Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Đất Nước Tình Yêu

Mình vào Sài Gòn đã qua bốn cái Tết, ngày xưa còn ở ngoài Bắc, mỗi khi nghe “ Đất nước tình yêu” lại thấy trong lòng dâng lên, nghèn nghẹn một cảm xúc khó tả. Nghe mà nhớ mưa xuân, nhớ Tết, nhớ sắc pháo hồng bay lả tả trên sân gạch nhà ông nội, nhớ phút giây trông đợi giao thừa với những âm thanh lay động đất trời, để quên đi một năm nhọc nhằn, hy vọng vào những điều may mắn của năm mới… Để bây giờ đón Tết không còn mưa xuân, không còn mùi nồng thơm của khói thuốc pháo…nhưng cứ nghe ‘Đất nước tình yêu” là ngập tràn cảm xúc. “Đất nước tình yêu”, lớn lao trong mỗi con người, nhớ cách đây không lâu mình nói với em, nếu xảy ra chiến tranh, anh sẽ lên đường, em ở nhà đợi anh, nếu phải lên đường, hãy tin ngày anh trở về! Cách xa nhau, anh rất nhớ em và quê mình, nhưng nỗi nhớ cũng vơi bớt đi phần nào khi trong hành trang của anh mang theo, không chỉ nặng tình em, mà còn có rất nhiều điều thiêng liêng như “Đất nước tình yêu”. Mình đã hạnh phúc vô cùng khi em nói, em sẽ không xa anh đâu, bởi em sẽ cùng anh ra trận, chẳng làm được điều gì to tát, em cũng nấu cơm cho anh và đồng đội của anh ăn ngon để đánh lũ bành trướng khốn nạn kia!!! Chiều nay, ngồi nghe “Đất nước tình yêu”, lòng cũng ngập tràn niềm thương, nỗi nhớ, càng nghe, càng thấy cuộc đời mênh mang và có những điều thật giản dị mà lớn lao hơn ta tưởng! Và trong cuộc sống này cũng chỉ cần những điều giản dị ấy thôi cũng đã giúp cho người ta sống đúng với ý nghĩa của một đời người! “Khi em nắm tay anh, vườn cây đầy hoa trái. Khi anh nói yêu em, mây giăng giăng bay chỉ còn ánh trăng mờ. Và khi chúng yêu nhau, chẳng kẻ thù nào làm con tim ta yếu mềm. Ôi Việt Nam! Đất nước tình yêu! Bên lũy tre xanh xây nhiều công trình. Giọng hò thiết tha, tình yêu đất nước chan hòa. Khi em tiễn anh đi, đồng quê màu xanh lúa. Yêu cây súng trong tay, anh giữ yên ngọt ngào tiếng ru hời. Và khi chúng ta xa nhau, gặt nhiều mùa vàng tiền phương anh vui thắng giặc. Ôi Việt Nam! Đất nước tình yêu! Anh dắt em đi ôn nhiều kỷ niệm. Cùng nhiều ước mơ, cuộc sống mãi mãi đang chờ.”

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

Thao thức Trường Sa

Trường Sa ơi, ngày mai tàu cập bến. Ta lại về phố thị thân thương. Vòng tay ấm, bữa cơm sum họp. Và riêng, chung bao chuyện vui buồn. Biển dẫu yên mà lòng ta lại động. Lắng tin xa những cơn bão chập chờn. Bỗng hiển hiện trang sử thời mở cõi. Máu cha ông còn bầm đỏ hoàng hôn. Ôm lính đảo yêu tin bao gương mặt. Tuổi đôi mươi lồng lộng biển trời. Mắt trong vắt chưa một lần hò hẹn. Đêm mơ còn nũng nịu gọi “Mẹ ơi !” Muốn ôm ghì bãi san hô - chiến lũy. Những pháo đài vươn sóng Bạch Đằng Giang. Khi Đá Lát, Sinh Tồn, Song Tử. Lúc dịu dàng Tiên Nữ, An Bang… Trước Trường Sa thấy mình bé nhỏ. Tựa cột mốc chủ quyền thêm vững lòng hơn. Ngắm rặng mồng tơi, nghe gà cục tác. Tổ quốc giữa trùng khơi sinh nở, trường tồn. Đêm không ngủ Trường Sa, đêm trở gió. Gió hồng hoang ào ạt phía Hoàng Sa. Bao xương máu đắp hình hài Tổ quốc. Ấp cờ đỏ lên tim mắt bỗng lệ nhòa. ( Nguyễn Thế Kỷ)

Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Hạnh phúc

Cuộc đời con người cũng như một con thuyền trôi trên đại dương, có lúc êm ả, bình yên, cũng có lúc trào lên ngọn sóng. Mỗi người là một thuyền trưởng, cố gắng chèo lái con thuyền về bến bờ hạnh phúc. Bến bờ ấy ai cũng tìm, nhưng sẽ có bao nhiêu người thấy? Hạnh phúc luôn là thứ mà con người mải miết đi tìm. Ta kiếm tìm hạnh phúc khắp mọi nơi, nhìn thấy hạnh phúc nơi người khác, nhưng lại chẳng nhận ra hạnh phúc của mình. Có ai đó đã nói rằng: hạnh phúc là thứ mà khi nó đã qua đi, thì ta mới cảm nhận thấy. Có những điều tưởng chừng như bình thường đến mức ta chẳng hề để ý tới trong cuộc sống. Để rồi khi nó đi qua ta mới hối tiếc. Hãy trân trọng những gì đang có, đừng để tuột mất hạnh phúc khi nó đang nằm trong bạn!

Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Việc biên cương như lửa cháy ngang mày

Những sôi sục ở biển Đông tràn vào nghị trường, mỗi đại biểu như hấp được sức nóng từ biển khơi, để rồi những ý kiến, trình bày, tranh luận đều hướng về biển đảo quê hương. Đại biểu Đỗ Văn Đương khuyến cáo cần nghiêm cấm mua xe công, hạn chế tối đa hội nghị, hội họp, lễ hội, giảm thiểu các đoàn đi nước ngoài bằng lời nói gan ruột “Tôi hứa, từ nay đến hết nhiệm kỳ nếu trời cho sống, tôi sẽ không đi nước ngoài nữa”. Tiết kiệm những chi tiêu đó để ủng hộ chủ trương dành 16.000 tỉ đồng chi cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân. Một quyết sách hợp lòng dân, thuận lòng trời. Nhưng 16.000 tỉ đồng vẫn chưa đủ. Để đóng được đoàn tàu vỏ sắt cho ngư dân ra khơi khai thác tài nguyên biển và góp phần bảo vệ Tổ quốc thì phải cần nhiều tiền hơn. Bờ phải vì biển, vì tương lai của dân tộc, vì vận mệnh của quốc gia thì phải dè sẻn, dẹp bỏ những khoản tiêu xài xa hoa, lãng phí, vô lối. Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị cắt phần lớn các khoản chi tiêu thường xuyên như giao tế, tiếp khách, mua sắm, đi lại... Các vị đại biểu thương dân nên nói đúng bụng dân. Quan chức tranh nhau đi xe xịn, tham nhũng hối lộ để mua nhà biệt thự, đất trang trại, hưởng thụ rượu ngon, của ngọt, nhưng không biết rằng giặc đã đến trước thềm nhà. Phải cắt hết tất cả những thứ phù phiếm đó để giữ nước, để ngẩng mặt với cộng đồng quốc tế, để giữ danh dự cho thế hệ hôm nay, để dành lại giang sơn cho con cháu mai sau. Phát biểu của một số nghị sĩ yêu nước thương dân gợi nhớ đến lời dạy của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn: “Mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngon không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai.” Trong lúc việc nước khẩn cấp như lửa cháy ngang mày, nhiều người dân chắt bóp từng đồng bạc ủng hộ Hoàng Sa, biển Đông, trong đó có những chị bán ve chai góp từng cắc bạc lẻ, em học sinh nhịn quà sáng, bác xe ôm bớt tiền nhà, nếu như còn có người đòi hỏi đi xe sang, tham quan ngoại quốc, tiệc tùng xa hoa thì không xứng đáng mang dòng máu Đại Việt. Và, sẽ như Trần Hưng Đạo nói: “khác nào như quay ngọn giáo mà đi theo kẻ thù, giơ tay không mà chịu thua quân giặc, …thì còn mặt mũi nào đứng trong trời đất nữa”. (Lê Chân Nhân/Dân trí)