Thứ Tư, 9 tháng 9, 2020

Trái đất 3/4 là nước

 Nước là cội nguồn của sinh mệnh, trong cơ thể người có hơn 70% vật chất đều là nước. Khi con người ở những trạng thái khác nhau, tích cực hay tiêu cực, thì cơ thể của họ có thể cũng đang xảy ra sự biến đổi y như tinh thể nước vậy.

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2020

Nguyên âm


Mình có bà cô ruột dạy cấp 2 môn sinh hóa.

Cái sự nhiêu khê nhập vào, tách ra giữa cấp 1 và cấp 2 khiến cô có bận xuống dạy tít bọn thò lò mũi xanh cấp 1.

Đến bài nguyên âm, cô bảo chả biết giải thích nguyên âm là như nào cho bọn vẫn còn mặc quần thủng đít, đái dầm kia hiểu.

Bí cô đem đi hỏi hai bạn đồng môn, đồng trường học tận khoa văn đại học sư phạm.

Cả hai cô giải thích sao cũng không làm cho cô mình thông được, bởi cái sự định nghĩa, khái niệm theo kiểu hàn lâm vô cùng khó nhớ.

Cô đem câu chuyện về kể với ông chồng.

Chồng cô là dân giao thông thủy lợi làm miết miền Tây mấy năm mới về quê nghỉ phép một chập cả tháng.

Chú bảo, khó gì đâu. Nguyên âm là những chữ đọc lên không bị bất cứ một thứ gì nó chặn lại ở cửa miệng. Còn lại là phụ âm.

Cô mình như vỡ òa trong hạnh phúc. Bảo với chú, co thế thôi mà chúng nó đọc khái niệm nghe rối tinh rối mù như mớ bòng bong, ông đúng thật phải làm nghề dạy học. 

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2020

Cho con


Con về với vườn xanh mát
Hương bưởi nồng nàn quanh năm
Cu gù ru con giấc ngủ
Cho con mãi mãi yên lành
Ngủ ngoan con trai yêu nhé
Mẹ con đang bận đi làm
Mẹ thương, thương con nhiều lắm
Những chiều mưa lạnh sương giăng
Con về với vườn nhà mình
Đừng buồn khi xa bố mẹ
Cuối tuần lại về bên con
Ngủ ngoan con trai yêu nhé
Ngoài kia ve đã gọi hè
Đốm cùng với Khoang tha thẩn
Nhặt nắng vàng rơi, vàng rơi
Con về với vườn rong chơi
Giữa bao bạn bè mới lạ
Với tình yêu thương chan chứa
Bên con là những thiên thần
Con về với vườn nhà mình
Bình yên, bình yên con nhé
Rồi bố, mẹ cũng trở về
Và bao người thương yêu nữa
Cùng con viết tiếp ước mơ...
…Con về với vườn nhà mình...!!!
(9/4 Canh Tý- 2020)


Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

Sài Gòn






Khúc dân ca


Thỉnh thoảng đổ đốn mình cũng hay viết linh tinh. Nhớ dạo karaoke kỹ thuật số mới tràn về làng, trong một lần đi hát, tình cờ tìm được bài: “Em ở nơi đâu” của Phan Nhân, mình đã say sưa hát, hát đi hát lại làm cho tụi đi cùng giằng mic, cấm hát! Dưng chúng nó chả biết, bài ấy ở bên mình từ khi còn nhỏ xíu, hồi ấy bố đi B, mẹ dạy học nơi xa, ở nhà với nội, cô đã ru mình ngủ trên chiếc võng đay suốt một thời gian khó ấy bằng lời ca, giai điệu của “Em ở nơi đâu”…và rất nhiều bài nữa! Mãi sau này, khi nhớn tướng rồi, hai ca khúc mỗi khi nghe lại thấy rưng rưng, đó là “Em ở nơi đâu”; “ Đêm nay anh ở đâu”; “Tình em”…!!! Thời của bố mẹ thật tự hào, cũng thật oanh liệt!
Cũng trong một đêm mất ngủ, rất chi là tâm tư và nhớ về cái thời của bố mẹ, mình đã viết một bài gọi là thơ với tiêu đề: “Khúc dân ca”. Kể từ cái đêm đó đến giờ mình không mần cái gọi là thơ nữa. Chẳng hiểu vì sao??? Nhân kỷ niệm Ngày 30/4, mình biên nó lên đây, âu cũng là để nhớ lại những ngày tháng xa ngái đói khát về cơm gạo, nhưng đầy ắp tình người:
KHÚC DÂN CA
Ngày xưa mẹ tiễn cha đi
Hoa bưởi ướp giữa trang thư quê nhà
Con cò trong khúc dân ca
Ngủ trên cánh võng theo vào giấc mơ
Năm tin đợi, bốn tin chờ
Mặn trong nước mắt dâng đầy bờ mi
Chiến tranh rồi cũng qua đi
Cành đa thì cỗi, cành si cũng già
Trẻ thơ mình đã lớn ra
Chẳng còn quen khúc dân ca ngày nào
Đã quên thăm thẳm trời sao
Đã quên ngọn gió xạc xào đêm đông
Không gian rộng đến mênh mông
Người xưa rồi cũng hòa trong sông dài
Chiều hôm rồi lại sớm mai
Chúng mình quên hết những bài dân ca./..

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

“Trước khi rời cõi tạm, mẹ tôi xoá nợ cho tất cả!“



Mẹ tôi chuyển bệnh từ ngày 23 Tết. Bà bảo "Vài hôm nữa, u sẽ đi đấy!". Rồi bà chia hết tiền bà có cho con cháu. Xoá hết nợ cho những ai đã mượn bà.
Mẹ tôi ra đi đã gần hai tháng rồi. Thực tình, mẹ tôi chẳng có bệnh tật gì cả. Huyết áp cụ đo lúc nào cũng 120/80, còn ổn định hơn cả các con, các cháu. Có lẽ cụ khoẻ vì ít ăn thịt. Mâm cơm toàn màu xanh của rau quả vườn nhà. Những năm bao cấp, nhà tôi quanh năm đói. Sau này khá hơn, con cháu có của ăn của để, nhiều đứa đề huề, giàu có, về thăm, biếu cụ tiền, ít, dăm ba trăm thì cụ nhận, nhưng chẳng tiêu một đồng nào, cứ tích cóp lại, cho các cháu ở làng vay, rồi chuyển thành vàng, cho hết cháu chắt nội ngoại.
Có lẽ cụ khoẻ, sống thọ, nhờ ăn uống khem khổ, lại ăn cũng chỉ vừa đủ, không có bữa nào cụ ăn đến no bụng. Cụ bảo: “Tao đói quen rồi. Ăn no khổ lắm. Bụng ấm ách khó chịu, đêm lại không ngủ được. Vật vã như giời đày”. Cụ vẫn sống như thời chị Dậu, anh Pha. Ai bất chợt ghé thăm gia đình tôi ở quê, chứng kiến mẹ tôi sống, sẽ kết tội tôi với ông anh cả tôi, nhà thơ Trần Nhuận Minh tệ bạc với mẹ. Các con đứa nào cũng nhà cao cửa rộng ở thành phố mà đoạ đầy mẹ như vậy. Trông bộ ấm chén uống nước hàng ngày cũng đã kinh. Sứt vòi, mẻ miệng, mỗi cái một kích cỡ. Cóc cáy, nhếch nhác. Bác Minh đã thay cho bà bộ ấm chén Nhật, bát đĩa gốm sứ Minh Long, cả cái mâm nhôm sáng loáng. Mâm bà dùng là mâm gỗ sứt seọ được chia từ hồi Cải cách ruộng đất. Bác Minh vứt hết ra bờ tre. Nhưng khi con cháu đi rồi, bà cất hết bát đũa, ấm chén, mâm chậu sắm mới vào tủ, rồi ra bờ tre nhặt lại những vật dụng cũ về dùng. Đối với bà, đấy không phải những vật dụng vô tri vô giác, chúng là bầu bạn thuỷ chung, gắn bó với bà từ thời đói khổ. Bây giờ khá giả rồi, thì lại “có mới nới cũ”, hất chúng ra ngoài bờ rào. Con người tệ bạc, bất nhẫn hơn cả đồ vật. Bà khóc. Rồi bà lụi cụi ra bờ tre, bờ rào đón hết chúng về.

Mẹ tôi thế đấy. Thoạt đầu, tôi tưởng mẹ tôi chỉ dạy tôi yêu thiên nhiên, cây cỏ đồ vật, con vật trong nhà. Nhưng không, bà yêu thương chúng thật. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn có một bài viết về bà. Rất nhiều người viết về bà, nhưng chị Nhàn hiểu bà nhất, viết đúng về bà nhất. Bà là người thất học. Bà chưa bao giờ được cắp sách đến trường.
Các cụ xưa có quan niệm con gái mà biết chữ thì chỉ có viết thư cho giai nên đã là con gái thì không được biết chữ. Tất cả các cụ bà ở làng tôi ở lứa tuổi bà đều không biết chữ. Nhưng bà lại thuộc làu Truyện Kiều, rồi chuyện Thạch Sanh, Hoàng Trìu, Phạm Tải Ngọc Hoa. Tống trân Cúc Hoa. Học truyền khẩu từ bà ngoại tôi cũng là một phụ nữ thất học.

Bà ngoại tôi lại học cụ tôi, là một bà đồng mù mắt bẩm sinh. Cụ mở Phủ tại nhà rồi làm thêm cả nghề xem bói. Cụ bói rất linh nên có tiếng trong vùng. Cụ cũng thuộc truyện Kiều và các chuyện Nôm khuyết danh từ nhỏ. Rồi sau này, khi có cuốn Kiều của con, bà lần theo từng câu thơ đã thuộc vẹt mà nhận ra mặt chữ. Rồi dần dần bà biết đọc. Đọc rộng ra các cuốn sách khác như thơ Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, thơ của hai cậu con trai.

Tôi tiết lộ với chị Nhàn: Chính cụ Nguyễn Du dạy mẹ em biết chữ đấy. Nhưng bà chỉ biết chữ in thôi. Nếu em muốn thư cho mẹ thì phải viết chữ in. Viết chữ thường, bà không đọc được.

Thực tình, bà rất sợ, không muốn các con đi theo nghiệp chữ nghĩa, đã nghèo khổ lại còn hay chửi nhau và lại chửi trên báo chí, trên không gian mạng khiếp lắm.

Hôm nhà thơ Xuân Diệu về, ông về vào nửa đêm, lại mượn cây đèn, ra soi từng cây trầu, cây bưởi, cây na. “Thấy bác ấy kiểm tra, u sợ quá, suốt đêm không ngủ được. Thế có làm sao không hả con? Thôi có thế nào thì cứ nói như thế, đừng đặt điều thêm ra mà phải tội. Mà thôi, đừng có thơ phú gì nữa. U đã bảo rồi. Cứ đi cày như bố mày lại yên”. Bà không muốn con dính đến thơ phú, nhưng chính bà lại dẫn các con đến với thơ ca. Trong 4 con của bà thì có 3 người làm thơ: Bác Minh, tôi và Giang, con gái út của bà sinh năm 1962. Thực ra, lúc đầu, bà chỉ muốn các dạy con làm người tử tế. Bà dạy các con thuộc Truyện Kiều cũng chỉ muốn các con biết thương cô Kiều.

Khi bà ngoại mất, bà bảo tôi: “Bà chết rồi. Con có thấy cây cối nó buồn không. Con phải ra đeo tang cho cây đi. Không nó chết đấy”. Rồi bà xé nhỏ cái khăn tang ra thành hàng trăm mảnh để tôi - cậu bé 6 tuổi ra buộc từng miếng vải trắng lên những rảnh cây. Ngày bà ngoại mất, khu vườn nhà tôi trắng xóa màu tang. Rồi ngày Tết, bà lại bảo: “Ngày Tết, mình có áo mới thì cây cối nó cũng phải có áo mới chứ. Không có, nó buồn đấy”. Bà pha một thùng nước vôi loãng, buộc túm cái chổi lại rồi sai con ra vườn quét lên từng gốc cây. Hôm sau, nước vôi khô, cả khu vườn sáng rực một màu trắng đồng phục. Rồi có tối, bà ngoại (hồi bà chưa mất) sang chơi, bu lại bảo con ra vườn hái trầu cho bà. Bà bảo, con phải vặn to ngọn đèn lên, để cây trầu nó nhận ra chủ chứ không phải thằng ăn trộm, rồi con phải đọc mấy câu này đánh thức nó dậy đã rồi mới được hái: “Trẩu trẩu trầu trầu - Mày làm chúa tao - Tao làm chúa mày - Tao không hái ngày - Thì tao hái đêm - Thức dậy cho tao hái”. Bà không ngờ con trai bà lại có một bài thơ về đánh thức trầu, với những câu chữ khác “Đã ngủ rồi hả trầu - Tao đã đi ngủ đâu - Mà trầu mày đã ngủ - Bà tao vừa đến đó - Muốn xin mấy lá trầu - Tao không phải ai đâu - Đánh thức mày để hái - Trầu ơi hãy tỉnh lại - Mở mắt xanh ra nào - Lá nào muốn cho tao - Thì mày chìa ra nhé - Tay tao hái rất nhẹ - Không làm mày đau đâu - Đã dậy chưa hả trầu - Tao hái vài lá nhé - Cho bà và cho mẹ - Đừng lụi đi trầu ơi!”.
Trong mắt con của bà, con gà, con chó, hay cây cối trong vườn cũng đều có tâm trạng, tình cảm như những con người. Bà và cả con cái không hề biết đó là phép nhân hóa trong nghệ thuật. Bà có biết gì về nghệ thuật đâu. Bà chỉ muốn dạy con làm một người tử tế. Mãi sau này, tôi mới hiểu được mẹ khi anh Minh có đứa con đầu lòng, bà dặn: Các con phải dạy trẻ con nó biết yêu thương cây cối và những con vật nuôi trong nhà. Một đứa trẻ bẻ một cây non mới trồng, dùng nỏ cao su bắn chết con chim đang bay hay vụt què chân con gà, con chó thì rồi sau này lớn lên, nó cũng sẽ làm điều ác độc với con người”. Bà còn bảo: “Chúng mày phải đặc biệt chú ý đến đứa con đầu. Đứa đầu mà giỏi, tử tế thì những đứa sau cũng sẽ tử tế. Đứa đầu mà hư hỏng thì rồi sẽ hư hỏng hết”. Tôi không biết mẹ tôi đã “đầu tư” cho đứa con cả của bà như thế nào. Nhưng bác Minh quả là tấm gương sáng. Một nghị lực phi thường. Nhà tôi ở hoàn cảnh đặc biệt nên rất khổ cực, tưởng không thể ngóc đầu lên được. May mà bác Minh có một nghị lực vượt khó phi thường. Bác thực sự là một tấm gương để các em noi theo, có động lực vượt qua những nỗi cay đắng tưởng như không bao giờ có thể vượt qua được. Tôi sẽ nói kỹ hơn chuyện ấy trong cuốn hồi ký mà tôi đang viết cho con.

Mẹ tôi chuyển bệnh từ ngày 23 Tết. Bà bảo “Vài hôm nữa, u sẽ đi đấy!”. Rồi bà chia hết tiền bà có cho các cháu. Xoá hết nợ cho những ai đã mượn bà. Có người nợ đến cả trăm triệu: “Họ chẳng có tiền trả đâu. Tiền mua rau ăn hàng ngày còn chả có. Đừng nhắc đến tiền nợ mà khổ cho họ”. Tôi xuế xoá: “U không chết được đâu. U phải sống 10 năm nữa”. “Không! Tao chỉ cố gắng để anh em chúng mày không mất Tết thôi. Đi ngày nào, u sẽ chọn…”.

Rồi ngay sau đó, mẹ tôi chuyển vào nằm trong gian xép, cái gian vừa hẹp vừa tối, vẫn dùng để chứa đồ cũ, nơi bố tôi trút hơi thở cuối cùng cách đó 8 năm, khi ông ở tuổi 93. Mẹ tôi còn dặn, khi u mất, các con đốt cái giường u nằm đi, giữ lại cái giường cũ cho u. Cái giường ấy nó “sống” với tao gần 70 năm rồi đấy. Rồi mẹ tôi còn dặn: "Khi u chết thì cứ lặng lẽ đưa u đi thôi. Cũng đừng có hoa hoét gì nhé. Nhiều hoa, dân làng người ta ghét cho đấy. Còn mọi người, ai biết thì đến, nếu có ai phúng thì các con ghi lại, chép ra làm mấy bản, mỗi đứa giữ một bản, rồi khi họ ốm đau, hiếu hỉ, mình đến trả nghĩa, nhớ phải cao hơn hoặc chí ít cũng bằng họ chứ không được thấp hơn tấm lòng họ đối với mình. Ấy là những ai biết, họ đến, còn các con đừng báo cho ai cả, đừng làm khó cho người ta. Nghe nói bây giờ đang có dịch hạch đấy".
Mẹ tôi trút hơi thở cuối cùng vào 8h 43 phút ngày 13 tháng Giêng, thọ 102 tuổi đúng vào ngày giỗ họ, ngày hàng năm con cháu đều có mặt ở quê. Khi đó vẫn chưa bùng phát dịch Covid-19 mà mẹ tôi gọi là dịch hạch. Lúc đó chỉ có làng Sơn Lôi ở Vĩnh Phúc bị cách ly. Quê tôi đến giờ may mắn vẫn chưa có ca nào nhiễm. Một ngày sau 49 ngày giỗ mẹ tôi, chúng tôi đưa mẹ lên cúng ở chùa làng thì có lệnh “Cách ly xã hội”. Vợ tôi bảo: “Bà tính thế nào mà khéo thế! Chỉ chậm một ngày thì con cháu không về được ngày giỗ của bà”…/.

(Nhà thơ Trần Đăng Khoa)

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2020

Cô Vy


Dịch Covid-19, trong dở có hay:
1/ Chỉ nên đến những nơi có người thân yêu của mình nhất, hạn chế du lịch xa
2/ Chỉ mua sắm những gì thiết thực với ta nhất
3/ Đừng sa đà vào những cuộc ăn uống, nhậu nhẹt vô bổ với những người không thân, chẳng quen
4/ Mọi ham muốn tiền bạc, địa vị đều là hão huyền, hãy quen với việc sống có ít tài sản hơn
5/ Con người chỉ thật sự đẹp khi được sống với những say mê, vậy hãy say mê với thứ mình đã lựa chọn để sống
6/ Nhà cũng không phải là thước đo của thành công mà là chốn bình yên mà ai cũng muốn trở về. Nhà là nơi chúng ta được phép sống thật, được là chính mình…
7/ Con người cần tự chuẩn bị trước ngôi nhà thứ 2 của mình, ngôi nhà vĩnh hằng khi trần gian chỉ là cõi tạm. Có như thế, dù cuộc đời có đặt ta vào bất kỳ tình huống nào, chúng ta vẫn luôn làm chủ được cuộc sống của mình.

Dịch Covid - 19 thiết lập lại giá trị của loài người



Dịch Covid - 19 sẽ dẫn đến "một cuộc suy thoái toàn cầu về cường độ chưa từng có trước đây" nhưng cuối cùng sẽ cho phép loài người thiết lập lại các giá trị của nó, theo nhà tiên tri Li Edelkoort. "Virus này sẽ mang tính quyết định trong việc xây dựng một thế giới mới khác biệt và sâu sắc hơn".

Edelkoort, người điều hành cơ quan dự báo thành phố New York Edelkoort Inc, đã viết thư cho Dezeen qua email từ Nam Phi, nơi bà đang tự cách ly sau bài giảng của mình tại hội nghị Design Indaba ở Cape Town vào tháng trước.

Edelkoort nói với Dezeen rằng virus Corona đang khiến thế giới bước vào thời kỳ "cách ly tiêu dùng" và sẽ có tác động sâu sắc đến kinh tế và văn hóa. Mọi người sẽ phải làm quen với việc sống với ít tài sản hơn và đi du lịch ít hơn, vì virus này phá vỡ chuỗi cung ứng và mạng lưới giao thông toàn cầu.

PV: Theo bà những tác động của virus Corona là gì?

Thật khó có thể tính toán được khi những con số nhảy rất nhanh trong khoảng thời gian ngắn, do đó sự hoài nghi vẫn tiếp diễn. Hiện tại chỉ có Trung Quốc, Hàn Quốc và Ý đã đưa ra các biện pháp mà các nước khác sẽ phải làm theo.

Bất cứ ai vẫn đang lên kế hoạch cho các sự kiện công cộng trong những tháng tới có thể ngừng tổ chức ngay hôm nay và tìm ra những cách sáng tạo khác để truyền đạt và chuyển tiếp thông tin. Đây có thể là một tin rất buồn cho tất cả những sinh viên sắp tốt nghiệp.


PV: Bà đã nói với tạp chí Quartz rằng: "Tôi nghĩ chúng ta nên rất biết ơn loại virus này vì đó có thể là lý do giúp chúng ta sống sót như một loài". Câu nói đó có ý nghĩa gì?
Là mục tiêu hàng đầu của loại virus này bởi tuổi già và tiền sử mắc các bệnh về đường hô hấp, tôi nhận thức được những mối nguy hiểm ngay lập tức đối với con người trên khắp thế giới. Và tôi rất buồn cho gia đình của những người đã hy sinh cho căn bệnh mới này. Hy vọng rằng, họ đã không chết trong vô vọng vì thế giới sẽ cố gắng hồi sinh nhân phẩm và sự sống còn của con người.

Sự bùng phát của Corona sẽ buộc chúng ta phải sống chậm lại, từ chối đi máy bay, làm việc tại nhà, chỉ giải trí với những người bạn thân hoặc gia đình, học cách tự lập và chánh niệm.

Các buổi trình diễn thời trang sẽ trở nên kỳ quái và lạc lõng, các quảng cáo du lịch xâm nhập vào không gian máy tính có vẻ lố bịch, ý nghĩ về các dự án trong tương lai là mơ hồ và không có kết luận: liệu nó có còn quan trọng không? Mỗi ngày mới, chúng ta đặt câu hỏi cho từng hệ thống mà chúng ta đã biết từ khi sinh ra và xem xét sự sụp đổ có thể xảy ra.

Các nhà virus học Nga dự đoán coronavirus sẽ là bệnh theo mùa

Sự bùng phát của Corona sẽ buộc chúng ta phải sống chậm lại, từ chối đi máy bay, làm việc tại nhà, chỉ giải trí với những người bạn thân hoặc gia đình, học cách tự lập và chánh niệm.
Sự bùng phát của Corona sẽ buộc chúng ta phải sống chậm lại, từ chối đi máy bay, làm việc tại nhà, chỉ giải trí với những người bạn thân hoặc gia đình, học cách tự lập và chánh niệm.

Chúng ta không thể tiếp tục sản xuất nhiều loại hàng hóa và nhiều lựa chọn như đã quen thuộc. Lượng thông tin khổng lồ về những thứ vô nghĩa đã làm tê liệt văn hóa của chúng ta. Có một nhận thức đang lớn dần trong thế hệ trẻ đó là việc sở hữu và tích trữ quần áo và xe hơi thậm chí không còn hấp dẫn.

Nhưng bằng cách nào đó tâm lý con người luôn chống lại và muốn kiểm tra xem mọi thứ liệu sẽ tự tiêu tan hay không, và tiếp tục chờ đợi thời gian trong khi làm việc như cũ. Do đó, việc dừng đột ngột của tất cả những điều này, gây ra bởi con virus, sẽ tước đoạt quyền quyết định khỏi tay chúng ta và sẽ làm mọi thứ chậm lại, với tốc độ đáng sợ ngay từ đầu.

Chúng ta không còn quen với việc làm việc mà không vội vã, chờ đợi câu trả lời, tìm kiếm các giải pháp cũng như sản xuất ở sân sau nhà mình. Kỹ năng cải tiến và sáng tạo là tài sản quý giá nhất.

Không nhiều người hiểu được những gì đang xảy ra với thế giới và nền kinh tế của chúng ta ngay bây giờ. Thông thường có tới 90% hàng hóa của các công ty được sản xuất tại Trung Quốc từ các nguyên liệu có nguồn gốc từ dầu hỏa như nhựa và polyester.

Chúng ta sẽ sớm thấy các kệ giày, điện thoại, quần áo và thậm chí cả kem đánh răng sẽ hết sạch. Chúng ta sẽ thiếu nguồn cung cấp y tế và sẽ thấy một điểm dừng trong việc sản xuất những món quà lưu niệm xấu xí và những chiếc túi vô dụng.

 Chúng ta đã biết rằng quy trình thiết kế các sản phẩm thu đông đang không diễn ra như bình thường. Skype và DHL giúp đỡ chúng ta phần nào nhưng sắp tới sẽ có rất nhiều hàng hóa tầm thường được sản xuất chỉ dựa vào các công thức đã thành công trước đây. Đó là nếu mọi người thực sự vẫn có mong muốn mua một cái gì đó như một chiếc khăn cashmere hoặc một vật cho ngôi nhà.

Việc xuất khẩu sari tổng hợp không ngừng của Trung Quốc sang Ấn Độ và các đồ vật gia dụng bằng nhựa sang châu Phi, vốn đã khiến nền kinh tế địa phương đình trệ nhiều năm và gây ra thất nghiệp, ô nhiễm trong những năm qua cũng có thể dừng lại, mang lại cơ hội mới cho việc sản xuất tại địa phương.

Chúng ta sẽ ở một trang giấy trắng cho một khởi đầu mới bởi vì rất nhiều công ty và tiền sẽ bị xóa sổ trong quá trình chậm lại này. Chuyển hướng và khởi động lại sẽ đòi hỏi nhiều sự sáng suốt và táo bạo để xây dựng một nền kinh tế mới với các giá trị và cách thức khác để xử lý sản xuất, vận chuyển, phân phối và bán lẻ.

PV: Loại virus tác động như thế nào đến lĩnh vực thiết kế và thời trang?

Chi phí thực sự của việc đóng cửa ở Ý và Nhật Bản, cũng như Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu với cường độ chưa từng có trước đây. Đây không phải là một cuộc khủng hoảng tài chính mà là một cuộc khủng hoảng gián đoạn. Mọi người ngừng di chuyển xung quanh, ngừng đi ra ngoài, ngừng chi tiêu, ngừng đi nghỉ mát, ngừng đi đến các sự kiện văn hóa...

Tình đồng bào trong thời điểm dịch Corona
Việc hoãn các sự kiện Tuần lễ Thiết kế Milan (Salone del Mobile), Triển lãm Kiến trúc Venice (Venice Architecture Biennale), các cuộc cầu nguyện của Giáo hoàng, có thể là Thế vận hội Olympic và hơn thế nữa, đều là những thảm họa kinh tế và sự tích lũy sẽ ngăn chặn tiền lưu thông. Tất cả các lĩnh vực sẽ bị lung lay, đặc biệt là các thương hiệu xa xỉ, hàng không, khách sạn, điện tử và thực phẩm nhập khẩu.

Thật không may, thảm họa này không có cách chữa trị ngay lập tức. Chúng ta sẽ phải thu dọn những thứ còn sót lại và phát minh lại mọi thứ từ đầu một khi dịch bệnh được kiểm soát. Và đây là điều mà tôi hy vọng: một hệ thống khác tốt hơn, sẽ được áp dụng với sự tôn trọng hơn đối với lao động và điều kiện của con người. Rốt cuộc, chúng ta sẽ buộc phải làm những điều mà chúng ta nên làm ngay từ đầu.

PV: Bà nghĩ điều gì sẽ xảy ra trong vài tháng tới?

Ngay bây giờ chúng ta đang chứng kiến sự đóng cửa của xã hội, của từng quốc gia. Nam bán cầu ấm hơn dường như là một lợi thế nhưng chúng ta chưa biết điều đó chắc chắn không. Chúng ta sẽ phải quen với việc sống với ít nguồn cấp tin tức hơn, ít hàng hóa mới hơn. Chúng ta sẽ phải từ bỏ bớt các thói quen của mình như thể cai nghiện vậy. Chẳng hạn như ngừng hẳn việc shopping.

Có vẻ như chúng ta đang đồng loạt tiến hành việc cách ly tiêu dùng, khi mà chúng ta sẽ học cách hạnh phúc chỉ với một chiếc váy đơn giản, khám phá lại những đồ dùng yêu thích cũ mà chúng ta sở hữu, đọc một cuốn sách bị lãng quên hoặc nấu một bữa thịnh soạn để làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp. Tác động của virus sẽ mang tính quyết định trong việc xây dựng một thế giới khác biệt và sâu sắc khác nhau.

"Nếu chúng ta khôn ngoan - điều đáng buồn là bây giờ chúng ta biết là chúng ta không thể - chúng ta sẽ bắt đầu lại với các quy tắc và quy định mới, cho phép các quốc gia lấy lại bí quyết và kỹ năng riêng của mình, giới thiệu các ngành công nghiệp tiểu thủ sẽ phát triển và phát triển thành một thế kỷ nghệ thuật và thủ công, nơi lao động thủ công được trân trọng hơn tất cả mọi thứ khác".
PV: Theo bà những tác động về lâu dài đến xã hội và môi trường là gì?

Những hình ảnh gần đây về khí quyển tại Trung Quốc cho thấy hai tháng không sản xuất đã làm sạch bầu trời và cho phép mọi người dân được hít thở trở lại. Điều này có nghĩa là virus này cho thấy việc làm chậm lại và đóng cửa có thể tạo ra một môi trường tốt hơn có thể được nhìn thấy trên quy mô lớn.

Do đó, nếu chúng ta khôn ngoan - điều đáng buồn là bây giờ chúng ta biết là chúng ta không thể - chúng ta sẽ bắt đầu lại với các quy tắc và quy định mới, cho phép các quốc gia lấy lại bí quyết và kỹ năng riêng của mình, giới thiệu các ngành công nghiệp tiểu thủ sẽ phát triển và phát triển thành một thế kỷ nghệ thuật và thủ công, nơi lao động thủ công được trân trọng hơn tất cả mọi thứ khác.

Việc đóng cửa theo quy định các nhà máy sản xuất trong hai tháng một năm có thể là một phần của kế hoạch này, cũng như các studio sáng tạo tập thể sẽ tạo ra ý tưởng cho một số thương hiệu tại cùng một thời điểm, mang lại một nền kinh tế quy mô với ít tác động xấu đến môi trường.

Các ngành công nghiệp và hoạt động địa phương sẽ có được động lực và các sáng kiến lấy con người là trung tâm sẽ tiếp quản với các hệ thống trao đổi cởi mở, các khu chợ của người nông dân và các sự kiện đường phố, các cuộc thi khiêu vũ và ca hát và óc thẩm mỹ của việc tự làm lấy (DIY - Do It Yourself) sẽ rất nổi trội. Dự đoán tương lai của tôi về Thời đại của người nghiệp dư (Age of the Amateur) dường như đến nhanh hơn nhiều so với dự đoán.


Theo Dezeen.com


Thứ Tư, 18 tháng 3, 2020

Thái Thanh!

“Tôi thấy được hết những hạch tuyến nơi cổ họng, những tế bào, những bộ phận lớn nhỏ đã phụ họa với nhau để phát ra những âm thanh trong, ấm, thanh tao và diệu kỳ kia. Tôi chưa gặp Thái Thanh lần nào cả, Steve ạ. Hãy nghĩ rằng cô trẻ, đẹp và đằm thắm như giọng hát của cô, và chỉ giữ lại từng đó thôi. Nếu ta nghiêng mình lệch đi một tý, bình diện với thời gian thay đổi, thì cô Thái Thanh đã ở bên kia tự bao giờ rồi, ví dụ năm ngàn năm về trước hoặc năm ngàn năm về sau.” (Thích Nhất Hạnh)
Vĩnh biệt bà- Đại danh ca, với những ca khúc mê hoặc lòng người, trong đó có “Nửa hồn thương đau”, mà một phần đời mình đã gắn liền với nó, để có bút danh K.V như ngày hôm nay!

Mùa Covid-19