Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Cái nước mình...

Chàng thanh niên chỉ trong vòng nửa năm được thăng liền 2 cấp, lên phó, rồi lên luôn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam khi vừa 30 tuổi. Nhìn lại, toàn bộ sự nghiệp làm công chức nhà nước của cậu chỉ vỏn vẹn có hai năm. Sự nghiệp học hành cũng ly kỳ không kém. Xong đại học trong nước, tự đi học thạc sĩ ở Mỹ. Khóa học 2 năm, đã học được tròn 1 năm xứ người, thì tỉnh mới có quyết định cho phép… đi học nước ngoài bằng ngân sách tỉnh? Coi như cứ việc “ăn trước”, sau đó có nhà nước đứng ra trả tiền trọn gói, bảo đặt địa phương vào thế đã rồi cũng không sai! Và đến nay tại tỉnh này, cũng mới duy nhất một trường hợp được đào tạo theo lối “thu hút nhân tài” như vậy. Quy trình “đúng”, mà rất lạ này, ai muốn hiểu thì cũng nên biết rằng, cha cậu ấy là lãnh đạo cao nhất tỉnh. Trường hợp trên, đến một nhà ngoại giao dày dạn cả đời lăn lộn với thế giới như bà Tôn Nữ Thị Ninh, cũng phải thốt lên “chưa từng thấy”. Nhưng lãnh đạo địa phương trên vẫn hồn nhiên đem việc “trẻ hóa” này để so với Đề án đưa 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã. So làm sao được, giữa ông Giám đốc Sở, sắp thành Tỉnh ủy viên, với mấy anh chị phó chủ tịch xã cắm tít những vùng sâu vùng xa. Thậm chí, hiện phần lớn lớp trí thức trẻ nhiệt huyết, có trình độ và được sàng lọc rất kỹ càng này còn chưa biết “đầu ra” của chính mình ra sao. Khi có chưa tới 1/4 số họ được bầu vào cấp ủy của các xã khóa mới này. Khi nhiều địa phương vẫn cho rằng, đây chỉ là những người “của dự án”, đến rồi sẽ lại… đi! Cơn “khát” bia Sài Gòn ở Hà Tĩnh đang lan đến từng tiết mục văn nghệ cấp xã, được phổ thơ, trở thành “bia ca” để trình diễn và đoạt giải. Trong khi một trường đại học phía Nam cho biết sẽ không dừng việc “tự phong giáo sư”. Cũng lại một quy trình lạ. Và cũng lại xuất hiện hai luồng ý kiến. Bên ủng hộ việc “tự phong” thì lập luận rằng cứ cho phong thoải mái đi. Để khi nào giáo sư tự phong cho thấy chất lượng thấp thì xã hội sẽ đào thải, quay lưng… Một sự hồn nhiên đến khó nói. Nhất là trong bối cảnh bây giờ, nếu tất tật mọi thứ đều được đong đếm bằng chất lượng thực sự, thì xã hội đã long lanh từ lâu rồi. Tự đặt ra những thứ quy trình riêng bất chấp quy định chung, thật mạo hiểm và bất nhẫn. Với số đông thấp bé đang nhẫn nại xếp hàng, chịu đựng./.. (Nguồn: Tiền Phong)

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Nửa đêm

Đêm nay, mình ngồi nghe lại bài này…, qua hai giờ sáng rồi mà mắt vẫn chong chong. “Nửa đêm thức giấc nghe gió lạnh về, lòng chợt nhớ thương ai, thoang thoáng trong mây, tiếng dương cầm tiêu siêu hồ Tây…Mùa đông thổn thức như trái tim em lạnh cô đơn, người đi xa vắng có nhớ thương ai chiều Ðông ấy ?! Mùa đông trút lá cho đớn đau thêm cành khô cây, tình em mãi mãi, mãi mãi héo hon mùa đông về!" Lại nghe ngoài ấy sắp đón đợt gió mùa đông bắc…, lại sắp hết một năm, sang mùa đông, hết mùa đông là cũng là hết một năm. Đời người cũng quay quắt theo từng đấy mùa rồi mất hút theo thời gian. Mình thích câu này: Đừng mong đích đến thay đổi, nếu bạn không thay đổi con đường! Liệu đường đời có trăm ngàn lối? nỗi đau trên đường đời đâu có giống nhau. Có những nỗi đau, đau khắc khoải đến không nguôi, có những nỗi buồn, buồn đến tuyệt vọng, bởi đau buồn ấy từ chính nơi thiêng liêng nhất của mình. Con người sống có ác với nhau không? Để làm gì một chút danh lại, làm gì một chút của cải phù vân, làm gì những mảnh đời không thể tròn trịa nhưng cứ cố úp vào nhau? Vết thương tình cảm rất khó liền, lời nói gió bay nhưng đau hơn đâm chém, lặn ngụp trong bão giông của cuộc đời thấy mình như hạt bụi bị xô đẩy, bốc lên, ném xuống đến tàn tạ. Rút cục, cuộc đời con người có hạnh phúc hay không phụ thuộc vào lòng thương yêu, tình thương yêu và tính bao dung sẽ làm cho con người ta giàu thêm, nhân hậu thêm, thiếu nó, nước mắt sẽ rơi nhiều trên đường đời! Và một cách đơn giản để hạnh phúc là trân trọng những gì mình đang có!