Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Mùa đông ngày xưa

Lại một mùa đông nữa về, ngồi xem dự báo thời tiết cũng đã cảm nhận được cái lạnh về đêm ngoài ấy. Những đợt gió mùa đông Bắc mạnh dần, đem theo những cơn lạnh và nhiệt độ ngày một xuống thấp. Áo ấm, chăn bông, đệm ấm lần lượt được mang ra chống lại những cơn lạnh thấu xương, kèm theo mưa trở rét tí tách ngoài hiên, càng nghe, càng buồn hơn trong đêm khuya. Những lúc ấy, thu lu trong chăn bông, tự dưng nằm miên man nghĩ đến mùa đông thời thơ ấu đã xa ngái tự bao giờ. Ngày ấy, đã xa rồi, thật xa, nhưng hương vị đón gió đông đầu mùa về như vẫn đâu đây, gần lắm! Mùa đông về quê nghèo, con đường đê bị gió về quét sạch cát, trở nên trắng bóng, trên con đê vắt ngang qua làng, những dáng người khoác áo tơi liêu xiêu tất tả đi trong chiều đông đã thành hình ảnh không thể phai mờ trong tâm trí. Loáng thoáng mới có một chiếc xe đạp kẽo kẹt chở thóc lúa, ngô, khoai… chậm chạp lăn bánh bên triền đê, nặng nhọc như kiếp con người đang căng chân ra để thúc nó đi. Gió đông lạnh buốt, nhưng trán người mồ hôi rịn ra ướt tóc. Những con trâu da mốc thếch, lông dựng ngược lên vì lạnh, cặm cụi dứt cỏ bên sườn đê, những búi cỏ mùa đông già nua, vàng úa vẫn được chúng dứt lên lùa vào dạ dày cho đầy để đêm về nhai lại, chống chọi lại với cái lạnh cắt da, cắt thịt. Bà đón về quê chơi, hai bà cháu đi dọc theo con đê gầy guộc, mặt lỗ chỗ những ổ trâu, ổ gà. Gió hun hút như đẩy ngược hai bà cháu trở lại. Thúng bà cắp ngang lưng, trong đó là chút bột mì, thứ thực phẩm ăn độn thời bao cấp và ít quần áo cũ mẹ gửi về cho bọn trẻ trong làng. Tấp tểnh đi sau cái thúng của bà, chân như chai cứng lại vì đôi dép cao su quá cỡ, quai chỉ chực tuột ra, dù bố đã lấy đinh đóng nó lại cho chắc. Không tất, bàn chân từ đỏ chuyển sang tím bầm, nhưng vẫn thoăn thoắt bám theo bà không trời sập xuống vì đã chiều muộn. Bà bảo, đông rồi, trời tháng 10 chưa cười đã tối, nhanh còn về cho lợn ăn không nó phá chuồng. Bếp nhà bà lợp rạ, trát bùn rơm. Cái kiềng không phải ba chân mà tới sáu chân, nó dài để đặt được một nồi cơm, nồi canh và siêu nước. Mùa đông, ngồi nấu cơm bằng rơm trong bếp, ngọn lửa bập bùng in hình hai bà cháu lên tường, nhảy múa vui nhộn. Rơm khô nỏm cháy rào rào, thỉnh thoảng có tiếng nổ bem bép, những hạt thóc còn sót lại trên cọng rơm bắn tóe ra, trắng tinh, nở bung. Bà với tay nhặt lên, thổi phù rồi đưa cho ăn, mùi bỏng gạo thơm nức, ăn không thấy chán. Gió Đông Bắc cũng giảm dần, không dữ dội như ban sáng, nhưng cái lạnh như ngấm dần, đặc quánh không gian. Bà bảo: “Heo hôm, Nồm mai”, sau này mới biết, đó là gió mùa Bắc thường đến tối sẽ yếu đi và gió Đông Nam đến sáng cũng sẽ hết. Cái ấm, mùi thơm trong bếp rơm mùa đông khiến người ta không muốn rời, cứ muốn ngồi đốt mãi, đốt mãi, mặc cho hai má đỏ như quả cà chua chín, môi nứt ra thành từng rãnh sâu, khô không khốc, cười cũng thấy đau. Ngày ấy, bữa cơm tối mùa đông nhà bà là điệp khúc rau lang nấu mắm tôm mặn chát, cà nén thái nhỏ, đưa vào miệng lưỡi rụt ngay lại. Thỉnh thoảng có thêm món đậu phụ rán, nhưng không nhiều. Tất cả chỉ có vậy, nhưng mỗi khi bắc nồi cơm bằng gang từ dưới bếp lên, khi chú mở vung ra, khói bốc lên nghi ngút một mùi thơm, những hạt cơm từ gạo quê trắng ngần, trông như những hạt ngọc. Đang phải ăn gạo mậu dịch mốc vàng như nanh chuột, hôi mùi phân gián, được ăn một bát cơm trắng nhà bà như thấy mình được ăn yến tiệc, những bữa yến tiệc được đọc trong các câu chuyện cổ tích. Mùa đông, hai tay ôm bát cơm, vừa để sưởi cho đỡ giá, vừa để ngửi mùi thơm ngọt ngào bốc lên nghi ngút theo làn hơi, chỉ mong bao giờ nhà mình quanh năm suốt tháng được ăn loại cơm này! Mùa đông ngày ấy, đi học trường huyện chỉ phong phanh hai áo cánh mỏng tang. Chiếc xe đạp không phanh, không chuông, không đủ mọi thứ…, trừ những thứ để xe chuyển động được, vẫn ngày ngày hai lần kẽo kẹt cùng nó đến trường, một xuôi, một ngược gió mùa Đông Bắc. Gió lạnh làm cho cái đói đến sớm hơn, chỉ ngóng tiếng trống trường vang lên một hồi, để được về ăn bữa cơm chiều đông muộn do mẹ nấu! Những mùa đông đang lần lượt đi qua cuộc đời, bao mùa đông nữa, nhân gian này ai có thể biết trước được đâu…./..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét