Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Lấy từ blog chị Beo

“Nhà tôi khác hẳn với mọi nhà khác. Bốn người bốn nơi nhưng gần gũi hơn vạn gia đình sống chung trong một mái nhà. Tôi có rất ít cơ hội được ngồi nói chuyện với bố nên những lời bố dạy ăn rất sâu và đã hình thành tôi ngày nay. Hôm nay nhân ngày Father Day, tôi xin chia sẻ 4 điều bố dạy đã giúp tôi nên người. “Mình phải lao động mới biết được giá trị của các thành quả lao động và tôn trọng mọi người trong xã hội.” Những ngày đầu qua Mỹ, tôi đã từng làm đủ mọi việc. Giúp việc trong thư viện, dọn vệ sinh trường, bán rượu, bồi bàn, v.v.. Tôi biết được khó khăn của những người ờ tầng lớp dưới xã hội. Điều này giúp tôi tôn trọng mọi người. Từ bồi bàn cho tới giúp việc và tài xế. Bố tôi rất ít chê trách, phê bình, hay chỉ trích một ai. Nếu món ăn quá mặn thì xin thêm miếng chanh. Giống bố, đứng trước bất kì một thành quả lao động nào, tôi cũng nhìn vào sự cố gắng của người đó trước khi bình phẩm về họ. Một cây cầu có quá xấu thì nó cũng giúp mọi người gần nhau hơn. “Mình phải biết ăn con tôm mới biết con tôm nó ngon hơn con tép để mà phấn đấu làm ra nhiều tiền mà tiếp tục ăn con bào ngư.” Tôi chưa thực hiện điều này hoàn hảo lắm nhưng tôi đã cố gắng không giậm chân tại chỗ. Trong cuộc sống, chúng ta phải biết phấn đấu thì mới nâng cao đời sống lên được. Nếu chúng ta bằng lòng với hiện tại thì chúng ta sẽ không bao giờ trở thành thượng tầng của xã hội. Bố tôi lúc nào cũng dắt tôi tới những nhà hàng sang trọng nhất nhì thành phố. Ngoài mục đích đãi mẹ con một bữa linh đình, bố tôi còn muốn tôi biết được thế nào là ngon, để tôi cố gắng phấn đấu làm ra thật nhiều tiền mà tiếp tục nâng cao đời sống bản thân. “Muốn làm một vị tướng, mình phải tập cách sống và suy nghĩ của một người tướng.” Tôi xa nhà từ nhỏ nên đã học được cách tồn tại. Tôi hòa nhập với đám đông nhưng luôn luôn suy nghĩ khác mọi người xung quanh. Mọi người đọc Harry Porter thì tôi đọc 48 Luật của quyền Lực. Bạn bè kì thị Trung Quốc thì tôi biến những mối quan hệ với người Trung Hoa thành có ích cho mình. Ở bất kỳ nhóm nào trong lớp, tôi cũng là trưởng nhóm. Tôi đặt ra nhiều nguyên tắc sống và cố gắng tuân thủ chúng chặt chẽ. Chính bố là người đã cho tôi khái niệm đầu tiên về quyền lực. “Không đủ tiền mua của rẻ.” Điều này mẹ tôi phản đối kịch liệt thế nhưng nó đã trở thành kim chỉ nam trong cuộc sống của anh em tôi. Không mua của rẻ không phải là tiêu xài hoang phí, mà là chi tiêu cho đáng, cho bền để có thể xài lâu dài. Laptop tôi mua vẫn tốt mặc dù bị vắt kiệt sức đã 5 năm. TV tôi mua đã lâu nhưng chưa bị hư mà của bạn share phòng đã phải mang đi bảo hành. Tôi thật sự bất ngờ khi tính chi tiêu chắc chắn giúp tôi cẩn thận hơn trong các mặt khác của cuộc sống. Tôi đã từng rất cẩu thà, sơ xài, thế nhưng giờ đây tôi cẩn thận hơn trong công việc. Những điều bố dạy không phải răn đe cho hiện tại, mà thiết lập một nền móng để tôi tự hình thành tính cách của một người thuộc tầng lớp thượng đẳng trong tương lai.”

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Thơ tình cuối mùa thu

Đêm phương Nam se lạnh như cuối thu xứ nhãn, nghe “Thơ tình cuối mùa thu” mà như thấy quê nhà hiện ra trước mắt! Thấy cả mùi hoa sữa nồng nàn dọc đường Điện Biên, hương không cất lên nổi đầu người vì không khí đặc quánh, đành bám chặt vào tóc. Hoa sữa còn mang cả hương thơm nồng xuống cuối đường, tới tận Nguyễn Du. Hành trình tới trường của em cũng hiện ra rõ mồn một, Nguyễn Du, Điện Biên, Nguyễn Văn Linh…, “…Lối đi quen bỗng lạ, cỏ lật theo chiều mây, đêm về sương ướt má…”, ngày ấy, những cái tên kia chưa kịp để lại ấn tượng, ngỡ rằng, mãi mãi sau này, nơi ấy chỉ là một quãng thời gian tạm dừng nghỉ trên chặng đường đời. Nhưng, bất ngờ, giờ trở nên quá đỗi thân thương. Tám năm, xứ đó, đón người về, không dài, nhưng cũng không quá ngắn so với một kiếp người, những con đường đã qua nằm lại trong ký ức, không nghĩ sẽ bị đánh thức dậy, bởi kỷ niệm quá nhạt nhòa. Nhưng bây giờ, những con đường gắn với kỷ niệm của em, lại thấy gần gũi, quá đỗi thân thương! Có những con đường học trò em đi nhiều đến độ thuộc làu từng đoạn mấp mô, từng viên đá lăn lóc bên búi cỏ. Có những con đường chạy tít tắp ra bãi cát sông Cái, với trò nghịch dại trưa hè năm cuối cấp, mỗi chuyến xe qua mịt mù bụi đất. Có con đường nước mắt em tuôn rơi khi dứt ruột đưa người thân yêu nhất rời xa mình. Có con đường tiễn em xa quê, lên với chốn phồn hoa, đô thị…, tất cả, những con đường ấy gắn bó với em một thời, giờ lại thành nỗi nhớ day dứt trong mình! Để giờ chết lặng nghe thơ tình cuối mùa thu mà nhớ thương không nguôi, khắc khoải bao đêm, để mình tin rằng:”… Thời gian như là gió, mùa đi cùng tháng năm, tuổi theo mùa đi mãi, chỉ còn anh và em, chỉ còn anh và em, cùng tình yêu ở lại…”

Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

Đêm Sài Gòn

Lâu lắm rồi lại thức đêm Sài Gòn, bia uống nhiều nhưng không thấy say, Sài Gòn giờ đang là mùa mưa, nên đêm càng khuya, không khí như đặc lại và lạnh hơn, nặng xuống cả hai vai. Thằng bạn mình ở Nha Trang vào nên cũng thấy lạ lẫm đêm Sài Gòn, nó vừa tu bia, vừa ngỏng cổ đo độ dài của tòa nhà Bitexco bên đường. Tiếng ghi ta bập bùng từ dãy bàn ăn phía sau. Mình ngoảnh lại, có đến ba cây đàn, mình thì có ý định chờ ông già mù người nhỏ thó khoác cây đàn to hơn người đến bàn mình để nghe hát, những cũng đã lâu rồi không tới đây, chẳng biết ông còn hay mất. Mình thấy ông ấy giống Trương Chi, người thì cực xấu, hát thì cực hay. Đêm nay, muốn nghe Phố Đêm, Nửa Đêm Ngoài Phố… cho đúng với cái tâm trạng của mình! Nhìn đồng hồ đã gần 2h sáng, đành vẫy một ông đầu bạc, áo phông xanh qua bàn mình, cho thằng bạn kêu bài trước, mình ngồi nhuốt bia và nhắm mắt lại nghe! Chẳng gì hay hơn giữa đêm Sài Gòn se lạnh nghe nhạc trước 75, mênh mang, mênh mang…, nỗi nhớ trong mình như không thể kìm nổi, nhớ đến cồn cào và như chưa hề uống gì! Cứ thế ngồi, thêm hai chai cổ rụt nữa, hết lúc nào không biết mà vẫn còn nguyên miếng bò hun khói mỏng như tờ A4. Mình như không thể chịu được, bởi hình dung ra nỗi nhớ của mình đang trằn trọc không ngủ, bởi có đêm nào nỗi nhớ ngủ sớm được đâu! Thằng bạn đưa ly chạm cạch một tiếng vào ly mình: - Đến lượt mày đấy, bài gì? - Dạ Cổ Hoài Lang đi anh! Và như được thể, khi người đàn ông đầu bạc khắc khoải :” Từ là từ phu tướng...”, mình lặng người đi với nỗi nhớ thương dâng lên ngập lòng! Nỗi nhớ ơi, cái đoạn: Đường dù xa ong bướm, xin đó đừng phụ nghĩa tào khang…” như khắc vào ruột vào gan…, Đêm Sài Gòn là vậy đó, để rồi khi mình đọc đoạn này của một ai đó, bỗng thấy tự bao giờ, nỗi nhớ Sài Gòn đang chiếm dần nỗi nhớ Hà Nội trong mình! Bởi Sài Gòn đã cho mình một điều thiêng liêng, suốt đời mình giữ chặt!!! "...Có đi đâu, về đâu thì tôi vẫn giữ trong mình những kỉ niệm về Sài Gòn, những buổi chiều mưa, con đường ngập nước và tiếng guitar nhẹ nhàng ru yên bình dãy trọ phía cuối hẻm ẩm mốc. Phố phường như cuốn người ta theo dòng chảy vô định, như xô bồ với nhiều hơn những lo toan… Dòng đời xuôi ngược khiến bất kì ai cũng phải hối hả sống nhanh hơn so với cái bản chất mà người ta cần phải sống… Để rồi đôi khi họ bỏ mặc tất cả để chậm lại, để suy ngẫm và hoài niệm...."