Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

6 còn là ít

Tổng hợp những gì đang diễn ra trong giới báo chí, nhà báo lão thành cách mạng Hữu Thọ đã chỉ rõ 6 nhóm hành vi lạm dụng thế lực của một số nhà báo. Cụ thể gồm: Ép buộc, van nài, đe dọa các doanh nghiệp để xin quảng cáo, ăn hoa hồng; Viết bài tâng bốc theo lối quảng cáo để nhận thù lao các kiểu; Mang thư bạn đọc đi đe dọa các đơn vị và người bị "tố cáo" để đòi tiền; Hùa nhau đánh thuê, đánh lên cao theo kiểu "Erostat đốt đền"; Viết bài bảo vệ tội phạm theo kiểu "dùng chữ nghĩa, hình ảnh để bảo kê"; Lợi dụng sự quen biết rộng rãi để tham gia đường dây chạy các thứ, kể cả chạy chức, chạy quyền.. Mặt khác, nhà báo Hữu Thọ cũng chỉ rõ 4 nhóm hành vi lợi dụng báo chí, gồm: Lợi dụng báo chí như công cụ để tự đề cao, để nổi danh hòng trúng cử trong các cuộc thi, không chỉ "loạn Sao, loạn Hậu" mà cả trong những cuộc tranh giành chức vụ chính trị; Lợi dụng báo chí để hạ đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh và trong cả chính trị; Lợi dụng báo chí để trả thù cá nhân; Lợi dụng báo chí để che chắn tội ác, bảo vệ tội phạm... "Những người bị lợi dụng hay lạm dụng thế lực báo chí như trên, thực sự không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, mà còn không xứng đáng với đạo làm người, có trường hợp vi phạm pháp luật. Có người mỉa mai nói tới hai căn bệnh, đó là "lệch thị" – chỉ nhìn một phía màu đen, và "nghẽn tai" – chỉ nghe một chiều thuận tai. Hai bệnh này không chỉ có ở nhà báo, nhưng với nhà báo thì nó sẽ tạo thành tác phẩm có sức lan tỏa rộng trong xã hội, rất nguy hiểm", nhà báo Hữu Thọ nhấn mạnh./….

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

Cay đắng

21/6, cái ngày gọi là sinh nhật của những người làm báo. Hơn mười năm trước, nhiệt huyết đong đầy, phấn khích phát cuồng vì Nó, giờ nhạt như nước luộc trứng vịt lộn. Mới hay, sự ồ ạt tuyển chọn phóng viên và cấp thẻ nhà báo mấy năm qua, đã khiến một bộ phận không nhỏ “sâu bọ” lọt vào cái nghề nguy hiểm nhưng vinh quang này. Hôm trước, Hà Nội chặt cây, ầm ầm chửi; hôm sau giông tố, cây đổ chết hai mạng, thương hàng chục mạng, nát bét nhiều xế hộp…cũng ầm ầm chửi. Hà Nội trồng cây, cây mới trồng bị bật gốc, gốc chưa tháo cái gọi là nilong bọc, ầm ầm chửi, chưa biết cái túi bọc đó có phải là chất liệu tự huỷ hay không? Hơn chục cái tàu điện mua của Tàu khựa, ầm ầm chửi, không tìm hiểu xem tại sao lại như vậy, khi mà nguyên nhân chẳng có gì khó hiểu, chung qui là do cái xứ mình nó nghèo… Chỉ có mỗi cái xe buýt cũ rích đang bị kéo vào xưởng thì đứt dây cáp, nằm chềnh ềnh trên đường mà báo chí thi nhau phân tích với những tình tiết ly kỳ, rợn tóc gáy, còn hứng chí lên gọi là xe buýt ma. Cái thằng dở hơi hát như đấm vào tai quê ở Thành Đông, quanh năm làm nghề trồng ổi, chỉ vậy thôi mà các nhà báo xúm lại khai thác đề tài cả nửa năm giời không hết chuyện… Cây cột điện bị lốc làm đổ kềnh trên đường, nó đổ vì nguyên nhân gì? Chất liệu ra sao…, mấy nhà báo nhớn nhìn qua phán nguyên nhân như đúng rồi. Hoá ra, nhà báo cái gì cũng biết, uyên thâm trong mọi lĩnh vực. Kinh!!! Rất kinh và quá đỗi tào lao, đau cho báo chí xứ mình lắm thay! Không còn gì để nói, bèn trích đoạn này trong blog Trelang ra đây, xong rồi còn đi mút rượu để buồn cùng ngày vinh danh này: “…Nhân dân nên tỉnh táo khi tiếp cận thông tin, các bạn đang sống trong một đất nước có sự chọn lọc tập trung cao độ, nơi gần như những đứa ngu, mất dậy, thối mồm, láo toét tham lam nhất đều tập trung vào một nghề: Nghề báo.”

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Chọn trường

Nếu bạn hỏi tôi - "nên chọn trường nào cho con?", tôi sẽ nói thế này: Riêng mẫu giáo nếu có điều kiện chọn trường khá một chút, vì lí do an toàn chứ không vì học hành, tuổi ấy thì học gì. Phổ thông thì trường nào cũng được. Trừ khi con bạn bị tự kỉ, là học sinh cá biệt, còn thì trường nào cũng thế cả. Trường nào gần nhà càng tốt, đỡ đi lại vất vả. Nếu thích thì cứ để nó thi vào Amsterdam, chuyên Tổng hợp, Sư phạm. Vào được thì tốt, ko vào được chẳng sao. Những môn lởm khởm như Văn, Sử, Địa, Đạo đức, Chính trị thì từ lớp 1 đến Đại học ở Việt Nam đều dạy thối như nhau, thối tức là tệ hơn dở. Tốt nhất là không học, trừ khi phải học để đủ điểm lên lớp và tốt nghiệp. Nếu bạn rắp tâm cho con học đại học ở nước ngoài thì chẳng cần học văn, sử, địa, chính trị. Chỉ hại não, hỏng người. Còn các môn tự nhiên như Toán, Lí, Hoá, Sinh ở mức phổ thông là kiến thức chung của nhân loại, dạy hay dạy dở thì nó vẫn thế, chẳng khác nhau mấy. Hơn nữa với sự phổ cập internet thì con bạn có thể kiểm tra thầy dạy đúng hay sai. Không thể nào ở trường Ams họ dạy 2+2 = 4, còn trường làng thì 2+2= 5. Đơn giản là không thể, cho dù giáo viên có kém đến đâu. Kiến thức là đồng nhất ở mọi nơi. Có thể dân chủ của ta gấp triệu lần dân chủ Mĩ, nhưng toán - lí - hoá - sinh ở mức phổ thông thì như nhau cả. Tôi có đứa cháu con bà chị. Nó học một trường PT ở tỉnh lẻ. Bố nó phải đi tù vì một chuyện lãng xẹt, mẹ buôn thúng bán mẹt. Vì chẳng thần thế gì nên nó bị phân vào lớp mà ngoại ngữ là tiếng Pháp, bọn con nhà khá giả được vào lớp tiếng Anh. Năm 1999, hội francophony tổ chức thi tiếng Pháp. Nó tham gia và được giải cao, chính phủ Pháp cho nó học bổng học đại học ở Pháp. Trong khi những người khác đi học bằng tiền ngân sách chọn tỉnh lẻ như Toulouse, Lyon, Marseille cho nhẹ thì nó chọn trường ở Paris, khó hơn. Nó luôn đứng đầu lớp và luôn được cấp học bổng. Nó tiết kiệm học phí, thuê nhà, tự nấu ăn đến mức còn thừa tiền nuôi được thằng anh sang học ké. Tốt nghiệp xuất sắc, nó được một tập đoàn viễn thông của Đức nhận làm việc ở Paris, đã 8 năm, lương cao, đủ mua căn hộ đẹp. Một đứa nữa con bà chị khác, học 1 trường PT rất bình thường ở HN. Bố mất sớm, mẹ buôn bán nhì nhằng. Nó bằng tuổi con gái tôi. Hết lớp 11 con gái tôi đi Anh học. Nó cũng muốn đi nước ngoài, nhưng mẹ nó nghèo, ko có tiền cho nó đi. Nó hỏi tôi. Tôi bảo cháu cứ lên mạng, hỏi tất cả các trường, nhất là các trường Mĩ. Trong khi chờ đợi thì học thêm tiếng Anh. Một trường nhận nó vào lớp Foundation. Nó bảo chỉ có đủ tiền mua vé 1 chiều. Trường cho toàn bộ học phí và homestay, mẹ phải lo tiền ăn. Tôi chỉ giúp nó làm chứng minh tài chính để có visa đi Mĩ. Thế thôi. Nó thoả thuận với bà chủ nhà là sẽ giúp bà cắt cỏ trong vườn vào cuối tuần, bà đỡ phải thuê người cắt, dần dần nó cắt cỏ cho cả hàng xóm, tiện thể mà. Tiền cắt cỏ thừa tiền ăn. Chương trình đại học 4 năm nó học trong 2 năm rưỡi, lại còn để dành được ít tiền. Bây giò nó là Giám đốc 1 bộ phận của 1 ngân hàng lớn ở Việt Nam, lương net 90 triệu. Nó mới 32 tuổi nhưng đã đi làm 11 năm, mua được nhà riêng ở Hà nội, và thêm 1 bằng mba với hàng chục chứng chỉ đào tạo các ngành mà nó cần cho công việc ở một ngân hàng. Chẳng cần ai giúp cả. Từ đáy lòng tôi rất khâm phục 2 cháu này. Tiện thể cũng nói rằng, những thông tin kiểu như cháu nọ cháu kia đỗ đầu vào 5-6 trường đại học của Anh, Mĩ là tin vịt thôi. Người ta có bắt thi đâu mà đỗ đầu hay đít. Bạn chỉ cần tốt nghiệp phổ thông, biết tiếng Anh ở mức nghe hiểu, nộp hồ sơ là tất cả các trường đại học nhận tuốt. Trừ một số trường danh giá như Harvard, Stanford, Cambrige ... phải có thêm essay, phỏng vấn. Khi con tôi chuẩn bị đi học đại học nước ngoài, tôi đã thử làm vài bộ hồ sơ với tên giả gửi chục trường hàng đầu của Mĩ, Anh. Nhận tất. Vài trường còn cho học bổng. Lưu ý các bạn là bộ phận tuyển sinh đánh giá cao việc bạn tham gia các hoạt động tập thể như đội trưởng đội bóng, tổng biên tập báo trường, ban nhạc của lớp hơn hẳn các thành tích cá nhân như huy chương vàng olimpique toán quốc tế. Vậy nếu con bạn có ý thức học hành thì trường nào cũng được. Còn vào đại học, nếu có điều kiện thì nên chọn trường khá 1 chút ở nước ngoài, không thì học trong nước. Thực ra cũng chẳng quan trọng lắm đâu. Chỉ có 20% số người có bằng đại học làm đúng nghề đã học. Bằng đại học chỉ để loè người quen và phòng cán bộ thôi./.. (Nguồn Beo)