Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Ru Đời Đi Nhé

Có khi mưa ngoài trời, là giọt nước mắt em. Đã nương theo vào đời, làm từng nỗi ưu phiền. Ngoài phố mùa đông đôi môi em là đốm lửa hồng, ru đời đi nhé cho ta nương nhờ lúc thở than. Chân đi nằng nặng hoang mang, ta nghe tịch lặng rơi nhanh, dưới khe im lìm. Ru đời đi nhé, ôi môi ngon này giữa trần gian. Ru từng chiếc bóng lênh đênh vào giấc ngủ ngon. Cho tôi tay gối mong manh, cho tôi ôm lấy vai thon./.. (Nguồn: Trịnh Công Sơn) … Mưa nhiều quá, gần một tuần nay rồi! Bất chợt thấy một điều đắng chát trong lòng. Đời người trôi dần tới điểm kết thúc của sự sống, một khoảng thời gian quá ngắn ngủi trong dòng thời gian vô tận, cuộc sống thì vô tình, trung thực, khách quan đến lạnh lùng với đời người, với mỗi số phận con người. Có phải vậy nên con người luôn bấu víu vào một niềm tin nào đó để tồn tại cho hết cuộc hành trình ngắn ngủi của mình? Nhưng niềm tin đâu phải lúc nào cũng được bảo hộ? Khi quá tin vào một điều gì đó, sự thất vọng sẽ không thể cứu vãn được khi niềm tin tan vỡ! Niềm tin có thể tồn tại được không khi cứ phải đuổi theo những cung bậc thăng trầm của tình cảm, niềm tin có thể nguyên vẹn được không khi không còn chỗ nào để bấu víu? “ Ru đời đi nhé, cho ta nương nhờ lúc thở than…”, ngoài kia, quê cũng sắp vào đông, lại một mùa đông nữa mãi mãi đi qua đời mình!!!

Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

Chuyện phim ảnh

Cái sự xem phim giờ thấy thật phong phú đa dạng, lúc nào và ở đâu cũng có, thế mới biết thời đại văn minh, con người sung sướng vô cùng, nhất là tụi trẻ. Chẳng cần đi đâu thì ở nhà, cầm cái điều khiển đứa trẻ lên ba bấm túi bụi là màn hình ti vi to như cái bàn sẽ chuyển từ kênh này sang kênh kia, thỏa sức chọn phim mà xem, chẳng hoạt hình thì chuyện cổ tích rồi văn nghệ, văn gừng. Không thích xem thì đi ra rạp, giờ nào cũng có phim chiếu cho mà xem, no mắt, phim bây giờ cũng khác ngày xưa, tận ba, bốn D gì đó, mà có khi tận mười D gì rồi ấy chứ, bởi khoản này mình mù tịt vì gần 30 năm rồi đâu có biết xem phim màn ảnh lớn trong rạp. Nhớ lại cái thời tuổi thơ ảm đạm của mình cách đây mấy chục năm, những năm đó đã thuộc về thế kỷ 20. Phim ảnh là điều vô cùng xa xỉ đối với những đứa trẻ như mình. Thậm chí cả với những người đã nhớn. Lần đầu tiên biết chiếu phim là hồi mình 5 tuổi, ngày ấy, mẹ gửi mình về ở với ông nội ở quê, mà quê mình, ngày ấy mọi người gọi chiếu phim là chiếu phin. Năm ấy, vẫn nhớ dư in trong đầu, nhà ông nội ngay ở đình làng, cạnh đình có cái sân gạch rất rộng, gọi là sân kho ( ngày ấy thấy nó rộng, nhưng sao giờ về nhìn nó bé tí, cũng thể do mình già đi, nên mắt có vấn đề! Hehehe). Buổi tối, nghe tiếng cái máy gì đó nổ rì rì, ánh đèn thì sáng quắc, hắt lên một vùng văn minh khá rộng giữa làng, cái ánh sáng văn minh ấy báo hiệu cho các làng khác, xã khác rằng, tối nay ở đây có chiếu phim! Rồi sau đó là tiếng người nói oang oang trong cái loa sắt, mình thật kinh ngạc, vì sao nói to quá thể vậy? Mình hỏi ông? Người ta làm gì ở sân đình làng vậy? Ông bảo: - Tối nay có đoàn chiếu bóng về phục vụ mọi người! Mình hỏi, chiếu bóng là gì hả ông? Ông tiếp lời: - Là chiếu phim! Vậy là chỉ biết đến đó, vì ông cũng chẳng cho mình đi ra sân kho, mặc dù rất thèm bởi cái thứ ánh sáng mê hoặc của mấy cái bóng điện giữa đêm quê mịt mùng tối om. Ông nói, ở đó đông người, ra chỉ có lạc hoặc bị mẹ mìn bắt đi! Mình vào lớp bốn, mẹ cho xuống trường ở tập thể, nơi ấy cách quê nội mấy cây số. Lần đầu tiên được mẹ cho đi xem phim là nhân một dịp gì đấy chẳng nhớ nổi nữa, có đội chiếu bóng 97 của huyện Ân Thi về chiếu phục vụ bộ phim: “ Kỵ sỹ không đầu”. Tất cả địa điểm chiếu phim hồi đó đều là ở sân kho, ngày thì để phơi thóc, đêm thành rạp chiếu phim. Biết được đi xem, cả chiều hôm đó không còn thiết tha gì ăn uống, chỉ mong cho trời mau tối để được đến sân kho hợp tác xã xem người ta chiếu phim dư thế nào. Trời sẩm tối, nuốt vội bát cơm với nước canh toàn muối không mì chính, cùng mẹ và mấy cô trong dãy tập thể rảo bước nhanh về phía ánh đèn hắt lên sáng rực một vùng. Người đâu mà đông thế, lần đầu tiên thấy toàn người là người, đông đến hoa cả mắt. Mình giục mẹ vào đi, mẹ bảo chờ cô Hiền mua vé ra rồi mới vào được, lúc sau, thấy mỗi người cầm trên tay một tờ giấy bé tí, đen xỉn, mình mới biết đấy là cái vé để được vào sân xem phim. Mình bẩu, sao con không có, cô Hiền bảo, trẻ con không cần vé, phim này là phim người lớn, đáng lẽ trẻ con phải ở nhà. Mình nghe thế chỉ sợ người ta đuổi ra, tưn nhiên cầm chặt lấy tay mẹ như keo dính chuột. Dòng người xô đẩy, hỗn loạn đi vào giữa hai cái dây thừng, trên đầu là một chiếc bóng điện lắc la, lắc lư, toàn những con gì bay qua bay lại bám kín cả cái dây điện và thân cây gần đó. Sau một hồi xô đẩy, cuối cùng mình và mọi người cũng lọt được vào trong sân kho, mồ hôi, mồ kê nhễ nhại vì chen lấn, vừa hôi, vừa chua như cứt mèo! Sau một hồi tìm được chỗ ngồi, giữa biển người nhốn nháo, mẹ và các cô mỗi người rút ra một chiếc dép làm ghế. Mình được ưu tiên ngồi lên hòn gạch cho cao, cũng chẳng biết ai nhặt được hòn gạch ở đâu, từ lúc nào mà mình lại được cái ghế xịn đến vậy! Người đông, đêm hè, cái sân gạch cả ngày phơi nắng giờ bốc ngùn ngụt hơi nóng làm ai cũng ướt đẫm lưng áo, mồ hôi cháy trên má ròng ròng, may mẹ mang quạt giấy đi theo chứ không thì người như bị luộc. Đến giờ chiếu, lần đầu tiên mình nhìn thấy những hình người khổng lồ phi ngựa chạy ầm ầm trước mặt, hết nhìn lên cái màn ảnh bằng vải trắng có viền đen bốn chung quanh lại nhìn ngược về cái máy chiếu chạy xè xè. Tiếng trên cái loa sắt cứ lẫn lộn với nhau, lúc thì xì xồ, lúc thì lại là tiếng ta, mẹ giải thích, đây là phim nước ngoài, nên có cái chú ở đội chiếu bóng ngồi ở cuối sân phải thuyết minh bằng tiếng Việt. À ra vậy, mình giờ mới hơi hiểu ra sự việc. Cứ vậy, một lúc đèn bừng sáng lên, lại thấy có chú tháo tháo, lắp lắp gì đó, rồi đèn lại tắt đi và máy lại xè xè…, mình ngồi một lúc lâu nhìn lên màn ảnh thì mắt díp lại. Ngủ gật một lúc thì thành ngủ thật, đến lúc nghe tiếng mẹ gọi dậy đi hết phim rồi mình mới giật bắn mình đang nằm trong lòng mẹ ngủ một giấc ngon ơ, áo ướt như dội nước. Mình nhìn quanh, thấy không phải là mỗi mình mình ngủ mà cơ man nào là trẻ con đang bị đánh thức gọi dậy đi về. Hehehe, cái sự xem phim ở quê thế kỷ trước là vậy, chỉ cần biết có đội chiếu bóng về là mừng rơn, chẳng cần biết phim gì, trẻ con thường loanh quanh ra hỏi mấy cái ông máy nổ hoặc máy chiếu là có bao nhiêu cuốn, càng nhiều thì càng hay, hôm nào biết phim chỉ có dăm bảy cuốn là chán ngắc, phim vớ vẩn. Ngày ấy, mỗi huyện chỉ có một hai đội chiếu bóng lưu động, nên cứ đi quanh huyện là mất cả mấy tháng, nên mỗi xã chỉ được phục vụ một hai tối là cùng. Cũng từ buổi ấy, cứ thấy có cái xe bò, kéo theo một đống lùm lùm phủ bạt, có hai cái cây tre dài thò ra đi về ngang qua cổng trường là trẻ con ùn ùn kéo nhau ra hô toáng lên: phin về, phin về… Buổi chiều, tầm bốn rưỡi, năm giờ đi qua sân kho, nhìn thấy cái phông vải trắng chuyển màu cháo lòng, viền đen, kéo qua hai cây tre và bốn sợi dây thừng căng ra bốn góc, cùng với cái loa sắt méo mó khọt khẹt treo cạnh màn màn ảnh là lòng thấy rộn ràng khó tả, mừng như bắt được vàng, chạy nhanh về nhà xin được đi xem. Mình nhớ có lần, cùng ông anh đi xem, đang xem, thấy nhốn nha nhốn nháo, cái phông vải tự nhiên đổ kềnh ra, loa thì bị gạch ném bẹp dúm, hỏi ra mới biết là các giai làng tranh nhau tán gái, tức khí lên đánh nhau, phá luôn cả phông màn của đội chiếu bóng. Có hôm đang xem, tự nhiên thấy giọng ông thuyết minh khèn khẹt như cơm khê: Yêu cầu đồng chí máy nổ tăng cho mười vôn điện, thế là lúc sau lại thấy giọng ông ấy trong trở lại và màn hình thì đầy phè ra, tài thật! Cũng có lần, đội chiếu bóng về, chiếu phim toàn bị đứt, cả buổi chiếu, đứt mấy chục lần, thanh niên trai tráng la ó ầm ĩ, đốt cả phông màn, thế là đành hoãn buổi chiếu, sáng mai đội chiếu bóng thu xếp đồ nghề lên xe bò di chuyển, mặc dù theo lịch vẫn còn một tối nữa. Trước khi đi, ông đội trưởng còn nói với theo một câu: Bao giờ bò đực đẻ thì mới về đây chiếu lại cho mà xem. Mình và bọn trẻ con trong dãy tập thể nghe mà sợ, mà buồn mấy hôm không thôi, bởi thế thì từ nay hết được xem phim rồi còn gì nữa. Nhớ những lần, phim về, mừng khấp khởi trong lòng, về nhà xin tiền mẹ đi xem, mẹ bảo không được đi, mình hỏi sao lại vậy? Mẹ bảo đấy là phim người lớn, không xem được, tối ở nhà nằm úp mặt xuống gối khóc vì tiếc không được đi, cứ nghe tiếng loa ở sân kho vọng về là nước mắt lại trào ra. Bây giờ mình vẫn nhớ hai bộ phim mẹ cấm không cho đi xem là “Mối tình đầu” và “Ngày Lễ Thánh”. Ngày ấy, có lần được đi xem bộ phim “ Cô Nhíp”, xem xong, về đêm nằm mơ mình là diễn viên điện ảnh, tỉnh dậy mới thấy đang nằm còng queo trên giường, tiếc hùi hụi, buồn mấy ngày không hết. Bẵng đi hơn chục năm, bắt đầu có ti vi đen trắng, mỗi làng lác đác có một hai chiếc, cái sự xem phim ở sân kho cũng đã không còn là nỗi háo hức như ngày trước nữa, nhưng vẫn là cơ hội của các anh, các chị làng trên, xóm dưới đến xem thì ít mà hẹn hò nhau thì nhiều. Bởi vậy, chuyện đấm đá nhau trong lúc xem phim và tan phim vẫn xảy ra như cơm bữa, cho đến khi có một vụ trọng án gần chết người vì thanh niên đâm nhau ở xã bên cạnh vào một buổi chiếu phim thì mẹ cấm mình không được đi xem phim nữa. Cũng kể từ ngày ấy, cái sự xem phim ở sân kho nhạt dần trong mình, để đến giờ phim trong rạp cũng không lai vãng tới. Có lẽ gần 26 năm không phim ảnh gì đâm lười, nhất là xem phim của Việt mình sản xuất, tệ kinh lên được, mới thấy cái anh thần đồng thơ Khoa phán đúng ghê: “Ngồi buồn vạch cúc xem…. Còn hơn vào rạp xem phim nước mình”./..

Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Miếng ăn mang sự đau khổ của người và chó

Có thể nói, miếng ăn thực khách đưa lên miệng ở các nhà hàng thịt chó thấm đẫm nỗi đau của cả người và chó. Có thể, món thịt chó ở Việt Nam sẽ tồn tại mãi. Nhưng, sự vận hành của ngành công nghiệp này đã nhuốm mầu đau khổ và tàn bạo... Tại Việt Nam, hầu như nhà nào ở nông thôn cũng mất 1,2 con chó. Có nhà mất tới 10 con trong những năm qua. Liên tục xảy ra những vụ trộm chó bị đánh chết, và gần đây là người đuổi theo trộm chó bị tử vong. Đi đâu, ở đâu cũng có thể gặp những con chó bị trầy xước ở chân, ở cổ do bị kéo lê trên đường khi bị bắt. Hoặc hàng trăm con bị dồn nén ngạt thở trên thùng xe tải, hay bị nhồi thức ăn cho tới nôn oẹ, lử đử rũ rượi trong những cơ sở thu gom. Trong một cơ sở thu mua chó ở làng Sơn Đông, xã Thành Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hoá, một người cầm một cái kìm dài khoảng một mét rưỡi. Anh ta ngó xem bụng con chó nào lép, rồi thò kìm kẹp cổ con đó, lôi ra một cái máy bơm, trông giống máy bơm nước từ giếng lên nhưng to hơn nhiều. Hai người giữ con chó nằm ngửa, đưa mồm nó vào một cái ống. Một người khác đứng trên một cái ghế, đu người kéo một cái cần dài khoảng hai mét trên cao để bơm thức ăn vào bụng con chó. Xong, con chó lại bị cặp cổ tống vào chuồng. Dưới sàn trắng xoá đồ nôn ra của những con vật khốn khổ vốn được coi là rất trung thành với con người. Những cơ thể nép vào nhau run rẩy, những cặp mắt tuyệt vọng nhìn qua song sắt... Khác với lợn, gà, chó được chăm nuôi đơn giản, không tốn công sức và đầu tư. Chỉ bằng cơm thừa canh cặn, con chó vẫn lớn được. Bà Thu, 78 tuổi ở xóm 3, Xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An mỗi năm bán được 4 con chó làm hai đợt. Mỗi đợt thu về chừng 1,8 triệu. Mặc dù đã có tiền tuất của chồng, tiền các con biếu hàng tháng nhưng số tiền thu nhập từ nuôi chó giúp bà có đồng ra đồng vào, dùng vào việc phúng viếng, cưới xin, cho các cháu nhỏ. Lượng tiêu thụ thịt chó ở Việt Nam là rất lớn. Ở làng Sơn Đông, cứ chiều về là có rất nhiều xe tải chở đầy chó đi phân phối ở các tỉnh ở miền Bắc. Một cơ sở làm thịt chó nhỏ, đồng thời là nơi chế biến, bán thịt chó cho các nhà hàng ở thôn Tó, Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội hay ở khu chợ tạm Trung Mỹ Tây, Sài Gòn một ngày giết thịt từ 20 tới 70 con, tuỳ theo lượng khách. Hầu như, tại huyện nào ở Việt Nam cũng có nơi giết mổ, chế biến chó. Là một nguồn thu về kinh tế và là một món khoái khẩu phổ biến như vậy thì việc kêu gọi không ăn thịt chó sẽ là điều không tưởng! Vấn đề đáng bàn ở đây, là “ăn” như thế nào, chứ không phải là có nên ăn hay không. Trong ấy, việc “ăn” ở đây liên quan tới hành trình đau khổ những con vật phải chịu đựng trước khi biến thành miếng thịt. Xã hội không thể chấp nhận sự vận hành có nhiều yếu tố phi pháp của khâu thu mua chó, sự đối xử nhẫn tâm đối với con vật trước khi giết thịt, bởi vì cái ác đối với con vật là tiền đề dẫn tới cái ác với con người. (Nguồn: Vietnamnet)

Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Tháng 7 mưa Ngâu

Mùa này, ngoài ấy lại bắt đầu mưa tầm tã, tháng Ngâu đã sang được 2 tuần rồi! Ngày xưa, nhớ mùa Ngâu trong bão, gió giật liên hồi và mưa xối xả cả đêm, sáng ra, nhãn, bưởi, ổi rụng đầy sân, đầy lối đi, những quả bưởi xanh nổi lềnh bềnh dưới ao, ông nội chống gậy ra nhìn xót ruột. Mùa mưa trong này không giống mùa Ngâu ngoài ấy, nhưng vẫn có cảm giác như nó đang ở đâu đây… Đêm nằm nghe tiếng nước rơi tí tách ngoài hiên, giật mình thấy tiếng gậy lọc cọc của ông nội gõ trên sân gạch, có cả tiếng những cây tre cọ vào nhau ken két và cả lá xạc xào, xạc xào từng hồi. Ngỡ đang cùng em trên đường quê lát gạch, ướt đẫm nước mưa, những con đường gạch hẹp của làng đón bước chân em ngập ngừng trong chiều thu bỗng trở nên thao thiết! Nhớ chiều nào ra thắp hương ông bà nội, con cháu hỏi, sao chú không đưa cô về? Cánh đồng quê rộng mênh mông, bao năm vẫn không có gì thay đổi, vẫn toàn lúa là lúa với lác đác bóng người thăm đồng muộn, thân gầy bước thấp bước cao, tất bật quanh năm chẳng đủ ăn. Cúi xuống nhặt cỏ may bám đầy hai ống quần thật lâu mà vẫn không trả lời được câu hỏi của nó. Mới đấy mà đã sang thu, cái mùa đặc trưng của ngoài đó, heo may về ngập không gian, báo hiệu cho một mùa đông cũng sắp trở lại. Một mùa đông ao ước cùng em đi dọc triền đê, đón gió Bắc thổi từng cơn về, lạnh cóng tay, buốt má, cảm giác ấy bây giờ đã không thể năm nào cũng có được nữa! Thu đã sang, để hoa sữa đơm bông, ngào ngạt hương dọc đường Nguyễn Văn Linh, vẫn còn mùi rơm rạ đốt từ phía cánh đồng bên đường Triệu Quang Phục bay về, nồng nàn, thơm mùi lúa mới. Vẫn còn những làn khói chiều bốc lên phía xa xa từ thửa ruộng mới gặt, vẫn có tiếng gọi con trẻ về ăn cơm chiều muộn đâu đó vẳng về… Sẽ bên nhau trong không gian đó, để cảm nhận nỗi nhớ khi xa quê đằng đẵng bao ngày, đã hứa với nhau như vậy, lòng chẳng bao giờ nguôi ngoai. Tháng 7 mưa Ngâu, heo may đã về…

Thư giãn tí nào!

0. Đàn ông nói nhiều nhất chính là lúc sau khi say. Phụ nữ nói nhiều nhất chính là lúc sau khi họ lấy chồng. 1. Đàn ông sẽ trả gấp đôi để có được thứ mà anh ấy muốn. Phụ nữ chỉ chi một nửa tiền cho món đồ cô ấy không thực sự cần nhưng lại đang trong kỳ giảm giá. 2. Phụ nữ thường lo lắng cho tương lai cho đến khi cô ấy kiếm được một tấm chồng. Đàn ông chẳng lo nghĩ gì về tương lai cho đến khi anh ta lấy vợ. 3. Đàn ông thành đạt là người kiếm được tiền nhiều hơn số vợ anh ta sẽ tiêu. Phụ nữ thành đạt là người kiếm được một ông chồng như thế. 4. Để hạnh phúc bên một người đàn ông, bạn sẽ phải hiểu anh ấy rất nhiều và yêu anh ấy chút chút. Để hạnh phúc bên một người phụ nữ bạn lại phải yêu cô ấy thật nhiều và đừng có cố tìm cách hiểu cô ấy. 5. Đàn ông đã kết hôn sống thọ hơn đàn ông độc thân, nhưng đàn ông đã kết hôn lại sẵn sàng chết so với trai chưa vợ. 6. Bất kỳ người đàn ông đã kết hôn nào cũng nên quên đi những lỗi lầm của anh ta, bởi chẳng ích gì khi cả hai vợ chồng cùng nhớ về một thứ. 7. Đàn ông lúc tỉnh giấc và trước khi đi ngủ trông chẳng khác gì nhau. Phụ nữ thì xuống sắc hơn rất nhiều sau một đêm say giấc. 8. Phụ nữ lấy chồng và hy vọng anh ấy thay đổi nhưng chẳng suy chuyển được gì. Đàn ông lấy vợ chỉ mong cô ấy vẫn như xưa nhưng cô ấy lại thay đổi. 9. Phụ nữ luôn là người nói lời cuối cùng trong mọi cuộc tranh cãi. Bất kỳ lời nào người đàn ông nói sau đó sẽ khơi mào cho trận chiến mới. 10. Có hai thời điểm đàn ông không hiểu đàn bà: trước và… sau hôn nhân. 11. Phụ nữ đi toilet theo “bầy đàn”, nam giới đi riêng lẻ thậm chí bậy bạ mỗi người “xử” một nơi. 12. Phụ nữ trưng diện để đi mua sắm, đi tưới cây, đổ rác, trả lời điện thoại, đọc sách, check mail. Đàn ông chỉ ăn mặc chỉnh tề khi đến đám cưới hay đi dự tang lễ. 13. Phụ nữ biết mọi thứ về các con của cô ấy: lịch hẹn với bác sĩ nha khoa, bạn thân của con, thức ăn khoái khẩu, giấc mơ, hy vọng, chuyện yêu đương và cả những lo sợ bí ẩn. Đàn ông chỉ lờ mờ nhận ra là có vài đứa nhóc ở chung nhà với mình. 14. Đám phụ nữ khi làm bạn với nhau thường nói những lời có cánh: “Trời ơi mình yêu mấy bồ quá”, và tình bạn đó chỉ kéo dài nhiều lắm thì 2-3 năm. Đàn ông khi tụ tập toàn nói tục, chửi thề, họ gọi nhau với những biệt danh chẳng mấy hay ho nhưng tình bạn thì kéo dài mãi mãi. 15. Đàn bà nói: “Cầu xin trời phật run rủi cho con gặp được người đàn ông đẹp trai, biết quan tâm chăm sóc, lãng mạn, thông minh, hiểu con, yêu con say đắm, người sẽ không bao giờ lừa dối con, luôn tặng con những lời ngợi khen và không bao giờ chỉ trích những điều con đã làm…”. Đàn ông chỉ cầu xin một điều duy nhất thôi: “Ngực bự”. 16. Phụ nữ chọn dầu gội đầu dựa trên các tiêu chí về hiệu quả, thương hiệu, mùi hương, thành phần, màu sắc, chất lượng, thiết kế mẫu mã, chất lượng, mức độ phổ biến, những nhận xét từ người đã dùng… Đàn ông chọn dầu gội đầu chỉ quan tâm một điều duy nhất: có chữ “dầu gội” trên vỏ chai. 17. Đàn ông vào tiệm cắt tóc, trả một ít tiền để biến mái tóc từ tổ quạ thành húi cua. Phụ nữ bước từ tiệm ra sau khi đã trả đến tiền triệu và mái tóc cô ấy trông chẳng khác gì chưa khi cắt. 18. Người phụ nữ thông minh hy vọng lấy được một người đàn ông yêu cô ấy. Người đàn ông ngu xuẩn cho rằng sẽ cưới được một người phụ nữ yêu anh ta. 19. Phụ nữ luôn hy vọng mình trở thành người đàn bà cuối cùng của đàn ông. Đàn ông luôn hy vọng mình là người đàn ông đầu tiên của người phụ nữ. 20. Muốn nhìn kỹ khuôn mặt của người phụ nữ thì phải đợi sau khi họ tẩy trang. Muốn nhìn kỹ khuôn mặt người đàn ông thì phải đợi hai bên chia tay. 21. Đàn ông đi dạo cửa hàng là muốn mua cái mà họ cần. Phụ nữ vào cửa hàng là muốn xem vật gì cần mua hay không. 22. Có những người đàn ông cho rằng hôn nhân là mồ chôn của tình yêu. Có những người phụ nữ lại cho rằng không kết hôn, tình yêu sẽ chết không chốn dung thân. 23. Đàn ông chỉ coi trọng hiện tại của người phụ nữ. Phụ nữ lại coi trọng tương lai của người đàn ông. 25. Trước khi cưới đàn ông đều đeo bám phụ nữ đến nửa đêm mới chịu về. Sau khi cưới phụ nữ luôn phải đợi đến nửa đêm mới thấy chồng mình về. 26. Phụ nữ không nên đánh đập đàn ông bởi vì chắc chắn bạn không thể đánh lại họ. Đàn ông không nên đánh phụ nữ bởi vì người đánh phụ nữ thì không có tư cách là đàn ông. 27. Phụ nữ mất đi tình yêu sẽ cảm thấy vô cùng trống trải. Đàn ông có được tình yêu sẽ cảm thấy mệt mỏi vì vô cùng cực khổ. 28. Nếu phụ nữ coi đàn ông là bạn, điều đó có thể là sự khởi đầu của tình yêu. Nếu đàn ông coi phụ nữ là bạn, điều đó đồng nghĩa anh ta bắt đầu quên đi đối phương là phụ nữ. 29. Phụ nữ yêu một người đàn ông không cần có lý do gì. Đàn ông yêu một người phụ nữ thì phải nghĩ ra trăm ngàn lý do, để sau này còn trả lời cho câu hỏi "Tại sao anh yêu em?" của phụ nữ. 30. Đàn ông bắt phụ nữ chờ thì không phải là đàn ông tốt. Phụ nữ bắt đàn ông đợi thì không sao nhưng bạn phải coi chừng vì chưa chắc họ kiên nhẫn đợi được lâu. 31. Sau khi đàn ông say rượu sẽ nghĩ đến phụ nữ nhưng không chỉ một người. Phụ nữ sau khi say rượu sẽ nghĩ đến đàn ông nhưng bao giờ cũng chỉ một người, chính là người đàn ông đã bỏ rơi họ. 32. Những chàng trai đang yêu luôn muốn đơn giản hóa mọi việc phức tạp. Những cô gái đang yêu luôn muốn phức tạp hóa mọi việc đơn giản. 33. Đàn ông hy vọng vào tình yêu là bởi vì nhàn rỗi, đến cuối cùng là gặp phải phiền phức. Phụ nữ hy vọng vào tình yêu là bởi vì tò mò, đến cuối cùng là gặp phải thất vọng. 34. Sau khi đàn ông chinh phục được thế giới thì có thể giành được phụ nữ. Sau khi phụ nữ chinh phục được đàn ông thì có thể giành được cả thế giới. 35. Đàn ông nhường cho phụ nữ ra quyết định bởi vì họ biết phụ nữ sẽ không cho họ quyết định. Phụ nữ nhường cho đàn ông quyết định là bởi vì họ muốn biết đàn ông có thể đoán được ý muốn thật sự của họ hay không. 36. Phụ nữ luôn tâm sự về người đàn ông mà họ đang yêu. Đàn ông khi tâm sự với nhau lại luôn bàn về người phụ nữ mà họ không chiếm được. 37. Đối với phụ nữ, một danh từ khác về mỹ phẩm là lòng tin. Đối với đàn ông thì mỹ phẩm lại là cái bẫy. 38. Đàn ông thích nhất là phụ nữ nghe lời. Phụ nữ lại mê người đàn ông không nghe lời cô ấy. 39. Đối với đàn ông tình yêu chỉ là bài nhạc nền trong cuộc đời. Đối với phụ nữ, tình yêu lại là bài nhạc chủ đề trong cuộc đời. 40. Phụ nữ một tối không về nhà. Hôm sau cô ấy nói với chồng là em ngủ lại ở nhà cô bạn. Ông chồng nhấc điện thoại gọi cho 10 cô bạn thân của vợ, chẳng cô nào biết đêm qua vợ anh ta đã đi đâu. Đàn ông một tối không về nhà. Anh ta nói với vợ rằng đã ngủ lại ở nhà anh bạn. Cô vợ điện thoại cho 10 người bạn của chồng. 8 trong số đó xác nhận chồng cô ngủ lại nhà họ tối qua, 2 người còn lại thậm chí còn nói như đinh đóng cột rằng chồng cô vẫn đang ở đó./…

Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Thuyền và biển

Nhà ở sát ngay đường tàu Bắc – Nam, ngày và đêm tàu thi nhau chạy, rung cả mái nhà, ngày còn đỡ, đêm nghe rõ cả tiếng bánh tàu nghiến vào đường ray tạo ra âm thanh đặc trưng của “con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui”…, lâu dần, thành quen, đêm không nghe thấy tàu chạy bỗng khó ngủ. Có đợt, lũ lụt ùa về miền Trung, làm tan tành mấy đoạn đường sắt, tự dưng thấy tàu chạy thưa hẳn, đâm nhớ! Đêm nay, tàu sẽ chạy lúc 8 giờ, thấy lòng se lại vì buồn, cảm giác ấy có từ chiều, lang thang qua hai nhà ông hàng xóm, hết mấy ấm trà đặc sánh, để đợi tàu chạy qua nhà. 8 giờ 45, nghe tiếng còi tàu từ xa vọng đến, biết chắc chắn là đoàn tàu này rồi, mình đứng lặng người nhìn đoàn tàu ầm ầm lao qua. Những toa tàu sáng đèn, người nằm, người ngồi, lướt nhanh qua mắt, đứng sát đường tàu mà hoa mắt, ù tai vì âm thanh của tàu quá lớn và chạy như điên. Tóm lại là chẳng nhìn thấy gì, chỉ một phút thôi, nó đã chỉ còn một đốm đỏ của chiếc đèn đằng sau toa cuối cùng lập lòe, rồi mất hút. Ngày mai, biển sẽ đón em, như bao lần mình bên biển, nỗi nhớ đầy lên, đầy lên, như thủy triều dâng, như sóng biển ào ạt. Nếu có bên nhau, sẽ hát cho em bài hát thật hay về biển, bài hát ấy cũng từ bài thơ thật hay này mà ra: “Em sẽ kể anh nghe. Chuyện con thuyền và biển, từ ngày nào chẳng biết, thuyền nghe lời biển khơi. Cánh hải âu, sóng biếc, đưa thuyền đi muôn nơi. Lòng thuyền nhiều khát vọng, và tình biển bao la, thuyền đi hoài không mỏi, biển vẫn xa... còn xa. Những đêm trăng hiền từ, biển như cô gái nhỏ, thầm thì gửi tâm tư, quanh mạn thuyền sóng vỗ. Cũng có khi vô cớ, biển ào ạt xô thuyền, vì tình yêu muôn thuở, có bao giờ đứng yên? Chỉ có thuyền mới hiểu, biển mênh mông nhường nào, chỉ có biển mới biết, thuyền đi đâu, về đâu. Những ngày không gặp nhau, biển bạc đầu thương nhớ, những ngày không gặp nhau, lòng thuyền đau - rạn vỡ. Nếu từ giã thuyền rồi, biển chỉ còn sóng gió, nếu phải cách xa anh, em chỉ còn bão tố…”