Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

Bức thư thiêng dự cảm về sự ra đi của một liệt sĩ


 “Quảng Trị 11/9/1972. Toàn thể gia đình kính thương! Con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng trước khi “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất”… Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu. Thôi mẹ nhé đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc…”
Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới tay mẹ chắc mẹ buồn lắm. Lòng mang nặng đẻ đau giọt máu đào hơn ao nước lã, lá vàng còn ở trên cây lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời…”.

Trên đây là những dòng cảm xúc, dự cảm mình sẽ hy sinh trong cuộc chiến đang ngày càng ác liệt bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 1972 của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh gửi về gia đình.

Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh là sinh viên năm 4 (khóa 13) Khoa Cầu hầm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Anh cũng như biết bao sinh viên khác gác bút nghiên lên đường vào Nam chiến đấu trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ. Bức thư anh viết ngày 11/9/1972, trước lúc anh hy sinh đúng 3 tháng 20 ngày (ngày hy sinh 2/1/1973).

Chúng tôi sẽ chết như đã sống


Trước trận đánh lớn, liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đã viết vội bức thư gửi về cho người mẹ già yếu, cho người vợ mới cưới, cho anh chị và người cháu yêu thương với những gửi gắm, dặn dò tha thiết. Trong bức thư, anh dự cảm về cái chết, nơi mình sẽ ngã xuống. Không ai ngờ rằng, đó lại là chỉ dẫn để đồng đội, người thân tìm thấy anh sau ngày giải phóng.

Viết cho mẹ, anh có đoạn: “Mẹ kính mến! Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thỏa mái bay đi… Thôi mẹ nhé đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc”.

Trước khi “nghiên cứu bí mật trong lòng đất”, anh đã viết cho chị Đặng Thị Xơ, người phụ nữ mới được làm vợ anh 6 ngày và sau đó là hơn 30 năm đằng đẵng thờ chồng: “Em sẽ đọc bức thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe đến tất cả những người quen thân thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã ngược qua cầu hỏi thăm về Nhan Biều 1, sẽ thấy tấm bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảng tôn…”.

Sau khi chiến sĩ Lê Văn Huỳnh hy sinh, bức thư anh cất giữ bên mình đã được đồng đội đưa về Thái Bình, gửi lại cho chị Xơ. Qua lời chỉ dẫn trong thư, năm 2002, chị Xơ và các đồng đội đã tìm thấy phần mộ liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Mỗi điều trong bức thư đều đúng đến kỳ lạ, chỉ khác duy nhất là mộ anh được tìm thấy ở thôn Thượng Phước chứ không phải thôn Nhan Biều 1 (hai thôn này nằm cạnh nhau).

Bức thư tuy được viết trong những ngày cuối khốc liệt nhất của cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ nhưng 10 trang thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh không hề có hình ảnh bom đạn, sự sợ hãi hay bi lụy. Trào dâng mãnh liệt trong tâm thư là niềm tin vào hòa bình, đất nước thống nhất cùng nỗi nhớ nhà và thương yêu chưa kịp đền đáp ân tình người thân.

Hơn 10 năm qua, hàng nghìn đoàn hành hương về Thành cổ, hàng triệu người đã khóc, nghiêng mình trước dòng tâm thư của liệt sĩ Huỳnh gửi về gia đình (bức thư thiêng của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh được trưng bày tại bảo tàng từ năm 2002). Qua năm tháng, bức thư đứng trước nguy cơ bị hư hại nghiêm trọng, nhiều trang thư đã nhòe mực, hoen ố.

Điều này khiến nhiều cựu chiến binh trăn trở. Những cán bộ bảo tồn luôn đau đáu tìm biện pháp khắc phục. Trung tâm bảo tồn di tích, danh thắng Quảng Trị đã tìm tòi nhiều phương pháp và nhận nhiều sự hỗ trợ để mong phục hồi bức thư. Năm 2012, bức thư đã được phục hồi thành công bằng phương pháp bán thủ công và được thực hiện ngay tại Quảng Trị.

Theo ông Nguyễn Quang Chức, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Trị, để có thể phục hồi bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, sau hai năm miệt mài tìm tòi các phương pháp, Trung tâm bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Trị đã dùng phương pháp bán thủ công là scan toàn bộ bức thư vào máy tính rồi sau đó bóc tách riêng toàn bộ chữ trên bức thư bỏ sang một bên. Kế tiếp, tìm một loại giấy thuộc năm 1972 có màu sắc tương tự như loại giấy mà liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đã dùng, scan vào máy tính rồi đem toàn bộ nét chữ lấy từ bức thiêng “dán” vào tờ giấy đó.

Sau một thời gian nỗ lực bóc-tách-ghép, bức thư của liệt sĩ Huỳnh đã được phục hồi gần như nguyên bản.

Trong đợt kỷ niệm 40 năm chiến dịch Thành cổ vừa qua, ông Ngô Thanh Bảo, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích, danh thắng và đoàn công tác ra Thái Bình đã trao tặng bức thư được phục hồi cho vợ liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Cầm trên tay bức thư phục hồi rõ ràng từng nét chữ của anh, chị Xơ và người thân rưng rưng xúc động!
 (Nguồn Dân Trí)


Đọc xong bài viết này, chắc nhiều người đau xót trong lòng. Sắp 40 năm trôi qua, với những cái chết hóa thành bất tử, những cái chết nhẹ hơn cả lông hồng, thanh thản, nhẹ nhàng vì lý tưởng cao cả…
Nhưng giờ đây, ngày nào trên hệ thống báo chí quốc doanh của mình cũng nhan nhản những cái chết ghê rợn, mất hết nhân tính!
Có ngày nào trên báo chí Việt Nam không có tin người chết? lấy dao cắt cổ, lấy điện chích vào người, dùng gậy đập vào đầu, thiêu chết người.v.v…sao từng ấy năm con người với con người đã xử sự với nhau theo sự đi xuống đến thảm hại của đạo đức!
Đừng đổi cho đất nước còn nghèo, ngày liệt sỹ Lê Văn Huỳnh viết lá thư trên đất nước còn nghèo hơn bây giờ nhiều, nhưng sao những cái chết của mọi người ngày ấy lại trở thành bất tử?
Hình như đã muộn khi nhận ra sự giáo dục lòng tử tế cho lớp con, lớp cháu sau này toàn bằng những điều giả dối, thiếu chân thật kéo dài đến mấy mươi năm. Chứng kiến thực trạng đau lòng đang xảy ra ở cái lớp người đầu xanh, đầu đỏ, cơ thể suy nhược, miệt mài tìm những thú vui cho riêng mình trong quán cà phê, tiệm internet, trong ảo ảnh điên cuồng của những thứ thuốc kích thích ta mới thấy cái chết của họ thực ra cũng chẳng đáng gì! Cũng bởi chính họ không coi trọng sự sống của họ! Nhưng sự đau lòng là ở chỗ họ đã gây ra cho người khác những cái chết không đáng!!!

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Ha ha ha

Trưa ngày hôm qua 28/3, ông Thái Bá Đạo, làm nghề dạy tiếng Anh và dịch thơ ở TPHCM nhận được tin xăng chuẩn bị tăng vào 20h tối cùng ngày. Trong khi phố phường nô nức mang chai, lọ, đi đổ xăng để tích trữ chuẩn bị nghênh chiến, thì ông Đạo chỉ nói một câu “Biết rồi khổ lắm nói mãi” rồi thản nhiên ngủ tiếp. Sự bình thản đến hiếm có của ông Đạo đã khiến phóng viên TKT phải có mặt tại hiện trường ngay trong buổi chiều hôm đó.
“Ở sa mạc Sa-ha-ra mà dự báo ngày mai trời nắng thì chẳng có hàm lượng thông tin gì. Bây giờ bảo với tôi là xăng sắp lên giá thì tôi cũng chả có gì mà phải ngạc nhiên“-ông Đạo bình thản nói. “Tôi chỉ có một lần vui tới mất ăn mất ngủ khi  xăng giảm giá lần trước, tưởng thế nào hóa ra là người ta lùi 1 giá để tiến 3 giá.”

Ông Thái Bá Đạo cho biết nước lên ông còn chẳng sợ nói gì xăng lên.


Sau đó, ông Bá Đạo tặng Tin Khó Tin một bài thơ:

Người Việt Nam hiện đại

Đã thôi gõ trống đồng
Họ làm ăn, đi lại
Bằng phương tiện giao thông

Ô tô và xe máy

Không chạy bằng dầu ăn
Khoa học chưa phát triển
Nên xe phải dùng xăng

Xăng liên tục tăng giá

Làm sao khỏi âu lo?
Thôi, về thời đồ đá
Đi xe ngựa, xe bò.


“Đi voi từ Bình Định ra đến Hà Nội hết có 3 tuần, lại không phải ăn cơm tù, làm sao cứ phải đi xe?” – ông Nguyễn Huệ, một người thích mặc áo vải thắc mắc.

Từ thị trường chứng khoán phố Uôn, tiến sĩ chuyên ngành hot gơn học Đỗ Bá K bình luận: “Giá xăng thì đằng nào cũng tăng, có lẽ ta nên chọn giải pháp cho xăng tăng theo hàm liên tục thay vì rời rạc mấy tháng một lần như hiện nay. Tôi nghĩ rằng nếu như trong một năm giá xăng tăng thêm khoảng 7000 đ/lít, thì ta nên chia thành tăng giá 20 đồng/ngày cho người dân khỏi sốc.”
Tin từ các tòa soạn báo ở khắp 64 tỉnh thành cho biết, nhiều phóng viên phụ trách mảng kinh tế-tài chính đã buộc phải thôi công tác, hoặc chuyển sang phụ trách mảng hot gơn-cướp giết hiếp. Lý do chính là do tình hình kinh tế chỉ quanh đi quẩn lại có tin vật giá leo thang nên không được bạn đọc đón nhận nữa.  Trên các diễn đàn, mạng xã hội, những chuyện cười cũ rích theo kiểu “Anh yêu em mỗi ngày mỗi tăng như giá xăng“, hay “Người đàn ông dũng cảm là người dám hô “Đầy bình” lại rộ lên trong sự hờ hững của cộng đồng mạng. Một số phóng viên thậm chí đã chuyển qua làm dư luận viên để cải thiện đời sống.
Trao đổi với chúng tôi, một quan chức của Bộ giao thông-vận tải cho biết: “Việc tăng giảm giá xăng điều tiết thị trường là quyết định của Bộ tài chính, việc xử phạt người đi xe không chính chủ là chủ trương của Bộ Công an, xử phạt ngoại tình là công văn của Bộ tư pháp. Bộ GTVT không có chủ trương tận thu gì khác ngoài việc chuẩn bị thu phí tham gia giao thông của người đi bộ.”

Ông Tô-ni Xờ-tắc cho biết ông không quen chủ nhiệm VPCP, cũng không chạy bằng xăng, nhưng Đam trong tiếng Mỹ thì chắc chắn nghĩa là “Bố khỉ!!”


“Hai mươi ba nghìn một trăm năm mươi cộng với một nghìn bốn trăm ba mươi, ba cộng năm là tám, viết tám nhớ không, bốn cộng một là năm, viết năm nhớ không, ba cộng một là bốn viết bốn nhớ không, vị chi là hai mươi tư nghìn năm trăm tám mươi” – GS Ngô Bảo Châu sử dụng một thuật toán được phát minh tại Trung Phi vào 2 vạn năm trước, gọi là “phép cộng” để tính toán giá xăng. Qua khảo sát nhanh của TKT, trong số ba mươi người được hỏi, không ai lý giải được thuật toán phức tạp này. “Em thú thực là em không hiểu gì cả” – một sinh viên khoa toán thuộc đại học Tổng hợp Hà Nội vừa chơi Đế chế vừa cúi đầu thừa nhận. Bộ Giáo dục và Đào tạo không có ý kiến gì về tình trạng này.
Trong khi đó, Ông Lương Thế Vinh, thủ khoa đại học quốc gia Hà Nội năm 1463, cho biết phao đo bình xăng cũng nổi, về nguyên tắc là giống quả bưởi,


“Muốn đầy bình xăng thì cứ cho thêm sỏi vào là xong” – ông Vinh kết luận.

Nguồn Tinkhotin

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Mình phục mình quá….!!!!!

Một “Thạc sĩ Bờ Hồ bảo mưa đá là “bình thường”, là “đúng quy luật”, là “với quy mô nhỏ nên không thể dự báo trước được”. Bình thường khi mưa đá, to như cái bát tô, khủng như cái xô, chỉ một đêm biến huyện lỵ Mường Khương (Lào Cai) tan hoang như bị đánh bom?

Hôm qua, một vị Thạc sĩ của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn TƯ, trên truyền hình dùng 2 từ “bình thường” để nói về những trận mưa đá liên tiếp ở Mường Khương, ở Bắc Hà, ở Simacai, ở Phố Ràng (Lào Cai), ở Vị Xuyên (Hà Giang), ở Võ Nhai, Đồng Hỉ (Thái Nguyên), ở Quan Hóa (Thanh Hóa), ở…

Ngoài việc giải thích đó là bình thường, là “không có gì bất thường so với thế giới”. Các chuyên gia còn bảo nó “đúng quy luật”, là “với quy mô nhỏ nên không thể dự báo trước được”.


Bình thường khi mưa đá, chỉ một đêm biến huyện lỵ Mường Khương tan hoang như bị đánh bom?.

Không có gì bất thường khi những ngôi trường mầm non gần như bị san phẳng?.

“Quy mô nhỏ” là những viên đá ngày 26.3 to cỡ “cái bát tô”, đến ngày 29 đã “to bằng cái xô”?.

Không có gì bất thường vì đến mũ bảo hiểm có tem CR- anh nhà báo nào đó thật thời sự và vui tính- cũng bị đột thủng?.

Và “đúng quy luật” trước một trận mưa đá mà ngay chính Chủ tịch Mường Khương Hoàng Duy Dũng đã rùng mình gọi đó là những trận mưa đá “lịch sử”, là “trăm năm có một”.

Thưa Trung tâm dự báo, những người dân ở Tả Thàng, ở Mã Tuyển không hề biết trước khi giữa đêm “đá trên trời” xuất kỳ bất ý như trời giáng xuống giấc ngủ, xuống hiện tại và cả tương lai của họ.

Thưa các vị Thạc sĩ ngồi phòng máy lạnh ở Hà Nội, ở bản người dao Lũng Pâu, không mái nhà nào còn nguyên vẹn. Không một cây ngô nào còn có thể đứng thẳng. Không một lá đậu nào còn lành lặn.

Và thưa ai đó, 40-50 người dân Tả Gia Khâu giờ đang trú ngụ trong mái nhà duy nhất chưa thủng toàn bộ, trong Trường Mầm non.


Họ đã quá sợ hãi trước những điều các nhà khoa học, sau đó giải thích là “bình thường”.

Thật khó để tìm kiếm một thông điệp gì đó sau lời giải thích với hai chữ “bình thường” của những người đáng lẽ phải có trách nhiệm cảnh báo trước.

Thông điệp, nếu có, chỉ là những trận mưa tàn phá với những viên đá bằng cái bát, bằng cái xô, lao đi như viên đạn, có thể xuyên thủng mũ bảo hiểm, vẫn cứ là “nhỏ”, là không thể báo dự báo trước?

Nhưng thế thì ít nhất nên đổi tên Trung tâm Dự báo thành... Trung tâm Giải thích sau mưa bão.


Tháng 8 năm ngoái, khi cơn bão số 8, bão Sơn Tinh hoành hành trong sự bất lực của kính thưa các loại Thạc sĩ, Tiến sĩ Dự báo, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia thanh minh trên Thanh niên: “Chúng tôi đã làm hết sức mình”.

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư giải thích việc “bão nhảy” từ dự báo cấp 8, lên cấp 14 trong thực tế như sau: Tuy nhiên khi vào tới nam vịnh Bắc bộ, ngang tỉnh Quảng Trị, chỉ trong buổi chiều 27.10, bão đã ‘nhảy’ từ cấp 12 lên cấp 14. Trong vòng 4 – 5 giờ, việc nhảy cấp này không mô hình đài nào có thể dự báo trước được, kể cả Mỹ và Nhật Bản. Không ai tính toán được là vào tới đó mà bão còn mạnh thêm nhiều như vậy”.

Việt không thể dự báo, Mỹ, Nhật cũng không thể dự báo. Có điều, bão vào Việt Nam chứ không vào Nhật Mỹ.


Riêng chuyện bão đổi hướng, ông Đức, bấy giờ đã có lời giải thích bất hủ “Dự báo chỉ là dự báo thôi”.

Dự báo chỉ là dự báo. Và nhỏ nên không thể dự báo.

Cứ tạm chép lại ra đây những lời lẽ giải thích hay ho của các nhà dự báo.

Trong khi đó, người dân Sông Tranh tiếp tục thử thách thần kinh, giờ có lẽ đã chai tê, khi hứng chịu liên tiếp 2 trận động đất khuya 29, rạng sáng 30.3.
Sông Tranh có cái hay là không cần phải các Thạc sĩ - Tiến sĩ Dự báo, chính người dân biết trước lâu lâu lại có động đất, bởi, chẳng có gì khó hiểu.

Đó là thứ động đất nhân tạo...
Nguồn: Blog Đào Tuấn