Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

Thằng Tiến Xóm

Mình gọi nó vậy vì quen mồm, bố nó tên là Xóm. Ngày học cùng lớp 10, mình thân với nó và thằng Hoa điên. Thằng Hoa điên, vì sao gọi nó là như vậy và không còn thân thiết với nó như ngày xưa nữa mình sẽ kể sau. Còn bây giờ mình kể chuyện thằng Tiến Xóm.
Nó quê ở Phù Ủng, cùng quê với một đồng chí danh bất hư truyền, họ Phạm, tên Lão, đệm Ngũ. Ông này nổi tiếng vì cản đường vua đi, cho dù bị giáo đâm thủng đùi vẫn điềm nhiên ngồi đan sọt. Chẳng biết hồi đó sọt đan xong đựng gì?
Ngày ấy, học hết cấp 2, thi lên lớp 10 gọi là vào cấp 3, những thằng thi có điểm đạt do nhà trường đặt ra được chọn vào lớp A, một trong những mầm mống, phôi thai của căn bệnh thành tích ngành giáo dục lúc bấy giờ, đó là vào giữa những năm 198X gì đó!
Mình thi, và chẳng hiểu sao cũng đủ điểm vào lớp A của trường, chắc do ăn may, bởi mình học dốt, chỉ ham đá bóng…
Hơn bốn chục mạng của lớp, chẳng hiểu sao, mình lại thân nhất với nó, khi ấy, bọn cùng lớp gọi nó là thằng Tiến vổ, hỗn danh ấy là bởi nó có hai cái răng cửa vừa to, vừa dài thò ra khỏi môi, không chịu đứng cùng hàng với những chiếc khác, bởi vậy, lúc nào cũng như thấy nó cười. Giờ kiểm tra miệng, không thuộc bài, nó đứng như tượng mà vẫn bị thầy mắng vì tưởng cười cợt trêu thầy...., thế nên, cái bộ dạng của nó, đi đám cưới còn được, chứ đám ma chắc no đòn.
30 năm trước, đất nước đói, đói đến nỗi cứ gặp nhau, câu mở miệng chào nhau là: ăn cơm chưa? Để đến bây giờ vẫn theo thói quen ngày ấy, mình gọi điện cho bất kỳ ai, mặc dù là 11 giờ đêm vẫn hỏi ăn cơm chưa? Bố khỉ…
30 năm trước, mình với nó tập tễnh bước vào lớp 10, nhưng thực ra là lớp 8 của hệ 10 năm, mỗi thằng một quê, khác xã nhưng cùng huyện. thuở ấy, đi học bằng những chiếc xe cà tàng, không phanh, không chuông, không gác đờ bu....,sáng đi chiều về vật ngửa xe lên để chỉnh sửa, xiết ốc lại, sáng mai mới có xe để đạp, kịp đến trường học cho đúng giờ.
Thằng Tiến hồi ấy còi ngang mình, chân ngắn, trọng lượng tất thảy, cộng cả quần áo, đôi dép cao su cắt từ lốp ô tô ra, chắc chỉ được gần 40 cân, nó đi cái xe thống nhất đã cũ rich của bố nó, vừa đạp vừa với chân, khổ cực nhất mỗi khi lên và xuống xe, luôn phải tìm cái mô đất đắp ở gốc cây nhãn trước cửa lớp học để lên, xuống xe.
Quen và thân nhau, như không thể sống thiếu nhau, nếu như giờ, gọi là pê đê, đồng tính luyến ái, bởi ăn, ngủ cùng nhau, không thấy gì là bất thường.
Nhà mình nghèo, nhà nó cũng không khá gì hơn, chỉ độc nhất một bộ quần áo đi học. Nhớ ngày ấy, áo nó chỉ có một, mặc nhiều, bạc cả lưng và rách đúng ở khoảng giữa của hai bả vai. Bu nó lấy chiếc khăn mùi xoa khâu lại che kín chỗ rách đó, màu của chiếc khăn và màu áo tương phản nhau như họa sỹ phối màu cực độc, nó ngồi bàn trước, bọn bàn sau tha hồ trêu chọc.
Trường của bố mẹ được phân phối một loạt áo cho học sinh, mỗi gia đình giáo viên được hai chiếc áo xanh sỹ lâm, một loại áo mà sợi vải như bao tải, cứng ngắc. Mình bảo nó về nhà, rồi xin bố mẹ cho nó một chiếc. Giờ nó vẫn nhớ mà mình đã lãng quên.
Mùa hè nắng chang chang, nó rủ mình ra nhà nó chơi, cầm giỏ ra cánh đồng sau làng nó, hí hoáy một lúc đã lưng giỏ cua, bữa cơm chiều canh cua gạch đóng dày như bánh đúc chan với cơm gạo trắng thơm phức, cái mùi hương của mướp và vị ngọt của gạo quê đến giờ mình không quên.
Những buổi học thêm, cả lớp phải  ở lại để kịp giờ học, ra rặng nhãn bên con sông chạy dọc phố huyện ăn cơm. Mẹ nấu cơm, nắm cho mình mang đi ăn trưa, gạo mậu dịch vàng như nanh chuột, nắm thế nào cũng không dính lại với nhau, bở bùng bục, cộng thêm một chút mắm tôm mặn chát để mình ăn trước khi vào học buổi chiều. Nó nhìn nắm cơm của mình và nhúm thức ăn màu xin xỉn, giữa những ngày đông giá, bảo mình: Bu tao nắm nhiều cơm lắm, với cá kho nữa, mày ăn với tao đi, nếu thiếu thì hẵng ăn sang cơm của mày.
Một năm học cùng với nó là từng đấy bữa ăn trưa bên rặng nhãn sau phố huyện, hương vị của gạo quê và cá kho tương bu nó làm giờ vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm mình. Ngày ấy, mình ở tập thể của trường cấp 2, anh chị đi học hết còn mình ở nhà với bố mẹ, lủi thủi một mình, nó thấy buồn, chiều chiều đạp xe đến trường ngủ lại để sáng hôm sau đi học.
Có nó ở bên, thấy vui thật nhiều, nhưng vui hơn cả là nó bày trò cho mình làm theo, câu cá, móc cua, đốt lốp xe đạp bắt châu chấu…
Mình học với nó một năm, năm sau theo bố vào Minh Hải, rời xa nó, xa lớp, xa trường, xa quê..., nó theo vào giấc ngủ của mình tận trong miền xa lắc, nơi toàn dừa nước và đầy cả mặt sông sáu câu vọng cổ. Nhiều đêm tỉnh dậy vì mơ thấy nó toe toét, thò hai cái răng cửa ra trêu mình, nước mắt ươt một bên gối. Nhớ quay quắt, đến nỗi không còn thiết tha gì học nữa..., Mình viết thư cho nó, cứ đều đặn một tháng hai lá.
30 năm, mình về họp lớp, nó vẫn đọc vanh vách thư của mình:..."Tiến ơi, tao ở trong này chỉ có sông nước và xuồng ghe thôi, nhà thưng bằng lá dừa nước, sát bên những con kênh một ngày một lần nước lên xuống theo thủy triều...", phải công nhận nó nhớ dai!
30 năm, mình về họp lớp gặp nó, vẫn láu táu như ngày xưa, răng vẫn thò dài ra ngoài, một số thằng cùng lớp vẫn gọi nó là Tiến vổ, mình thì gọi nó là Tiến Xóm như ngày xưa vì đã quen vậy .
Con trai lớn của nó đã gần 30, có lẽ nó sắp lên ông nội…
Nhà nó có sân gạch, cây mít, và cối giã gạo trong làng còn nguyên, nhưng bố nó, ông Xóm đã mất từ lâu và cái nhà đã chuyển giao cho đứa em gái út.
Dẫu nhiều đổi thay, nhưng mình thấy nó chẳng khác ngày xưa…
Hồn nhiên, xởi lởi đúng chất quê.
Ở với nó ba ngày, sau buổi họp lớp mình phải đi.
Đêm ngồi ở Nội Bài vì bị delay mất 4 tiếng. Nó gọi cho mình hỏi han nhiều chuyện…
4 giờ sáng, vừa tới Tân Sơn Nhất, mở điện thoại, thấy nó nhắn tin:”Mày đi tao nhớ mày lắm, thi thoảng gọi điện cho tao nhé”!
Mình đọc xong, ứa nước mắt. Gần 50 tuổi đầu mà vẫn như lũ trẻ ranh mới vào cấp ba ngày nào.
Mình buột mồm kêu: Thằng Tiến Xóm!


Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017

Ngày mình đi…

7 năm trời Nam, ngày mình đi, ngoài đó cuối xuân, nhưng vẫn vương hương hoa nhãn, hoa bưởi…, những khao khát, những hy vọng, những đam mê của đời kẻ viết nhưng nhất quyết không lách.
Nơi phương trời mới, nhưng không lạ, những tưởng mang theo được tất thảy những gì là thương yêu của mình cùng tới đất phương Nam.
Hạnh phúc chỉ như bóng câu qua cửa, khi chị nói không ngờ có ngày cả gia đình lại về một mối bên nhau giữa trời đất phương Nam.
Đêm nay, sau bao nhiêu đêm, lại ngồi kỳ cạch bên bàn phím, để mặc cho cảm xúc dâng lên nghèn nghẹn, nước mắt muốn ứa ra mà lòng tê tái.
Có thể ngày mai, ngày kia, bố mẹ về lại nơi ấy, và không muốn quay trở lại mảnh đất này.
Có thể khi bố mẹ trở lại mảnh đất này, con sẽ trở về nơi khác…
Nhưng tất cả, vẫn chỉ một nỗi lòng, tình phụ tử và mẫu tử, con có làm một điều gì không như bố mẹ mong muốn, đấy cũng chỉ là số phận cuộc đời, không bao giờ là nghịch tử.
Tháng 4, mình đã trở về đi trên con đê ngày xưa, ngày mà chân trần theo mẹ đi chợ Cống Tráng, cả buổi chợ chen chúc nhau trong dòng người xuôi ngược, mồ hôi ướt đẫm lưng áo mẹ, ống quần lấm lem bụi đất, trong cái túi lưới nhựa màu vàng chỉ có một sóc cua và mớ rau đay lá đã mềm vì héo hắt.
Tháng 4, mình về thắp hương ông bà ở mả quan, mùi hương vẫn như cách đây mấy chục năm, nhưng mắt mình đã mờ khi đọc dòng chữ trên bia mộ, không biết do mắt mình hay dòng chữ khắc trên bia đã nhòe theo năm tháng.
Tháng 4, mình đi lại trên quãng đường ba năm học cấp ba với bùn trơn lầy lội khi mưa dầm, với bụi mù mit khi trời hanh khô, với những mảng rơm dầy đặc quấn lấy bánh xe nhích đi từng tý một. thót ruột, thót gan cố đạp cho kịp đến trường đúng giờ vào lớp.
Tháng 4, với những bữa cơm gạo mậu dịch vẫn còn nguyên mùi mốc meo, chan với canh rau lang xanh như mực, nuốt với miếng cà nén mặn đến rụt cả đầu lưỡi sau những buổi học về mà thấy ngon như ăn yến tiệc…
…Ngày mai, ngày kia…khi bố mẹ trở về nơi ấy….
Mình đã thấy trước được điều đó, nên không muốn nghĩ gì nữa, dẫu mắt cứ rớm ướt, với những nghĩ suy nghẹn lòng…