Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

Biển lạnh

Có lẽ, chỉ còn rất ít nơi có biển trên mảnh đất hình chữ S này là mình chưa tới.
Mỗi một miền biển có nét độc đáo của nó. Vũng Tàu, Nha Trang... hoa lệ, nườm nượp khách Tây, Tàu, Ta... dưng có phải vì nó được số đông người tìm đến, đam mê mà dần trở nên đỏng đảnh, kiêu sa, thấy chẳng thể gần hơn được nữa.
Sầm Sơn, Đồ Sơn...nước vẩn đục không còn màu của biển, càng vẩn đục hơn lên vì lòng tham của con người chỉ biết chụp giật, bóp cổ du khách đến lè lưỡi ra vẫn không thôi.
Có ai một lần đặt chân đến đây, ấn tượng về mênh mang, hùng vĩ, trữ tình của biển mặn chưa thấy đâu, đã kêu lên oai oái vì bị chặt chém và dịch vụ ngày càng đi xuống đến thảm hại xót lòng.
Thực ra, mình chỉ thích dững miền biển hoang sơ, ít người đến. Tới đây, tự lòng cảm nhận được những gì đáng sống ở trên cõi đời này.
Có những kỷ niệm như đóng đinh vào tâm khảm từ cách đây mấy mươi năm khi lần đầu tiên đặt chân lên triền cát thoai thoải chạy dài xuống mép nước, một miền biển sóng gió rì rào như quanh năm, ào ạt ào ạt trong đêm, chỉ nghe như duy nhất tiếng sóng vỗ bờ.
Ấy là cái tết năm 1994, mình và một thằng bạn quê Xuân Đỉnh rủ nhau về Giao Thủy - Nam Định chơi. Chả là cậu có cô người yêu học khoa Hóa năm thứ ba trường Sư Phạm 1, anh chị hẹn thề Tết nay chàng phải về ra mắt đằng ngoại. Hồi hộp và lo lắng, cậu bèn rủ mình đi cùng để có chỗ dựa dẫm, ít nhất là có đồng minh, lỡ có sự gì xảy ra ngoài ý muốn còn có chỗ chia sẻ.
Lên xe từ bến xe Giáp Bát từ sáng để bắt xe, mãi mới có một chuyến, trèo lên xe chen lấn một hồi rõ lâu, chân co, chân duỗi đến cực, mãi cái xe khách già nua hộc lên mấy hồi mới rung tít được toàn thân rồi ì ạch bò ra khỏi bến, bỏ lại đằng sau mịt mù là khói đen sì.
Mới mùng 2 Tết sao mà xe đã đông đến vậy? Mình thấy quái lạ, chẳng lẽ có lắm người dở hơi dư mình thế, Tết chẳng ở nhà vui vầy với gia đình, tớn lên là lao ra đường?
Chặng đường không xa là mấy, tuy nhiên với tốc độ "bình tĩnh mà lĩnh phần thưởng" cùng với đoạn đường từ Phà Lạc Quần về Giao Thủy vừa nhỏ vừa xấu nên đến chiều muộn mới đến được Giao Hải, một xã trong muôn vàn xã có tên "Giao" ở đầu.
Ngày ấy chưa có di động, cái sự hẹn hò luôn phải thông báo trước vài ngày đến vài tuần, và cứ đúng ngày giờ ấy sẽ đón nhau ở địa điểm cụ thể dư đã định.
Khỏi phải nói bạn mình và cô người yêu gặp nhau trong tâm trạng thế nào, giữa chiều đông gió Bắc ào ạt thổi mà mình thấy chúng dư toát bồ hôi! Thật hạnh phúc vô biên.
Tối đó, sau bữa cơm ra mắt với dững đặc sản của miền biển Giao Hải, không khí cơm cháo có phần rôm rả, không đến nỗi bi đát dư dự liệu cho tình huống xấu, nhà người yêu cậu bạn bố trí cho hai thằng ngủ trên một chiếc giường ở gian ngoài.
Phần vì thấm mệt, phần vì có tí rượu chúc tụng với ông bố vợ và ông anh vợ tương lai hơi quá đà, cậu bạn mình nằm tí đã cất tiếng pho pho, báo hiệu giấc ngủ vô tư đã đến.
Mình thì chẳng có cảm xúc gì mấy, lạ nhà, uống ít rượu, nhiều trà, nằm mãi không ngủ được.
Mùa đông, gió vi vút qua hiên, dưng rất lạ là có tiếng gì ầm ào lúc rõ, lúc mờ. Mình nghĩ mãi không ra, bởi ban tối ông anh vợ cậu bạn nói từ đây ra biển tới 3 cây nữa, nên càng không nghĩ đó là tiếng sóng.
Càng khuya, tiếng gió bớt dần, tiếng ầm ào càng rõ, lắng tai nghe thì thấy đây đúng là tiếng sóng biển chứ không phải tiếng gì khác...
Nếu ai đã nằm nghe sóng biển ban đêm sẽ có một cảm giác khó tả đến vô cùng, cũng khó hiểu vì sao lại có cảm giác ấy!
Chiều hôm sau, thể theo yêu cầu của mình, mọi người kéo nhau ra biển, mặc dù anh vợ cậu bạn đã nói, biển mùa đông rất chán, mịt mù sương gió, chẳng nhìn thấy gì đâu và quan trọng là rét, bởi ngoài đó chẳng có chỗ nào để trú.
Mình thấy chẳng hề hấn gì, đi biển mùa hè cũng nhiều lần rồi, riêng biển mùa lạnh thì chưa nên quyết ra chiêm ngưỡng một lần cho thỏa chí.
Đoàn đi có 5 người, cậu bạn và người cậu yêu, khỉ thế nào, người yêu cậu bạn lại rủ thêm một cô bạn cùng đi cho vui, bạn ấy lại rủ thêm người yêu của mình cùng đi nữa. Vậy là mình mình với biển, bố khỉ!
Đường ra biển ngược gió, căng chân đạp xe, chiếc xe nhích đi từng bước, mỏi cứng cả chân, vậy mà hai đôi kia đạp vèo vèo, đúng là sức mạnh của ái tình...
Khi mình đã toát mồ hôi, biển cũng đã hiện ra trước mặt.
Biển mùa đông huyền ảo bởi một màu trắng đục, trên bề mặt như phủ một lớp hơi nước mỏng tang, gió lồng lộng thổi, gió như muốn đẩy ngược người lại phía sau.
Biển đông tịnh không một bóng tàu thuyền, không một bóng người, hoang vắng vô cùng.
Tất cả lạnh lùng và cô đơn, cát dưới chân mình khô khốc, lún theo mỗi bước chân, dưng khi nhấc chân lên lại đầy gần như cũ.
Xuống sát gần mép biển, dã tràng vẫn nhộn nhịp xe cát dư không cần biết tháng năm, hay sự thay đổi của bốn mùa.
Đi dọc theo mép nước, chỉ thấy đặc dã tràng là dã tràng, không biết, ở cõi đời này có bao nhiêu số phận con người như cái loài xe cát bể Đông này?
Mải đi, khi nhìn lại, mình mới biết là đã quá xa, hai đôi kia giờ chỉ còn là hai vật thể nhỏ nhoi tít xa xa, giờ chúng có muốn gọi mình quay lại cũng khó đây, bởi sóng biển khá lớn và ngược gió.
Thôi kệ, chưa muộn hẳn, cứ lang thang chút rồi quay lại vẫn kịp.
Thêm một đoạn nữa, mình bỗng phát hiện ra một bóng người lom khom phía trước. Giữa biển đông, chiều muộn, nhìn thấy người trên bãi biển thật cô đơn và thê lương khủng khiếp.
Tiến đến gần, mình nhận ra một người đàn bà đi chân trần, mặc trên người chiếc áo mưa mỏng tang, tay cắp một vật như chiếc thúng nhỏ, trong đó có những con giống như con hến ở trong sông của mình.
Rất cặm cụi, cần mẫn nhìn xuống bờ cát, hầu như không để ý đến xung quanh, bàn chân như tái nhợt vì ngâm lâu trong nước biển và gió lạnh.
Lại gần mình cất tiếng chào, người đàn bà thoáng chút giật mình, dưng trấn tĩnh ngay và hỏi lại:
- Chú không phải là người ở đây?
- Vâng!
Sau một hồi chuyện trò, vẫn bước đi trong gió vi vút từng cơn, vẫn chăm chú nhìn xuống mép nước, vẫn cần mẫn nhặt những con vật tròn tròn như con hến bỏ vào trong thúng chị buồn bã nói.
Tết hay ngày thường với tôi cũng như vậy thôi, vẫn phải đi kiếm miếng ăn dư thế này. Chồng mất sớm, để lại cho tôi hai đứa con, nhà nghèo, thuộc diện đói kinh niên, nhà nước hỗ trợ suốt vẫn đói vì ở cái miền biển này muốn có của ăn của để phải có sức lực của liền ông, con trai gánh vác. Tôi thân gái, con còn nhỏ làm mãi chẳng đủ ăn, lấy đâu ra dư rả.
Cũng có người khuyên tôi và các cháu đi vào Tây Nguyên khai hoang cho dễ sống dưng mà tôi sợ xa biển lắm. Đời cụ kỵ, ông bà tôi đã ở đây và mất ở đây, chồng tôi cũng chết ở biển nên tôi càng không muốn đi đâu nữa, dù đói, dù khổ. Ngày thường, các cháu cũng giúp tôi kiếm cơm, dưng hôm nay là Tết nhất, để chúng đi chơi cho đỡ tủi, mình tôi tranh thủ nhặt nhạnh được chút nào hay chút ấy.
Nói thật với chú, tôi sinh ra ở bên biển, lớn lên cũng bên biển nên ngày nào không ra biển thấy nhớ lắm!
Dưng cứ khổ thế này có lẽ một ngày cũng phải tính đi khỏi đây thôi! Nhìn cái dáng đi liêu xiêu của chị, mình thấy lòng tự dưng nghẹn lại. Chao ôi, người ta vưỡn nói rừng vàng- biển bạc- đất phì nhiêu mà bao năm vẫn còn dững kiếp người dư này!
Mình hỏi:
- Chị tên gì?
- Tên Huệ.
Hình như con gái mang tên những loài hoa thường truân chuyên thì phải.
Cái bóng cứ liêu xiêu, đầu cắm về phái trước của chị xa dần, rồi chìm hẳn trong làn bụi sương mờ của hơi nước biển chiều đông. Mình thở dài, mới mùng 3 Tết...
Chiều mùa đông ở biển xuống nhanh, hai ngày Tết ở Giao Hải cũng qua mau không kém.
Từ biệt mảnh đất ấy đến tận năm 2010 mình mới có dịp quay trở lại Giao Hải, vẫn dư xưa, mảnh đất này không đổi thay đáng kể.
Hỏi ông anh vợ hụt về dững câu chuyện cách đây mấy mươi năm mới biết, cậu bạn chẳng lấy được cô người yêu quê miền biển Giao Hải, nghe đâu học xong về quê lấy một anh chồng đồng nghiệp ra trước cô hai khóa, cũng bởi bố cô khuyên lấy chồng gần nhà mới là kính cha- kính mẹ.
Còn cái đôi đi cùng lấy nhau được vài năm cũng bỏ nhau nốt vì càng ở càng phát sinh mâu thuẫn, mặc dù mâu thuẫn chỉ từ những điều nhỏ xíu.
Mỗi chị Huệ cả mình và ông kia đều không biết biển có níu kéo được chị ở lại không hay giờ chị đang phiêu dạt ở phương trời nào?






Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Lang thang


Hơn chục ngày phép trôi qua đánh vèo.
Lốc của mình nằm im lìm từ hôm sinh nhật Thùy đến giờ.
Sáng nay Béo đưa mình ra ga rõ sớm, sau chục ngày lang thang trên miền biên ải Lạng Sơn, Cao Bằng, tuyền rượu ngô và thịt vịt, định trở về Hà Nội xả hơi một hôm mà không kịp khiến bao dự định của mình tan thành mây khói.
Đêm qua ngủ vội mấy tiếng, sáng nay lên tàu đánh một giấc đến tận Thanh mới dậy.
Nhìn ra bên ngoài, nước đã rút, dưng mà lúa vẫn ngập. Lại vật vã vì mất mùa đây, cái dải đất này bao giờ cũng khổ cực là vậy!
Qua đoạn giáp ranh giữa Thanh Hóa và Nghệ An, nhìn thấy dưới ruộng vẫn con chi chít hố bom tròn xoe từ thời chiến tranh, giữa mênh mông vàng ươm của lúa đang đến kỳ thu hoạch là những cái ao tròn xoe đầy nước, cò đậu trắng xung quanh bờ, thấy tàu lao đến, chúng cất cánh bay túa lên trắng xóa, cánh chấp chới, chấp chới…
Có những hố bom trồng sen, cuối mùa rồi mà vẫn rộ hoa tạo thành mảng màu rực rỡ trên nền vàng của lúa.
Chiến tranh đã đi qua mấy mươi năm, bọn trẻ con nhà mình chưa khi nào có khái niệm này trong đầu, chúng rất hạnh phúc vì không phải xác định đâu là kẻ thù của chính nơi chúng sinh ra và lớn lên.
Dưng với mình, vẫn còn như in hình ảnh đêm nào đang ngon giấc bị ông nội đánh thức, sấp ngửa chạy từ trong nhà ra cuối sân để chui xuống hầm tránh bom, mắt nhắm, mắt mở vẫn nhìn lên trên bầu trời sáng rực những chớp là chớp của đạn và tàu bay lượn nhằng nhịt trên giời.
Chiến tranh đã đi qua khá lâu, mà hôm nay vẫn nhìn thấy bên đường bao vết thương chưa lành, mới nhớ lại một câu của nhà thơ nào đó: Suy cho cùng, mọi cuộc chiến tranh, phe nào thắng thì nhân dân đều bại!!!
Ôi, đúng là bố khỉ…