Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2017

Cải cách

He he he…lý do của sự cải tiến chữ, theo ông cụ Hiền là chữ quốc ngữ không triệt để theo nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt. Cụ đề xuất tương đối táo bạo, giảm số lượng ký tự từ 38 xuống 31 chữ bằng cách thay ng bằng q; đ bằng d; c, k, q bằng k; ph bằng f; s, x bằng s; gi, d, r bằng z; nh bằng n’; th bằng w; v.v. Mà đó mới chỉ là phụ âm, còn cải tiến về nguyên âm thì cụ hứa hẹn sẽ công bố vào tháng 3/2018. Anh Zũng, bạn mình trên nét đánh giá- Không khó để thấy rằng đề xuất của cụ rất bấp bênh về mặt thực tiễn:
1/Trước hết, những thay thế như ng bằng q, th bằng w, … sẽ gây khó khăn không đáng có khi học sinh học ngoại ngữ vì chữ Việt trở thành một ngoại lệ duy nhất trên thế giới: không có hệ chữ viết Latin nào lại gán cho các con chữ q, w một cách phát âm như thế.
2/Cách viết cải tiến của ông dựa vào tiếng Hà Nội, do đó việc nhập một ch-tr, s-x, gi-d-r sẽ tạo ra hàng loạt các từ đồng tự (homograph), gây trở ngại cho việc nhận hiểu nghĩa từ: chẳng hạn các từ tra và cha đều viết là ca; sa và xa đều viết là sa; gia, da và ra đều viết là za. Đó là chưa kể tại sao lại loại trừ sự phân biệt tr-ch, s-x, d-r vốn phổ biến ở các phương ngữ khác, viện lý do phải căn cứ vào tiếng Hà Nội.
3/Việc nghiên cứu 30 năm của ông về việc cải tiến chữ Quốc ngữ vẫn để lộ khuyết điểm rất khó hiểu: của và quả vốn đọc rất khác nhau lại đều được viết là kủa, vi phạm cái nguyên tắc do chính ông đề ra: “mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt”.
4/Sự cải tiến một cách quyết liệt như thế sẽ tạo ra một đứt gãy văn hóa giữa các thế hệ, giữa những người chỉ biết cách viết “mới” với di sản tư liệu chữ Quốc ngữ “cũ”.
5/Muốn khắc phục phần nào (chỉ phần nào thôi) sự đứt gãy văn hóa đó, phải tốn một khoản tiền khổng lồ để chuyển kho tư liệu vốn được viết theo cách viết “cũ” sang cách viết “mới”.

Mời đọc Kiều của cụ Nguyễn Tiên Điền:

Những người bạn của tôi đã “chạy” biên chế như thế!


Hình minh họa

Nhiều giáo viên vì mong mỏi và nuôi dưỡng ước mơ vào biên chế mà đánh đổi biết bao nhiêu cơ duyên, tuổi xuân, tiền bạc… nhưng không có kết quả.

Có đường là “chạy”

Nhiều cử nhân ngành sư phạm tốt nghiệp ra trường nhưng phải chạy đôn chạy đáo để xin việc. Chạy vạy đủ kiểu và nhiều trường hợp phải chấp nhận đánh đổi mọi thứ để được vào biên chế.

Câu chuyện về một cô giáo hợp đồng ở Tây Nguyên sẵn sàng “đổi tình lấy biên chế” với vị Hiệu phó không còn là chuyện hiếm trong môi trường giáo dục ngày nay.

Nỗi đau của giáo viên hợp đồng không chỉ phải “chạy” bằng tiền, bằng tuổi thanh xuân mà còn phải đánh đổi bằng tấm thân.

Một suất biên chế trở thành nỗi ao ước của bao giáo viên nhưng đó cũng là miếng mồi béo bở cho các lãnh đạo đưa ra mua bán, đổi chác.

Cách đây ít ngày, một người bạn của tôi, sau bao nhiêu năm ròng rã xa quê ở Thanh Hóa để vào một huyện miền núi tỉnh Lâm Đồng dạy hợp đồng đã nhắn tin buồn bã “Mình phải nói với mẹ mình rằng ‘Con lại sai nữa rồi’”.

Cậu bạn ấy tên Hưng, từng là học sinh giỏi có tiếng của một trường công lập tại Thanh Hoá.

Năm học 2006-2007 Hưng thi Đại học. Nhiều người khuyên với lực học của Hưng nên thi vào khối các ngành kỹ thuật như xây dựng, giao thông hoặc khối các ngành kinh tế để sau này dễ có việc làm và lương bổng cao.

Nhưng sau khi đắn đo, Hưng quyết định thi sư phạm Hóa - Trường Đại học Hồng Đức. Với suy nghĩ, học sư phạm sẽ đỡ cho cha mẹ gánh nặng học phí.  

Cha mẹ, người thân khuyên Hưng nên thay đổi suy nghĩ vì lo chuyện thất nghiệp. Hưng vẫn quyết định theo nghề một phần vì yêu nghề, phần vì kinh tế gia đình.

Kèm theo đó, Hưng luôn trấn an rằng “nghề nào có tài cũng sẽ được trọng dụng”.

Ra trường vài năm, trong khi các bạn cùng trang lứa đã nghề nghiệp ổn định thì Hưng vẫn trầy trật. Sau nửa năm thất nghiệp, Hưng xin đi dạy hợp đồng.

Gần 3 năm ròng rã dạy hợp đồng với mức lương tính theo giờ dạy. Trọn tháng thu nhập vẻn vẹn chưa đầy 1,5 triệu đồng.

26 tuổi, Hưng được một người quen giới thiệu vào Lâm Đồng đi dạy sẽ có đường “chạy” một suất vào biên chế.

Nghe theo, Hưng và gia đình quyết định vay tiền để nhờ người quen "gửi gắm".

Ban đầu là dạy hợp đồng, và được hứa “sau nửa năm sẽ cất nhắc vào biên chế”. Nhưng lời hứa của người quen cứ thế xa dần.

Bước sang năm thứ 4 đi dạy hợp đồng, Hưng vẫn chỉ nhận một lời hứa “gắng chờ chỉ tiêu”. Gần 30 tuổi Hưng vẫn không thể tự nuôi sống mình bằng nghề.

Trước kia, Hưng tự hứa với lòng sẽ tâm huyết gắn bó với nghề và phụng dưỡng cha mẹ già yếu.

Nhưng khi cái tuổi 30 mà trong tay chỉ hai bàn tay trắng. Ngày đi dạy, tối phải đi giữ xe thuê cho quán cà phê nhưng vẫn không thể đủ để nuôi bản thân, Hưng đã không thực hiện được ước mơ của mình.

Ngược xuôi vì biên chế

Một người bạn khác, tên là Châu, quê ở Quảng Bình cùng học ngành sư phạm với tôi.

Sau khi ra trường được 2 năm, Châu xin vào dạy hợp đồng tại một trường cấp 2 ở Quảng Bình và tìm cơ hội để vào được biên chế nhưng mãi vẫn chỉ là giáo viên dạy hợp đồng.

Mỗi năm, cứ hết hợp đồng ở trường này, Châu lại xin sang trường khác dạy, có khi phải đi xa nhà gần 20 km.

Sau khi nghe mọi người khuyên nên đi xa để tìm cơ hội. Dù gia đình neo người, ba mất sớm chỉ còn hai mẹ con, nhưng Châu vẫn quyết định xin vào dạy tại một huyện miền núi tỉnh Kon Tum.

Hơn hai năm trôi qua nhưng con đường vào biên chế của Châu vẫn chưa hề mở.

Nhiều người gợi ý cô chung chi gần trăm triệu để có một suất biên chế nhưng gia cảnh nghèo khó, lương hợp đồng không đủ sống thì lấy đâu ra số tiền ấy mà “chạy”.

Cuộc sống khó khăn, cô lại quyết định rời Kon Tum và về Sài Gòn với suy nghĩ: “mảnh đất này sẽ dễ tìm cơ hội hơn”.

Khi về Sài Gòn, cầm tấm bằng đại học sư phạm chuyên ngành địa lý, cộng thêm thâm niên giảng dạy gần 5 năm nhưng Châu vẫn chỉ vật vờ với công việc của một giáo viên hợp đồng.

Thời gian chủ yếu của Châu là đi làm gia sư để trang trải cuộc sống.

Không thể sống nổi được với nghề và càng không thể có cơ hội vào biên chế, Châu quyết định về lại quê tìm cơ hội mới.

Đó chỉ là hai trong số nhiều người bạn của tôi đã phải dở dang ước mơ được làm thầy, làm cô chỉ vì không có được một suất biên chế.

Các bạn đồng nghiệp khác, có ai trong hoàn cảnh như thế không?

(Nguồn: GDVN)

Thứ Năm, 9 tháng 11, 2017

Quỳ lạy Jack Ma

Làm giàu là cả sự quan hệ chằng chịt, trong đó tài năng là một phần, nó như là điều kiện cần. Những lớp học làm giàu, những sách học làm giàu, những lời khuyên của kẻ giàu có làm bạn giàu được sao? Nếu ai tin vào điều đó, thì kẻ đó có bộ óc của một baby.

Quá trình làm giàu như là một chiếc xe đạp 2 bánh. Một bánh là những gì ngoài tầm kiểm soát, bánh còn lại nhà những gì trong tầm kiểm soát. Những gì thuộc ngoài tầm kiểm soát như cơ hội, nền tảng gia đình, sự hỗ trợ, sự giúp đỡ, sự may mắn, môi trường làm ăn kinh tế, và hoàn cảnh đất nước bla bla... Những gì trong tầm kiểm soát như tài năng thiên bẩm, kiến thức, nhân cách, đạo đức v.v. Thiếu 1 trong 2 thì sẽ khó thành.

Học làm giàu thực ra là học những nghệ thuật ứng xử, nghệ thuật giao tiếp, nghệ thuật đàm phán, kinh nghiệm nắm bắt cơ hội v.v. Nó là để làm giàu vốn sống cho bản thân nhằm chống đỡ tốt nghịch cảnh nếu gặp rủi ro, và tối ưu hóa thuận lợi nếu may mắn đến với mình, chứ đừng nên nghĩ học làm giàu là sẽ làm giàu được. Ví dụ như thế này cho dễ hiểu, đất nước này bình quân đầu người có 2.200 USD cho mỗi năm, nếu có kẻ triệu phú đô ắt có kẻ ăn mày. Biết đâu bạn nghe kời khuyên Jack Ma nhưng bạn lại rơi vào một trong những kẻ túng quẫn, để cho kẻ khác bóc lột bạn để làm giàu!?

Tài sản quốc gia ít, cơ hội làm giàu vì thế cũng ít đi. Tiền dồn vào chỗ này thì vơi đi ở chỗ khác đó là điều tất yếu. Nếu ai học làm giàu mà cũng giàu thì cần gì đến vai trò điều hành kinh tế vĩ mô của chính phủ? Lúc đó chỉ cần cho mọi người học làm giàu thì họ giàu. Mà dân giàu thì nước giàu. Vậy dẹp chính phủ? Thực ra cơ hội của của mỗi người đều nằm trong tay chính phủ chứ không phải trong miệng Jack Ma.

Nếu tôi đặt câu hỏi, rằng giữa bạn và con của Jack Ma ai sẽ có cơ hội làm giàu dễ hơn? Chắc chắn 100% trả lời con của Jack Ma sẽ làm giàu dễ hơn bạn nhiều. Vì lý do đơn giản là con cháu gia đình giàu có thì cơ hội làm giàu lớn hơn, còn con cái gia đình nghèo khó thì cơ hội làm giàu ít hơn, vậy thôi.

Người ta nói "không ai tắm 2 lần trên 1 dòng sông". Điều đó có ý nghĩa gì? Điều đó nó nói lên rằng, hoàn cảnh đưa đến với một người nó sẽ không bao giờ có 2 tình huống y hệt nhau, tức hình dáng cơ hội nó luôn thiên biến vạn hóa. Ở 2 con người khác nhau thì chắc chắn cơ hội cũng hoàn tòan khác nhau. Cho dù có kéo cả Jack Ma, Bill Gates, và Warren Buffet sang nói chuyện thì họ cũng sẽ chỉ cho bạn những lời khuyên mà họ đã đúc kết được trong hoàn cảnh của họ. Bạn lắng nghe để trau dồi phẩm hạnh của mình thì OK, nhưng bạn nghĩ nghe lời khuyên đó mà làm giàu được như họ thì đừng có mà hoang tưởng. Vì sao? Đơn giản bạn không phải họ và hoàn cảnh của bạn cũng không giống hòan cảnh của họ.

Như vậy qua vụ anh bạn quỳ lạy Jack Ma cho ta thấy điều gì? Giới trẻ có hiểu biết quá nông cạn, tinh thần hèn yếu, và rất dễ dàng đánh mất sĩ diện. Đấy là điều đáng báo động. Trong một đất nước đói nghèo và đầy rẫy tham nhũng, thì chính ông Nhà nước mới là kẻ tước mất cơ hội làm giàu của những ai muốn làm giàu chân chính. Khi đất nước này rơi vào tình trạng bệ rạc như Venezuela thì đến chén cơm còn không có mà ăn chứ đừng nói đến chuyện làm giàu. Lúc đó có triệu lời khuyên Jack Ma thì cũng chẳng giúp bạn đủ ăn chứ nói chi đến làm giàu. Đừng quá ảo tưởng vào các lời khuyên của tỷ phú. Sách Bill Gates, của Warren Buffet, và sách của Dale Carnegie đầy ra đó, ai đọc đã làm giàu được?


(Nguồn: FB Đỗ Ngà)