Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Anh hùng rơm, tư duy “trẻ trâu” và sự chuyển… trách nhiệm

Sự phát triển Internet là bước tiến vĩ đại của lịch sử loài người, mở ra cửa sổ thông tin cho tất cả các quốc gia, cộng đồng, đến tận từng người dân, nếu có trình độ IT nhất định, tạo nên sự hiểu biết, tương tác lẫn nhau ở …. hai đầu thế giới. Và nhất là thông qua Facebook, mạng xã hội “thời thượng” hiện nay, kết nối hàng tỷ con người trên thế giới với những niềm vui nỗi buồn, xẻ chia hạnh phúc cùng khổ đau, bất hạnh. Điều thú vị ở chỗ này, FB tuy là mạng ảo, nhưng lại phản ánh thật nhất tầm tư duy, phông văn hóa, chất người mỗi cá nhân. Người ta thường nói văn học là nhân học. Nhưng thời đại IT, thì chả cần đến văn học, chỉ cần một vài dòng trên FB cũng có thể hiểu “nhân học” đó đứng ở đâu. Chính vì thế, trong tuần này, có hai vụ việc liên quan đến FB, khiến dư luận xôn xao bàn tán. Nơi này phẫn nộ bất bình, nơi kia cười mỉa, bi hài đến độ cư dân mạng đến giờ vẫn còn đàm tiếu. Mà không phẫn nộ bất bình sao được trước vụ việc vô duyên này. Giữa lúc cả thế giới nói chung, người Việt Nam nói riêng đều phẫn nộ trước tội ác của quân khủng bố IS khiến gần 130 người dân vô tội ở Paris thiệt mạng, chia sẻ đau thương với nước Pháp bằng nhiều cách khác nhau. Mới đây, St Denis, một vùng ngoại ô phía bắc Paris, nơi có sân vận động Stade de France, một điểm bị khủng bố tối ngày 13/11 vừa qua, vẫn tiếp tục diễn ra cuộc đấu súng dữ dội truy lùng nghi phạm thứ 09 trong vụ tấn công Paris. Khủng bố đâu phải trò đùa! Vậy mà trên mạng, bỗng xuất hiện hàng loạt trang FB mang tên Timur Zhunusov, người được cho là một thành viên của IS, với rất nhiều lời chửi bới vô văn hoá của người Việt. Một số người Việt còn để lại cả những dòng bình luận mang tính thách thức IS tấn công khủng bố vào VN, khiến cho cư dân mạng hoang mang và phẫn nộ. Nhưng cũng rất nhanh chóng, những trang này bị chính cư dân mạng phát giác là giả mạo, do một số người Việt lập ra. Nói theo ngôn ngữ dân mạng là loại “trẻ trâu”, để câu like và đùa cợt. Khỏi phải nói sự bất bình của cư dân mạng, trước việc làm ngông cuồng, anh hùng rơm và nông nổi của những kẻ nào đó thích đổ dầu vào lửa, bỡn cợt trên nỗi lo âu của cộng đồng. Chỉ đến khi bị dư luận XH nghiêm khắc lên án, nhất là khi các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, thì các “trẻ trâu” này vội vã xóa trang. Một trang mạng đã bình rất chính xác về vụ việc lố bịch này, rằng, đó là một trò đùa rất phản cảm, và tàn nhẫn trong thời điểm này. Tư duy, trẻ trâu, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, nhà báo Kim Dung, trách nhiệm, Đúng là rất tàn nhẫn, bởi trong lúc nhân loại đang chia sẻ nỗi đau và tai họa của một quốc gia, một số “trẻ trâu” nước Việt đùa cười và diễn trò anh hùng rơm với những kẻ khủng bố. Anh hùng rơm, bởi dư luận XH còn chưa quên cách đây ít lâu, cư dân mạng đã xôn xao, và cũng xấu hổ cho việc có những “trẻ trâu” công khai bày cho nhau trên mạng cách trốn đi bộ đội như thế nào. Rất phản cảm, và cả vô văn hóa nữa, bởi trước tai họa của đồng loại, thì một thái độ hiểu biết là nên chia sẻ, chứ không phải đùa cợt nhảm nhí. Được biết mới đây Bộ Công An đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu xử lý nghiêm việc sử dụng mạng xã hội khiêu khích khủng bố. Dân gian có câu: Bệnh từ miệng bệnh vào, vạ từ miệng (commnet) vạ ra. Chưa hết, một vụ việc vạ … comment khác lại xảy ra. Trên mạng XH lại ồn ĩ và đàm tiếu đến tận giờ. Nghe chuyện ai nấy bật cười, còn người viết bài thì nghĩ, nói cho công bằng, nó cũng giông giống chuyện “trẻ trâu”. “Trẻ trâu” vì nó hơi chấp nhặt, quá nhỏ mọn, không người lớn. Còn cách xử lý thì khiến cho dư luận XH không hề tâm phục khẩu phục. Đó là chuyện liên quan đến tỉnh An Giang. Theo báo Đất Việt, ngày 15/11, bà Lê Thị Thùy Trang (Trường THPT Long Xuyên- t/p Long Xuyên), đọc thông tin trên 01 tờ báo mạng có nội dung, rằng CP đề nghị kiểm điểm Chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Trời xui đất khiến thế nào, bà Trang đưa lên FB cá nhân, rồi bình luận chê bai gương mặt ông CT tỉnh: Ông CT này cái mặt kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời CT An Giang. Dĩ nhiên đã có lời bình, phải có comment tiền hô hậu ủng. “Hậu ủng” thì có nhiều người, nhưng trong đó có ông Nguyễn Huy Phúc – nhân viên Điện lực và bà Phan Thị Kim Nga - Phó Văn phòng Sở Công thương (đều là công dân thuộc tỉnh An Giang). Rút cục, cái vạ comment rất bất ngờ: Hai người, bà Lê Thị Thùy Trang, ông Nguyễn Huy Phúc, bị phạt mỗi người 05 triệu đồng, do cả 02 vi phạm truyền đưa lưu trữ sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín danh dự người khác. Bà Phan Thị Kim Nga bị nhắc nhở. Dư luận XH được phen ồn ào với đủ lời đàm tiếu, có những đàm tiếu còn buồn cười và khó chịu hơn cả…. nhìn cái mặt kênh kiệu. Thật ra, nói xấu là một cá tính mang tính bản năng đồng hành cùng con người, phát triển hoặc được chế ngự tùy thuộc phông văn hóa cá nhân, và cả môi trường cộng đồng nơi con người sinh sống, an lành, văn minh hay ngược lại, nghèo khó và bất ổn. Người viết không rõ, 03 công dân An Giang này có bôi bác gì nữa không để xúc phạm ông Chủ tịch tỉnh. Nếu họ thực sự xúc phạm, ảnh hưởng đến uy tín của ông CT tỉnh, thì việc xử lý là xác đáng. Nhưng nếu chỉ căn cứ vào câu nói chê bai cái mặt kênh kiệu, thì ở đây, dường như có một chút suy diễn quá xa... Cụm từ cái mặt kênh kiệu, để chỉ hình thức. Nó thuộc về quan niệm xấu đẹp tùy tiêu chí thẩm mỹ của con người, ở đây, tùy thuộc thẩm mỹ của bà Trang. Dĩ nhiên chê người khác về hình thức là không tế nhị, nhất lại là quan chức đầu tỉnh. Nó phản chiếu “văn hóa” ngồi lê đôi mách thường tình, nhất là ở một cô giáo THPT thì càng dở. Nhưng nếu đọc tiếp vế hai- xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang, thì đó là sự phê bình thẳng thắn tác phong một cán bộ lãnh đạo tỉnh, mà nếu là người cầu thị, ông Chủ tịch tỉnh An Giang nên giật mình nhìn lại phong cách lãnh đạo của bản thân. Và vì vậy, ở phương diện nào đó, ông nên biết cảm ơn một lời nói thẳng, dẫu trong lòng không vui. Chứ không phải là “chấp nhặt’, tự ái vì hình thức bị chê xấu, dẫn đến sự trừng phạt. Có rất nhiều lời bình trên các trang mạng XH, mỗi lời bình một vẻ mười phân buồn cười. Nhưng người viết tâm đắc nhất comment của một quan chức của CP trên FB: Nhớ năm xưa, có người Nga hỏi Reagan (Tổng thống Mỹ), ông sẽ làm gì khi có người chửi ông. Reagan cười và trả lời, tôi chả làm gì họ cả. Chửi tôi là việc của họ, còn làm Tổng thống là việc của tôi! Một câu trả lời có tầm tư duy chính trị và bản lĩnh cao thủ quá. Còn nếu như chỉ vì một lời chê của các “con dân bé mọn”, mà phạt tiền, kỷ luật, thì có lẽ lời bình của bà Trang có lý. Ông Chủ tịch An Giang quá kênh kiệu, xa lạ với dân, chấp nhất nhỏ mọn với… đàn bà, dù nhân danh gì gì đi nữa Trước nhân gian, ông mất nhiều hơn được! Trách nhiệm và chuyển…. trách nhiệm Sự phát triển của kinh tế thị trường, cũng là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển nước Việt. Nhờ đó, mà đất nước- khi mới bước vào đổi mới, năm 1986, từng có lúc được thế giới chú ý, dự báo “hóa rồng”. Chỉ tiếc rằng, dự báo đó chưa thành sự thật, cửa “vũ môn” có vẻ hãy còn xa. Đến thời điểm này, gần 30 năm sau, con tàu nước Việt vẫn loay hoay nhúc nhắc trên đường ray kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tại kỳ họp QH lần này, một vấn đề đưa ra khiến không chỉ dư luận XH suy nghĩ, mà ngay chính các ĐBQH cũng khó chấp nhận. Bởi sự vô lý và thiếu công bằng. Đó là chủ trương xóa hơn 1000 tỷ đồng nợ thuế cho hơn 250 doanh nghiệp nhà nước, thành phần kinh tế vốn được coi là chủ đạo, khi bàn tới Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế. Chủ trương này xuất phát từ thực tiễn báo cáo của CP cho biết, việc xóa nợ thuế áp dụng với 03 nhóm DNNN. Sự ưu đãi với các DNNN hóa ra không chỉ trong môi trường kinh doanh, hỗ trợ các điều kiện về hạ tầng cơ sở, đất đai, nguồn tài chính, mà còn ưu đãi ngay cả khi ăn không nên làm khôngra, phải gấp gáp cổ phần hóa, trong hoàn cảnh nợ đầm nợ đìa. Tư duy quản lý kinh tế kiểu đó, đặt trong thời cuộc hội nhập, vô tình sẽ là một cản ngại cho sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế nói chung, của môi trường kinh doanh nói riêng, tất sẽ dẫn đến những hệ lụy không lành mạnh khác. Chính vì thế, tại nghị trường, ý kiến các ĐBQH khá thẳng thắn khi cho rằng điều này không bình đẳng với những thành phần kinh tế khác, tạo tâm lý chây ỳ cổ phần hóa và gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Khi họ cho rằng, nếu làm ăn thua lỗ, thậm chí có tiêu cực mà được xóa nợ là khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn không có hiệu quả. Trong trường hợp cổ phần hóa thì phải kế thừa nhiệm vụ quyền và trách nhiệm, trong đó có trả nợ thuế. Không thể để tình trạng “lời thì hưởng mà lỗ thì Nhà nước gánh chịu”. Trước Hiến pháp, pháp luật, mọi thành phần kinhtế đều bình đẳng về nghĩa vụ nộp thuế (theo Dân trí, ngày 14/11). Còn người viết bài cho rằng, nếu như xóa nợ cho các DNNN thì lỗ cũng không phải Nhà nước gánh chịu, mà chính là người dân phải gánh chịu, bởi dân sẽ phải tiếp tục đóng thuế bù cho khoản hơn 1000 tỷ đồng thua lỗ. Việc chuyển… trách nhiệm từ các DNNN sang người dân là thêm một sự thiếu sòng phẳng, thiếu công bằng nữa. Sự “chiều chuộng” đó chỉ khiến các DNNN không thấy rõ yếu kém và trách nhiệm của mình, sẽ khó tạo ra động lực làm việc cho tất thảy các thành phần kinh tế còn lại, cho cộng đồng, khi mọi giá trị hay- dở, tốt- xấu, mạnh- yếu đều bị xóa nhòa. Đó cũng chính là điều cần tránh nhất của mỗi quốc gia trên con đường phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu nói để đời: Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng! Nhưng quan trọng hơn, nhiều nhà kinh tế, quản lý nhà nước tại Diễn đàn tổng kết 30 năm Đổi mới được tổ chức mới đây tại Hà Nội, đã nhận định, tình trạng tụt hậu của đất nước là do tư duy cũ kỹ. Chúng ta đã chọn sai mô hình tăng trưởng, lại chưa có thể chế mạnh tạo động lực phát triển. Người Việt thích tranh luận nhưng chỉ luẩn quẩn trong mấy chữ mà mất hai, ba chục năm nay. Có những khái niệm như “vòng kim cô” ghì chặt sự phát triển của đất nước (TBKTSG, 19/11). Cũng không phải chỉ ở tầm vĩ mô, quản lý kinh tế mới có sự chuyển... trách nhiệm, mà ngay ở tầm vi mô, quản lý ngành- cũng vậy. Nó liên quan đến phát ngôn ấn tượng của ĐBQH Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Văn hóa- Thể thao- Du lịch trong phiên chất vấn của QH tại chiều 17/11. Một phát ngôn hài hước khiến dư luận XH những ngày này còn thi nhau đàm tiếu. Đó là khi ĐBQH Phạm Thị Hải (Đồng Nai) chất vấn về ngành du lịch VN đang phải đối mặt với nhiều vấn nạn gây bức xúc cho khách du lịch, nhất là người nước ngoài, là du lịch VN không chỉ thua kém Thái Lan, mà còn thua kém với ngay cả Lào, Campuchia. Thật ra vấn đề ĐBQH Phạm Thị Hải đặt ra không bất ngờ. Báo chí, các cơ quan truyền thông đã từng viết rất nhiều về sự non kém của du lịch VN, dẫn đến hiện tượng khách du lịch bướcchân đi cấm kỳ trở lại. Hãy sang Campuchia, đến thăm Ang kor Wat (tiếng Việt cổ gọi là Đế Thiên), Ang kor Thom (Đế Thích) thuộc Siem Reap, gọi chung là Ang kor (Đế Thiên Đế Thích), để hiểu người CPC đã biết làm du lịch văn minh và khôn ngoan thế nào. Để hiểu họ biết cách bảo vệ những di sản văn hóa đồ sộ của ông cha họ ra sao. Nhất là bảo vệ cả những cánh rừng nguyên sinh kỳ vĩ, bát ngát, cực kỳ sạch sẽ, có những cây đại thụ sù sì, che chở cho những đền đài tuyệt tác sự bình yên. Để so sánh với ngay Hồ Gươm của chúng ta thôi, lúc nào cũng xe máy, hàng rong, bụi rác ngay cả ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Không bất ngờ, bởi trước đó, tháng 9/2015, thông tin tại Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM 2015 cho thấy so với một số nước ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Indonesia hay Singapore, chỉ số cạnh tranh về du lịch VN thấp, chỉ đạt 3,6 điểm, trong khi Indonesia đạt 4,04 điểm, Singapore đạt 4,96 điểm. Trả lời câu hỏi “Vì sao du lịch VN thua các nước” của báo Pháp luật tp HCM, ông Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) nhận xét, có rất nhiều nguyên nhân, mỗi thứ một tý, nhưng “chặt chém” là một trong những nguyên nhân làm cho hình ảnh VN nói chung và du lịch nói riêng trở nên không đẹp trong mắt khách du lịch quốc tế, có tác động không nhỏ đến quyết định quay trở lại VN của họ. Chao ôi, vẫn là thứ tư duy “trẻ trâu”, mì ăn liền, trong khi quản lý du lịch thì dường như bất lực anh đến, anh không đến…..(xin mượn ca từ trong bài Đợi của Huy Thục) Nhưng rất bất ngờ khi ông Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh vừa hồn nhiên vừa thẳng thừng: Về phần chúng tôi, chúng tôi chịu trách nhiệm. Với tư cách là người đứng đầu ngành VH-TT-DL, những gì cố gắng rồi mà chưa đạt được, không đáp ứng nhu cầu thì tôi xin chịu trách nhiệm; và trách nhiệm chúng tôi là truyền đạt lại cho Bộ trưởng kế tiếp. Vì thời gian không còn nữa thì làm sao bây giờ”. Bộ trưởng hỏi lại QH? Quốc hội biết hỏi ai bây giờ! Chỉ biết sau câu trả lời “chuyển trách nhiệm cho Bộ trưởng kế tiếp”, cả nghị trường cười rộ. Còn người dân cũng cười. Nửa cười nửa mếu vì cái… trách nhiệm của một ông Bộ trưởng! Và vào lúc XH còn đang ồn ào, thì khi được báo Lao Động (ngày 18/11) phỏng vấn tiếp, ông Hoàng Tuấn Anh còn phát ngôn ấn tượng hơn: Tôi trả lời chất vấn như vậy là để giảm stress cho các đại biểu QH. Ô, QH là nơi bàn việc nước, đâu để phải nơi cho Bộ trưởng … giảm stress? Người viết bài chỉ tự hỏi: Đến bao giờ, cung cách quản lý nước Việt “chín chắn” hơn nhỉ ? (Nguồn: Vietnamnet)

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Chị Huyền Thơ đạo thơ...?

An Nam là xứ nghìn năm coi văn chương là tuyệt học trên đời nên tầm chương trích cú, đối đáp lọ chai được cho là đỉnh cao trí tuệ. Trong giấc mơ vươn tới ngôi sao ấy, làm thơ là lựa chọn thể hiện của nhiều bậc tao nhân, mặc khách còn làm vè là lựa chọn của cần lao chân đất, thối tai. Lâu dần, thời gian xoá nhoè biên giới và người ta gọi chung ráo cả là thơ. Không có xứ nào mà đông người làm thơ và xưng là nhà thơ đến thế. Ra đường nhổ bọt phát không cẩn thận trúng ngay mặt nhà thơ. Người người làm thơ, nhà nhà làm thơ. Thơ từ áo trắng học trò cho đến bạc phơ già hói. Thơ từ đám hèn mọn, chân lấm, tay bùn cho tới cả các quan lớn, ra đường chả phải vịn ai. Đương chức thơ mà hiu rồi càng thơ mãnh liệt. Cứ như thể cả nước chúng ta hít thở trong bầu không khí toàn những vần điệu, cấu tứ, ngôn từ. Vậy thì nhà thơ ra nhà thơ của An Nam đang sống ở đâu? Nhà thơ đích thực không thể nào lấy tiêu chí học trường viết văn Nguyễn Du hay các lớp văn chương khác. Nhà thơ đích thực cũng không thể lấy tiêu chí đã in thơ. Nhà thơ đích thực không thể lấy tiêu chí đạt giải thưởng. Lề lối chấm giải xứ này thì kinh mẹ nó rồi. Ai cũng hoang mang thế nên lúc nào cũng phải cố khác người thường. Phải vượt ra mọi khuôn khổ. Phải luôn luôn mới mẻ. Dù cả sự mới mẻ đầy u tối. Thậm chí thơ nó chỉ còn là con chữ chứ không phải con nghĩa. Các nhà thơ đa phần chỉ đọc thơ mình viết dù mồm ông ổng khen thơ thằng khác. Ngoài lý do về thói tị nạnh thường trực thì còn liên quan tới chuyện không thằng nào thẩm nổi thơ thằng nào. Chỉ bản thân thằng viết mới đọc nổi do thơ của các nhà thơ bây giờ nó trúc trắc, lúc lắc, triết lí, tuyên ngôn liên miên, dùng các từ càng khó hiểu càng ra vẻ uyên bác. Cái kiểu ấy làm cho việc đạo lấy một tứ thơ, một câu thơ trở thành chuyện thường ngày ở huyện. Vì để bán được thơ thì cả tập ấm ớ cũng cần lấy đôi bài độc giả họ đọc được. Không thì cả làng văn cứ đóng cửa và thủ dâm tinh thần với nhau thôi. Vậy nên, tôi khuyên các anh đừng có cố thành nhà thơ. Có thành tựu thì cũng thành thằng hâm trong mắt gái. Áp lực nổi tiếng loanh quanh lại thành thằng ăn cắp hay tệ hơn nữa là ăn cướp và la làng. May mắn được chỗ nào chú ý, gặt hái được thành công bên lề thì thơ lúc đó chỉ còn là xôi thịt. Giống mấy anh nhà thơ lại lơ ngơ làm nhà quản lý ấy, hehe. Không có thành tựu thì lại thành thằng làm vè Facebook. Kiểu này thì giống tôi. Nguồn: blog tre làng

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

Hớ hớ hớ...

Trước cổng cơ quan, một bác nông dân thập thò, nghiêng ngó. Thấy vậy, anh bảo vệ quát to: - Ông kia! Tới có chuyện gì? - Tôi muốn gặp giám đốc xin cái giấy xác nhận! - Hôm nay giám đốc nghỉ lo đám tang. Bố giám đốc vừa mất! - Vậy cho tôi gặp phó giám đốc được không? - Cũng không được! Vì bố phó giám đốc cũng vừa mất! Vẻ thất vọng lộ rõ trên gương mặt bác nông dân, nhưng bác vẫn cố hỏi thêm: - Vậy cho tôi gặp trưởng phòng được không? - Không được! Bố chồng của trưởng phòng vừa mất. - Vậy cho tôi gặp phó phòng! - Không được! Hôm nay phó phòng nghỉ lo đám tang. Ông nội phó phòng vừa mất! - ĐKM! Anh đùa tôi đấy à? Chết đéo gì mà lắm thế? - ĐKM! Ông chửi ai đấy hả? Đã không biết thì im mồm đi! Chết mỗi người chứ lấy đéo đâu ra mà lắm! Bố của giám đốc thì cũng là bố của phó giám đốc, thì cũng là bố chồng của trưởng phòng và là ông nội của phó phòng. Vì giám đốc là anh ruột của phó giám đốc, là chồng của trưởng phòng và là bố đẻ của phó phòng. Ông dù chỉ chửi một người nhưng lại là chửi cả cái cơ quan này đó! Ông biết chưa hả? Thôi, về đi cho tôi đóng cổng cơ quan! - Vẫn sớm mà! Sao đóng vội thế? - Tôi phải về lo đám tang. Bác tôi vừa mất! (Nguồn: Beo)

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Cái nước mình...

Chàng thanh niên chỉ trong vòng nửa năm được thăng liền 2 cấp, lên phó, rồi lên luôn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam khi vừa 30 tuổi. Nhìn lại, toàn bộ sự nghiệp làm công chức nhà nước của cậu chỉ vỏn vẹn có hai năm. Sự nghiệp học hành cũng ly kỳ không kém. Xong đại học trong nước, tự đi học thạc sĩ ở Mỹ. Khóa học 2 năm, đã học được tròn 1 năm xứ người, thì tỉnh mới có quyết định cho phép… đi học nước ngoài bằng ngân sách tỉnh? Coi như cứ việc “ăn trước”, sau đó có nhà nước đứng ra trả tiền trọn gói, bảo đặt địa phương vào thế đã rồi cũng không sai! Và đến nay tại tỉnh này, cũng mới duy nhất một trường hợp được đào tạo theo lối “thu hút nhân tài” như vậy. Quy trình “đúng”, mà rất lạ này, ai muốn hiểu thì cũng nên biết rằng, cha cậu ấy là lãnh đạo cao nhất tỉnh. Trường hợp trên, đến một nhà ngoại giao dày dạn cả đời lăn lộn với thế giới như bà Tôn Nữ Thị Ninh, cũng phải thốt lên “chưa từng thấy”. Nhưng lãnh đạo địa phương trên vẫn hồn nhiên đem việc “trẻ hóa” này để so với Đề án đưa 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã. So làm sao được, giữa ông Giám đốc Sở, sắp thành Tỉnh ủy viên, với mấy anh chị phó chủ tịch xã cắm tít những vùng sâu vùng xa. Thậm chí, hiện phần lớn lớp trí thức trẻ nhiệt huyết, có trình độ và được sàng lọc rất kỹ càng này còn chưa biết “đầu ra” của chính mình ra sao. Khi có chưa tới 1/4 số họ được bầu vào cấp ủy của các xã khóa mới này. Khi nhiều địa phương vẫn cho rằng, đây chỉ là những người “của dự án”, đến rồi sẽ lại… đi! Cơn “khát” bia Sài Gòn ở Hà Tĩnh đang lan đến từng tiết mục văn nghệ cấp xã, được phổ thơ, trở thành “bia ca” để trình diễn và đoạt giải. Trong khi một trường đại học phía Nam cho biết sẽ không dừng việc “tự phong giáo sư”. Cũng lại một quy trình lạ. Và cũng lại xuất hiện hai luồng ý kiến. Bên ủng hộ việc “tự phong” thì lập luận rằng cứ cho phong thoải mái đi. Để khi nào giáo sư tự phong cho thấy chất lượng thấp thì xã hội sẽ đào thải, quay lưng… Một sự hồn nhiên đến khó nói. Nhất là trong bối cảnh bây giờ, nếu tất tật mọi thứ đều được đong đếm bằng chất lượng thực sự, thì xã hội đã long lanh từ lâu rồi. Tự đặt ra những thứ quy trình riêng bất chấp quy định chung, thật mạo hiểm và bất nhẫn. Với số đông thấp bé đang nhẫn nại xếp hàng, chịu đựng./.. (Nguồn: Tiền Phong)

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Nửa đêm

Đêm nay, mình ngồi nghe lại bài này…, qua hai giờ sáng rồi mà mắt vẫn chong chong. “Nửa đêm thức giấc nghe gió lạnh về, lòng chợt nhớ thương ai, thoang thoáng trong mây, tiếng dương cầm tiêu siêu hồ Tây…Mùa đông thổn thức như trái tim em lạnh cô đơn, người đi xa vắng có nhớ thương ai chiều Ðông ấy ?! Mùa đông trút lá cho đớn đau thêm cành khô cây, tình em mãi mãi, mãi mãi héo hon mùa đông về!" Lại nghe ngoài ấy sắp đón đợt gió mùa đông bắc…, lại sắp hết một năm, sang mùa đông, hết mùa đông là cũng là hết một năm. Đời người cũng quay quắt theo từng đấy mùa rồi mất hút theo thời gian. Mình thích câu này: Đừng mong đích đến thay đổi, nếu bạn không thay đổi con đường! Liệu đường đời có trăm ngàn lối? nỗi đau trên đường đời đâu có giống nhau. Có những nỗi đau, đau khắc khoải đến không nguôi, có những nỗi buồn, buồn đến tuyệt vọng, bởi đau buồn ấy từ chính nơi thiêng liêng nhất của mình. Con người sống có ác với nhau không? Để làm gì một chút danh lại, làm gì một chút của cải phù vân, làm gì những mảnh đời không thể tròn trịa nhưng cứ cố úp vào nhau? Vết thương tình cảm rất khó liền, lời nói gió bay nhưng đau hơn đâm chém, lặn ngụp trong bão giông của cuộc đời thấy mình như hạt bụi bị xô đẩy, bốc lên, ném xuống đến tàn tạ. Rút cục, cuộc đời con người có hạnh phúc hay không phụ thuộc vào lòng thương yêu, tình thương yêu và tính bao dung sẽ làm cho con người ta giàu thêm, nhân hậu thêm, thiếu nó, nước mắt sẽ rơi nhiều trên đường đời! Và một cách đơn giản để hạnh phúc là trân trọng những gì mình đang có!

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Đêm Vu Lan

Chiều ngày rằm tháng bẩy, tôi đi chợ mua lễ với ý định về quê thắp hương các cụ và bố, mẹ. Bà hàng hoa nói: -chú mua hết đi ,chỉ còn một bó hoa và chục hương thơm này, chú mua hết cho chị để chị còn về kịp cúng rằm chú nhé:không nỡ từ chối tôi đồng ý.Nhưng do có vài việc đột xuất xảy ra nên gần 7 giờ tối tôi mới phóng xe về quê. Ra tới ven thành phố, trời đã nhập nhoạng tối, đi qua khu nghĩa trang ven đường,tôi bỗng nghe như có tiếng ai đó đang gọi, tôi giảm ga đi chậm và thấy dưới bóng cây ven đường quốc lộ có bóng một em nhỏ chừng 11-13 tuổi đang vẫy vẫy chiếc khăn trắng về phía tôi. Tôi dừng xe,trời tối không nhìn thấy mặt, nhưng nghe giọng nói thì đúng là giọng cháu gái: - Chú ơi, cho cháu đi nhờ một đoạn nhé? Tôi chưa kịp trả lời thì đã thấy cháu nhỏ ngồi lên phía sau mình từ lúc nào. Tôi vừa phóng xe, vừa nói với lại phía sau: Cháu lên xe nhanh hơn cả diễn viên xiếc.... Cháu bé cười,tiếng cười nghe rất u buồn .... Cháu về đâu-tôi hỏi ? Dạ, chú cho cháu đi nhờ về nghĩa trang xã Đ, cách đây 7km thôi mà... Cứ tưởng là xa, nghĩa trang xã đó chú biết, nó nằm sát đường quốc lộ -đúng không cháu? Dạ đúng đó ạ... Cháu về đó thắp hương cho người thân à, sao lại đi vào lúc tối thế này? Dạ cháu chờ mãi, không có ai cho đi nhờ xe chú ạ.Cháu về đó với me và em.. Mẹ cháu mất lâu chưa? tôi hỏi Dạ, mẹ mất khi cháu 6 tuổi, mẹ cháu khi sinh em thì bị băng huyết rồi chết ạ... Thế bố cháu đâu? Dạ, bố cháu với dì và em bé giờ ở xa lắm chú ạ.... Chợt có chiếc ô tô phóng ngược chiều đi nhanh như bay, đèn xe sáng lóa.Tôi thấy cháu bé nói giong run run, nghe rất nghê rợn, như tiếng vọng của oan hồn người chết: Chú ơi, cháu sợ ô tô lắm, chú đi sát đường nhé.. Yên tâm cháu ạ, chú đi đúng luật mà.... Dạ, chú biết không, mẹ cháu mất được 2 năm thì bố cháu lấy vợ 2 đưa cháu lên sống cùng ở xã ven thị. Năm cháu 11 tuổi ,trên đường đi học về cháu bị ô tô tải tông ngã văng vào gốc cây (đoạn đường lúc nãy cháu vẫy xe chú đó)- sau đó lái xe bỏ chạy.sau khi cháu bị tai nạn 1 năm thì bố cháu đưa dì và em bé vào miền Nam. Thế bây giờ cháu sống với ai? Dạ, cháu ở một mình ạ Cháu cam đảm và giỏi nhỉ. -tôi buột miệng khen.sao cháu không đi cùng bố và dì? Dạ, cháu có muốn đi cũng không được ạ...nói xong cháu im lặng, tôi e cháu ngại nên không gặng hỏi thêm. Lat sau bỗng cháu nói nhanh,giọng nghe như gió thoảng:Chú đi chậm lại nhé,tới chỗ mẹ và em cháu rồi. Mải vui chuyên, giờ tôi mới để ý, đúng là đã tới nghĩa trang của xã Đ sát ven đường, tôi dừng xe và nói: -Cháu về thăm mẹ và em mà không mua hương hoa à....? Chỉ thấy cháu dạ- giong đầy sự buồn. Tôi nói:- chú tặng cháu bó hoa và hương cùng bao diêm này nhé, cháu mang vào thắp cho mẹ nhanh rôi về kẻo ở nghĩa trang trong đêm tối thế này rất nguy hiểm.... Dạ, cháu quen rồi, chú ạ. Cháu cảm ơn chú... Có gì đâu cháu, à bó hoa này chú thắt nơ vàng rất đẹp cháu ạ- nói xong tôi lấy hương hoa ngoái lại phía sau đưa cho cháu bé...Tôi chợt giật thót người vì không thấy cháu bé đâu...Chợt bó hoa trên tay tôi rung lên như bị ai đó giật nhẹ rồi tôi nhìn thấy dưới bóng trăng bó hoa như đang bay chập chờn dọc theo con đường nhỏ dẫn vào nghĩa trang.Tôi nghe thoảng trong gió giọng cháu bé: Cháu cảm ơn chú, chú đi cẩn thận nhé... Tôi phóng xe về quê, đêm đó mất ngủ,năm nghĩ lại sự việc ,....tôi ngờ ngợ mình đã gặp hồn ma trẻ nhỏ. Sáng hôm sau, trên đường về thành phố, tôi tạt vào khu nghĩa trang xã Đ, sau gần tiếng đồng hồ tìm kiếm, tôi thấy bó hoa có thắt nơ vàng mà mình tặng cháu bé tối qua đang nằm trên 1 ngôi mộ nhỏ đơn sơ vắng hương khói ở sát cuối nghĩa trang. Tôi thắp hương cho người dưới mộ, miệng lầm nhầm khấn cầu cho linh hồn chị và cháu được siêu thoát. Chợt tôi giật mình khi nghe đúng giọng cháu bé đêm qua: MẸ CON CHÁU CẢM ƠN CHÚ Ạ.... Tôi giật mình nhìn khắp nghĩa trang mà không thấy bóng dáng của cháu bé đâu, chỉ có gió thồi rì rào,tiếng lá cây trồng quanh nghĩa trang rơi xào xạc. Chot từ trong bó hoa trên mộ, có con bướm trắng rất to bay ra.....con bướm chập chờn đôi cánh trước mạt tôi 2-3 lần như thay lời cảm tạ. Tôi vội vàng ra khỏi nghĩa trang vừa đi vừa nói :Cháu đúng là một hồn ma có hiếu....Trần gian khối người phải học cháu... (Nguon: Bydanghung)

Thứ Năm, 6 tháng 8, 2015

Một mình…Cuối mùa thu

Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình. Ngoài hiên nắng lóe, đàn chim giật mình. Biết lời tỏ tình, đã có người nghe. Nắng xuyên qua lá, hạt sương lìa cành. Ðời mong manh quá, kể chi chuyện mình. Nắng buồn cuộc tình, bỗng tắt bình minh. Đường xưa quen lối, tình dối người mang. Tình duyên trăm mối, một kiếp đa đoan. Cố tìm tình chồng chất ngổn ngang. Còn bao lâu nữa khi ta bạc đầu. Tình cờ gặp nhau, ngỡ ngàng nhìn nhau. Ðể rồi còn gì nữa cho nhau. Sáng trưa khuya tối, nhìn quanh một mình. Ðường quen không tới, tìm nhau ngại ngùng. Chỉ vì đời mình, chưa có bình minh… /..Cuối trời mây trắng bay. Lá vàng thưa thớt quá. Phải chăng lá về rừng. Mùa Thu đi cùng lá. Mùa Thu ra biển cả. Theo dòng nước mênh môg. Mùa Thu vào hoa cúc. Chỉ còn anh và em, là của mùa Thu cũ. Chỉ còn anh và em. Tình ta như hàng cây, đã yên mùa bão gió. Tình ta như dòng sông, đã yên ngày thác lũ. Thời gian như ngọn gió, mùa đi cùng tháng năm. Tuổi theo mùa đi mãi, chỉ còn anh và em, chỉ còn anh và em, cùng tình yêu ở lại... Kìa bao người yêu mới, đi qua cùng heo may, chỉ còn anh và em, cùng tình yêu ở lại, chỉ còn anh và em, cùng tình yêu ở lại….

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

"Đơn giản là nền tảng của một cuộc sống tốt"

Thực chất của một cuộc sống thành đạt, hạnh phúc lại khác với suy nghĩ của nhiều người. Cuộc sống ai trong chúng ta cũng ước mong và nỗ lực phấn đấu không ngừng để đạt được đó không phải là sự phức tạp rắc rối, mà lại là một cuộc sống đơn giản, một hạnh phúc đơn giản. 1. RÚT KINH NGHIỆM TRONG QUÁ KHỨ ĐỂ SỐNG, CHỨ KHÔNG SỐNG TRONG QUÁ KHỨ... Những vấp ngã ngày xưa sẽ giúp bạn trưởng thành hơn, giúp bạn xây dựng một tương lai tốt đẹp. Đừng để quá khứ trở thành nỗi sợ hãi ám ảnh. Thay vào đó, hãy đạp lên quá khứ, hãy biến nó thành những nấc thang kinh nghiệm. Đừng hối hận. Nếu quá khứ bạn tốt đẹp, đó là điều tuyệt vời. Nếu quá khứ không tốt đẹp thì cũng chẳng có gì phải xấu hổ vì đó là quá khứ rồi, và ngược lại, nó còn là những trải nghiệm quý báu. Thành công không phải ở vị trí mà bạn đang đứng, thành công là bạn đã học hỏi được bao nhiêu và bạn đã đi được bao xa ở chính vị trí đó. 2. TẬP TRUNG VÀO NHỮNG VIỆC QUAN TRỌNG... Hãy xác định điều gì là thiết yếu nhất đối với bạn. Loại bỏ tất cả những thứ không đáng để quan tâm. Đừng phí thời gian vào những gì vô bổ để rồi phải hối hận. Và những việc quan trọng nhất trên đời của một con người muốn thành công bao giờ cũng phải có việc học tập, học hỏi... 3. LÀM VIỆC THÔNG MINH CHỨ KHÔNG CẦN CHĂM CHỈ.. Hoàn thành xong việc khác với hoàn thành đúng việc. Kết quả luôn luôn quan trọng hơn thời gian bạn bỏ ra để hoàn thành công việc nào đó. Dừng lại và tự hỏi bản thân: công việc mình đang làm liệu có đáng để nỗ lực? Liệu nó có đưa mình đến gần mục tiêu mình muốn hay không? Đừng để bị cuốn vào những công việc lặt vặt, thậm chí là nghe có vẻ khẩn cấp. Hãy làm những việc quan trọng nhất. 4. HÃY CHO ĐI NHỮNG GÌ BẠN MUỐN NHẬN... Bạn nhận được những thứ tốt nhất từ mọi người khi bạn cho đi những gì tốt nhất từ bạn, trong mọi tình huống. Hãy tiến hành quy luật vàng này. Nếu bạn muốn ai đó yêu thương bạn, hãy yêu thương họ. Nếu bạn muốn kết bạn, hãy tỏ ra thân thiện. Nếu bạn muốn vật chất, hãy bổ sung giá trị. Bạn có muốn nghe những lời nói xấu, dè bỉu, ghen tị, đố kỵ...của thiên hạ dành cho mình không. Chắc chắn là không, vậy thì đừng đem tặng những điều đó cho ai cả. 5. HÃY THÔI LO LẮNG NHỮNG CHUYỆN BAO ĐỒNG, TÀO LAO. Đừng cố gắng làm bạn với tất cả mọi người. Bạn không được sinh ra ở trên đời để làm bạn với cả thế giới. Hãy xây dựng mối quan hệ thân tình thật tốt với một vài người, vài nhóm người thôi. Giúp đỡ hay làm hài lòng thiên hạ là chuyện bất khả thi và ngu ngốc. Quan hệ xã hội rộng không phải là quan hệ với số nhiều người mà là chất lượng của số người ấy. Hãy hạn chế tinh gọn các mối quan hệ lại và bạn sẽ thấy mình ngay là mình chỉ có lợi khi bớt đi được những mối quan hệ tào lao, cùng bao hệ lụy liên quan... 6. LÀM THEO NHỮNG GÌ TRÁI TIM BẠN CHO LÀ ĐÚNG Hãy thôi làm những việc trái với lương tâm chỉ vì bạn có thế làm. Hãy trở nên trung thực với chính bản thân mình và với mọi người. Đừng gian dối. Hãy tử tế. Làm những việc thiện, đúng đắn. Đó là cách đơn giản nhất để sống. Đức tính chính trực là đức tính quan trọng nhất để thành công. Khi bạn đánh mất đi sự liêm chính của mình, vô tình bạn đã mời gọi những rắc rối đáng kể bước vào cuộc sống của bạn. Hãy làm những điều mà trái tim bạn cho là đúng, nhưng phải đúng lẽ phải, đúng pháp luật trước đã... 7. SỐNG VÀ LÀM VIỆC CÓ TỔ CHỨC Hãy dọn sạch mọi hỗn độn. Vứt bỏ đi những vật vô ích và sắp xếp những gì còn sót lại. Giữ cho ngôi nhà và nơi làm việc của bạn được gọn gang là việc hoàn toàn cốt yếu. Nếu không gian của bạn bừa bộn, bạn sẽ dễ bị stress và xao nhãng nhiều thứ. Không gian sạch sẽ giống như một bức tranh trắng vậy, bạn có thể vẽ lên đó những nét họa tuyệt vời. Luôn nhớ đến sự đơn giản, hiệu quả.. 8. LÀM VIỆC HIỆU QUẢ Hãy thôi làm việc kém hiệu quả chỉ vì lúc nào bạn cũng hoàn thành công việc theo cách cũ. Nếu bạn cứ tiếp tục như vậy, bạn sẽ chỉ nhận được tiếp những gì bạn đang nhận. Nghĩ lại xem, có phải bạn đang sống trong một cuộc sống đầy phức tạp và vô kế hoạch chỉ đơn giản vì bạn lười biếng, không muốn tìm hướng đi mới hay không? Thay vào đó, hãy tổ chức hóa cuộc sống của bạn bằng cách tìm những phương pháp tốt nhất để giải quyết mọi công việc thường lệ. Tập trung hệ thống từng việc tại từng thời điểm theo cách hiệu quả nhất. Bất cứ công việc nào cũng có cách làm việc tốt hơn, tốt hơn nữa... 9. GIÃ TỪ CHỦ NGHĨA HOÀN HẢO... Hãy hài lòng với mọi cơ hội mà bạn có, không phải vì cuộc sống này dễ dàng, tuyệt mỹ, hay chính xác với những gì bạn đã đề ra, mà bởi vì bạn đã chọn cách hạnh phúc và biết ơn những điều tốt đẹp bạn đang có. Hãy chấp nhận sự thật rằng cuộc sống này không hề hoàn hảo, con người cũng không hoàn hảo và cả chính bạn cũng vậy, chúng ta đều không hoàn hảo. Chẳng sao cả, vì thực tế cuộc sống chẳng đề cao sự hoàn mỹ. Nó đề cao những người hoàn thành đúng những việc đáng làm. Và cách duy nhất để hoàn thành mục tiêu bạn đề ra là hãy thôi đòi hỏi sự hoàn mỹ. Và khi ta không tìm kiếm những công việc hoàn hảo, thành công hoàn hảo hay con người hoàn hảo thì ta hay gặp những thứ "hoàn hảo" ấy trong cuộc đời... 10. HÃY LÀM LƠ NHỮNG KẺ TIÊU CỰC, THẤT BẠI, BẤT TÀI. Đừng kết bạn với những người tiêu cực, những kẻ lười biếng, bất tài. Hãy kết bạn với những ai khiến bạn tự hào mỗi khi nhắc đến, những người bạn ngưỡng mộ, những người yêu thương và tôn trọng bạn – những người làm cho mỗi ngày của bạn sáng sủa hơn dù chỉ một ít. Đừng tránh xa những kẻ tiêu cực, mà hãy trốn tránh họ thật xa như trốn tránh những kẻ mắc dịch bệnh. Cuộc sống này quá ngắn ngủi, thật uổng phí khi bạn phải quan tâm đến những người đã lấy đi hết niềm vui của bạn. 11. BỚT QUAN TÂM ĐẾN NHỮNG GÌ THIÊN HẠ NGHĨ VỀ BẠN Nếu bạn muốn tự do, đơn giản thôi, hãy đừng để ý đến dư luận. Thỉnh thoảng bạn nên ra ngoài đi đâu đó đi, hít thở chút không khí, và tự nhủ với bạn thân : Tôi là ai và tôi muốn trở thành ai? Tốt nhất, hãy làm theo trái tim mình. Đừng ở mãi trong vùng an toàn với những sự lựa chọn dễ dàng chỉ vì bạn sợ sẽ đối mặt với dư luận, với những hậu quả được họ báo trước. Nếu bạn tiếp tục quan tâm đến những gì thiên hạ nghĩ về bạn, bạn sẽ chẳng thu được thành tích gì. "Đơn giản là nền tảng của sự tinh vi” – Leonardo Da Vinci.

Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

6 còn là ít

Tổng hợp những gì đang diễn ra trong giới báo chí, nhà báo lão thành cách mạng Hữu Thọ đã chỉ rõ 6 nhóm hành vi lạm dụng thế lực của một số nhà báo. Cụ thể gồm: Ép buộc, van nài, đe dọa các doanh nghiệp để xin quảng cáo, ăn hoa hồng; Viết bài tâng bốc theo lối quảng cáo để nhận thù lao các kiểu; Mang thư bạn đọc đi đe dọa các đơn vị và người bị "tố cáo" để đòi tiền; Hùa nhau đánh thuê, đánh lên cao theo kiểu "Erostat đốt đền"; Viết bài bảo vệ tội phạm theo kiểu "dùng chữ nghĩa, hình ảnh để bảo kê"; Lợi dụng sự quen biết rộng rãi để tham gia đường dây chạy các thứ, kể cả chạy chức, chạy quyền.. Mặt khác, nhà báo Hữu Thọ cũng chỉ rõ 4 nhóm hành vi lợi dụng báo chí, gồm: Lợi dụng báo chí như công cụ để tự đề cao, để nổi danh hòng trúng cử trong các cuộc thi, không chỉ "loạn Sao, loạn Hậu" mà cả trong những cuộc tranh giành chức vụ chính trị; Lợi dụng báo chí để hạ đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh và trong cả chính trị; Lợi dụng báo chí để trả thù cá nhân; Lợi dụng báo chí để che chắn tội ác, bảo vệ tội phạm... "Những người bị lợi dụng hay lạm dụng thế lực báo chí như trên, thực sự không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, mà còn không xứng đáng với đạo làm người, có trường hợp vi phạm pháp luật. Có người mỉa mai nói tới hai căn bệnh, đó là "lệch thị" – chỉ nhìn một phía màu đen, và "nghẽn tai" – chỉ nghe một chiều thuận tai. Hai bệnh này không chỉ có ở nhà báo, nhưng với nhà báo thì nó sẽ tạo thành tác phẩm có sức lan tỏa rộng trong xã hội, rất nguy hiểm", nhà báo Hữu Thọ nhấn mạnh./….

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

Cay đắng

21/6, cái ngày gọi là sinh nhật của những người làm báo. Hơn mười năm trước, nhiệt huyết đong đầy, phấn khích phát cuồng vì Nó, giờ nhạt như nước luộc trứng vịt lộn. Mới hay, sự ồ ạt tuyển chọn phóng viên và cấp thẻ nhà báo mấy năm qua, đã khiến một bộ phận không nhỏ “sâu bọ” lọt vào cái nghề nguy hiểm nhưng vinh quang này. Hôm trước, Hà Nội chặt cây, ầm ầm chửi; hôm sau giông tố, cây đổ chết hai mạng, thương hàng chục mạng, nát bét nhiều xế hộp…cũng ầm ầm chửi. Hà Nội trồng cây, cây mới trồng bị bật gốc, gốc chưa tháo cái gọi là nilong bọc, ầm ầm chửi, chưa biết cái túi bọc đó có phải là chất liệu tự huỷ hay không? Hơn chục cái tàu điện mua của Tàu khựa, ầm ầm chửi, không tìm hiểu xem tại sao lại như vậy, khi mà nguyên nhân chẳng có gì khó hiểu, chung qui là do cái xứ mình nó nghèo… Chỉ có mỗi cái xe buýt cũ rích đang bị kéo vào xưởng thì đứt dây cáp, nằm chềnh ềnh trên đường mà báo chí thi nhau phân tích với những tình tiết ly kỳ, rợn tóc gáy, còn hứng chí lên gọi là xe buýt ma. Cái thằng dở hơi hát như đấm vào tai quê ở Thành Đông, quanh năm làm nghề trồng ổi, chỉ vậy thôi mà các nhà báo xúm lại khai thác đề tài cả nửa năm giời không hết chuyện… Cây cột điện bị lốc làm đổ kềnh trên đường, nó đổ vì nguyên nhân gì? Chất liệu ra sao…, mấy nhà báo nhớn nhìn qua phán nguyên nhân như đúng rồi. Hoá ra, nhà báo cái gì cũng biết, uyên thâm trong mọi lĩnh vực. Kinh!!! Rất kinh và quá đỗi tào lao, đau cho báo chí xứ mình lắm thay! Không còn gì để nói, bèn trích đoạn này trong blog Trelang ra đây, xong rồi còn đi mút rượu để buồn cùng ngày vinh danh này: “…Nhân dân nên tỉnh táo khi tiếp cận thông tin, các bạn đang sống trong một đất nước có sự chọn lọc tập trung cao độ, nơi gần như những đứa ngu, mất dậy, thối mồm, láo toét tham lam nhất đều tập trung vào một nghề: Nghề báo.”

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Chọn trường

Nếu bạn hỏi tôi - "nên chọn trường nào cho con?", tôi sẽ nói thế này: Riêng mẫu giáo nếu có điều kiện chọn trường khá một chút, vì lí do an toàn chứ không vì học hành, tuổi ấy thì học gì. Phổ thông thì trường nào cũng được. Trừ khi con bạn bị tự kỉ, là học sinh cá biệt, còn thì trường nào cũng thế cả. Trường nào gần nhà càng tốt, đỡ đi lại vất vả. Nếu thích thì cứ để nó thi vào Amsterdam, chuyên Tổng hợp, Sư phạm. Vào được thì tốt, ko vào được chẳng sao. Những môn lởm khởm như Văn, Sử, Địa, Đạo đức, Chính trị thì từ lớp 1 đến Đại học ở Việt Nam đều dạy thối như nhau, thối tức là tệ hơn dở. Tốt nhất là không học, trừ khi phải học để đủ điểm lên lớp và tốt nghiệp. Nếu bạn rắp tâm cho con học đại học ở nước ngoài thì chẳng cần học văn, sử, địa, chính trị. Chỉ hại não, hỏng người. Còn các môn tự nhiên như Toán, Lí, Hoá, Sinh ở mức phổ thông là kiến thức chung của nhân loại, dạy hay dạy dở thì nó vẫn thế, chẳng khác nhau mấy. Hơn nữa với sự phổ cập internet thì con bạn có thể kiểm tra thầy dạy đúng hay sai. Không thể nào ở trường Ams họ dạy 2+2 = 4, còn trường làng thì 2+2= 5. Đơn giản là không thể, cho dù giáo viên có kém đến đâu. Kiến thức là đồng nhất ở mọi nơi. Có thể dân chủ của ta gấp triệu lần dân chủ Mĩ, nhưng toán - lí - hoá - sinh ở mức phổ thông thì như nhau cả. Tôi có đứa cháu con bà chị. Nó học một trường PT ở tỉnh lẻ. Bố nó phải đi tù vì một chuyện lãng xẹt, mẹ buôn thúng bán mẹt. Vì chẳng thần thế gì nên nó bị phân vào lớp mà ngoại ngữ là tiếng Pháp, bọn con nhà khá giả được vào lớp tiếng Anh. Năm 1999, hội francophony tổ chức thi tiếng Pháp. Nó tham gia và được giải cao, chính phủ Pháp cho nó học bổng học đại học ở Pháp. Trong khi những người khác đi học bằng tiền ngân sách chọn tỉnh lẻ như Toulouse, Lyon, Marseille cho nhẹ thì nó chọn trường ở Paris, khó hơn. Nó luôn đứng đầu lớp và luôn được cấp học bổng. Nó tiết kiệm học phí, thuê nhà, tự nấu ăn đến mức còn thừa tiền nuôi được thằng anh sang học ké. Tốt nghiệp xuất sắc, nó được một tập đoàn viễn thông của Đức nhận làm việc ở Paris, đã 8 năm, lương cao, đủ mua căn hộ đẹp. Một đứa nữa con bà chị khác, học 1 trường PT rất bình thường ở HN. Bố mất sớm, mẹ buôn bán nhì nhằng. Nó bằng tuổi con gái tôi. Hết lớp 11 con gái tôi đi Anh học. Nó cũng muốn đi nước ngoài, nhưng mẹ nó nghèo, ko có tiền cho nó đi. Nó hỏi tôi. Tôi bảo cháu cứ lên mạng, hỏi tất cả các trường, nhất là các trường Mĩ. Trong khi chờ đợi thì học thêm tiếng Anh. Một trường nhận nó vào lớp Foundation. Nó bảo chỉ có đủ tiền mua vé 1 chiều. Trường cho toàn bộ học phí và homestay, mẹ phải lo tiền ăn. Tôi chỉ giúp nó làm chứng minh tài chính để có visa đi Mĩ. Thế thôi. Nó thoả thuận với bà chủ nhà là sẽ giúp bà cắt cỏ trong vườn vào cuối tuần, bà đỡ phải thuê người cắt, dần dần nó cắt cỏ cho cả hàng xóm, tiện thể mà. Tiền cắt cỏ thừa tiền ăn. Chương trình đại học 4 năm nó học trong 2 năm rưỡi, lại còn để dành được ít tiền. Bây giò nó là Giám đốc 1 bộ phận của 1 ngân hàng lớn ở Việt Nam, lương net 90 triệu. Nó mới 32 tuổi nhưng đã đi làm 11 năm, mua được nhà riêng ở Hà nội, và thêm 1 bằng mba với hàng chục chứng chỉ đào tạo các ngành mà nó cần cho công việc ở một ngân hàng. Chẳng cần ai giúp cả. Từ đáy lòng tôi rất khâm phục 2 cháu này. Tiện thể cũng nói rằng, những thông tin kiểu như cháu nọ cháu kia đỗ đầu vào 5-6 trường đại học của Anh, Mĩ là tin vịt thôi. Người ta có bắt thi đâu mà đỗ đầu hay đít. Bạn chỉ cần tốt nghiệp phổ thông, biết tiếng Anh ở mức nghe hiểu, nộp hồ sơ là tất cả các trường đại học nhận tuốt. Trừ một số trường danh giá như Harvard, Stanford, Cambrige ... phải có thêm essay, phỏng vấn. Khi con tôi chuẩn bị đi học đại học nước ngoài, tôi đã thử làm vài bộ hồ sơ với tên giả gửi chục trường hàng đầu của Mĩ, Anh. Nhận tất. Vài trường còn cho học bổng. Lưu ý các bạn là bộ phận tuyển sinh đánh giá cao việc bạn tham gia các hoạt động tập thể như đội trưởng đội bóng, tổng biên tập báo trường, ban nhạc của lớp hơn hẳn các thành tích cá nhân như huy chương vàng olimpique toán quốc tế. Vậy nếu con bạn có ý thức học hành thì trường nào cũng được. Còn vào đại học, nếu có điều kiện thì nên chọn trường khá 1 chút ở nước ngoài, không thì học trong nước. Thực ra cũng chẳng quan trọng lắm đâu. Chỉ có 20% số người có bằng đại học làm đúng nghề đã học. Bằng đại học chỉ để loè người quen và phòng cán bộ thôi./.. (Nguồn Beo)

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015

Sáu thói xấu của văn hóa xe máy ở Việt Nam

Tính vô kỷ luật cá nhân, tiểu nông tùy tiện, gian vặt, vô kỷ luật tập thể hay tính vô cảm, còn những vô số những thói xấu đang tiềm ẩn sẽ có khả năng bùng phát. Về Sài Gòn bây giờ, các bạn hẳn đã thấy những con đường kẹt cứng hàng ngàn xe cộ nhích từng chút một. Đại đa số là xe gắn máy hai bánh như Honda, Yamaha hay Suzuki. Khi 95% người dân sử dụng xe máy như ở Việt Nam hiện nay ngoài các tác hại về môi trường và sức khỏe, còn vô số những thói xấu đang tiềm ẩn sẽ có khả năng bùng phát. Những tính xấu này ai cũng có, nhưng chỉ phát triển mạnh mẽ khi gặp cơ hội. Đi xe máy kiểu xã hội Việt Nam là một quá trình thích hợp nhất để phát triển những “đức tính” ấy, vì khi ấy ta sẽ tiếp cận với nhiều tình huống thuận tiện để cái phần “con” trong mỗi con người nhảy ra tung hoành áp đảo cái phần “người”; mà những tình huống này xe hơi ít khi gặp phải. Đó là: a. Tính vô kỷ luật cá nhân: Vì xe máy nhỏ gọn, nên luồn lách rất dễ. Hễ kẹt đường là nhẩy lên hè, cho rằng mình nhẩy lên có một chút thì đã sao, có mòn lề mòn gạch gì đâu. Hoặc sẵn sàng dắt xe trèo qua “con lươn” xi-măng, tức là dải phân cách giữa đường. Hoặc hễ thấy khó băng qua đường để quẹo trái, là lập tức quẹo trái ép sát lề trái mà không băng qua đường, nghĩa là chạy ngược chiều làn xe trước mặt rồi từ từ len vào dòng xe ngược chiều ấy để băng ngang đường. Hoặc chạy ngược dòng xe trong đường ghi bảng một chiều vì “chỉ một quãng ngắn, chạy vòng làm gì cho mất công”. Xe hơi thì không làm thế được vì sẽ gây tai nạn ngay tức khắc. b. Tính tiểu nông tùy tiện: Vì xe máy dễ ngừng lại nên khi đang chạy chợt trông thấy hàng bánh mì chẳng hạn là quay ngoắt lại để mua, mua xong rú ga phóng đi như bay vì chợt nhớ ra đã gần đến giờ hẹn đi nhậu. Cá tính “coi thường sự an toàn của người khác chỉ nghĩ đến tiện lợi cho mình” này nếu đi xe buýt hoặc xe điện sẽ không có dịp để phát triển. Sự ngừng tùy tiện của xe máy lại làm cho các hàng vặt cứ bày bán ngổn ngang trên lề đường, góp phần vào sự bát nháo của lề đường hè phố mà chính quyền không sao quản lý nổi. c. Tính gian vặt: Đèn xanh của mình chưa lên; nhưng đoán chừng đường bên kia sắp đèn đỏ nên đón đầu chạy trước. Có người hỏi “Tôi chỉ chạy trước khi đèn xanh có vài giây đồng hồ, gian vặt ở chỗ nào?” Xin thưa, trong giao thông có khái niệm “lượng thời gian an toàn”. Lượng thời gian an toàn là tài sản tự nhiên của người công dân sử dụng phương tiện giao thông. Khi bạn chưa có đèn xanh mà đã chạy, thì bạn đã “ăn gian” của xe cộ của con đường trước mặt một khoảng thời gian an toàn của họ. d. Tính vô kỷ luật tập thể: Vì luật lệ không chặt chẽ, nên người ta cho rằng hễ cùng nhau phá luật thì không ai phạt mình nổi. Ít khi Cảnh sát giao thông (CSGT) đuổi kịp và phạt nổi cả chục chiếc xe máy vượt đèn đỏ cùng một lúc. e. Tính chụp giựt: Khi kẹt đường, ai cũng nhích lên từng tí, không ai nhường ai vì nếu nhường một người thì sẽ lại phải nhường thêm người nữa, cứ thế thì bao giờ mới đến nơi. Do đó mạnh ai nấy huých; đức tính lịch sự mã thượng sẽ bị thui chột dần dần sau nhiều năm chạy xe máy. Tại sao lòng mã thượng sẽ mất ? Bởi vì, nếu bạn liên tục giành giật từng mét đường trong cả giờ đồng hồ kẹt xe, khi về đến ngõ nếu gặp một bà cụ chậm chạp đi qua, bạn khó mà nhường bước vì đang có cái “đà”, cái tư duy giành giật từng tấc vẫn còn nằm nguyên trong đầu bạn. Lúc này mà nói đến chuyện thương người nghèo, chuyện làm từ thiện thì khó mà “cảm” được. f. Tính vô cảm: Khi lòng ta nghĩ về đất nước, ngoài hình ảnh gia đình người thân thì hình ảnh thành phố, chợ búa, công viên, con sông, cây cầu, con đường con phố là hình ảnh nổi bật và đậm đà nhất trong tiềm thức chúng ta. Nhưng nếu ngày nào ta cũng phải mất hai ba tiếng đồng hồ toát mồ hôi dang nắng hít vào vài chục lít khói xe làm hai buồng phổi đen lại; nhê nhích từng tí trong những con đường con phố, thì hình ảnh những nơi đường sá, và cả cái thị trấn ta sinh ra lớn lên ấy dần dần trở thành hình ảnh đáng ghét vì sự hỗn loạn, nhếch nhác và vô trật tự của nó. Thực ra thì cái xe máy hai bánh nó không có tội tình gì cả. Nguyên nhân chính là do một xã-hội đông đúc sống tập trung trong những thành phố chật hẹp mà phương tiện giao thông công-cộng như xe buýt lại không thông dụng; không có subway (xe điện ngầm), không có light-rail bus (xe buýt điện trên đường ray), nên hầu như tất cả mọi người đều chạy xe máy. Cái xã hội ấy sẽ dần dần trở nên nhếch nhác, ô nhiễm, vô kỷ luật và sẽ đi xuống một cách thảm hại./… Nguồn: Andy Nguyễn

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

66 câu Phật học làm chấn động Thiền ngữ thế giới

Đọc được gì là tùy mỗi người…Nhưng xin hãy đọc thật chậm, nghĩ thật kỹ và nhớ thật lâu. Cuối cùng là làm theo được càng nhiều càng tốt… 1. Sở dĩ người ta đau khổ chính vì mãi đeo đuổi những thứ sai lầm. 2. Nếu anh không muốn rước phiền não vào mình, thì người khác cũng không cách nào gây phiền não cho anh. Vì chính tâm anh không buông xuống nỗi. 3. Anh hãy luôn cảm ơn những ai đem đến nghịch cảnh cho mình. 4. Anh phải luôn mở lòng khoan dung lượng thứ cho chúng sanh, cho dù họ xấu bao nhiêu, thậm chí họ đã làm tổn thương anh, anh phải buông bỏ, mới có được niềm vui đích thực. 5. Khi anh vui, phải nghĩ rằng niềm vui này không phải là vĩnh hằng. Khi anh đau khổ, anh hãy nghĩ rằng nỗi đau này cũng không trường tồn. 6. Sự chấp trước của ngày hôm nay sẽ là niềm hối hận cho ngày mai. 7. Anh có thể có tình yêu nhưng đừng nên dính mắc, vì chia ly là lẽ tất nhiên. 8. Đừng lãng phí sinh mạng của mình trong những chốn mà nhất định anh sẽ ân hận. 9. Khi nào anh thật sự buông xuống thì lúc ấy anh sẽ hết phiền não. 10. Mỗi một vết thương đều là một sự trưởng thành. 11.Người cuồng vọng còn cứu được, người tự ti thì vô phương, chỉ khi nhận thức được mình, hàng phục chính mình, sửa đổi mình, mới có thể thay đổi người khác. 12.Anh đừng có thái độ bất mãn người ta hoài, anh phải quay về kiểm điểm chính mình mới đúng. Bất mãn người khác là chuốc khổ cho chính anh. 13. Một người nếu tự đáy lòng không thể tha thứ cho kẻ khác, thì lòng họ sẽ không bao giờ được thanh thản. 14. Người mà trong tâm chứa đầy cách nghĩ và cách nhìn của mình thì sẽ không bao giờ nghe được tiếng lòng người khác. 15. Hủy diệt người chỉ cần một câu, xây dựng người lại mất ngàn lời, xin anh “ đa khẩu hạ lưu tình ”. 16. Vốn dĩ không cần quay đầu lại xem người nguyền rủa anh là ai? Giả sử anh bị chó điên cắn anh một phát, chẳng lẽ anh cũng phải chạy đến cắn lại một phát? 17. Đừng bao giờ lãng phí một giây phút nào để nghĩ nhớ đến người anh không hề yêu thích. 18. Mong anh đem lòng từ bi và thái độ ôn hòa để bày tỏ những nỗi oan ức và bất mãn của mình, có như vậy người khác mới khả dĩ tiếp nhận. 19. Cùng là một chiếc bình như vậy, tại sao anh lại chứa độc dược? Cùng một mảnh tâm tại sao anh phải chứa đầy những não phiền như vậy? 20. Những thứ không đạt được, chúng ta sẽ luôn cho rằng nó đẹp đẽ, chính vì anh hiểu nó quá ít, anh không có thời gian ở chung với nó. Nhưng rồi một ngày nào đó khi anh hiểu sâu sắc, anh sẽ phát hiện nó vốn không đẹp như trong tưởng tượng của anh. 21. Sống một ngày là có diễm phúc của một ngày, nên phải trân quý. Khi tôi khóc, tôi không có dép để mang thì tôi lại phát hiện có người không có chân. 22. Tốn thêm một chút tâm lực để chú ý người khác chi bằng bớt một chút tâm lực phản tỉnh chính mình, anh hiểu chứ? 23. Hận thù người khác là một mất mát lớn nhất đối với mình. 24. Mỗi người ai cũng có mạng sống, nhưng không phải ai cũng hiểu được điều đó, thậm chí trân quý mạng sống của mình hơn. Người không hiểu được mạng sống thì mạng sống đối với họ mà nói chính là một sự trừng phạt. 25. Tình chấp là nguyên nhân của khổ não, buông tình chấp anh mới được tự tại. 26. Đừng khẳng định về cách nghĩ của mình quá, như vậy sẽ đỡ phải hối hận hơn. 27. Khi anh thành thật với chính mình, thế giới sẽ không ai lừa dối anh. 28. Người che đậy khuyết điểm của mình bằng thủ đoạn tổn thương người khác là kẻ đê tiện. 29. Người âm thầm quan tâm chúc phúc người khác, đó là một sự bố thí vô hình. 30. Đừng gắng sức suy đoán cách nghĩ của người khác, nếu anh không phán đoán chính xác bằng trí huệ và kinh nghiệm thì mắc phải nhầm lẫn là lẽ thường tình. 31. Muốn hiểu một người, chỉ cần xem mục đích đến và xuất phát điểm của họ có giống nhau không, thì có thể biết được họ có thật lòng không. 32. Chân lý của nhân sinh chỉ là giấu trong cái bình thường đơn điệu. 33. Người không tắm rửa thì càng xức nước hoa càng thấy thối. Danh tiếng và tôn quý đến từ sự chân tài thực học. Có đức tự nhiên thơm. 34. Thời gian sẽ trôi qua, để thời gian xóa sạch phiền não của anh đi. 35. Anh cứ xem những chuyện đơn thuần thành nghiêm trọng, như thế anh sẽ rất đau khổ. 36. Người luôn e dè với thiện ý của người khác thì hết thuốc cứu chữa. 37. Nói một lời dối gian thì phải bịa thêm mười câu không thật nữa để đắp vào, cần gì khổ như vậy? 38. Sống một ngày vô ích, không làm được chuyện gì, thì chẳng khác gì kẻ phạm tội ăn trộm. 39. Quảng kết chúng duyên, chính là không làm tổn thương bất cứ người nào. 40. Im lặng là một câu trả lời hay nhất của sự phỉ báng. 41. Cung kính đối với người là sự trang nghiêm cho chính mình. 42. Có lòng thương yêu vô tư thì sẽ có tất cả. 43. Đến là ngẫu nhiên, đi là tất nhiên. Cho nên anh cần phải “ tùy duyên mà hằng bất biến, bất biến mà hằng tùy duyên ”. 44. Từ bi là vũ khí tốt nhất của chính anh. 45. Chỉ cần đối diện với hiện thực, anh mới vượt qua hiện thực. 46. Lương tâm là tòa án công bằng nhất của mỗi người, anh dối người khác được nhưng không bao giờ dối nổi lương tâm mình. 47. Người không biết yêu mình thì không thể yêu được người khác. 48. Có lúc chúng ta muốn thầm hỏi mình, chúng ta đang đeo đuổi cái gì? Chúng ta sống vì cái gì? 49. Đừng vì một chút tranh chấp mà xa lìa tình bạn chí thân của anh, cũng đừng vì một chút oán giận mà quên đi thâm ân của người khác. 50. Cảm ơn thượng đế với những gì tôi đã có, cảm ơn thượng đế những gì tôi không có. 51. Nếu có thể đứng ở góc độ của người khác để nghĩ cho họ thì đó mới là từ bi. 52.Nói năng đừng có tánh châm chọc, đừng gây thương tổn, đừng khoe tài cán của mình, đừng phô điều xấu của người, tự nhiên sẽ hóa địch thành bạn. 53. Thành thật đối diện với mâu thuẩn và khuyết điểm trong tâm mình, đừng lừa dối chính mình. 54. Nhân quả không nợ chúng ta thứ gì, cho nên xin đừng oán trách nó. 55. Đa số người cả đời chỉ làm được ba việc: Dối mình, dối người, và bị người dối. 56. Tâm là tên lừa đảo lớn nhất, người khác có thể dối anh nhất thời, nhưng nó lại gạt anh suốt đời. 57. Chỉ cần tự giác tâm an, thì đông tây nam bắc đều tốt. Nếu còn một người chưa độ thì đừng nên thoát một mình. 58. Khi trong tay anh nắm chặt một vật gì mà không buông xuống, thì anh chỉ có mỗi thứ này, nếu anh chịu buông xuống, thì anh mới có cơ hội chọn lựa những thứ khác. Nếu một người luôn khư khư với quan niệm của mình, không chịu buông xuống thì trí huệ chỉ có thể đạt đến ở một mức độ nào đó mà thôi. 59. Nếu anh có thể sống qua những ngày bình an, thì đó chính là một phúc phần rồi. Biết bao nhiêu người hôm nay đã không thấy được vầng thái dương của ngày mai, biết bao nhiêu người hôm nay đã trở thành tàn phế, biết bao nhiêu người hôm nay đã đánh mất tự do, biết bao nhiêu người hôm nay đã trở thành nước mất nhà tan. 60. Anh có nhân sinh quan của anh, tôi có nhân sinh quan của tôi, tôi không dính dáng gì tới anh. Chỉ cần tôi có thể, tôi sẽ cảm hóa được anh. Nếu không thể thì tôi đành cam chịu. 61. Anh hi vọng nắm được sự vĩnh hằng thì anh cần phải khống chế hiện tại. 62. Ác khẩu, mãi mãi đừng để nó thốt ra từ miệng chúng ta, cho dù người ta có xấu bao nhiêu, có ác bao nhiêu. Anh càng nguyền rủa họ, tâm anh càng bị nhiễm ô, anh hãy nghĩ: họ chính là thiện tri thức của anh. 63. Người khác có thể làm trái nhân quả, người khác có thể tổn hại chúng ta, đánh chúng ta, phỉ báng chúng ta. Nhưng chúng ta đừng vì thế mà oán hận họ, vì sao? Vì chúng ta nhất định phải giữ một bản tánh hoàn chỉnh và một tâm hồn thanh tịnh. 64. Nếu một người chưa từng cảm nhận sự đau khổ khó khăn thì rất khó cảm thông cho người khác. Anh muốn học tinh thần cứu khổ cứu nạn, thì trước hết phải chịu đựng được khổ nạn. 65. Thế giới vốn không thuộc về anh, vì thế anh không cần vứt bỏ, cái cần vứt bỏ chính là những tánh cố chấp. Vạn vật đều cung ứng cho ta, nhưng không thuộc về ta. 66. Bởi chúng ta không thể thay đổi được thế giới xung quanh, nên chúng ta đành phải sửa đổi chính mình, đối diện với tất cả bằng lòng từ bi và chính tâm của mình.

Viết

Viết giỏi xuất phát từ sự tò mò quá đỗi và sự quan sát tinh tế, sự đồng cảm bẩm sinh với con người và điều kiện của con người!

Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2015

Đi qua vùng cỏ non

Ngày ấy, mùa hạ quê mình, đêm trước bão, cây ngoài vườn im phăng phắc, rõ nhất là cây bồ kết và rặng xoan bên góc sân soi bóng xuống bờ ao. Lá trên cây bất động càng làm cho cái nực của mùa hạ tăng gấp bội phần! Mẹ đã thức cả đêm, mình gối đầu lên một bên tay mẹ, tay kia mẹ phe phẩy bằng chiếc quạt nan mua của nhà ông Duyện! cả đêm cái quạt không nghỉ, cứ như vậy để mồ hôi trên lưng mình khô dần và chìm vào giấc ngủ. Nhưng bài hát mẹ ru mình năm ấy đã đưa giấc ngủ của mình đến nhanh và say hơn mãi bây giờ không quên, đó là bài “ Đi qua Vùng cỏ non”, ngày ấy giờ đã 35 năm rồi và mình biết sẽ không bao giờ trở lại! Đời người dần trôi đến cái đích của muôn kiếp…, nhưng dẫu chỉ là phù vân, là hữu hạn của kiếp người thì ca từ và giai điệu mà mẹ đưa mình đến với “ Đi qua vùng cỏ non” ngày xưa ấy vẫn về lại trong mình những lúc đau đớn, tuyệt vọng nhất để mình đứng dậy vịn vào bước đi! Kể cả những ngày tháng này, khi chính Người đã không hiểu cho chính mảnh đời dứt ruột Người sinh ra! Mình vẫn nằm nghe và nước mắt chảy dài trong đêm…, nước mắt nhiều như ngày cách đây mấy chục năm ngồi bệt đầu cổng chờ mẹ đi dạy học về muộn… “Đi qua vùng cỏ non , ngỡ mùa xuân đang đến. Bâng khuâng chiều ba mươi, tóc em xanh màu trời . Đi qua vùng lá rơi, ngỡ mùa thu đang tới. Đường rộng nào em đi, đóa hồng nào trên ta. Em phải đi đến nơi. Dù muộn cũng phải nói với nhau. Những dòng sông đã lâu, không ra được biển rộng. Là... những dòng sông lạc loài, muộn phiền quanh vách núi, như gương không người soi. . Đi qua vùng nhà em, không còn em ở đó . Bỗng nhớ từng tiếng hát, thiết tha yêu cuộc đời. Em đi về những nơi, bạn bè đang ở đó. Còn vượt đèo băng sông, giữa biển trời mênh mông. Như chuyện đã viết xong. Mà lòng mình còn muốn nói them. Những giọt nước mắt ai... lăn trên môi vừa cười . Và những được mất riêng của mình... đời người ai cũng có. Hãy cho nhau tình yêu! Hãy thương nhau thật nhiều...! .. Đi qua vườn trẻ chơi, ngỡ bầy chim đang hót . Ta nghe đời vui hơn... Những nghĩ suy một mình. Đi thăm người mới quen, một lần chưa nói hết. Chuyện dài của quê hương, hiểu nhiều càng yêu hơn . Như người đứng gác đêm. thầm lặng mà đẹp lắm đất nước ơi . Những người dân nước tôi. mang con tim thời đại. Đẹp nhất cuộc sống vì mọi người. Vì đàn em thơ ấy. Những bông hoa của hôm nay. Những bông hoa của mai sau… .

Xứ An Nam

Cái mà chúng ta thiếu nhất là sự sâu sắc. Chúng ta có đời sống bên trong rất nghèo nàn và bạc nhược, những tính tình phong phú, dồi dào mãnh liệt chúng ta ít có, chẳng dám yêu cái gì tha thiết và cũng chẳng dám ghét cay, ghét đắng..., người xứ mình ít có khả năng đặt mình vào vị trí người khác. Tức là tri kỷ chứ không tri âm, hai kẻ ngồi nói chuyện với nhau như hai người điếc. Thói xấu nhất của người xứ An Nam là rất sợ nói về thói xấu của mình! Ngày ngày đi về 20 cây số ở những cung đường trọng điểm, tôi cảm thấy người xứ ta là những người khổ nhất thế giới và có tài tự làm khổ mình nhất thế giới!Nước ta nghèo, rất nghèo, trong lịch sử luôn là mục tiêu của các thế lực bành trướng. Tinh thần dân tộc của chúng ta hình như chỉ phát huy khi đất nước có biến bên ngoài. Người xứ ta rất thông minh, tuy nhiên chỉ là những cá nhân đơn lẻ!- Ăn tham nói lớn là người Việt Nam...Một xã hội nghèo khổ thì bao giờ cũng dễ thành một xã hội xấu xa...

Nhân sinh quan

Con người đã có mặt trên đời này như một cái kiến, thoắt sống, thoắt chết, thoắt đoàn tụ, thoắt chia ly trong có vài chục năm ngắn ngủi. Đáng tự do thoải mái thì cứ tự do thoải mái, đáng từ tốn lịch sự thì cứ từ tốn lịch sự..., Mỗi người hãy trọn vẹn với mạng sống của mình. Đó là toàn bộ ý nghĩa của sinh tồn!

Nằm mơ

Nếu như một người nằm mơ, tới lúc chết mà vẫn chưa tỉnh thì giấc mơ đó có được coi là giấc mơ không?

Điều không mới

Nếu biết hy sinh cho nhau, con người vẫn có thể hạnh phúc ngay cả lúc tuyệt vọng nhất!

Ông nội...

"Chỉ khi ông mất rồi, giàu kinh nghiệm sống hơn, tôi mới xót xa nhận ra rằng: Khi con biết thương người, thì người chỉ còn là đống cỏ thôi!"

Cuộc đời ơi...

"Cuộc đời thật ngắn ngủi và thế hệ chúng tôi đã bắt đầu sự kết thúc kiếp phù sinh của mình. Tất cả chúng tôi sắp đi qua hành tinh này mà không để lại một vết xước nào!"

Con người

Con người sinh ra không có gì cả và chết đi cũng chẳng mang được gì. Cuộc sống thế tục đầy rẫy những khổ đau, dằn vặt và con người ta trở nên yếu ớt, thụ động vì thấy mình bất lực. Họ luôn cầu khẩn, van nài ở bất cứ một thế lực siêu nhiên nào đó để có được sự giúp đỡ cứu rỗi. Nhưng họ không biết rằng chỉ có tự mình mới có thể cứu vớt được chính mình bằng những thay đổi tích cực trong nhận thức và lối sống.

Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Tết

Bốn Tết trời Nam… Tết này mát hơn ba Tết trước. Sáng 30, dậy sớm, mùi hương vòng cháy suốt đêm ngan ngát, mở tung cửa giữa, nhìn ba nhành lan hồ điệp, bông trắng tinh khôi, thấy nhớ nao lòng… Gửi theo hơi ấm và những hương vị đặc trưng của ngày Tết cho em! Để cảm nhận rằng mình rất gần nhau… 30 Tết nắng nhạt, gió nhè nhẹ, không khí thoáng đãng dễ chịu thấy hồn thư thái. Bất chợt thích nghe “ Tiếng hát nơi đảo xa”. Nghe cô ca sỹ người Tiền Giang hát thấy rưng rưng trong lòng. Nhớ Trường Sa, nhớ những ngày lênh đênh trên đại dương, mong ngóng từng giờ để được đặt chân lên đảo…và từ ngày ấy đã biết Tết ở đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn. Nhìn cảnh người xe chen nhau đi mua sắm, đường sá kẹt cứng vì không ai chịu nhường ai mà thấy lòng ngao ngán. Người người đua nhau sắm Tết, thượng vàng hạ cám đều mang ra để bán trong ngày Tết, hàng thì chất đống nhưng vẫn tăng giá. Ngày xưa giá tăng bảo xăng tăng, giờ xăng giảm giá vẫn tăng, hỏi vì sao thì được nghe câu nói thật, quanh năm có mấy ngày Tết nên phải tăng để kiếm ăn. Thế mới biết xứ mình khổ thật, khổ nhất vẫn là dân, trong đó có mình! Thấy bảo ở Thủ đô nghìn năm văn vở, giá trông xe máy đã lên 20 nghìn một lần gửi, gấp 4 lần qui định. Giá vé ghi một đằng, thu tiền một nẻo. Mình ước gì một lần được ăn Tết ngoài đảo, cảm nhận sự tĩnh lặng của không gian và thời gian, không thấy cảnh bon chen, tranh giành lẫn nhau của cái bọn gọi là người ở trong đất liền! Những cái Tết đơn sơ của bao người đang bảo vệ phên giậu đất nước, không quà biếu, không phong bao, không hoành tráng những đào, những mai cả trăm triệu một cây, nhưng chắc chắn sẽ ấm lòng và ngập tràn hạnh phúc. Càng thấy quặn lòng khi nhìn những giọt nước mắt của người bán hoa, cây cảnh chiều cuối năm Sài Gòn, họ khóc vì hoa ế! Bữa cơm đơn sơ của những công nhân làm vệ sinh môi trường đêm 30, thấy xót lòng, ứa nước mắt! Những xe dưa hấu bán xô một giá 10 ngàn một trái nặng cả 5-7 cân mới thấy nỗi nhọc nhằn của nông dân trong chiều 30… Tết năm nay ai vui? Có những điều tưởng chừng như vui nhất năm nay cũng trở nên nhạt thếch, đó là Táo quân 2015, một nhận xét chung: cũ, nhàm chán, nhạt nhẽo và vô bổ! Mình ngồi nhìn ba nhành lan hồ điệp trắng tinh khôi và nhớ…, Tết giờ đã khác Tết ngày xưa, chỉ còn một nỗi nhớ, nỗi nhớ đằm sâu, theo mình suốt cuộc đời này, khoảnh khắc đêm 30 thiêng liêng cũng chỉ hướng về nỗi nhớ đó mà thôi, mình mở cửa, nhìn ra ngoài trời đêm và chào một mùa xuân mới trong nỗi nhớ thương vô hạn!

Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

Cậu Minh

Bên ngoại nhà mình có năm chị em, mẹ là lớn nhất, sau đó là ba cậu và một dì. Dì bị bệnh mất sớm lắm, lúc đó anh Tuấn còn chưa sinh, nên mình chẳng thể nào biết được mặt dì. Nhưng nghe nói, dì xinh, trắng, nhanh nhẹn. Ông bà ngoại quê gốc ở Ninh Bình, vì mưu sinh đã chọn đất Chi Nê- Lạc Thủy- Hòa Bình làm quê thứ hai, giờ ông bà nằm bên cạnh một nhánh của sông Bôi, dưới chân núi đá vôi cao ngất, quanh năm đổ bóng xanh thẫm xuống dòng nước trong đến tận đáy. Nơi ông bà yên nghỉ thanh bình đến tĩnh lặng, cái tĩnh lặng của miền sơn cước khiến người ta một lần tới đó thấy lòng mình trong sáng đến vô cùng, quên biến những đố kị, toan tính nhỏ nhen đời thường. Mình vẫn nhớ như in cái lần sau mấy chục năm chị về thăm ông bà ngoại. Bước thấp, bước cao theo sau theo cậu, tìm được mộ ông bà, chị nấc lên từng tiếng và ngồi thụp xuống bên đầu mộ, ai dỗ cũng không nín. Trở lại chuyện về cậu Minh, cậu là thứ ba, tính từ mẹ. Lúc nhỏ, được bố mẹ cho về quê ngoại chơi vào những tháng nghỉ hè. Cả đêm không ngủ được vì nghĩ đến mai được ngồi ô tô cả ngày, bồng bềnh về quê ngoại. Ở đó, có những ngọn núi cao vút, những quả đồi lúp xúp chạy ven đường, bao nhiêu loại cây xanh mướt mát khiến cho những quả đồi biến thành những mâm xôi đầy ắp một màu mơn mởn. Về ngoại, có hai cậu, Bình và Minh. Nhưng dẫn mình và mọi người trèo đồi, chặt củi, hái sim là cậu Minh. Ngày ấy, cậu chỉ gần 30, cả hai vợ chồng cậu là giáo viên cấp một, dạy học một buổi và một buổi lên nương trồng sắn, kiếm củi, thêm thắt vào bữa ăn cho cả nhà. Ấn tượng về cậu hồi đó là mỗi lần đi đồi về, cậu cho mình cả một bơ sim chín mọng. Những trưa hè không ngủ, theo cậu ra vườn khảo mít. Chỉ cần cậu vỗ vào quả mít bồm bộp là y rằng nó tụt cuống, tỏa ra một mùi thơm nưng nức. Chỉ một lát sau, những múi mít béo mọng, vàng ươm được bàn tay cậu tách ra để vào trong chiếc giá tre, nhìn chứ chưa cần ăn đã chảy nước miếng. Đến bây giờ mình vẫn còn cảm giác ngọt và thơm của từng loại mít trong vườn cây nhà ông ngoại. Năm tháng dần trôi, mình cũng mỗi năm lên một lớp, quãng đường từ quê nội về quê ngoại đã thấy gần hơn. Những ngọn núi bên dòng sông Bôi đã thấy thấp hơn, cảm giác đi xe khách từ quê nội đến quê ngoại cũng bớt thích hơn, bởi đã thấy cái nóng, sự chật chội và những mùi khó chịu trong các chuyến xe. Cậu Minh và mợ không được dạy học nữa, nghe nói đâu, cậu mợ sinh quá tiêu chuẩn cho phép, cậu đẻ năm đứa, thằng Quang cuối cùng mắc dị tật. Cũng kể từ ngày đó, nền kinh tế của gia đình cậu xuống dốc không phanh. Hai cậu mợ về nghỉ trước tuổi, đồng tiền được lĩnh chẳng đáng bao nhiêu. Bảy miệng ăn trong thời bao cấp còn hơn cả tằm ăn rỗi. Sắn, ngô trồng được trong vườn ông ngoại là thứ lương thực chính cho gia đình cậu. Nhưng rồi đến những thứ đó cũng trở thành khan hiếm khi chúng không thể sinh sôi kịp với sự lớn nhanh của năm đứa trẻ với năm cái dạ dày lúc nào cũng hau háu! Ngày ấy, cả nước đói, nhà mình năm người, được ăn đủ gạo sổ mà cũng còn đói vàng mắt nữa là nhà cậu. Để chống lại cái đói, nghe nói cậu đi vào trong thung lũng, cách nhà chừng 15 cây số để thuê đất trồng ngô. Ngày ấy, sau vài năm bỏ học phiêu bạt nơi đất Nam, mình trở về Bắc, trở về với hành trang là hai bàn tay trắng, cùng với hai bộ quần áo mùa hè. Không còn được học nữa vì đã quyết bỏ môi trường sư phạm. Muốn đi học thì phải đợi đến kỳ thi tháng 6, và quan trong nhất là phải ôn thi lại. Ngày mình về Bắc đúng vào 20 Tết. Cái lạnh thấu xương của những ngày cuối năm khiến mình cảm giác như rơi xuống đáy vực không còn đường thoát. Về nhà trong một tối mùa đông, nhìn thấy một người xa lạ đang lau bàn, mặc dù đã biết trước đó là chị dâu, bởi ngày ở trong Nam đã nghe tin anh cả lấy vợ, nhưng vẫn không khỏi sững sờ. Ở nhà vài bữa thấy chân tay không yên, chỉ muốn đi, nhưng không biết đi đâu. Thấy ông cả lúi húi tỉa cây ngoài vườn, bèn ra ngắm nghía. Ông cả bảo, giờ người ta chuộng nhất là sung, si, đa, lộc vừng. Mày đi kiếm những loại đó về đây tha hồ tiền mà đi học, khỏi xin bố mẹ! Mình nghe mà như thấy có một con đường giải thoát thênh thang trước mắt, bởi những thứ đó theo mình nghĩ thiếu cha gì! Đêm đó, nằm trằn trọc, nghĩ suy vận mệnh, quá nửa đêm chợt nảy ra ý định về quê ngoại với cậu Minh, bởi ngày xưa mỗi lần về trong đó, theo cậu lên đồi, cậu chỉ cho bao nhiêu thứ cây lạ hoắc, gốc cây xù xì, ngộ nghĩnh, bám chắc trên đá mà lá cây xanh mướt. Mình quyết định đi Chi Nê- Hòa Bình, về với cậu Minh vào một buổi sáng mùa đông không lạnh lắm, lên Hà Nội, rẽ qua ký túc xá Tổng Hợp, rủ Phong – Triết K35, cùng lớp với anh cả, quê Thái Bình đi cùng. Rất may, Phong đang ôn thi cuối kỳ nên đồng ý đi cùng nhưng với điều kiện chỉ cuối tuần là trở về Hà Nội. Sau gần ba tiếng lắc lư trên chiếc xe già nua, hai thằng đã đến được bến xe Chi Nê. Một vùng đồi núi che sùm sụp tầm mắt, tầm nhìn hình như không quá 5 km, lóc cóc đi bộ về nhà cậu, chân mỏi rã rời vì vừa đói, vừa phải leo dốc đồi, nghe mợ nói, cậu vào thung làm nương 5 năm nay rồi, mợ cũng vào, nhưng thỉnh thoảng chạy qua, chạy lại để trông nhà. Bọn em mày cũng theo cậu vào trong đó hết. Thôi bây giờ ra ngoài đường, mợ xin cho đi nhờ xe trâu rồi vào thung với cậu, chứ ở ngoài này cũng chẳng có gì mà ăn. Mình đứng lặng nhìn ngôi nhà thưng vách gỗ mít của ông bà ngoại ngày xưa để lại, giờ bạc trắng màu thời gian, những hòn đá kè vỉa hè không còn chất kết dính, hở hoác thành những cái hang sâu thăm thẳm chạy trong lòng nhà. Vườn mít không như ngày nào, xanh mướt, sum xuê, gốc nhiều cây đã gồ ghề, cành khẳng khiu, không còn sức sống, cho thấy những vụ quả ngày càng tằn tiện, hiếm hoi. Sau hơn một giờ ngồi lên chiếc xe trâu lọc cọc, đi theo hướng ngược Chi Nê ra Vân Đình, mình và Phong hỏi đường vào trong thung lũng, người bán hàng xén hướng dẫn tận tình khi biết có người ở đồng bằng vào thăm họ hàng trong thung. Leo qua một quèn đá dựng đứng, có chỗ chỉ một người lách qua, nơi sinh nhai của cậu là một cái thung lũng nằm lọt thỏm giữa tứ bề là núi đá vôi thẳng đứng, sừng sững. Cái thung lũng này chỉ có hai gia đình lên thuê đất trồng ngô và sắn, trước đây nó là một trang trại của người Pháp trồng cà phê, sau này hợp tác xã ở đây cai quản và cho dân thuê lại. Cậu cháu gặp nhau mừng mừng, tủi tủi, sau bao năm xa cách, một hình ảnh của cậu trai trẻ, sung mãn ngày nào giờ khác đến xa lạ trước mắt mình. Tóc bạc như cước, râu ria lởm chởm, bộ áo quần khoác trên người cậu bạc phếch, tay chân gân guốc, không thể nhận ra, bàn tay cậu ngày xưa đã từng cầm phấn viết lên bảng những dòng chữ thẳng hàng, đều tăm tắp, giờ đây chai sần với cuốc, với dao… - Sao biết cậu ở đây, ai chỉ đường mà hai thằng mò vào được chốn này? Để cậu bảo thằng Nhật gọi gà về, bắt con gà mái nuôi con vụng làm thịt ăn bữa trưa nay! Mình đứng lặng nhìn căn lều cậu và mấy đứa trẻ con ở mà mắt rưng rưng. Mái lều lợp lá mía lè tè, chiếc giường làm bằng những thân cây trên núi đá chặt về ghép lại buộc chắc bằng những sợi mây rừng. Tài sản của cậu nhìn mãi không có gì đáng giá, vài ba cái xoong nhôm méo mó đen thui treo trước bếp, những bộ quần áo vá chằng vá đụp vắt chồng lên nhau qua một sợi dây thép đen bóng buộc từ cây cột đầu lều xuống cây cột cuối lều… Trên vách lều, cơ man là đuôi sóc khô. Cậu bảo, sóc nó phá ngô nhiều lắm, đặt bẫy mãi cũng không xuể, ăn chán cả thịt sóc rồi!Mấy hôm nay mợ mày mang sóc ra ngoài nhà bán, chứ không cậu làm thịt sóc cho ăn! Bữa trưa hôm ấy, cậu cho mình và Phong ăn cơm với thịt gà luộc chấm muối, bởi cũng chẳng thể chế biến được gì khả dĩ hơn món này. Không nước mắm, không lá chanh, không một thứ gia vị nào khác ngoài muối trắng, hạt muối to như hạt ngô. Nhìn mâm cơm, mình cũng đã hiểu, ngày thường cậu và các em ăn như thế nào! Món thịt gà vàng ươm nuôi bằng ngô xé ra chấm muối trộn tiết. Rượu gạo mang từ thị trấn vào thơm lừng, uống mềm hết môi…, bữa ăn hôm đó mãi theo mình đến tận bây giờ! Mười năm cậu ở trong thung, chừng ấy thời gian đã biến cậu từ một thầy giáo thư sinh thành gã nông phu đầu tắt mặt tối. Hãy tưởng tượng bốn bề là núi, 9 giờ sáng mới thấy mặt trời và ba giờ chiều hoàng hôn đã tắt, đêm xuống rất nhanh trong thung với muôn vàn tiếng kêu rầu rĩ của những sinh vật hoang dã, cả thung lũng chìm trong bóng đêm đặc quánh,khiến cho ánh sáng của ngọn đèn thắp bằng dầu hỏa càng thêm leo lét. Mình nằm ngủ ba đêm thôi mà cảm nhận thấy đêm trong thung dài lê thê và đêm đông giữa bốn bề là vách đá thì lạnh buốt và cô đơn đến vô cùng! Mười năm cậu vào thung sinh sống, bằng ấy thời gian cậu đã làm được một việc phi thường, nuôi sống cả nhà 7 miệng ăn, trả hết số nợ nần của những ngày tháng cơm cháo lần hồi trong vay mượn. Ngày ấy giờ đã cách đây 22 năm! Vật đổi, sao dời…, Phong giờ là Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Trưởng khoa Kinh tế- Chính trị Học viện báo chí tuyên truyền. Ông cả nhà mình làm Viện phó một cái Viện tên dài như dòng sông Bôi mà không sao mình nhớ nổi, còn bà chị dâu lạ lẫm ngày nào mình về gặp giờ đã có hai đứa con gái chuẩn bị lấy chồng..., Mình cũng đã lăn lóc qua bao nhiêu nỗi nhọc nhằn chuân truyên, có lúc tưởng như chào xa tất cả để về miền sương khói mờ nhân ảnh. Nhưng điều này không dễ thì phải, bởi các cụ bảo sống chết có số! Năm 2010, rời xa quê, mình vào Nam sinh sống, cậu cũng vào Nam ở cùng với con trai trưởng,nhà cậu 5 người giờ mỗi người cũng một nơi, 2 Bắc, 3 Nam. Cái thằng thịt gà cho mình ăn bữa ở trong thung giờ ở chung với cậu. Mấy năm trước, cậu ở với nó được một vài tháng, chưa ấm chỗ lại đòi ra quê, cậu thèm về với đất Chi Nê, nơi có dòng sông Bôi xanh thăm thẳm uốn lượn qua bao chân núi đá vôi dựng đứng, về với đồi Hoa, nơi có bạt ngàn là mua và sim tím ngăn ngắt trải khắp sườn đồi. 5 năm, 4 cái Tết, cậu ăn 3 cái Tết ngoài quê. Năm nay, cậu nói ở lại ăn Tết trong này, không về nữa, mình nhìn mái tóc bạc như cước của cậu, bàn tay đầy gân guốc cầm chén rượu run run biết là cậu cũng đuối sức rồi, không còn như năm xưa để có thể nhảy tàu, nhảy xe vi vu về được nữa. Nhìn cậu, nghĩ đến bố mẹ, tất cả giờ đã bước dần về cõi tiên, bởi giờ đây, mỗi một năm mới đến thấy sức yếu dần đi, những lần cùng cậu nhâm nhi chén rượu như này chắc chẳng còn nhiều nữa! Không còn như cái ngày uống trong thung, rượu mềm môi vẫn đòi rót thêm. Cậu bỗng bảo mình, không xưng cậu với mày nữa: Anh ạ, tôi đang suy nghĩ lắm, nên về hay ở lại đây? Nghe thế, mình biết cậu hỏi vậy là ý như thế nào. Mình chỉ một lời với cậu, cậu cứ yên lòng ở đây, ở với vợ chồng nó, vì nó là con trưởng, rồi khi xong xuôi, cậu sẽ được về quê mà! Lúc đó cậu sẽ được gần ông bà, gần dòng sông năm nao cậu đưa mình đi mua ống giang về cho ông ngoại đan quạt, gần vách núi đá sừng sững soi bóng bên sông Bôi với những bãi mía chạy miết mải tới tận chân núi, ở đó, có những con trâu lầm lũi kéo mật, mùi mật mía thơm lựng trong sương chiều không cất cao được quá đầu người. Ở đó, rất gần những triền đồi, nơi có bạt ngàn là mua và sim, mùa hoa nở tím đến nao lòng. Bao nhiêu sim và mua lòa xòa như níu chân người bước vội trên những con đường mòn khi bóng chiều đã xuống, để kịp về ăn bữa cơm với gia đình chiều 30 Tết!

Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Chuyện 12 ông dê và anh Bí thư huyện ủy ở Thanh Hóa

Vợ mình đi ra đường về kể cho mình nghe câu chuyện, nghe xong thấy điên cái tiết cho xứ sở mình, điên vì đã bao lần dặn vợ rằng, đừng cho bọn ăn xin tiền, bây giờ tuyền ăn xin lởm thôi, không có tin gì bọn nó! Hôm trước có ngài ăn xin vào nhà, mình xúc gạo mang ra, ngài nhất quyết không lấy, chỉ lấy tiền, mình bảo không có tiền, ngài quay ra mồm nói gì lầm bầm, khạc nhổ bừa bãi, thấy ớn cho ăn xin thời nay. Vậy mà…, vợ mình bảo, em dừng xe ở ngã tư đèn xanh, đèn đỏ. Thấy ngài chìa nón ra lắc lắc, vừa đi chợ về còn 2 nghìn lẻ, để vào nón cho ngài, ngài nhìn vào đồng tiền, quắc mắt chửi em giữa bàn dân thiên hạ, vừa xấu hổ, vừa bực mà không làm gì được. Hehehe, ăn xin dư vậy chỉ có ở trời Nam, ngày đi xin, tối đi nhậu, sáng uống cà phê, đến giờ tốt ra ngã tư ngồi…, sướng hơn công chức quèn như mình! Bởi vậy, hổm rồi nghe Sài Gòn hô hào đừng nên cho tiền ăn xin, mình hưởng ứng nhiệt liệt, bụng mừng rơn vì có cơ hội trả thù ngài ăn xin chửi vợ mình cho tiền ít bữa trước. Cả tuần nay, đọc hàng tá bài viết về 12 ông dê lạc vào nhà anh Bí thư huyện ủy ở Thanh Hóa, mình ưng nhất bài này. Đúng là dân thì gian và tất nhiên quan là 99% phải tham. Bài ấy đây: “ Nhiều anh chị ngoạc mõm chửi anh Bí thư huyện ủy cắn 12 con dê cho dân nghèo, tôi là tôi đéo ưng, vì anh chị chả biết cái đéo gì về cả dê lẫn người nghèo. Tôi quen 1 anh xã trưởng, anh mời tôi bú diệu thịt gà nhà trồng được, ngà ngà say, anh ngồi khóc tu tu, tôi hỏi sao khóc, anh nói tao mừng quá, tôi hỏi sao mừng, anh nói vì xã anh được liệt vào hạng .... xã nghèo. http://nongnghiep.vn/mung-ron-vi-duoc-cong-nhan-ngheo-post4… Người nghèo, được phát dê mà đẩy họ sang diện "cận nghèo" thì họ không ưng đâu, họ thích làm hộ nghèo hơn để được hỗ trợ, hãy đọc 1 ví dụ nhỏ : http://vtv.vn/…/nguoi-ngheo-tu-choi-nhan-bo-ho-tro-nghich-l… Cán bộ mà muốn cho hộ nghèo dê, phải nịnh gãy lưỡi hoạc kê phóng lợn vào cổ may nó mới nhận cho, và lí do hộ nghèo đéo nhận dê dẫn ra thường là chê do dê gầy, (khó tin không? gọi là ăn mày đòi xôi gấc hehe). Một hộ được liệt hạng nghèo thì đc hỗ trợ xây nhà trong chương trình xóa nhà lá, đc mua bảo hiểm miễn phí, được học miễn phí, được lĩnh tiền hỗ trợ hộ nghèo hàng tháng, và đứng đầu các danh sách nhận quà tặng khi được vô khối các đoàn từ thiện giàu có mang đến... Họ ra khỏi hộ nghèo bằng 2 con dê hay 1 con bò làm đéo gì ơ kìa? Xong vụ nghèo nhé, giờ đến dê. Dê là loại nuôi theo đàn, nếu nuôi chỉ 2 con thì vừa phí công chăn, vừa dễ chết vì không có giao cấu, 1 đực 1 cái thì con cái chịu không nổi, 2 cái thì thiếu đực. 2 đực thì cuồng cái. Dân nhân có dê thường gom lại thành đàn, và chăn thì vừa lợi nhuận, vừa đỡ mất công chăn, 1 người chăn 1 đàn 50 con thì rõ ràng lợi hơn là 25 thằng chăn 50 con. Tiếp tục, dê là loại nhân giống tại địa phương, tức dê Nông Cống thì phải phát cho bà con Nông cống, chứ dẫn ra Bỉm Sơn nó chết, do phần lớn là đường ruột nhẽ không quen thổ nhưỡng . Trường hợp anh Bí thư huyện ủy nhập 12 con dê vào đàn của anh, tôi không cho rằng anh có ý đớp 12 con dê, thậm chí tôi tin anh ta không biết mình có đàn dê, nhẽ cháu chắt họ hàng nhà anh, chứ cả đời tôi chưa thấy anh Bí thư huyện ủy nào chăn dê hết. Bọn có dê gộp với đàn dê của anh thôi. Tôi thì tin, thằng cán bộ nông nghiệp phụ trách việc phát dê, khi không có hộ nghèo nào đoái hoài, thì nhét bừa vào đàn của anh để nhân giống tại địa phương thôi. Làm đến Bí thư huyện ủy, thì không ai ăn con dê, quý anh chị ạ. Anh chị không làm quan được đâu nếu tin Bí thư ăn dê, hãy động não đi. http://laodong.com.vn/…/thanh-hoa-12-con-de-cho-ho-ngheo-ch…(Nguồn: Ngẩu Pín lừng danh)

Những ngày cuối năm…

Cận kề Tết Nguyên đán, lại một cái Tết nữa xa quê. 5 năm, 4 cái Tết, thời gian nhanh như chó đuổi. Hết ngày dài lại đêm thâu, tuần qua tuần, tháng qua tháng và lại một năm mới. Một chuyến đi xa về thấy cả nhà ốm lăn lóc, bố mẹ sốt, ho suốt đêm, gà gáy sáng vẫn thấy ho, nghe tức hết trong ngực. Có lẽ khí hậu trong này đang chuyển theo ngoài đó, mọi năm, sau noel, giờ này nắng lắm rồi, vậy mà đêm và sáng lạnh run rẩy, thời tiết vậy nên sinh bệnh cho người già. Nhưng âu cũng là qui luật cả thôi, bố mẹ đã sang phần cuối của dốc bên này cuộc đời mất rồi… Chỉ còn vài ngày nữa là hết năm, nhìn mẹ đi lẫm chẫm từ nhà xuống bếp đã thấy lòng se sắt. Nhìn những động tác chậm chạp của bố cầm ấm pha nước đã thấy tuổi già đè nặng lên hai vai, cánh tay và cả bàn tay! Giờ Tết đâu còn ý nghĩa với mình nữa, tuyệt nhiên hết sạch rồi, cảm nhận mờ ảo, tâm trạng như vô cảm với Tết… Chỉ còn mấy ngày nữa là hết năm… ngoài đường người đi cũng có thấy đông hơn, ồn ã hơn, đã thấy mai vàng chúm chím nở đâu đó bên tường nhà ai. Hàng quán thấy rực lên màu vàng, đỏ của những thứ nước giải tỏa những cơn khát của bao trận nhậu nhẹt tơi bời thâu đêm suốt sáng mừng năm mới. Mình chỉ thấy buồn và buồn, buồn nhiều đến nỗi không buồn hơn được nữa! Mỗi cái Tết đến, điều không muốn, không dám nghĩ ấy lại càng đến gần hơn với mình, đó là cái ngày mà mình sẽ phải dần xa những người thân yêu nhất! Chỉ còn vài ngày nữa là hết năm… Đọc tin tức càng thấy cuộc sống con người quá mỏng manh, yếu ớt, sự sống hữu hạn, ngắn chẳng tày gang. Một chiếc UH1 rơi, thế là mang theo cả 4 người ra đi, chỉ còn mấy ngày nữa là Tết. Một cô gái căng đầy sức xuân với cái chết nghiệt ngã trong nhà trọ. Một đám cưới trở thành đám tang…., không ngày nào, không có những cái chết tức tưởi. Giờ thân xác trôi bồng bềnh trên sông, hay nằm dấp dúi trong bụi cỏ bên đường còn sẵn hơn cả ngày xưa đi bắt cá rô chết cóng mùa đông ngoài quê! Chỉ còn mấy ngày nữa là Tết, mình cầu mong cho những gì mình đang cầu mong và an ủi rằng, cuộc sống là vốn quí, mình đang tồn tại, đang sống cùng với những người thân yêu của mình như thế này là điều tuyệt vời nhất rồi, dù bệnh tật đang hành hạ những người thân yêu và bệnh tật rồi thì cũng sớm qua!

Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Tombe La Neige

Mùa đông năm nay ngoài đó đã hứng vài trận rét đậm, thời tiết trong này năm nay thật lạ, cũng lạnh theo, qua Noel đến cả tháng rồi mà sáng ra trời vẫn lạnh, có hôm còn dưới 20 độ, cảm nhận như đông ngoài đó đã dịch chuyển theo mình vào phương Nam. Cũng sương mù, cũng hanh hao, cũng lạnh toát tay chân những buổi sớm hay đêm khuya mờ ảo đèn đường vàng vọt. Chợt nhớ ngày ở ký túc xá Đại học Sư phạm Hà Nội 1, một đêm đông muộn, nghe từ bên nhà A8, tiếng cát sét của phòng nào đó vọng ra giai điệu du dương, trầm bổng. Tiếng Ngoại quốc, mình không hiểu, nhưng giai điệu thì tuyệt vời, càng lắng nghe càng thấy đê mê… Nghe trong đêm khuya càng đê mê tợn…, đứng trên ban công tầng 5 nhìn ra sân vận động, một khoảng trời đêm đông Hà Nội chỉ một sắc vàng của đèn đường, hơi sương lạnh toát của mùa đông mà thấy lòng rưng rưng! Mãi sau này, khi mua được chiếc cát sét và trong một lần đi mua băng ở ngoài tiệm, nghe thấy giai điệu quen thuộc ấy, mình đã mừng rú lên như bị động kinh, hỏi mua liền và cũng lần đầu tiên biết tên bài hát này, do ca sỹ Ngọc Lan hát. Đó là ca khúc: Tombe La Neige, được dịch ra là “Tuyết rơi”. Lúc đó cũng mới biết là của Pháp…, và đây, lời Việt của Tombe La Neige: “Ngoài kia tuyết rơi đầy, sao anh không đến bên em chiều nay, ngoài kia tuyết rơi rơi, trong băng giá tim em tả tơi. Đâu đây đám tang u buồn, mắt ai vương lệ thẫn thờ, lũ chim trên cành ngu ngơ, khóc thương ai đời bơ vơ. Không có anh vuốt ve đêm nay, môi mắt em xanh xao hao gầy. Tuyết vẫn rơi đầy trên cây, giông tố như vô tình qua đây. Tuyết vẫn rơi rơi, chiều nay sao anh không đến bên em? Tuyết rơi, tuyết rơi, phủ kín hồn em một màu tang trắng. Buồn ơi ta khóc thương thân mình, vắng em căn phòng giá lạnh. Nỗi cô đơn nào không đau, nhớ thương bao giờ qua mau./…

Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

Đại đoàn kết

Mình ấn tượng khi xem những hình ảnh cuộc tuần hành ở phản đối khủng bố ở Pháp. Ấn tượng khi xem bức hình chụp Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel chia sẻ đau buồn trước những mất mát của nước Pháp, nhưng cũng nói lên sự đoàn kết của châu Âu. Bức ảnh của hãng tin AP chụp, rất xúc động. Ấn tượng với người dân Berlin, Đức tập trung tại Cổng Brandenburg với những tấm biển hình cây bút chì ghi một câu nói của tiểu thuyết gia người Pháp Victor Hugo: "Tự do bắt đầu ở nơi sự ngu dốt kết thúc. Càng ấn tượng hơn khi cụ bà Fanny Appelbaum, 75 tuổi, người từng mất hai chị em gái và một anh trai trong trại tập trung của Đức Quốc xã, trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters. "Hôm nay, chúng ta là một" và "Chúng ta sẽ không để một nhóm tội phạm nhỏ thay đổi cuộc sống của chúng ta". Châu Âu văn minh là vậy, thế mà hôm nọ đọc cái tin ông Gorbachev, cựu Tổng thống Liên Xô cũ cảnh báo chiến tranh hạt nhân Nga - phương Tây mà thấy rùng mình! Theo đó, hôm 9/1, phát biểu trong cuộc phỏng vấn với tuần báo Der Spiegel của Đức, cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev cho rằng căng thẳng giữa Nga và châu Âu liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine, có thể dẫn tới không chỉ một cuộc chiến tổng lực mà cả một cuộc chiến tranh hạt nhân. "Cuộc chiến như vậy sẽ không thể tránh khỏi dẫn tới chiến tranh hạt nhân. Chúng ta không thể tồn tại trong vài năm tới, nếu ai đó không giữ được bình tĩnh trong tình hình khó khăn này". - ông Gorbachev cho hay. Và nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra, châu Âu sẽ biến thành cái gì thì không ai tưởng tượng nổi, như vậy, sự đoàn kết, tuần hành hàng triệu người với sự tham gia của hàng chục, hàng trăm nhà lãnh đạo châu Âu hôm 11/1 cũng sẽ vô nghĩa! Và nếu theo như lời nhận định trên của ông Gorbachev, thì tiên đoán về châu Âu của nhà tiên tri Vanga vào những năm tới đây có thể đúng! Bà Vanga cho rằng, năm 2016 - Châu Âu gần như không có người sinh sống. Năm 2018 - Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc thế giới mới. Những nước phát triển sẽ trở thành kẻ bóc lột các nước khác từ việc khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản. Năm 2023 - Quỹ đạo Trái đất thay đổi. Năm 2025 - Xuất hiện một bộ phận nhỏ người di cư đến Châu Âu!!! Nếu đúng, khối đại đoàn kết trên sẽ trở thành khói bụi!!! đau buồn và đau buồn…

Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

Muối mặn xót lòng dân

Theo Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, trong năm 2015, cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 300.000 tấn muối. Cơ quan này cho biết, nhu cầu sử dụng muối tiêu dùng và sản xuất nông - công nghiệp năm 2015 là 1,5 triệu tấn, trong khi tổng sản lượng muối hiện nay cả nước mới đạt xấp xỉ 1,2 triệu tấn. Phần thiếu hụt sẽ chủ yếu là loại muối công nghiệp. Mình không hiểu dư này là dư nào? Muối sử cho công nghiệp có khác gì muối để ăn không? Mà sao cái nước mình có đường bờ biển dài đến hàng mấy nghìn ki lô mét sao vẫn không đủ muối để phục vụ trong nước. Người nông dân mấy nắng, mấy sương để làm ra được hạt muối thì giá rẻ như cho, có lúc chỉ vài trăm đồng một cân muối. Nhiều nơi, muối không bán được vì ế, người ta để luôn ngoài ruộng, không thèm thu hoạch, bảo quản cho mưa gió làm hư hỏng hết đống muối to đùng ngã ngửa ngoài ruộng. Muối rẻ đến nỗi không tưởng, hôm mình đi xuống Long Hải- Vũng Tàu, qua mấy ruộng muối của diêm dân nơi đây, xuống chụp ảnh thật thích vì mênh mông cánh đồng muối, sáng lấp lánh trong ánh mặt giời, chỉ người làm muối là đen thui, đen cả da lẫn đen cả số phận, vì ông trời bắt mang nghiệp làm muối suốt đời, từ cha truyền đến con nối. Mình hỏi xin một vốc muối trực tiếp tại ruộng, bà chủ đồng muối sai thằng con lấy cái bao tải dứa ra xúc cho mình một bao và bảo, tặng chú đấy, mang về xài, khi nào hết xuống đây chị cho nữa! Mấy chục cân muối chứ chẳng ít, mình và thằng cu Vinh lặc lè khênh lên xe…, thế mới biết rẻ như muối giời ạ! Giờ thấy bảo năm 2015, nước mình phải nhập tận 300.000 tấn muối, mà muối thì ở biển ấy, cái đât nước mình được gọi là quốc gia biển sao lại phải nhập? Muối đang thừa, rẻ ê hề trong dân, sao lại phải nhập? Hay muối dùng cho công nghiệp thì khác, phải nhập muối ngoại mới được? Mình chưa biết hỏi ai? Đành bắc thang lên hỏi ông giời, bao giờ diêm dân xứ Việt hết xót lòng vì muối mặn?