Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Tết

Bốn Tết trời Nam… Tết này mát hơn ba Tết trước. Sáng 30, dậy sớm, mùi hương vòng cháy suốt đêm ngan ngát, mở tung cửa giữa, nhìn ba nhành lan hồ điệp, bông trắng tinh khôi, thấy nhớ nao lòng… Gửi theo hơi ấm và những hương vị đặc trưng của ngày Tết cho em! Để cảm nhận rằng mình rất gần nhau… 30 Tết nắng nhạt, gió nhè nhẹ, không khí thoáng đãng dễ chịu thấy hồn thư thái. Bất chợt thích nghe “ Tiếng hát nơi đảo xa”. Nghe cô ca sỹ người Tiền Giang hát thấy rưng rưng trong lòng. Nhớ Trường Sa, nhớ những ngày lênh đênh trên đại dương, mong ngóng từng giờ để được đặt chân lên đảo…và từ ngày ấy đã biết Tết ở đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn. Nhìn cảnh người xe chen nhau đi mua sắm, đường sá kẹt cứng vì không ai chịu nhường ai mà thấy lòng ngao ngán. Người người đua nhau sắm Tết, thượng vàng hạ cám đều mang ra để bán trong ngày Tết, hàng thì chất đống nhưng vẫn tăng giá. Ngày xưa giá tăng bảo xăng tăng, giờ xăng giảm giá vẫn tăng, hỏi vì sao thì được nghe câu nói thật, quanh năm có mấy ngày Tết nên phải tăng để kiếm ăn. Thế mới biết xứ mình khổ thật, khổ nhất vẫn là dân, trong đó có mình! Thấy bảo ở Thủ đô nghìn năm văn vở, giá trông xe máy đã lên 20 nghìn một lần gửi, gấp 4 lần qui định. Giá vé ghi một đằng, thu tiền một nẻo. Mình ước gì một lần được ăn Tết ngoài đảo, cảm nhận sự tĩnh lặng của không gian và thời gian, không thấy cảnh bon chen, tranh giành lẫn nhau của cái bọn gọi là người ở trong đất liền! Những cái Tết đơn sơ của bao người đang bảo vệ phên giậu đất nước, không quà biếu, không phong bao, không hoành tráng những đào, những mai cả trăm triệu một cây, nhưng chắc chắn sẽ ấm lòng và ngập tràn hạnh phúc. Càng thấy quặn lòng khi nhìn những giọt nước mắt của người bán hoa, cây cảnh chiều cuối năm Sài Gòn, họ khóc vì hoa ế! Bữa cơm đơn sơ của những công nhân làm vệ sinh môi trường đêm 30, thấy xót lòng, ứa nước mắt! Những xe dưa hấu bán xô một giá 10 ngàn một trái nặng cả 5-7 cân mới thấy nỗi nhọc nhằn của nông dân trong chiều 30… Tết năm nay ai vui? Có những điều tưởng chừng như vui nhất năm nay cũng trở nên nhạt thếch, đó là Táo quân 2015, một nhận xét chung: cũ, nhàm chán, nhạt nhẽo và vô bổ! Mình ngồi nhìn ba nhành lan hồ điệp trắng tinh khôi và nhớ…, Tết giờ đã khác Tết ngày xưa, chỉ còn một nỗi nhớ, nỗi nhớ đằm sâu, theo mình suốt cuộc đời này, khoảnh khắc đêm 30 thiêng liêng cũng chỉ hướng về nỗi nhớ đó mà thôi, mình mở cửa, nhìn ra ngoài trời đêm và chào một mùa xuân mới trong nỗi nhớ thương vô hạn!

Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

Cậu Minh

Bên ngoại nhà mình có năm chị em, mẹ là lớn nhất, sau đó là ba cậu và một dì. Dì bị bệnh mất sớm lắm, lúc đó anh Tuấn còn chưa sinh, nên mình chẳng thể nào biết được mặt dì. Nhưng nghe nói, dì xinh, trắng, nhanh nhẹn. Ông bà ngoại quê gốc ở Ninh Bình, vì mưu sinh đã chọn đất Chi Nê- Lạc Thủy- Hòa Bình làm quê thứ hai, giờ ông bà nằm bên cạnh một nhánh của sông Bôi, dưới chân núi đá vôi cao ngất, quanh năm đổ bóng xanh thẫm xuống dòng nước trong đến tận đáy. Nơi ông bà yên nghỉ thanh bình đến tĩnh lặng, cái tĩnh lặng của miền sơn cước khiến người ta một lần tới đó thấy lòng mình trong sáng đến vô cùng, quên biến những đố kị, toan tính nhỏ nhen đời thường. Mình vẫn nhớ như in cái lần sau mấy chục năm chị về thăm ông bà ngoại. Bước thấp, bước cao theo sau theo cậu, tìm được mộ ông bà, chị nấc lên từng tiếng và ngồi thụp xuống bên đầu mộ, ai dỗ cũng không nín. Trở lại chuyện về cậu Minh, cậu là thứ ba, tính từ mẹ. Lúc nhỏ, được bố mẹ cho về quê ngoại chơi vào những tháng nghỉ hè. Cả đêm không ngủ được vì nghĩ đến mai được ngồi ô tô cả ngày, bồng bềnh về quê ngoại. Ở đó, có những ngọn núi cao vút, những quả đồi lúp xúp chạy ven đường, bao nhiêu loại cây xanh mướt mát khiến cho những quả đồi biến thành những mâm xôi đầy ắp một màu mơn mởn. Về ngoại, có hai cậu, Bình và Minh. Nhưng dẫn mình và mọi người trèo đồi, chặt củi, hái sim là cậu Minh. Ngày ấy, cậu chỉ gần 30, cả hai vợ chồng cậu là giáo viên cấp một, dạy học một buổi và một buổi lên nương trồng sắn, kiếm củi, thêm thắt vào bữa ăn cho cả nhà. Ấn tượng về cậu hồi đó là mỗi lần đi đồi về, cậu cho mình cả một bơ sim chín mọng. Những trưa hè không ngủ, theo cậu ra vườn khảo mít. Chỉ cần cậu vỗ vào quả mít bồm bộp là y rằng nó tụt cuống, tỏa ra một mùi thơm nưng nức. Chỉ một lát sau, những múi mít béo mọng, vàng ươm được bàn tay cậu tách ra để vào trong chiếc giá tre, nhìn chứ chưa cần ăn đã chảy nước miếng. Đến bây giờ mình vẫn còn cảm giác ngọt và thơm của từng loại mít trong vườn cây nhà ông ngoại. Năm tháng dần trôi, mình cũng mỗi năm lên một lớp, quãng đường từ quê nội về quê ngoại đã thấy gần hơn. Những ngọn núi bên dòng sông Bôi đã thấy thấp hơn, cảm giác đi xe khách từ quê nội đến quê ngoại cũng bớt thích hơn, bởi đã thấy cái nóng, sự chật chội và những mùi khó chịu trong các chuyến xe. Cậu Minh và mợ không được dạy học nữa, nghe nói đâu, cậu mợ sinh quá tiêu chuẩn cho phép, cậu đẻ năm đứa, thằng Quang cuối cùng mắc dị tật. Cũng kể từ ngày đó, nền kinh tế của gia đình cậu xuống dốc không phanh. Hai cậu mợ về nghỉ trước tuổi, đồng tiền được lĩnh chẳng đáng bao nhiêu. Bảy miệng ăn trong thời bao cấp còn hơn cả tằm ăn rỗi. Sắn, ngô trồng được trong vườn ông ngoại là thứ lương thực chính cho gia đình cậu. Nhưng rồi đến những thứ đó cũng trở thành khan hiếm khi chúng không thể sinh sôi kịp với sự lớn nhanh của năm đứa trẻ với năm cái dạ dày lúc nào cũng hau háu! Ngày ấy, cả nước đói, nhà mình năm người, được ăn đủ gạo sổ mà cũng còn đói vàng mắt nữa là nhà cậu. Để chống lại cái đói, nghe nói cậu đi vào trong thung lũng, cách nhà chừng 15 cây số để thuê đất trồng ngô. Ngày ấy, sau vài năm bỏ học phiêu bạt nơi đất Nam, mình trở về Bắc, trở về với hành trang là hai bàn tay trắng, cùng với hai bộ quần áo mùa hè. Không còn được học nữa vì đã quyết bỏ môi trường sư phạm. Muốn đi học thì phải đợi đến kỳ thi tháng 6, và quan trong nhất là phải ôn thi lại. Ngày mình về Bắc đúng vào 20 Tết. Cái lạnh thấu xương của những ngày cuối năm khiến mình cảm giác như rơi xuống đáy vực không còn đường thoát. Về nhà trong một tối mùa đông, nhìn thấy một người xa lạ đang lau bàn, mặc dù đã biết trước đó là chị dâu, bởi ngày ở trong Nam đã nghe tin anh cả lấy vợ, nhưng vẫn không khỏi sững sờ. Ở nhà vài bữa thấy chân tay không yên, chỉ muốn đi, nhưng không biết đi đâu. Thấy ông cả lúi húi tỉa cây ngoài vườn, bèn ra ngắm nghía. Ông cả bảo, giờ người ta chuộng nhất là sung, si, đa, lộc vừng. Mày đi kiếm những loại đó về đây tha hồ tiền mà đi học, khỏi xin bố mẹ! Mình nghe mà như thấy có một con đường giải thoát thênh thang trước mắt, bởi những thứ đó theo mình nghĩ thiếu cha gì! Đêm đó, nằm trằn trọc, nghĩ suy vận mệnh, quá nửa đêm chợt nảy ra ý định về quê ngoại với cậu Minh, bởi ngày xưa mỗi lần về trong đó, theo cậu lên đồi, cậu chỉ cho bao nhiêu thứ cây lạ hoắc, gốc cây xù xì, ngộ nghĩnh, bám chắc trên đá mà lá cây xanh mướt. Mình quyết định đi Chi Nê- Hòa Bình, về với cậu Minh vào một buổi sáng mùa đông không lạnh lắm, lên Hà Nội, rẽ qua ký túc xá Tổng Hợp, rủ Phong – Triết K35, cùng lớp với anh cả, quê Thái Bình đi cùng. Rất may, Phong đang ôn thi cuối kỳ nên đồng ý đi cùng nhưng với điều kiện chỉ cuối tuần là trở về Hà Nội. Sau gần ba tiếng lắc lư trên chiếc xe già nua, hai thằng đã đến được bến xe Chi Nê. Một vùng đồi núi che sùm sụp tầm mắt, tầm nhìn hình như không quá 5 km, lóc cóc đi bộ về nhà cậu, chân mỏi rã rời vì vừa đói, vừa phải leo dốc đồi, nghe mợ nói, cậu vào thung làm nương 5 năm nay rồi, mợ cũng vào, nhưng thỉnh thoảng chạy qua, chạy lại để trông nhà. Bọn em mày cũng theo cậu vào trong đó hết. Thôi bây giờ ra ngoài đường, mợ xin cho đi nhờ xe trâu rồi vào thung với cậu, chứ ở ngoài này cũng chẳng có gì mà ăn. Mình đứng lặng nhìn ngôi nhà thưng vách gỗ mít của ông bà ngoại ngày xưa để lại, giờ bạc trắng màu thời gian, những hòn đá kè vỉa hè không còn chất kết dính, hở hoác thành những cái hang sâu thăm thẳm chạy trong lòng nhà. Vườn mít không như ngày nào, xanh mướt, sum xuê, gốc nhiều cây đã gồ ghề, cành khẳng khiu, không còn sức sống, cho thấy những vụ quả ngày càng tằn tiện, hiếm hoi. Sau hơn một giờ ngồi lên chiếc xe trâu lọc cọc, đi theo hướng ngược Chi Nê ra Vân Đình, mình và Phong hỏi đường vào trong thung lũng, người bán hàng xén hướng dẫn tận tình khi biết có người ở đồng bằng vào thăm họ hàng trong thung. Leo qua một quèn đá dựng đứng, có chỗ chỉ một người lách qua, nơi sinh nhai của cậu là một cái thung lũng nằm lọt thỏm giữa tứ bề là núi đá vôi thẳng đứng, sừng sững. Cái thung lũng này chỉ có hai gia đình lên thuê đất trồng ngô và sắn, trước đây nó là một trang trại của người Pháp trồng cà phê, sau này hợp tác xã ở đây cai quản và cho dân thuê lại. Cậu cháu gặp nhau mừng mừng, tủi tủi, sau bao năm xa cách, một hình ảnh của cậu trai trẻ, sung mãn ngày nào giờ khác đến xa lạ trước mắt mình. Tóc bạc như cước, râu ria lởm chởm, bộ áo quần khoác trên người cậu bạc phếch, tay chân gân guốc, không thể nhận ra, bàn tay cậu ngày xưa đã từng cầm phấn viết lên bảng những dòng chữ thẳng hàng, đều tăm tắp, giờ đây chai sần với cuốc, với dao… - Sao biết cậu ở đây, ai chỉ đường mà hai thằng mò vào được chốn này? Để cậu bảo thằng Nhật gọi gà về, bắt con gà mái nuôi con vụng làm thịt ăn bữa trưa nay! Mình đứng lặng nhìn căn lều cậu và mấy đứa trẻ con ở mà mắt rưng rưng. Mái lều lợp lá mía lè tè, chiếc giường làm bằng những thân cây trên núi đá chặt về ghép lại buộc chắc bằng những sợi mây rừng. Tài sản của cậu nhìn mãi không có gì đáng giá, vài ba cái xoong nhôm méo mó đen thui treo trước bếp, những bộ quần áo vá chằng vá đụp vắt chồng lên nhau qua một sợi dây thép đen bóng buộc từ cây cột đầu lều xuống cây cột cuối lều… Trên vách lều, cơ man là đuôi sóc khô. Cậu bảo, sóc nó phá ngô nhiều lắm, đặt bẫy mãi cũng không xuể, ăn chán cả thịt sóc rồi!Mấy hôm nay mợ mày mang sóc ra ngoài nhà bán, chứ không cậu làm thịt sóc cho ăn! Bữa trưa hôm ấy, cậu cho mình và Phong ăn cơm với thịt gà luộc chấm muối, bởi cũng chẳng thể chế biến được gì khả dĩ hơn món này. Không nước mắm, không lá chanh, không một thứ gia vị nào khác ngoài muối trắng, hạt muối to như hạt ngô. Nhìn mâm cơm, mình cũng đã hiểu, ngày thường cậu và các em ăn như thế nào! Món thịt gà vàng ươm nuôi bằng ngô xé ra chấm muối trộn tiết. Rượu gạo mang từ thị trấn vào thơm lừng, uống mềm hết môi…, bữa ăn hôm đó mãi theo mình đến tận bây giờ! Mười năm cậu ở trong thung, chừng ấy thời gian đã biến cậu từ một thầy giáo thư sinh thành gã nông phu đầu tắt mặt tối. Hãy tưởng tượng bốn bề là núi, 9 giờ sáng mới thấy mặt trời và ba giờ chiều hoàng hôn đã tắt, đêm xuống rất nhanh trong thung với muôn vàn tiếng kêu rầu rĩ của những sinh vật hoang dã, cả thung lũng chìm trong bóng đêm đặc quánh,khiến cho ánh sáng của ngọn đèn thắp bằng dầu hỏa càng thêm leo lét. Mình nằm ngủ ba đêm thôi mà cảm nhận thấy đêm trong thung dài lê thê và đêm đông giữa bốn bề là vách đá thì lạnh buốt và cô đơn đến vô cùng! Mười năm cậu vào thung sinh sống, bằng ấy thời gian cậu đã làm được một việc phi thường, nuôi sống cả nhà 7 miệng ăn, trả hết số nợ nần của những ngày tháng cơm cháo lần hồi trong vay mượn. Ngày ấy giờ đã cách đây 22 năm! Vật đổi, sao dời…, Phong giờ là Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Trưởng khoa Kinh tế- Chính trị Học viện báo chí tuyên truyền. Ông cả nhà mình làm Viện phó một cái Viện tên dài như dòng sông Bôi mà không sao mình nhớ nổi, còn bà chị dâu lạ lẫm ngày nào mình về gặp giờ đã có hai đứa con gái chuẩn bị lấy chồng..., Mình cũng đã lăn lóc qua bao nhiêu nỗi nhọc nhằn chuân truyên, có lúc tưởng như chào xa tất cả để về miền sương khói mờ nhân ảnh. Nhưng điều này không dễ thì phải, bởi các cụ bảo sống chết có số! Năm 2010, rời xa quê, mình vào Nam sinh sống, cậu cũng vào Nam ở cùng với con trai trưởng,nhà cậu 5 người giờ mỗi người cũng một nơi, 2 Bắc, 3 Nam. Cái thằng thịt gà cho mình ăn bữa ở trong thung giờ ở chung với cậu. Mấy năm trước, cậu ở với nó được một vài tháng, chưa ấm chỗ lại đòi ra quê, cậu thèm về với đất Chi Nê, nơi có dòng sông Bôi xanh thăm thẳm uốn lượn qua bao chân núi đá vôi dựng đứng, về với đồi Hoa, nơi có bạt ngàn là mua và sim tím ngăn ngắt trải khắp sườn đồi. 5 năm, 4 cái Tết, cậu ăn 3 cái Tết ngoài quê. Năm nay, cậu nói ở lại ăn Tết trong này, không về nữa, mình nhìn mái tóc bạc như cước của cậu, bàn tay đầy gân guốc cầm chén rượu run run biết là cậu cũng đuối sức rồi, không còn như năm xưa để có thể nhảy tàu, nhảy xe vi vu về được nữa. Nhìn cậu, nghĩ đến bố mẹ, tất cả giờ đã bước dần về cõi tiên, bởi giờ đây, mỗi một năm mới đến thấy sức yếu dần đi, những lần cùng cậu nhâm nhi chén rượu như này chắc chẳng còn nhiều nữa! Không còn như cái ngày uống trong thung, rượu mềm môi vẫn đòi rót thêm. Cậu bỗng bảo mình, không xưng cậu với mày nữa: Anh ạ, tôi đang suy nghĩ lắm, nên về hay ở lại đây? Nghe thế, mình biết cậu hỏi vậy là ý như thế nào. Mình chỉ một lời với cậu, cậu cứ yên lòng ở đây, ở với vợ chồng nó, vì nó là con trưởng, rồi khi xong xuôi, cậu sẽ được về quê mà! Lúc đó cậu sẽ được gần ông bà, gần dòng sông năm nao cậu đưa mình đi mua ống giang về cho ông ngoại đan quạt, gần vách núi đá sừng sững soi bóng bên sông Bôi với những bãi mía chạy miết mải tới tận chân núi, ở đó, có những con trâu lầm lũi kéo mật, mùi mật mía thơm lựng trong sương chiều không cất cao được quá đầu người. Ở đó, rất gần những triền đồi, nơi có bạt ngàn là mua và sim, mùa hoa nở tím đến nao lòng. Bao nhiêu sim và mua lòa xòa như níu chân người bước vội trên những con đường mòn khi bóng chiều đã xuống, để kịp về ăn bữa cơm với gia đình chiều 30 Tết!