Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Đau

Đến hôm nay thì bé Phạm Thị Nhung ở Đức Bồng (Hà Tĩnh) có lẽ đã mồ yên mả đẹp. Thôi thế cũng xong một kiếp con người. Bé gái mất đi vì một tai nạn thương tâm mà nguyên do là vì cái đói. Trong khi đó, những con số 34 ngàn tỷ và 800 tỷ để đổi mới sách giáo khoa (SGK) vẫn nhảy múa trên các trang báo. Có lẽ nhiều người cũng đã biết về cái chết của bé Nhung- một học sinh lớp 3 ở Hà Tĩnh, sáng em phải nhịn đói đi học, đến 10 giờ thì mệt quá muốn xỉu đi, cô giáo cho em uống hộp sữa rồi gọi bố đến đưa về. Em đạp xe qua cầu, có lẽ vì choáng đã va vào thành cầu rồi rớt xuống sông chết đuối, bố nhảy xuống vớt con thì đã muộn. Câu chuyện làm cho ai đọc đến cũng thấy sốc, cũng thấy đau như đứt ruột. Vì đến khi bé Nhung ra đi rồi, tìm trong nhà không có một manh áo tử tế cho cháu mặc, bát cơm cúng cũng phải nhờ hàng xóm mang gạo đến cho. Nhà em vẫn nghèo rớt mùng tơi nhưng đã được xã cho ra khỏi diện nghèo để lên hộ cận nghèo vì thu nhập cả nhà 6 miệng ăn này đã được 4 triệu đồng/tháng. Thoát nghèo để lên “hộ cận nghèo”. Những khái niệm ấy xa lạ với hầu hết những ai đang sống ở thành phố. Chính quyền xã phân bua nói rằng họ không có lỗi. Cha mẹ em cũng không có lỗi. Bé Nhung chết chỉ vì tai nạn thôi. Nhưng cái đói là có thực, cái đói có lỗi, cái đói đã khiến một đứa trẻ không thể học nổi, phải bỏ dở buổi học giữa chừng. Cái đói đã khiến một đứa bé nghèo rơi xuống sông chết thảm. Trong cả nước này, liệu còn bao nhiêu đứa học trò như thế, bụng rỗng đi học, đi chân đất đi học, mặc áo quần rách đi học, và bữa đói bữa no? Tôi muốn kể cho bạn đọc nghe câu chuyện thương tâm về bé Nhung, chỉ để nói một điều rằng, trong khi xã hội vẫn còn những đứa học trò có thể chết vì đói như thế, thì người ta đang làm những dự án giáo dục ngàn tỷ như thế nào. Vài tháng trước đây, Bộ GDĐT gây sốc khi công bố một đề án đổi mới SGK trị giá 34 ngàn tỷ, dư luận phản đối ầm ầm, ông Bộ trưởng liền đăng đàn nói là “tại anh em khớp quá”, đó chỉ là “lỗi kỹ thuật”. Đến hôm 27/9 vừa qua, Bộ lại trình Ủy ban thường vụ Quốc hội một Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 với tổng kinh phí tròm trèm 800 tỷ đồng, khiến Chủ tịch Quốc hội phải thốt lên: “Từ 34.000 tỷ đồng xuống còn 800 tỷ đồng. Tôi sợ quá”. Nhưng chưa hết, Bộ vẫn “thòng” thêm một câu: “có thể còn kinh phí phát sinh”. Và nhiều người chưa hết hoang mang liệu cái khoản phát sinh này có lên tới con số ngàn tỷ hay không. Ai mà lường được. Vì từ 34 ngàn tỷ, Bộ vẫn kéo xuống được 800 tỷ thì kéo lên vài ngàn tỷ cũng là chuyện dễ như bỡn mà thôi. Những con số 34 ngàn tỷ và 800 tỷ ấy vẫn nhảy múa trên mặt báo, kéo dư luận vào một cuộc khiêu vũ chóng mặt và không ít hoang mang, không hiểu rồi đây, liệu con số chính xác nào sẽ được chốt lại. Chuyện ngàn tỷ cho đổi mới SGK phục vụ học trò cả nước đương nhiên là chuyện lớn. Chuyện bé gái lớp 3 chết trên đường về nhà vì đói quá, theo quý bạn đọc, là chuyện lớn hay nhỏ? Chắc có người sẽ bảo: Xời, hai chuyện này có liên quan gì đến nhau? Xin thưa, có liên quan cả đấy. Nếu các quan chức Bộ GDĐT nghĩ nhiều hơn đến những đứa học trò gia cảnh nghèo túng, đến những trường lớp liêu xiêu dột nát, những đứa bé mẫu giáo ngồi trong lớp mà chân vẫn dẫm trong bùn, những đứa bé phải nhờ dự án thiện nguyện cộng đồng “Cơm Có Thịt” mới khỏi bắt chuột để ăn, thì chắc chắn họ sẽ tính toán từng đồng dự án kỹ lưỡng hơn. Sẽ không có chuyện nay 34 ngàn tỷ, mai 800 tỷ và ngày kia là bao nhiêu tỷ tỷ không ai dự đoán nổi nữa. Không chỉ là chuyện dự án của Bộ GDĐT mà thôi, mỗi ngày, bao nhiêu lĩnh vực, có hàng trăm hàng ngàn dự án được ký duyệt, được thông qua, được rót tiền. Nếu những người có địa vị và quyền lực nghĩ đến những người nghèo mỗi ngày một nghèo hơn, những đứa bé nhịn đói đi học, có đứa như bé Nhung- ngã xuống sông mà chết, thì họ có thay đổi chút gì không? Có tiêu tiền dự án trách nhiệm hơn không? Tôi ước ao làm sao từ đây, trước khi đệ trình một dự án ngàn tỷ, ký duyệt một đề án ngàn tỷ trong ngành giáo dục, những người có trách nhiệm hãy nhớ đến bé Nhung trong một vài giây phút. Họ đang chi tiêu những đồng tiền thuế của dân, trong đó có cả những người dân nghèo và rất nghèo. Tiền ngân sách vẫn lãng phí ở đâu đó hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng và ở đâu đó, những đứa bé nghèo như Nhung, vẫn chết vì đói, vì bệnh, ai biết đó là đâu. Nếu còn có kiếp sau, tôi cầu xin Thượng đế cho bé Nhung được đầu thai vào một xứ sở khác. (Nguồn: Đất Việt)

Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Vẫn y nguyên

Cách cả thế kỷ, Cụ Phan Chu Trinh nói về những đặc điểm của người xứ mình, từ xưa nó đã vậy và giờ nó cũng tương tự thế, huhuhu: “1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày. 2. Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề; thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám. 3. Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con. 4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi. 5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng. 6. Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết; thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu. 7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp. 8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc. 9. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật. 10. Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng, v.v…”

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Lạc quan và bi quan

* Bố ơi, người bi quan là người thế nào? - Đó là người không muốn vắt sữa con bò cái, vì sợ rằng sữa đã chua. * Một người đàn ông nói với bạn: - Tớ rất lạc quan về công việc kinh doanh của công ty tớ trong tương lai. - Vậy tại sao trông cậu lại buồn thế kia? - Vì tớ không tin chắc sự lạc quan của tớ là đúng... * Cậu có biết người thực sự lạc quan là người như thế nào không? - Đó là người tưởng rằng một phụ nữ sắp rời ca-bin điện thoại vì cô ta vừa nói “tạm biệt” với bạn gái ở đầu dây đằng kia. - Người bi quan là người như thế nào? - Đó là người vứt que diêm cuối cùng đi, nếu sau khi đã quẹt tất cả các que diêm trước mà không một que nào cháy.

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Tổ quốc nhìn từ biển

Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa Ngàn năm trước con theo cha xuống biển Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc Các con nằm thao thức phía Trường Sơn Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển. Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng. Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa. Trong hồn người có ngọn sóng nào không. Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo. Lạc Long cha nay chưa thấy trở về. Lời cha dặn phải giữ từng thước đất. Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi. Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể. Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù. Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ. Thương Hòn Mê bão tố phía âm u. Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích. Những đau thương trận mạc đã qua rồi. Bao dáng núi còn mang hình góa phụ. Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi. Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa. Đã mười lần giặc đến tự biển Đông. Những ngọn sóng hóa Bạch Đằng cảm tử. Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng. Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo. Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn. Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy. Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân. Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả. Những chàng trai ra đảo đã quên mình. Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước. Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh. Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát. Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời. Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất. Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi. (Nguồn: Nguyễn Việt Chiến)

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Ôi người Việt

Không rầu lòng sao được khi thấy những cảnh này đã và đang hiển hiện từng ngày, từng giờ ở xứ mình, hóa ra, ở cái xứ này, có một người nào đó đã nói: Đây không phải là nước chậm phát triển, kém phát triển mà là nước khó phát triển, mới thấy đúng vô cùng. Dân đã nghèo, kéo theo sự dốt, đã dốt lại còn muốn tỏ ra nguy hiểm nên mới thế này. Cái ông Nguyễn Quang Thiều, một ông thợ văn chương bảo: “Sự nghèo khó cũng là một nguyên nhân gây ra thái độ không tử tế, nhưng nó chỉ là một phần rất nhỏ. Lấy ngay lịch sử của dân tộc như một minh chứng về chúng ta trong những năm tháng thật đói khổ, nghèo khó. Tôi nhớ mẹ tôi thường giã muối ngô chứ không phải muối vừng, ngô rang lên giã với muối để mình ăn cơm nắm và đầy khoai, tại sao lúc đó người ta lại có thể sống đẹp đẽ, hồ hởi đầy khát vọng như vậy? Và tại sao khi có ngôi nhà đầy vương giả nhưng bên trong những ngôi nhà đó lại chứa đựng đầy hận thù?" Thì thế, mới minh chứng cho những điều gì đang xảy ra hàng ngày, và mọi người không lấy gì là kinh ngạc, bởi nó quá đời thường ở Việt Nam. Đây: ****Ngày 21/9, tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai được thông xe toàn tuyến với tổng chiều dài 245 km, rút ngắn thời gian di chuyển còn một nửa. Tuy nhiên, chỉ sau khi thông xe vài giờ, nhiều tài xế đã phản ánh có tình trạng rải đinh trên tuyến đường này. Anh Bảo Sơn, một tài xế đi qua tuyến đường này cho hay, sau khi thông xe toàn tuyến vài giờ, tại km21-190, thuộc địa phận thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc xuất hiện một cậu bé khoảng 10 tuổi rải đinh tự chế. Theo ghi nhận của phóng viên, trưa 22/9 tại km21-190 cao tốc Nội Bài – Lào Cai (thuộc địa phận thị trấn Gia Khánh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) xuất hiện một số ốc vít nhọn, đinh tán rơi vãi trên lòng đường. Những chiếc ốc vít này có chiều dài khoảng 2 cm, một số bu-lông có chiều dài 3-4 cm. “Tất cả các phương tiện đều di chuyển với vận tốc từ 80-120km/h. Vì thế, nếu xe đâm phải đinh tự chế sẽ bị mất lái và rất dễ xảy ra tai nạn, nhẹ thì bị hư hỏng xe, nặng thì ảnh hưởng tới tính mạng”, anh Bảo Sơn chia sẻ. Sau khi chứng kiến cảnh rải đinh trên, tài xế này đã thông báo tới ban quản lý đường và công an giao thông. Đồng thời, anh cũng cảnh báo tới tất cả anh em, bạn bè cẩn thận khi đi qua tuyến đường. ****Gia đình bác sĩ chết ngạt trong ôtô: Người đi đường thờ ơ? Đến chiều 22/9, người dân ven quốc lộ 62 thuộc địa bàn ấp 5, xã tân lập huyện Mộc Hóa (Long An) vẫn xôn xao về vụ ôtô lao xuống ao nước (không phải kênh như thông tin ban đầu) làm bốn người thiệt mạng rạng sáng nay. Đoạn đường thẳng tắp không một vết ổ gà, hai bên đường là những tán cây xanh mướt đã không còn bình lặng như thường ngày khi vài người đến cắm những nén nhang tại vị trí chiếc ôtô 4 chỗ bị lật. Trong tai nạn này, ngoài tài xế Đặng Anh Thi (30 tuổi), ba người còn lại là vợ chồng bác sĩ Đặng Chí Đông Giang (48 tuổi) và em ruột Đặng Thị Tuyết Trinh (45 tuổi) đều ngụ khu phố 1, thị xã Kiến Tường, Long An. Ngồi thừ trong căn nhà cách hiện trường một đoạn ngắn, anh nông dân Trương Văn Tuấn, người đầu tiên phát hiện tai nạn kể, 4h30 sáng, đang lui cui trong nhà anh bỗng nghe tiếng rít rất khủng khiếp. Sau đó là một âm thanh lớn như có vật gì rơi xuống ao nước. "Chạy ra xem tôi thấy đèn xe nhấp nháy dưới ao nước ven quốc lộ. Một mình không thể làm được gì, tôi lấy đèn ra giữa lộ để tìm người cứu giúp", anh Tuấn nhớ lại. Thấy chiếc ôtô đầu tiên chạy đến, anh quơ đèn và hô lớn “có người bị nạn, làm ơn cứu giúp” nhưng chiếc xe vẫn không dừng lại. Bà Nguyễn Thị Lài ở gần đó hay tin chạy đến cũng gắng sức kêu các xe dừng lại để hỗ trợ cứu các nạn nhân nhưng không được nên chạy khắp nơi gọi bà con. ****Thái Lan bắt 3 người Việt bắt cóc, cắt ngón tay đồng hương Cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ 3 nam giới người Việt bị cáo buộc bắt cóc đồng hương để lấy tiền chuộc. Trong một vụ việc, 3 người này còn cắt ngón tay của nạn nhân để đe dọa. Các vụ bắt giữ được tiến hành sau khi Tai Hua Hai, 39 tuổi, làm nghề bán cá dạo ở chợ Thành phố Bang Yai, tỉnh Nonthaburi, bị bắt cóc. Các nghi phạm được xác định là Nguyen Tai Hai, 27 tuổi, Niam, 28 tuổi, và Long, 28 tuổi. Những người này đã xuất hiện trong cuộc họp báo của cảnh sát vào hôm thứ bảy vừa qua. Cảnh sát cho biết băng nhóm trên đã bắt cóc Tai Hua Hai ở khu ở tại quận Bang Yai và yêu cầu vợ anh phải trả 1,5 triệu baht tiền chuộc. Khi người vợ chỉ đưa cho chúng 100.000 baht, chúng đã cắt một ngón út của nạn nhân và gửi cho người thân của anh với lời đe dọa sẽ cắt cả cánh tay vào lần sau. Vợ của nạn nhân sau đó đã tìm kiếm sự giúp đỡ của cảnh sát ở Bang Yai. Sau đó, cảnh sát đã tìm thấy nạn nhân bị kiệt sức, bị bịt mắt và bị xích ở trong nhà vệ sinh của một ngôi nhà bỏ hoang. Hiện cảnh sát đang tìm kiếm thêm 2 nghi phạm nữa. Một người là Thongsin, được cho là thủ lĩnh băng nhóm, và Nguyen Tian Lab, kẻ đã cắt ngón tay của Tai Hua Hai. Cảnh sát cho biết băng nhóm này trước đó đã bắt cóc một cậu bé người Việt và đã lấy được khoản tiền chuộc là 80.000 baht. ***VTV "dạy" chặt đầu baba: Giáo dục thế thì thật đáng sợ! Vừa qua, trong chương trình Vua đầu bếp phát sóng ngày 20/9, cảnh tượng các thí sinh vật lộn với hàng loạt động vật sống như ba ba, cá trình...khiến người xem giật mình. Đặc biệt, hành động chọc mắt, chặt đầu con baba của một thí sinh đã bị nhiều cư dân mạng nhận xét là "quá dã man", "không phù hợp để đưa lên sóng truyền hình"... Ông Đinh Ngọc Hải - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Cao Bằng, thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng : "Việc đưa những hình ảnh chọc mắt, cắt cổ động vật sống ngay trên sóng truyền hình là phản cảm, không thể chấp nhận, phản giáo dục". Đây là một hành động đáng phê phán, bởi đối với tất cả các loài động vật, dù không thuộc diện phải phải bảo vệ, quan tâm ở mức tối đa, cũng không nên giết mổ, không nên đánh đập như thế. Vì vậy, đó là một hành động thiếu văn hóa.. Trước đó, trên màn ảnh truyền hình cũng đã có rất nhiều trường hợp giết động vật như trong bộ phim Vừa đi vừa khóc, 4 chú mèo được đưa vào trong phim cũng bị dìm nước, trong khi trên phim lại là hình ảnh chúng được cứu vớt đầy tính nhân văn, đậm tình người, câu chuyện này nhận rất nhiều phản đối từ dư luận, đó là sự giả dối trên phim ảnh. /..

Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Ngồi buồn vạch cúc…xem phim nước mình

Thấy cái cậu đạo diễn được cho là tài ba của xứ mình làm bộ phim mất hơn hai chục tỷ rồi nhập kho, vì chiếu chẳng có ma nào xem, mới hay phim của người Việt thậm tệ đến thế nào. Một bộ phim tiêu tốn cả hàng chục tỷ đồng, vậy bao năm qua, có bao nhiêu tỷ đổ vào những bộ phim như vậy để rồi xếp xó. Tiền đấy là tiền dân, tiền của những con người lam lũ, còng lưng chắt chiu từ những mùa vụ nắng rát mặt, rét buốt chân. Trong khi bao trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa còn ăn đói, mặc rách, trường thì sập sệ, bàn ghế thì gãy đổ, chỉ cần một tỷ đồng, bọn trẻ có thể được một chỗ ngồi học tử tế hơn. Ấy vậy mà, những đống tiền tỷ kia cứ dễ dàng ấn vào tay những cậu văn nghệ sỹ có tý “bỗng” vào là bán giời không văn tự, phét đến tận mây xanh, rằng tác phẩm của mình là nhất! Để rồi khi tiền đã giải ngân xong, chuyển hóa thành những bộ phim vô thưởng, vô phạt, đến nỗi khán giả không lấy một bóng người ngó qua mới thấy sự phí phạm đến vô cùng! Mình đọc cái này trên Giáo dục Việt Nam, thấy quá nhiều cái đúng cho phim Việt Nam, chẳng thế, ông Khoa ông ấy bảo ở nhà vạch cúc mà xem C, còn hơn vào rạp xem phim của cái nước mình nó sản xuất…hahaha Câu chuyện khán giả thờ ơ với những bộ phim sản xuất trong nước không phải là chuyện mới. Nó đã và đang tiếp tục làm cho các nhà sản xuất phim trong nước phải đau đầu. Vậy, đâu là nguyên nhân khiến khán giả không mặn mà với điện ảnh nước nhà. Một bộ phim hấp dẫn phải xuất phát từ một kịch bản tốt. Không có bất cứ đạo diễn nào có thể nhào nặn ra một bộ phim hấp dẫn dựa trên kịch bản dở. Kịch bản có thể coi là yếu tố quan trọng mang tính quyết định cho sự thành bại của một bộ phim. Tuy nhiên, điện ảnh Việt đang thiếu một đội ngũ biên kịch chuyên nghiệp đủ tâm và đủ tầm để cho ra đời những câu chuyện thực sự hấp dẫn, mang hơi thở của thời đại. Ở lĩnh vực phim truyện, đa số các đạo diễn, nhà sản xuất kiêm luôn người biên kịch. Đôi khi, họ vừa chỉ đạo diễn xuất vừa “sáng tác” kịch bản. Do vậy, nhìn chung, kịch bản của không ít bộ phim Việt Nam khá hời hợt về nội dung. Thậm chí, không ít bộ phim như Cát Nóng, Tối nay, 8 giờ (của đạo diễn Lê Hoàng); Bụi đời Chợ Lớn,…bị cho là thiếu logic trong tình tiết của truyện. Ngay cả những bộ phim ăn khách như Scandal, Mất xác, Mỹ nhân kế… vẫn tồn tại những hạt sạn to đùng trong tình tiết và diễn tiến của truyện phim. Ở các bộ phim truyền hình, các nhà sản xuất và đạo diễn luôn phải “gồng mình” để kéo bộ phim ra 30 – 40 tập cho phù hợp với “tiêu chuẩn”. Thêm vào đó, kết cấu và tình tiết của truyện phim khá đơn giản. Do vậy, người xem chỉ theo dõi vài tập đầu là có thể “đoán” được tuyến nhân vật cũng như kết thúc của truyện phim. Điều này không tạo cho khán giả cảm giác háo hức, chờ đợi được theo dõi những tình tiết bất ngờ của phim. Có rất ít bộ phim Việt như Gió làng Kình, Ma làng, Ngõ lỗ thủng,… đi vào những góc cạnh, những vấn đề thời sự nóng hổi của cuộc sống. Việc kịch bản chạy theo thị hiếu tầm thường làm cho phim Việt xa rời thực tế cuộc sống. Các bộ phim truyền hình Việt thường thực hiện kiểu quay hình trước, lồng tiếng sau. Diễn viên lồng tiếng thường phải cố gắng để làm sao cho tiếng phù hợp với khẩu hình. Điều này khiến cho lời thoại trở nên khô cứng, thiếu cảm xúc. Cùng với sự ngô nghê, thiếu logic của lời thoại, cách “diễn tiếng” này làm cho phim Việt bị chai cứng về cảm xúc. Người xem cảm thấy nhàm chán trước những lời thoại đều đều không cảm xúc của diễn viên. Không chỉ thế, không ít bộ phim khẩu hình của diễn viên không đi đôi với tiếng. Nó khiến người xem có cảm giác đang được xem “nói nhép” một cách lộ liễu. Đặc điểm chung nhất trong các bộ phim Việt Nam chính là cách ngắt câu khá vô lý của các diễn viên lồng tiếng. Những lời đều đều và cách ngắt nhịp độc nhất vô nhị kiểu như: “Anh ấy… đang rất buồn” hoặc: “Tôi không ngờ… anh lại… có thể làm…như thế”. Không chỉ có lời thoại của nhân vật, những âm thanh từ ngoại cảnh cũng khá thô và đầy tính sắp đặt. Đôi khi nó trở nên thô vụng và vô lý đến không thể chấp nhận được. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến phim Việt kém hấp dẫn khán giả xem truyền hình. Diễn viên là một trong những yếu tố làm cho phim Việt càng trở nên kém hấp dẫn. Hầu hết các bộ phim đều sử dụng các diễn viên “tay ngang”. Sự thiếu kiến thức về diễn xuất cũng như vốn sống làm cho các diễn viên không thể lột tả hết những cảm xúc của nhân vật (vốn đã khá gượng ép về mặt kịch bản). Do vậy, người xem dễ dàng nhận ra sự cố gắng để “khóc” cho thật giống… khóc của diễn viên. Việc diễn viên phải gồng mình để diễn tròn vai càng làm cho bộ phim trở nên nặng nề và đầy tính kịch. Không chỉ thế, để thu hút khán giả, không ít đạo diễn mạnh dạn mời các hotgirl tham gia diễn xuất. Những “người nổi tiếng” vì ngực khủng, phát ngôn sốc này trở thành một trong những nguyên nhân biến điện ảnh Việt trở thành thảm họa. Thêm vào đó, những lời thoại đầy tính kịch, thậm chí sáo mòn khiến cho các bộ phim truyền hình trở nên kịch và xa rời với đời sống thực tế. Rất khó để khán giả có thể thấy một đoạn thoại thực sự đời thường trong các bộ phim Việt. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho phim Việt luôn xa lạ với khán giả./..