Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

Biển động

Tháng 5, năm trước, gặp anh trong chuyến đi Trường Sa. Buổi tối, trước khi lên ngôi nhà chung “HQ 571” thân yêu, hai anh em nằm ở nhà khách Hải quân, ngự trên đường Tôn Đức Thắng. Thấy một ông quần dài, áo may ô, đi ra đi vào, phòng có khoảng hai chục cái giường thì trống đến 18, còn lại mình và cái ông hay đi lại ấy. Hỏi ra mới biết anh là giai Hải Dương, ngày xưa đồng hương với mình. Nghe giọng Ninh Giang biết ngay, không lẫn vào đâu được. Có tí đồng hương, chuyện trò rôm rả, hóa ra anh là Lương Đình Hiền, Trung tá, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn DK1, thâm niên gần hai chục năm nhà giàn. Thảo nào, nhìn khuôn mặt, rắn chắc, da sạm nắng gió trùng dương, ăn nói ầm ào như sóng biển. Buổi tối ấy, mình đã khai thác gần hết các mốc lịch sử quan trọng của 2/3 cuộc đời anh, từ chuyện đi học, đến khi lấy vợ, rồi nhập vào hàng ngũ “Hai quần”…, rời xa đất Bắc, lênh đênh trên các nhà giàn, để rồi trải qua không biết bao năm tháng ngoài biển với bão tố, dông gió của đại dương, có lần như tưởng cầm chắc cái chết. Sáng hôm sau, xuống tàu, mình nói anh nhập vào phòng bọn em đi, báo chí ở với cán bộ nhà giàn cho thâm nhập thực tế sinh động. Anh làm luôn hướng dẫn viên cho hành trình lần này. Đồng ý, anh xách ba lô về phòng nằm với lũ nhà báo láo nháo, Nhân dân có, Quân đội có, Ti vi Việt Nam có…, lâu không được nằm giường tầng, nhớ cảnh ký túc xá năm nào, mấy ông mãnh nghịch như quỷ, tưởng làm anh mất ngủ, nhưng hóa ra, anh vẫn ngáy o o… - Tớ lấy vợ bằng tuổi nên hơi già! Dưng mà ngày xưa, lính là vậy, tranh thủ nghỉ phép, về bà già dấm đâu, mình lấy đó chứ có được yêu đương như các chú bây giờ đâu. Ngày xưa tớ cũng yêu, mà trong sáng lắm! dưng số phận không lấy được nhau, nên lòng cũng vương vấn buồn. Mình bảo, chuyện anh cứ như nhạc vàng trước 75 ấy, mà sao anh nói anh yêu trong sáng, thế hóa ra bọn em yêu đen tối lắm à? Anh cười rung cả vai, giữa chiều trên biển, gió, sóng ào ạt mà vẫn thấy oang oang trên mũi tàu. - Là tớ nói trong sáng ý khác, tức là đếch biết hôn hay làm gì nữa, cầm tay là sướng lắm rồi! Chục ngày qua bao nhiêu điểm, Đá Lát, Đá Đông, Trường Sa, Phan Vinh…, mỗi lần cặp đảo là thấy anh bước thoăn thoắt từ xuồng CQ lên đảo, nhìn cũng biết là kinh nghiệm “đầy chân”. Ngày cuối cùng, đoàn ghé thăm nhà giàn Phúc Nguyên, như được về với nhà, thấy anh phấn chấn lên hẳn. Trước lúc xuống xuồng CQ vào nhà giàn, cả tàu làm Lễ tưởng niệm những chiến sỹ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa phía Nam. Trong tiếng nhạc Hồn tử sỹ và khói hương nghi ngút, mình thấy anh đỏ hoe mắt, mặt như đanh lại, bước nhanh đến cắm hương lên bàn thờ. Cái dáng cao cao, vai hơi lệch của anh chen lẫn trong dòng người trong buổi sáng hôm đó như găm vào đầu mình. Anh cứ đứng một góc trên boong tàu, nhìn về phía nhà giàn Phúc Nguyên…., mình biết, đây là khu vực nhà giàn năm ấy, anh đã gắn bó với nó bao nhiêu năm, sau khi bàn giao lại cho đồng đội, anh chuyển qua nhà giàn khác chỉ một thời gian ngắn, trận bão ngày 14/12/1998 đã làm sập chính nhà giàn anh đã từng ở, cướp đi nhiều đồng đội của anh, trong đó có Đại úy Vũ Quang Chương, quê ở Thái Bình. Đến giờ, đồng đội của anh vẫn nằm lại giữa biển khơi! Hôm đó, đặt chân lên nhà giàn, anh đã kể cho mình nghe những tháng ngày gian khổ khi cùng anh em sống và làm việc trên nhà giàn thế hệ cũ, nắng, gió đến cháy da, cháy thịt, thiếu thốn đủ mọi thứ, nhất là nước ngọt. Dè sẻn từng tí, chắt chiu từng giọt mà vẫn không đủ dùng. Cảnh thiếu nước ám ảnh đến tận bây giờ, anh bảo, những ai từng ở nhà giàn, sau này về đất liền nghe tiếng ai dội nước ào ào sẽ giật mình thon thót vì tiếc của! xót xa những giọt nước hoang phí! Rồi rau xanh và gia vị, quí hiếm như ngọc ngà, châu báu, nhìn xoong canh có vài cặng rau, ăn mãi không ai dám vớt, cuối cùng vẫn thừa mới biết lính nhà giàn đói rau như thế nào. Những đêm cuối năm, chỉ những người bản lĩnh như lính nhà giàn mới vượt qua được thời khắc thiêng liêng, phút giao thừa trên biển. Anh bảo, các em lính mới mình cũng rất thông cảm, lúc ấy để mặc cho chúng nó khóc, mình cũng muốn rớt nước mắt nhưng phải kìm nén, sốc lại tinh thần cho anh em… Biết bao mùa bánh chưng luộc bằng bếp dầu gói trong bao tải dứa, bao ni lon, bao mùa hoa đào, hoa mai là những thứ xa xỉ trên biển…, tất cả đọng lại trong anh như những thước phim chân thật mà hoành tráng vô cùng của đời người lính biển. Trở về đất liền, ai vào việc đó, anh về lại Vũng Tàu. Thi thoảng anh đi công tác Đồng Nai, Sài Gòn vẫn ghé qua mình. Mình xuống Vũng Tàu cũng ghé qua anh…, nhà anh ở ngay gần cơ quan. Bà xã từ Hải Dương vào, không có việc ở nhà bán quán. Hai con anh đều đã lớn, một trai, một gái, gái học xong chưa xin việc làm. Lần đầu tiên ngồi ăn cơm cùng với gia đình anh và mấy người bạn của anh, mình phát hiện ra một điều, trong nhà anh, bà xã của anh điều hành rất nhiều việc. Sau này, gặp mấy đồng đội của anh, mọi người cũng đều nói vậy. Nên khi về nhà, có khách, một không khí không được thoải mái đã làm mọi người kém vui. Mình nghĩ, sao anh đi gần 20 năm ở biển, chỉ huy bao nhiêu lính trên nhà giàn, cái sống, cái chết chỉ cách nhau một lằn ranh mỏng manh không tưởng, vậy mà khi được về đến nhà anh lại không thể làm chỉ huy? Một lần, xuống anh chơi, ngày nghỉ rủ anh đi nhậu lai rai với mấy người bạn. Lúc chia tay, anh về nhà rồi, mình về phòng nghỉ, thấy có cuộc gọi của anh, mình bật máy nghe, thì thấy giọng của bà xã anh: - Lần sau chú xuống đừng rủ anh Hiền đi ăn uống gì nữa nhé! Mình đứng người, chẳng biết nói sao, bên kia bà chi cắt máy. Bẵng đi một thời gian, buồn quá cũng chẳng liên lạc với anh. Đúng cái hôm, bọn điên lấy tàu nó húc vào tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư của mình, nhận được cuộc gọi của anh: - Chú đang ở đâu, dạo này khỏe không? Mình mừng như vớ được của quí: - Anh đang ở đâu đấy? Hóa ra anh đang lênh đênh trên biển hơn một tháng nay rồi. Thảo nào lần trước, ngồi với mấy anh ở nhà giàn Bãi cạn Cà Mau, anh bảo, tôi lại muốn ra ngoài đó, ở đất liền mãi chán, nhớ biển lắm! Mình hỏi: - Tình hình có vẻ căng thẳng, anh thế nào? Anh bảo, tình hình này thì chẳng biêt thế nào, chắc từ nay đến tháng sau bận rộn và anh ở ngoài đó suốt, thôi chú giữ sức khỏe, chờ anh xong công việc về gặp nhau ở Vũng Tàu, lai rai một bữa. Mùa hè chưa đến, bão chưa đến nhưng biển động sớm quá vì bọn điên kia! Những lúc như thế này mới thấy nỗi gian nan, vất vả của những người canh biển, trong đó có anh! Mình nghĩ, biển động, biển chưa yên lúc này, nhưng có mọi người ngoài đó, rồi có lúc biển cũng trở lại thanh bình. Nhưng mà sóng trong lòng anh, sóng ở một cái gia đình nho nhỏ ấy, không biết khi nào mới hết, có lẽ nó sẽ động đến suốt cả cuộc đời một con người, mãi không chịu thôi./..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét