Thứ Tư, 27 tháng 11, 2019

Con người đã đạt đến giới hạn trí tuệ, không bao giờ hiểu hết vũ trụ?



Nhiều người cho rằng bộ não con người được cấu trúc để giải quyết các vấn đề thực tế ảnh hưởng đến sự tồn tại và sinh sản, chứ không phải để làm sáng tỏ những bí ẩn của vũ trụ.

Khoa học đã đạt được những tiến bộ to lớn trong thế kỷ qua, nhưng sự hiểu biết của loài người về tự nhiên vẫn vô cùng hạn chế. Các nhà khoa học chưa thể kết hợp được thuyết tương đối rộng với vật lý lượng tử, thậm chí không xác định được vật chất tối và năng lượng tối - thành phần chủ chốt tạo nên vũ trụ - là gì.

Thuyết vạn vật (Theory of Everything) vẫn còn là thứ quá xa vời với các nhà khoa học. Và còn rất nhiều câu hỏi hóc búa khác, bao gồm việc ý thức nảy sinh từ vật chất đơn thuần như thế nào.

Nhiều người cho rằng bộ não con người là sản phẩm của sự tiến hóa theo thời gian. Nó được thiết kế để giải quyết các vấn đề thực tế ảnh hưởng đến sự tồn tại và sinh sản của chúng ta, chứ không phải để sáng tỏ cấu trúc vũ trụ.

Những vấn đề của người tinh khôn

Do đó, nhiều triết gia bi quan cho rằng có những điều chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được, khoa học của con người ngày nào đó sẽ đạt đến giới hạn cuối cùng. Và có thể chúng ta đã đạt đến giới hạn đó rồi. Tuy nhiên, liệu đây có phải là quan niệm đúng?

Theo nhà nghiên cứu Maarten Boudry thuộc Đại học Ghent (Bỉ), nếu cho rằng chỉ con người mới có sức mạnh nhận thức, điều khiến chúng ta khác biệt với các loài động vật khác, bạn sẽ không hiểu hết được thuyết tiến hóa của Darwin vốn nhận định Homo Sapiens - người tinh khôn cũng chỉ là một phần của giới tự nhiên.

Có rất nhiều điều chúng ta không thể làm được với bộ não trần trụi của mình. Nhưng Homo Sapiens là loài chế tạo công cụ, bao gồm một loạt các "công cụ nhận thức". Nhờ đó con người có thể mở rộng được sự hiểu biết của mình.

Ví dụ, các cơ quan cảm giác của chúng ta không thể phát hiện tia UV, sóng siêu âm, tia X hoặc sóng hấp dẫn. Nhưng nếu được trang bị một số công nghệ tương thích, bạn có thể nhận ra tất cả những thứ đó.

Để khắc phục hạn chế về nhận thức, các nhà khoa học đã phát triển bộ công cụ và kỹ thuật như: kính hiển vi, phim X quang, máy đếm Geiger, máy dò vệ tinh vô tuyến,...

Tất cả các thiết bị này mở rộng tầm hiểu biết của chúng ta bằng cách "chuyển đổi" những quy tắc vật lý thành một số định dạng mà cơ quan cảm giác con người có thể nhận biết được. Thực tế, có phải chúng ta đã cảm nhận được tia UV? Theo cách nào đó, có thể nói là như vậy.

Bằng cách tương tự, chúng ta sử dụng các vật thể vật lý (như giấy và bút chì) để tăng "dung lượng" bộ nhớ cho bộ não trần trụi. Theo nhà triết học người Anh Andy Clark, tâm trí chúng ta hoàn toàn vượt ra khỏi da và hộp sọ, nó xuất hiện dưới dạng máy tính xách tay, màn hình máy tính, bản đồ hoặc những tập tin lưu trữ,...

Vai trò của toán học

Toán học là một cách tuyệt vời khác để mở rộng nhận thức. Nó cho phép con người thể hiện các khái niệm mà chúng ta không thể nghĩ ra bằng bộ não trần.

Chẳng hạn, không nhà khoa học nào có thể vẽ ra được biểu đồ đại diện cho tất cả các quá trình đan xen phức tạp của hệ thống khí hậu. Đó là lý do con người đã xây dựng các mô hình toán học và máy tính để thực hiện công việc nặng nhọc thay cho chúng ta.

Quan trọng nhất, chúng ta có thể mở rộng nhận thức và truyền đạt cho những đồng loại. Điều làm cho loài người trở nên độc đáo là chúng ta có văn hóa, đặc biệt là kiến thức văn hóa tích lũy theo thời gian. Một quần thể bộ não của con người thông minh hơn nhiều so với bất kỳ bộ não riêng lẻ nào.

Không nhà khoa học nào có thể tự làm sáng tỏ những bí ẩn của vũ trụ. Nhưng tập thể sẽ làm được. Như Isaac Newton đã viết, ông ấy có thể nhìn xa hơn khi đứng trên vai người khổng lồ. Bằng cách hợp tác với các đồng nghiệp, các nhà khoa học có thể mở rộng tầm hiểu biết nhanh hơn bất kỳ hoạt động cá nhân riêng lẻ.


Ngày nay, ngày càng ít người hiểu những gì đang diễn ra ở đỉnh cao của vật lý lý thuyết - ngay cả các nhà vật lý. Sự thống nhất cơ học lượng tử và lý thuyết tương đối chắc chắn gây nhiều khó khăn, nếu không các nhà khoa học đã hoàn thành nó từ lâu.

Điều tương tự cũng đúng đối với sự hiểu biết con người về cách bộ não phát triển ý thức, ý nghĩa và ý hướng - intentionality, một trong những khái niệm quan trọng bậc nhất của hiện tượng học (nhánh triết học nghiên cứu cấu trúc của sự cảm quan và ý thức).

Nhưng có lý do chính đáng nào để cho rằng những vấn đề này sẽ mãi mãi nằm ngoài tầm với?

Phát triển hay dừng lại?

Nhà nghiên cứu Maarten Boudry đặt ra một giả thuyết thú vị. Có một nhà nhân chủng học ngoài hành tinh đến thăm Trái Đất khoảng 40.000 năm trước để chuẩn bị báo cáo khoa học về tiềm năng nhận thức của con người.

Liệu loài vượn-người có hiểu được cấu trúc của Hệ Mặt Trời, độ cong của không-thời gian hay thậm chí là nguồn gốc tiến hóa của chính nhân loại.

Khi ấy, khi tổ tiên chúng ta sống trong từng nhóm nhỏ bằng phương pháp săn bắt hái lượm. Dù sở hữu kiến thức khá sâu rộng về động thực vật ở môi trường xung quanh cũng như kiến thức để tồn tại, tổ tiên chúng ta không có khái niệm gì về khoa học.

Họ không có chữ viết, không biết toán học, không sở hữu thiết bị nhân tạo để mở rộng nâng tầm cơ quan cảm giác như các thiết bị nhận biết tia UV, cảm biến nhiệt...

Kết quả là nhà nhân chủng học ngoài hành tinh đánh giá: “Loài người không biết gì về nguyên nhân thực sự của thảm họa thiên nhiên, bệnh tật, thiên thể, sự thay đổi các mùa hoặc bất kỳ hiện tượng tự nhiên nào khác. Tiềm năng nhận thức của loài này rất thấp”.

Nhưng người ngoài hành tinh đó hoàn toàn sai lầm. Về mặt sinh học, loài người không khác mấy so với 40.000 năm trước, nhưng giờ ta đã biết về vi khuẩn và virus, DNA và các phân tử, siêu tân tinh và lỗ đen, phổ điện từ,...

Chúng ta cũng biết về độ cong không-thời gian, thuyết tương đối rộng Einstein. Chúng ta đã có thể "nhìn" đến các vật thể cách xa hàng triệu năm ánh sáng, cả những vật thể cực kỳ nhỏ bé (vi khuẩn, virus, hạt hạ nguyên tử,...), những thứ ngoài tầm với của các cơ quan cảm giác con người.

Câu chuyện giả sử ở trên là động lực cho sự phát triển của nhân loại. Ai biết được những thiết bị nào sắp tới có thể khắc phục những hạn chế sinh học của chúng ta? Ai dám khẳng định một bài toán sẽ mãi mãi không bao giờ tìm được lời giải?
(Nguồn: Zing)

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2019

Sợ ta không?


XÃ HỘI NHÂN BẢN KHÔNG COI NGHỀ NÀO LÀ NGHỀ CAO QUÝ MÀ CHỈ CÓ CON NGƯỜI LÀ CAO QUÝ




Nghề giáo có thực sự là một nghề cao quý?

Tại sao người phương Tây không coi trọng người làm nghề giáo?

Truyền thống tôn sư trọng đạo tư tưởng Nho Khổng thoạt nghe qua thì nhân văn cao quý nhưng tiềm ẩn những vấn đề bất cập. Nó khiến vai trò của người thầy được đề cao quá mức và khiến người học phải lệ thuộc vào thầy. Ngày xưa, được đi học là một đặc quyền và những người được gọi là “biết chữ thánh hiền” chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chính vì những lời của Khổng Mạnh dạy được coi là tuyệt đối đúng, là chân lý mà những người học Nho đối với những người dân quê răng đen mắt toét mà nói nếu không là thần thánh thì cũng là đấng tài năng vượt bậc. Làng nào có được một ông thầy đồ biết võ vẽ vài chữ Nho thì cung kính bưng rước như đối với bậc vĩ nhân. Sự tôn sùng tuyệt đối tạo ra những hệ lụy sau:
a. Đã là thầy thì cấm cãi cho dù thầy có sai đi nữa. Điều này dẫn tới sự lạm quyền của những người làm thầy.
b. Do quá lệ thuộc vào thầy, học sinh không dám tự suy nghĩ và phản biện mà luôn chờ nghe ý kiến của thầy. Điều này giết chết khả năng tư duy độc lập của người đi học, biến người đi học thành nô lệ về tâm thức.
c. Do quá đề cao cái gọi là “đạo thánh hiền” và “chữ thánh hiền”, người học ngày xưa bài xích triệt để những gì không thuộc về ý thức hệ của mình thay vì tiếp thu cái hay cái mới từ nhiều nguồn khác nhau. Việc học thay vì khai phóng người học thì lại trở thành ngục tù về tư tưởng giam hãm người học. Những người nhai lại những kiến thức cũ rích và lỗi thời vẫn luôn tự tin là mình học sâu hiểu rộng mà không biết mình đã lạc hậu và cổ hủ tới mức nào.

Ông tổ của triết học phương Tây Socrates không hề để lại sách vở gì ghi chép lại những điều mình giảng dạy hay đúng hơn là những vấn đề triết học mà ông đưa ra để tranh luận với học trò của mình. Vì sao ư? Ông hiểu rằng những gì ông nói có thể đúng hôm nay nhưng chưa chắc mười năm hay hai mươi năm sau còn đúng. Những lời dạy của ông không phải là chân lý để tôn sùng hoặc để noi theo. Plato, người ghi chép lại những gì Socrates dạy thành sách vở, tuy rất ngưỡng mộ thầy mình nhưng cũng có những tranh cãi nảy lửa với Socrates về những điều mà ông cảm thấy không thỏa đáng. Người thầy duy nhất mà ai cũng phải nghe theo chính là “chân lý dựa trên logic”. Đó là lý do tại sao người phương Tây họ không tôn sùng và dựa dẫm vào người thầy và những giáo điều một cách thái quá. Tôi thích cách nhìn về giáo dục này hơn vì nó thực sự giải phóng con người ra khỏi sự u tối và lệ thuộc về mặt tư tưởng.

Nếu hỏi tôi có suy nghĩ gì về ngày nhà giáo Việt Nam, tôi muốn chia sẻ một vài điều sau:

1. Không có nghề nào là nghề cao quý và cũng không có nghề nào là nghề thấp hèn. Nghề giáo cũng chỉ là một nghề như bao nhiêu nghề khác, không có gì đặc biệt hơn để đáng được tôn vinh một cách thái quá. Là giáo viên, chúng ta cũng chỉ làm việc và được trả lương mà thôi chứ không hề làm không cho ai. Bạn chọn nghề giáo vì cũng như bạn chọn bất cứ một nghề nào khác, có thể vì bạn thích nó, có thể nó hợp với bạn hoặc cũng có thể bạn kiếm được lợi lộc từ nó. Không ai ép bạn và bạn cũng không hi sinh gì cả. Nếu nói về việc xứng đáng được tôn vinh, còn có nhiều nghề khác xứng đáng hơn nghề giáo ví dụ như nghề công nhân vệ sinh đường phố hoặc những người công nhân cầu cống. Họ làm công việc đầy dơ bẩn và nguy hiểm một cách âm thầm lặng lẽ, không ai quan tâm tới, không ai cảm ơn, thậm chí còn bị coi thường nhưng họ đóng góp cho xã hội này nhiều hơn những giáo viên vô lương tâm và vô trách nhiệm.

2. Kiến thức không phải là của chúng ta, chúng ta chỉ là những người truyền đạt lại kiến thức của người khác. Thời đại thông tin ngày nay khiến cho tiếp cận kiến thức dễ dàng hơn bao giờ hết. Không có thầy cô giáo nào có thể giỏi hơn Google hay Wikipedia. Đừng quá tự tin vào những kiến thức của mình đang có mà quên việc học hỏi để nâng cao hiểu biết của bản thân nếu không muốn làm ếch ngồi đáy giếng. Điều quan trọng nhất của người giáo viên ngày nay là cách truyền đạt kiến thức và cách tạo cảm hứng cho học sinh.

Cùng là công việc giảng dạy nhưng thời buổi ngày nay, kẻ bán chữ thì nhiều, còn người thầy chân chính thì ít. Người thầy thực sự và kẻ bán chữ thật ra chỉ khác nhau ba điều cơ bản: 1. Người thầy luôn tìm cách truyền đạt kiến thức hiệu quá nhất cho học sinh của mình còn kẻ bán chữ nhồi kiến thức vào đầu học sinh bất chấp hiệu quả. 2. Người thầy sống có đạo đức và làm gương tốt cho học trò mình. Chính điều này khiến cho người thầy được kính phục. Còn kẻ bán chữ lợi dụng sự kính trọng của học trò để làm điều trái đạo đức. 3. Người thầy tạo cảm hứng và hướng con người tới sự tự do về tư tưởng, còn kẻ bán chữ biến người học thành nô lệ của những thứ tầm thường như điểm số, thành tích hay tiền bạc địa vị.

Chúng ta nên biết ơn những học trò của chúng ta vì họ dạy cho chúng ta cách để trở thành một người thầy tốt hơn. Thay vì cứ ôm trong đầu cái suy nghĩ “không thầy đố mày làm nên” hãy nghĩ ngược lại rằng “không trò, đố thầy dạy ai?” Muốn học trò tôn trọng mình thì mình phải xứng đáng với sự tôn trọng đó và phải tôn trọng lại học trò của mình. Sự tôn trọng phải đến từ hai phía thì tình thầy trò mới bền. Đừng sợ học trò không nhớ đến công ơn của mình, hãy làm tốt trách nhiệm của mình thì tự nhiên học trò sẽ nghĩ tới mình với những tình cảm tốt đẹp nhất.
Truyền thống tôn sư trọng đạo chỉ thực sự đẹp và có ý nghĩa khi nó xuất phát từ tình cảm thật sự. Còn nếu bị lạm dụng và biến tướng mà không dựa trên nền tảng đạo đức thật sự thì đó chỉ là vỏ bọc hình thức mà thôi.

( Nguồn: FB Vien Huynh )