Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Đã xa rồi mùa đông

Đã xa rồi mùa đông, xa rồi hương nhãn...xa rồi thu Hà Nội, hoa sữa nồng nàn...
Hai mùa mưa Nam bộ, những cơn mưa ào ạt, xối xả rồi bất chợt ngưng.
Đã từ lâu cảm xúc không còn bởi lo toan của cơm áo, gạo, tiền...
Đi nhiều hơn, qua bao miền đất mới, nhưng cảm xúc vơi dần, ôi chán kinh!!!
Những cuộc nhậu thâu đêm, khói thuốc hoen mờ mắt để ngập chìm nỗi buồn và sáng sau thức giấc với tâm trạng vô cảm?
Sao khác xưa đến vậy?
Mỗi chiều qua cầu Sài Gòn lại nhớ đến cầu Chương Dương vào chiều thứ sáu, cầu vẫn là cầu bắc qua sông, chỉ khác lạ màu nước, quê nhà nước đỏ nặng phù sa, nước sông Sài Gòn có màu của ô nhiễm, xám đặc. Người đông hơn, bất kể trời mưa hay nắng, sớm hay khuya. Có những mùi hoa rất lạ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu... nhưng hương hoa sữa thì không!
Trời Sài Gòn xanh cao quyến rũ
Thật diệu kỳ mùa đông phương Nam

Anh Nam Xù

Quen anh trong một đận Hội nhà báo nhãn lồng tổ chức đi "giã gạo" để tiêu cho hết tiền ngân sách, nhằm hướng Hòa Bình thẳng tiến, vì đây là địa điểm vừa vặn với số tiền cần phải tiêu cho hết.
Đoàn mình có hơn chục người, trên con hiace 16 chỗ bắt đầu phi từ Hưng Yên. Mất nửa ngày lang thang thì tới cái gọi là thành phố Hòa Bình.
Thay mặt Hội nhà báo thủy điện sông Đà, anh ra tận đường tay bắt mặt mừng từng người một.
Anh giới thiệu hồn nhiên như cô tiên:
- Thay mặt Chủ tịch hội nhà báo Hòa Bình, tôi, Bùi Đức Nam, "Phó Chủ tịch thỉnh thoảng trực" rất vui mừng được gặp và tiếp đón các nhà báo từ quê hương nhãn lồng ghé thăm!
Sau màn chào hỏi và đi thăm cơ sở vật chất của hội, cả đoàn đi ăn cơm trưa.
Ngồi gần, hỏi chuyện mới biết anh là 100% Mường, mà người Mường mang họ Bùi oách kinh!
Chiều anh dẫn cả đoàn đi thăm thủy điện sông Đà, khiếp thật, mới xả có hai cửa mà nghe âm thanh và không gian xung quanh rung lên bần bật, thế này mà vỡ đập thì cái thành phố Hòa Bình chỉ trong tích tắc trôi về Phố Hiến.
Lòng vòng trên xe đi thăm một số tượng khu di tích. Ngồi bên anh khám phá ra khối câu chuyện hay đáo để.
- Anh tên Nam, chú nhớ chưa?
- Nhớ ngay rồi anh ạ!
- Ngày xưa trong trường báo chí, chúng bọn nó gọi anh là Nam Xù, vì tóc anh thiếu chất, lúc nào cũng xù ra như hoa súp lơ.
Ngồi nói chuyện một hồi, anh quay ra xem số cho mình.
- Chú tuổi gì?
- Em tuổi tuất, đứng chữ canh, mạng kim.
- Đéo ra gì, đã canh lại còn tuất. Mà chú là Thiên Đồng đóng ở cung mệnh, lại hãm, từ đó, anh rút ra kết luận, lập trường của chú nhiều khi đéo vững vàng cho lắm, nhưng thời buổi này có khi lại hay!
Xem xong một hồi, mình với anh đang nghỉ giải lao thì có chú phóng viên ngồi ghế sau rướn lên hỏi.
- Em tuổi mùi, thì em mạng gì hả anh?
- Mạng chú là mạng lan.
- Nhưng mạng lan là mạng gì hả anh?
- Chú làm phóng viên mà dốt kinh, mạng lan là mạng nội bộ.
Mình sướng quá, cười hinh hích!
Buổi tối về nhà nghỉ, anh chào mọi người để sáng mai đón sớm đi ăn sáng. Giọng oang oang:
- Bây giờ đoàn về nhà khách nghỉ, đúng sáng mai 7h30, đoàn đi ăn đặc sản Hòa Bình, đó là máu trộn thịt và máu luồn lòng!
- Món gì mà nghe kinh thế?
- À, dịch sang tiếng Kinh là lòng lợn- tiết canh.
Hehehe...
Anh Nam Xù và bác cả nhà mình

Mình hát bên bác Nam Xù,
phía sau là nước xả từ đập thủy điện

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

sản xuất thơ

"-Mang ngay cho tao 3 tấn "Gió Lộng" ra đầu cầu Chương Dương, dạo này bên chợ Ninh Hiệp cháy lắm, không có mà bán!
-Không còn, bảo hết từ hôm tuần trước rồi, hay dùng tạm "Máu và Hoa" đi, bên kho còn chục tấn nữa, thằng Đức Như Quỳnh đang ôm!
-Đang cúm H5N1 bỏ mẹ lên được, máu với tiết cái đéo gì, dân nó không dùng. Mấy tháng rồi có bán được ít nào đâu. Tưởng còn "Gió Lộng" thì lấy chứ không thì thôi. Mấy hôm nay oi quá, chẳng mưa giông gì, nhiều người hỏi lắm..."
Đây là một trong rất nhiều câu chuyện trong quãng đời của thời sinh viên thuê nhà trọ ở làng Hậu, Dịch Vọng, Từ Liêm, Hà Nội. Sinh viên đói rã họng, không màng học, cốt chỉ có bữa ăn, xông xênh thêm bữa nhậu và ngủ để lấy sức sống qua ngày. Mình nhớ, mỗi buổi sáng dậy, mình, Tráng Tóp, Hùng Xuân Đỉnh, Đức Như Quỳnh lại trêu đùa nhau như vậy, để lấy cảm hứng sáng tạo tìm ra bữa cơm trưa, bữa nhậu chiều bằng rượu cồn bán ở căng tin khoa Lý với giá 250 đồng/1 chén da lươn.
Những lúc nằm bẹp trên giường ngẫm nghĩ cái sự đời, thấy quẫn cho cái sự ăn, sự học của mình, hết khôn dồn đến dại. Có đận nằm bẹp trên giường tầng ký túc, đốc chứng mình cũng sản xuất thơ, và đây là một trong những bài được sản xuất vào những tháng năm gian nan, ác liệt nhất trong cuộc chiến chống đói của giai cấp sinh viên:

KHÚC DÂN CA
Ngày xưa mẹ tiễn cha đi
Hoa bưởi ướp giữa trang thư quê nhà
Con cò trong khúc dân ca
Ngủ trên cánh võng theo vào giấc mơ
Năm tin đợi, bốn tin chờ
Mặn trong nước mắt dâng đầy bờ mi
Chiến tranh rồi cũng qua đi
Cành đa thì cỗi, cành si cũng già
Trẻ thơ mình đã lớn ra
Chẳng còn quen khúc dân ca ngày nào
Đã quên thăm thẳm trời sao
Đã quên ngọn gió xạc xào đêm đông
Không gian rộng đến mênh mông
Người xưa rồi cũng hòa trong sông dài
Chiều hôm rồi lại sớm mai
Chúng mình quên hết những bài dân ca./..

Giới thiệu

Từ ngày vào cái nghề, mỗi lần đi làm tí, gặp người mới trong bàn nhậu, mấy thằng bạn thân giới thiệu mình: Thằng bạn em, nghề của nó là không mời cũng đến!
Thế mới biết cái nghề này rõ là không ít chuyện. Mình cú quá nói với chúng nó: Chúng mày bảo tao thế thì nói mẹ nó tao là mõ đi cho nó nhanh.
Mình phân tích: Khi xưa có mõ làng,mõ xã.v.v… vậy giờ tao phân cấp như sau: làm ở đài thôn, đài xã kêu là mõ cơ sở. Công tác ở đài huyện, gọi là mõ huyện, ở đài, báo tỉnh gọi là mõ tỉnh. Còn lên Trung ương hay các ngành khác thì cứ phiên ra mà gọi, được chưa?
Mấy thằng bạn mình đồng thanh: Tạm được.!
Mình bảo, tạm đéo gì, được là được, mà không là không chứ lị! Rõ là vớ vẩn kinh!
Cho đến bây giờ, điều mình kinh hãi nhất là bị phân công đi hội nghị, cho nên, cái ngày còn làm truyền hình, mỗi lần phải đi đưa tin lãnh đạo dự chỉ đạo hội nghị là thất kinh. Sợ ở nhiều nhẽ, mình có thể kể ra đây những nhẽ thường mà làm mõ ai cũng biết:
-          Đi dự đưa tin hội nghị phải đúng giờ, hội nghị nó không thấy cái chân máy quay dạng ra ở hành lang giữa thì còn lâu nó mới khai mạc. Thế nên, đến muộn để hội nghị chờ, chỉ một cú điện về cho Tổng của đài là thôi rồi anh Lượm ơi, nhẹ thì phạt nhuận bút, nặng thì lĩnh án kỷ luật.
-          Lấy ý kiến chỉ đạo của đồng chí to nhất, cái này khi nhọc, khi nhàn. Bởi nhẽ có đồng chí phát biểu bằng giấy thì cứ lên xin cái tờ ấy về mà cắt rất nhanh. Đồng chí nào vừa phát biểu bằng giấy, vừa phát biểu vo thì tương đối nhọc, ngồi nghe tóm ý, hên xui, có buổi chả tóm được ý nào, nhọc bã người. Đồng chí nào có khả năng hùng biện, vo 100% thì khốn nạn, làm xong cái tin về ốm cả tuần giời.
-          Khi ghi hình phải bắt chặt hình các bậc trưởng lão, đức cao, vọng trọng, các vị nguyên và còn nguyên, càng cao to về chức,càng phải cận cả khuôn mặt. Gặp phải bác ảnh xấu thì chỉ có chết! hihihi
-          Cát sê quá bèo, không đủ tiền xăng xe, trong khi cơm bụi đắt như cơm không bụi
-          Tin bài này về phải sáng tác ngay, không được ngâm vì là tin đầu của bản tin thời sự.v.v…
Tuy nhiên, tất cả những lý do đại loại như trên đều không làm cho mình kinh hãi bằng việc giới thiệu đại biểu dự hội nghị trong cái tin của mình. Rõ ràng là trước khi đi, mấy bác sếp chỉ đạo nội dung tin bài có dặn, tin này chỉ đưa từ phút rưỡi đến hai phút. Nhưng chỉ đạo của các bác ấy thiếu thực tế, cứ như đánh đố mình, bởi chỉ nguyên có giới thiệu các bác thường trực với thường vụ tỉnh ủy đã cướp trên giàn mướp của em mất gần 45 giây. Hỏi còn 45 giây nữa em biết trình bày cái gì đây hả giời.
Việc giới thiệu cũng nhiều khi làm cho các sếp nhà mình tranh cãi nhau nhặng xị cả lên. Cứ theo thông lệ, ông nào to trước, bé sau, chuyện này quá dễ, vì con Bảo nhà mình mới hai tuổi đã biết chào cụ trước, tiếp đến là ông bà, sau rồi bố mẹ, còn loại sàn sàn như nó bỏ qua, hỏi sao không chào, nó bảo mỏi mồm lắm!!!
Trở lại cái sự giới thiệu nhọc nhằn của mình từng gặp, mình đi dự hội nghị triển khai ngành giáo dục tỉnh nhà. Chẳng hiểu đếch sao, ở tỉnh mình đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục khóa ấy  là Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, còn đồng chí đến dự chỉ đạo hội nghị là Phó Chủ tịch phụ trách văn- xã chỉ là Tỉnh ủy viên. Căng cho cái đài của mình, giới thiệu ai trước đây? Mình đã khó viết, sếp mình còn khó viết hơn. Sau khi bàn đi tính lại, sếp nhất nói cứ giới thiệu đồng chí Tỉnh ủy viên trước cho tôi, tôi quyết định thế. Lỗi đâu tôi chịu. Mình thấy sếp mình đúng là bản lĩnh “Giảo cổ lam”.….Hôm sau hỏi sao anh quyết định vậy mà không sợ đồng chí Thường vụ quở trách à? Sếp bảo, anh liều nhưng có cơ sở, nhưng cơ sở thực tế nhất là anh với đồng chí đó là bạn học, cùng quê, sợ đếch gì, chứ phải đồng ti vi khác, anh chã!
Cái chuyện giới thiệu đại biểu nhiều khi vã mồ hôi hột, nhất là khi đi dự hội nghị triển khai, hoặc tổng kết của một cái ban chỉ đạo nào đó. Thôi thì thôi rồi, cái chức của ông trưởng ban chỉ đạo đó cao như núi, dài như sông, bởi nhẽ, ngoài cái chức chính, sẽ là lê thê các chức phụ nữa. Mình thương cho mấy em phát thanh viên cùng phòng với mình, mỗi khi lên hình, đọc cái chức danh đó mà mắt lòi ra, lưỡi thì thụt cả vào vì mỏi.
Lại có hôm, có thằng mới vào thực tập được phân công đi dự ngày hội đoàn kết toàn dân. Mình biết, đi cái này làm gì có cát sê, nên cậu trưởng phòng cho nó đi là phải. Nó đi từ sáng đến chiều về, mặt xanh, nanh xám như ăn phải bả gà. Hỏi: -Mày xong tin chưa, đưa đây tao cho vào chương trình. Nó bảo:- Em xong rồi, nhưng cái ông cao nhất ở Hội Phật giáo tỉnh mình em không nhớ chức danh để giới thiệu. Cái lời khai mạc em để đâu mất rồi ấy. Giờ anh biết không bảo em với.
Ô! Cái thằng này rõ là ngu, đứng đầu các ngành ở tỉnh là sở chứ là cái đéo gì. Thế mày có ghi được họ và tên ông ấy không? Cậu mừng quýnh: - Em có!
Vậy điền sau tên của ông ấy là tỉnh ủy viên- Giám đốc Sở Sư!
Em đéo đùa với anh đâu- Nó gào lên thống khổ.
Cũng cái chuyện giới thiệu chức danh, khổ thậm khổ cho hôm nào làm chương trình phải phát tin chèn vì chưa có ý kiến lãnh đạo phát biểu kết luận. Bản tin trâu, bò, lợn, gà, lúa má, ngô, khoai, đặt vòng, tránh thai làm xong rõ sớm, nhưng cả kíp phải đợi để vá băng, làm băng mới phát chèn.
Có hôm kíp đi đưa tin hội nghị về sớm tinh mơ, dựng tin đầu xong rõ sớm, mừng vì chương trình được hoàn thành vượt tiến độ trước giờ qui định. Lúc sang băng để phát vào buổi sáng thấy trong bản tin đầu ló ra mặt một đồng chí chức rõ to mà không thấy thằng phóng viên viết giới thiệu. Hỏi thằng phóng viên quay phim đứng đó: - Mày ghi hình buổi sáng có thấy giới thiệu đồng chí này không? – Em biết đâu được đấy là ai mà anh hỏi?- Bố cụ mày đấy, ấm ớ hội tề, mày gọi cái thằng viết đi với mày sáng nay lên mà giới thiệu lại rồi sửa tin, không thì mai hai thằng bái biệt cơ quan, góp tiền sắm máy, dắt nhau mà đi làm phim đám ma, đám cưới, hầu bóng, hầu đồng thì đéo việc gì phải giới thiệu ai cho nó nhọc!
Ôi ôi! Thậm khổ, thậm khổ!!!

Giới thiệu cho hết chức danh nhé nhà báo Phi Hùng...
Nhưng cơ khổ, đồng chí này là cán bộ nguồn từ ngày đi học mẫu giáo,
Bác Phi Hùng mà đọc hết các loại chức danh của đồng chí thì chắc khoảng
1h sáng chúng em mới được choén! hihihi









  

Mưa...

Cũng đã gần ba mùa mưa phương Nam, nhanh thật!
Cuộc đời không biết đâu mà lần, con tạo vần xoay. Chẳng có ngờ quyết định rời xa Hà Nội chỉ trong ba ngày. Vẫn còn nhớ như in cái hôm về Ân Thi cùng bầu đoàn thê tử thăm nhà giám đốc xí nghiệp liên hiệp các thể loại vàng, bạc, kim cương, châu báu, ngọc ngà Đặng Văn Nhuyên. Trên con Escape đen bóng, sếp phó buông câu: Đang chưa biết tìm đứa nào vào làm đại diện trong Sài Gòn, cụ đang giục quá để đầu tháng tư làm lễ ra mắt.
Mình thấy thế bảo: Anh để em đi.
- Mày đùa tao à?- sếp phó hỏi.
- Em thật mà, nhưng anh cho em nghĩ đúng từ nay đến thứ 2. Đầu tuần em quyết định chắc chắn.
Vậy mà đã sắp ba năm, thời gian chạy huỳnh huỵch như chó đuổi, ba năm giời mà chưa làm được cái tang dạng gì, nhiều lúc nghĩ ngợi âu sầu, thấy chán! đành tự lừa mình, không "trán" nào bằng "trán" Lê Nin, thôi kệ cái sự đời, thân tuất dư vậy cũng là hiển hách rồi. Nhìn về phía xa, nhiều tuất khác xương còn không có mà gặm, đời lại thấy phấn chấn...hihihi
Mải kể lể, quên mất cái chủ đề mình đang nói tới, ấy là mưa.
Hôm nay ngồi ngắm mưa Sài Gòn, từ trên lầu 6, nhìn ra muôn phương thấy toàn một màu đen kịt, chỉ sau dăm phút, nước ở đâu đổ xuống rầm rầm, nhanh kinh! Đúng là mưa Sài Gòn, dứt khoát, mãnh liệt, nhanh gọn! Nhìn mưa rơi lại nhớ cái thời thuê nhà trọ ở Láng Thượng- Hà Nội, cũng những buổi chiều dư này, ngồi trên tầng 4 ngắm xuống đường, tuyền các em sinh viên trẻ trung phơi phới tung tăng đi đi, lại lại rất ư là nhộn nhịp, kẻ xách rau, xách thịt về phòng trọ nấu cơm tối, kẻ khoác túi đi học thêm tí ngoại ngữ, một là để giết thời giờ, hai là đến lớp tăm tia nhau. Vui kinh!
Nhưng thật ra thú vị nhất là ngồi xem trời mưa, có hôm mình rỗi hơi ngồi quan sát một cơn mưa từ đầu chí cuối, nhìn lên giời mây đen cuồn cuộn, sấm chớp rạch ngang chém nát mây, vươn dài xuống đất rít lên uỳnh uỳnh như bom trận, thất kinh! Từ lúc ấy thấy cái kiếp con người trước thiên nhiên chỉ dư là không bằng một phần hạt bụi, ôi, bất lực, bất lực!!!
Tức cảnh sinh tình, mình vác máy ra làm một sê ri ảnh giời mưa, mưa Hà Nội, mưa Sài Gòn có cả, hầu như mưa gắn liền với cái sự buồn, nhưng cũng không hẳn vậy. Cái ông họ Trịnh ở gần cầu Trường Tiền có nói nhời này, đại khái là: Ngày trước tưởng mưa là buồn, nhưng giờ biết có những ngày nắng còn buồn hơn!
Cơn dông chiều Sài Gòn nổi lên bất chợt

Sau có ít phút là tuôn ào ào

Đường phố ướt sũng

Và thế là, em ơi Sài Gòn ngập


Còn đây là mưa Hà Nội:
Mây kéo vần vũ cả bầu trời,
Cái tháp nhòn nhọn bên phải ánh đèn đỏ
là tòa nhà VNPT ở đường Huỳnh Thúc Kháng

Nhưng đợi mãi đến cả tiếng sau mới mưa

Cũng sầm sập, sầm sập như ..."Anh mong em về..."

Mưa to kinh! làm nát cả ao rau muống...





Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Xả thải

Nó xả thải từ đời tám hoánh nào, hôm nay mới xuống thị sát. Cùng đi có trung tá Dũng, gớm mới sáng ra được hai tiếng đã thấy nắng nhão hết cả người.
Trung tá ngồi sau cầm chân máy, mình theo sự chỉ dẫn nhằm hướng rạch Bà Chèo, xã Tam An, huyện Long Thành thẳng tiến.
May kinh, đang hỏi thăm đường thì gặp ngay đối tượng bức xúc vì nước thải làm chết cây cối, cá tôm. Bà cụ nhiệt tình dẫn mình và trung tá về thẳng nhà. Hí hoáy ghi hình ngoài vườn, để mặc trung tá ngồi phỏng vấn bà cụ. Thế mới biết, trăm thứ đổ lên đầu dân, cây cối chết như ngả rạ, ao đầm cá chẳng thấy đâu, nước ăn thì nhờ nhờ đục, mà kêu mãi chẳng thấu đến giời.
Nhìn bằng mắt thường cúng thấy váng như dầu nổi trên mặt nước.
Kinh ngạc hơn là hệ thống xả thải của nhà máy, mình bảo với trung tá, hệ thống xả thải dư thế này thì bố thằng tây cũng chịu chết, hiểu sao nổi.
Nhớ chương trình gặp nhau cuối năm mấy năm trước, Táo thoát nước bảo tôi xả tốt quá còn gì? không thải nước bẩn ra sông trực tiếp như vậy, tôi đố các ông phát hiện được! hihihi
Mà sao ở Đồng Nai lắm vụ xả thải bẩn thế không biết, cứ thế này hệ thống sông ngòi chẳng mấy sẽ đen kịt!!!
Phỏng vấn bà cụ tên Tùng, người quận 9 Sài Gòn, làm dâu xứ Tam Phước - Long Thành có dễ nửa thế ký. Nhà hai ông bà chỉ trông vào vườn cây, đìa cá. Giờ cây chết hàng loạt, cứ chặt lại trồng, cá nuôi mãi không lớn, nước ngập xung quanh nhà, phải vay tiền ngân hàng đắp đập be bờ, giờ vẫn đang nợ đầm đìa.
Sang nhà bên cạnh phỏng vấn tiếp, chú thanh niên phát biểu quá hăng, hỏi tên gì?
- Em Phong, Đoàn Văn Phong.
- Giật bắn cả lùi!
- Sao thế anh?
- Tưởng chú có họ với cái ông gì đang rất là nổi tiếng ở Phòng ấy!
- Phòng nào anh?
- Hải Phòng ấy chú, chuyện nhớn thế mà chú không biết a?
- Ồi trời ơi, anh tính em làm cắm mặt từ sáng đến đêm mới về đến nhà, nốc vội chén cơm rồi lăn quay ra ngủ, vợ ngay cạnh còn chẳng ham nữa là cái ông gì anh vừa nói.
- Công tác đâu mà nói hay vậy?
- Em ở Global, cái công ty xả nước bẩn từ dệt nhuộm sang cho Sonadezi xử lý, nhưng Sonadezi không xử lý mà lại thải thẳng ra rạch cho tiết kiệm chi phí, nước từ rạch cứ thế chảy thẳng vào nhà em!
- Tháng thu nhập bao nhiêu?
- Em ngày làm từ 8 đến 10 tiếng một ngày, tháng được khoảng 8 chai.
Trông cái nhà của cậu mới thấy tột cùng của sự tột cùng. Lẽ ra cái này gọi là lều thì đúng hơn, bởi nó khác cái lều ở Tiên Lãng một giời, một vực.
- Thế bao giờ cất nhà mới, chứ ở nhà này mấy hồi mưa xuống nó sập, con nhỏ xíu kia, đang đêm chạy đi đâu?
- Cũng muốn nhưng chưa có tiền, cả nhà em giờ trông hết vào 8 chai của em. Ruộng vườn, cây cối anh thấy đấy, ô nhiễm chết hết rồi, chẳng còn gì mà thu nhập thêm.
- Thế là mấy khẩu?
- 5 lận anh ơi!
Ngẫm ra, cũng thấy đau đau...
      Bà cụ Tùng xác xơ vì nước thải
Đây là nước từ hệ thống nhà máy xả ra rạch Bà Chèo


Giếng ăn, nhờ nhờ nước ốc của gia đình bà Tùng


Xin áo

Thằng bạn mình học cùng cấp mỗi, giờ làm đến trung tá - Chủ nhiệm hậu cần ở Tây Nguyên. Một đận vào mùa đông, về quê chơi, nó rủ xuống nhà vợ chồng thằng em mới mở quán cháo lòng tiết canh ăn sáng.
Rượu đang vào, lòng luộc bốc khói thơm phưng phức thì con em bê thêm cho đĩa rau húng quế. Tay đặt đĩa rau xuống bàn, nó hỏi bạn mình:
- Bác Võ giờ là cấp gì rồi?
- Mày nhìn quân hàm mà không biết à?
- Em thấy của ông bộ đội nào cũng như nhau, chẳng phân biệt được.
-Ngu lắm, như tao là trung tá, hai sao, hai vạch.
- Thế cái áo của bác là loại tốt hả, ấm hơn của lính không?
-Là cái chắc, sĩ quan phải hơn lính chứ không tao phấn đấu làm đéo gì?
- Vầng, hôm nào bác đi, nếu có cho em xin một cái áo sỹ quan để sáng dậy đi bắt lợn cho đỡ rét, với lại màu này cứt lợn dính vào cũng đỡ bẩn.
- Ô ô...mẹ cái con này!!!

Loạng choạng vào nghề


Năm 2001, về làm cộng tác viên ở đài tỉnh, được đồng chí Phó Giám đốc đài phân công về huyện Yên Mỹ với nhiệm vụ: Chuyên viết tin cho phát thanh. Cái huyện đồng bằng sông Hồng bé như bàn tay, đi một tuần là hết các xã, một tháng thì Chủ tịch xã với Chủ nhiệm hợp tác xã nhẵn thín mặt. Chán ngắc ngoải, toàn là tin diệt chuột với phun thuốc trừ sâu, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giao…Tháng đầu tiên được 57 nghìn tiền nhuận bút, tháng thứ hai có tiến bộ, lên 127 nghìn và cứ giữ chỉ tiêu đó đến hết năm. Không lương, không thưởng, phát bài nào ăn tiền bài ấy. Hùng hục đi cày, tan xác con guây Tàu mẹ dành dụm tiền mấy chục năm vẫn chưa đủ, còn phải đi vay lãi thêm để mua cho đi làm. Buốt hết cả ruột mà không xoay chuyển được tình hình. Ông anh ruột làm bên báo phím: Mày viết rồi đưa qua bên này tao tìm cách đăng, kiếm thêm tí tiền xăng cộ, chứ thế thì chết.
Từ đận ấy đêm về chổng mông lên giời hí hoáy biên biên, chép chép, sửa sửa, sang sang để chuyển bài từ phát thanh qua báo đăng, may chăng kiếm thêm chút đỉnh.
Làm báo như mình đâu có biết gì về thể loại, bởi mình đâu được đào tạo bài bản như các nhà báo nhớn trong trường báo chí ra. Cái loại học một đằng đi làm một nẻo nó khổ vậy. Đại loại là cứ hứng chí lên là phang bừa ra giấy, hồi đó viết bằng giấy, chưa có máy vi tính để gõ. Khi bài được đăng thấy họ ghi là ký thì biết bài của mình ở dạng ký, ghi là tản văn thì biết là tản văn, ghi là tường thuật thì biết là tường thuật… Khiếp thật, chỉ có vậy mà bao nhiêu là thể loại, bố ai mà biết được. Mãi đến tận bây giờ mình cũng đếch biết phân biệt các thể loại báo chí, đúng là ngu lâu, dốt bền, khó đào tạo.
Và đây là bài gọi là ký đầu tiên của mình được đăng trên báo quê ta, ăn gần một trăm nghìn nhuận bút, nhưng bị khao, lõm mẹ nó mất một tuần cơm bụi bờ hồ Phố Hiến.

Ngô ngọt ở Yên Phú
Nếm quả ngọt đầu mùa
(Ghi chú: Hình ảnh nhiều khi chẳng liên quan đéo gì đến bài viết- Tất cả hình ảnh trên blog của tớ là do chính tay tớ chụp hoặc bạn bè cực thân chụp cho, vì nhẽ đó, đéo phải xin phép bản quyền cho nó lằng nhằng ra...)
Bây giờ vị nồng của vôi trong bát ngô hầm thời bao cấp đã trở nên xa lạ với mọi người trong mỗi bữa ăn. Một thời cái màu vàng rực ấy trở thành nỗi ngao ngán cho số đông người được ăn đong gạo sổ. Người ta tìm đủ mọi cách để chế biến, như ngô bung, ngô hầm, bánh ngô, chè ngô…Nhưng rút cục, hạt ngô vẫn chỉ đơn thuần là một thứ tinh bột loại hai trợ giúp cho những chiếc dạ dày kinh niên thèm bát cơm gạo trắng.
Hạt ngô thông thường giờ đây chỉ được xem như là một loại thức ăn phục vụ cho chăn nuôi, người ta như quên dần vai trò của nó trong những bữa ăn hàng ngày, thì giờ có một giống ngô khác đang được coi như một thứ đặc sản, không phải ai cũng được ăn. Đó là bắp ngô ngọt.
*** Năm tháng qua đi, vùng đất bãi Yên Phú của huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên vẫn một màu xanh mướt. Sự chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, xen canh tăng vụ, tăng hệ số vòng quay của đất khiến nơi này mùa nào cây ấy. Đất và người chẳng phụ nhau, quanh năm hoa trái tốt tươi, cung cấp không những cho thị trường tại chỗ mà còn vươn ra những nơi được coi là khó tính, khắt khe như thành phố, thị xã hoặc vượt ra khỏi biên giới quốc gia.
Hơn 1400 mẫu đất canh tác của toàn xã Yên Phú chỉ có khoảng 500 mẫu là trồng lúa, còn lại gần 900 mẫu trồng các loại hoa màu. Trong số đó, có một loại cây chỉ chiếm 3,3% diện tích nhưng lại là nỗi trăn trở của bà con nông dân nơi đây, ấy là sự nên hay không nên phát triển thêm diện tích cây ngô ngọt.
Nhớ hồi đầu khi cây ngô ngọt đứng chân trên đất Yên Phú, cách đây cũng chừng bốn năm, cả xã khi ấy chỉ trồng thử nghiệm khoảng một mẫu, mỗi người một ít, chưa ai biết được kết quả sẽ ra sao, chỉ biết rằng trên lý thuyết là rất có lãi. Thời gian ấy, ngô ngọt được nhập vào Việt Nam với giá khá đắt, chỉ có ở trong các siêu thị ở Hà Nội, với giá khoảng 3 nghìn rưỡi một bắp và cũng chỉ có người nhiều tiền mới dám ăn.
Bốn năm trôi qua, thực tế đã chứng minh rằng cây ngô ngọt sinh trưởng, phát triển trên chân đất bãi pha cát ở Yên Phú là rất tốt, độ đường trong bắp cao, chất lượng không thua kém hàng nhập từ Thái Lan về. Cây ngô ngọt trên đất bãi không như trồng ở chân đất rắn, đất thịt, bắp co lại rất ngắn, hoặc là hạt lép, ăn vào nhạt thếch như ngô thường.
Từ lúc giá thị trường cao như vậy, cho tới bây giờ, giá thành một bắp ngô ngọt đã hạ xuống chỉ còn 8 trăm đồng tại thị trường Hà Nội và 5 trăm một bắp tại ruộng mà người trồng vẫn có lãi. Để từ đây, bà con nông dân đã nhìn thấy giá trị kinh tế của loại cây này, ai ai cũng có thể tính được: 1 sào đất trồng được 1500 cây ngô, mỗi cây cho một bắp, nhân với 500 đồng/bắp, sau 1 trăm ngày sẽ cho thu hoạch, bán tại ruộng được 750 nghìn đồng, bằng giá của ba tạ thóc.
Từ một mẫu ngô ngọt đầu tiên, bây giờ số hộ theo trồng đã có trăm người với diện tích lên đến hàng chục mẫu.
Trở lại thôn Mễ Hạ, một thôn có diện tích trồng ngô ngọt lớn nhất xã Yên Phú, có một người mà dân trong vùng ai cũng biết, có người còn tôn anh lên là “Vua giống” của Yên Mỹ. Đó là anh Lê Anh Tuấn, một chủ vườn vừa say mê với nghề làm các loại giống cây, vừa tiên phong trong việc trồng thử nghiệm những giống cây mới.
Nói về cây ngô ngọt, anh Tuấn cho biết, năm 1997, nghe nói có giống ngô ngọt đặc sản nhập vào Việt Nam với giá rất đắt, sau một thời gian tìm hiểu, anh đã liên hệ được với Công ty Trang Nông và mua được giống ngô này đem về trồng thử, với cái giá 350 nghìn đồng một cân hạt giống, lúc bấy giờ không phải ai cũng dám bỏ tiền ra mua để làm thử.
Những lứa đầu thu hoạch, để tìm đầu ra, anh đã phải chở bắp ngô lên Hà Nội rao bán, nhưng người ta nói ngô lai chứ không phải ngô ngọt. Không nản lòng, anh đem luộc và mời khách hàng ăn thử. Họ lại nói, ông đem ngâm đường hóa học thì nó mới ngọt như thế này chứ đâu phải ngô đặc sản…
Sau bao thất bại, cuối cùng, anh Tuấn cũng đã chứng minh cho người tiêu dùng thấy đính thực đây là sản phẩm ngô ngọt được trồng trên đất của ta. Từ đó đến nay, sản phẩm của anh đã có mặt ở hầu hết các siêu thị như Sao Hà Nội, Marko…Cái thị trường sính ngoại, khó tính với hàng nội đã chấp nhận loại ngô ngọt của Yên Phú. Đều đều mỗi ngày, anh Tuấn chở lên Hà Nội hàng nghìn bắp ngô, với giá rẻ hơn hàng nhập ngoại từ bốn đến năm lần.
Từ kinh nghiệm của gia đình mình, anh đã nhân rộng chương trình trồng ngô ngọt cho nhiều hộ nông dân ở Yên Phú. Anh còn chủ động giao giống, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con canh tác trên ruộng của họ và nhận bao tiêu sản phẩm. Trung bình mỗi sào sau thu hoạch, anh trả lại 6 trăm nghìn đồng cho người trồng, cả hai bên cùng có lợi, và như thế đất cũng đã trả công cho người lao động một cách tương xứng. nhưng cũng không phải đơn giản chỉ có vậy, nhiều khi gặp “sự cố”, người nhận bao tiêu sản phẩm vẫn vui vẻ chấp nhận phần thiệt về mình để giữ chữ tín với bà con nông dân.
Các cụ nói “Chiêm xấp xới, mùa đợi nhau”, rủi khi có vụ người tra ngô sớm gặp thời tiết lạnh, người tra ngô muộn gặp thời tiết nóng và thế là cây ngô sinh trưởng, kết bắp đồng loạt như nhau, sản phẩm thu hoạch cùng một lúc, thành ra “cộn” sản phẩm. Lúc này giải pháp duy nhất là vẫn phải đứng ra mua hết cho bà con, mà chấp nhận rủi ro thuộc về mình.
Sự khắt khe của thị trường đối với sản phẩm rau quả cũng là một điều làm cho người gieo trồng và thu mua đau đầu. Ngô ngọt cũng vậy, phải thu hoạch khi đúng tuổi mới đảm bảo độ đường trong bắp, nếu sớm quá hoặc muộn quá đều làm giảm độ đường trong bắp và mất giá.
Anh Tuấn trầm ngâm: Để có được 30 mẫu ngô ngọt bà con theo trồng như bây giờ không phải dễ, đã có những lúc thất bại đau đớn, nhưng những lần vấp ngã ấy là bài học kinh nghiệm quí báu cho sau này.
30 mẫu ngô đặc sản là rất nhỏ so với hàng trăm, hàng nghìn mẫu đất bãi màu mỡ phù sa của các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ.v.v…cùng với đó là cả một thị trường rộng lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…Nhưng đầu ra cho nông sản vẫn đang còn là một thách thức với những hộ muốn theo trồng cây ngô ngọt. Đây là câu hỏi đeo đẳng không chỉ cho riêng những người nông dân, mà là cho cả những người làm công tác quản lý. Sẽ rất nguy hiểm nếu như hàng trăm mẫu ngô ngọt cứ được người nông dân trồng một cách tự phát mà không biết bán đi đâu, đặc sản thật đấy, nhưng lúc ế ẩm thì cũng chỉ biết quẳng cho trâu, cho bò gặm dần để rồi nhìn mà thắt ruột.
Vấn đề công nghệ sau thu hoạch đương nhiên là bức xúc ở chỗ này đây, tỉnh Hưng Yên đến nay vẫn còn quá ít các nhà máy chế biến nông sản thực phẩm. Một vài nhà máy hoạt động nhưng cũng chỉ chủ yếu chế biến vải, nhãn và dưa chuột. Còn bao nhiêu mặt hàng nông sản khác ngoài ngô ngọt của Yên Phú, một tiềm năng sản phẩm cây nông nghiệp vô cùng phong phú bị bỏ ngỏ. Chỉ khi nào có một ngành công nghiệp bảo quản hàng hóa sau thu hoạch và một hướng tiếp thị cho thị trường nông sản thì người nông dân mới yên lòng sản xuất. Chỉ dừng lại ở một khâu nào đó trong công đoạn này, không chóng thì chày, người sản xuất sẽ lao đao và dẫn tới đổ bể.
Vẫn biết đất là vốn quí và “ Người ta là hoa của đất”, vậy mà người nông dân vẫn phải bỏ quê ra thị thành kiếm sống. Có biết bao người dân ở Yên Phú đang bán hàng rong trên các đường phố Hà Nội hoặc đi làm thuê, làm mướn ở những nơi khác?
Sông Hồng hào phóng bồi đắp phù sa cho các đồng đất bãi màu mỡ như nhau, nhưng phần thiệt thòi phần lớn rơi vào những người dân nghèo khó nơi đây. Thị trường Hà Nội ngày một rộng lớn, Khu công nghiệp Như Quỳnh, Phố Nối, thị xã Hưng Yên trở nên sầm uất trong tương lai gần, tiềm năng cho thị trường nông sản là rất rộng mở. Chúng ta nên qui hoạch cho mình một vùng rau sạch, một vùng cây đặc sản và trên hết, nên đầu tư một khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp sau thu hoạch để tạo cú hích cho tiềm năng sản xuất nông nghiệp của Hưng Yên./…











 










Đi...

Phí đường cứ thu, phí xăng cứ thu, phí xe cũng thu...và dòng người vẫn cứ phải đi, vì mưu sinh, cơm áo gạo tiền! hihihi

Nghề bện thừng

NGHỀ BỆN THỪNG…
Đoạn đầu: đã đôi lần tôi đưa em về làng, cái làng bé nhỏ nằm lọt thỏm giữa vùng quê đồng bằng sông Hồng, đặc điểm chung là  “chiêm khê, mùa thối” và nói ngọng lẫn giữa  “l” và  “n”, gần 30 năm trôi qua, làng tôi đã thay đổi khá nhiều, tôi kể với em như vậy. Có những đổi thay chấp nhận được, nhưng có những cái mất đi mà nuối tiếc, mà xót xa đến bàng hoàng… nhưng con người buộc phải chấp nhận. Tôi đã không thể đưa em đi trên con đê sừng sững, xanh mướt cỏ, uốn khúc theo dòng sông Hoan Ái, không thể cho em nhìn thấy cái giếng làng tròn vành vạnh nở đầy bèo ong, nước trong vắt soi bóng trời xanh, cái giếng làng có ba bậc đá nhẵn lì để các bà, các chị chiều chiều quẩy nước như đi hội, nước rơi thành vệt trên những con đường gạch xếp nghiêng, thành những con rồng ngoằn ngoèo tới tận đầu ngõ. Tôi cũng không thể đưa em tới rặng tre xanh ngắt, cong vút đầu làng, mỗi chiều hè lại xào xạc đón gió nồm,  thân cọ vào nhau kẽo kẹt như tiếng võng đưa… Tất cả giờ đã thành kỷ niệm trong sâu thẳm tâm hồn. Nhưng có một thứ làng tôi đánh mất mà chắc chẳng bao giờ lấy lại được nữa, cái nghề đã cứu cả làng qua bao cơn đói khổ, hoạn nạn, đó là cái nghề chắp thừng đay.
***
Nhà ông nội, cái sân gạch này năm xưa là chỗ quay thừng
của cả xóm, những đêm trăng sáng thật vui,
tiếng máy quay, tiếng người giục nhau í ới...nhưng giờ,
chỉ những đêm ngủ trong mơ thi thoảng mới gặp lại  
Năm 1985, cả nước lao đao vì cuộc đổi tiền có một không hai trong lịch sử. Cái đói hằn sâu trên khuôn mặt, đè nặng lên đôi vai của bao người vốn đã quá quen với nghèo khó. Nhà chỉ còn ba mẹ con, chị Yến học xong ra trường không có việc làm, bố và anh Tuấn mỗi người ở một đầu đất nước, cực chẳng đã mẹ đưa hai chị em về quê mong kiếm thêm việc gì làm để trang trải cuộc sống của một gia đình giáo viên quanh năm chỉ có phấn trắng và bảng đen với tháng lương vài chục đồng bạc.
May mắn sao quê nội có một thứ nghề mà ai thích làm cũng được, chỉ cần người nọ bảo người kia không đầy buổi là thành thạo. Nghề đó là nghề bện thừng bằng đay, dân làng tôi quen gọi là chắp thừng, thế là ba mẹ con có thêm việc làm kiếm đồng rau, đồng muối. Suốt 5 năm trời, sợi thừng mẹ chắp, chị chắp có lẽ dài hơn khoảng cách từ chỗ bố đến chỗ anh Tuấn ở …
***
Các cụ cao tuổi kể rằng, ngày xưa tướng quân Phạm Ngũ Lão người xã Phù Ủng đã truyền nghề chắp thừng cho làng Bún, ông đã ném quả thừng tới đây và từ đó dân làng học được nghề này. Khi tôi biêt, năm ấy khoảng 6 hay 7 tuổi gì đó, cả làng như một công trường chắp thừng. Từ già đến trẻ ai cũng làm được nghề này, mỗi tuổi một công đoạn, tùy theo sức của mình.
***
Làng tôi chắp thừng bằng đay, loại cây này được trồng trong vùng bãi sông Hồng Khoái Châu và Kim Động. Để có được sợi đay những người nông dân vất vả nhọc nhằn đổ cả mồ hôi và máu nữa, mùa chặt đay ngâm tước vỏ là công đoạn khổ cực nhất, các bà, các chị dùng tay trần tước, gai đay đâm nát bàn tay, bàn chân, lâu rồi thành chai cứng, mùa đông hanh khô nứt nẻ rớm máu xót đến tận đỉnh đầu. Những ao, những hồ, những mương nước đặc quánh một màu đen ngòm và bốc mùi thum thủm xa đến hàng cây số. Thế nhưng đàn bà, con gái đều phải lội xuống ngập ngang bụng để vớt đay, bệnh tật cũng từ đó mà ra nhưng vì miếng cơm manh áo cũng đành vậy.
***
4 giờ sáng làng tôi đã phải thức giấc, đàn ông chuẩn bị xe thồ từ chiều hôm trước, buộc lại lốp, tra dầu mỡ vào những cái xích đã rão nát, không phanh, không chuông, họ nhằm hướng chợ Gò, chợ Dàn, chợ Hang thẳng tiến. Tiếng chó sủa khắp làng như có trộm, quá trưa sang chiều lác đác có xe đay về đến làng, những bó đay buộc dựng đứng sau yên xe, người đi xe không có chỗ ngồi, chỉ ghé chút mông vào mỏm yên để lấy điểm tựa mà đạp, cót két, cót két lưng áo mùa đông cũng ướt đầm mồ hôi.
***
Nghề trồng đay đã cực nhọc, nghề chắp thừng cũng chẳng hơn được là bao. Để ra được sợi dây, bao nhiêu là công đoạn. Đầu tiên, người ta mang đay dìm xuống ao, ngâm cho mềm ra, sau đó vắt lên cao cho bó đay dóc hết nước. Hồi đó hàng rào nhà ông nội là rặng duối già, chi chít là cành quấn lấy nhau, chỗ ấy là ngôi nhà lý tưởng của bọn tôi trốn ngủ trưa ra mắc võng, buộc túm cành lại rồi trèo lên nằm ngắm mây, ngắm trời thỏa thích. Sau này chỗ ấy trở thành nơi phơi đay cho ráo nước trước khi đem lột mỏng ra để chắp thành thừng.
***
Làng thức dậy thật sớm, mùa đông cũng như mùa hè. 5 giờ sáng tiếng chó cắn, tiếng lợn rít trong chuồng, tiếng người gọi nhau í ới…suốt bao năm rồi những âm thanh ấy như đóng đinh vào nỗi nhớ của những người xa quê. Những đứa trẻ cùng trang lứa tôi vẫn còn say nồng trong giấc ngủ bị gọi dậy vét cơm nguội quèn quẹt trong xoong gang, ăn cùng với miếng cà nén ròn sần sật mà mặn cứng đầu lưỡi, để rồi ngồi bên máy quay thừng suốt từ sáng đến trưa chật. Cả làng thành đại công trường với những dây, rợ chăng khắp ngõ, ra tận ngoài đường. Những đêm trăng sáng, cả làng cùng thức vặn thừng, tiếng máy quay thừng lách cách, tiếng giục trẻ nhanh tay quay kẻo thừng lỏng… người già ngồi lột đay, thanh niên nam nữ, vợ chồng son trẻ sánh nhau trên đường gạch lát nghiêng vừa chắp thừng vừa râm ran chuyện trên trời, dưới biển. Mỗi một dây thừng chắp xong, người ta cuộn lại đội lên đầu trông như khăn xếp. Vui nhất là ngày cân thừng, nghe tiếng ô tô rì rì từ xa bò vào cổng làng và đỗ hẳn tại sân đình, lũ trẻ con tranh nhau chạy ra ngắm nghía, lúc đầu là đứng từ xa, không thấy chú lái xe phản ứng, chúng tiến lại gần sờ lốp, sờ đèn, có đứa tợn hơn trèo cả lên ca bin nhòm vào trong buồng lái. Những quả thừng lần lượt được khênh ra để cân, to nhất là thừng tạ, dây to như bắp tay người lớn, được gọi là chão, sau đó đến thừng cân, nhỏ hơn một chút. Cả nước dốc sức cho miền Nam đánh giặc, làng Phần Dương cũng góp phần vào công cuộc ấy bằng hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn tấn thừng, hồi đó tôi cũng chẳng hiểu người ta dùng thừng của Phần Dương để làm gì?
Năm 1985, cái đói, cái nghèo đã khiến cả nhà tôi khi đặt chân về quê để rồi biết làm cái nghề ấy, nếu không nồi cơm sẽ chẳng cho ba mẹ con tôi đủ no suốt những năm tháng khốn khổ ấy.
Nghề thừng như một cứu cánh cho người làng tôi suốt mấy chục năm trời, quanh năm suốt tháng cả làng đều bận, chẳng có ai lấy một buổi rảnh rỗi để nghỉ ngơi, trẻ làng ngoan hiền, lễ phép. Người lớn chịu thương chịu khó…. Thế mà chỉ sau 5 năm, cái nghề thân thương ấy tự dưng biến mất khỏi làng, hỏi ra mới biết có rất nhiều nguyên nhân, đó là do người ta dùng máy bơm nước cho đồng ruộng, gầu dai, gầu sòng cho lên gác bếp chẳng ai còn sờ đến nữa, dây thừng cũng không cần để làm gì, nông dân không gánh gồng bằng quang gánh. Xe thồ, công nông đã thay đôi vai gầy guộc của họ… nhưng công nghệ dây sản xuất bằng ni lông mới là nguyên nhân chính đánh gục hẳn nghề làm thừng của làng tôi.
Đoạn cuối: Tôi đưa em về làng không còn cảnh dây chăng như mắc cửi, không còn tiếng giục nhau í ới… làng đã khác xưa thật nhiều, thanh niên giờ mải chơi vì chẳng có việc gì để làm, tóc nhuộm xanh đỏ chở nhau vun vút bằng xe máy Trung Quốc trên đường làng, nói tục tĩu và cười to hơn ngày xưa. Tôi tiếc cái nghề của làng tôi trong những đêm trăng hiếm hoi thanh bình chỉ nghe tiếng xạc xào trên tàu cau già trước sân./..




Lặng nhớ mùa đông

Mùa đông năm ấy ở Thành Đông

Có thể ngày nào đó em đọc những dòng chữ này của tôi mùa đông đã qua mất rồi. Nhưng chẳng sao, năm nào mà chẳng có mùa đông. Sẽ lại có một mùa đông khác, rồi lại một mùa đông khác trong sâu thẳm nhớ nhung…Tôi có lần nghe ai đó nói rằng không thích mùa đông, vì mùa đông là mùa của nhà giàu và son phấn. Tôi thì gốc gác đồng quê, bố mẹ chẳng có gì, ngoài tình thương yêu các con vô cùng và tháng lương ít ỏi đủ trang trải cho cuộc sống đạm bạc rau mắm cho năm người.
Mùa đông năm ấy mẹ ngã bệnh, những cơn ho dai dẳng bắt đầu kéo đến hành hạ mẹ vào một sớm chuyển mùa, bệnh viện kết luận, hậu quả của gần 30 năm cầm phấn viết bảng của nghề dạy học, những viên phấn trắng toát lạnh lùng chạy theo cánh tay mẹ trên mặt bảng gỗ lồi lõm mốc thếch, và bụi phấn bay dày đến nỗi bám cả trên tóc, mẹ đã hít phải quá nhiều bụi phấn và viêm thanh quản nặng. Hồi nhỏ tôi chưa ý thức được cái câu mà các cô, các chú trêu đùa nhau về nghề giáo viên: “Nghề bán phổi ăn dần”. Những cơn ho dữ dội của mẹ vào buổi sáng đầu đông đã làm tôi hiểu được ra sự nghiệt ngã của nghề bố mẹ chọn.
Mùa đông miền Bắc hồi đó không ấm áp như bây giờ, gió thổi ngập tràn ngoài rặng phi lao đầu trường thành những tiếng hú dài nghe rõ nhất là vào ban đêm, sáng ra nhìn trời xám xịt, nước dưới hồ trước sân trường trong đến lạ, có thể xuyên tới đáy, nhìn rõ những quả phi lao dưới mặt bùn sâu. Thò tay xuống nước như chạm phải bỏng, rụt tay lại xuýt xoa, như ngàn chiếc kim đâm vào ngón tay. Cái giá rét đến như cắt da ,cắt thịt làm cho sự đói được thể vùng vẫy trong dạ dày càng thêm dữ dội.
Mẹ chớm ho một tuần, bố không thể bỏ lớp học nghiệp vụ ngoài tỉnh, tôi quanh quẩn bên mẹ vào những buổi chiều đông khi mẹ không có giờ trên lớp. Vừa ho, vừa cầm bút soạn giáo án cho kịp giảng sáng mai, nét chữ trên cuốn giáo án như xiêu như vẹo, nét chữ như rúm vào trước mùa đông khắc nghiệt. Vài ngày sau nữa mẹ không thể ngồi dậy được nữa, nằm trên giường đắp mảnh chăn bông thời bao cấp mà người ta vẫn hay gọi tên bằng trọng lượng của nó: chăn 3 cân, 5 cân, 7 cân… Mẹ chỉ được đắp cái chăn 3 cân cũ nát, sờn cả mép ngoài. Những tiếng ho xé ruột của mẹ như quặn thắt cả gan ruột tôi. Không biết ai mách bảo, có bao nhiêu loại lá cây để uống vào cho mát là tôi đi tìm về giã để vắt nước cho mẹ uống. Cánh đồng mùa đông sau trường học lộng gió đón tôi trong bước thấp, bước cao. Một tay cầm chiếc liềm cụt mũi, rụng hết cả chấu bên dưới lưỡi, một tay cầm cái rổ tre nhỏ, tôi lần theo những bờ ruộng để đào từng bụi rau má, đầy rổ lại bước thấp bước cao vội vàng về sợ mẹ một mình ở nhà mệt quá không biết kêu ai. Hết rau má là rau sam, nhưng mùa đông những cây rau sam không lớn nổi, lá nhỏ li ti, cành khẳng khiu, bò rạp xuống mặt đất, lẫn vào trong cỏ để tránh rét, có khi cả buổi chiều mới được một bó nhỏ… Cứ thế tôi quanh quẩn bên mẹ suốt mùa đông. Còn nhớ một ngày gió về tăng cường làm nhiệt độ giảm xuống dưới 10 độ, những con cá rô ở dưới hồ nằm thẳng đơ vì chết cóng, chỉ cần thò tay hoặc mang rổ ra hớt là được, xác cá rô nổi trắng một góc hồ vì sóng đánh về. Mẹ vẫn ho khan như rút ruột, cơn lạnh thấu da thấu thịt như thêm hành hạ phổi của mẹ. Tôi cố ghìm tiếng nấc, chạy ra ngoài tựa lưng vào thành bể nước mắt ràn rụa…Bác Chung, cấp dưỡng của trường đi qua nhìn thấy kéo tôi vào lòng an ủi, vỗ về. Bác đưa tôi một chiếc chảo gang và dặn: con ra ngoài bờ mương nhặt đầy quả phi lao vào đây để bác đốt lửa sưởi cho mẹ đỡ giá.
Hình như khói hăng nồng từ quả phi lao và hơi ấm trong nhà làm mẹ đỡ ho chút ít. Suốt từ buổi ấy, mỗi buổi học về lại tôi lại lụi cụi đi nhặt quả phi lao để dành góc bếp phòng khi rét mướt đốt sưởi cho mẹ…
Năm tháng đã dần xa, không biết bao mùa đông đã đi qua cuộc đời tôi, những cơn gió buốt lạnh từ đồng thổi ào ạt vào mỗi kiếp người. Tiếng của gió u u trên cành phi lao và mùi quả hăng nồng được đốt cháy để sưởi  không làm sao  tôi quên được. Em biết là tôi thích mùa đông, em biết là tôi muốn đón những trận gió lạnh thổi lên mặt như cảm nhận một điều thiêng liêng, đó là tình mẫu tử. Người ta không thích mùa đông, nhưng riêng tôi, mùa đông đã như một mùa của sự hồi sinh, mùa của vạn vật chuẩn bị cho những gì mới lạ, hân hoan trong cuộc đời này./..

Đê làng

Đưa em qua một quãng đê là tới đầu làng, con đê như gắn bó ruột thịt với mỗi miền quê đồng bằng Bắc bộ, nếu không có đê, đời sống văn hóa người nông dân sẽ nghèo đi biết mấy.
Tôi muốn kể cho em nghe về con đê làng , con đê in bóng dáng của bao lớp người  tần tảo sớm hôm với những gánh, những gồng, mớ rau, con cá  mà nuôi cả gia đình.
…Nó chạy dọc triền sông từ bao giờ chẳng biết, chỉ nghe người xưa kể lại vào những đêm trăng mùa hạ cả làng kéo nhau ra đê nằm đón gió nồm mát rượi. Khi tôi và lũ trẻ cùng tuổi trong làng chiều chiều ra bờ đê tìm cỏ gà chơi chọi, nhấm nháp lá me đất tận hưởng vị chua dìu dịu nơi đầu lưỡi thì con đê đã đã già lắm rồi. Nhưng hình như càng cao tuổi, mặt đê càng mịn màng, thân đê xanh mướt của muôn ngàn cây cỏ, màu xanh ấy được chắt chiu từ màu mỡ của thân đê mà có được. Dọc triền đê là thế giới riêng của cỏ, cỏ mật lòa xòa, cỏ mần trầu từng bụi thơm mùi hăng nồng, cỏ gà bò sát mặt đê, cỏ may tua tủa lên trời… Sườn đê thoai thoải vừa là chỗ nghỉ của những người nông phu sau một ngày làm đồng nhọc nhằn, vừa là nơi  cho những chú trâu béo mẫm nhẩn nha kiếm bữa cuối trước khi về chuồng.
Mỗi chiều chuẩn bị tắt nắng, lũ trẻ bọn tôi vác diều ra chạy, diều lên, cả bọn nằm dài trên bờ cỏ, thả mắt nhìn cánh đồng lúa trải dài ra đến vô tận. Úp mặt xuống triền đê, mùi cỏ mật hăng hăng, mùi đất ẩm nồng nồng, có tiếng ri ri của đàn dế chuẩn bị ra khỏi hang để uống sương và nhấm nháp cỏ non. Đầm sen bám dọc triền đê bên này cũng xanh ngợp mắt, không nhìn thấy nước trong đầm mà chỉ thấy rừng lá sen lay động, hương sen quyện vào tóc thơm ngan ngát.
Từ giã tuổi thơ, tôi xa làng đã chừng hơn chục năm, con đê làng theo tôi vào nỗi nhớ… Tôi mơ thấy thân đê gầy guộc lắm, giá đất lên vùn vụt, người ta xả thân nó ra để lấy đất về đổ vườn nhà, lấp ao để bán. Thảm cỏ xanh mướt ngày nào giờ như chiếc áo nhà nghèo lỗ chỗ thủng. Những đoàn xe công nông quần đảo trên mặt đê ngày đêm không ngớt, mặt đê nát ra theo năm tháng thành ổ trâu, ổ gà, cả con đê quằn quại vì đau đớn. Chẳng ai thèm đếm xỉa…
Trẻ con bây giờ chẳng có trâu để được đi chăn, quên mất cách làm diều… thay vào đó là những bàn bi a, quán karaoke, chát chít suốt đêm ngày. Tôi nghe nói rồi sau sẽ trải nhựa lên mặt đê. Tự nhiên, tôi ngửi thấy mùi nhựa đường hăng hắc xông lên ngột ngạt, khó thở. Chẳng có hương cỏ, hương sen và tiếng dế ri ri những chiều lộng gió.
Tôi  dẫn em về trên con đê thân thuộc tìm chút kỷ niệm xưa, tôi sẽ nói với em rằng tuổi thơ một phần đã nằm lại nơi đó, em giúp tôi nhặt nhạnh, góp gom, đừng để mất nốt chút kỷ niệm còn sót lại nơi này./..


Nước mắt

Em bước vào đời tôi, nhanh hơn cả ráng hoàng hôn chiếu qua khe cửa khép hờ. Nhưng nỗi nhớ thương thì đằng đẵng trong tôi cả những giấc ngủ, những lúc gần bên em hay xa nhau hàng nghìn cây số. Nhớ em nhiều quá đến nỗi ứa cả nước mắt trong những chiều buồn.
Bố bảo: “ Con trai ai lại khóc ra nước mắt, nếu có phải nuốt ngược vào trong”.
Thầy giáo dạy triết nói: “ Nước mắt là một dạng của vật chất…”
Tôi nghĩ nước mắt là do ông trời ban phát cho con người, nó giúp làm dịu đi bao nỗi đớn đau, thăng hoa trong niềm hạnh phúc mà con người nếm trải trong cõi đời này.
Con trẻ khi mới sinh ra, có đứa nào không khóc đâu, mà chẳng may không chịu khóc lúc lọt lòng mẹ thì bà Mụ cũng phát vào đít cho bằng khóc thì thôi. Nhưng sao không phải là nụ cười chào đời? Tôi hỏi mẹ, mẹ nhìn bố. tôi thấy họ bối rối nhìn nhau.
Khi lớn lên rồi tôi cũng chẳng hiểu vì sao có điều như vậy, nhưng nước mắt thì tôi nhìn thấy nhiều lắm, của chính tôi và bao người khác nữa, một phát hiện rất sơ đẳng là nước mắt có vị mặn chứ không phải ngọt như ngày bé tôi nghĩ.
Em ngước lên nhìn bầu trời đêm mùa thu, một vầng trăng non đầu tháng chênh chếch, sao thưa thớt quá, sáng nhất là ngôi sao hôm đang vội chìm dần cuối trời để kịp thành sao mai buổi sớm hôm sau. Trăng đấy thương yêu, chỉ của hai chúng mình nghe em, để khi xa nhau em hãy hình dung đó là giọt nước mắt thương nhớ của anh, của em. Tôi không biết nước mắt của em và tôi, ai mặn hơn ai? dù nước mắt của em tôi đã uống đôi lần.
Mẹ bảo: Nước mắt của con gái có thể làm tăng thêm sức mạnh cho người con trai, nhưng cũng có khi làm cho người con trai chết đuối bởi giọt nước ấy. Tôi lờ mờ hiểu.
Chị lấy chồng ngày ấy, đám cưới ở quê rất đông trẻ con, chẳng có nhiều đặc sản như bây giờ. Người ta uống rượu trắng trong chai nút lá chuối, thịt lợn luộc thái trắng phau bày lên đĩa sành. Thuốc lá rẻ tiền và trầu cau quyện với nhau thành thứ mùi đặc trưng thời bao cấp. Tôi thấy chị vào buồng lén rút khăn tay lau trộm mẹ nước mắt. Mẹ bắt gặp chị và đứng nhìn, hai tay buông thõng rồi mắt cũng ầng ậng nước.
Ngày ấy anh chót đam mê nghiệp văn chương đến nỗi giấu mẹ để trốn học để đi bộ đội. Mấy năm sau về phép, gày gò và đen sạm, nhưng những câu chuyện miền biên giới xa tít mù tắp tôi nghe mãi chả thấy chán. Đó là những đỉnh núi chọc trời quanh năm mây phủ, những con ngựa biết cõng chủ của mình say khướt trên lưng từ chợ về đến nhà. “ Anh có bao giờ khóc vì nhớ nhà không?”- “ Cái thằng này, con trai ai lại khóc, mà tao lại là bộ đội canh giữ  biên giới, bộ đội là không bao giờ được khóc.” Chẳng biết anh nói thật , tôi  nghĩ: thế ngày xưa bố ngủ trong rừng Trường Sơn không biết có khóc vì nhớ bà không?”
Hết phép,mẹ đưa anh nắm cơm và mấy chục nghìn tiền lẻ dặn dò phải biết  giứ sức khỏe vì trên ấy rừng thiêng nước độc và rất nhiều muỗi sốt rét. Mắt anh đỏ hoe, mẹ thì rút khăn lau mặt liên tục. Chị quay đi chỗ khác còn bố với chiếc radio mở bản tin nghe tình hình chiến sự biên giới.
Ngày ông nội mất, tôi nhận được tin muộn nhất vì thuê nhà ở chỗ không có điện thoại công cộng, tất tả đạp xe từ trên trường về, rạp đã bắc kín cái sân gạch cổ, họ hàng chen nhau mỗi người một việc, tôi quẳng túi xuống đầu hè, gạt người chạy thốc vào trong giường ông vẫn nằm hàng ngày. Bác, bố, cô, chú đang đứng quanh ông, thân hình gày chỉ còn da bọc xương đã được bó gọn trong bộ quần áo trắng toát, ông nằm như ngủ rất say, cứ ngỡ ngày nào tôi còn bên ông, buổi sáng thường tha thẩn theo ông đi khắp làng mỏi  rũ chân, về đến nhà nằm dài trên chiếc phản gỗ sung đã mọt chân phải buộc tạm bằng dây thừng cho khỏi đổ, chờ ông nấu cơm xong gọi dậy cho ăn…ông ơi, ông ơi…tôi đứng như chết lặng bên đầu giường. Giờ khâm liệm đã đến, mọi người khiêng ông đặt vào áo quan, bố nấc lên từng tiếng tôi nghe như thắt ruột, thắt gan, và lần đầu tiên tôi thấy bố khóc…
Buổi chia ly, tôi giã từ nơi mà mình đã gắn bó với nghề gần chục năm, em ở lại chốn cũ. Tôi nắm chặt lấy bàn tay em, lòng trào dâng một nỗi buồn mênh mang, đừng khóc nữa em, bởi tôi cũng đang muốn khóc. Sao em không giữ tôi ở lại bên em? Sao em không nói thật nhiều cho tôi vơi đi nỗi buồn thương, cảm giác như tủi thân, như muốn dỗi hờn thời con trẻ.
Bà bảo tháng bảy mưa ngâu, Ngưu Lang- Chức Nữ gặp nhau và khóc, nước mắt chảy thành sông, thành suối và mặn như nước biển. Và tháng bảy mưa ngâu, để mặc cho mưa rơi tôi ôm em thật chặt trong lòng như chỉ sợ em vụt biến mất khỏi vòng tay tôi, cuộc đời tôi. Nước mưa, nước mắt vì thương nhớ của tôi và em đang hòa vào nhau, những giọt nhớ thương sẽ luôn bên tôi và em bởi tôi biết, tôi yêu thương em đến nhường nào, em là gì của tôi trong cuộc đời này…

Chó!!!

Mình thích chó, yêu chó, quí chó, xong đến mèo. Cũng bởi vậy, không dùng thịt chúng làm thức ăn hay mồi nhậu, tuyệt đối không. Nhà có 4 người thì chia làm mấy phe. Thùy thì quí mèo, chó thường thôi, nhất là  sau khi bị con Dương Heo kỷ niệm cho vết sẹo trên mặt. Bảo đối xử bình thường với mèo và chó, chẳng quí cũng chẳng ghét. Còn lại là vợ, kẻ thù  muôn đời, muôn kiếp của chó và mèo. Không có mình ở nhà, y rằng, lũ chó và mèo no đòn, rất nhiều vũ khí được huy động để trấn áp, giày, dép, phất trần...thẳng cánh mà phang. Mình nói bao lần vẫn vậy! Phương án bảo vệ chó, mèo được đặt ra, nếu mình ở nhà thì ok, mình đi công tác giao cho Thùy giám sát, ghi vào nhật ký những trận đàn áp vô cớ để về có ý kiến xử lý sau. Hihihi...Hôm rồi bắt được trên mạng  bài diễn văn hay nhất về loài chó, đọc xong sướng kinh, đưa cho vợ đọc, nhưng cũng chẳng cải thiện được tình hình. Mình tức quá, trích dẫn một câu, cũng nhặt được trong một lần lang thang trong cõi nét: "Từ khi tôi hiểu loài người mới biết yêu thương loài chó" ...đại loại vậy. Còn đây là  bài diễn văn hay nhất về loài chó: 

Diễn văn của luật sư Georges Graham Vest tại một phiên tòa xử vụ kiện người hàng xóm làm chết con chó của thân chủ, được phóng viên William Saller của The New York Times bình chọn là hay nhất trong tất cả các bài diễn văn, lời tựa trên thế giới trong khoảng 100 năm qua.

Thưa quý ngài hội thẩm,
Người bạn tốt nhất mà con người có được trên thế giới này có thể một ngày nào đó hoá ra kẻ thù quay lại chống lại ta. Con cái mà ta nuôi dưỡng với tình yêu thương hết mực rồi có thể là một lũ vô ơn.
Những người gần gũi thân thiết ta nhất, những người ta gửi gắm hạnh phúc và danh dự có thể trở thành kẻ phản bội, phụ bạc lòng tin cậy và sự trung thành. Tiền bạc mà con người có được, rồi sẽ mất đi. Nó mất đi đúng vào lúc ta cần đến nó nhất. Tiếng tăm của con người cũng có thể tiêu tan trong phút chốc bởi một hành động một giờ.

Những kẻ phủ phục tôn vinh ta khi ta thành đạt có thể sẽ là những kẻ đầu tiên ném đá vào ta khi ta sa cơ lỡ vận. Duy có một người bạn hoàn toàn không vụ lợi mà con người có được trong thế giới ích kỷ này, người bạn không bao giờ bỏ ta đi, không bao giờ tỏ ra vô ơn hay tráo trở, đó là con chó của ta.

Con chó của ta luôn ở bên cạnh ta trong phú quý cũng như trong lúc bần hàn, khi khoẻ mạnh cũng như lúc ốm đau. Nó ngủ yên trên nền đất lạnh, dù đông cắt da cắt thịt hay bão tuyết lấp vùi, miễn sao được cận kề bên chủ là được. Nó hôn bàn tay ta dù khi ta không còn thức ăn gì cho nó. Nó liếm vết thương của ta và những trầy xước mà ta hứng chịu khi ta va chạm với cuộc đời tàn bạo này. Nó canh giấc ngủ của ta như thể ta là một ông hoàng dù ta có là một gã ăn mày.

Dù khi ta đã tán gia bại sản, thân bại danh liệt thì vẫn còn con chó trung thành với tình yêu nó dành cho ta như thái dương trên bầu trời. Nếu chẳng may số phận đá ta ra rìa xã hội, không bạn bè, vô gia cư thì con chó trung thành chỉ xin ta một ân huệ là cho nó được đồng hành, cho nó làm kẻ bảo vệ ta trước hiểm nguy, giúp ta chống lại kẻ thù.
Và một khi trò đời hạ màn, thần chết rước linh hồn ta đi để lại thân xác ta trong lòng đất lạnh, thì khi ấy khi tất cả thân bằng quyến thuộc đã phủi tay sau nắm đất cuối cùng và quay đi để sống tiếp cuộc đời của họ. Thì khi ấy còn bên nấm mồ ta con chó cao thượng của ta nằm gục mõm giữa hai chân trước, đôi mắt ướt buồn vẫn mở ra cảnh giác, trung thành và chân thực ngay cả khi ta đã mất rồi.


Đây được gọi là Dương Heo, tác phẩm đầu tay của mình
khi mới định cư tại Biên Hòa. Hay ăn, chóng lớn, dưng mà
chẳng biết phân biệt ta và địch, cắn nhầm Thùy một phát, bán quách đi cho xong
Khoang ở nhà ông bà nội, Ân Thi- Hưng Yên,
hiền như cục đất, hiếm khi thấy nó sủa

Chó nhà Trưởng thôn Chu Văn Khởi tần tảo nuôi con...

...bằng sữa tươi nguyên chất trăm phần trăm...

Cặp đôi hoàn hảo 1

Chó nhà Hùng Ly, to xác dưng mà ngu tợn

Thẫn thờ dưới trăng ...Chó nhà anh Ninh Hải
ngoài trại
Cậu này là ở Châu Thành- Tiền Giang mùa nước nổi 2008,
giờ này chắc đã bị bợm nhậu chôn chặt trong bao tử rồi

Cậu này cũng vậy, cùng gia đình với cậu trên, chả hiểu sao,
chủ để hói cả mũi?
Kiếp tôi đòi cơm vãi, cơm rơi

Cẩu chiến ở Hàm Yên-Tuyên Quang xuống tấn

Cặp đôi hoàn hảo 2

Ở đồn biên phòng Tây Ninh, sai trĩu thế này
thì gãy cành mất

Mình thích đồng chí này, dưng bé quá, không thể mang về
nhà được...tiếc suốt dọc đường