Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

Vicente Romero Redondo

Vicente Romero Redondo, sinh năm 1956, họa sĩ người Tây Ban Nha, đây là bức tranh nổi tiếng tên là “nắng” của ông….đẹp mê hồn….

Đừng bao giờ quên người già


Vâng! Đúng thế. Đừng bao giờ quên người già! Tôi cứ phải nói to lên như thế. Thậm chí còn lải nhải nói đi nói lại. Vì sao? Vì người già đang bị bỏ quên. Mặc dù chúng ta có Hội Người cao tuổi. Báo Người Cao tuổi, rồi còn có cả chương trình: Cây cao bóng cả nữa, để lưu ý, cảnh báo, nhắc nhở chúng ta cần phải rất lưu tâm đến những người già. Thế mà vẫn có những đứa con đẩy bố mẹ ra đường trong những ngày Tết.
Ông Lép Tônxtoi có một cái chuyện ngắn rất hay. Cái truyện chỉ có vài chục chữ. Nhà có ba thế hệ. Người ông đã già. Tay run. Ngay việc ăn, uống cũng đã vất vả. Nhiều lần ông làm vỡ bát. Bởi thế, bố phải kiếm cho ông cái bát gỗ. Bát gỗ thì khó mà vỡ được. Thế rồi buổi trưa, người bố trở về, thấy cậu con trai chừng 7 tuổi đang hí hoáy đục đẽo. “Con làm gì thế?”. “Con làm bát cho bố!”. Đúng là cậu bé đang làm một món quà tặng bố. Cậu cũng muốn bố có cái bát gỗ. Nhưng cậu không biết làm, nên cái bát cậu dành cho bố y hệt cái máng lợn. Đúng là cái máng lợn!
Vậy đấy. Ta đối xử với ông bà, bố mẹ thế nào thì con cháu cũng lại đối xử với ta như vậy. Bạc ác, bất nhẫn với quá khứ, thì đừng bao giờ hy vọng có được sự tốt lành ở phía tương lai. Nhà thơ Đaghextan nổi tiếng thế giới bảo: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”.
Người già là tương lai của ta. Ai rồi cũng sẽ đến lúc già. Trong bài thơ “Trái đất quay”, tôi cũng viết:
Cái đến thì sẽ đến
Cái qua thì phải qua
Chẳng cần chi phấn đấu
Ta cũng thành …cụ già
Đấy là quy luật của trời đất. Cũng như năm nào mùa xuân cũng về. Nhưng người già lại đang bị bỏ quên. Ngày tết là rõ nhất.
Bây giờ, người ta không chỉ ăn tết mà còn chơi tết.
Chơi tết là …đi chơi. Thay cho việc về quê, người ta đi du lịch. Du lịch trong nước, rồi du lịch cả ở nước ngoài. Cái Tết đang bị biến thái. Nó không còn là một niềm vui trọn vẹn. Niềm vui của sự đoàn tụ. Hay nói đúng hơn, nó vừa vui lại vừa buồn. Vui cho lũ trẻ mà buồn cho người già.
Vì thế, có không ít cụ già rất sợ Tết đến. Bởi cái Tết không còn vui nữa. Nó lạnh lẽo và hiu hắt lắm. Một năm chỉ có 365 ngày. Trong đó có đến 360 ngày bận mọn, tất tả. Con cháu đi làm ăn xa. Chỉ có 5 ngày Tết là chúng về. Chúng về, mới hy vọng được gặp cháu con. Gặp cháu con là đoàn tụ đại gia đình. Người già sống vì con, vì cháu.
Với người già, ngắm cháu con ríu rít sum vầy vui lắm. Vui vì thấy được chính mình. Thấy tuổi thơ mình trong cháu. Thấy thời trẻ mình qua con. Nhìn gương mặt con cháu, thấy thấp thoáng hình bóng của mình và đâu phải chỉ có hình bóng của mình, còn thấy thấp thoáng cả gương mặt của bố mẹ, của ông bà, tiên tổ xưa. Hóa ra ông bà, tổ tiên đâu có xa. Ông bà, tổ tiên vẫn luôn hiện hữu ở trong mình, ở con cháu mình. Không cần phải thử AND đâu, chỉ nhìn qua vóc dáng bên ngoài, ta cũng đã thấy.
Con cháu quây quần là đoàn tụ đại gia đình. Đoàn tụ cả với tổ tiên. Không phải chỉ trong khói hương huyền áo trên bàn thờ, mà trong vóc dáng gương mặt con cháu. Vì thế, con cháu về là mang theo cả mùa xuân về. Đấy mới là mùa xuân đẹp nhất. Mùa xuân do con người làm ra. Nó rực rỡ, vui tươi và ấm áp hơn rất nhiều cái mùa xuân bàng bạc, dửng dưng đến theo quy luật tự nhiên của trời đất.
Vậy mà bây giờ, trong đời sống hiện đại, không ít người già đã bị con cháu lãng quên. Hoặc có nhớ, thì chúng nhớ cũng như quên. Bởi chúng chỉ ghé qua bố mẹ, ghé qua ông bà. Chúng thăm chớp nhoáng như một cách thực thi nghĩa vụ. Rồi thay cho việc chung vui Tết với bố mẹ, ông bà, chúng dúi cho ông bà, bố mẹ một cục tiền. Rồi chúng còn sắm cho các cụ cả một cái “a lô”. “A lô” đủ chủng loại. Cái để bàn. Cái di động. Lúc nào nhớ con, muốn gặp cháu con thì cứ “A lô”.
Nhưng người già đâu có thích cái trò chơi trẻ ranh “A lố a lồ” ấy. Với người già, một đống tiền cũng chỉ là mớ giấy lộn. Có ăn tiêu gì được nữa đâu. Điện thoại thì chả khác gì cái ống nhổ. Trò chuyện với cháu con mà cứ phải dí mồm vào cái ống nhổ thì còn gì là lý thú. Thêm nữa, nói chuyện với chúng mà chẳng nhìn thấy mặt mũi chúng, chỉ nghe tiếng nói thèo thèo bên tai. Thế có khác gì nói chuyện với ma. Nghe cứ rợn cả người. Mình chưa chết, chưa thành ma, mà đã phải sống với ma rồi. Ghê chết đi được!
Người già như ngọn đèn dầu trước gió. Chẳng biết tắt lúc nào. Tết này còn ông bà, bố mẹ. Tết sau có khi bố mẹ, ông bà chỉ còn là nỗi nhớ thương thôi. Lúc ấy, ta có muốn về với bố mẹ, về với ông bà cũng không còn cơ hội nữa. Dù có đổi đến cả một núi vàng, hay vượt qua cả vạn dặm đường bay cũng không có được một phút giây đoàn tụ với ông bà, bố mẹ.
Hạnh phúc nhất là những ai Tết này vẫn còn bố mẹ, ông bà.
Nói như Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ta có thể sà vào lòng ông bà như đứa trẻ: “Ôi! Cháu hạnh phúc quá!”, hoặc reo lên: “Mẹ ơi! Con đã về rồi đây nè! Con thương mẹ lắm! Mẹ có biết là con rất thương mẹ không?!”....

(Nguồn: Lấy ở bên nhà anh Khoa Hải Dương)

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

Vào trại tù thăm Dương Tự Trọng


“Cách đây chừng mấy số báo, tôi (Trần Đăng Khoa) có kể về cuộc gặp gỡ khá đặc biệt. Nhân dịp về dự Lễ Khánh thành Trạm phát sóng trên đỉnh núi Tam Đảo của Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi quyết định ghé qua trại tù thăm Dương Tự Trọng. Đây cũng là lần đầu tiên trong đời, tôi thăm một người tù.

Dương Tự Trọng nguyên là đại tá, cựu Phó Giám đốc Sở Công an Thành phố Hải phòng. Đó là một cảnh sát hình sự kiên cường, từng là khắc tinh với tội phạm.

Xuống Hải Phòng lần nào, tôi cũng nghe người dân thành phố và các chiến sĩ công an ca tụng anh. Họ còn coi Dương Tự Trọng như một người anh hùng chống tội phạm, dù chưa bao giờ anh có tên trong danh sách các anh hùng.

Thế rồi oái oăm thay, Dương Tự Trọng lại dính vào lao lý và bị phạt tù, lại ở cùng với bọn trộm cướp, sâu mọt đã từng phải “đầu hàng” anh.

Bài viết kể về anh đã được bạn đọc đặc biệt quan tâm. Nhiều người muốn nghe tiếp những chuyện về anh mà trong bài viết đó, do khuôn khổ tờ báo, tôi chưa thể kể hết.

Một cảnh sát hình sự của Hải Phòng bảo tôi: “Rất cám ơn anh đã có cái nhìn hết sức khách quan và có tình, có lý. Tôi là bạn anh Trọng, từng nhiều lần cùng đánh án với anh ấy. Dương Tự Trọng là một chiến sĩ rất dũng cảm.

Bọn tội phạm sợ anh ấy lắm. Có đứa chỉ nghe có anh ấy tham gia đánh án là đã tự ra đầu thú rồi. Cảnh sát hình sự là một nghề vất vả. Vất vả và nguy hiểm vì có thể chết bất cứ lúc nào. Bởi kẻ tội phạm thường có vũ khí nóng. Chúng lại liều lĩnh và manh động. Nhưng Dương Tự Trọng chưa bao giờ thất bại trong các cuộc phá án”.

Lục lại những trang viết của các phóng viên, các học giả theo dõi rất kỹ mấy vụ án động trời của hai anh em Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng, với cái nhìn khoa học và khách quan, ta không khỏi ngậm ngùi và nuối tiếc.

Thật có lý khi có người cho rằng, nếu vụ án Dương Chí Dũng ở Vinalines được coi là “đại án tham nhũng” thì vụ xét xử Dương Tự Trọng lại được xem như một “đại án nhân tâm”. Gọi là “đại án nhân tâm”, vì vụ án này từ khi bắt đầu cho đến lúc kẻ phạm tội đứng trước vành móng ngựa, cảm giác chung trong công chúng là sự nuối tiếc hơn là căm giận.

Hầu hết từ dư luận xã hội cho đến đồng nghiệp trong ngành công an đều có cảm giác chung là xót xa và tiếc nuối cho anh.

Dương Tự Trọng cũng vì liều mình cứu anh mà vi phạm pháp luật để rồi dẫn đến thân bại danh liệt. Thật đáng trách nhưng cũng rất đáng thương. Nhiều lúc, tôi cứ nghĩ, giả sử nếu đặt mình ở hoàn cảnh của Dương Tự Trọng, mình sẽ ứng xử thế nào?

Quả là rất khó thoát khỏi vòng “tội lỗi” !

Nhìn lại nhiều vụ án kinh tế, quả có bao chuyện đáng phải lưu tâm. Nhiều người đúng là có tội lớn, để thất thoát hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng mồ hôi nước mắt của dân, nhưng nếu bảo họ tham nhũng thì hình như cũng không thoả đáng.

Nhiều vị khác từng dựa cọc hay đứng trước vành móng ngựa cũng thế. Tất nhiên là họ có tội rồi. Không oan. Thậm chí tội rất lớn. Nhưng không phải tội tham nhũng. Nói cho đúng hơn, họ chỉ làm thất thoát tài sản.

Mà thất thoát là tất yếu. Để có công trình, họ phải chạy dự án. Có dự án rồi, họ lại phải “chạy” tiếp để qua được tất cả các cửa thủ tục. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người rất quyết tâm chống tham nhũng thì “Làm gì cũng phải có tiền bôi trơn thì mọi việc mới xong!”.

Và đến khi xảy ra sự cố thì chính những người khốn khổ ấy phải chịu hết mọi tội lỗi, còn kẻ tham nhũng thật sự, nghĩa là kẻ nhận tiền, một khoản tiền rất lớn từ chính họ thì vẫn sống nhởn nhơ, sống bình yên vô sự ngoài vòng pháp luật vì “chẳng có gì liên quan cả”.

Chúng ta đang chống tham nhũng theo tinh thần của Tổng Bí thư và Ban Bí thư. Làm sao chấm dứt được dứt điểm tệ nạn này để giải thoát cho các nhà doanh nghiệp và cũng giải thoát cho dân.
Một đất nước mà để làm bất cứ một việc gì, từ to đến nhỏ, muốn được việc, cũng cứ phải đút lót, cứ phải bôi trơn và coi đó như một điều hiển nhiên, một thứ luật bất thành văn thì đấy là một thảm hoạ. Mọi đau khổ cũng từ đấy mà ra cả. Sự mất niềm tin vào chính thể cũng phát sinh từ đấy.

Nếu không ngăn chặn được triệt để thảm hoạ này thì ta không thể hình dung được những hậu quả khủng khiếp của nó. Nhưng làm thế nào để chấm dứt được dứt điểm thảm hoạ này thì đấy là công việc của các nhà lãnh đạo, các cơ quan chức năng giúp việc lãnh đạo. Và đó cũng vấn đề lớn, ta sẽ bàn vào một dịp khác.
Còn bây giờ, tôi muốn kể tiếp chuyện Dương Tự Trọng.

- Anh có tin vào tâm linh không?

  Dương Tự Trọng bất ngờ hỏi tôi. Tôi hơi ngạc nhiên:

- Tại sao ông lại hỏi thế?

- Là vì trong đời, có những sự việc, em không thể lý giải được anh ạ. Chỉ có thể khẳng định rằng, hình như có một thế giới vừa hiện thực, lại vừa rất huyền bí bao phủ quanh mình, thậm chí ở chính trong mình. Đó là thế giới tâm linh

Dương Tự Trọng bắt đầu câu chuyện bằng một giọng trầm trầm:

- Ở trong tù, em có hai giấc mơ lạ lắm anh ạ.

- Lạ sao?

- Lạ vì sự ứng nghiệm. Em sợ đến vã mồ hôi mà không thể lý giải được. Giấc mơ thứ nhất đến với em khi em vừa về trại cải tạo này. Lúc đó, em đâu đã quen với việc cuốc đất, vác đá, hay lao động chân tay. Bởi thế mà rất mệt.

Em vừa thỉu đi, vâng, chỉ mới vừa thỉu đi thôi chứ chưa phải đã ngủ đâu. Nói đúng ra, em đang ở trạng thái mơ mơ màng màng kiểu nửa thức nửa ngủ. Em nói chắc chắn như vậy vì nếu ngủ rồi thì em đã chẳng còn biết gì nữa.

Em chợt giật mình khi phát hiện thấy có một bóng người đứng ở ngay đầu giường của mình. Nói đầu giường cũng là nói theo thói quen thôi, chứ thực ra làm gì có giường. Một tấm ni lông trải trên nền đất của căn lán trại. Đứng trước mặt em là một ông già hiền lành và phúc hậu. Da đỏ au. Mái tóc bạc trắng. Chòm râu cũng trắng như cước.

Trông ông như một ông Tiên, lại như một vị Thiền sư. Sở dĩ giống sư vì ông mặc quần áo nâu sồng. Nhưng nếu là nhà sư thì ông phải xuống tóc chứ. Ông không xuống tóc mà tóc ông lại bồng lên như mây. Trông đẹp lắm.

Em hỏi: “Cụ đi đâu mà lại lạc vào đây? Con rất tiếc là con không thể đưa cụ về nhà được. Cũng không dẫn được cụ ra khỏi đây được…”. “Ta có lạc đường đâu mà con phải dẫn đường cho ta. Ta tự tìm đến với con kia mà…”.

“Chẳng hay cụ gặp con có điều gì dạy bảo ạ?”. “Không! Ta làm sao dạy bảo con được. Ta chỉ thấy con tử tế nên muốn cứu con thôi. Rồi ta cũng lại muốn con cứu những người tử tế khác…”

Em bắt đầu tò mò. Chẳng lẽ ông Bụt đã từng cứu cô Tấm đây ư? Hoá ra những chuyện hoang đường mà người đời vẫn gọi là chuyện Cổ tích lại hoàn toàn có thật như thế này ư?

- Người con hiện đang ủ rất nhiều bệnh. Trong đó có cả mầm mống của bệnh nan y. – Ông cụ bảo – Nhưng con sẽ không chết ngay đâu. Tuổi thọ của con sẽ bị rút ngắn lại. Con là người tử tế. Người tử tế bao giờ cũng rất quý hiếm.

Bởi thế, ta muốn cứu con. Rồi con cứu tiếp những người tử tế khác”. Nói rồi, ông cụ rút trong tấm áo nâu rộng ra mấy nhánh lá xanh xanh, thân màu tím có gai.

Đưa cho em, cụ dặn: “Đây là một cây thuốc  quý. Rất quý mà trời phật và các đấng anh linh đã ban cho con người…”. “Vậy con có thể tìm nó ở đâu?” – Em thật sự bàng hoàng. “Nó ở quanh con đấy.

Ở cả trên đỉnh núi Tam Đảo nữa. Nhiều lắm. Con cứ ra đó mà hái. Và tốt nhất, con hãy hái buổi sáng. Buổi chiều hái cũng được. Nhưng hay nhất là hái khi chưa có ánh nắng mặt trời…”.

Ông cụ cẩn thận chỉ cho em từng rảnh lá: “Nhớ là lá xanh nhạt. Thân tím. Lại có gai nhé. Đừng nhầm nó với các thứ cây khác”. “Vậy cây này chữa được những bệnh gì thưa cụ?”.

“Nhiều lắm. Đặc biệt là tiêu độc. Bệnh tật đều do các chất độc lưu cữu qua miếng ăn, cái uống và khí trời mà ta đưa vào cơ thể mình. Con cứ băm ra, phơi khô. Nhưng nhớ phơi trong bóng râm. Còn tốt nhất là uống tươi.

Con cứ lấy một nắm, cho vào ấm đun. Rồi uống như uống nước chè, nước vối thôi. Thế mà rồi bao nhiêu chất độc ở trong gan, trong máu con sẽ tiêu hết đấy. Những mầm mống của bệnh ung thư, bệnh tiền liệt tuyến cũng sẽ hết. Con sẽ ăn ngon, ngủ ngon. Khí huyết thông suốt…”.

Em bừng tỉnh. Mồ hôi vã đầm đìa. Ngay chiều ấy, em đã báo cáo quản giáo giấc mơ lạ lùng. Rồi để kiểm nghiệm giấc mơ lạ, em bắt đầu lùng tìm ngay trong khu vực trang trại mà mình đang lao động cái tạo.

Chiều đó mưa. Rừng ẩm ướt lắm. Sương mù giăng suốt ngày đêm. Không khí rất lạnh. Nhưng em vẫn vã mồ hôi, khi nhìn thấy loại cây ấy. Đúng là loại cây ông cụ đã chỉ cho em trong giấc mơ. Lá xanh nhạt, thân tím, lại có gai nhỏ và sắc. Mà nhiều lắm.

Cũng trong chiều ấy, em gặp nhiều người dân, chủ yếu là đồng bào Dao. Họ đi tìm cắt chính những loại cây em đang tìm rồi quấn thành từng bó gùi xuống phố. Em hỏi thì họ bảo, họ cắt bán cho thương lái Trung Quốc.

Bao nhiêu các “chú khách” cũng mua hết. Bán dễ lắm. Cứ mười ngàn một ký. Có người quơ một ngày mà kiếm được triệu bạc. Không ít người còn tậu được cả xe máy nhờ loại cây dây gai “khí gió thổ tả” này. Hoá ra người Trung Quốc đã biết cây thuốc quý của ta.

Họ khai thác đến cả năm nay rồi. Hàng chục tấn thuốc quý đã lọt vào tay thương lái Trung Quốc. Cần phải chặn ngay.

Em báo cáo các anh quản giáo nên thu mua. Đúng là thuốc quý rồi. Nếu không quý, sao Trung Quốc họ lại săn tìm. Tốt nhất, mình nên trả gấp đôi. Họ trả mười ngàn thì mình nên trả hẳn hai mươi ngàn.

Em bảo bà con đừng bán cho thương lái Trung Quốc. Họ hay lừa mình lắm. Họ mua rễ quế để giết cây quế. Mua móng trâu bò để tiêu diệt trâu bò. Bà con đừng tin bọn người xấu. Tất nhiên, em nói vậy thì họ cũng biết vậy.

Biết nhưng đã chắc gì họ tin. Làm sao mà tin được người đang bị tù tội. Chỉ có điều, mình  trả cao hơn, dù không được gấp đôi, nhưng vẫn cao hơn nên họ không bán cho Trung Quốc nữa…


Dương Tự Trọng cười sảng khoái, như một cảnh sát hình sự, kẻ khắc tinh với tội phạm vừa đánh xong một vụ án kinh tế kiêm săn lùng những bí mật quốc gia…

- Em có đề nghị các anh quản giáo gửi cây thuốc này cho một số bạn bè em, để họ nghiên cứu xem giá trị thực của nó đến đâu. Nhiều bác sĩ là những nhà khoa học họ đều đánh giá đây là cây thuốc quý. Rất quý. E

m và bè bạn em trong trại uống thấy cực tốt. Mỡ máu tiêu hết. Ổn định tiểu đường. Gan thận rất tốt. Nước tiểu trong. Ngủ cực ngon. Đúng là thần dược thật. Em sẽ tặng anh một ít để anh dùng thử, anh sẽ thấy hiệu nghiệm ngay.

- Thế còn giấc mơ thứ hai?

- À, đấy lại là cuộc gặp gỡ với bố em. Ông cụ đến thăm em – Giọng Dương Tự Trọng nghẹn lại - Lâu lắm rồi, em mới được gặp bố. Và rồi bố con lại gặp nhau gặp trong hoàn cảnh này. Em thấy ông cụ cứ đứng nhìn em trân trân.

Em bảo: “Bố nói gì với con đi chứ! Mẹ khoẻ không? Con thực sự có tội với bố mẹ. Những lúc bố mẹ cần có con ở bên cạnh nhất thì con lại đang ở trong hoàn cảnh thế này. Bố em vẫn chẳng nói gì. Chỉ nhìn em thôi. Nhìn trân trân.

Ông đưa tay xoa đầu em như xoa đầu một đứa trẻ. Hệt như ngày nào em còn ấu thơ. Mỗi lần ông về em lại sà vào lòng ông. Rồi ông khóc. Lần đầu tiên trong đời, em mới được nhìn thấy bố em khóc. Nước mắt lại có máu. Máu lại nhỏ xuống cả mặt em.

Thế là em khóc ầm lên và choàng tỉnh. Mấy đứa bạn tù ở trong cùng buồng giam cũng tỉnh giấc theo. Lúc ấy là 4  giờ 15 phút ngày 25 tháng Giêng năm 2016. Em bảo các bạn cùng buồng giam: “Bố tôi mất rồi. Cụ vừa mới mất cách đây ít phút thôi. Chắc chắn là cụ mất rồi. Chắc cụ tìm đến con để vĩnh biệt con…”.

Dương Tự Trọng ngồi lặng. Gương mặt xâm xâm một nỗi buồn thăm thẳm. Anh quay mặt vào tường của căn phòng khách trại cải tạo. Hình như anh khóc. Tôi lặng lẽ nhìn ra khung cửa sổ mở rộng. Một vạt đồi xanh mướt cây trái, rau khoai. Đó là thành quả lao động của người tù đặc biệt này.

- Sau này có người nhà vào thăm, em mới biết sự thật. Đúng là lúc ấy bố em đang hấp hối. Bố em mất lúc 5 giờ 15 phút. Nghĩa là đúng một tiếng sau giây phút em “gặp cụ”.

Và như thế, có thể trong lúc tử biệt sinh ly, âm dương hỗn độn, hồn đang lìa thể xác, bố em nghĩ đến em chăng? Em ân hận lắm. Đau khổ lắm. Nhưng chẳng biết làm thế nào. Vì chính bố em dạy em làm người tử tế. Mà người tử tế thì trước hết phải tử tế với những người ruột thịt, người thân, rồi đến mọi người…

Ngừng một lát, Dương Tự Trọng tiếp tục. Giọng ngột ngạt:

- Bố mẹ em đều là cán bộ cách mạng lão thành. Cụ ông quê Thanh Miện, cùng Hải Dương với anh đấy. Ông cụ tự hào về anh lắm. Cụ đã hai lần đến thăm nhà anh, hồi anh còn đi học ở quê cơ. Cụ rất muốn em làm thơ.

Làm thơ nhưng không phải để trở thành nhà thơ, mà để làm một cảnh sát hình sự. Cụ bảo: “Một cảnh sát hình sự mà có trái tim nhân ái của một thi sĩ thì cũng sẽ khác đấy. Cảnh sát hình sự mà không có trái tim nhân ái thì sợ lắm.

Thậm chí là tai hoạ. Cụ muốn em đi theo con đường của ông. Làm một chiến sĩ an ninh Cách mạng. Nghĩa là làm một cán bộ cách mạng đúng là cán bộ cách mạng. Rồi làm tiếp những gì mà ông không kịp làm hoặc không làm được.

Em có nhiều thơ lắm. Nhiều bài đã được các nhạc sĩ phổ nhạc. Trong đó có không ít bài đã trở thành những ca khúc nổi tiếng. Như bài “Mẹ ơi” của nhạc sĩ Phú Quang. Anh có thể nghe bài thơ phổ nhạc này qua giọng hát của ca sĩ Tấn Minh và rất nhiều các ca sĩ nổi tiếng khác ở trên mạng:

Chỉ có mẹ thôi

Này là ốm đau...

Sai lầm, lạc lối

Chẳng giận con

Kiên trì, nhẫn nại

Lo lắng, thương yêu

Ngọt dịu lòng

Chỉ có mẹ thôi

Không bỏ con dù thế nào đi nữa

Trái tim nồng nàn vị tha vời vợi

Đau đáu vì con, nhẫn nhục trọn đời

Chỉ có mẹ thôi

Con vào đời vất vả

Gần gũi không rời

Cao cả, sáng ngời

Chỉ có mẹ thôi!...

Đúng thế đấy. Anh ạ. Dù con cái có thế nào, thì mẹ cũng chẳng bao giờ bỏ con. Còn mẹ là còn niềm tin để chúng ta tiếp tục sống. Em còn một bài thơ nữa cũng viết tặng mẹ:

Chiều Đông

Cánh chim

Hun hút trời xa

Mẹ già...

Mắt đỏ

Hoàng hôn héo úa

Mẹ ơi đừng buồn

Con không thấy khổ...

Thanh cao

Gió lộng bốn trời

Giả dụ không có mùa Xuân

Hoa vẫn đơm bông

Giả dụ...không còn ngày Tết...

Mẹ vẫn chờ mong

Lòng mẹ mênh mông

Thăm thẳm...

Chiều Đông

- Nghe nói bà cụ ở trong đội nữ du kích Hoàng Ngân…

- Cái đó thì em không rõ lắm đâu. Vì mẹ em chẳng bao giờ kể về mình. Nhưng mẹ em đúng là nữ du kích. Cụ là Trần Thị Hương. Một chiến sĩ cách mạng kiên cường. Ấy là nghe dân làng nói thế.

Ngày xưa, ngoài làm du kích, mẹ em còn tham gia phụ trách thiếu nhi cứu quốc. Nhiều đội viên được cụ đào tạo sau này đều rất thành đạt. Trong đó có bác Phạm Thế Duyệt, uỷ viên Bộ Chính trị. Em rất ân hận vì đã làm bố mẹ em buồn. Nhưng chẳng có cách nào khác được. Em cũng ân hận là để bạn bè em vướng vào lao lý. Họ cũng vì em mà mắc tội.

- Nếu không có sự cố, khéo bây giờ ông lên Tướng rồi. Việc không tố cáo ông anh phạm tội là điều có thể hiểu được. Nhưng còn việc giúp ông ấy chạy trốn thì thật không ổn một chút nào…

-  Vâng! Đúng thế. Em biết chứ. Em biết là không thể trốn được. Khi công an quyết bắt thì không thoát được. Em là cảnh sát hình sự. Em biết rất rõ điều này. Chính em cũng khuyên anh em ra đầu thú. Đừng trốn đi. Không thể thoát được đâu.

Nhưng anh em lại cứ tin vu vơ vào một anh nào đấy. Chẳng ai cứu được nếu đã phạm tội. Em đã khuyên anh ấy rồi. Nhưng anh ấy cứ muốn làm như vậy mà em không thể ngăn được thì cũng đành phải chiều thôi, vì đó là anh ruột, lại đang lúc hoạn nạn.

Em thương anh ấy lắm. Bao nhiêu năm anh em gắn bó với nhau, no đói có nhau. Biết làm thế nào. Bỏ anh thì không đành mà cứu anh thì sẽ chết theo anh. Em biết anh ấy sẽ bị bắt.

Không chóng thì chầy, anh ấy sẽ bị bắt. Đấy là điều không thể khác được. Em là cảnh sát hình sự. Em rất hiểu điều này. Anh ấy bị bắt và em cũng sẽ bị bắt. Và bây giờ thì anh thấy đấy. Tất cả đều đúng như những gì em đã biết trước…

- Mình tin rằng, với truyền thống gia đình cách mạng, với thành tích xuất sắc của ông trong chiến đấu chống tội phạm và với cả những đóng góp rất lớn của ông cho ngành công an, rồi ông cũng sẽ sớm được ân xá thôi. Mình mong thế. Nhiều người hiểu ông và các đồng nghiệp của ông cũng đều mong thế. Nếu được ra tù thì ông sẽ làm gì?.

- Như em đã nói với anh rồi. Trở lại với ngành thì chắc không thể được rồi. Nếu có được ưu ái thì em cũng đã hết tuổi. Em sẽ tìm một việc làm gì đó để kiếm sống. Rồi em sẽ viết về những kinh nghiệm chống tội phạm, để trao truyền cho đồng đội mình và các em ở thế hệ sau. Em chỉ còn mỗi cách đó để cống hiến nốt những gì em có cho ngành thôi.

Dương Tự Trọng ngồi lặng. Có lẽ chẳng có ai yêu công việc của một cảnh sát hình sự như anh. Cũng chẳng ai yêu ngành công an như anh. Nhưng số phận thật nghiệt ngã. Tiếc cho anh. Tiếc cho cả ngành công an nữa.

- Em tốt nghiệp xuất sắc ở các trường đào tạo chuyên môn. Lại có bằng đào tạo luật sư. Em sẽ làm luật sư, ở các văn phòng luật sư cá nhân. Rồi tham gia điều tra nữa. Theo kiểu cá nhân, như những thám tử tư chẳng hạn. Nghĩa là làm một người tử tế. Rồi bênh vực những người tử tế mà bị oan khuất. Như thế có viển vông không?

Tôi biết nói sao với Dương Tự Trọng bây giờ? Chỉ mong anh sớm được toại nguyên, để làm một người tử tế!”


( Trần Đăng Khoa)

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

Xuân Đinh Dậu


17 lời khuyên về cuộc sống từ Thiền sư Kodo Sawaki

Kodo Sawaki (1880-1965) hay “Kodo-Kẻ không nhà”, là một trong những vị thiền sư phái Tào Động (Nhật Bản) có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX. Là trẻ mồ côi, 16 tuổi xuất gia, sau bị gọi nhập ngũ, chiến tranh kết thúc Sawaki quay về tiếp tục tu học thiền. Kodo Sawaki lập hạnh không trụ mà đi khắp nơi để dạy thiền.

                                                      Thiền sư Kodo Sawaki (1880-1965)

Thiền sư Sawaki luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hành thiền hơn là học kinh sách hay tham công án. Một số lời khuyên dạy của Kodo Sawaki được môn sinh tập hợp thành “Gửi bạn”, xin chia sẻ đến bạn đọc suy ngẫm.

1. Gửi người bắt đầu biết suy gẫm về cuộc đời

Ở một số nơi tại Mãn Châu, các cỗ xe thường do các chú chó to lớn kéo. Bác xà ích treo một miếng thịt trước mũi chó, và chú chó chạy như điên theo miếng thịt. Nhưng dĩ nhiên là chú không bao giờ với tới. Chú chỉ được vứt cho miếng thịt khi cỗ xe đã về tới đích. Rồi chỉ trong một cái ngốn, chú nuốt chửng miếng thịt xuống cổ họng.

Người đi làm với đồng lương cũng y hệt như thế. Từ đầu tháng cho đến cuối tháng, họ cũng chạy theo đồng lương treo trước mũi. Một khi đã lãnh lương, họ cũng ngốn nó, và lại sẵn sàng chạy tiếp theo kỳ lương tới. Không ai có thể thấy xa hơn đầu mũi của mình.

Câu hỏi là: Tại sao bạn phải khốn khổ như thế?

Nếu không cẩn thận, bạn sẽ phí hết cuộc đời mình không làm gì ngoài việc chờ đợi những hy vọng tầm thường nhất của mình có thể thành tựu.

2. Gửi người không thể nào dừng lo lắng người khác nghĩ về mình như thế nào

Bạn không thể nào đổi bất cứ thứ gì với người khác. Mỗi và mọi người phải sống cuộc đời riêng của mình.

Đừng phí thời gian suy xét xem ai là người tài giỏi nhất.

Mắt không nói, “Chúng tôi thấp hơn, nhưng thấy nhiều hơn”. Chân mày không trả lời, “Đúng, chúng tôi không thấy gì, nhưng chúng tôi ở cao hơn”.

Mũi không thể thay mắt, và miệng không thể thay cho tai.

Mọi thứ đều có nhiệm vụ riêng của mình, mà không gì trong vũ trụ có thể thay thế.

3. Gửi người đã hoàn toàn mệt mỏi trong việc đấu tranh với người phối ngẫu

Vấn đề không phải ai là người đúng. Đơn giản là các bạn nhìn sự việc theo quan niệm khác nhau. Khi bạn bắt đầu nói “Tôi”, mọi thứ theo sau đều là ảo tưởng.

Hãy thôi cố gắng làm một người đặc biệt - hãy cứ là chính mình. Hãy kiềm chế. Ngồi xuống!

4. Gửi người nghĩ làm giống người khác là có lợi

Bạn luôn bám theo người khác. Nếu họ ăn khoai chiên, bạn cũng đòi ăn khoai chiên. Nếu ai đó ăn kẹo, bạn cũng muốn ngậm kẹo. Nếu ai đó thổi còi, bạn cũng kêu đòi: “Mẹ ơi, mua cho con cái còi”. Và điều đó không chỉ xảy ra đối với con trẻ.

Khi mùa xuân tới, bạn quay cuồng theo mùa xuân. Khi thu đến, bạn chạy theo mùa thu. Ai cũng chờ đợi thứ gì đó để chạy đuổi theo. Có người còn kiếm sống được nhờ sự chạy đuổi theo đó - họ làm nghề quảng cáo.

Với từng cá nhân, chúng ta còn chịu đựng nổi, nhưng khi họ lập thành nhóm, họ bắt đầu trở nên quái dị. Họ bị rơi vào sự ngu ngốc của nhóm, của bầy đàn.

Khi sống trong sự ngu ngốc của nhóm, chúng ta lẫn lộn giữa sự cuồng điên và kinh nghiệm thực sự. Nên điều quan trọng là bạn phải rõ ràng về bản thân, và thức tỉnh khỏi cơn điên đó. Thiền có nghĩa là rời bỏ bầy đàn và tự đi trên đôi chân của mình.

5. Gửi người mà suốt đời chỉ biết có tiền và tiền

Hạnh phúc và bất hạnh của con người không chỉ tùy thuộc vào tiền. Nếu con số trong tài khoản tín dụng của bạn là thước đo lường hạnh phúc, thì sự việc sẽ đơn giản xiết bao. Tuy nhiên thực sự nó không phải như thế.

Đừng quá tiêu cực khi bạn bắt đầu nói là bạn cần tiền để sống. Trong thế giới này, bạn có thể hoàn toàn sống tốt mà không cần đến sổ tiết kiệm.

Một số người nghĩ rằng họ quan trọng bởi vì họ có tiền. Người khác thì cho mình quan trọng vì đã đạt được giác ngộ (satori). Nhưng cho dầu bạn thổi phồng tấm da thịt này bao nhiêu, bạn cũng không thể biến mình thành gì cả - ngoài việc trở thành ma.

Những gì không thuộc về bạn chiếm đầy vũ trụ. Khi nào những suy tưởng của cá nhân bạn chấm dứt, thì Phật pháp có mặt.

6. Gửi người thích có nhiều tiền, tình yêu, chức vị và danh vọng

Si mê có nghĩa là chỉ biết chăm lo cho bản thân mình. Còn kẻ trí nói, “Dầu có gì xảy ra, tôi vẫn là tôi”.

Một lần tôi viếng thăm một mỏ than. Có lúc khi đang đi xuống, tôi có cảm giác như thình lình chúng tôi lại trở lên cao. Cũng giống như thế, khi suy nghiệm về cuộc đời mình, hình như chúng ta luôn sai lầm khi lầm tưởng rằng những con số luôn thay đổi là tổng số.

Thua là định. Thắng là ảo tưởng.

Không thèm muốn bất cứ thứ gì là món quà lớn nhất mà bạn có thể ban tặng cho vũ trụ.

7. Gửi người muốn thấy kẻ thù bị điêu đứng

Chúng ta thường nghĩ không biết ở đây ai thực sự là kẻ hay hơn. Nhưng chẳng phải là tất cả chúng ta đều tượng hình từ cùng nắm đất đó sao?

Mọi người cần ngồi chôn chặt xuống chỗ không có tốt hơn hay xấu hơn.

Suốt đời bạn đã là kẻ điên rồ khi nghĩ rằng thực sự có “tôi” và “người khác”. Bạn làm đủ trò để nổi bật trong đám đông, nhưng trong thực tế thì không có “bạn” hay “người khác”.

Phật pháp có nghĩa là liền một mảnh. Vậy thì đường biên nào chạy giữa bạn và tôi? Dần dần tất cả chúng ta đều hành xử như thể có đường biên chia tách bạn và thù. Chúng ta đã quen quá với cách suy nghĩ đó, ta tin rằng đường biên đó thực sự hiện hữu.

Nghèo hay giàu, quan trọng hay không quan trọng - không có gì hiện hữu. Chúng chỉ là ánh sáng lấp lánh trên các làn sóng.

8. Gửi người đang đau khổ vì bị lường gạt

Tất cả chúng sanh đều lầm lạc: xem là hạnh phúc cái đưa đến bất hạnh, và than khóc vì một bất hạnh hoàn toàn không phải là bất hạnh. Tất cả chúng ta đều biết là một đứa trẻ đang khóc có thể biến nước mắt thành tiếng cười khi bạn cho nó cái bánh. Cái mà những kẻ phàm phu như chúng ta gọi là hạnh phúc cũng không hơn thế bao nhiêu. Đôi lúc bạn cần tát vào mặt mình để tự hỏi một cách nghiêm túc: Những điều bạn được hay mất có thực sự đáng được bạn reo hò hay than khóc như thế không?

Sớm muộn gì mọi người cũng bắt đầu chỉ nghĩ cho riêng mình. Bạn nói, “Tốt quá!”. Nhưng cái gì tốt? Nó chỉ tốt cho bản thân bạn, thế thôi.

Người có nhiều ham muốn rất dễ bị lường gạt. Ngay cả những kẻ lừa phỉnh đại tài nhất cũng không mong được gì từ người không có lòng tham muốn.

Phật giáo có nghĩa là vô ngã, không có gì để đạt được.

9. Gửi người lận đận trên đường công danh

Khi đã chết và bạn nhìn lại cuộc đời mình, bạn sẽ thấy những thứ này không đáng chi.

May mắn hay rủi ro, tốt hay xấu - không phải tất cả đều như bạn nhìn thấy. Cũng không phải giống như bạn nghĩ đâu. Bạn cần phải vượt lên trên may mắn hay bất hạnh, tốt hay xấu.

Đau khổ không là gì hơn là cái khổ ta tự tạo ra cho bản thân.

10. Gửi người luôn than thở rằng mình không có thời gian

Mọi người đều than phiền là họ quá bận rộn đến không có thời gian. Nhưng tại sao họ lại bận rộn đến thế? Chính là ảo vọng khiến họ bận rộn. Người hành thiền luôn có thời gian. Khi bạn hành thiền, bạn có nhiều thời gian hơn bất cứ ai ở trên thế gian này.

Nếu không cẩn thận, bạn đang làm ầm ĩ cái việc kiếm sống của mình. Bạn luôn bận rộn, nhưng tại sao? Chỉ là để kiếm miếng ăn. Đàn gà cũng tíu tít khi mổ thức ăn. Nhưng tại sao? Chỉ để bị người ta ăn thịt.

Người ta có thể tạo ra bao nhiêu ảo vọng trong một cuộc đời? Khó thể tính toán. Ngày này qua ngày khác, lúc nào cũng “Tôi muốn cái này, tôi muốn cái kia...”. Chỉ dạo một vòng trong công viên cũng đã có bao vọng tưởng hiện ra trong đầu. Vậy đó là ý nghĩa của ‘bận rộn”, “Tôi muốn được bên em, tôi muốn về nhà, tôi muốn gặp em...”.

Con người luôn thở không ra hơi vì chạy quá nhanh theo ảo vọng của họ.

11. Gửi người đang mong muốn có một cuộc sống hạnh phúc hơn

Hãy tịnh lắng và mọi thứ rồi sẽ tốt thôi. Ta chỉ cần một sự gián đoạn ngắn. Làm Phật có nghĩa là một sự gián đoạn ngắn từ làm chúng sanh. Làm Phật không có nghĩa là phải đi từ chúng sanh lên.

“Loài nào đứng trên mặt đất mà không đi tới cũng chẳng đi lui?”. Kyuho trả lời, “Là con cừu đá với con cọp đá: trước sau gì chúng cũng mệt mỏi khi phải kình chống nhau”. Con cừu đá không nhúc nhích. Con cọp đá cũng không nhảy chồm lên vì đói. Điểm mấu chốt là đó - hãy đối mặt với sự việc vượt lên cả suy tư.

Chúng ta được gì khi thực sự nắm bắt sự vật như chúng đang là? Vượt trên sự suy tư. Vượt lên trên suy tư không cho phép nó tự suy tư. Dầu bạn có nghĩ thế hay không: sự vật cũng đơn giản như chúng là.

“Tất cả mọi pháp đều trống không” có nghĩa là không có gì để chúng ta can dự vào, vì không có gì thực sự xảy ra.

Chưa từng có gì xảy ra, bất chấp những gì như đang xảy ra - đó là trạng thái tự nhiên. Ảo tưởng là đánh mất trạng thái tự nhiên này. Thông thường chúng ta không nhận ra được trạng thái tự nhiên này. Chúng ta che giấu nó với một điều gì khác, nên nó không còn tự nhiên nữa.

Phật pháp có nghĩa là trạng thái tự nhiên này. Thực hành theo Phật có nghĩa là hoàn toàn sống trong giây phút hiện tại này - là cả cuộc sống của ta - ngay đây và bây giờ.

12. Gửi người muốn học Phật pháp để hoàn thiện bản thân

“Lý thuyết rỗng tuếch” là cách ta gọi những kẻ sính dùng thuật ngữ. Kiểu đó thì không ích lợi gì. Hãy đắm cả hồn và xác vào đó!

Bạn phải hoàn toàn chết để có thể quán tưởng về Phật pháp. Chỉ tự hành xác và chết nửa vời thì không đủ.

13. Gửi người cho rằng Phật giáo không có nghĩa lý gì đối với họ

Khi nói về Phật, bạn đang nghĩ đến một điều gì xa vời, không liên quan đến bạn, đó là lý do tại sao bạn chỉ chạy loanh quanh trong vòng tròn.

Chúng sanh và Phật đều có cùng hình tướng. Tỉnh giác và si mê cũng có cùng hình tướng. Khi ta thực hành theo Phật pháp, chúng ta là Phật. Hay đúng hơn, chính vì ta đã là Phật nên ta có thể thực hành theo Phật pháp.

Bạn nghĩ rằng Phật giáo thì hơi khác với mọi thứ. Nhưng không phải như thế chút nào: Phật giáo chính là mỗi và tất cả mọi thứ.

14. Gửi người không biết việc hành thiền của mình có ích lợi gì không

Thiền có ích gì? Hoàn toàn không! Nhưng cái “chẳng ích lợi gì” này phải thấm vào xương thịt bạn cho đến khi bạn thực sự thực hành cái “chẳng ích lợi gì”. Chỉ đến khi đó, thì việc hành thiền của bạn mới thực sự chẳng ích lợi gì.

Bạn nói rằng bạn muốn trở thành người tốt hơn bằng cách hành thiền. Nhưng thiền không phải là về việc học làm thế nào để thành một con người. Thiền là dừng lại việc làm người.

Bạn nói, “Khi thiền, tôi bị ảo tưởng!”. Điên rồ! Sự thật là chỉ khi hành thiền bạn mới ý thức đến các ảo tưởng của mình. Khi bạn quay cuồng với ảo tưởng của mình, bạn đâu hề để ý tới chúng. Lúc bạn hành thiền, một con muỗi chích, bạn cũng biết ngay. Nhưng khi bạn đang quay cuồng, thì con vắt có cắn, bạn cũng không hề hay.

Đừng càu nhàu. Đừng có trao tráo mắt nhìn khoảng không. Chỉ ngồi!

15. Gửi người với tâm bấn loạn đang cố hết sức để được tâm an

Tâm bạn không an vì bạn đang chạy đuổi theo lý tưởng của một tâm hoàn toàn thanh tịnh. Đó là đi thụt lùi. Hãy theo dõi tâm trong từng giây phút, dầu nó có loạn động đến thế nào. Ta chỉ có thể đạt được tâm an lạc rộng lớn khi thực hành với tâm loạn động này.

Khi sân cuối cùng được chấp nhận là tâm sân, thì tâm sẽ an lạc.

16. Gửi người cho rằng mình đạt được trạng thái tâm tốt đẹp hơn nhờ thiền định

Khi nào bạn còn cho rằng thiền là việc tốt, thì có điều gì đó không bình thường. Hoàn toàn không có gì đặc biệt về thiền không vết nhơ. Không cần phải hàm ân về điều đó. Đừng làm ô uế việc hành thiền của bạn bằng cách nói là bạn đã tiến bộ, cảm thấy tốt hơn, hay trở nên tự tin hơn trong việc hành thiền.

Chúng ta chỉ nói, “Mọi việc tốt đẹp!” khi chúng xảy ra theo ý ta.

Lý ra chúng ta phải để dòng nước của trạng thái ban đầu của ta như nó là. Nhưng thay vào đó, ta cứ liên tục vọc tay vào đó để xem nước lạnh hay ấm. Đó là lý do nó bị vẩn đục.

Thiền không phải là máy đo khi nhiệt độ từ từ tăng lên: “Thêm chút nữa…, đúng rồi! Giờ tôi đã đạt được giác ngộ!”. Thiền không bao giờ trở thành một điều gì đó đặc biệt, dầu bạn có thực hành nó trong bao lâu. Nếu nó trở thành đặc biệt, chắc chắn là bạn đã lơi lỏng chỗ nào rồi.

17. Gửi người kỳ vọng một cách sống tuyệt đối

Phật pháp là gì? Đó là để mọi khía cạnh trong đời sống hàng ngày của bạn đều nương tựa theo Phật.

Cốt lõi của tất cả mọi hành động là đi đến chỗ tận cùng. Nếu tâm bạn vắng mặt dù chỉ một giây, bạn không khác gì cái xác chết. Thực hành là luôn tự hỏi mình “Ngay bây giờ tôi có thể làm gì theo như Phật?”.

Đạt được đích chỉ một lần thôi chưa đủ. Điểm tối đa của năm ngoái chẳng ích lợi gì. Bạn cần phải đạt được đích ngay bây giờ.

(Nguyên tác: Thiền sư Kodo Sawaki -Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ )