Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

Cuối tuần cười phát


Anh khinh, quay đít không thèm chấp

Mưa suốt, chẳng chịu tạnh, càng đêm càng mưa rầm rập, buồn kinh. Chẳng muốn cày cuốc gì cả, tự dưng mất hứng, đúng thật là là là...Thôi thì cuối tuần làm cái này cho vui một tí:
Con chim sẻ đang bay tránh rét nhưng rét quá bay không nổi rơi xuống bờ mương chờ chết.
Con bò đi qua ị vào con chim, chim ấm lên tỉnh dậy và cất tiếng hót véo von yêu đời.
Con mèo đi qua kéo con chim khỏi đống cứt… rồi ăn thịt.
Bài học 1: Không phải thằng nào ỉa lên đầu mình cũng là kẻ thù
Bài học 2: Không phải thằng nào kéo mình ra khỏi đống cứt cũng là bạn
Bài học 3: Lúc ngập ngụa trong đống cứt nên ngậm miệng lại./...

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Mưa

Chiều qua, mưa bất chợt ào đến, xối xả từng đợt. Sau nửa tiếng tưởng dứt, dưng trời chuyển mưa nhỏ, cứ tí tách rơi suốt.
Mưa Nam bộ ngày xưa hầu như không dai dẳng, chợt đến, chợt đi.
Vậy mà bây giờ, trong này cũng có mưa dầm, có đêm kéo dài hàng gần chục tiếng đồng hồ. Không biết có phải do người Bắc di cư vào nhiều quá, mang theo cả thứ mưa tí tách dầm dề của ông Ngâu- bà Ngâu vào hay không?
Mưa xuống, trời trở lạnh đột ngột, cứ dư miền Bắc vào thu. Nếu có mùi hoa sữa thoang thoảng đâu đó thì chẳng khác đang đi trên đường quê vào độ tháng 10.
Nằm nghe mưa mãi không ngủ được.
Với tay vặn to radio thêm chút nữa át bớt tiếng mưa ngoài hiên.
Nỗi nhớ...
Không hiểu sao lại vậy???
Có thể là nhân duyên...
Đêm qua, trên Fm phát bài "Tình ca Tây Bắc" và giấc mơ đến dư mình vẫn mơ.
Đúng là nghe nhạc trong lúc ngủ, giấc mơ sẽ càng lãng mạn, tuyệt vời hơn. Tỉnh dậy buồn nao cả người.
Trong giấc mơ có hoa ban, mặc dù mình chưa giáp mặt loài hoa ấy, chỉ nhòm qua cửa kính xe. Dưng màu trắng của nó thật mê hồn.
Trong giấc mơ, có muôn ngàn con bươm bướm vây quanh dững mỏm đá bên khe suối, giấc mơ đến cứ dư một cuốn phim...lúc tỉnh dậy, mình nằm miên man nghĩ. Sao lại vậy??? Sao lại vậy???
Dưng mà thôi, cảm giác hạnh phúc và buồn mênh mang vẫn còn nguyên trong mình, mong sao, giấc mơ như vậy sẽ đến với mình vào dững đêm sau này, có thể đây sẽ là thang thuốc chữa đau đầu cho mình hiệu quả nhất.
Nhớ "Những người thợ xẻ" của Nguyễn Huy Thiệp- dững câu văn động chạm vào lòng người đến vô cùng, nó cũng liên quan đến hoa ban... 
Đoạn mở đầu: “Hai bên bạt ngàn là ngô và bông. Những dãy núi đá vôi trập trùng cao ngất. Chúng tôi đi men ở dưới chân núi, vừa bé nhỏ, vừa cô đơn, lại liều lĩnh, mà bất lực, thậm chí vô nghĩa nữa. Bạt ngàn là hoa ban trắng, màu trắng đến là khắc khoải, nao lòng. Này hoa ban, một nghìn năm trước thì mày có trắng thế không?”…
Và đoạn kết: “Chúng tôi cứ đi trên cái cầu vồng bảy sắc. Bạt ngàn là hoa ban trắng bên đường, màu trắng đến là khắc khoải, nao lòng. Này hoa ban, một nghìn năm sau thì mày có trắng thế không?”





Chán thật, không phải hoa ban



Dịu mắt, dịu cả nỗi lòng




Quá đỗi bình yên

Từ điển Anh-Việt


Đồ con vẹt...hehehe

Mình học tiếng Tây ngu dư bò, học trước quên sau, đúng là đầu đất. Cấp ba học i a day dứt sờ ki. Lên đại học, hai năm đầu tiếng Phú Lang Sa, hai năm cuối chuyển qua học Ăng gờ Lê. Rút cục trình độ ba ngoại ngữ tương đương nhau, có nghĩa là chẳng biết quái gì. Rõ là toi cơm của bố mẹ.
Trước thực trạng ngu dốt này, mình tự an ủi, thôi thì cứ nói sõi tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt đã, rồi Tây, Tàu gì tính sau. Dưng đúng là cái số kiếp lận đận với ngôn ngữ. Mình lại quê đúng vào khu vực nói ngọng, nhất là lờ với nờ, không thế nữa, nhều từ phát âm sai kinh lên được, đi ra Hà Nội du học, tuyền bị bạn bè chê cười là dân ngọng níu, ngọng nô. Cùn lên bẩu: Ngọng cũng được, đấy là người ta giữ bản sắc quê hương. Còn hơn là cái lũ học đòi, suốt ngày đã rồi lại còn ô kê, đã đường rồi lại còn đường quốc lộ...
Hôm nay xào trên nét được bài thơ dạy học ngoại ngữ. Gớm hay và dễ nhớ kinh, mình xin mời ai học dốt tiếng Tây dư mình nên chép về mà học cho thuộc. Dễ lắm, kể cả ngồi trong toa lét cũng nhẩm được từ mới, hay đáo để. Bắt đầu đây:
Long dài, short ngắn, tall cao
Here đây, there đó, which nào, where đâu
Sentence có nghĩa là câu
Lesson bài học, rainbow cầu vồng

Husband là đức ông chồng
Daddy cha bố, please don't xin đừng
Darling tiếng gọi em cưng
Merry vui thích, cái sừng là horn

Rách rồi xài đỡ chữ torn
To sing là hát, a song một bài
Nói sai sự thật to lie
Go đi, come đến, một vài là some

Đứng stand, look ngó, lie nằm
Five năm, four bốn, hold cầm, play chơi
One life là một cuộc đời
Happy sung sướng, laugh cười, cry kêu

Lover tạm dịch ngừơi yêu
Charming duyên dáng, mỹ miều graceful
Mặt trăng là chữ the moon
World là thế giới, sớm soon, lake hồ

Dao knife, spoon muỗng, cuốc hoe
Đêm night, dark tối, khổng lồ giant
Fund vui, die chết, near gần
Sorry xin lỗi, dull đần, wise khôn

Burry có nghĩa là chôn
Our souls tạm dịch linh hồn chúng ta
Xe hơi du lịch là car
Sir ngài, Lord đức, thưa bà Madam

Thousand là đúng... mười trăm
Ngày day, tuần week, year năm, hour giờ
Wait there đứng đó đợi chờ
Nightmare ác mộng, dream mơ, pray cầu

Trừ ra except, deep sâu
Daughter con gái, bridge cầu, pond ao
Enter tạm dịch đi vào
Thêm for tham dự lẽ nào lại sai

Shoulder cứ dịch là vai
Writer văn sĩ, cái đài radio
A bowl là một cái tô
Chữ tear nước mắt, tomb mồ, miss cô

Máy khâu dùng tạm chữ sew
Kẻ thù dịch đại là foe chẳng lầm
Shelter tạm dịch là hầm
Chữ shout là hét, nói thầm whisper

What time là hỏi mấy giờ
Clear trong, clean sạch, mờ mờ là dim
Gặp ông ta dịch see him
Swim bơi, wade lội, drown chìm chết trôi

Mountain là núi, hill đồi
Valley thung lũng, cây sồi oak tree
Tiền xin đóng học school fee
Yêu tôi dùng chữ love me chẳng lầm

To steal tạm dịch cầm nhầm
Tẩy chay boycott, gia cầm poultry
Cattle gia súc, ong bee
Something to eat chút gì để ăn

Lip môi, tongue lưỡi, teeth răng
Exam thi cử, cái bằng licence...
Lovely có nghĩa dễ thương
Pretty xinh đẹp thường thường so so

Lotto là chơi lô tô
Nấu ăn là cook, wash clothes giặt đồ
Push thì có nghĩa đẩy, xô
Marriage đám cưới, single độc thân

Foot thì có nghĩa bàn chân
Far là xa cách còn gần là near
Spoon có nghĩa cái thìa
Toán trừ subtract, toán chia divide

Dream thì có nghĩa giấc mơ
Month thì là tháng, thời giờ là time
Job thì có nghĩa việc làm
Lady phái nữ, phái nam gentleman

Close friend có nghĩa bạn thân
Leaf là chiếc lá, còn sun mặt trời
Fall down có nghĩa là rơi
Welcome chào đón, mời là invite

Short là ngắn, long là dài
Mũ thì là hat, chiếc hài là shoe
Autumn có nghĩa mùa thu
Summer mùa hạ, cái tù là jail

Duck là vịt, pig là heo
Rich là giàu có, còn nghèo là poor
Crab thì có nghĩa con cua
Church nhà thờ đó, còn chùa temple

Aunt có nghĩa dì, cô
Chair là cái ghế, cái hồ là pool
Late là muộn, sớm là soon
Hospital bệnh viẹn, school là trường

Dew thì có nghĩa là sương
Happy vui vẻ, chán chường weary
Exam có nghĩa kỳ thi
Nervous nhút nhát, mommy mẹ hiền.

Region có nghĩa là miền,
Interupted gián đoạn còn liền next to.
Coins dùng chỉ những đồng xu,
Còn đồng tiền giấy paper money.

Here chỉ dùng để chỉ tại đây,
A moment một lát còn ngay ringht now,
Brothers-in-law đồng hao.
Farm-work đòng áng, đồng bào Fellow-countryman

Narrow-minded chỉ sự nhỏ nhen,
Open-hended hào phóng còn hèn là mean.
Vẫn còn dùng chữ still,
Kỹ năng là chữ skill khó gì!

Gold là vàng, graphite than chì.
Munia tên gọi chim ri
Kestrel chim cắt có gì khó đâu.
Migrant kite là chú diều hâu
Warbler chim chích, hải âu petrel

Stupid có nghĩa là khờ,
Đảo lên đảo xuống, stir nhiều nhiều.
How many có nghĩa bao nhiêu.
Too much nhiều quá, a few một vài

Right là đúng, wrong là sai
Chess là cờ tướng, đánh bài playing card
Flower có nghĩa là hoa
Hair là mái tóc, da là skin

Buổi sáng thì là morning
King là vua chúa, còn Queen nữ hoàng
Wander có nghĩa lang thang
Màu đỏ là red, màu vàng yellow

Yes là đúng, không là no
Fast là nhanh chóng, slow chậm rì
Sleep là ngủ, go là đi
Weakly ốm yếu healthy mạnh lành

White là trắng, green là xanh
Hard là chăm chỉ , học hành study
Ngọt là sweet, kẹo candy
Butterfly là bướm, bee là con ong

River có nghĩa dòng sông
Wait for có nghĩa ngóng trông đợi chờ
Dirty có nghĩa là dơ
Bánh mì bread, còn bơ butter

Bác sĩ thì là doctor
Y tá là nurse, teacher giáo viên
Mad dùng chỉ những kẻ điên,
Everywhere có nghĩa mọi miền gần xa.

A song chỉ một bài ca.
Ngôi sao dùng chữ star, có liền!
Firstly có nghĩa trước tiên
Silver là bạc, còn tiền money

Biscuit thì là bánh quy
Can là có thể, please vui lòng
Winter có nghĩa mùa đông
Iron là sắt còn đồng copper

Kẻ giết người là killer
Cảnh sát police, lawyer luật sư
Emigrate là di cư
Bưu điện post office, thư từ là mail

Follow có nghĩa đi theo
Shopping mua sắm còn sale bán hàng
Space có nghĩa không gian
Hàng trăm hundred, hàng ngàn thousand

Stupid có nghĩa ngu đần
Thông minh smart, equation phương trình
Television là truyền hình
Băng ghi âm là tape, chương trình program

Hear là nghe watch là xem
Electric là điện còn lamp bóng đèn
Praise có nghĩa ngợi khen
Crowd đông đúc, lấn chen hustle

Capital là thủ đô
City thành phố, local địa phương
Country có nghĩa quê hương
Field là đồng ruộng còn vườn garden

Chốc lát là chữ moment
Fish là con cá, chicken gà tơ
Naive có nghĩa ngây thơ
Poet thi sĩ, great writer văn hào

Tall thì có nghĩa là cao
Short là thấp ngắn, còn chào hello
Uncle là bác, elders cô.
Shy mắc cỡ, coarse là thô.

Come on có nghĩa mời vô,
Go away đuổi cút, còn vồ pounce.
Poem có nghĩa là thơ,
Strong khoẻ mạnh, mệt phờ dog-tiered.

Bầu trời thường gọi sky,
Life là sự sống còn die lìa đời
Shed tears có nghĩa lệ rơi
Fully là đủ, nửa vời by halves

Ở lại dùng chữ stay,
Bỏ đi là leave còn nằm là lie.
Tomorrow có nghĩa ngày mai
Hoa sen lotus, hoa lài jasmine

Madman có nghĩa người điên
Private có nghĩa là riêng của mình
Cảm giác là chữ feeling
Camera máy ảnh hình là photo

Động vật là animal
Big là to lớn, little nhỏ nhoi
Elephant là con voi
Goby cá bống, cá mòi sardine

Mỏng mảnh thì là chữ thin
Cổ là chữ neck, còn chin cái cằm
Visit có nghĩa viếng thăm
Lie down có nghĩa là nằm nghỉ ngơi

Mouse con chuột, bat con dơi
Separate có nghĩa tách rời, chia ra
Gift thì có nghĩa món quà
Guest thì là khách chủ nhà house owner

Bệnh ung thư là cancer
Lối ra exit, enter đi vào
Up lên còn xuống là down
Beside bên cạnh, about khoảng chừng

Stop có nghĩa là ngừng
Ocean là biển, rừng là jungle
Silly là kẻ dại khờ,
Khôn ngoan smart, đù đờ luggish

Hôn là kiss, kiss thật lâu.
Cửa sổ là chữ window
Special đặc biệt normal thường thôi
Lazy... làm biếng quá rồi
Ngồi mà viết tiếp một hồi die soon
Hứng thì cứ việc go on,
Còn không stop ta còn nghỉ ngơi!

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Mất xe


Mất mẹ nó xe rồi...huhuhu

Bố nhớ con trai gọi con về nhà chơi.
20 phút sau bố gọi lại hỏi thằng con: – Con đang làm gì thế đã chuẩn bị về chưa con?
Thằng con trả lời bố : – Dạ con đang lên xe bố ạ.
10 phút sau thằng con gọi điên thoại cho bố nó nói: – Bố ơi xe của con bị bắt rồi!
Bố hỏi thằng con: – Xe nào…!?!?
Thằng con trả lới: – Xe đỏ của con đấy bố làm thế nào bây giờ hả bố? Lại mất 200.000 VNĐ rồi.
Bố hỏi thằng con: – Làm sao mà bị bắt?
Thằng con trả lới: – Con vừa đi sang qua sông đang đứng con không để ý thế là tự nhiên nó nhảy vào bắt con!
Bố lại hỏi thằng con: – Thế mày bị bắt ở đoạn nào?
Thằng con trả lời : – Dạ con đứng ngay chân mã nên bị nó bắt ạ!
Bố : ….!
!!

Tổ tiên của người Nhật

Lại nói đến chuyện ngoại ngữ, phì cười với thằng cu em cạnh nhà mình. Hồi ấy ở quê thất nghiệp nhiều, học hành thì ít, nam thanh nữ tú chẳng bằng bổi gì. Ở nhà cày cấy mãi cũng chán, mà ruộng ít lấy đâu ra mà cấy. Cả năm vất vả nhất mấy ngày cấy và gặt, xong lại rong nhan chơi cho thỏa thích, chơi chán đến độ đần cả người ra vì không tiền và cũng chẳng có trò gì mà chơi.
Tình trạng thanh niên nhớn tướng rỗi hơi đi ngoài đường rầm rập vào buổi sáng, trưa, chiều tối là chuyện thường. Chính vậy mới hay xảy ra bụp nhau giữa thanh niên xóm này với xóm kia, làng này với làng kia…mà xoay quanh cũng chỉ là chuyện mái…
Nhà nào có một mái mới nhớn thì thôi rồi, chó sủa khản cổ vì khách vào ra, sủa đến nỗi không buồn ử lên được tiếng nào nữa vì nhọc. Nguyên nhân thì rất đơn giản, bố mẹ mấy thằng ông mãnh giục đi tìm vợ, thêm người để được chia thêm ruộng, còn có cái mà cày mà cấy, sau nữa thì đẻ con đẻ cái cho vui cửa vui nhà. Về phía mấy ông choai choai, việc chẳng có, giải trí thì không, vậy nên có mỗi bài hay nhất là đi tán gái tối, vừa vui vừa sướng, nhỡ đâu được con vợ ngon thì khoái tỉ cả nửa đời người.
Thằng cu em mình cũng nằm trong cái loại cả năm chỉ có hai lần cấy, gặt ấy, nhàn quá đâm buồn. May thay, đất nước mở cửa thông thương, cái anh Mã thế quái nào tuyển công nhân Việt mình như tuyển người đi đào đất đóng gạch, mỗi đận về thông báo trên cái loa của thôn treo trên ngọn cây méo mó sẹo sọ từ cả chục năm trước, tiếng thì khọt khẹt như thằng bị cảm cúm kinh niên chữa mãi không khỏi.
Cứ mỗi tuần, cái loa lại ra rả đọc thông tin quảng cáo tuyển người đi Mã.
Thế là thanh niên, rồi bậc tứ tuần quê mình nô nức lên đường xuất ngoại, giá cả phải chăng, quĩ tín dụng hỗ trợ cho vay đàng hoàng nếu anh không có tiền thì cầm cái sổ đỏ xuống mà cắm.
Thằng em mình háo hức làm thủ tục để quyết đổi đời.
Tổng cả thảy là gần ba chục triệu, vay mượn, bán lợn cả nái lẫn con dồn vào mãi mới đủ.
Ông này lần đầu tiên được tập trung vào tỉnh nghe phổ biến qui chế và học tiếng anh mà run cầm cập.
Nó bẩu với mình, em chuyên đi lặn trai khảm vào mùa hè, cứ một cái ống bương làm phao và một sợi dây thừng, em tùm tũm lặn cả ngày được, dững đoạn sông sâu, nước lạnh toát vừa hụp tới đáy đã phải ngoi lên, máu mũi tứa ra mà em không khiếp. Sao mà đi học tiếng Tây em sợ vãi cả đái ra quần, nhất là lúc cô giáo đi ngang qua rồi bất ngờ quay lại chỉ vào mình bắt đứng dậy phát âm. Ối giời ơi, tim em đập như trống mùa lũ, muốn bắn ra khỏi ngực. Xong rồi ngượng lắm anh ạ. Nói tiếng mình trước đông người em còn ấp úng, vậy mà bắt em nói tiếng Tây trước cả đống người, em chết mất…
Thế rồi nó cũng chẳng chết, đủ tháng, đủ ngày tập huấn mấy cái kỹ năng trước khi sang xứ người kiếm ăn, thế là nó lên đường. Hùng dũng oai vệ dư cóc, nó bẩu, giờ ngon rồi bác ạ, tiếng Tây khó thế em còn học được nữa là…hahaha, mình nghe nó chào bằng tiếng Tây mà chả khác gì nói tiếng Tày.
Theo hợp đồng, nó đi hai năm. Nhoàng một cái, bốn tháng sau đã thấy nó về nhà ôm điếu cày rít sòng sọc, tóc tai vẫn vàng hoe, dưng mà dựng đứng cả lên. Nó bẩu, em mới về, hết việc bác ạ, về sớm chứ nằm bên đó chờ có việc trở lại thì chết toi mất xác.
Người ta bẩu sẽ thanh toán trả lại cho bọn em số tiền đặt cọc trong hợp đồng, dưng chẳng thấy nói ngày nào trả. Lỗ mẹ nó là cái chắc bác ạ. Quả này lại đi lặn trai mất mấy năm bù lại chỗ lỗ đây. Dưng mà không sao, ít ra em cũng được sang Tây một lần.
Mình cãi, mày sang Tây đéo đâu, đấy là Á, Đông Nam á.
Nó bẩu, bác chẳng biết cái đéo gì, Á gì mà Á, người nó toàn nặng cả trăm cân, tóc, lông xoăn tít, nói xì xồ xì xô lại bẩu không phải là Tây.
Mình im ngay, đéo cãi nữa.
Nó bẩu: - Mai em xuống bác chơi, anh em mình đi giải buồn chút, em đãi bác.
Sáng hôm sau nó xuống thật. Mình còn đủ tiền làm con vịt, xáo măng, mấy anh em ăn từ trưa đến chiều, rượu trắng nốc vào say kinh.
Xong xuôi, nó bẩu, bác ở đây quen thổ, có chỗ nào mát xa bác cho em đi phát, em đãi bác.
Mình dẫn nó ra ngay sau nhà có tiệm mát xa chân, ngâm thuốc bắc, mùi cứ dư mùi lẩu.
Mỗi thằng một ô, sát sàn sạt nhau, mình nghe nó tán tỉnh nhân viên mà cười đau rốn.
Nó bẩu:
     - Em quê đâu, nhìn anh lạ lắm phải không?
     - Anh ở đâu?
-          Anh ở xa lắm. Mới bên kia về.
-          Bên kia là đâu?
-          Tây mà em, anh đi làm ăn bên đó.
-          Tây là đâu?

Làm khẽ thôi tí anh thưởng


-          Anh ở Nhật. Em làm khẽ không anh đau, tí anh thưởng…
Mình không nhịn được cười, tí sặc!
Nhân câu chuyện này, mình nhặt trên xứ nét câu chuyện buồn cười kinh!

Trước khi đọc câu chuyện bên dưới, các bạn cần làm quen với vài câu nói tiếng Nhật sau đây để đối chiếu với ngôn ngữ dùng trong câu chuyện.
Những câu nói ngắn tiêu biểu trong tiếng Nhật thường là những cụm từ kết hợp khoảng 4 từ:
- Konnichiwa (cô-ni-chi-va) (Chào bạn)
- Ogenki desu ka (ô-gen-ki-dex- ka) (Bạn có khoẻ không?)
- Hai, genki desu (hẩy-gen-ki-dex) (Dạ khoẻ)
- Anata wa? (a-na-ta-va) (Còn bạn khoẻ không?)
- Watashi-mo genki-desu (oa-ta-si-mô gen-ki-dex) (Tôi cũng khoẻ)
- Arigatou (a-ri-ga-tô) (Cám ơn bạn)
Có một nhà nghiên cứu nhân chủng học người Nhật đi tìm nguồn gốc tổ tiên của dân tộc mình. Ông ta đã đi khắp thế giới để tìm kiếm nhưng vô vọng. Cuối cùng, ông trở về Châu Á và đặt chân đến Việt Nam. Ông đi tàu lửa từ ga Hà Nội. Vào đến ga Huế, tình cờ ông nghe được 2 người dân địa phương trò chuyện với nhau:
- Mi đi ga ni?
- Ừ, tau đi ga ni. Mi đi ga mô?
- Ga tê. Tau đi ga tê.
- Ga tê ga chi?
- Ga Lăng Cô tề.
- Răng đông như ri?
- Ri mà đông chi!
- Mi ra ga mô?
- Ra ga Nam Ô.
- Khi mô mi đi?
- Chừ chứ khi mô.
- Mi lo đi đi.
- Ừ, tau đi nghe mi!
Nhận ra cách phát âm ngôn ngữ của người dân địa phương ở đây không khác gì tiếng Nhật ngày nay, nhà nghiên cứu người Nhật đã mừng rỡ reo lên: “A! Đây chính là tổ tiên của người Nhật!”

Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Thói dối trá

Năm nay, các cô cậu học sinh cấp 3 thi tốt nghiệp nhận được cái đề thi văn hơi bị sướng, trong đó có câu:" Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội. Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên."
Đưa cái hình đề thi văn kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 năm nay lên để lấy cảm hứng sáng tác.
Viết về cái này thì cả đời không hết, vậy mình sẽ đặt mình vào vị trí của một học sinh cấp 3 để làm câu này. Dưng mà được bao điểm thì bao, đéo quan tâm!


Dưng trước khi viết, mình phải ủn cái này lên đã, đó là cần tìm hiểu đạo đức nghĩa là dư thế nào, dối trá là gì mà sao người ta lại thích nó đến vậy? 
Theo một giáo trình luật học thì đạo đức là những chuẩn mực mà xã hội thừa nhận nó để điều chỉnh hành vi của con người. Đạo đức do con người thừa nhận, những hành vi bị xem là vô đạo đức không bị chủ thể nào áp dụng các biện pháp chế tài. vì mỗi con người xem xét mỗi hành vi đó dưới nhiều góc độ khác nhau, vào quan niệm chủ quan của họ.

Còn đây tuyền là những danh ngôn về dối trá:

*Sự thật rất đẹp, không nghi ngờ gì nữa; nhưng dối trá cũng thế.

*Sung sướng gấp đôi khi ta lừa được kẻ lừa lọc.

*Lời nói dối không có chân, nhưng tai tiếng thì có cánh.

*Sự thật không bao giờ mắc nợ lời dối trá.

*Công lý là hành động của sự thật hơn là đạo đức. Sự thật cho chúng ta biết điều gì do người khác, và công lý thực hiện sự thích đáng đó. Sự bất công là hành động của dối trá.

*Dối trá không nằm trong ngôn từ; nó nằm trong sự việc.

*Chúng ta thường dễ tin người chúng ta không biết bởi họ chưa bao giờ lừa dối chúng ta.

*Chỉ sự lừa lọc và dối trá sợ kiểm tra. Sự thật mời gọi nó.

*Sự thật, giống như ánh sáng, làm người ta chói mắt. Sự giả dối thì ngược lại, là ánh chiều hôm tưoi đẹp bao trùm lên mọi vật.

*Sự thật không hấp dẫn có thể lời nói dối ly kỳ làm lu mờ.

*Loại sách lịch sử không chứa đựng chút dối trá nào cực kỳ buồn chán.

*Không có sự dối trá, nhân loại sẽ diệt vong vì tuyệt vọng và buồn chán.

*Lịch sử là gì? Sự dối trá mà tất cả mọi người đều đồng ý...

*Tự nhiên không bao giờ lừa gạt chúng ta; chính chúng ta tự lừa dối mình.

*Sự giả dối có vô vàn biến thể, nhưng sự thật chỉ có một thể tồn tại duy nhất.

*Nếu một người rồi sẽ mang tiếng nói dối, hắn cũng nên nỗ lực để xứng đáng với cái danh đó.

*Bạo lực chỉ có thể được che đậy với một lời nói dối, và lời nói dối chỉ có thể được duy trì nhờ bạo lực. Ai từng đem bạo lực ra làm cách thức rồi chắc chắn sẽ buộc phải lấy dối trá làm nguyên tắc.

*Sự đau đớn buộc ngay cả người trong sạch cũng phải nói dối.

*Ai lừa gạt anh thường xuyên như chính bản thân anh?

*Dối trá là lừa lọc là hành động của kẻ ngu xuẩn không có đủ trí óc để trung thực.

*Một nửa sự thật thường là điều dối trá to lớn.

*Không gì giả dối hơn tỏ vẻ nhún nhường. Thường thì nó chỉ là sự cẩu thả trong quan điểm, và đôi khi là khoe khoang gián tiếp.

*Khi một người không thể tự lừa dối chính mình, anh ta hiếm khi có thể lừa dối người khác.

*Một trong những sự khác biệt nổi bật nhất giữa mèo và lời nói dối là mèo chỉ có chín mạng thôi.

*Thực tế thì cứng đầu, nhưng số liệu lại dễ uốn nắn.

*Người ta không lúc nào thành thực hơn khi nhận mình là kẻ dối trá.

*Người nào nói dối không có trái tim trong trắng, và không thể nấu súp ngon.

*Chúa không thể dối trá không đem lại sức nặng cho lí lẽ của anh, bởi vì chẳng có bằng chứng nào chứng tỏ rằng thầy tu hay Kinh thánh không thể dối trá.

*Dễ dãi với sự dối lừa là điều nhục nhã.

*Đôi khi lời nói dối của những người ta yêu thương làm giảm bớt cho ta phiền muộn hơn là những lời nói thật.

*Sự thật không chỉ bị dối trá xâm hại; nó còn bị xúc phạm bởi sự câm lặng.

*Không ai tin kẻ dối trá, kể cả khi hắn nói sự thật.

*Khi một lời nói dối bị thế giới bắt gặp, nó bị tìm cách thủ tiêu với nỗ lực tới mức đáng ngạc nhiên. Anh đập vào đầu nó cho tới khi nó dường như đã tan tác cả linh hồn, và hãy nhìn xem! ngày hôm sau nó đã lại nhơn nhơn khỏe mạnh.


Giết sâu bọ

Mùng 5 tháng 5 âm lịch cả nhà lại cùng thức dậy từ sớm, ăn những thứ quả chua, rượu nếp, bánh tro... để diệt trừ" sâu bọ", xua đuổi hết bệnh tật...
Tết Đoan ngọ hay còn gọi là Tết Đoan dương vào mùng 5/5 (âm lịch). Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa). Còn Dương là mặt trời, là khí dương, Đoan Dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.
Sở dĩ Tết này gọi là Tết Đoan Ngọ, chính vì tháng 5 là lúc bắt đầu trời nắng to, khí dương đang thịnh như mặt trời vào lúc giữa trưa.
Chính vì vậy, ở Việt Nam, ngày Đoan Ngọ là ngày dân chúng cúng lễ để đánh dấu một thời tiết mới, mừng sự trong sáng, quang đãng. Hơn nữa, giữa tiết hạ vì oi bức thường có bệnh thời khí nên người ta hay cúng lễ để cầu an.


Thế này mới chết hết lũ sâu bọ


Người Việt Nam còn gọi Tết Đoàn Ngọ là "Tết giết sâu bọ" vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Vào ngày này, dân gian có nhiều tục trừ trùng phòng bệnh.
Hiện ở một số làng quê Việt Nam vẫn còn giữ nếp xưa, rất coi trọng ngày Tết này. Sau Tết Nguyên Đán, có lẽ “Tết giết sâu bọ” là cái Tết sum họp đầm ấm nhất và có nhiều tục lệ gắn kết với đời sống của người dân.. vì vậy con cháu dù làm ăn xa xôi mấy cũng cố thu xếp để về.
Vào ngày này, cả làng nhộn nhịp hẳn lên, nhà nào cũng dậy từ sớm chuẩn bị phẩm vật cúng tổ tiên và hoa quả là thứ đồ cúng không thể thiếu. Người ta quan niệm rằng, đây là thời điểm quả trên cây, lá trên cành bắt đầu đơm hoa kết trái và cúng tổ tiên để mong một mùa bội thu.
Sau lễ cúng là các tục lệ giết sâu bọ. Cả nhà quây quần ăn những thứ quả chua, rượu nếp, bánh tro... để diệt trừ" sâu bọ", xua đuổi hết bệnh tật...
Theo lệ, đúng ngọ (12h trưa), người dân ở các vùng thôn quê rủ nhau đi hái lá. Đây là thời khắc có dương khí tốt nhất, là giờ mặt trời toả ánh nắng tốt nhất trong năm. Lá cây cỏ hái được vào giờ này có tác dụng chữa bệnh rất tốt như các bệnh ngứa ngoài da, nhất là các bệnh về đường ruột hay khi cảm mạo, đem những lá thuốc này nấu nước xông giải cảm rất tốt.
Ngày xưa, vào ngày này, người ta còn có tục nhuộm móng chân, móng tay, tục khảo cây lấy quả, tục treo ngải cứu để trừ tà... Những em bé chưa biết đi thì được lấy một ít vôi quyệt vào thóp, vào ngực và rốn để chúng không bị đau bụng, nhức đầu. Tuy nhiên, phần lớn các tục lệ này nay đã được bãi bỏ, chỉ còn giữ lại tục tắm nước lá và tục đi hái lá thuốc.
Nơi phố phường, thị thành, không nhiều vườn tược, cỏ cây, người dân có lệ đi mua lá thuốc mồng 5. Dịp này, những người buôn bán từ quê ra đều mang theo đủ thứ loại lá bày bán. Lá được xắt nhỏ, phân từng loại riêng biệt, người đi chợ chọn lấy những lá có mùi vị ưa thích mua về, đúng ngọ ngày mồng 5, lại đem ra phơi khô rồi bọc lại để trong tủ thuốc gia đình, dùng khi nhà có người ốm đau.
Theo truyền thống của từng miền, vào ngày này, ngoài hoa quả, những món ăn cũng khác nhau.
Tại Hà Nội và một số vùng của miền Bắc ngày này, rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm, là món không thể thiếu.
Người ta cho rằng, bộ phận tiêu hoá của con người thường có các loại ký sinh gây hại và chúng nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng diệt được. Duy có ngày mồng 5/5 (âm lịch), các loại ký sinh này thường ngoi lên, con người có thể ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp, có thể loại bỏ chúng.
Theo dân gian, rượu nếp được ăn ngay khi vừa ngủ dậy thì rất hiệu nghiệm. Rượu này chủ yếu là xôi còn nguyên hạt lên men, còn gọi là "cái". Người dân thường dùng các loại gạo nếp trắng và cẩm đồ thành xôi, để nguội rồi rắc men, ủ trong ba ngày. Thúng xôi ủ được đặt trên một chiếc chậu, hứng lấy nước rượu để khi ăn, trộn với cái, tạo vị ngọt, cay rất dễ chịu. Người già, con trẻ đều có thể ăn loại rượu này.
Phụ nữ các vùng quê miền Bắc phần lớn đều biết "ngả rượu nếp" và thường tranh thủ dịp này ngả rượu để mang ra Hà Nội bán, có người chỉ trong một buổi sáng bán được đến cả 10 chậu nếp cẩm. 
Còn ở Đà Nẵng, món không thể thiếu trên mâm cơm cúng là bánh ú tro. Bánh ú tro được bán rất nhiều với giá từ 5.000 - 7.000 đồng/chục. Nhà nào cũng mua từ ba bốn chục bánh trở lên.
Ngoài ra, theo truyền thống của người miền trong, thịt vịt cũng là một thứ không thể thiếu cho ngày lễ này. Tại Sài Gòn, vịt quay, heo quay ngày này thường tăng hơn so với ngày thường.
Ở một số sách tư liệu người ta còn cho rằng, Tết Đoan Ngọ vốn bắt nguồn Trung Quốc với truyền thuyết về vị trung thần Khuất Nguyên thời vua Hoài Vương.
Khuất Nguyên là một nhà thơ, vị trung thần do can ngăn vua Hoài Vương không được, đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn. Hôm ấy đúng là mùng Năm tháng Năm.
Thương tiếc người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày đó, người dân Trung Quốc xưa lại làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh xuống cúng Khuất Nguyên.
Trong ca dao Việt Nam có câu: “Tháng Tư đong đậu nấu chè/Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm”. Và truyền thuyết đó gắn kết trong đời sống tâm linh của người dân Việt với ý nghĩa gần gũi hơn, và cũng không mấy ai còn truy tìm nguồn gốc hay gắn câu chuyện Khuất Nguyên xưa vào ngày này./…
(Nguồn Internet)

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Sao lại thế?

Đọc tin này: “Với 495/496 Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam, với việc xác định chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa….”
Thế một cậu nào không bỏ phiếu? Sao lại thế nhỉ?????????????
Hay đi đâu vắng, hay ốm, hay làm sao…có giời mà biết được! hahaha


Trường Sa thân yêu

Trăng rằm tháng giêng

Đi đại hội Long An, quen nhà báo nhớn Lê Phi Hùng, hỏi thăm quê, hóa ra đồng hương, gần ngay nhà mình.
Bố này là thợ kỹ thuật, chuyên sửa chữa máy bay. Thế nào lại quay ra làm báo. Đúng là đời. Làm báo bộ đội, dưng mà lại thích hát quan họ. Hỏi vì sao, nhà báo nhớn Phi Hùng bẩu: - Ông bố tao quê Bắc Ninh.
Chả trách, mê quan họ như mê gái. Đã từng ăn nằm, nghe, tập quan họ hàng tháng, hàng năm giời ở Bắc Ninh, đánh bạn với mấy liền chị xinh kinh.
Hôm lênh đênh trên sông Sài Gòn, nghe nhà báo Phi Hùng song phi với một liền chị bài: Tình người trong Hội Lim hay cứ dư chuyên nghiệp.
Ăn cơm ở nhà, bà cụ thân sinh hạch tội, nó suốt ngày đóng cửa phòng ôm cái máy tính. Lúc nào rời máy tính là nằm phưỡn ra nghe quan họ…trông thế thôi, dưng mà hay động lòng lắm…
Thảo nào, đọc bài “Trăng rằm tháng giêng” của nhà báo thấy cảm động ra phết, mình ủn lên, vì nó được viết ra từ cảm xúc ở quê mình.
***

Liền chị Minh Thùy, em của nhà báo Phi Hùng

Qua Tết Tân Mão, chỉ còn vài ngày nữa là đến rằm tháng Giêng. Cái ngày không chỉ thiêng liêng, đáng nhớ đối với những người theo đạo Phật, những người yêu thơ, mà còn là ngày đầy dấu ấn đối với tôi. Hồi còn tung tăng ở chốn quê nghèo, nơi cánh đồng Tam Thiên Mẫu thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, bà nội thường dẫn tôi đi chùa lễ Phật và cúng sao giải hạn vào ngày Tết Nguyên Tiêu. Bà bảo: “Đi lễ Phật ngày rằm tháng Giêng rất linh nghiệm. Nó sẽ giúp cho con người mạnh khỏe, ăn nên làm ra, tai qua nạn khỏi, công danh phát đạt, tiền tài tấn tới, vạn sự như ý, giàu sang phú quý, hạnh phúc muôn đời”.
Đúng là ngày rằm tháng Giêng người ta đi chùa đông thật. Dân gian có câu: “Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng”. Chẳng cứ gì những người theo đạo Phật, thờ cúng tổ tiên, mà cả một số người công giáo cũng đến chắp tay trước tượng Đức Phật để cầu phúc, cầu an. Theo truyền thống của đạo Phật, rằm tháng Giêng là kỷ niệm ngày Đức Phật Như Lai thuyết kinh “Giải Thoát Giáo” tại Thánh Hội Tăng Già. Đây là bài kinh cô đọng về giáo pháp của chư Phật, căn bản của đời sống tu tập và tôn chỉ hoằng pháp. Rằm tháng Giêng cũng đánh dấu ngày Đức Phật công bố Giáo Pháp đã được thiết lập vững vàng và Ngài sẽ viên tịch trong 3 tháng nữa. Sau này khi đã bước vào cuộc đời quân ngũ, mỗi khi về quê trong dịp Tết Nguyên Tiêu, tôi vẫn đội mâm cúng theo mẹ ra chùa.
Ở quê tôi, việc được ngắm trăng rằm tháng Giêng là một cơ hội hiếm hoi. Những cụ già sống thọ hơn 90 tuổi nói rằng: “Cả đời mà được thấy trăng rằm tháng Giêng năm bảy lần là một diễm phúc”. Mười bảy năm sống ở quê đối với tôi cũng vậy. Chỉ duy nhất một lần tôi nhìn thấy trăng sáng vằng vặc trong đêm rằm tháng Giêng, nhưng nó chỉ diễn ra chừng hơn ba tiếng đồng hồ. Đó là năm bố tôi hy sinh tại chiến trường B2 và cũng là năm trận lụt lịch sử diễn ra tại vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Năm 1971.
Ngày ấy mẹ còn trẻ lắm. Trẻ đến nỗi nhiều chú bộ đội về đóng quân ở làng để chuẩn bị vào chiến trường miền Nam cứ đến nói bóng, nói gió với bà nội: “U ơi! Gả con gái cho con nhé. Khi nào giải phóng miền Nam, con sẽ về ở rể nuôi u”. Bà tôi tròn mắt: “Tôi chỉ có một đứa con gái nhưng đã xây dựng gia đình rồi. Chồng nó là bộ đội tên lửa đó”. “U chỉ đùa chúng con. Thế cái cô hay đi nấu cơm giúp bộ đội và chỉ huy dân quân làm thủy lợi là ai vậy?”. Bà nội cười ngặt nghẽo, nước trầu đỏ tươi tràn cả ra cằm: “Đó là con dâu tôi đó. Nó đã ba mươi tuổi và có hai đứa con rồi. Chồng nó đang ở chiến trường B2”. Mấy chú bộ đội trẻ nghe thấy vậy, mặt ỉu xìu như bánh đa nướng nhúng nước. Buồn vậy thôi, nhưng ngày Tết các chú vẫn đến nhà tôi dọn nhà cửa, gói bánh chưng, bày bàn thờ giúp. Các chú không gọi mẹ tôi là “em” nữa, mà gọi là chị Vui.
Trước Tết bà nội nói với mẹ: “Năm nay nhà mình gói nhiều bánh hơn năm ngoái con nhé. Chỉ ngoài rằm là các chú bộ đội hành quân vào Nam rồi. Gói nhiều cho chúng nó ăn, lấy sức vượt Trường Sơn đánh giặc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.


Nhà báo Phi Hùng song phi "Tìm người trong Hội Lim" với một liền em

Đêm rằm tháng Giêng, làng tôi như vào mùa trẩy hội. Bộ đội đi từng đoàn đến các nhà chào tạm biệt người dân để chuẩn bị ra chiến trường. Từng ngõ xóm, đường làng, chỗ nào cũng râm ran tiếng chào hỏi, động viên, nhắn nhủ. Lãnh đạo xã, chi bộ thôn và tổ chức đoàn thanh niên cũng đến thăm hỏi, tặng quà, cổ vũ tinh thần của bộ đội trước khi rời làng. Nhiều gia đình còn tổ chức liên hoan chia tay các chú bộ đội đã ở trong nhà mình hơn ba tháng qua.
Khác hẳn mọi đêm giữa mùa rét, trong cái giá buốt tê tái, run rẩy thì ánh trăng xuất hiện. Trăng rằm tháng Giêng phủ một màu vàng chia ly lên khắp bờ tre, bến nước. Đám trẻ con chúng tôi cố chạy ra ngoài đường ngắm trăng, khi hàm răng vẫn va vào nhau cầm cập. Bà nội chép miệng: “Trăng rằm tháng Giêng mà sáng như vậy, năm nay sẽ có nhiều chuyện bất thường đây”. Theo kinh nghiệm từ cổ xưa, trăng sáng vào Tết Nguyên Tiêu là báo hiệu trong năm sẽ có nhiều thiên tai, rủi ro xảy ra cho vạn vật. Sau này khoa học phân tích, đằng sau vẻ mộng mơ, du dương, đẹp đến mê hồn của “chị Hằng Nga” trong tối đêm rằm, là một sự tàn phá ghê gớm. Đêm rằm tháng Giêng năm 1971 cũng vậy.
Sau những cuộc gặp gỡ ở gia đình, ở sân làng, nhiều cặp bộ đội và thôn nữ quê tôi đã tìm đến những bụi tre, góc làng, bờ sông để chia tay, hò hẹn. Trong ánh trăng lạnh lẽo đầu mùa xuân, những bàn tay đã nắm chặt lấy nhau, những tâm hồn đã sưởi ấm những tâm hồn. Và ở một nơi nào đó, tình yêu cuồn cuộn đã thôi thúc những trái tim bật ra nụ hôn đầu vụng về nhưng cháy bỏng của người lính lên má, lên môi các cô thôn nữ. Đêm càng sâu thẳm, ánh trăng càng cô đơn, tê tái.
Sáng ngày mười bảy tháng Giêng, khi mẹ dắt tôi tới lớp, nhiều người ngơ ngác hỏi nhau: “Các chú bộ đội đâu hết rồi nhỉ? Tối qua còn thấy các chú ấy tập trung sinh hoạt ở sân đình cơ mà”. Mọi người xúm đến hỏi mẹ tôi: “Thế bà Chủ nhiệm có biết bộ đội đi đâu không?”. Mẹ nhìn bà con bằng ánh mắt đượm buồn: “Các anh ấy đã hành quân từ rạng sáng rồi”. Vẫn biết điều này rồi sẽ xảy ra, nhưng gương mặt người dân làng Chùa ngơ ngác, thoảng thốt, bâng khuâng như vừa mất đi một vật gì quý giá lắm. Đường làng tôi vắng lặng, buồn tênh.
Giữa tháng Sáu âm lịch năm 1971, cô Ngân ở cạnh nhà tôi thoảng thốt thông báo một cái tin sét đánh: “Bộ đội ở làng ta dịp Tết vừa qua, nhiều người bị thương và hy sinh trên chiến trường lắm”. “Ai nói với cô như vậy?” – Ông Đảnh đội trưởng đội sản xuất giật giọng. “Cháu nghe gia đình của anh Cán ở Gia Lâm nói thế. Anh Cán bị thương mới được đưa ra Bắc điều trị đấy”. Cả làng tôi lại chìm vào khung cảnh nặng trĩu. Nhiều người còn cố lục tìm địa chỉ quê quán của các anh bộ đội đã ở nhà mình để viết thư thăm hỏi tình hình.
Những đêm trăng hè sáng đẹp là thế, mà rất ít người đi dạo chơi, hóng mát ngoài bờ đê. Ngay cả tiếng sáo trúc lắt lẻo, véo von của anh chàng Diễn chăn vịt ngoài đồng mỗi lúc trăng lên, cũng bị cái tin buồn thổi bạt đi. Đâu đó trong những căn nhà mái lá, những giọt lệ của các cô thôn nữ đã gửi tình yêu của mình theo các anh bộ đội vào chiến trường càng ướt đẫm vạt áo. Cứ ít ngày, làng tôi lại rộ lên những cái tin chiến thắng từ miền Nam, nhưng cũng xen lẫn tin anh này đã hy sinh, người kia bị thương.
Ông Khanh, một thợ cắt tóc “chuyên nghiệp” của xã như cái đài phát thanh: “Chiến trường miền Nam ác liệt lắm các ông, các bà ạ. Ta và địch giành nhau từng tấc đất, từng làng dân. Chúng ta chiến thắng cũng nhiều, nhưng thương vong cũng không ít”. Các nhà có con đi bộ đội cứ dõi ánh mắt da diết về phương Nam. Bà nội và mẹ tôi cũng vậy. Mỗi bữa ăn, mỗi giấc ngủ của hai người, đều chứa đựng nỗi khắc khoải, lo âu, trông chờ vời vợi…
Sau đó ít ngày, tức là vào giữa tháng Tám dương lịch năm 1971, những trận mưa xối xả đổ xuống đất rầm rập. Theo tin trên đài Tiếng nói Việt Nam, mưa ở Tây Bắc, mưa ở miền Trung du còn lớn gấp 5, gấp 10 vùng đồng bằng. Chưa đầy một tuần, nước từ thượng nguồn sông Đà, sông Lô, sông Hồng đã tràn về vùng Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam… như thác. Trận lũ lịch sử 100 năm nay mới lại xuất hiện đã tàn phá từ miền núi xuống đồng bằng. Nước tràn về đồng Tam Thiên Mẫu đỏ ngầu. Quá bất ngờ, nên nhà nào nhà ấy thi nhau chạy lũ. Bà nội và mẹ tôi bê cả chiếc cối đá nhỏ, chuồng gà, bao thóc lên nóc nhà rồi che đậy lại.
Chưa xong việc nhà, mẹ đã tất bật chạy ra các triền đê của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải để chỉ huy xã viên và dân quân đắp đê ngăn lũ. Cả tuần liền, chỉ có bà nội, em gái nhỏ và tôi ở nhà. Bà ngán ngẩm nói về mẹ: “Cái con này, đi đâu mà đi mãi. Nếu nước tràn về đây, ba bà cháu chạy thế nào”. Cũng may nước không tràn được tới làng tôi, vì nó ở trên một vùng đất cao. Nhưng mưa lũ đã làm cho đất đai, con người xơ xác. Ai cũng hiểu vụ mùa năm đó sẽ thất bát. Và cái Tết tới chẳng thể gói được nhiều bánh chưng. Có nhà phải đi vay từng bữa.
Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, nhiều người đi bộ đội chiến đấu trên các chiến trường miền Nam của xã tôi lần lượt về làng. Có người trở về còn lành lặn. Cũng không ít người trở về thì bị cụt chân, cụt tay, hay bị hỏng mắt… Nhưng trở về được là hạnh phúc lắm rồi. Bà nội và mẹ cứ đi khắp làng, khắp xã hỏi thăm tin về bố. Càng hỏi lại càng thấy rộng dài, mông lung. Một số người không biết tin gì nói đại: “Anh ấy bị thương ở Quảng Trị”, “Tôi đã gặp cậu ấy ở Khe Sanh”, “Câu ấy hy sinh ở Thành cổ rồi”… Mỗi lần đi hỏi thăm tin con về nhà, bà nội lại ngồi bệt ở góc hè, đầu nghẹo sang một bên, mắt nhìn lơ đãng vào không gian vô định. Còn mẹ tôi thì vác cuốc ra đồng, cứ đi thơ thẩn từ thửa ruộng này sang thửa ruộng khác.
Rồi đến một ngày, ông Phó Chủ tịch xã và ông xã đội trưởng đến nhà tôi thông báo một cái tin sét đánh: “Anh Đức đã hy sinh ở mặt trận phía Nam. Xin gia đình để xã tổ chức lễ truy điệu cho liệt sĩ”. Bà nội khóc cả làng nghe tiếng. Còn mẹ cứ ôm hai con vào lòng nấc lên, nấc xuống. Tôi thì như thấy đất trời đang nổi cơn giông tố. Thế là ước mơ đợi bố về mua cho một con búp bê ở miền Nam không còn nữa. Bố tôi hy sinh đúng vào những ngày trận lũ lịch sử năm 1971 tràn qua miền Bắc...


Say đắm lòng người câu quan họ

Thấm thoắt thế mà đã 40 năm, kể từ ngày tôi được ngắm ánh trăng rằm tháng Giêng ở nơi chôn rau, cắt rốn. Tết năm Canh Dần, tôi được nghỉ phép về quê đón xuân. Thật kỳ lạ, sau những ngày rét ngọt trong dịp Tết, đến dịp rằm tháng Giêng thì trời lại nắng rực rỡ. Và đêm Tết Nguyên Tiêu, ánh trăng sáng vằng vặc như những đêm trăng mùa hè đã nhuộm vàng cả một vùng quê đang đổi mới từng ngày. Thấy tôi ngạc nhiên, người cô ruột bảo rằng: “Bà nội con mất đến nay tròn 10 năm, nhưng đã có bốn, năm rằm tháng Giêng có trăng như thế này đấy”. “Sao không thấy mất mùa, thiên tai hay hạn hán xảy ra ở quê mình ạ?” – Tôi hỏi. “Chẳng những không có rủi ro, mà những năm xuất hiện trăng rằm tháng Giêng quê mình có nhiều biến động tích cực lắm” – Cô tôi cười.
Đúng là có nhiều đổi mới thật. Xã tôi có lẽ là một địa phương nghèo nhất của tỉnh Hưng Yên, nhưng đời sống của người dân luôn thay đổi theo năm tháng. Tính đến nay, toàn xã có hơn 95% căn nhà xây, trong đó có khoảng 30% là nhà tầng và nhà mái bằng. Con đường đê lổn nhổn đá trứng gà, trứng ngỗng và nhầy nhụa mỗi khi gặp mưa năm xưa, nay đã được rải nhựa chạy dài từ ngã tư Lực Điền đến tận Cống Tráng.
Mừng hơn nữa là con đường cao tốc 5B, nối Thủ đô Hà Nội với thành phố cảng Hải Phòng chạy qua cánh đồng của xã đã được khởi công xây dựng. Con đường mới được đổ cát thôi, nhưng giá nhà đất xung quanh cứ được đẩy cao lên vùn vụt. Và có vài chục công ty đang xúc tiến với tỉnh, huyện để có được một diện tích đất hai bên đường làm nhà máy, xí nghiệp.
Đêm rằm tháng Giêng, sau khi cùng họ hàng ra chùa khấn Phật, tôi lang thang một mình trên con đường đê năm xưa. Chao ơi! Được tắm mình trong ánh trăng vàng giữa mùa xuân mới thú vị làm sao. Tôi cứ đi mải miết, đi gần 2 cây số mà chẳng có cảm giác mỏi mệt. Đi gần đến âu thuyền Lực Điền, tôi bắt gặp một tốp thanh niên dựng xe máy trò chuyện rất rôm rả. “Bác Hải, có phải bác Hải đấy không?”. Tôi nhận ra ngay tiếng cô cháu gái con của chú em. “Các cháu cũng thích ngắm trăng rằm tháng Giêng à?” – Tôi hỏi. “Được ngắm trăng rằm tháng Giêng dăm, bảy lần trong cuộc đời là một điều diễm phúc mà. Bác vào đây vui với chúng cháu, tí cháu chở về” – Cô cháu gái đề nghị. Nhưng tôi không muốn làm phiền không gian của lớp trẻ.
Trên đường về nhà, bao kỷ niệm về đêm rằm tháng Giêng năm 1971 bỗng dưng tràn về dào dạt. Tôi nhớ hình ảnh các chú bộ đội chia tay bà con để lên đường vào Nam đánh giặc. Tôi như thấy những giọt nước mắt của các cô thôn nữ khi nghe tin người yêu của mình hy sinh ở mặt trận. Tôi thấy nước lũ đang dâng lên trên cánh đồng Tam Thiên Mẫu. Và tôi cũng như thấy nỗi đau xé ruột, xe gan của bà nội, của mẹ khi nghe tin bố hy sinh. Có lẽ tất cả những đau thương, mất mát ấy, là điểm tựa, là sức bật để quê hương, đất nước đổi mới, phát triển từng ngày như hôm nay. Trong những ngày xuân này, tôi khát khao lại được về thăm quê, biết đâu sẽ được ngắm ánh trăng rằm tháng Giêng tại các khu công nghiệp, trường học mới xây để hy vọng, chờ đợi và hân hoan đón chào những thay đổi đột phá của quê nhà…