Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Ai là bạn tốt?

Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại ở Học viện Quân sự Mỹ ở West Point (New York) mới đây, ông Obama nói, Mỹ cần dứt bỏ chính sách đứng ngoài cuộc và quân đội phải sẵn sàng chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng. "Hành động gây hấn khu vực không được kiểm soát - dù là ở nam Ukraina hay Biển Đông, hay bất kỳ nơi nào khác trên thế giới - cuối cùng sẽ tác động tới các đồng minh của chúng ta, và quân đội của chúng ta sẽ phải vào cuộc”, ông nói. Ông cũng khẳng định: “Mỹ ủng hộ các nước ASEAN trong quá trình thương thảo xây dựng bộ Quy tắc ứng xử (COC) với Trung Quốc trong các tranh chấp chủ quyền hàng hải ở Biển Đông, và đang hành động để giải quyết tranh chấp này thông qua luật pháp quốc tế”. Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh cảnh báo về bất kỳ quyết định nào khi sử dụng vũ lực và cho biết: "Ảnh hưởng của Mỹ luôn mạnh hơn khi chúng ta đi đầu làm gương”. "Chúng ta không thể nỗ lực giải quyết các vấn đề ở Biển Đông khi chúng ta từ chối đảm bảo rằng Công ước Luật Biển được phê chuẩn. Đó không phải là sự lãnh đạo, đó là thoái lui. Đó không phải là sức mạnh, đó là yếu kém”, ông khẳng định. Quan điểm của ông được các chuyên gia đánh giá là hết sức rõ ràng và mạnh mẽ khi ông tuyên bố ủng hộ ASEAN đồng thời chỉ trích Trung Quốc có những hành động gây hấn tại Biển Đông, sau các hành động đưa giàn khoan trái phép Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) và nhiều tàu quân sự vào vùng biển Việt Nam. Trả lời TTXVN tại Washington D.C, GS Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên ngành Quan hệ quốc tế của Đại học George Mason cho biết, quan điểm của chính quyền Mỹ trước vấn đề Biển Đông như vậy là rõ ràng và nên được đặt trong bối cảnh chính quyền ông Obama thời gian qua đã liên tục nêu quan ngại trước các hành động của TQ. Chuyên gia Gregory Poling cho rằng tới thời điểm này Mỹ đã ủng hộ Việt Nam khá mạnh mẽ trước vấn đề căng thẳng ở Biển Đông, còn GS Nguyễn Mạnh Hùng cho biết việc Mỹ sẽ ủng hộ Việt Nam cụ thể như thế nào phụ thuộc vào kết quả chuyến thăm Mỹ của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh theo lời mời của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Trước đó, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng đã bày tỏ quan ngại về khả năng TQ sử dụng vũ lực trong tranh chấp Biển Đông. Ông Abe nói, Nhật sẽ làm việc với ASEAN để đảm bảo các nguyên tắc pháp lý sẽ được tôn trọng trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ, đồng thời khẳng định, tình hình căng thẳng hiện nay làm nổi bật sự cần thiết để Nhật mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ./.. (Nguồn: VNN)

Đừng đánh giá thấp

Về chính sách đối ngoại của Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Cường (Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ) nhấn mạnh, Việt Nam luôn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập và muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khác, nhưng không chấp nhận việc cưỡng ép hoặc đe dọa. Ông khẳng định người dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và không nước nào nên đánh giá thấp quyết tâm này. Tất cả người dân Việt Nam, dù ở Việt Nam, Mỹ hay bất kỳ nước nào đều tin rằng không có gì quý hơn độc lập và tự do./.

Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2014

Mẹ

Hồi bao cấp, nhà chẳng đủ ăn, toàn cơm gạo kho độn thập cẩm. Mùa hè, nóng nực, trong chạn còn cục mật làm từ mía, bé như thanh kẹo lạc, chút hạt đỗ đen bị mọt ăn thủng lỗ chỗ. Thèm bát chè đỗ đen ăn cho giải nhiệt. Nấu lên múc được mỗi người lưng bát sành nhỏ. Chè nhạt vì thiếu mật, loãng vì ít đỗ, nóng vậy mà anh Tuấn húp sì sụp một tí đã hết. Chạy đi chơi một lúc, quay về thấy bát chè của mẹ vẫn còn nguyên, vì mẹ chờ cho nguội. Anh Tuấn nói: Mẹ không ăn, mẹ chán chè rồi à? Mẹ bảo: Ừ, con ăn nốt đi! Làm hai ba ngụm nữa, anh Tuấn giải quyết xong bát chè của mẹ!

Tổ Quốc Gọi Tên Mình

Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình. Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá. Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả. Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây. Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình. Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá. Sóng cuồn cuộn lên dáng hình đất nước. Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau. Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi. Mấy ngàn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ. Ngọn đuốc Hòa bình, bao người đã ngã. Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông. Tổ quốc linh thiêng, tổ quốc linh thiêng. Ngọn đuốc hòa bình trên tay rực lửa. Biết bao triệu mỗi người thao thức tiếng Việt Nam. Biết bao triệu người lấy thân mình che chở. Tổ quốc linh thiêng, tổ quốc linh thiêng. Ngọn đuốc hòa bình trên tay rực lửa. Tôi lắng nghe, tôi lắng nghe, tôi lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình... (Nguồn: Đinh Trung Cẩn - Nguyễn Phan Quế Mai)

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Chị mình

Một bà chị mình đi công tác Philippin về nhắn tin:" Đêm qua bay về ngang qua Hoàng Sa, được thông báo mà lặng đi..."- Mình buột miệng chửi, mẹ lũ chó! Nhưng không được, chó là con vật mình thương yêu nhất trên trần gian! vậy nên, mình chửi lại câu chửi: Mẹ lũ bành trướng!

Bạn mình

Bạn mình nhắn tin: " Trời nắng, vắng bệnh nhân, em vào mạng xem bức ảnh người cha già ngồi ăn cơm bên bờ ruộng, chợt thấy lòng thắt lại, nước mắt như muốn trào ra...em thương mẹ em quá. Ngày ấy, một ngày đông, gió thổi lồng lộng giữa đồng, em mang cơm cho mẹ mà quên mang thìa, mẹ cũng ngồi bên bờ ruộng dùng tay ăn cơm như thế! Em nhớ mẹ quá." Mình đọc xong tin nhắn, nước mắt ứa ra, sống mũi cay xè!

Thủ tướng đã nói

...“Việt Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Vì thế, chúng tôi luôn tha thiết có hòa bình, hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước. Chúng tôi không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi chúng tôi bị bắt buộc phải tự vệ… Việt Nam luôn nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình và tận dụng mọi cơ hội, mọi kênh đối thoại để giải quyết tình hình hiện nay một cách hòa bình. Chúng tôi đã hết sức chân thành, thực tâm, thiện chí và kiềm chế, nhưng câu trả lời hiện nay là Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh, các hành động uy hiếp và xâm phạm, rồi liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam… Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó"...

Gửi người thương yêu

...Biết sống độc lập hơn, biết kiên định coi mọi nỗi đau đã qua chỉ là quá khứ đã vĩnh viễn lùi lại phía sau, biết cứng cỏi hơn để không dễ dàng gục ngã, biết tỉnh táo hơn để không cho người khác có thêm cơ hội làm tổn thương mình...

Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

Bàn tay em

Gia tài em chỉ có bàn tay, Em trao tặng cho anh từ ngày ấy, Những năm tháng cùng nhau anh chỉ thấy Quá khứ dài là mái tóc em đen. Vui, buồn trong tiếng nói, nụ cười em, Qua gương mặt anh hiểu điều lo lắng, Qua ánh mắt anh hiểu điều mong ngóng, Anh nghĩ gì khi nhìn xuống bàn tay? Bàn tay em ngón chẳng thon dài, Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả. Em đánh chắt, chơi thuyền thuở nhỏ, Hái rau dền, rau rệu nấu canh, Tập vá may, tết tóc một mình, Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ. Đường tít tắp, không gian như bể, Anh chờ em, cho em vịn bàn tay Trong tay anh, tay của em đây Biết lặng lẽ vun trồn gìn giữ. Trời mưa lạnh, tay em khép cửa, Em phơi mền, vá áo cho anh. Tay cắm hoa, tay để treo tranh, Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc. Năm tháng đi qua, mái đầu cực nhọc, Tay em dừng trên vầng trán lo âu. Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngã. Khi anh vắng, bàn tay em biết nhớ Lấy thời gian đan thành áo mong chờ. Lấy thời gian em viết những dòng thơ Để thấy được chúng mình không cách trở. Bàn tay em, gia tài bé nhỏ, Em trao anh cùng với cuộc đời em. (Xuân Quỳnh)

Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

Mình yêu anh Đam

“Đòi lại Hoàng Sa theo đúng luật pháp quốc tế”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã xúc động nói như vậy tại buổi đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân với các nhà khoa học diễn ra sáng 17/5. Một nhà khoa học nữ làm công tác nghiên cứu sinh vật biển 10 năm nay chia sẻ: “Tôi bám biển đảo giống như đồng bào ngư dân của chúng ta. Hiện nay khi Trung Quốc tiếp tục hung hăng như thế thì liệu các nhà khoa học chúng tôi khi ra biển đảo thu mẫu có được bảo vệ không?”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời trong xúc động: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa. Đời tôi, đời các bạn chưa đòi lại được thì đời con cháu chúng ta phải tiếp tục đòi theo đúng luật pháp quốc tế”. Phó Thủ tướng nói thêm: “Bà con ngư dân vẫn ngày đêm bám biển dù bị quấy nhiễu, bị phá rối, bị thiệt hại cả về tài sản. Bà con ngư dân bám được thì nhà khoa học chúng ta có bám được không?”. Câu trả lời “có” vang khắp hội trường Bộ Khoa học và Công nghệ cùng tiếng vỗ tay liên tục. Một nhà khoa học trẻ hỏi Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về cái gọi là 16 chữ vàng trong quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, có nên xem xét thay đổi mối quan hệ đối ngoại giữa hai nước hay không? Phó Thủ tướng nói: "Lãnh đạo Đảng và Nhà nước hai nước đưa ra phương châm 4 tốt và 16 chữ vàng. Phía Việt Nam luôn luôn thực tâm, chân thành và nỗ lực hết sức để phấn đấu xây dựng mối quan hệ dựa trên phương châm 16 chữ vàng. Và chúng ta mong rằng phía Trung Quốc cũng như vậy. Nói đó là những chữ vàng vì chắc có ý so sánh quý như vàng. Nhưng các bạn chắc biết vàng chưa phải là quý nhất, kim cương quý hơn vàng. Nhưng có thứ quý hơn cả kim cương là độc lập tự do".

Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Thằng em mất dậy

Chính phủ Campuchia cho biết họ sẽ không cho phép người Việt Nam sinh sống tại Campuchia tổ chức biểu tình phản đối nhà cầm quyền Bắc Kinh kéo giàn khoan 981 Kyodo News ngày 15/5 đưa tin, chính phủ Campuchia cho biết họ sẽ không cho phép người Việt Nam sinh sống tại Campuchia tổ chức biểu tình phản đối nhà cầm quyền Bắc Kinh kéo giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Khieu Sopheak, người phát ngôn Bộ Nội vụ Campuchia cho biết, họ không cho phép bất kỳ người nước ngoài nào biểu tình phản đối nước khác trên lãnh thổ Campuchia: "Người nước ngoài không được phép sử dụng lãnh thổ Campuchia vào các hoạt động có mục đích chống lại các quốc gia khác." Tuyên bố trên của Phnom Penh được đưa ra sau khi có tin một hội hữu nghị Campuchia - Việt Nam có kế hoạch tổ chức biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc tại Phnom Penh để phản đối các hành động khiêu khích, gây hấn của Bắc Kinh trên Biển Đông. Khi Kyodo News liên lạc, Sim Chy, Chủ tịch Liên đoàn Khmer-Việt Nam nói rằng ông đã tổ chức một cuộc họp khẩn các thanh viên của mình, nhưng hiệp hội của ông không có kế hoạch biểu tình chống Trung Quốc trong giai đoạn này, nhưng không loại trừ việc đó trong tương lai. Sim Chy cho hay hiệp hội này có khoảng 5000 thành viên. Hiến pháp Campuchia xác định, vương quốc này theo đuổi một chính sách trung lập vĩnh viễn, không liên kết với quốc gia nào, chung sống hòa bình với tất cả các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên Campuchia được hưởng một nguồn viện trợ rất lớn từ Bắc Kinh và thường có quan điểm ủng hộ Trung Quốc trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Năm 2012 với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, Campuchia đã gạt vấn đề Biển Đông khỏi tuyên bố chung của hội nghị Ngoại trưởng khối mặc dù đang xảy ra khủng hoảng Scarborough và đã vấp phải sự chỉ trích của dư luận khu vực và quốc tế từ đó đến nay.

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

"Chiết yêu"

Người Tốt sẽ cho bạn Hạnh Phúc… Người Xấu cho bạn Kinh Nghiệm… Người Tồi Tệ nhất cho bạn Bài Học… Người Tuyệt Vời Nhất sẽ cho bạn Kỷ Niệm. Đừng hứa khi đang vui ! Đừng trả lời khi đang nóng giận ! Đừng quyết định khi đang buồn ! Đừng cười khi người khác không vui./..

Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Những huyết cầu tổ quốc

Xin lỗi con! Khi hôm qua ôm con Có một phút giây, ba chợt xiết con vào lòng hơi mạnh Ba làm con đau! Bởi hôm qua Ba đọc câu chuyện về đồng bào mình – những huyết cầu Tổ quốc. Máu lại tuôn… xô dập, mảnh ván tàu… Con ơi Ba sẽ kể con nghe Câu chuyện những ngư dân Đang hóa thân thành hồng cầu để Trường Sa, Hoàng Sa Vẫn là thịt trong huyết hình Tổ quốc. Con phải khắc tâm Câu chuyện những bạch cầu: là 74 người lính Việt Nam chết giữa Hoàng Sa. là 64 người lính Việt Nam chết giữa Trường Sa. Những con số sẽ không là con số Khi ngẩng đầu: Tổ quốc 4000 năm. Mỗi con đường – mạch máu đất nước mình Vết thương đạn bom vừa yên trong đất Vọng phu còn trên nét mặt mồ côi. Nhưng những mũi tàu vẫn xẻ trùng khơi Nơi sóng rẽ cũng là nơi máu chuyển Và trong mỗi người Việt mình có mạch máu nối liền với biển Mạch máu này con phải thấy bằng tim Nếu một ngày sóng nộ, cường lên Giữa lòng Việt bốn nghìn năm cũng dậy. Thứ lỗi cho ba Khi bài thơ đầu đời cho con, không thể bình yên! Kẻ thù lăm le cướp biển nước mình Đất nước bốn nghìn năm trên sóng. Đừng quên: sau lời thề, lông ngỗng… Giai nhân, huyết ngọc đổ bên trời. Một ngày Khi con nếm trên môi, Con sẽ thấy máu mình vị mặn. Bởi trong máu luôn có phần nước mắt Ta hiểu căm thù, ta biết yêu thương. Con sinh ra rạng rỡ một huyết cầu Của đất nước bốn nghìn năm không ngủ Để điều này lớn lên con hiểu Bây giờ, ba phải kể cùng con. (Nguồn: Đinh Vũ Hoàng Nguyên)

Không ai sợ chúng mày

Mới đây nhất, Ban biên tập Báo điện tử Trí Thức Trẻ nhận được một lá đơn "xin bảo vệ tổ quốc" của một cựu binh 62 tuổi gửi đến Ban chỉ huy Quân sự Đống Đa, Hà Nội. Đó là ông Nguyễn Mạnh Huân (sinh năm 1952, thường trú tại số nhà 16, ngách 36/4, ngõ Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội). Lá đơn được chính ông viết tay. Ông Huân nói: "Năm 1979, tôi từng tham gia đi tổng động viên khi đã 29 tuổi (quá tuổi nghĩa vụ quân sự 18-25), tham gia quân đoàn 1, đóng tại Yên Dũng - Bắc Giang. Nay tuổi đã 62 nhưng tôi cũng sẵn sàng tham gia đi bất cứ đâu làm bất cứ việc gì phù hợp với tuổi tác, ghé vai cùng các cháu tuổi trẻ để bảo vệ Tổ quốc". Trong đơn có đoạn: "Nay đất nước có nguy cơ bị xâm lấn đến toàn vẹn lãnh thổ, tôi làm đơn này xin được tình nguyện tham gia lực lượng quốc phòng toàn dân. Nếu được bổ sung vào lực lượng chính quy càng tốt, nếu không, tôi xin được giao bất kể công việc gì hợp với sức khỏe, tuổi tác, miễn sao được ghé vai gánh vác cùng các cháu thanh niên bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta".

Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

Của nợ HD-981

Bọn điên đã lôi cái của nợ này vào xâm phạm chủ quyền của mình. Mặc dù cái của nợ này rất khủng, nhưng không có nghĩa là không thể cho nó chìm!!!! HD-981 là một giàn khoan nước sâu thiết kế nửa nổi nửa chìm hay còn gọi là giàn semi-sub bao gồm phần nổi và phần chìm. Phần nổi nhìn thấy trên hình bao gồm các kết câu phục vụ cho công tác khoan, còn phần chìm gọi là ballast bao gồm các tank rỗng mục đích cho giàn nổi lên mặt nước. Ở phần chìm, các tank sẽ được bơm nước vào sao cho khối lượng nước cân bằng với phần nổi để giữ cho giàn thăng bằng không bị lật úp (up side down), ngoài ra còn co các hệ thống chân vịt giúp cho giàn có thể xê dịch trong một phạm vi hẹp nhưng không vì mục đích di chuyển trên quãng đường dài. Khi có dòng hải lưu hoặc cơn sóng xô vào, các chân vịt sẽ hoạt động tạo ra một lực đẩy hướng ngược chiều với dòng hải lưu hoặc con sóng để giàn vẫn đứng yên ở vị trí đã được định vị. Giàn còn được cố định bằng tám tời neo theo tám hướng xung quanh. Phần nổi bao gồm một tháp khoan đặt chính giữa. Sở dĩ giàn có thể khoan được ở vùng nước sâu lên tới vài nghìn mét bởi nó được trang bị rất nhiều ống nâng (riser). Mỗi ống có chiều dài khoảng 10m, đường kính 20 inch và rỗng ở giữa. Trước khi khoan người ta sẽ dùng robot lặn thả hệ thống đối áp xuống đáy biển, sau đó nối các ống nâng lại với nhau và thả dần xuống tới khi khớp được vào đối áp. Công việc tiếp theo là lắp mũi khoan vào cần khoan rồi thả vào trong ống nâng cho tới khi xuống tới nơi. Mỗi cần khoan có chiều dài khoảng 10m đường kính 5.5 inch và cũng rỗng ở giữa, người ta nối các cần khoan với nhau sao cho chiều dài bằng với chiều sâu thiết kế giếng. Khi khoan cần và mũi sẽ xoay tròn phá huỷ đất đá bên dưới, đồng thời một loại dung dịch đặc biệt được bơm trong cần và đi ra khỏi mũi khoan vừa có tác dụng làm mát vừa đưa đất đá bị phá huỷ ra ngoài. Giếng khoan có thể khoan thẳng đứng hoặc khoan xiên theo thiết kế. Tháp khoan được đặt cân bằng trên 4 chiếc compensator giống như cái giảm xóc xe máy, mục đích là luôn giữ cho tháp cố định theo phương thẳng đứng kể cả khi có sóng to xô vào làm giàn lắc lư. Ngoài ra trên giàn còn có hệ thống máy phát điện, hệ thống liên lạc vệ tinh, cần cẩu và block nhà ở. Sở dĩ 981 thiết kế to như một sân vận động bởi nó khoan tại các vùng nước sâu rất xa bờ nên cần một diện tích lớn để đặt các vật tư cần thiết. Có người nói nó khổng lồ bởi còn có chức năng như một giàn khai thác, nghĩa là ngay sau khi khoan xong có thể hút dầu lên và xử lý trước khi chuyển lên tàu chứa. Nếu đúng vậy thì từ trước đến nay thế giới chưa hề có tiền lệ./..

Biển động

Tháng 5, năm trước, gặp anh trong chuyến đi Trường Sa. Buổi tối, trước khi lên ngôi nhà chung “HQ 571” thân yêu, hai anh em nằm ở nhà khách Hải quân, ngự trên đường Tôn Đức Thắng. Thấy một ông quần dài, áo may ô, đi ra đi vào, phòng có khoảng hai chục cái giường thì trống đến 18, còn lại mình và cái ông hay đi lại ấy. Hỏi ra mới biết anh là giai Hải Dương, ngày xưa đồng hương với mình. Nghe giọng Ninh Giang biết ngay, không lẫn vào đâu được. Có tí đồng hương, chuyện trò rôm rả, hóa ra anh là Lương Đình Hiền, Trung tá, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn DK1, thâm niên gần hai chục năm nhà giàn. Thảo nào, nhìn khuôn mặt, rắn chắc, da sạm nắng gió trùng dương, ăn nói ầm ào như sóng biển. Buổi tối ấy, mình đã khai thác gần hết các mốc lịch sử quan trọng của 2/3 cuộc đời anh, từ chuyện đi học, đến khi lấy vợ, rồi nhập vào hàng ngũ “Hai quần”…, rời xa đất Bắc, lênh đênh trên các nhà giàn, để rồi trải qua không biết bao năm tháng ngoài biển với bão tố, dông gió của đại dương, có lần như tưởng cầm chắc cái chết. Sáng hôm sau, xuống tàu, mình nói anh nhập vào phòng bọn em đi, báo chí ở với cán bộ nhà giàn cho thâm nhập thực tế sinh động. Anh làm luôn hướng dẫn viên cho hành trình lần này. Đồng ý, anh xách ba lô về phòng nằm với lũ nhà báo láo nháo, Nhân dân có, Quân đội có, Ti vi Việt Nam có…, lâu không được nằm giường tầng, nhớ cảnh ký túc xá năm nào, mấy ông mãnh nghịch như quỷ, tưởng làm anh mất ngủ, nhưng hóa ra, anh vẫn ngáy o o… - Tớ lấy vợ bằng tuổi nên hơi già! Dưng mà ngày xưa, lính là vậy, tranh thủ nghỉ phép, về bà già dấm đâu, mình lấy đó chứ có được yêu đương như các chú bây giờ đâu. Ngày xưa tớ cũng yêu, mà trong sáng lắm! dưng số phận không lấy được nhau, nên lòng cũng vương vấn buồn. Mình bảo, chuyện anh cứ như nhạc vàng trước 75 ấy, mà sao anh nói anh yêu trong sáng, thế hóa ra bọn em yêu đen tối lắm à? Anh cười rung cả vai, giữa chiều trên biển, gió, sóng ào ạt mà vẫn thấy oang oang trên mũi tàu. - Là tớ nói trong sáng ý khác, tức là đếch biết hôn hay làm gì nữa, cầm tay là sướng lắm rồi! Chục ngày qua bao nhiêu điểm, Đá Lát, Đá Đông, Trường Sa, Phan Vinh…, mỗi lần cặp đảo là thấy anh bước thoăn thoắt từ xuồng CQ lên đảo, nhìn cũng biết là kinh nghiệm “đầy chân”. Ngày cuối cùng, đoàn ghé thăm nhà giàn Phúc Nguyên, như được về với nhà, thấy anh phấn chấn lên hẳn. Trước lúc xuống xuồng CQ vào nhà giàn, cả tàu làm Lễ tưởng niệm những chiến sỹ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa phía Nam. Trong tiếng nhạc Hồn tử sỹ và khói hương nghi ngút, mình thấy anh đỏ hoe mắt, mặt như đanh lại, bước nhanh đến cắm hương lên bàn thờ. Cái dáng cao cao, vai hơi lệch của anh chen lẫn trong dòng người trong buổi sáng hôm đó như găm vào đầu mình. Anh cứ đứng một góc trên boong tàu, nhìn về phía nhà giàn Phúc Nguyên…., mình biết, đây là khu vực nhà giàn năm ấy, anh đã gắn bó với nó bao nhiêu năm, sau khi bàn giao lại cho đồng đội, anh chuyển qua nhà giàn khác chỉ một thời gian ngắn, trận bão ngày 14/12/1998 đã làm sập chính nhà giàn anh đã từng ở, cướp đi nhiều đồng đội của anh, trong đó có Đại úy Vũ Quang Chương, quê ở Thái Bình. Đến giờ, đồng đội của anh vẫn nằm lại giữa biển khơi! Hôm đó, đặt chân lên nhà giàn, anh đã kể cho mình nghe những tháng ngày gian khổ khi cùng anh em sống và làm việc trên nhà giàn thế hệ cũ, nắng, gió đến cháy da, cháy thịt, thiếu thốn đủ mọi thứ, nhất là nước ngọt. Dè sẻn từng tí, chắt chiu từng giọt mà vẫn không đủ dùng. Cảnh thiếu nước ám ảnh đến tận bây giờ, anh bảo, những ai từng ở nhà giàn, sau này về đất liền nghe tiếng ai dội nước ào ào sẽ giật mình thon thót vì tiếc của! xót xa những giọt nước hoang phí! Rồi rau xanh và gia vị, quí hiếm như ngọc ngà, châu báu, nhìn xoong canh có vài cặng rau, ăn mãi không ai dám vớt, cuối cùng vẫn thừa mới biết lính nhà giàn đói rau như thế nào. Những đêm cuối năm, chỉ những người bản lĩnh như lính nhà giàn mới vượt qua được thời khắc thiêng liêng, phút giao thừa trên biển. Anh bảo, các em lính mới mình cũng rất thông cảm, lúc ấy để mặc cho chúng nó khóc, mình cũng muốn rớt nước mắt nhưng phải kìm nén, sốc lại tinh thần cho anh em… Biết bao mùa bánh chưng luộc bằng bếp dầu gói trong bao tải dứa, bao ni lon, bao mùa hoa đào, hoa mai là những thứ xa xỉ trên biển…, tất cả đọng lại trong anh như những thước phim chân thật mà hoành tráng vô cùng của đời người lính biển. Trở về đất liền, ai vào việc đó, anh về lại Vũng Tàu. Thi thoảng anh đi công tác Đồng Nai, Sài Gòn vẫn ghé qua mình. Mình xuống Vũng Tàu cũng ghé qua anh…, nhà anh ở ngay gần cơ quan. Bà xã từ Hải Dương vào, không có việc ở nhà bán quán. Hai con anh đều đã lớn, một trai, một gái, gái học xong chưa xin việc làm. Lần đầu tiên ngồi ăn cơm cùng với gia đình anh và mấy người bạn của anh, mình phát hiện ra một điều, trong nhà anh, bà xã của anh điều hành rất nhiều việc. Sau này, gặp mấy đồng đội của anh, mọi người cũng đều nói vậy. Nên khi về nhà, có khách, một không khí không được thoải mái đã làm mọi người kém vui. Mình nghĩ, sao anh đi gần 20 năm ở biển, chỉ huy bao nhiêu lính trên nhà giàn, cái sống, cái chết chỉ cách nhau một lằn ranh mỏng manh không tưởng, vậy mà khi được về đến nhà anh lại không thể làm chỉ huy? Một lần, xuống anh chơi, ngày nghỉ rủ anh đi nhậu lai rai với mấy người bạn. Lúc chia tay, anh về nhà rồi, mình về phòng nghỉ, thấy có cuộc gọi của anh, mình bật máy nghe, thì thấy giọng của bà xã anh: - Lần sau chú xuống đừng rủ anh Hiền đi ăn uống gì nữa nhé! Mình đứng người, chẳng biết nói sao, bên kia bà chi cắt máy. Bẵng đi một thời gian, buồn quá cũng chẳng liên lạc với anh. Đúng cái hôm, bọn điên lấy tàu nó húc vào tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư của mình, nhận được cuộc gọi của anh: - Chú đang ở đâu, dạo này khỏe không? Mình mừng như vớ được của quí: - Anh đang ở đâu đấy? Hóa ra anh đang lênh đênh trên biển hơn một tháng nay rồi. Thảo nào lần trước, ngồi với mấy anh ở nhà giàn Bãi cạn Cà Mau, anh bảo, tôi lại muốn ra ngoài đó, ở đất liền mãi chán, nhớ biển lắm! Mình hỏi: - Tình hình có vẻ căng thẳng, anh thế nào? Anh bảo, tình hình này thì chẳng biêt thế nào, chắc từ nay đến tháng sau bận rộn và anh ở ngoài đó suốt, thôi chú giữ sức khỏe, chờ anh xong công việc về gặp nhau ở Vũng Tàu, lai rai một bữa. Mùa hè chưa đến, bão chưa đến nhưng biển động sớm quá vì bọn điên kia! Những lúc như thế này mới thấy nỗi gian nan, vất vả của những người canh biển, trong đó có anh! Mình nghĩ, biển động, biển chưa yên lúc này, nhưng có mọi người ngoài đó, rồi có lúc biển cũng trở lại thanh bình. Nhưng mà sóng trong lòng anh, sóng ở một cái gia đình nho nhỏ ấy, không biết khi nào mới hết, có lẽ nó sẽ động đến suốt cả cuộc đời một con người, mãi không chịu thôi./..

Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Tổ quốc nằm trong tim chúng mình

17h, ngày 7/5/2014, đọc những dòng tin mới nhất từ cuộc họp báo ngoài Hà Nội, trên Vnexpress: Tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam trên Biển Đông, tin đang nóng hừng hực, làm cho tất cả những con dân Việt Nam đang bừng bừng khí thế, căm giận gã hàng xóm hung hăng, mất nết. “…Thông tin được ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam công bố trong cuộc họp báo quốc tế đang diễn ra tại Hà Nội. Các quan chức Việt Nam đã công bố video cho thấy các tàu của Trung Quốc, với sự yểm trợ của máy bay, hung hăng ngăn cản tàu Việt Nam đang thi hành nhiệm vụ. Khi tàu Việt Nam ra ngăn cản việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, tàu Trung Quốc đã dùng vòi rồng tấn công các tàu kiểm ngư của Việt Nam, làm hư hỏng tàu và làm bị thương kiểm ngư viên Việt Nam, ông Thu cho biết. Trên thực địa, Trung Quốc triển khai đến 80 tàu quanh giàn khoan, số lượng tàu đang tăng lên hàng ngày, gây căng thẳng trong khu vực, ông Trần Duy Hải Phó chủ nhiệm Ủy ban biên giới Quốc gia, thông báo. Trong số này có 7 tàu quân sự, 33 tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính và nhiều tàu cá và tàu phục vụ. 8h10 sáng ngày 3/5, tàu hải cảnh 044 của Trung Quốc đã đâm vào mạn phải tàu cảnh sát biển 4033 của Việt Nam với tốc độ rất cao. Tàu 4033 đã tránh nhưng vẫn bị đâm vào và bị vỡ toàn bộ cửa kính. Vị trí xảy ra vụ đâm tàu này cách giàn khoan của Trung Quốc 10 hải lý, ông Thu vừa thông báo vừa cho chiếu video các hình ảnh nói trên. 8h sáng ngày 4/5, tàu Trung Quốc số hiệu 4433 đâm vào tàu cảnh sát biển 2012 của Việt Nam. Tàu Việt Nam đã cố tránh nhưng vẫn bị đâm vào từ phía đuôi. Có 8 tàu kiểm ngư của Việt Nam đã bị đâm, húc, đẩy hoặc phun vòi rồng áp lực lớn, có những lúc một tàu của Việt Nam bị 5 tàu Trung Quốc vây quanh, ông Thu nói và đưa ra video quay từ thực địa trên biển, do lực lượng kiểm ngư Việt Nam cung cấp. "Lực lượng kiểm ngư Việt Nam đã thực hiện đúng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia, đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút khỏi khu vực", Phó tư lệnh Cảnh sát biển cho biết. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Việt Nam và Trung Quốc có sử dụng đường dây nóng để giải quyết các vấn đề trên biển hay chưa, ông Trần Duy Hải cho hay hai bên đã sử dụng dây nóng cấp phó thủ tướng. Việt Nam cũng đã thông báo với các nước khác, các nước ASEAN về diễn biến này. Các nước đều bày tỏ sự quan ngại trước hành động của Trung Quốc. "Việt Nam kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình, trao đổi với Trung Quốc để giải quyết vấn đề, dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước về luật biển năm 1982", ông Hải nhấn mạnh. Đại diện Cảnh sát biển khẳng định chưa có người nào thiệt mạng trong các đụng độ nói trên, cho dù tình hình là căng thẳng bởi phía Trung Quốc cố tình đâm và phun vòi rồng vào tàu của Việt Nam. Đến nay, có 6 kiểm ngư viên của Việt Nam bị thương do mảnh kính vỡ đâm vào. "Lực lượng kiểm ngư hết sức bình tĩnh và kiềm chế, nhưng mọi sự kiềm chế chỉ có giới hạn, nếu phía Trung Quốc vẫn tiếp tục như vậy, chúng tôi sẽ có hành động tự vệ", ông Thu nói. Khi được hỏi liệu Việt Nam có dự định kiện Trung Quốc lên tòa án trọng tài quốc tế như Philippines đã làm hay không, ông Trần Duy Hải thuộc Ủy ban Biên giới cho biết: "Việt Nam kiên định sử dụng mọi biện pháp hòa bình, không loại trừ biện pháp nào". Về vấn đề phía Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào về kinh tế nếu Trung Quốc khoan thăm dò vào các vị trí mà các công ty dầu khí Việt Nam đang hoạt động, ông Đỗ Văn Hậu, tổng giám đốc tập đoàn dầu khí quốc gia (PVN)cho hay vị trí mà Hải Dương 981 định vị nằm hoàn toàn trong thềm lục địa của Việt Nam. "Nhưng tôi tin rằng với lực lượng của Việt Nam, chúng ta sẽ ngăn chặn và đấu tranh được". Ở vị trí này, Việt Nam đã thăm dò từ những năm 1970, nhưng chưa có hoạt động khoan khai thác, ông Hậu cho biết. Đây là vùng nước sâu, đòi hỏi phải vượt qua được các khó khăn về mặt kỹ thuật. Khai thác vùng nước sâu là mục tiêu của chúng ta trong tương lai lâu dài. Ông Hậu nhắc lại việc PVN đã gửi thư phản đối tới Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) yêu cầu dừng ngay mọi hoạt động trái phép trên thềm lục địa Việt Nam. Cuộc họp hôm nay nhằm thông báo các diễn biến về việc Trung Quốc đã đặt giàn khoan trái phép trên thềm lục địa Việt Nam. Hàng trăm phóng viên từ hơn 100 cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế quan tâm đến cuộc họp này”. Mình nhắn cho em: - Tình hình xấu rồi, khả năng chiến tranh có thể xảy ra nay mai, nếu như bọn điên kia cố tình dùng số đông áp đảo mình. Nếu xảy ra chiến tranh, anh sẽ lên đường, em ở nhà trông con nghe em! Em nói: - Em không ở nhà đâu, sẽ theo anh đi đến những nơi nào mà anh tới. Em sẽ nấu cơm cho anh và cho mọi người chiến đấu, đánh trả bọn giặc hung hãn kia! Em ơi, như vậy là Tổ quốc đang ở trong tim chúng mình, không cần nói nhiều gì nữa, nếu có chiến tranh xảy ra, chúng mình sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc thân yêu này, và anh cũng hạnh phúc vô cùng khi có em bên anh, cùng anh và mọi người ra trận!!!!

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

...vớ vẩn...

...Ở đâu cũng thế, tâm lý và hành vi của con người là như nhau. Nếu sự việc được nhìn dưới lăng kính tích cực với tinh thần xây dựng muốn cải thiện mọi thứ thì mọi chuyện sẽ tốt lên. Nếu ai nhìn vấn đề dưới lăng kính theo chiều ngược lại thì là người đầu tiên phải chịu sự khổ đau hay chí ít là sự khó chịu cho bản thân mà chúng sẽ bào mòn năng lượng và ý nghĩa của cuộc sống.

Những điều...

Harvard là ngôi trường danh tiếng vào loại bậc nhất thế giới và rất nhiều người Việt Nam muốn học, nhưng đây là nơi sản sinh ra bom Napal và hình thành tư tưởng diều hâu của Henry Kissinger - những thứ đã gây không ít khổ đau cho dân tộc Việt Nam...