Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017

Đón Tết ở Trường Sa

Tết ở Trường Sa giữa mênh mông là biển, dẫu cách xa đất liền hàng trăm hải lý, nhưng hương vị Tết cổ truyền vẫn tràn ngập nơi đây, có bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành…, có tiếng trẻ thơ rộn ràng những ngày đầu xuân mới, và những nghi lễ văn hóa tâm linh không thể thiếu của người dân trên đảo tiền tiêu Tổ quốc.
Khác với đất liền, ở Trường Sa, bộ đội và nhân dân thường tổ chức Tết sớm, những ngày cuối năm, không khí đón Tết Nguyên đán lại càng rộn ràng hơn. Một mùa xuân mới lại về trên đảo Trường Sa, đảo này được mệnh danh là trái tim của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, vì nơi đây là thị trấn của huyện.
Biển và trời như rộng mở hơn để đón xuân mới về, vẫn còn những trận mưa rào chợt đến, chợt đi trên đảo, những trận mưa mát lành cuối mùa như tăng thêm màu xanh cho đảo. Bàng vuông, phong ba, tra, đại… nhìn rợp một màu xanh mơn mởn, hoa của những loại cây này đua nhau nở, như mừng đón xuân về.
Trung tá Đỗ Thế Tuyến, Chỉ huy trưởng kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Trường Sa, mặc dù bận rộn rất nhiều việc, nhất là công việc của những ngày cuối năm, nhưng vẫn nhiệt tình dẫn đoàn nhà báo đi thăm đảo cả ngày trời mà không thấy mệt. Chuyện của Trung tá Tuyến kể về đón Tết trên đảo nghe mãi không thấy chán, từ những ngày còn khó khăn gian khổ, cho đến giờ, được sự quan tâm từ đất liền, bộ đội và người dân trên đảo đã được đón những cái Tết đầy đủ, cả tinh thần và vật chất, càng thôi thúc niềm tự hào của những người lính canh giữ biển trời Tổ quốc với ý chí, quyết tâm cao nhất.
Theo kế hoạch, các đơn vị của Đảo sẽ tổ chức đón Tết Nguyên đán với tinh thần vui tươi, tiết kiệm và không quên nhiệm vụ của mình. Cả đảo sẽ thực hiện tổng vệ sinh, các đơn vị dọn dẹp nhà cửa, khuôn viên vườn hoa, cây xanh; các hộ dân cũng tự làm những chậu mai vàng rực rỡ đặt trước hiên nhà càng làm tăng thêm không khí đón Tết.
Hoạt động trên đảo trong những ngày đón xuân rất phong phú, đa dạng, tình quân dân thêm gắn bó, thắt chặt hơn bao giờ hết, chị Lê Thị Trúc Hà, người dân huyện đảo Trường Sa tâm sự, đã ba cái Tết em được ở đây, cái Tết đầu cũng có cảm giác nhớ đất liền, nhưng giờ thì cảm thấy gắn bó lắm, không muốn rời xa, bởi tình cảm những người trên đảo thiêng liêng và trân trọng lắm. Chị Hà chia sẻ: “Tết trên đảo, các anh Hải quân có nhiều hoạt động vui lắm, thích nhất là những cuộc giao lưu giữa quân và dân, đó là hội thi gói bánh chưng, gói bằng lá dong thì không khó, nhưng bánh chưng gói bằng lá bàng vuông thì thật không đơn giản, tụi em là nữ mà không khéo tay bằng mấy anh bộ đội đâu, các anh gói bánh chưng bằng lá bàng vuông, nhanh và vuông vức, đẹp như gói khuôn”.
Vui nữa là những cuộc thi nấu ăn giữa những người đến từ các vùng miền khác nhau, ai có món gì đặc trưng của quê hương tha hồ thể hiện, mọi người nấu ăn khéo và ngon đến nỗi ban giám khảo rất khó khăn để lựa chọn cho giải nhất, các món ăn được tập hợp lại thành một mâm cỗ đa vùng miền thực sự hấp dẫn trong những ngày Tết.
Chiến sỹ Lâm Văn Đạo, quê ở Sầm Sơn, Thanh Hóa tâm sự: “Đây là cái Tết đầu tiên trên đảo Trường Sa, không có cảm giác nhớ nhà, bởi em đã ra đây được nửa năm rồi. Những ngày này, đơn vị của em đang tất bật với các công việc chuẩn bị cho đón Tết cổ truyền của dân tộc, bọn em được giao làm báo tường chào xuân mới, cùng với các đơn vị khác trên đảo, anh em tụi em đang nhanh chóng hoàn thiện tờ báo sao cho đẹp và ý nghĩa nhất để đoạt giải cao trong cuộc thi”.
Ở Trường Sa, có một nghi lễ thiêng liêng và thực sự xúc động, đó là vào sáng mùng 1 Tết, toàn đảo sẽ ra cột mốc chủ quyền, cạnh đó là cũng là cột cờ Tổ quốc để làm lễ chào cờ. Những ai lần đầu tiên ở đảo được thực hiện nghi thức này đều xúc động, nhớ mãi. Đại tá Phan Ngọc Quang, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 cho biết, mỗi lần được đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc, nghe hát quốc ca mà lòng thấy rung rưng, một cảm xúc trào dâng mãnh liệt, nhất là trong dịp đón xuân mới trên biển đảo thân thương, cảm xúc lại càng khó diễn tả hơn bao giờ.
Trung tá Đỗ Thế Tuyến cho biết thêm, cùng với lo cho bộ đội và nhân dân trên đảo ăn Tết được đầy đủ về vật chất, món ăn tinh thần cũng được tổ chức chu đáo với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao giao lưu văn nghệ giữa quân và dân được diễn ra sôi nổi trong những ngày đầu năm mới. Tổ chức thi đấu bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông giữa các đơn vị trên đảo, các hoạt động này đã thu hút được sự tham gia nhiệt tình của cán bộ, chiến sỹ và người dân trên đảo, như một nét đẹp văn hóa giữa muôn trùng biển khơi.
Ngày đầu năm ở Trường Sa, sau nghi lễ chào cờ Tổ quốc, bộ đội và người dân tới thắp hương tại các địa điểm tâm linh, đó là Đài tưởng niệm các liệt sỹ, Nghĩa trang các liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biển đảo của Tổ quốc, Nhà tưởng niệm Bác…, tiếp đó, mọi người đến Chùa Trường Sa Lớn thắp hương và chúc mừng năm mới sư trụ trì của Chùa. Hòa cùng đoàn người đến Chùa Trường Sa Lớn, chị Lê Thị Trúc Hà, người dân trên Đảo tâm sự: “Tết ngoài đảo càng ấm áp hơn khi được thực hiện những nghi lễ tâm linh, càng biết ơn công lao to lớn khi máu xương ông cha mình đã đổ xuống để giành giữ cho cháu con những tấc đất, tấc biển thiêng liêng quí giá”./.


Thứ Hai, 23 tháng 1, 2017

Hoa của đảo 2

Đây là những loài hoa thân thương nở giữa Trường Sa, mình đã chộp được trong chuyến đi biển cuối năm vừa rồi:

Hoa bàng vuông trắng tím, nhớ em tóc xõa nghiêng nghiêng
Hoa phong ba tựa hoa sữa, những đêm hai đứa sóng đôi
Hoa tra thì thầm quá...
Mẫu đơn và phong lan trong vườn hoa của đảo
Hoa trong chùa Trường Sa Lớn
Hoa giấy bên cột mốc chủ quyền

Hoa của đảo 1

Đi Trường Sa lần thứ hai, nghe bài hát "Hoa của đảo" lần đầu tiên trên con tàu 561. Đó là vào những buổi chiều khi kết thúc chuyến hành trình chuyển hàng Tết lên các đảo chìm, đảo nổi. Giai điệu và lời bài hát này thật trong sáng, và chỉ có trong sáng như vậy mới đúng cảm xúc và tâm trạng của người làm ra nó.
Sau gần một tháng lênh đênh vào tới bờ, tìm trên gúc, thì ra lời thơ là của Đại tá Dương Tự Trọng, người vì anh trai mà giờ đang phải chịu án hơn 10 năm..., người phạm tội mà vẫn khiến cho nhiều người phải ngưỡng mộ. Còn nhạc thì do nhạc sỹ Quỳnh Hợp sáng tác. Mình chép lời bài hát ra đây:
Hoa bàng vuông trắng tím,
Nhớ em tóc xõa nghiêng nghiêng.
Hoa phong ba tựa hoa sữa,
Những đêm hai đứa song đôi.

Hoa bão táp tinh khôi,
Em cười e lệ dấu mình.
Hoa Tra thì thầm quá
Nhớ chùm cau kết trái em chờ.

Lính đảo tặng em hoa Trường Sa,
Đảo chìm san hô trắng, đỏ
Nhụy hoa ánh với sắc cờ,
Bồng bềnh chở nhớ thương về.

Lính đảo tặng em hoa Trường Sa,
Cánh sóng nhuộm nắng vàng đua nở
Tình anh như cánh san hô biển,

Vẫn nở hoài giữa sóng khơi xa...

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

Tết ở đảo chìm

Thuyền Chài C
Mùa xuân đã về trên quê hương đất nước, đã về trên những hòn đảo không thể tách rời Đất Mẹ Việt Nam. Các anh, những người chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng đang náo nức đón xuân mới, nhưng vẫn không rời tay súng, bảo vệ bình yên vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Cuối năm âm lịch, thời tiết trên biển "đỏng đảnh" khó lường, mới đấy, sóng cấp 1, cấp 2, chỉ trong nửa ngày đã lên cấp 4, cấp 5. Sóng bạc đầu lừng lững lao vào thân tàu tạo nên những cú lắc nghiêng ngả khiến cho nhiều người phải bỏ cơm trưa chuyển sang húp cháo hoặc trệu trạo nhai mảnh cơm cháy.

Tàu 561, chiếc tàu bệnh viện của Quân chủng Hải quân được xếp vào hàng hiện đại trong khu vực đang thẳng tiến ra khơi. Chuyến đi cuối cùng trong năm này của 561 kết hợp rất nhiều công việc, trong đó có việc chở hàng Tết ra phục vụ cho bộ đội và nhân dân trên quần đảo Trường  Sa.Đại tá Phan Ngọc Quang - Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác số 3 - Tàu 561, Vùng IV Hải quân tâm sự: Năm nào cũng vậy, cứ dịp này, các anh lại chia nhau ra theo các tàu chuyên chở hàng Tết ra đảo để kịp phục vụ cho bộ đội, nhân dân trên đảo ăn Tết. Chuyển hàng lên đảo nổi thì thuận lợi, nhưng chuyển lên đảo chìm thì vất vả và nguy hiểm vô cùng. Chỉ cần sóng cấp 2, cấp 3, xuồng vận tải, xuồng CQ rất dễ bị sóng đánh lật. Phải là những tay lái cự phách, kinh nghiệm lâu năm mới vượt qua được những cơn sóng cao ngất, hung dữ như muốn nhấn chìm những chiếc xuồng nhỏ bé trên mặt nước mênh mông...

Đúng như lời Đại tá Phan Ngọc Quang, điểm đảo chìm đầu tiên Đoàn công tác đặt chân là Đá Lát. Sóng đã mạnh dần lên, tàu phải neo ngoài xa, chỉ nhìn thấy Đá Lát nhỏ xíu giữa màu xanh mát mắt của biển san hô. Hàng hóa chất đầy một xuồng vận tải, đủ thứ đồ để cho bộ đội đón Tết vui xuân: Đó là những chú lợn gần một tạ, sau hành trình dài trên biển vẫn không thấy hao đi cân thịt nào; đó là những bó lá dong, bao tải gạo nếp, đỗ xanh… để gói bánh chưng; đó là những cây quất cảnh lúc lỉu quả, lá vẫn xanh như chưa hề gặp phải chút muối mặn nào của biển…Rời Đá Lát, sau hành trình dài, tàu 561 tiếp cận đảo chìm Đá Đông. Khu vực này cũng như những đảo chìm san hô rộng lớn khác, bộ đội phải chia làm ba khu vực để ở và làm việc. Ba điểm ở cách nhau khá xa, nhìn ngút tầm mắt mới thấy nhà của bộ đội.

Thượng úy Phan Đăng Khoa - lái xuồng CQ của đảo Đá Đông B tâm sự: Lần đầu tiên ăn Tết trên biển thấy thú vị lắm! Cảm giác nhớ nhà, nhớ người thân được vơi bớt vì trên đảo chìm, những người lính vẫn được đón Tết theo một phong cách riêng. Sau những thủ tục như: gói, luộc và vớt bánh chưng để cúng giao thừa, anh em trên đảo tổ chức nhiều hoạt động chào mừng xuân mới. Mặc dù không gian chật hẹp, nhưng cán bộ, chiến sỹ đảo Đá Đông B vẫn dành ra được những không gian để tổ chức giao lưu văn nghệ, hái hoa dân chủ, đặc biệt là theo dõi thư chúc Tết của Chủ tịch nước trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam. Thượng úy Phan Đăng Khoa chia sẻ: Mới đầu ra không quen, sau dần một tháng thấy bình thường và giờ đây rất muốn gắn bó với đảo, bởi ở đây, tình cảm cán bộ, chiến sỹ thắm thiết như anh em một nhà.

Anh Quang đứng giữa
Tết ở đảo có hoa mai tự làm, có quất cảnh, có bánh mứt kẹo, bánh chưng xanh, thịt mỡ dưa hành…, "Ở ngoài này tụi em Tết thường ăn “yến tiệc”, bởi dọn tiệc ra ăn là có thịt, có giò…đầy đủ cả, mỗi rượu, bia là không, vì cán bộ, chiến sĩ vừa đónTết, vui Xuân, vừa phải thực hiện nhiệm vụ nên anh em bật nước yến ra uống và gọi là... “yến tiệc” - Thượng úy Khoa nói với ánh mắt lấp lánh niềm vui.
Tại đảo chìm Đá Tây A, mặc dù sóng lớn nhưng rất may là ở khu vực này có chỗ neo đậu xuồng (vì giữa đảo có lòng hồ) nên việc vận chuyển hàng Tết đỡ vất vả. Chiến sỹ Đỗ Văn Quyến, quê ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa) ra đảo làm nhiệm vụ từ tháng 7/2016, năm nay được đón cái Tết đầu tiên trên đảo tâm sự: "Nhìn thấy tàu ra chúng em mừng lắm, như thấy được gần hơn với đất liền, bởi các anh là những người khách cuối cùng của năm cũ đấy! Phải qua tháng ba thì mới lại có tàu ra. Trên đảo chìm bọn em rất vui, bởi có rất nhiều việc làm ngoài giờ, như: Chăm sóc vườn rau Thanh niên, khu tăng gia của đơn vị có đủ, lợn, gà, vịt… Tết này ngoài tiêu chuẩn trong đất liền thì đảo Đá Tây A còn nuôi được lợn đón Tết...

Trung tá Trần Vũ Kiên - Chính trị viên đảo Đá Tây A cho biết: Đơn vị luôn duy trì tốt nề nếp, chế độ sinh hoạt. Cán bộ, chiến sỹ trên Đảo luôn đoàn kết, thống nhất, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong sinh hoạt, học tập và công tác. Các cấp lãnh đạo thường xuyên quan tâm, nắm chắc hoàn cảnh gia đình, các mối quan hệ của anh em, cũng như tâm tư, nguyện vọng của mọi người; từ đó kịp thời định hướng và giải quyết tốt những vấn đề tư tưởng nảy sinh trong quá trình học tập, công tác. Chính vì vậy mà 100% cán bộ, chiến sỹ trên Đảo luôn ổn định về chính trị, tư tưởng, đoàn kết, dân chủ, kỷ luật nghiêm, yêu mến gắn bó với Đảo.

Cũng theo Trung tá Trần Vũ Kiên, Tết Đinh Dậu này, cán bộ và chiến sỹ trên đảo chìm Đá Tây A đón một cái Tết khá sung túc, là do anh em ở đây rất tích cực tăng gia chăm sóc rau xanh, đàn vật nuôi, đánh bắt hải sản, không những góp phần nâng cao đời sống hàng ngày cho cán bộ, chiến sỹ  mà còn tích trữ được cho những ngày lễ, Tết…

Rời Đá Tây, con tàu 561 đưa Đoàn công tác số 3 của Vùng IV Hải quân mang theo những gói hàng, quà Tết tới những đảo chìm, đảo nổi với những cái tên rất đỗi thân thương: Thuyền Chài, An Bang…

Mùa xuân đã về trên quê hương đất nước, đã về trên những hòn đảo không thể tách rời Đất Mẹ Việt Nam. Các anh, những người chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng đang náo nức đón xuân mới, nhưng vẫn không rời tay súng, bảo vệ bình yên vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc./.


Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

Trường Sa ơi mai tàu rời bến

Mỗi một lần ra Trường Sa, mình lại phát hiện ra một vài bài hát vô cùng cảm xúc... lần này đã tìm thấy một bài, đã nghe và giờ đang lò mò tìm ra chủ nhân và tên bài hát đó.
Thế là 22 ngày lênh đênh trên biển cũng đã kết thúc, sau cú trượt chân trên xuồng vận tải từ đảo Thuyền Chài A ra tàu, mình mới thấy sự nguy hiểm khi đi biển vào những ngày giông tố. Một trải nghiệm dài trên biển giờ về nằm trên giường mà vẫn có cảm giác bồng bềnh, để rồi đêm qua đang nằm giật mình nhỏm dậy nhìn ra ngoài cửa sổ: Ô sao boong tàu lắm cây vậy, mất cả chục giây mới định thần, đấy là sân sau nhà mình dưới ánh trăng rằm cuối năm.
Tạm một tấm hình chuyển hàng từ 561 thân thương lên đảo đã, để rồi sau sẽ kể tiếp...