Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Chậm và nhanh

Cái sự chậm và nhanh ở nước mình xem ra nói mãi vẫn không hết, nói mãi vẫn cứ muốn nói nữa, không thấy chán tý nào.
Chậm chạp và nhanh chóng không phải áp dụng ở đâu, khi nào cũng là tốt, những đa phần nhanh thì hay mà chậm trễ là dở.
Nước mình có những sự chậm trễ đến bất ngờ, mãi thành quen.
Sự chậm chạp trở thành tự nhiên như việc cây cầu dân sinh tên là Hòa Viên ở Chương Mỹ, Hà Nội, dài 200 mét,  thi công 4 năm vẫn chưa xong.
Chậm 2 năm so với tiến độ, cây cầu gần như hoàn chỉnh nhưng thiếu mỗi đường dẫn do một số hộ dân chưa chịu di rời. Bởi vậy, nên người dân vẫn ngày ngày trèo thuyền nan đi lại qua cái khúc sông bé ti ti này.
Cái sự cầu xây xong đã lâu mà không làm được đường dẫn lên cầu ở ta bây giờ là chuyện quá thường, nên xem ra chẳng có gì phải bàn cãi.
Đi máy bay, bị chậm giờ thành mốt, câu chuyện này thành quen, người ta không hỏi nhau, đi hãng nào? Chuyến mấy giờ ? mà hỏi trễ mấy giờ. Bởi vậy, đi chuyến nào trễ ít nhất, hành khách cười vui mãn nguyện và còn cho là số mình may mắn, hạnh phúc hơn vô số người khác và còn cảm ơn hãng bay.
Có cái chậm làm người ta phát điên, đó là các tử tù nằm dài cổ đợi có thuốc độc để tiêm, nằm mãi không có thuốc đến phát điên lên đòi tự tử…nhưng vẫn cứ phải chờ thuốc???
Kể ra bao nhiêu cái chậm, kể mãi cũng chẳng hết. Kể sang đến cái nhanh, tưởng nhanh ai cũng thích, nhưng có một cái nhanh thành tệ nạn ở xứ mình. Người ta đi trên đường ai cũng muốn nhanh, giành đường của nhau, không ai nhường ai, xe máy lấn sang tuyến ô tô, ô tô vượt vào đường tàu hỏa. Đèn đỏ cũng vượt…một tay cầm lái, một tay nghe điện thoại, phi vù vù, thật nhanh, tưởng để làm gì, hóa ra bạn gọi đến uống cà phê, uống rượu, đi nhanh cho kịp.!!!thế nên cái sự nhanh này, trung bình mỗi ngày cướp đi 30 chục mạng. Ôi cái xứ mình, nhanh nhanh, chậm chậm, sắc sắc, không không…thấy mà kinh hãi./..

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Quê nghèo

Đêm phương Nam
Nằm nghe mưa rơi
Tiếng mưa như rót vào nỗi nhớ
Nhớ quê nghèo quanh năm
chỉ lá khoai xanh bên bờ ruộng
Tiếng chẫu vào mùa ồn ã góc ao
Nhớ những đêm gối đầu tay mẹ đếm sao
Kia chòm Thần Nông, gầu sòng, Bắc Đẩu…
…và cả đôi mắt vịt con thẳm sâu nhấp nháy…
Cơn mưa nào rạch chớp ở phía Đông
Có những đêm rằm tháng tám cùng ông
Ngồi xem trăng, xem luôn thời tiết
Thật tròn, thật trong năm nay sẽ giá nhiều
Mỗi mảnh ruộng chỉ đó có bao nhiêu
Bàn chân, bàn tay của dì, của cô
ngâm trong bùn thâm tím
Nhấc lên rồi, cây mạ cũng đòi theo
Những bông lúa quê nghèo
quẩn quanh bên người
một năm hai vụ
Có vụ nào bà mò mẫm vớt mãi không lên
Bão dập, mưa dồn làm lưng bà còng xuống
Hạt gạo nuôi con
Thơm mãi tận bây giờ
Ai muốn đi xa, cũng bắt đầu từ quê nghèo ấy
Nếu đã đủ đầy rồi
Không để ý chuyện ngày xưa
Xin đừng bao giờ quên mảnh áo mưa
Bà buộc ngang lưng, nhấp nhô bên bờ ruộng
Kiếm lá rau, con tép, con cua
Nuôi chúng ta, dẫu tháng ba ngày tám
Bởi không nỡ lòng nào
để cháu thèm cơm…
Ai đã thành ông nọ, bà kia
Mưa, ngồi trong xe
nắng, không nhòm tới mặt
Xin đừng quên những ngày đông về giá ngắt
Tay mẹ, tay bà vẫn giặt giũ bờ ao…
Đêm phương Nam
Cồn cào bao kỷ niệm
Của một thời thơ ấu quê nghèo./…





Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Hết mẹ nó việc!!!!!

Họp Quốc hội, chán chê mọi thứ chuyện, có bố đề nghị sửa Quốc ca! Đúng là hết mẹ nó việc, không thể nghĩ ra được việc gì để làm cho nước, cho dân nữa...nên ngồi rỗi hơi nghĩ ra chuyện này...Đại biểu này ai bầu vào Quốc hội thế? vào để làm gì? và còn được tín nhiệm đến bao giờ?????

Lính nhà giàn hiên ngang canh giữ biển trời

Những ngày cuối tháng 5, biển Trường Sa đẹp say lòng người, Trung tá Giáp Văn Ngư, cán bộ Vùng 4 Hải quân, thành viên đoàn công tác số 13 trên tàu HQ 571, người đã từng có thâm niên đi biển phải thốt lên rằng, chưa bao giờ có một chuyến đi mà biển êm như lần này! Theo tay trung tá Giáp Văn Ngư chỉ, nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên đang hiện ra trước mắt, như một dấu chấm than giữa một vùng nước xanh, trời xanh bất tận.
Biết là chỉ chừng chưa đầy 30 phút đồng hồ nữa thôi, tất cả sẽ được lên với nhà giàn, với những chiến sỹ ngày đêm canh giữ biển, thềm lục địa, một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, nhưng cả đoàn công tác ai cũng muốn được mình là người được đặt chân đầu tiên lên ngôi nhà thân thương mà trên đất liền chỉ được xem qua tranh, ảnh, ti vi…
Rưng rưng nước mắt...

Cách nhà giàn DK1/15 một khoảng không xa, tàu HQ 571 thả neo để chuẩn bị cho Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam, một không khí trang nghiêm, xúc động bao trùm lên khắp con tàu. Trong khói nhang trầm nghi ngút, tiếng nhạc trầm hùng, có những giọt nước mắt lăn dài trên má những ca sỹ ở tuổi đôi mươi của Đoàn Văn công Quân khu 9, Đoàn Nghệ thuật Thừa Thiên- Huế… khi nghe diễn văn ôn lại truyền thống anh hùng của Tiểu đoàn DK1 trong công cuộc bảo vệ thềm lục địa phía Nam, gìn giữ nhà giàn trước bão tố phong ba của biển.
Trung tá Lương Đình Hiền, Tiểu đoàn phó DK1, người có thâm niên 11 năm ở nhà giàn xúc động nhớ lại những kỷ niệm không quên của những năm tháng sống cùng chiến sỹ tại nhà giàn trên bãi ngầm Phúc Nguyên. Có ngấn nước như muốn tràn ra trong khóe mắt của anh khi nhắc đến gương hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sỹ nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên năm ấy, chính nhà giàn mà Trung tá Lương Đình Hiền vừa bàn giao lại để sang nhà giàn khác nhận nhiệm vụ mới, chỉ sau đó vài tháng, tại đây, 3 đồng đội thân yêu của anh đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi.
Giọng trầm buồn, Trung tá Lương Đình Hiền cho biết, bãi ngầm Phúc Nguyên có chiều dài khoảng 30 km, độ sâu khoảng từ 16m đến 20m, nhà giàn DK1/6 đã được xây dựng trên bãi ngầm đó. Đầu tháng 12/1998, cơn bão số 8 là một cơn bão mạnh đã tràn qua vùng biển này, nằm trong khu vực tâm bão, trong tình thế hiểm nghèo, dưới sự chỉ huy của Trạm trưởng Vũ Quang Chương, người con quê hương Thái Bình, cùng với 8 cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp của nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên đã kiên trì bám trụ, liên tục giữ vững thông tin liên lạc và báo cáo chính xác mọi diễn biến về Sở chỉ huy, bình tĩnh, dúng cảm chống chọi với bão tố, dự kiến những tình huống xấu nhất có thể xảy ra và tìm mọi biện pháp nhằm giảm thấp nhất thiệt hại về người và trang thiết bị kỹ thuật.
Giữa biển khơi mênh mông, đêm tối mịt mù, sóng gió vùi dập, đói và rét, 9 cán bộ, nhân viên nhà giàn vẫn kiên cường bám trụ bảo vệ nhà giàn đến cùng, với tinh thần còn người là còn nhà, còn trạm. Tuy nhiên, do trong một thời gian dài phải chống chọi với những trận cuồng phong, những con sóng có đỉnh cao tới 14-15m trùm kín cả sàn công tác của nhà giàn, cùng với sức gió giật mạnh làm cho nhà giàn bị rung chấn dữ dội và nghiêng lắc mạnh. Vào lúc 3 giờ sáng ngày 14/12/1998, thời điểm mà sức mạnh và sự tàn phá của bão số 8 lên đến đỉnh điểm, cũng là nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên bị đổ, cả 9 đồng chí trên nhà giàn đã bị hất tung xuống biển. Ngay sau đó, lực lượng tàu trực cấp cứu của Hải quân đã khẩn trương, tích cực tổ chức tìm kiếm, cấp cứu những cán bộ, chiến sỹ bị nạn. Tuy nhiên, ba ngày sau mới phát hiện và cấp cứu được 6 đồng chí, còn lại 3 đồng chí là Đại úy, Trạm trưởng Vũ Quang Chương; Chuẩn úy chuyên nghiệp rađa và Chuẩn úy chuyên nghiệp cơ điện Vũ Văn An đã mãi mãi ở lại với biển khơi, thi thể các anh đã hóa thân vào sóng, gió, nước của đại dương mênh mông, nhưng tinh thần quả cảm, tấm gương anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ nhà giàn, bảo vệ chủ quyền, vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc mãi mãi khắc ghi trong nỗi tiếc thương, sự cảm phục và niềm kiêu hãnh của cán bộ, chiến sỹ Hải quân, của người dân Việt Nam.
Bây giờ, nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên đã được xây dựng lại vững chãi và rộng rãi hơn trước, trước một công trình nguy nga, đồ sộ giữa biển khơi mới thấy sự vĩ đại của sức mạnh của con người.
Thiếu tá Lê Quang Ninh, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên, 37 tuổi, nhưng anh cũng đã ở nhà giàn 13 năm, anh cho biết, sau khi nhà giàn DK1/6 bị đổ, nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên đã được xây dựng lại để tiếp tục sứ mệnh lịch sử, làm nhiệm vụ chốt giữ, bảo vệ vùng biển, vùng trời được phân công.
Theo Thiếu tá Lê Quang Ninh, tuy giờ đây được ở trên nhà giàn vững chắc hơn trước, điều kiện có tốt hơn trước, nhưng khó khăn vẫn còn rất nhiều, nhất là vào những ngày sóng lớn, mưa bão, việc tiếp cận lên nhà giàn là bất khả thi, nên tiếp tế lương thực, thực phẩm vì thế không thể thực hiện được kịp thời…
Tuy nhiên, càng khó khăn, các chiến sỹ trên nhà giàn vẫn luôn thể hiện tinh thần lạc quan, tìm ra mọi cách để khắc phục. Để cải thiện đời sống, nâng cao chất lượng bữa ăn của cán bộ, nhân viên nhà giàn, ngoài chế độ, tiêu chuẩn được cung cấp theo đặc thù, nhà giàn thường xuyên chú trọng đẩy mạnh tăng gia trồng rau xanh và đánh bắt hải sản.
Nhà giàn đã được cấp khay đất, hạt giống theo định lượng đầu người để trồng rau xanh. Trong điều kiện không gian chật hẹp, rau xanh được trồng trong các khay gỗ, khay nhựa và được đặt ở nhưng không gian tận dụng như hành lang, gầm cầu thang, ô cửa của nhà giàn. Hàng ngày, nước thải sinh hoạt được tận dụng triệt để dùng cho tưới rau, rau xanh vì thế có gần như đủ các loại như trong đất liền, nhưng chủ yếu là rau cải, rau dền, bầu đất, mùng tơi… mỗi năm cũng cho thu tới gần 600 kg.
Nhờ đó, nhà giàn Phúc Nguyên không những cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu rau xanh trong các bữa ăn hàng ngày mà còn giành một phần hỗ trợ cho cán bộ, chiến sỹ các đơn vị tàu làm nhiệm vụ trực trong khu vực.
Trong buổi giao lưu với đoàn công tác số 13 của tàu HQ 571, có ý kiến băn khoăn về công tác tư tưởng của cán bộ, chiến sỹ nhà giàn khi phải đối mặt với khó khăn, Thiếu tá Nguyễn Văn Thuận, Chính trị viên nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên đã khẳng định, với tư cách là Chính trị viên, với thâm niên tròn 20 năm công tác tại nhà giàn, chưa khi nào thấy anh em đồng đội của mình có tâm trạng, tư tưởng bị lung lay, nhụt ý chí khi gặp phải những khó khăn gian khổ, nhất là trong những hoàn cảnh phải đối mặt giữa sự sống và cái chết. Những tấm gương hy sinh anh dũng của các liệt sỹ trên nhà giàn năm xưa càng thêm hun đúc tinh thần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc giữa trùng khơi của người chiến sỹ nhà giàn DK1, tất cả đều tâm niệm một điều, được ra nhà giàn là vinh dự và tự hào với trách nhiệm lớn lao mà Tổ quốc, nhân dân tin tưởng giao phó.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thuận nhắc lại câu nói luôn khắc ghi trong tim các chiến sỹ nhà giàn, đó là: Đất liền hãy yên lòng, khi còn người, còn chúng tôi trên nhà giàn là chủ quyền của Tổ quốc thân yêu ngoài biển khơi vẫn được giữ vững.
Nao lòng....

Chia tay với cán bộ, chiến sỹ trên nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên, khi con xuồng cuối cùng đưa đoàn công tác trở về tàu, nhìn bóng áo trắng và những cánh tay vẫy chào dần nhòa đi trong sóng và gió biển, nỗi xúc động dâng lên ngập tràn trong lòng mỗi người khi thực sự phải rời xa những con người bình dị nhưng đầy quả cảm. Không ai bảo ai, cả xuồng cùng cất cao lời của bài hát “Khúc quân ca Trường Sa”, bài hát như thay cho lời chào các anh, những người chiến sỹ nhà giàn DK1, để rồi ước mong có một ngày được trở lại nơi này./..