Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Ngồi buồn vạch cúc…xem phim nước mình

Thấy cái cậu đạo diễn được cho là tài ba của xứ mình làm bộ phim mất hơn hai chục tỷ rồi nhập kho, vì chiếu chẳng có ma nào xem, mới hay phim của người Việt thậm tệ đến thế nào. Một bộ phim tiêu tốn cả hàng chục tỷ đồng, vậy bao năm qua, có bao nhiêu tỷ đổ vào những bộ phim như vậy để rồi xếp xó. Tiền đấy là tiền dân, tiền của những con người lam lũ, còng lưng chắt chiu từ những mùa vụ nắng rát mặt, rét buốt chân. Trong khi bao trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa còn ăn đói, mặc rách, trường thì sập sệ, bàn ghế thì gãy đổ, chỉ cần một tỷ đồng, bọn trẻ có thể được một chỗ ngồi học tử tế hơn. Ấy vậy mà, những đống tiền tỷ kia cứ dễ dàng ấn vào tay những cậu văn nghệ sỹ có tý “bỗng” vào là bán giời không văn tự, phét đến tận mây xanh, rằng tác phẩm của mình là nhất! Để rồi khi tiền đã giải ngân xong, chuyển hóa thành những bộ phim vô thưởng, vô phạt, đến nỗi khán giả không lấy một bóng người ngó qua mới thấy sự phí phạm đến vô cùng! Mình đọc cái này trên Giáo dục Việt Nam, thấy quá nhiều cái đúng cho phim Việt Nam, chẳng thế, ông Khoa ông ấy bảo ở nhà vạch cúc mà xem C, còn hơn vào rạp xem phim của cái nước mình nó sản xuất…hahaha Câu chuyện khán giả thờ ơ với những bộ phim sản xuất trong nước không phải là chuyện mới. Nó đã và đang tiếp tục làm cho các nhà sản xuất phim trong nước phải đau đầu. Vậy, đâu là nguyên nhân khiến khán giả không mặn mà với điện ảnh nước nhà. Một bộ phim hấp dẫn phải xuất phát từ một kịch bản tốt. Không có bất cứ đạo diễn nào có thể nhào nặn ra một bộ phim hấp dẫn dựa trên kịch bản dở. Kịch bản có thể coi là yếu tố quan trọng mang tính quyết định cho sự thành bại của một bộ phim. Tuy nhiên, điện ảnh Việt đang thiếu một đội ngũ biên kịch chuyên nghiệp đủ tâm và đủ tầm để cho ra đời những câu chuyện thực sự hấp dẫn, mang hơi thở của thời đại. Ở lĩnh vực phim truyện, đa số các đạo diễn, nhà sản xuất kiêm luôn người biên kịch. Đôi khi, họ vừa chỉ đạo diễn xuất vừa “sáng tác” kịch bản. Do vậy, nhìn chung, kịch bản của không ít bộ phim Việt Nam khá hời hợt về nội dung. Thậm chí, không ít bộ phim như Cát Nóng, Tối nay, 8 giờ (của đạo diễn Lê Hoàng); Bụi đời Chợ Lớn,…bị cho là thiếu logic trong tình tiết của truyện. Ngay cả những bộ phim ăn khách như Scandal, Mất xác, Mỹ nhân kế… vẫn tồn tại những hạt sạn to đùng trong tình tiết và diễn tiến của truyện phim. Ở các bộ phim truyền hình, các nhà sản xuất và đạo diễn luôn phải “gồng mình” để kéo bộ phim ra 30 – 40 tập cho phù hợp với “tiêu chuẩn”. Thêm vào đó, kết cấu và tình tiết của truyện phim khá đơn giản. Do vậy, người xem chỉ theo dõi vài tập đầu là có thể “đoán” được tuyến nhân vật cũng như kết thúc của truyện phim. Điều này không tạo cho khán giả cảm giác háo hức, chờ đợi được theo dõi những tình tiết bất ngờ của phim. Có rất ít bộ phim Việt như Gió làng Kình, Ma làng, Ngõ lỗ thủng,… đi vào những góc cạnh, những vấn đề thời sự nóng hổi của cuộc sống. Việc kịch bản chạy theo thị hiếu tầm thường làm cho phim Việt xa rời thực tế cuộc sống. Các bộ phim truyền hình Việt thường thực hiện kiểu quay hình trước, lồng tiếng sau. Diễn viên lồng tiếng thường phải cố gắng để làm sao cho tiếng phù hợp với khẩu hình. Điều này khiến cho lời thoại trở nên khô cứng, thiếu cảm xúc. Cùng với sự ngô nghê, thiếu logic của lời thoại, cách “diễn tiếng” này làm cho phim Việt bị chai cứng về cảm xúc. Người xem cảm thấy nhàm chán trước những lời thoại đều đều không cảm xúc của diễn viên. Không chỉ thế, không ít bộ phim khẩu hình của diễn viên không đi đôi với tiếng. Nó khiến người xem có cảm giác đang được xem “nói nhép” một cách lộ liễu. Đặc điểm chung nhất trong các bộ phim Việt Nam chính là cách ngắt câu khá vô lý của các diễn viên lồng tiếng. Những lời đều đều và cách ngắt nhịp độc nhất vô nhị kiểu như: “Anh ấy… đang rất buồn” hoặc: “Tôi không ngờ… anh lại… có thể làm…như thế”. Không chỉ có lời thoại của nhân vật, những âm thanh từ ngoại cảnh cũng khá thô và đầy tính sắp đặt. Đôi khi nó trở nên thô vụng và vô lý đến không thể chấp nhận được. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến phim Việt kém hấp dẫn khán giả xem truyền hình. Diễn viên là một trong những yếu tố làm cho phim Việt càng trở nên kém hấp dẫn. Hầu hết các bộ phim đều sử dụng các diễn viên “tay ngang”. Sự thiếu kiến thức về diễn xuất cũng như vốn sống làm cho các diễn viên không thể lột tả hết những cảm xúc của nhân vật (vốn đã khá gượng ép về mặt kịch bản). Do vậy, người xem dễ dàng nhận ra sự cố gắng để “khóc” cho thật giống… khóc của diễn viên. Việc diễn viên phải gồng mình để diễn tròn vai càng làm cho bộ phim trở nên nặng nề và đầy tính kịch. Không chỉ thế, để thu hút khán giả, không ít đạo diễn mạnh dạn mời các hotgirl tham gia diễn xuất. Những “người nổi tiếng” vì ngực khủng, phát ngôn sốc này trở thành một trong những nguyên nhân biến điện ảnh Việt trở thành thảm họa. Thêm vào đó, những lời thoại đầy tính kịch, thậm chí sáo mòn khiến cho các bộ phim truyền hình trở nên kịch và xa rời với đời sống thực tế. Rất khó để khán giả có thể thấy một đoạn thoại thực sự đời thường trong các bộ phim Việt. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho phim Việt luôn xa lạ với khán giả./..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét