Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

Cảnh sát giao thông

Phạt cả xe chở Phó Thủ tướng vi phạm luật giao thông
Với 36 năm trong ngành công an, gần 20 năm làm cánh sát giao thông (CSGT), trong đó 10 năm trực tại chốt giao thông tại Ngã Tư Sở (Hà Nội) đối với Trung tá Lê Hồng Quân, Đội CSGT số 6, Công an Hà Nội có rất nhiều kỷ niệm khó quên trong thời gian anh làm nhiệm vụ.
Đầu tiên phải kể đến vụ xử lý tài xế xe đang chở Phó thủ tướng Nguyễn Khánh vi phạm luật giao thông.
Đó là vào năm 1995, lúc đó khoảng 18h, giờ cao điểm, các phương tiện cùng tham gia giao thông đổ về nút giao thông Ngã Tư Sở - Trường Chinh. Khi anh Quân đang điều tiết, phân luồng giao thông tại đây, anh ra hiệu cho ô tô phải đi vào một hàng, nối đuôi nhau.
Trong khi các xe đang đi theo đúng làn đường theo sự điều tiết giao thông của CSGT, bỗng nhiên, một chiếc xe con lách, tách ra làn để cố tình vượt lên.
Dù đã ra hiệu lệnh yêu cầu chiếc xe này phải tuân thủ đi đúng làn đường do CSGT phân làn, nhưng chiếc xe vẫn cố tình vượt lên, anh Quân phải yêu cầu dừng lại để xử lý lỗi vi phạm.
Chiếc xe vẫn cố lách lên khiến bánh xe đè vào chân làm anh Quân ngã ra đường.
Khi xuống xe, người lái chiếc xe con trên đã xuất trình giấy phép lái xe của mình. Tuy nhiên giấy phép này đã hết hạn sử dụng. Trong lúc, anh Quân đang giải thích cho người lái xe hiểu về lỗi vi phạm của mình thì từ trên xe con bước xuống là Phó thủ tướng Nguyễn Khánh.
Khi xuống xe, Phó thủ tướng yêu cầu anh Quân xử lý lái xe vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
“Khi tôi thấy Phó thủ tướng bước xuống đi đến gần tôi, nói chuyện nhẹ nhàng rồi ông yêu cầu tôi lập biên bản xử lý tất cả những lỗi mà người lái xe con chở ông vi phạm. Ông bảo xử lý nghiêm thì lần sau sẽ không dám vi phạm luật giao thông nữa”, Trung tá Quân nhớ lại.
Tự học cách thổi còi hiệu lệnh như tiếng nhạc
Là người tâm huyết với nghề, trong suốt thời gian gần 10 năm làm việc tại nút giao thông Ngã Tư Sở - Trường Chinh, Trung tá Quân đã tự mày mò, cải tiến cho chiếc còi hiệu lệnh của mình khi thổi sẽ không khiến người dân tham gia giao thông bị chói tai, nhức đầu nhưng vẫn đạt được hiệu quả cao trong việc điều tiết giao thông.
“Để tiếng còi khi thổi không bị chói tai và tốn hơi tôi đã về thay thế hạt nhựa trong còi bằng hạt bằng xốp tròn và có kích thước to hơn hạt nhựa cũ. Ngoài ra, tôi còn dũa cho khoảng cách từ chỗ thổi đến khoang chứa bi để có thể dùng tay hai bên chỉnh tiếng thổi như hai nốt nhạc.
Chính việc chỉnh sửa còi như vậy nên khi làm việc tại đây tôi luôn nhận được sự ưu ái của người dân dành cho mình. Nhiều người khi đi qua tôi còn nói với lại khen “anh thổi còi hay lắm”, Trung tá Quân thổ lộ.
Không chỉ có vậy, trong thời gian làm việc tại đây có lần một mình anh tham gia bắt 2 tên cướp. Khi nhớ lại câu chuyện bắt cướp trước đây của mình, anh Quân không nhịn được cười.
"Năm 1996, khi vừa hết ca trực chuẩn bị về cơ quan, lúc đó trời nhá nhem tối tôi bỗng nghe thấy tiếng kêu thất thanh “cướp... cướp” phát ra từ phía Ngã Tư Sở - Khương Trung. Một cô gái khoảng 27 tuổi đi xe máy Dream bị 2 người đi xe máy giật túi xách đang quay đầu xe chạy", anh Quân nhớ lại.
Anh Quân nhanh chóng phóng xe máy đuổi theo khoảng 100m. Thấy có công an đuổi theo, tên điều khiển xe máy luống cuống làm đổ xe xuống đường.
"Lúc đó tôi lao đến bằng thế võ đã quật ngã ngay được tên cướp đang cầm túi xách rồi để nhân dân bắt giữ. Tôi tiếp tục đuổi theo tên cướp còn lại đang chạy trên đường Láng.
Chạy được hơn 1km, khi còn cách tên cướp khoảng 30m, hắn bỗng dừng lại quỳ xuống giơ 2 tay lên đầu và nói “em xin đầu hàng”, khiến tôi suýt bật cười”, anh Quân kể lại.
“Tên cướp đó là Lê Minh Hoàng (lúc đó 22 tuổi, ở C4, Quỳnh Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội), còn thanh niên cầm túi xách tên Cường. Sau đó tôi dẫn cả 2 tên cướp về đội lập biên bản, thu hồi tang vật rồi bàn giao đối tượng cho Công an quận Đống Đa xử lý”.
Qua đấu tranh khai thác, Cường và Hoàng khai nhận đã gây ra hơn 200 vụ cướp giật trên nhiều tỉnh thành phía Bắc như Hải Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng.
“Sau khi bắt được 2 tên cướp và trả lại tài sản cho người phụ nữ trẻ, bây giờ cô gái này đã trở thành một ca sỹ khá nổi tiếng.
Thời điểm ấy, khi nhận lại tài sản bị cướp là túi xách, trong đó có 400.000 đồng (năm 1995 là tương đối lớn), cô gái đã không một lời cảm ơn tôi, lặng lẽ bỏ đi. Nói thực lúc đó tôi cũng rất buồn”, Trung tá Quân thổ lộ.
**************************
Tử vong khi bị Cảnh sát rượt đuổi?
Nhiều ngày nay, dư luận ở Bắc Ninh bất bình trước vụ việc nạn nhân Trần Thị Kim Hoài (19 tuổi) ở Hoàn Sơn- Tiên Du (Bắc Ninh) chỉ vì không đội mũ bảo hiểm khi di chuyển trên xe máy đã bị mấy cảnh sát của công an huyện Tiên Du truy đuổi, dẫn đến tai nạn tử vong. Trong khi đó 4 cảnh sát tham gia rượt đuổi vẫn bình an vô sự.
Tối chủ nhật ngày 14/7, Trần Thị Kim Hoài và Vũ Thị Huyền Tr. (đều sinh năm 1994 cùng ở thôn Bất Lự- xã Hoàn Sơn-huyện Tiên Du- tỉnh Bắc Ninh) rủ nhau sang chợ Núi Móng (Hoàn Sơn) ăn chè nhân sinh nhật của Hoài bằng xe máy của Tr. Lúc trở về nhà, Tr. chở Hoài đi qua đường nội bộ TS11, khu công nghiệp Tiên Sơn (thuộc huyện Tiên Du) thì bị 4 cảnh sát làm nhiệm vụ tại đây phát hiện không đội mũ bảo hiểm.
Tr cho biết , ngay sau đó, hai em bị cảnh sát đi xe máy bám riết truy đuổi. Cũng theo Tr., đến đoạn ngã ba trước cổng trụ sở Công ty Hóa dược phẩm Việt Nam, Tr. hoảng sợ, định quẹo trái thì bất ngờ ngã nhào lên phía trước và em chỉ kịp kêu một tiếng rồi tối tăm mặt mũi… Tr. cho rằng, thời điểm đó xe của Tr. đã bị xe máy của cảnh sát va chạm từ phía sau.
Theo anh Lê Ngọc Hậu, người trực bảo vệ tại cổng Công ty Hóa dược phẩm Việt Nam hôm đó, khi nghe tiếng hét thất thanh, anh lao ra đã thấy xe máy và 2 cô gái ngã văng xa nhau.
Một người bắt đầu ngồi được dậy, máu me trên mặt (sau này mới biết là Tr.), người còn lại nằm bất tỉnh ngay chân cột điện cách đó mấy mét. “Tôi thấy hai cảnh sát ở sát đó chỉ đứng nhìn rồi một trong hai người xuống xe nói với một nạn nhân vừa kịp ngồi dậy: Mày chạy nữa đi.”- anh Hậu cho biết.
Tr. và Hoài được đưa đi cấp cứu, nhưng Hoài do bị va đập quá mạnh nên tử vong sau đó vài giờ. Cũng theo anh Hậu, sự việc xảy ra khoảng 21h, điện đường nội bộ vào khu công nghiệp còn sáng rõ.
Nhiều người dân địa phương khi tiếp xúc với phóng viên phẫn nộ trước cách hành xử của 4 cảnh sát Công an huyện Tiên Du, nhất là khi đối tượng mà họ truy đuổi là 2 cô gái với lỗi vi phạm hành chính đơn giản là không đội mũ bảo hiểm.
Tr. đang là sinh viên năm thứ nhất của một trường đại học ở Hà Nội về nghỉ hè. Còn Hoài làm công nhân trong khu công nghiệp. Đặc biệt, gia đình Hoài nghèo khó. Hoài không có cha nhưng nết na, học giỏi. Giữa năm lớp 10, vì mẹ bị bệnh, Hoài phải nghỉ học xin làm công nhân từ đó đến nay lấy tiền nuôi hai mẹ con.
Chiều 19/7, lãnh đạo Công an huyện Tiên Du từ chối tiếp xúc phóng viên Tiền Phong vì lý do bận họp. Trong khi đó, làm việc với phóng viên Tiền Phong chiều tối cùng ngày, phía Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiên Du xác nhận có sự truy đuổi của 4 công an đối với nạn nhân trong vụ việc này.
“Hiện cơ quan công an đang tiếp tục thu thập chứng cứ để làm rõ vụ việc”- đại diện Viện kiểm sát nói. Đến cuối tuần qua, sau một tuần xảy ra vụ việc, 4 cảnh sát của Công an huyện Tiên Du tham gia truy đuổi nạn nhân vẫn chưa hề bị xem xét bất cứ hình thức kỷ luật nào.
Từ giữa năm 2010, Thượng tướng Lê Thế Tiệm, khi ấy là Thứ trưởng Bộ Công an, đã có ý kiến yêu cầu lực lượng công an khi làm nhiệm vụ không truy đuổi gắt gao những người mắc lỗi vi phạm khi tham gia giao thông như trường hợp không đội mũ bảo hiểm.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công an khi ấy, công an có thể ghi lại biển số xe vi phạm để phạt nguội sau này. Thực tế cho đến nay, trừ Bắc Ninh, lực lượng công an nhiều địa phương đã hạn chế việc truy đuổi gắt gao người vi phạm luật giao thông với lỗi đơn giản và không có dấu hiệu tội phạm./..
(Nguồn Xứ Nét)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét