Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Ra trận…

Cay cay sống mũi... " Sân bay, tôi ngồi đợi chuyến bay muộn và đọc những dòng hồi ức của bạn bè tôi về ngày 17/02/1979. Đọc những kỷ niệm về không khí muốn ra trận của những chàng trai 17-18 ngày đó, tôi phát hiện ra một điều. Đối với tôi, sự chuẩn bị ra trận của bố nuôi tôi ngày ấy hoàn toàn khác! Không như một số người bây giờ nói là Việt Nam hoàn toàn bất ngờ về việc Trung Quốc tấn công. Tôi nhớ rằng cả tháng trước ngày chiến sự nổ ra, khu tập thể Nguyễn Công Trứ, nơi tôi ở đã rục rịch chuẩn bị. Mọi người bắt đầu đào hầm hào ngay trong khu. Không có hầm chữ A như thời đánh Mỹ nhưng giao thông hào đào cũng ngập đầu và các hố cá nhân với khung bê tông tròn như thành giếng đâu đâu cũng thấy. Tôi còn nhớ mỗi chiếc hầm cá nhân đó sâu hai vòng bê tông, loại bê tông rẻ tiền mà chỉ cần đập gạch vào cũng sẽ vỡ. Ngày đó bố đẻ tôi đang ở Liên Xô, mẹ tôi đi làm từ sáng tới tối nên hầu hết thời gian không đi học, tôi lê la ở nhà bố mẹ nuôi ở bên cạnh. Buổi tối, bố nuôi tôi thường hay ngồi uống trà với các chú hàng xóm và câu chuyện thường liên quan tới một từ mà tôi không hiểu lắm “tái ngũ”. Bố tôi là bộ đội đánh Mỹ. Bố chiến đấu ở Tây Nguyên từ năm 1969 tới 1975. Năm 1979, bố mới phục viên được hơn 3 năm. Tôi nhớ, mấy người hàng xóm thường hỏi “anh nghĩ họ có gọi anh tái ngũ không?” Bố tôi thường nghĩ một lúc rồi trả lời “Nếu đánh nhau, trên đó toàn là núi, pháo bắn khó, chủ yếu sẽ là súng cối. Tôi đoán sớm hay muộn, họ cũng sẽ gọi thôi.” Sau này tôi biết suốt 7 năm ở chiến trường Tây Nguyên, bố tôi là chỉ huy một trung đội cối 82 ly. Ngày 17/02/1979, giữa buổi chiều, bố tôi từ nhà máy về. Đằng sau xe của bố chở hai bao tải lớn, một bao gạo và một bao khoai lang khô thái lát. Nhà máy cho bố về sớm để chuẩn bị. Bác quản đốc gọi bố ra chỉ vào hai bao gạo và khoai, nói “anh mang về cho chị và bọn nhỏ!” Bố cẩn thận cất hai bao đó vào trong cái kho nhỏ của nhà và mở chiếc thùng gỗ lớn trên gác xép ra. Đối với tôi, cái thùng gỗ cũ kỹ với khoá to tướng đó giống như cái rương đựng đồ báu trong chuyện Đảo Giấu Vàng. Bố rất ít khi mở, và mỗi lần mở thì tôi chỉ thoáng thấy những đồ bộ đội trong đó. Nhưng với trẻ con ngày đó, tất cả những gì liên quan tới bộ đội đều như của báu. Bố tôi lôi ra bộ quân phục Tô Châu mới toanh mới mặc vài lần. Bộ quân phục này bố được phát trong lễ diễu binh tại Sài Gòn sau ngày 30/04/1975. Sau đó là chiếc mũ tai bèo đã bạc, đã vá nhiều và có một vết đạn xuyên qua vành nón. Sau này tôi biết, bộ đội cũng có những điều mê tín. Bố tôi đã đội chiếc mũ đó hồi năm 1970, đơn vị bố chết nhiều, nhưng bố vẫn sống dù bị đạn xuyên vành mũ. Bố tin rằng chiếc mũ đó là bùa hộ mệnh nên ông vẫn mang theo khi ra quân. Mẹ nuôi tôi về, đứng chết trân giữa cửa khi nhìn thấy bố giữa những đồ quân dụng trải ra trên nền nhà. Bố lừ mắt nhìn mẹ rồi nói “Nhà còn các con, đừng có mà đàn bà!” Mẹ tôi lẳng lặng đi nấu ăn. Ăn xong cơm tối, mẹ tôi lấy chiếc ba lô của bố tôi ra khâu vá. Anh hai và chị ba tôi thì im lặng, nhưng anh út và tôi thì vui như Tết. Tôi tò mò hỏi hết thứ này đến thứ khác về các đồ quân dụng của bố. Bố giải thích một cách kiên nhẫn cho tôi. Cũng lạ là lúc đó tôi mới 5 tuổi nhưng 35 năm qua đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in từng thứ đó. Bố sẽ dùng chiếc bình-toong của Mỹ chứ không dùng đồ của quân đội phát. Chiếc bình-toong Mỹ khác với bình-toong do Trung Quốc sản xuất cho quân đội ta ở chỗ, mặt ngoài của bình phồng lên nhưng mặt trong thì hóp nhẹ lại. Chiếc bình-toong đó đi cùng và lắp vừa khít vào một chiếc gà-mèn. Chiếc gà-mèn lại có một cái tay cầm sắt nhỏ có thể gập lại được và rất thuận tiện để cài vào chiếc xanh-tuya Mỹ khổ lớn bằng vải bạt. Điều đó giúp cho người lính không phải có một bộ dây khác để đeo tòng teng khi dùng bi-đông Trung Quốc. Chiếc xanh-tuya khổ lớn của Mỹ đó là vật yêu thích của tôi. Nó có một chiếc khoá thép rất đơn giản hình như cái mỏ neo giúp cho việc đeo vào và tháo ra chỉ trong tích tắc. Bố tôi giải thích cho tôi rằng, người lính Mỹ dùng chiếc xanh-tuya đó có thể đeo rất nhiều vật nặng khi hành quân (lựu đạn mỏ vịt, lựu đạn cài, bình-toong nước, súng ngắn, và nhiều thứ khác). Chiếc xanh-tuya đó khi mới đeo thì lỏng nhưng càng đeo nặng thì càng ôm chặt vào người – và đặc biệt là nó hơi trễ xuống, mắc vào mông người lính. Với chiếc thắt lưng Trung Quốc mà bộ đội ta dùng, muốn không bị tụt quần khi hành quân, người lính sẽ phải thắt chặt. Với chiếc thắt lưng bản nhỏ, thắt chặt vào hông mà lại treo vật nặng khi hành quân xa, da hai bên hông sẽ trầy xước hết. Tôi nhớ bố tôi cẩn thận lấy một miếng vải màn nhỏ, cuộn tròn lại và nhét vào trong bình-toong nước. Bố ở Tây Nguyên 7 năm. Mỗi khi vào mùa khô, người lính đôi khi phải đi cả ngày đường mới tìm được nước. Bố giải thích là bình-toong nước vào mùa khô ít khi đầy. Khi hành quân, chiếc bình-toong với nước ngang lưng bình mà không có cuộn vải màn bên trong sẽ gây tiếng óc ách. Tiếng động đó, đôi khi sẽ khiến người đeo phải trả giá bằng máu. Cuộn vải màn nhỏ còn có tác dụng khác là sử dụng để cho thương binh ngậm vào khi khát nước. Bố tôi nói, Tây Nguyên mùa khô, suối sông cạn hết. Người lính bị thương vào mùa này (mùa của hành quân và đánh trận) sẽ khát khủng khiếp. Nếu đưa một chiếc bình-toong cho họ uống, họ sẽ tu một hơi đến khi không còn một giọt. Người lính bị thương sẽ bị chết vì mất máu (do uống nước quá nhiều) và người khênh họ sẽ kiệt sức vì khát mà hết nước. Những năm ở Tây Nguyên khiến cho bố tôi có những kinh nghiệm sinh tồn mà quân đội không dạy. Ông đi xin được ở đâu về một cuộn nhỏ dây cước và làm một chùm lưỡi câu từ dây thép. Ông bảo mẹ tôi may một cái túi nhỏ phía trong ba-lô và nhét chùm lưỡi câu và sợi giây cước vào đó và khâu lại. Bố tôi kể, hồi chống Mỹ, bộ đội rời miền Bắc được trang bị rất đầy đủ. Thế nhưng khi vượt Trường Sơn, leo dốc kinh khủng quá, tân binh vất hầu hết mọi thứ đi cho nhẹ. Họ chỉ thấy hối tiếc về việc đó khi đã vào tới chiến trường và đói vàng mắt. Bố tôi cầm cái chùm lưỡi câu cho tôi xem và nói “ở trên núi kiểu gì cũng phải có suối. Có suối, có nước thì có cá. Có cá, có nước là đủ để sống!” Bố tôi bảo mẹ tôi khâu dấu những đồ nhỏ lặt vặt như miếng cao hổ cốt và cái mật gấu mà ông nội cho vào mặt trong của ba-lô để “mình vừa không quăng bừa đi, vừa khỏi có thằng lỏi nào nó lấy mất”. Tôi nhớ hôm sau mẹ tôi lên ông ngoại ở Ngọc Hà mua một ít thịt. Mẹ làm ruốc. Mấy anh em chúng tôi sung sướng vô cùng ngồi chầu rìa và xin xé ruốc. Tôi xé thì ít nhưng ăn vụng thì nhiều. Ruốc xé rất tơi ra xong rồi thì mẹ tôi lại lèn vào một chiếc hộp nhôm hình tròn (cũng là đồ chiến lợi phẩm của Mỹ mà bố tôi mang về hồi ra quân). Mẹ lèn rất chặt toàn bộ số ruốc đó rồi cất lên tận nóc tủ. Tôi nhớ, buổi tối, khi ngồi ăn, tôi cứ ngước lên nhìn cái hộp ruốc đó. Bố tôi thấy ánh mắt tôi bèn quay ra hỏi mẹ tôi cái gì trên đó. Khi biết đó là ruốc mà mẹ tôi làm để cho bố tôi mang theo ăn dần, bố bực mình mắng: “Con nó thèm thì mẹ cứ cho chúng nó ăn. Còn bố mà có đi thì đã có tiêu chuẩn quân đội nuôi!” Mẹ thì rơm rớm nước mắt vì bị mắng còn chúng tôi thì sướng rơn người vì được ăn ruốc. Đến giờ, tôi vẫn nhớ mùi ruốc thơm nồng ngày đó. Tôi nhớ, vào hôm sau, bố tôi ở nhà. Khi mẹ tôi đi làm rồi, bố mới mở hòm lấy ra một khẩu Colt .45 và một hộp giấy đầy đạn của Mỹ. Hồi đó tôi nhớ, những viên đạn K54 hay AK-47 đã rút thuốc đạn mà tôi hay được các cậu tôi cho làm đồ chơi thường có vỏ màu nâu sậm hoặc màu xanh lá cây rất tối. Những viên đạn đó có các-tút là sắt và hay rỉ. Thế nhưng những viên đạn Mỹ thì có màu đồng vàng óng, nhìn rất bắt mắt. Bố tôi lau súng rất kỹ, lên quy lát loạch xoạch, lau từng viên đạn rồi mới cất súng vào bao. Bố dặn tôi rất kỹ là không được nói với mẹ chuyện bố lau súng. Sau này, khi tôi khoảng 10 tuổi và có lần lấy khẩu súng không đạn đó ra chơi. Bố trông thấy liền mang đi nộp cho chú công an khu vực. Khi thấy tôi buồn, bố tôi kể cho tôi về khẩu súng đó. Đó là khoảng năm 1970, mặt trận Tây Nguyên sau Mậu Thân rất khó khăn. Bộ đội đói dài và tổn thất nặng. Có một trận trung đội cối 82 của bố tôi đi yểm trợ cho tiểu đoàn đánh một đơn vị Mỹ mới đổ bộ. Trận đánh giằng dai kéo dài mà không dứt điểm được. Đến xế chiều, cối hết đạn, bố tôi được lệnh rút. Khi rút ngang qua một cái trảng thì bất chợt ba chiếc trực thăng bay tới. Trung đội kịp chạy vào bìa rừng và nằm im ở đó. Thế nhưng có một cậu lính trẻ mới vào chiến trường, lần đầu thấy trực thăng Mỹ bay sà thấp ngang ngọn cây nên sợ quá không chạy được. Cậu ấy nằm rúm ró trên trảng trống. Một trực thăng hạ xuống và tóm cậu lính đó lên máy bay. Ba chiếc lượn vòng quần thảo trên đầu. Chỉ vài phút sau, tự nhiên tiếng loa từ trên trời vọng xuống giọng cậu lính kia mếu máo “anh Tr… ơi, ra hàng đi không nó giết chết hết anh Tr… ơi!” Bộ đội nằm im vì trên mỗi chiếc trực thăng đó có 2 khẩu súng máy Gatling 6 nòng đang chĩa xuống. Mấy chiếc máy bay cứ bay vòng sát trên các ngọn cây. Tiếng gào thảm thiết của cậu lính từ trên vẫn vọng xuống “Ối anh Tr… ơi, em cắn rơm cắn cỏ lạy anh. Anh không cho anh em ra hàng thì nó đạp em xuống, anh Tr… ơi!” Mấy chiếc trực thăng bay lượn vòng thấp, cánh quạt thổi tung tất cả cỏ với cành lá nguỵ trang ở dưới lên. Cứ mỗi lần thấy một người lính nào đó nấp ở dưới, súng Gatling lại nổ chát chúa. Tiếng súng CKC từ dưới nổ từng phát một lên rồi tắt ngấm. Cậu lính bị bắt ở trên thì cứ gào lên, tiếng kêu không ra tiếng con người “Ối ông ơi, ông đừng đạp con xuống, để con gọi anh Tr… con ra hàng. Ối anh Tr… ơi, em còn mẹ già, anh hàng đi cho em còn đường sống….” Bố tôi nói rằng những năm 69-70, đơn vị cối của bố tôi chỉ được trang bị CKC. Bố tôi nói, ở Miền Bắc tuyên truyền cụ già bắn rơi cả phản lực Mỹ bằng súng đó, chứ ở Tây Nguyên, có dùng CKC bắn cả ngày trực thăng nó cũng chẳng rơi. Thế nên trung đội của bố tôi cứ nằm yên mà chịu trận. Ai bị lộ thì bắn lên trời xua địch chứ những người còn lại, toàn lính cựu, đều biết rằng nổ súng, lộ vị trí thì cả đơn vị đều chết. Bố tôi kể là đến khi trời tối, trực thăng quay về căn cứ thì trung đội bố tôi chỉ còn lại 1/3. Thế nhưng, bố tôi nói, điều kinh khủng nhất là cái tiếng gào thét gọi hàng và xin tha chết của cậu tân binh trẻ ám ảnh trong đầu ông. Sau trận đó, bố tôi thề sẽ không bao giờ để bị bắt. Bố tôi nói, lính Mỹ và Sài Gòn thù lính cối 82 không kém gì thù lính đặc công và trinh sát. Cối 82, những năm đó là vũ khí sát thương mạnh nhất và đáng sợ nhất với quân Mỹ. Sau trận đó vài tháng, bố tôi được khen thưởng và ông đã đổi toàn bộ số thực phẩm được cấp (mà thực ra cũng chỉ là 1 hộp sữa đặc có đường) để lấy khẩu colt 45 chiến lợi phẩm do một người lính trinh sát mang về. “Súng đó không phải để bắn người đâu. Bố dùng nó cho mình con ạ!” Tôi cũng nhớ bố tôi lên nhà máy da dày Thuỵ Khuê xin về một bộ dây da. Ông cẩn thận cắt và khâu thành một bộ dây nịt. Ông đeo vào người rồi lấy cái chảo quân dụng lớn mà mẹ tôi dùng để nấu cám lợn, buộc vào. Ông chạy đi chạy lại, đứng lên rồi nằm xuống với cái chảo lớn được buộc chặt bằng bộ dây da đó trên lưng. Tôi thấy kỳ lắm và hỏi. Bố tôi kể là hồi năm 71, đơn vị bố tôi có một cậu chuyên mang đế của khẩu cối 82. Cái đế đó là một cái chảo sắt nặng, dùng để chịu lực của nòng cối khi viên đạn bắn đi. Cái đế cối đó nặng nên cậu đó hay đeo trên lưng như cách các hiệp sỹ xưa đeo lá chắn trên lưng vậy. Có cái đế đó trên lưng, cảm giác rất an toàn vì đạn bắn thẳng cũng không xuyên qua được. Có một lần, đơn vị bố tôi bị trúng pháo toạ độ. Tất cả chạy nháo nhào, nhảy xuống các hố đạn pháo vừa nổ. Cậu lính mang đế cối cũng nhảy xuống một hố pháo. Pháo ngưng, bố tôi thấy cậu lính đã chết. Khi nhảy xuống hố đạn, anh đã ngã dúi đầu xuống đất, chiếc đế cối nặng trên lưng bị hơi đạn pháo đã bung ra khỏi đai vải đeo, mép của đế cối tuy không sắc nhưng với sức nặng của toàn bộ khối sắt đã cắt vát một phần sau gáy anh. Anh chết không kịp nói một tiếng. Tôi nói rằng bố là chỉ huy thì lo gì phải mang đế cối. Bố tôi trả lời rằng bị trúng phản pháo thì vừa phải khiêng thương binh vừa phải khiêng súng mà chạy. Lúc đó, sỹ quan hay lính cũng phải lăn vào bê súng hết. Từ hôm đó, cứ đêm đến, sau khi ăn cơm xong, bố tôi lại nghe hết đài tiếng nói Việt Nam đến đài BBC về tình hình chiến sự. Trên chiếc bản đồ VN treo trên tường, bố cắm những lá cờ nhỏ màu đỏ và xanh, đánh dấu các tuyến phòng thủ của quân ta tiến lên hay lùi xuống theo tin tức chiến sự. Sau khi hết các bản tin, bố lại mở 2 cuốn sách cũ sờn gáy và mất cả bìa. Một cuốn, tôi nhớ tên là “yếu lĩnh cối 82”. Một cuốn khác không có bìa nhưng có dòng chữ “Quân-lực Việt-Nam Cộng-Hoà” ở ngay trên đầu. Đó là cuốn dạy cách bắn súng cối cá nhân M-79. Khi tôi hỏi bố đọc làm gì. Bố trả lời là làm gì cũng phải học, phải ôn luyện – bố đang ôn lại các cách bắn cối và M-79 từ thời chống Mỹ. Tôi vẫn nhớ mỗi lần mẹ tôi giật thót khi nhìn thấy người đưa thư đến trước cửa. Sau này tôi nghĩ mẹ sợ người đó mang đến giấy gọi tái ngũ cho bố tôi. Tối tối, mẹ tôi lại giở ba-lô và quần áo lính của bố tôi ra khâu thêm chỗ nọ, đằn thêm chỉ chỗ kia. Chiều chiều, bố tôi về sớm, tìm cách sửa mọi thứ trong nhà. Bố tranh thủ lấy than về trộn với bùn rồi nắm thành từng bánh phơi để mẹ có đồ để đốt khi bố đi vắng. Tối tối, mọi người lại sang nhà tôi, uống trà rồi nói chuyện người này đã lên phòng tuyến sông Cầu, con nhà kia hôm nay đã nhận giấy nhập ngũ. Tối tối, xe tăng, xe kéo pháo và chở quân lại kéo nườm nượp từ ngã tư Vọng, qua Bạch Mai lên phố Huế, Tràng Tiền để qua cầu Long Biên lên phía Bắc. Tối tối, bố tôi lại chong đèn ngồi xem lại cách tính phần tử bắn. Cuối cùng ngày 18/3/1979, đài báo quân Trung Quốc đã hoàn toàn rút khỏi lãnh thổ Việt Nam. Hôm đó, bố tôi lại cất các thứ đồ thời kháng Mỹ vào hòm. Hôm đó, nghe bản tin xong, lần đầu tiên mẹ tôi bật khóc. Năm đó, bố tôi 40 tuổi, bằng tuổi tôi bây giờ. Năm đó, mẹ tôi cũng trạc tuổi vợ tôi hôm nay. Năm đó, bố tôi, người cựu binh đã trải qua 7 năm đầy máu và gian khổ ở Tây Nguyên, lặng lẽ chuẩn bị cho ngày tổ quốc gọi ông một lần nữa. Năm đó, nếu tái ngũ, bố tôi sẽ để lại sau hậu phương một vợ và 3 con nhỏ (ngoài ra thêm một thằng con nuôi ăn bám là tôi nữa). Năm đó, ông lại lặng lẽ chuẩn bị khẩu súng ngắn cho mình để phòng trường hợp bị bắt làm tù binh. Năm đó, mẹ tôi chỉ khóc khi biết rằng bố tôi không phải ra trận. Đối với tôi, việc chuẩn bị ra trận của bố tôi rất khác với những gì bạn bè tôi tả. Có lẽ là vì bố tôi là người đã từng thấy chiến tranh nên cách chuẩn bị ra trận của ông cũng khác./.. (Nguồn: Blog Beo)

Mùa đông

Đọc được bên nhà Phọt phẹt, thì ra thuở ấy, Thanh Hóa cũng đói dư xứ mình... " Tôi sợ mùa đông lắm. Là cái sợ ám ảnh từ tấm bé. Cứ mỗi độ đông sang, khi cây xoan trước nhà thi thoảng rụng đi những cành vụn là lúc mẹ tôi sửa soạn áo bông, củi lửa và ổ rơm cho cả nhà tránh rét. Cái rét thời xưa cũng khác thời nay, là tôi nghĩ thế thôi chứ không hẳn là như thế. Cái thủa đói rách nó làm cái rét ngọt và tái tê hơn. Chứ như bây giờ no cơm nên ấm cật, thành ra cái rét mất đi cả phong vị và một chút sầu đông. Nhà đông anh em nên manh áo cũng trở nên thừa thiếu. Thiếu là bởi sự chằng đụp của miếng vá vội, miếng chín miếng sống nham nhở trên nền vải vụn. Thừa là bởi những thứ xin được của người lớn hay thửa được từ phụ huynh. Bận những đồ đó vào hao hao như những con thú trong gánh xiếc nghèo, màu mè và chả ra lối lang gì cả. Tôi lớn nhất nhà thành ra đồ tùy táng, à không, đồ tùy thân ( những thứ mặc trên người) luôn được ưu tiên thừa kế từ bố mẹ, rồi sau đó mới đến các em tôi. Chả dụ như cái quần ga - ba - đin phải xắn lên năm gấu, bụng phải thắt lá chuối hoặc dây chun cắt ra từ săm xe đạp thì mới không tụt. Nhưng hãi nhất là cái chỗ để móc chim ra đái thì lại trôi dạt nằm ất ơ ở đùi, đâm ra mỗi khi hành sự rất khổ. Là phải loay hoay tháo chun hay dây chuối thì mới tụt chim ra được, lắm phen buộc lối thắt cổ chó tháo mãi không ra nên nhắm mắt mà tè trong quần cho bớt giận. Hay như cái áo đại cán, gấu lúc nào cũng chấm gối. Hoặc cái ba - đờ - xuy còn chấm mắt cá chân. Tôi nhiều lần bảo mẹ sửa lại nhưng bà bảo không nên vì là còn mặc cho nhiều mùa đông kế tiếp. Thế thôi nên tôi kệ, gấu áo lúc nào cũng thâm và khai rưng rức vì đái phải. Dài quá, vén lên hổng nủi hehe. Đấy là lo cho đôi chân và cái thân, chứ cái đầu và hai bàn chân thì cực nhọc lắm. Mẹ tôi moi đâu về được ít len gai, đan cho cái mũ trùm kín đầu chỉ hở hai con mắt. Cái thứ len này rất nhặm và cứng, nó y như sợi bì gai vậy nên đội vào đầu rất rát và khó chịu. Nhưng được cái ấm nên cũng cố công mà đội chứ cởi ra gió bấc nó táp cho thì mặt không bằng bẹn ông nhái. Nhưng ngại nhất là đôi bàn chân, cái bộ phận nhỏ bé nhất cần được che chở. Nhưng có thể vì nó nhỏ bé mà người ta không mấy để ý chăng? Bởi tuy là nhỏ bé nhưng nó quyết định phần lớn cái nóng lạnh thân người. Nhưng cái thời đồng đao, cái lớn lao phủ bao còn chưa hết thì hai miếng bé tí làm nhiệm vụ di chuyển kia đã ăn thua gì. Tôi không có diễm phúc tất giầy nên chỉ được đi đôi gò Tiền Phong hàn nham nhở, lở lói như vết bỏng lâu ngày không liền thịt. Giời lạnh nên nó cứng ngắc, cọ quẹt vào ngón chân đau buốt. Tôi thì cứ đổ cho lạnh nên thế thôi, chứ đeo vào trông cũng ra dáng lắm. Những sáng mùa đông nhưng vẫn phải dậy sớm, giấc mơ thần tiên của tôi cũng dậy sớm tái tê. Lợn gà cám bã chán chê rồi òng ọc ngụm nước muối súc miệng thay ăn sáng rồi mới được đi học. Trường không mấy xa nhà nhưng cuốc bộ trên đê cho gần đi năm bảy bước. Gió thổi tôi liêu xiêu trên những cánh đồng màu trơ gốc rạ. Vào học vẫn còn run vì cửa sổ và những lỗ thông gió hoác hơ. Bọn tôi phải làm nùn rơm thổi phù phù cho ấm. Vài đứa sang hơn, đốt than xoan vào cái ống bơ gỉ quay vèo vèo. Nhưng cũng chả xua đi được cái lạnh, tạo một tí khói cho lòng ấm lên thôi. Đôi khi cũng là trò chơi của một thời khờ dại. Tối ngủ mẹ tôi giải rơm lót phên giường rồi phủ chiếu lên trên, nằm êm lắm. Rơm bà trữ từ đầu vụ gặt, toàn rơm nếp nên thơm thơm. Cái chiếu mỏng lại bị thằng thứ ba đái dầm nên mủn ra một hố rộng, tôi lần mò tìm hạt lép hạt chắc mà ăn chắt cho đỡ buồn tình. Mảnh chăn bông không vỏ thâm đen trong lớp vải màn đồng hạng. Bốn anh em tôi úp thìa nằm sưởi ấm cho nhau. Ấy thế mà thi thoảng cũng cãi vã rồi đánh nhau chí chóe vì cái tội kéo chăn phần ít phần nhiều. Những hôm đại hàn, bố tôi phải quạt một chậu than để gậm giường cho ấm đít. Có bận than đượm quá, tí nữa bốn đứa thành món thịt nướng trứ danh. Hồi đó bà nội tôi còn sống. Cả mùa đông bà không đi đâu mà chỉ ngồi ru rú trong nhà bên đống củi gộc âm ỉ cháy. Bà mặc cái áo bông, quàng thêm cả cái chăn chiên, bó gối rung rung như sài giật mà xuýt xoa cho cái rét. Ngôn lời như bao mùa đông đi qua, đại khái như hừ hừ, sao mà rét thế. Hễ không có việc gì thì cả nhà lại quây bên đống lửa, tay xòe ra hứng chút hơi nồng, xoa xoa rồi vỗ bem bép vào má. Những thớ thịt căng ra, nứt thành đường như những vết chim di. Hanh khô lại thêm nứt nẻ nên khó chịu lắm nhưng chẳng thuốc nào bôi. Bà bảo bọn tôi đái vào tay rồi vã lên cho đỡ rát. Nước tiểu nó làm nên mặt mũi tôi như bây giờ và thi thoảng vẫn dùng lại bài cũ dù nhà không thiếu kem bôi. Thế nên có vai ấp má kề với tình iêu nào trong đông giá, xin đừng chê khai mà xa lánh tôi ra khà khà. Một mùa đông tôi tắm nhõn ba lần, ứng với cái thai kỳ ( chu kỳ chứ nhỉ?) của thời tiết. Mỗi một bận thế tôi có cảm tưởng như là một cuộc tra tấn thời cổ sử kinh hoàng. Mẹ tôi đun một nồi nước to với năm bảy viên đá kỳ cho từng bộ phận. Tắm trong nhà thì ướt, xuống bếp thì không biết đun nấu vào đâu nên bà dựng phên bằng cót ra một nơi khuất gió làm nhà tắm. Bà pha nước cho âm ấm, thay vì tắm tay chân trước thì lại đè nghiến đầu ra mà gội. Bằng bồ kết thôi, bốn năm bận mà tóc vẫn rít không tài nào chải nổi. Sau đó mới đến các bộ phận khác, chỗ nào bà cũng rất tỉ mẩn và kỳ công, y như một gã đồ tể chuyên nghiệp làm lông một con lợn. Những nơi như mang tai hay bẹn và các kẽ móng chân bà dùng những viên đá kỳ nho nhỏ. Những chỗ lớn lao hơn bà dùng viên nhơ nhỡ thôi. Còn cái loại như lưng hay bụng bà dùng viên đại tướng, chà sát lên đỏ au cho bật máu mới thôi. Ghét nhiều lắm, mỗi bận tắm xong chúng bám thành lớp loang trên nền đất. Bà hay trêu là dùng bón cây còn tốt hơn cả phù sa. Tắm xong thời thích lắm, người cứ nhẹ bẫng đi. Và trong suốt cuộc tra tấn đó mỗi khi cần thêm nước sôi mà lũ em tôi bận nghịch nhau mang ra chậm thì khỏi phải tả các anh cũng hay, răng cứ gọi là đá vào nhau chan chát. Tôi có bận tí nữa còn cắn phải lưỡi. Mẹ tiên sư! Nhiều đứa cùng trang lứa hỏi tôi sao mùa đông bây giờ không lạnh. Cái địt con mẹ chúng nó chứ, cơm diệu phủ phê nốc đẫy tễ, xênh xang áo mũ nhà lầu xe hơi, ngủ có gái tơ thơm nhức nhối thì lạnh nó chui vầu đằng đít chúng mày à hả hả? Các anh cứ phải nhớ cho, đói là rét. Giờ no đủ nên mọi nhẽ ấm áp lên là chuyện thường. Từ thời tiết cho đến...tình iêu, các cái. Cũng như tôi thôi, hơi béo nên đông giá bận độc mỗi cái sơ - mi xoàng và thêm cái áo vét mỏng. Tôi muốn cái giá lạnh kia đốt đi ít mỡ thừa. Nhưng các anh hãy nhìn những người cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm thì thấy cái mùa đông vẫn nguyên si thôi. Khác là khác thế đéo nào? Có phỏng? Thôi, tôi bồi hồi một tí đây thôi, tặng cho một tình iêu phương Nam nắng ấm. Ít ngày nữa tôi vào, đem cái giá lạnh đầu đông mà sưởi ấm lòng nhau. Tại sao không cho riêng em mà lại cho nhau? Tại bởi cái lòng tôi cũng đang run rẩy lắm." (Nguồn: Blog phọt phẹt)