Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

Buồn như sư chửa

Chuyện về sư thời nay mình đã nghe nhiều, dưng mà chứng kiến thì ít, thế giới sư cũng phong phú, đa dạng, lắm nỗi truân chuyên. Ở xứ mình, chùa nhều, đâu cũng có, xã mình nhỏ xíu mà cũng có đến ba bốn cái chùa, trung bình mỗi làng một.
Về chất lượng của sư thì nghe bàn thảo đã lắm, có ông thế này, có ông thế kia...có sư học cao đỗ đạt, hệ chính qui, có sư vì bận việc, đi tu xong mới đi học nên phải đi học tại chức.
Mình nghĩ, thì cũng khác gì quan chức địa phương xứ mình, tuyền đi làm giữ chỗ xong mới đi học, nên tại chức là khóa tu nghiệp hữu hiệu nhất cho mấy bác này.
Thăm kha khá chùa, mình rút ra một nhận xét, hầu như sư trụ trì chùa nào cũng thích treo ảnh chụp với quan chức, càng quan chức cấp nhớn càng oách, thể hiện bản lĩnh, phong độ.
Ngày còn ở quê, mình vào chùa Đại Đồng- Văn Lâm, thấy ông thích gì đó chụp ảnh cùng nguyên Bộ trưởng Ngoại giao trên Tam Đảo, bức ảnh phóng to cỡ bằng cái chiếu một treo tại phòng khách của chùa, đến kinh!
Có ông, trong chùa đầy ảnh chụp cùng Nguyên thủ, còn quan hàng tỉnh, hàng huyện là muỗi, không xếp thứ hạng.
Hôm trước, mình đi 49 ngày thằng em con cô, vì hôm hỏa táng, tang gia bấn loạn, gia đình nghe mách nên lấy cốt của nó đem gửi vào một ngôi chùa cách nhà chừng gần chục cây, đường sá khấp khổm, heo hút.
Sau này tĩnh lại, cô chú tìm được một ngôi chùa to đẹp ngay sát nhà nên đã xin cho nó về ở đây.
Hôm 49 ngày, cả nhà đi đón nó từ chùa cũ về chùa mới.
Làm lễ ở nơi cũ xong, cả đoàn lên xe, người ôm cốt, người ôm bát hương, người ôm ảnh rồng rắn di chuyển về chùa mới có tên Mục Đồng.
Sau khi yên vị nó ở một vị trí khá khang trang, ông sư chùa này ra làm lễ. Khi cầm miếng vải màu vàng, trên đó chi chít chữ loằng ngoằng, mình thấy vị này đọc khá to, tự tin.
Phục sát đất vì trình độ nội ngữ của thầy, ông này sinh năm 78, trẻ tươi nguyên.
Tuy nhiên chỉ lúc sau, thấy thầy ngắc ngứ, hóa ra tên của nó thầy không dịch được.
Bố nó đằng sau liền nhắc, cháu tên Nguyễn Ngọc Quynh.
Thầy lại xướng rõ to và lầm rầm tiếp.
Lại ngắc ngứ... toát bồ hôi, thầy hỏi mất ngày nào?
Nhà lại nhắc ngày mất của nó.
Mình nghĩ trong cái mảnh vải vàng như áo cà sa của sư ấy, có lẽ đã ghi hết thông tin của nó rồi, chỉ có điều thầy học chưa hết chữ nên không dịch ra thôi. Có khi học tại chức Phật giáo cũng nên.
Có đận đi chơi cùng cô em làm bác sỹ ở Hưng Yên vào Vũng Tàu. Đang đủ thứ chuyện trên đời, nó quay sang hỏi mình:
- Anh có biết ông sư trụ trì chùa Chuông không?
Mình bẩu có nghe tên hồi ngoài đó.
Nó cười như một đứa lên cơn, đưa cho mình xem cái tin nhắn rồi giải thích, sư nhắn cho em đấy, sư giai đàng hoàng...
Mình cầm máy, đọc tin mà ôm bụng cười, đai loại là: " Chúc một năm mới an lành, thịnh vượng, em đang ở đâu? Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn, cảm thông được nỗi vắng xa người thương..." hahaha...mình cười đứt ruột mất...
Ngày ở quê, mình hay xuống làng An Khải xã bên chơi, ở đó có một bà bác ngày xưa làm cấp dưỡng cho trường bố mẹ mình dạy học. Bác là vợ liệt sỹ, chỉ có độc nhất một anh con trai tên là Kiên, Đặng Công Kiên.
Mấy lần mình xuống chỉ gặp bác ở nhà, hỏi anh Kiên đâu, bác đáp;
- Cái tiên nhân nhà nó, suốt ngày ở chùa, không đoái hoài gì nhà cửa.
Rồi bác kể, hai tháng nay, có một sư nữ ở mạn trong Hưng Yên về chùa này xin trụ trì, vì chùa An Khải chưa có sư nên các cụ đồng ý, dưng mà từ ngày sư về, đám thanh niên làng hay vào chùa chơi với sư lắm, có hôm sư tiếp khách đến khuya.
Hỏi ra, mình mới biết sư này là sư nữ, tuổi chỉ băm, nói chung là trắng trẻo, trẻ trung, xinh tươi. Từ ngày có sư về, bao thanh niên làng chết mê, chết mệt, chỉ thích lên chùa, trong đó có ông anh con bác mình.
Bẵng đi một thời gian, mình ghé qua nhà bác, gặp ông anh đang nằm vắt vẻo trên võng đọc kinh, lạ kinh!
Bác giải thích, làng thấy sư đàn đúm với thanh niên khỏe quá, báo cáo lên xã, lên huyện rồi đuổi sư đó đi rồi, khiếp quá. Thằng anh mày từ ngày sư đi đâm đổ đốn, suốt ngày kinh kệ, giờ còn đi hầu đồng, hầu bóng chẳng thiết tha làm ăn gì cả đây này. Hình như nó yêu sư, tao thấy mấy bà ở gần chùa bảo thế.
!!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét