tải và kém hiệu quả...thế nên mình không biết âu cũng là nhẽ thường.
***

Thừa phát lại và Văn phòng thừa phát lại

Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và một số công việc khác.

Thừa phát lại được làm những công việc sau :

1. Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự.

2. Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

3. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.

4. Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.

Khi thực hiện công việc về thi hành án dân sự, Thừa phát lại có quyền như Chấp hành viên – trừ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và mọi cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của Thừa phát lại theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối trái pháp luật yêu cầu của Thừa phát lại thì phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại nếu có.

Chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại phải được ghi nhận trong hợp đồng giữa văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu ( một dạng hợp đồng dịch vụ).

Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại. Tên gọi văn phòng Thừa phát lại phải bao gồm cụm từ “Văn phòng Thừa phát lại” và phần tên riêng liền sau. Người đứng đầu Văn phòng Thừa phát lại phải là Thừa phát lại và là người đại diện theo pháp luật của văn phòng Thừa phát lại.

Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính.

Thủ tục thực hiện công việc của Thừa phát lại

1. Tống đạt văn bản của cơ quan thi hành án dân sự và tòa án

Tống đạt là việc thông báo, giao nhận các văn bản của Tòa án và Cơ quan thi hành án dân sự do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật.

Văn phòng Thừa phát lại được quyền thỏa thuận để tống đạt các văn bản của Cơ quan thi hành án dân sự và Tòa án tại thành phố Hồ Chí Minh và ngoài địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Về thủ tục tống đạt : Trưởng văn phòng Thừa phát lại có thể giao thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại thực hiện việc tống đạt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận việc tống đạt phải do chính Thừa phát lại thực hiện.

Thủ tục thực hiện việc thông báo về thi hành án dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Thủ tục thực hiện việc tống đạt văn bản của Tòa án thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng.

Văn phòng Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm trước Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự về việc tống đạt thiếu chính xác, không đúng thủ tục, đúng thời hạn của mình; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thưởng theo quy định.

2. Lập vi bằng

Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.

Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự trừ các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng, đời tư, đạo đức xã hội và các trường hợp pháp luật cấm.

Về thủ tục lập vi bằng : Việc lập vi bằng phải do chính Thừa phát lại thực hiện. Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại có thể giúp Thừa phát lại thực hiện việc lập vi bằng, nhưng Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm về vi bằng do mình thực hiện.

Vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến; việc ghi nhận phải khách quan, trung thực. Trong trường hợp cần thiết Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng.

Vi bằng lập thành 03 bản chính: 01 bản giao người yêu cầu; 01 bản gửi Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh để đăng ký trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày lập vi bằng; 01 bản lưu trữ tại văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về chế độ lưu trữ đối với văn bản công chứng.

Nội dung chủ yếu của vi bằng có các nội dung chủ yếu sau:

a) Tên, địa chỉ văn phòng Thừa phát lại; họ, tên Thừa phát lại lập vi bằng;

b) Địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm lập vi bằng;

c) Người tham gia khác (nếu có);

d) Họ, tên, địa chỉ người yêu cầu lập vi bằng và nội dung yêu cầu lập vi bằng;

đ) Nội dung cụ thể của sự kiện, hành vi được ghi nhận;

e) Lời cam đoan của Thừa phát lại về tính trung thực và khách quan trong việc lập vi bằng;

g) Chữ ký của Thừa phát lại lập vi bằng và đóng dấu văn phòng Thừa phát lại, chữ ký của những người tham gia, chứng kiến (nếu có) và có thể có chữ ký của những người có hành vi bị lập vi bằng.

Kèm theo vi bằng có thể có hình ảnh, băng hình và các tài liệu chứng minh khác.

Vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án, là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Cá nhân, tổ chức muốn lập vi bằng phải thỏa thuận với Trưởng văn phòng Thừa phát lại về việc lập vi bằng, gồm các vấn đề chính như : Nội dung cần lập vi bằng; Chi phí lập vi bằng. .. Việc thỏa thuận lập vi bằng được lập thành văn bản.

3. Xác minh điều kiện thi hành án dân sự

Thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án liên quan đến việc thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự tại thành phố Hồ Chí Minh. Khi thực hiện, Thừa phát lại có quyền xác minh ngoài địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong trường hợp đương sự cư trú, có tài sản hay có điều kiện thi hành án ngoài địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Về thủ tục, việc xác minh điều kiện thi hành án được tiến hành bằng văn bản yêu cầu hoặc trực tiếp xác minh. Khi trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án của đương sự, Thừa phát lại phải lập biên bản.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện yêu cầu của Thừa phát lại và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đã cung cấp.

Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời cơ quan chuyên môn hoặc chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh. Các quy định khác về thủ tục xác minh điều kiện thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án.

Người được thi hành án có quyền dùng kết quả xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại để yêu cầu thi hành án. Cơ quan thi hành án dân sự, văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền thi hành án vụ việc căn cứ kết quả xác minh để tổ chức thi hành án.

Trong trường hợp có căn cứ xác định kết quả xác minh không khách quan, chính xác thì Cơ quan thi hành án dân sự, văn phòng Thừa phát lại khác có quyền không sử dụng kết quả đó nhưng phải trả lời bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, lợi ích liên quan đến việc thi hành án thỏa thuận với Trưởng văn phòng Thừa phát lại về việc xác minh điều kiện thi hành án. Văn bản thỏa thuận phải có các nội dung chủ yếu sau: Nội dung cần xác minh, trong đó nêu cụ thể yêu cầu xác minh về điều kiện tài sản hay các điều kiện khác của đương sự; Thời gian thực hiện việc xác minh; Quyền, nghĩa vụ của các bên; Chi phí xác minh…

4. Trực tiếp thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự

Thừa phát lại được quyền trực tiếp tổ chức thi hành theo đơn yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Thừa phát lại có thể tổ chức thi hành các vụ việc ngoài địa bàn quận, huyện nơi đặt văn phòng Thừa phát lại nếu đương sự có tài sản, cư trú hay có các điều kiện khác ngoài địa bàn quận, huyện nơi đặt văn phòng Thừa phát lại.

Cùng một nội dung yêu cầu, cùng một thời điểm người yêu cầu chỉ có quyền làm đơn yêu cầu một văn phòng Thừa phát lại hoặc Cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án. Điều này có nghĩa là nếu Quí vị đã nhờ Văn phòng thừa phát lại trực tiếp thi hành án thì không còn quyền yêu cầu cơ quan thi hành án (của Nhà nước) thực hiện nữa.

Đương sự có quyền yêu cầu văn phòng Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án dân sự trong trường hợp vụ việc đó đang do Cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp tổ chức thi hành. Thời hiệu yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật thi hành án dân sự.
Về thủ tục chung về thi hành án của Thừa phát lại : Thừa phát lại thực hiện các thủ tục về thi hành án theo quy định tại Nghị định 61/2009. Trường hợp trong Nghị định không quy định thì áp dụng theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Trưởng văn phòng Thừa phát lại ra quyết định thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký hợp đồng thỏa thuận thi hành án với người yêu cầu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Quyết định thi hành án có các nội dung:

a) Tên, địa chỉ Văn phòng Thừa phát lại;

b) Ngày, tháng, năm ra văn bản;

c) Nội dung yêu cầu người phải thi hành án thi hành;

d) Thời hạn để người phải thi hành án tự nguyện thi hành.

Quyết định thi hành án phải được gửi cho Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện tại nơi có văn phòng Thừa phát lại để phối hợp thi hành.

Thừa phát lại có quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án quy định tại Luật Thi hành án dân sự. khi áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án, Thừa phát lại có quyền và nghĩa vụ như Chấp hành viên.

Sau khi hết thời hạn tự nguyện đã được ấn định trong quyết định thi hành án, Thừa phát lại có quyền ra quyết địnháp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quy định tại Luật thi hành án dân sự.

Quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự có các nội dung chủ yếu sau:

a) Tên, địa chỉ văn phòng Thừa phát lại; họ, tên Thừa phát lại ra quyết định cưỡng chế thi hành án;

b) Căn cứ ra quyết định cưỡng chế;

c) Đối tượng và biện pháp cưỡng chế thi hành án áp dụng;

d) Thời gian, địa điểm áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án.

Khi áp dụng biện pháp cưỡng chế, Thừa phát lại có quyền, nghĩa vụ như Chấp hành viên và thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Người yêu cầu thi hành án và văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận về việc thi hành án. Văn bản thỏa thuận thể hiện dưới hình thức hợp đồng và có các nội dung chủ yếu như: Ngày yêu cầu thi hành án; Các khoản yêu cầu thi hành theo bản án, quyết định; Chi phí, phương thức thanh toán ...

.

 

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

Buồn...

Nhặt được trên nét, không có lời bình nào hay hơn khi tốt nhất là ngồi im mà ngắm bức hình này...



Buồn...buồn và buồn...

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

Hà Nội ơi...

Lang thang trên xứ nét, thấy có cái tin: Vừa bước vào quán karaoke đã bị chém 3 triệu đồng, đoán là Hà Nội, đúng ngay!
Thật là khổ sở cho mấy ông thèm ca, thèm hát. Chuyện giá cả dịch vụ ở Hà Nội, nhất là cái khu đường Láng, đường Bưởi từ bao năm nay vưỡn vậy mà, cứ vào là chém cho bằng chết.
Mọi đồ ăn, thức uống tính giá trên giời.
Không có trả sẽ có biện pháp mạnh ngay lập tức.
Ôi, Hà Nội ôi...
Mình còn nhớ, năm 2009, cả phòng ăn xong, muốn xả hơi bằng tí karaoke, đi ra đầu dốc bách thú, chui vào trong quán karaoke gì đó, quên mất tên, 6,7 mạng yên vị, một chú tiếp viên đi vào hỏi dùng gì? vừa cơm xong no, biết dùng gì? mấy thằng đực gọi bia chai Hà Nội nốc tạm, thêm gói bò khô cho có tí đưa đẩy. Còn lại tuyền gái, hỏi ăn gì, uống gì đều lắc đầu nguây nguẩy, chỉ nước lọc và hát thôi.
Chú tiếp viên đi xuống một hồi quay lên nói dõng dạc: Nhà hàng không phục vụ hát không, nếu không ăn gì thì mời ra khỏi phòng.
Cả bọn ớ người, vừa tức vừa buồn cười lục tục kéo nhau ra về. Mình không thể hiểu được cung cách phục vụ của cái bọn này, karaoke là karaoke chứ sao lại còn đòi hỏi vớ vẩn vậy, mà hát một giờ giá ở đây cũng đã là 220 nghìn đồng chứ có ít gì đâu?
Không chỉ giá cả tận mây xanh, cung cách phục vụ thì tệ hại, chậm chạp lề mề là thói quen của dịch vụ miền Bắc.
Gọi đồ, chờ mỏi cổ không thấy đâu, lúc xuất hiện, thái độ của người phục vụ sao mà đáng ghét. Mình không thấy ở đâu dư thế, đã mất tiền ăn, tiền uống, lại còn mua thêm cái bực vào người.
Vào Sài Gòn, karaoke rẻ như cho, trên trăm nghìn đồng một giờ là đã có một điểm hát âm thanh lý tưởng. Còn có những buổi hát khuyến mại chỉ 6, 7 chục nghìn một giờ. Vào Sài Gòn hát, thích hát không bao lâu cũng được, chẳng cần ăn gì, uống gì...nhân viên phục vụ vẫn cười toét miệng. Mà quán Karaoke và cà phê trong này, độ hoành tráng gấp trăm lần Hà nội, nó được thiết kế chuyên nghiệp, lộng lẫy, hấp dẫn, nói chung là hoành tráng.
Ngày đầu vào, mấy chị T78 rủ ra Nice Lê Văn Sỹ, thấy quán cũng hoành tráng, tưởng là giá cả cũng kinh đây. Mãi về sau đi hát trả tiền, mới thấy bình dân học vụ vô cùng, và Sài Gòn có ti tỉ dững cái như Nice ở Lê Văn Sỹ. Có đận, chú Kăng vào với mình, mấy anh em đi hát, đi uống rách cả họng, ra thanh toán tiền, chú Kăng hỏi bao nhiêu, mình bẩu trên 500 nghìn, chú Kăng trợn tròn mắt nhìn mình quá đỗi kinh ngạc.
Bởi giữa Sài Gòn hoa lệ sao giá rẻ hơn ở quê Phủ Lý - Hà Nam nhà chú....hahaha....
Thế mới biết, về thị trường, chất lượng dịch vụ, tất tần tật...Hà Nội còn xách dép cho Sài Gòn khưa mươi năm nữa cũng không kịp.

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Mệt!

Một tuần giời di chuyển từ Đồng Nai xuống Cần Thơ, qua Kiên Giang, sang Campuchia rồi lại quay về Sài Gòn...ê ẩm hết người vì suốt ngày trên xe.
Mệt mỏi và đuối.
Khả năng là do tuổi cao sức yếu...hahaha...
Mình nghĩ, chẳng nhẽ đã bước sang tuổi già?
Dưng mà đã già lắm đâu nhể, có khi do rượu bia? Nốc nhiều đâm ra sinh bệnh.
Đi cùng với chú Hưng bên đời sống pháp luật, tuyền cướp, hiếp, giết.
Cảm hứng sáng tác bỗng mất biến đi đâu, tìm không thấy.
Thôi đành để lấy đà lại vậy.
Chắc ngày mai, ngày mốt mới ủn được bài lên nét.
Giờ xả hơi tí đã.