Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Vì sao gần một nửa người Việt cùng mang họ Nguyễn?

Chắc hẳn ai cũng từng nghe hoặc từng quen biết một người họ Nguyễn. Trên trường quốc tế, đó là một dấu hiệu nhận diện người gốc Việt. Nhưng tại sao gần 40% người Việt lại có chung một họ Nguyễn này?

Nếu căn cứ theo tỉ lệ này, cứ ba người dân Việt Nam có ít nhất một người mang họ Nguyễn. Những người mang họ Nguyễn trên toàn thế giới có khoảng 90 triệu người, tức là nhiều thứ ba sau họ Lý và họ Trương của Trung Quốc.

Cấu tạo tên họ của người Việt khác với người Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tên họ người Việt Nam phân thành 3 phần: Họ – tên đệm – tên. Ở những trường hợp chính thức, thông thường người ta chỉ gọi tên. Tên người thường là ba chữ hoặc bốn chữ, cũng có khi là 2 chữ (ví dụ Nguyễn Trãi).

Vậy thì tại sao họ Nguyễn lại trở thành dòng họ lớn nhất và đông nhất ở Việt Nam? Có rất nhiều nguyên nhân lịch sử cho hiện tượng này.

Thời cổ đại

Vào thời Nam Bắc triều (420 – 589) Trung Hoa thiên hạ đại loạn. Vì để lánh nạn mưu sinh, một bộ phận gia tộc họ Nguyễn sống tại An Huy, Chiết Giang, Hồ Bắc… di cư sang Việt Nam.

Bộ phận người này sinh sống ở Việt Nam, qua thời gian đã đồng hoá cùng dân bản địa để tạo nên thêm một bộ phận đáng kể người Việt có họ Nguyễn. Sau đó vào thời Ngũ Đại (5 triều đại nối nhau cai trị Trung Nguyên: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu 907-960), dần dần lại có nhiều người họ Nguyễn di chuyển về phía Nam, bổ sung thêm vào số lượng người họ Nguyễn bản địa ở Việt Nam.

Sự phát triển của dòng họ lớn nhất Việt Nam cũng gắn liền quan hệ với triều đại nhà Trần. Trước triều Trần là giai đoạn trị vì của nhà Lý (1009 – 1225). Từ khi Lý Công Uẩn lên ngôi năm 1009 sau khi giành được quyền lực từ tay nhà Tiền Lê đến khi Lý Chiêu Hoàng bị ép thoái vị để nhường ngôi cho Trần Cảnh, tổng cộng là 216 năm.

Những năm đầu tiên, Trần Cảnh còn nhỏ tuổi, toàn bộ quyền hành của nhà Trần đều do một tôn thất vai chú của Trần Cảnh là Trần Thủ Độ nắm quyền. Trong thời gian này, Trần Thủ Độ đã làm một việc trực tiếp ảnh hưởng tới tên họ của người Việt.

Đó là việc gì? Ðời Trần Thái Tông (1232), sau khi đã đoạt ngôi nhà Lý, Trần Thủ Ðộ lấy lý do tổ nhà Trần tên Lý, đã bắt tất cả những người họ Lý là họ dòng vua vừa bị hoán vị còn trốn lẩn trong dân gian phải đổi thành họ Nguyễn.

Tuy nhiên ý đồ thật sự của Trần Thủ Độ là khai tử dòng vua Lý để không còn ai nhớ đến họ Lý nữa. Còn lý do vì sao khi đó ông lại lựa chọn họ Nguyễn để thay họ Lý, cho tới nay vẫn chưa được lý giải rõ, cũng có thể đó là lựa chọn một cách ngẫu nhiên.

Tuy nhiên trong sử sách chỉ ghi chép lại đơn giản như sau: “Sau khi nhà Trần nắm giữ quyền lực, tất cả những người mang họ Lý trong đất nước đều phải đổi sang họ Nguyễn”.

Có một điều càng không thể tưởng tượng được, đó là đổi họ đã trở thành một tục lệ của người Việt Nam thời cổ đại. Cứ mỗi khi một triều đại mới được thay thế thì tất cả những người mang họ của triều đại trước sẽ phải sửa thành họ Nguyễn. Trong lịch sử Việt Nam, đã từng có nhiều sự kiện như vậy khiến số người mang họ Nguyễn đã nhiều lại càng nhiều hơn.

Năm 1232, nhà Lý suy vong, Trần Thủ Độ đã bắt con cháu của dòng họ Lý chuyển sang họ Nguyễn. Khi Hồ Quý Ly lật đổ nhà Trần, ông ấy đã giết hại rất nhiều con cháu họ Trần. Vì thế, sau khi nhà Hồ sụp đổ, con cháu của họ Hồ vì sợ trả thù nên tất cả đã đổi sang họ Nguyễn.

Năm 1592, nhà Mạc suy tàn, con cháu của dòng họ Mạc cũng lại đổi họ sang Nguyễn. Khi triều đại nhà Nguyễn nắm quyền năm 1802, một số con cháu họ Trịnh cũng vì sợ trả thù nên lần lượt đổi hết họ sang Nguyễn, số còn lại trốn lên Bắc sang Trung Quốc.

Trong luật pháp của nhà Nguyễn, những người mang họ Nguyễn được hưởng nhiều đặc lợi, được triều đình ban thưởng. Vì thế các tội nhân cũng theo đó đổi họ sang Nguyễn nhằm tránh bị bắt tội, hưởng thêm ân sủng.

Cùng theo sự thay đổi của các triều đại những người mang họ Nguyễn càng ngày càng đông lên, cuối cùng lập ra triều Nguyễn. Triều Nguyễn cũng là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

Thời cận đại 

Trước khi đề cập tới quãng thời gian này, cần nhấn mạnh một đặc điểm của các dòng họ Việt Nam thời cổ đại. Vào thời cổ đại, dân chúng ở tầng lớp thấp bình dân thường không mang họ, chỉ có các  vương tôn quý tộc mới có họ.

Vào thế kỷ 19, khi Việt Nam trở thành thuộc địa của người Pháp, lần đầu tiên người Pháp có cuộc điều tra về dân số với quy mô lớn nhất trên khắp Việt Nam.

Trong quá trình điều tra họ gặp phải một vấn đề phiền phức lớn, đó là: Đại bộ phận người dân ở tầng lớp thấp bình dân đều không có họ, nên không có cách nào để thống kê tổng kết.

Vào lúc này phải làm như thế nào? Người Pháp liền nghĩ ra một cách, trước đây triều Nguyễn chẳng phải là triều đại cuối cùng của người Việt sao, vậy những người không mang họ đó để họ đều mang họ Nguyễn. Dòng họ này, bởi thế lại được mở rộng với quy mô lớn chưa từng có thêm một lần nữa.

Kỳ thực cho dù không có người Pháp, họ Nguyễn vẫn là một dòng họ lớn nhất Việt Nam, tuy nhiên để chiếm một tỉ lệ lớn 40% như vậy, không thể không kể tới tác động của người Pháp.

Bây giờ, khi ra đường, bất kể gặp một người họ Nguyễn nào, bạn hãy nói rằng họ đang có một tên họ đặc biệt nhất Việt Nam. Còn nếu đang mang họ Nguyễn, có lẽ bạn nên đọc bài viết này.
(Nguồn: Kiên Định)

Mỗi mét vuông có ba thằng làm báo

Giám đốc Sở TT-TT Đà Nẵng tính toán:
Đà Nẵng hiện có hơn 109 cơ quan báo chí với hơn 800 người làm báo, trong đó 400 nhà báo được cấp thẻ.
“Không kể Hoàng Sa thì Đà Nẵng có 0,85 người làm báo/1km2, còn kể cả Hoàng Sa thì có 0,65 người làm báo/ 1km2”.
Mình không biết tính thế để làm gì?
Lâu nay nghe dân gian nói: "Một mét vuông có 3 thằng kẻ cắp", giờ nghe thêm: "Một km vuông có hai phần ba thằng làm báo".
Hehe, Đà Nẵng khi nào cũng độc.
*
Nói qua thì cũng nói lại.
Cách tinh mét vuông là cách tính cơ học và không khoa học, nếu tính thế thì Q. Hai Bà Trưng, Q. Đống Đa (Hà Nội), Q.1 (TP Hồ Chí Minh) mật độ nhà báo có thể ngang với... kẻ cắp.
Trong số 800 người làm báo nói trên, các cơ quan báo chí thuộc TP ĐN chiếm chừng một nửa. Các cơ quan báo chí trung ương và địa phương khác chiếm một nửa nhưng họ tác chiến cho cả miền Trung- Tây Nguyên nên cách tính trên càng sai.
Cái sai nhất về mặt quản lý là không chỉ có chừng đó người làm báo, vì tính thêm "báo chí công dân" thì số người làm báo đã ngang... kẻ cắp rồi.
Bí thư Nguyễn Xuân Anh nhận định: "Bây giờ Đà Nẵng được cả nước quan tâm, chúng tôi đang bị đặt dưới không những kính lúp mà kính hiển vi nữa".
Rất chính xác. Kính hiển vi đó là các "nhà báo công dân". Tính coi: Mỗi nhà 4 người có 4 cái Fb, đó là 4 cơ quan báo chí. Họ có mặt khắp nơi. Tự viết bái, link bài, xuất bản... cập nhật từng phút,
Họ cũng là nguồn tin cho báo chí.
Trừ các nguồn tin chính thống, nguồn tin độc hầu hết các báo chạy theo mạng xã hội.
Kính hiển vi coi chừng cũng thua!
(Xin bổ sung thêm: Tỉnh thành nào chả thế!)
*
Nhưng mà, điều quan trọng nhất không phải nằm ở chỗ bao nhiêu người làm báo mà nằm ở chỗ nguồn tin của họ.
Đó là thực tế đang diễn ra.
Đó là nội bộ của các cơ quan. Nếu ở đâu nội bộ mất đoàn kết, thông tin được tuồn ra ngoài với mục đích đánh nhau thì không cần chừng đó mà chí cần 1 nhà báo biết cũng đủ rồi.
Lúc đó bài họ viết lên sẽ nhanh chóng được shae, nhanh một cách chóng mặt.
Quản lý báo chí thời kỹ thuật số không nên tính cơ học là thế.

(Nguồn: Nguyễn Thế Thịnh)

Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

Lời Phật dạy về tình yêu thương

Bản ngã luôn mong cầu tốt hơn những gì đang xảy ra. Nó không cho ta cơ hội trọn vẹn với thực tại đang là. Vì vậy ta rơi vào phiền não khổ đau. Nhưng chỉ cần ta buông mọi ý đồ muốn tốt hơn và trở về trọn vẹn với những gì đang diễn ra, ta sẽ thấy mọi sự đều vô thường, tự nhiên đến rồi đi. Tất cả đều có lý do, tùy duyên mà sinh khởi và cũng tùy duyên mà chấm dứt bất kể ta muốn hay không.
Trong tình yêu thương không gì gắn bó và quyến luyến bằng tình yêu nam nữ, bất cứ lời nói và cử chỉ nào, chúng ta cũng phải biểu lộ sự yêu thương trong tương kính. Đã làm người dù trai hay gái phải biết tôn trọng người mình đang yêu, cả thể xác lẫn tâm hồn. Mấu chốt của hạnh phúc gia đình trong hôn nhân tình yêu, người con gái phải biết giữ gìn, khéo léo trong mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ và con cái nhằm nuôi dưỡng hạnh phúc lâu dài về sau.

Trong đạo Phật, lòng từ bi luôn gắn liền với trí tuệ. Không hiểu nhau, không thể thương yêu trọn vẹn vì ta không thể cảm thông và tha thứ, nhất là những người có quan niệm gia trưởng. Mỗi người đều có những nỗi khổ niềm đau riêng, bởi áp lực của công việc và trách nhiệm đối với gia đình, nếu chúng ta không thật sự hiểu về nhau, ngược lại sẽ không thương mà còn giận hờn, trách móc. Vì sao? Vì cái ta của mình đã phình to ra. Ngay khi ấy ta sẽ không thể cảm thông, chính vì thế tình thương của mình sẽ làm người khác cảm thấy, khó chịu, bức xúc và khổ đau.

Chúng ta đến với nhau mà không có hiểu biết, vô tình sẽ làm người mình yêu thương, đau khổ suốt đời. Hiểu biết chính là nền tảng của tình thương yêu chân thành. Không hiểu biết, chúng ta không thể thật sự thương yêu nhau. Trái tim của ta nếu có hiểu biết, thì tình yêu thương sẽ là nền tảng vững chắc và lâu dài.
Muốn thương yêu phải có hiểu biết

Phật dạy về tình yêu rất sâu sắc và có ý nghĩa. Tình yêu phải có sự cảm thông và tha thứ, bởi bốn yếu tố: từ, bi, hỉ, xả.

“Từ” theo nghĩa nhà Phật là đem niềm vui đến cho người, còn từ ở đây khả năng hiến tặng hạnh phúc cho người mình yêu. Yêu thương chính là chất liệu giúp cho con người sống có trách nhiệm hơn, yêu thương chính là sự hiến tặng chân thành. Yêu mà làm khổ đau cho nhau không phải tình yêu đích thực. Có những người khi lấy nhau một thời gian, bắt đầu phát sinh những bất đồng về nhau cho nên nỗi khổ niềm đau làm tan nát hai con tim. Chúng ta yêu thương ai đó thực sự, nghĩa là làm cho người đó được hạnh phúc, mỗi ngày.

“Bi” là khả năng giúp cho người mình yêu thoát ra được những cái khổ trong hệ lụy. Mình đã khổ và đang khổ, mà người ta vẫn cứ làm cho mình thêm đau khổ, đó là một thứ tình yêu không chân thật. Không có gì đau khổ bằng trong cơn tuyệt vọng. Người mình yêu phải là người biết chia sẻ, biết an ủi, để làm vơi bớt nỗi khổ niềm đau do hoàn cảnh đưa đến.

Như vậy, quan điểm “từ bi” theo đạo Phật là khả năng hiến tặng để đem lại hạnh phúc cho nhau. Khi chúng ta yêu thương là phải làm cho người ta giảm bớt khổ đau, tăng trưởng thêm hạnh phúc. Nếu không, chúng ta chỉ là đam mê, say đắm trong xác thịt, không phải là tình thương chân thành. “Từ bi” trong tình yêu được biểu cảm qua thái độ có hiểu biết nên mới dễ cảm thông và tha thứ cho nhau. Muốn được như vậy chúng ta phải cần nhiều thời gian, để quan sát, để lắng nghe, để thấu hiểu tâm tính của nhau và thương yêu chân thành hơn.

“Hỉ” là niềm vui đích thực trong tình yêu, làm cho hai con tim được hòa hợp và có sự rung động mãnh liệt. Dấu ấn khó phai của tình yêu đích thực là có sự cảm thông cho nhau, cùng tạo sự hưng phấn để đạt được niềm an vui, hạnh phúc.

“Xả” là không phân biệt, không kì thị trong tình yêu trong vấn đề trọng nam khinh nữ. Mình thương yêu ai, hạnh phúc của người ta là của mình, khó khăn của người ta là của mình, khổ đau của người ta là của mình, vì ta và người đó là của nhau. Khi yêu nhau, hạnh phúc hay khổ đau không còn là vấn đề của riêng tư, mà hai người phải có trách nhiệm để cùng san sẻ cho nhau.

Vấn đề hạnh phúc hôn nhân phải do sự hòa hợp của con tim và có sự thông cảm và tha thứ cho nhau. Học thức cao, kinh tế đầy đủ, cũng chưa đảm bảo hạnh phúc gia đình mặc dù hai yếu tố này rất cần thiết trong đời sống lứa đôi. Phật giáo chủ trương và khuyến khích mọi người tin sâu nhân quả nghiệp báo, nhờ vậy ta sẽ biết cách cải thiện đời sống gia đình ngày càng tốt hơn về mọi mặt. Do đó, những chuyện xảy ra cơm không lành canh không ngọt trong đời sống lứa đôi là do chúng ta không chịu nhường nhịn nhau.

Chúng ta yêu nhau là giữ gìn cho nhau, kính trọng nhau. Thân thể ta cũng vậy, có những vùng thiêng liêng và riêng tư, ta không muốn ai chạm tới, ngoài người ta yêu, ta tin, ta muốn sống và dâng hiến trọn đời, trọn kiếp mà thôi.

Tình yêu là gì?

Tình yêu đích thực là vô điều kiện, là cho đi mà không mong cầu đáp trả. Thậm chí khái niệm cho và nhận không tồn tại, chỉ còn sự tương giao một cách trọn vẹn và vô ngã. Tình yêu nam nữ phổ biến hiện nay chỉ là sự trao đổi, mà hàng hóa chính là cảm xúc và cảm giác của hai bên. Khi còn ảo tưởng về cái tôi thì không thể xảy ra tình yêu đích thực, vì thế nào cũng có điều kiện nào đó hiện diện. Tình yêu lúc đó dù bắt đầu có nồng thắm đến đâu, dù cảm xúc có mạnh mẽ đến đâu cũng thật mong manh. Vì chỉ cần xuất hiện yếu tố bên ngoài làm cảm xúc - cảm giác của một bên thay đổi, thế là bão táp phong ba liền ập tới.

Khi ta yêu một người tức là ta yêu luôn cả mặt tốt và mặt xấu của người đó. Xấu và tốt như hai mặt của một bàn tay. Ta không thể chỉ giữ lấy một mặt mà bỏ đi mặt kia. Ta luôn tự vẽ ra cho mình một hình ảnh về người mình yêu hay người chồng/vợ của mình. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng của ta, không phải con người thực. Vì vậy ta cần nhẫn nại lắng nghe, quan sát và chia sẻ để có thể hiểu rõ về người bạn đời của mình. Khi thấu hiểu cả mặt tích cực và tiêu cực của người ấy, ta mới có thể yêu thương họ thật sự.

Khi ta thật sự yêu thương một người thì người đó sẽ cảm thấy tự do để được là chính họ. Tình yêu đích thực không ràng buộc đối tượng được yêu mà còn là động lực để cho họ đổi mới chính mình. Khi có biến cố xảy ra thì phụ nữ vẫn là người chịu thiệt thòi nhiều hơn, nhưng họ cũng dễ buông bỏ tư kiến của mình hơn. Nếu cô gái biết chấp nhận chàng trai như anh ấy là, thì sẽ có cơ hội để chàng trai thay đổi thái độ của mình.

Quy luật của cuộc sống là vô thường, kể cả tình yêu đôi lứa. Nếu ta đủ nhẫn nại để quan sát, ta sẽ thấy rõ, vị đắng, vị ngọt của tình yêu. Thấy rõ nó sinh ra và mất đi như thế nào. Và khi hiểu rõ, ta sẽ không còn bám chấp vào hôn nhân nhưng cũng không sợ sệt hôn nhân nữa. Ta có thể làm giấy kết hôn với người mình không hề yêu và cũng có thể nhắm mắt ký giấy ly hôn khi mình vẫn còn yêu tha thiết. Hôn nhân hay ly hôn vốn chỉ là hình thức, là một bản hợp đồng mà thôi. Làm sao nó có thể ràng buộc được tâm ta? Quan trọng là khi có biến cố xảy ra, ta cần đối diện với chúng bằng thái độ sáng suốt và trong lành. Vì biến cố đó là như ý hay bất như ý cũng là cơ hội cho ta hiểu thêm về chính mình, về người mình yêu. Và từ đó nhận ra bản chất thật của tình yêu, của cuộc sống.

Đừng tưởng xuất gia đi tu là ta có thể trốn thoát được bài học tình yêu. Với hiểu biết mờ mịt không rõ ràng, bất cứ lúc nào ta cũng có thể gặp vướng mắc tình cảm bất kể ta đang làm gì, ở đâu. Đức Phật có dạy rằng chỉ có thể thoát ly một pháp khi ta đã tường tận mặt tích cực cũng như mặt nguy hại của nó, khi ta nhận biết rõ từ khi nó sinh ra cho đến khi nó mất đi. Nói đúng hơn, lúc đó nó tự thoát ly, chứ không ai làm gì cả.

Hãy nhớ điều quý giá nhất trong cuộc sống chính là sự bất toàn. Vì khi toàn vẹn thì sự sống sẽ kết thúc. Sự bất toàn là một phần của vô thường, một quy luật tất yếu của cuộc sống. Khi ta còn đang sống trong ảo tưởng về bản ngã, về cái tôi và cái của tôi, thì bản ngã luôn cầu toàn và nỗ lực để được như ý. Nhưng những gì nó nhận được từ cuộc sống đều là bất toàn và bất như ý.

Sau những cố gắng và nỗ lực vô vọng, nhờ sự bất toàn ấy mà cuối cùng bản ngã cũng đầu hàng. Ta bắt đầu sống vô ngã vị tha và tự nhiên ta thấy sự bất toàn lại chính là động lực để phát triển và tiến hóa của vạn vật. Chính vì mọi thứ đều bất toàn mà ai cũng có cơ hội làm mới bản thân mình.

Bản ngã luôn mong cầu tốt hơn những gì đang xảy ra. Nó không cho ta cơ hội trọn vẹn với thực tại đang là. Vì vậy ta rơi vào phiền não khổ đau. Nhưng chỉ cần ta buông mọi ý đồ muốn tốt hơn và trở về trọn vẹn với những gì đang diễn ra, ta sẽ thấy mọi sự đều vô thường, tự nhiên đến rồi đi. Tất cả đều có lý do, tùy duyên mà sinh khởi và cũng tùy duyên mà chấm dứt bất kể ta muốn hay không. Tất cả những thiện - ác trong đời đều "Bất khả tư nghì", tùy hoàn cảnh, tùy đối tượng mà nó được gán cho cái nhãn "thiện" hay "ác". Dù những gì đang xảy ra là thiện hay ác, nó đều là bài học giác ngộ vô cùng quý giá về cuộc sống.


(Thích Đạt Ma Phổ Giác)