Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

Ông Năm Nổi

(Bác cả nhà mình với cụ Năm Nổi)
Cách thành phố Hồ Chí Minh gần hơn 200 cây số, ấp Lý Lịch, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) với những nóc nhà Chơ Ro, khiêm tốn ẩn mình trong tán cây rừng xanh mướt. Đã qua rồi cái thời bọn giặc ác ôn, điên cuồng vào làng đốt phá, bắt người, làng Lý Lịch giờ đây đã yên bình trở lại. Những gương mặt phúc hậu của các cụ già tóc bạc phơ, bận đồ truyền thống, ngậm tẩu thuốc cười móm mém và đám trẻ thơ mắt đen lay láy đùa vui râm ran bên vách nhà sàn đã trở thành hình ảnh quen thuộc.
Đến ngôi làng anh hùng để gặp lại con người đã làm nên một phần lịch sử oai hùng ấy, từ lâu, già Năm Nổi (tiếng Chơ Ro gọi là già Tơ Tơ) đã trở thành một biểu tượng của tấm lòng người Chơ Ro suốt đời chung thủy với cách mạng, theo cụ Hồ.
Ngôi nhà sàn truyền thống xinh xắn nằm bên kia dòng Sa Mách huyền thoại là nơi sinh sống của già Năm Nổi và vợ là bà Hồng Thị Lịch. Đã qua ngưỡng tuổi 80, nhưng hai vợ chồng cụ nom vẫn khỏe mạnh và minh mẫn lắm. Những kỷ niệm về thời đánh Pháp, diệt Mỹ oanh liệt, cùng năm tháng nuôi dấu cán bộ, bảo vệ chiến khu D vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của hai con người này. Già Tơ Tơ là tên thân thiện mà bà con người Chơ Ro thường gọi già Năm Nổi. Chúng tôi được biết, người đàn ông này tên thật là Nguyễn Văn Nổi. Hiện nay, trên những tấm bằng khen của cụ có rất nhiều năm sinh. Ông Năm Nổi bảo, cha già từng bảo già chính xác sinh năm 1929, quê gốc tận ngoài Ninh Bình.
Được biết, cụ thân sinh của già đã theo chân đoàn mộ phu cao su thời Pháp thuộc vào Nam mưu sinh ở mảnh đất Đông Nam Bộ. Thế rồi, cái ăn chẳng thấy đâu nhưng đoàn công nhân của cha cụ bị bọn cai khủng bố, đánh đập tàn nhẫn. Phải chứng kiến cảnh “mỗi gốc cao su một xác công nhân”, ông đã căm phẫn cùng anh em tổ chức đình công rồi bỏ trốn vào rừng. Sau đó, ông cùng đồng bào Chơ Ro kháng Pháp. Già Năm Nổi là kết quả của mối tình hai dòng máu, cha người Kinh và mẹ người Chơ Ro. Đáng lẽ theo tập tục truyền thống, Năm Nổi phải theo họ Hồng (người Chơ Ro vùng Lý Lịch con cái mang họ Hồng). Tuy nhiên, ông cụ bảo rằng, tình yêu làng bản đã có trong tim, còn Năm Nổi lấy họ Nguyễn của cha để biết dòng dõi gốc tích của mình.
Ông Năm Nổi cho biết, trên ông còn có một người chị gái, nhưng đã mất từ nhỏ. Là con trai độc đinh trong nhà, nên ông Năm được cha yêu thương hết mực và đặt rất nhiều kỳ vọng. Cha ông là người cương nghị, thông minh, thoát ly sớm nên rất am hiểu thời thế. Đăc biệt, ông hiểu được bản chất bọn thực dân nên sớm có ý thức dân tộc, căm thù bọn giặc cướp nước. Từ nhỏ, ông Năm Nổi được cha dạy tình yêu quê hương, truyền thống dân tộc. Vốn thông minh, gan dạ nên bảy tuổi, cậu bé Năm tự nguyện gia nhập đoàn giao liên của bản.
Ngày đó, chiến khu D manh nha thành lập ẩn sâu trong rừng Lý Lịch, cách làng bằng một buổi băng rừng. Được tiếp xúc với những cán bộ lão thành như anh hùng Huỳnh Văn Nghệ (nhà chỉ huy quân sự tài ba), Trung tướng Nguyễn Bình ở chiến khu D, cậu bé Năm ước mong một ngày được mang áo lính, cầm súng đánh đuổi quân thù. Đến bây giờ, những kỷ niệm tuổi thơ làm giao liên, ông vẫn còn nhớ như in. “Tuy nhỏ nhưng tôi rất nhanh nhẹn, không biết sợ là gì. Tất cả những việc được cán bộ giao phó, tôi đều hoàn thành xuất sắc. Ngày đó, rừng Lý Lịch ngày đó chỉ có beo gấm, thú dữ chực chờ con người xuất hiện để ăn thịt”, ông Năm kể, ngày ấy, ông làm liên lạc bằng tình yêu cán bộ, yêu cách mạng cùng lòng trung thành tuyệt đối. Mỗi khi được giao thư, già Năm lại bỏ vào cán xà gạc rồi cứ thế chọn những con đường khó, hiểm trở nhất cắt rừng mà đi. Có lẽ, chính những năm tháng rèn luyện đôi chân, mà sau này ông được ví như con sóc rừng.

(Mình với cụ Năm)
Trong ngôi nhà tình nghĩa mà nhà nước xây tặng treo đầy những bằng khen, huân huy chương, cùng những bức ảnh già vinh dự đứng chung với những cán bộ một thời ở chiến khu D. Bao năm qua, người giao liên già vẫn trân trọng gìn giữ. Trong đó, bức hình có hàng chữ do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký tặng: “Thân tặng anh Năm củ chụp”. Già cho biết, đằng sau đó là kỷ niệm của một thời son sắt, tình quân dân như cá nước. Đồng bào Chơ Ro, rừng núi Lý Lịch đã dang vòng tay bảo vệ cách mạng, che chở cán bộ. Cái tên “ông Năm củ chụp” gắn với “huyền tích” một quả đồi có cây củ chụp trong những năm kháng chiến.
Nhắc đến kỷ niệm thời “bát cơm sẻ nửa”, đôi mắt già lại rưng rưng rớm lệ: “Ngày đó, kháng chiến có những giai đoạn khó khăn. Bộ đội bị địch vây hãm cô lập trong rừng. Thậm chí, người dân trong làng cũng bị những trận càn của địch hành hạ, phải tứ tán chạy vào rừng sâu. Gạo thiếu, muối không, chỉ có củ chụp nấu chín chấm với tro là thứ duy nhất có thể ăn thay cơm. Thứ “mật ngọt” núi rừng này là thức ăn truyền thống phòng khi đói kém của người Chơ Ro. Nó ngon và bổ hơn cả khoai, sắn. Nhưng do địch đốt phá, dân chúng đào nhiều, loài củ này cũng trở nên khan hiếm. Thường thì dây cây cổ chụp rất nhỏ, củ lại ăn sâu xuống đất đến cả mét. Để nhận ra và đào được củ của nó rất khó khăn, chỉ có những người Chơ Ro mới biết được bí quyết.
Chính vì theo cách mạng mà làng Lý Lịch luôn nằm trong tầm ngắm của ngụy quyền. Già Năm Nổi cho biết, ngụy thường bảo rằng: “Bọn mọi rợ (tộc người Châu Ro ở ấp Lý Lịch) này cũng nguy hiểm như những tên cộng sản, nên cần phải tiêu diệt”. Bọn địch đã dùng mọi thủ đoạn để triệt tiêu tinh thần cách mạng của người dân như bắt bớ trai làng đánh đập dã man, thậm chí là giết người để khủng bố tinh thần. Bị giặc dội bom, đốt nhà nhưng tinh thần cách mạng của người Chơ Ro vẫn âm ĩ như ngọn lửa chưa bao giờ tắt. Già Năm tự hào, dân làng Lý Lịch bao giờ cũng có một suy nghĩ. Cách mạng còn thì làng còn. Thà chết vì quê hương hơn sống dưới ngọn lê, mũi súng lũ ác ôn. Vậy nên trẻ nối gót già, người trước ngã xuống thế hệ sau đứng lên cùng bộ đội chống giặc, bảo vệ Chiến khu D, Trung ương cục miền Nam từ lúc manh nha cho đến ngày toàn thắng.
Trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, già Năm Nổi cũng luôn là lá cờ đầu của phong trào chống giặc, là lãnh tụ tinh thần của người Chơ Ro ở ấp Lý Lịch. Ghi nhận những chiến công của già Năm Nổi, Nhà nước đã hai lần phong tặng ông danh hiệu anh hùng. Những tấm bằng khen, huân huy chương chính là tình cảm đặc biệt mà Nhà nước trân trọng dành cho già Năm Nổi. Ông là thủ lĩnh tinh thần, cây đại thụ của đồng bào Chơ Ro giữa đại ngàn Lý Lịch./..

(Nguồn: người đưa tin)

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

Phố Nối mưa rào

Em ơi Phố Nối mưa rào
Đường đi nước đã ngập cao mất rồi

Một mình đứng giữa chơi vơi
Em ơi Phố Nối mây trôi dạt bèo

Một mình đứng giữa lá reo
Em ơi Phố Nối trong veo gió đàn

Ước gì mưa mãi chẳng tan
Để cho sấm cứ râm ran khắp trời

Để cho em nép vào tôi

Ôm chung một giọt mưa rơi xuống lòng.
(Đồng Đức Bốn)

Tôi đi tìm một tình yêu

Tôi đi tìm một tình yêu
Trên dòng sống chứa rất nhiều ban mai.
Tôi đi trên dòng sông gai
Lốt chân chim đậu trên vai thành hồ.
Không em từ bấy đến giờ
Bàn tay vẫn héo như cờ chịu tang.
(Đổng Đức Bốn)


Em bỏ chồng về ở với tôi không?

Xa một ngày bằng triệu mùa đông
Em bỏ chồng về ở với tôi không?
Nỗi nhớ em cồn cào như biển
Nơi em ở tôi đi và tôi đến
Cho tháng ngày em sống bớt cô đơn

Con muỗm xanh trên sóng lúa rập rờn
Mùi cỏ dại vẫn ven bờ nước đắng
Tình của em như một tờ giấy trắng
Mãi bây giờ tôi mới viết thành thơ

Tình của em như lối rẽ bất ngờ
Tôi đi đến trọn đời còn chưa biết
Dẫu cho đến tận cùng cái chết
Em bỏ chồng về ở với tôi không?

Tôi không tin rằng trong bão giông
Em cam chịu con tàu chết chìm trên sóng
Và tôi tin rằng trong cát bỏng
Em - Cây xương rồng vẫn hoa

Em ở gần tôi lại ở xa
Tim vẫn đập về nơi em nhiều nhất
Và tôi tin tình em là có thật
Những lúc buồn tôi mới viết thành thơ

Và niềm vui có khi đến bất ngờ
Tôi lại hát ru em ngủ
Nhà của em ở giữa phường Trung Tự
Cây tháp nước bồn hoa còn nhớ chỗ ta ngồi

Cỏ nát rồi cỏ mới lại sinh sôi
Hoa vẫn nở mùi hương đằm thắm
Và tôi tin một ngày gần lắm
Em bỏ chồng về ở với tôi không?

(Đồng Đức Bốn)


Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Tiền Giang khát

Không có mưa đã 5 tháng nay, nước mặn xâm nhập ngày càng sâu vào trông nội đồng, vốc nước trong đồng lên nhấm vào lưỡi, đã thấy mặn chát. Cây cối dần bị vắt kiệt, héo hon, rụng lá và chết, lúa đỏ đồng không thấy hạt đâu, đất nứt toác từng mảng..., rồi đến con người cũng héo hon vì thiếu nước. Tất cả cũng tại chính con người gây ra, con người tự làm khổ nhau..., người miền Tây đang khát, người Tiền Giang không sợ đói mà chỉ sợ khát, điều này đang hiển hiện ở những vùng đất mình mới qua!

Người đàn bà này tên Phương, để nuôi hai con bò và 5 con dê
hàng ngày chị Phương phải ra đồng bứt những đám cỏ còn sót lại trên 
những mảnh ruộng nứt nẻ kiếm bữa ăn cho đàn gia súc nhà mình
Không có nước sản xuất, máy cày nằm hoen gỉ ở góc vườn
Gia sản của người miền Tây trong mùa khô hạn
Những con bò tha thẩn tìm thức ăn nhưng chỉ là rơm khô và rơm khô
Chú dê con nằm buồn bã trên đống đất khô nỏ vì nắng
mà không buồn lê chân đi kiếm ăn
Lu tích trữ nước ngọt, những giot nước giờ quí hơn vàng..., những hình ảnh này ở Huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, Việt Nam vào 3/2016