Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Đêm mùa đông Hà Nội

Ngoài đó đã vào đông! Đêm về trong này cũng hơi se lạnh! Nhớ đêm mùa đông, những đêm không ngủ, gửi cho em giai điệu bài hát này đấy! Để mãi nhớ về mùa đông ở quê mình! "Đêm mùa đông đi trên con đường quen. Nghe tiếng rao bồi hồi nỗi nhớ, đâu hàng cây quạnh hiu phố cũ, Hà Nội ơi đêm mùa đông, Hà Nội ơi. Đi tìm em ta men theo thời gian, qua tháng năm và mùa đông đến, cho dù xa lòng ta vẫn nhớ, Hà Nội ơi đêm mùa đông, Hà Nội ơi! Ơi đêm mùa đông Hà Nội thức trong mơ, anh đi tìm em như tìm về hạnh phúc, ơii đêm mùa đông Hà Nội buông hơi thở, ơi đêm mùa đông Hà Nội thức trong mơ!"

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Mùa đông ngày xưa

Lại một mùa đông nữa về, ngồi xem dự báo thời tiết cũng đã cảm nhận được cái lạnh về đêm ngoài ấy. Những đợt gió mùa đông Bắc mạnh dần, đem theo những cơn lạnh và nhiệt độ ngày một xuống thấp. Áo ấm, chăn bông, đệm ấm lần lượt được mang ra chống lại những cơn lạnh thấu xương, kèm theo mưa trở rét tí tách ngoài hiên, càng nghe, càng buồn hơn trong đêm khuya. Những lúc ấy, thu lu trong chăn bông, tự dưng nằm miên man nghĩ đến mùa đông thời thơ ấu đã xa ngái tự bao giờ. Ngày ấy, đã xa rồi, thật xa, nhưng hương vị đón gió đông đầu mùa về như vẫn đâu đây, gần lắm! Mùa đông về quê nghèo, con đường đê bị gió về quét sạch cát, trở nên trắng bóng, trên con đê vắt ngang qua làng, những dáng người khoác áo tơi liêu xiêu tất tả đi trong chiều đông đã thành hình ảnh không thể phai mờ trong tâm trí. Loáng thoáng mới có một chiếc xe đạp kẽo kẹt chở thóc lúa, ngô, khoai… chậm chạp lăn bánh bên triền đê, nặng nhọc như kiếp con người đang căng chân ra để thúc nó đi. Gió đông lạnh buốt, nhưng trán người mồ hôi rịn ra ướt tóc. Những con trâu da mốc thếch, lông dựng ngược lên vì lạnh, cặm cụi dứt cỏ bên sườn đê, những búi cỏ mùa đông già nua, vàng úa vẫn được chúng dứt lên lùa vào dạ dày cho đầy để đêm về nhai lại, chống chọi lại với cái lạnh cắt da, cắt thịt. Bà đón về quê chơi, hai bà cháu đi dọc theo con đê gầy guộc, mặt lỗ chỗ những ổ trâu, ổ gà. Gió hun hút như đẩy ngược hai bà cháu trở lại. Thúng bà cắp ngang lưng, trong đó là chút bột mì, thứ thực phẩm ăn độn thời bao cấp và ít quần áo cũ mẹ gửi về cho bọn trẻ trong làng. Tấp tểnh đi sau cái thúng của bà, chân như chai cứng lại vì đôi dép cao su quá cỡ, quai chỉ chực tuột ra, dù bố đã lấy đinh đóng nó lại cho chắc. Không tất, bàn chân từ đỏ chuyển sang tím bầm, nhưng vẫn thoăn thoắt bám theo bà không trời sập xuống vì đã chiều muộn. Bà bảo, đông rồi, trời tháng 10 chưa cười đã tối, nhanh còn về cho lợn ăn không nó phá chuồng. Bếp nhà bà lợp rạ, trát bùn rơm. Cái kiềng không phải ba chân mà tới sáu chân, nó dài để đặt được một nồi cơm, nồi canh và siêu nước. Mùa đông, ngồi nấu cơm bằng rơm trong bếp, ngọn lửa bập bùng in hình hai bà cháu lên tường, nhảy múa vui nhộn. Rơm khô nỏm cháy rào rào, thỉnh thoảng có tiếng nổ bem bép, những hạt thóc còn sót lại trên cọng rơm bắn tóe ra, trắng tinh, nở bung. Bà với tay nhặt lên, thổi phù rồi đưa cho ăn, mùi bỏng gạo thơm nức, ăn không thấy chán. Gió Đông Bắc cũng giảm dần, không dữ dội như ban sáng, nhưng cái lạnh như ngấm dần, đặc quánh không gian. Bà bảo: “Heo hôm, Nồm mai”, sau này mới biết, đó là gió mùa Bắc thường đến tối sẽ yếu đi và gió Đông Nam đến sáng cũng sẽ hết. Cái ấm, mùi thơm trong bếp rơm mùa đông khiến người ta không muốn rời, cứ muốn ngồi đốt mãi, đốt mãi, mặc cho hai má đỏ như quả cà chua chín, môi nứt ra thành từng rãnh sâu, khô không khốc, cười cũng thấy đau. Ngày ấy, bữa cơm tối mùa đông nhà bà là điệp khúc rau lang nấu mắm tôm mặn chát, cà nén thái nhỏ, đưa vào miệng lưỡi rụt ngay lại. Thỉnh thoảng có thêm món đậu phụ rán, nhưng không nhiều. Tất cả chỉ có vậy, nhưng mỗi khi bắc nồi cơm bằng gang từ dưới bếp lên, khi chú mở vung ra, khói bốc lên nghi ngút một mùi thơm, những hạt cơm từ gạo quê trắng ngần, trông như những hạt ngọc. Đang phải ăn gạo mậu dịch mốc vàng như nanh chuột, hôi mùi phân gián, được ăn một bát cơm trắng nhà bà như thấy mình được ăn yến tiệc, những bữa yến tiệc được đọc trong các câu chuyện cổ tích. Mùa đông, hai tay ôm bát cơm, vừa để sưởi cho đỡ giá, vừa để ngửi mùi thơm ngọt ngào bốc lên nghi ngút theo làn hơi, chỉ mong bao giờ nhà mình quanh năm suốt tháng được ăn loại cơm này! Mùa đông ngày ấy, đi học trường huyện chỉ phong phanh hai áo cánh mỏng tang. Chiếc xe đạp không phanh, không chuông, không đủ mọi thứ…, trừ những thứ để xe chuyển động được, vẫn ngày ngày hai lần kẽo kẹt cùng nó đến trường, một xuôi, một ngược gió mùa Đông Bắc. Gió lạnh làm cho cái đói đến sớm hơn, chỉ ngóng tiếng trống trường vang lên một hồi, để được về ăn bữa cơm chiều đông muộn do mẹ nấu! Những mùa đông đang lần lượt đi qua cuộc đời, bao mùa đông nữa, nhân gian này ai có thể biết trước được đâu…./..

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Kinh nghiệm Hàn Quốc

Thập niên 60, Hàn Quốc là 1 trong những nước nghèo đói nhất châu Á. Năm 1968, người Hàn quyết định thay đổi giáo dục bằng cách bê nguyên sách giáo khoa của người Nhật về dịch sang tiếng Hàn và giảng dạy, ngoại trừ các môn xã hội như địa lý, lịch sử và văn học. Lúc đó cũng có nhiều người chỉ trích vì tính sĩ diện của người Hàn Quốc rất cao, lẽ nào lại không tự soạn được một bộ sách giáo khoa. Nhưng họ vẫn quyết tâm thực hiện, vì để có chương trình giáo dục đó, người Nhật đã mất cả trăm năm cải biên từ cách đào tạo của giáo dục phương Tây phù hợp với đặc trưng châu Á, bắt đầu từ thời Minh Trị Thiên Hoàng. Để rút ngắn thời gian, chẳng có cách nào ngoài việc lấy kinh nghiệm của người khác, để còn lo việc khác nữa. Vì Hàn Quốc muốn trở thành một bản sao mới của Nhật, nền kinh tế dựa trên lòng tự hào dân tộc, tính kỷ luật và đạo đức của toàn thể xã hội. Đúng 20 năm, đến 1988, Hàn Quốc đăng cai Olympic Seoul, cả thế giới không ai tin vào mắt mình khi thấy kỳ tích bên bờ sông Hàn lại khủng khiếp như thế. Ô-tô, xe máy, dệt nhuộm, hoá chất, đóng tàu, điện tử, bánh kẹo…bên Nhật có cái gì thì bên này có cái đó, dù dân số chỉ bằng 1/3. Không ai biết trong 20 năm đó, cả dân tộc Hàn Quốc đã nắm chặt tay với quyết tâm thoát nghèo như thế nào. Trên tivi chỉ có 2 chương trình là “dạy làm người” và “dạy làm ăn”, từ cái văn minh nhỏ xíu như nụ cười của một nhân viên bán hàng, đến cách quản lý chi phí của một quán cà phê, đến cách tạo dựng một nhà máy. Từ một dân tộc “xin việc”, tức các doanh nghiệp nước ngoài đến đặt nhà máy tại Hàn và thuê lao động Hàn, Hàn Quốc bắt đầu khan hiếm lao động và trở thành dân tộc đi “cho việc”, tức xây dựng các nhà máy ở nước ngoài và hàng triệu người Trung Quốc, Thái Lan, Philippines đứng xếp hàng xin các ông chủ Hàn Quốc cho họ việc làm. Hàn Quốc đã thành công trong việc tiếp nối Nhật Bản thành dân tộc đi cho việc người khác. Năm 1988, pháo hoa thắp sáng 2 bờ sông Hàn, người Hàn Quốc ôm nhau và cười trong nước mắt, hơn 100 quốc gia giàu có nhất trên thế giới miễn visa cho họ, Hàn Quốc giờ đây đã bước chân vào nhóm 24 quốc gia thịnh vượng nhất loài người. Nhưng thách thức mới lại xuất hiện, vì bây giờ không phải là Nhật Bản nữa, mà là Hồng Kông và Singapore, 2 cực hút nam châm của cả châu Á về tài chính, thương mại và giải trí. Phim Hồng Kông tràn ngập thị trường và không có đối thủ. Người Hàn tuyển chọn ngay 2000 sinh viên ưu tú nhất, cử sang Holywood, điên cuồng học hành, từ đạo diễn, diễn viên, phục trang đạo cụ …4 năm sau tốt nghiệp, năm 1992, những bộ phim Hàn Quốc đầu tiên ra đời như Cảm xúc, mối tình đầu, hoa cúc..với một thế hệ diễn viên đẹp từng milimet và hợp nhãn người châu Á. Ngành làm phim phối hợp với ngành thời trang, mỹ phẩm và hàng tiêu dùng, bắt đầu xâm nhập vào các thị trường. Đại sứ quán Hàn Quốc tại các nước có nhiệm vụ dịch thuật ra tiếng địa phương và tặng không cho các đài truyền hình, tạo ra làn sóng Hanluy nổi tiếng. Người Nhật điên cuồng, người Trung Quốc điên đảo, các nước Đông Nam Á thì chỉ biết ụ pa ơi, ụ pa hỡi. Phim Hồng Kông bị đá văng ra khỏi thị trường cho thuê băng đĩa. Năm 1988, ngoài 2000 người đi Holywood để xây dựng công nghiệp điện ảnh, ngần ấy người được cử đi Milan và Paris để học về thời trang, mỹ phẩm. Các tập đoàn như xe Kia, Samsung, Hyundai còn thuê cả ê-kip thiết kế của các hãng xe Đức như Mercedes, BMW làm việc cho họ, với tham vọng xuất khẩu xe sang Mỹ và châu Âu. Muốn bán cho Tây thì bao bì nhãn mác phải có óc thẩm mỹ của Tây, chứ kiểu” tròn tròn xinh xinh” của dân châu Á, tụi Tây không thích, không bán được. Có những năm, những mẫu xe của Hyundai bán chạy nhất ở Bắc Mỹ và châu Âu. Người Mỹ bắt đầu nhìn người Hàn với ánh mắt khác, ngưỡng mộ và ngạc nhiên, thích thú. Ngoài ra, những sinh viên giỏi toán nhất được hướng theo ngành tài chính ở các đại học lớn ở Mỹ, với tham vọng Seoul thành một London, New York. Các quỹ đầu tư ra đời, tự tìm kiếm các nhà máy mới khởi nghiệp be bé để rót tiền vào, tham gia vào quản trị. Không chỉ trích, chỉ góp sức góp trí để xây dựng. Một người Hàn giàu có là cả dân tộc Hàn giàu. Hệ thống bán lẻ Lotte phải có nghĩa vụ mang hàng hoá Hàn đi khắp nơi, ông lớn Samsung bắt đầu tuyển dụng những sinh viên giỏi nhất châu Á về cho học bổng thạc sĩ miễn phí với điều kiện tốt nghiệp xong phải mấy năm phục vụ cho họ. Họ gom trí tuệ của cả châu Á để chinh phục thị trường điện thoại thông minh và máy tính bảng, cạnh tranh đối đầu với Apple, đối đầu với cả một tập thể trí tuệ thung lũng Silicone, cứ như Airbus của châu Âu cạnh tranh với Boeing vậy. Người Hàn Quốc, dù dân thường hay sếp lớn, tất tần tật mọi thứ họ dùng phải Made in Korea, dù lúc sản phẩm kém cỏi còn xấu xí và đầy lỗi của thập niên bảy mươi hay hiện đại tinh xảo như bây giờ. Nếu người tiêu dùng không ủng hộ sản phẩm nhem nhuốc của thời khởi nghiệp, thì doanh nghiệp còn tồn tại đâu mà có sản phẩm tinh xảo sau này? Tony nhớ lần đi Hàn đầu tiên, mùa thu năm 2005, bà chị ở VN cẩn thận ghi tên mấy nhãn hiệu mỹ phẩm ưa thích của chị ấy cho mình mua giùm. Ở cửa hàng mỹ phẩm, cô bán hàng mặc bộ váy veston đen, chạy như bay lấy hết sản phẩm này đến sản phẩm khác cho Tony xem, đều là của Hàn cả. Do tiếng Anh không nói tốt nên cô cứ giải thích bằng tiếng Hàn đến lúc giọng khàn đặc. Đến lúc Tony lấy tay chỉ hộp phấn Lancom, thì cô thất vọng oà khóc. Cô khóc vì cô đã không thành công khi tình yêu nước của cô không thuyết phục được khách hàng. Tony nhìn cô ấy sững sờ, lẽ nào chỉ là 1 cô gái bán hàng bình thường mà có lòng yêu đất nước mãnh liệt thế sao? Tony thôi bèn mua mấy hộp mỹ phẩm của Hàn, dù chẳng biết có tốt không, vì kính phục quá. Lúc Tony bước ra khỏi cửa hàng, ngoái lại vẫn thấy cổ gập đầu cung kính. Ngoài phố, gió bắt đầu lạnh, từng tốp học sinh chạy tập thể dục rầm rập trên vỉa hè, những chiếc áo khoác thêu cờ quốc gia ở sau lưng. Và Tony biết, sau lưng của mỗi công dân luôn là tổ quốc./.. (Nguồn: Xứ nét)

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Mình thích bài này

Mỗi khi nhớ Mẹ, tôi luôn nhớ tới đôi bàn tay Mẹ với những cuộn len, sợi cũ. Những năm giữa thế kỷ trước, đời sống còn khó khăn, chỉ những gia đình khá giả mới có áo đan bằng sợi, nhất là bằng len vào những ngày đông tháng giá. Áo cũ, mặc nhiều năm không còn được dầy dặn để giữ ấm, rồi áo của đứa lớn mặc đã chật, Mẹ tháo ra quấn thành những cuộn to, cuộn nhỏ như những quả bóng đủ loại, đủ màu để tất cả trong một cái túi vải to, chờ khi có thời gian đan thành những tấm áo mới. Những chiếc áo đan bằng len, sợi cũ tuy không có cái óng ả của sự tinh khôi nhưng cũng có cái đẹp riêng. Nhờ bàn tay khéo léo và con mắt tinh tế, Mẹ phối hợp những màu sắc khác nhau cùng những kiểu dáng hoa văn đa dạng tạo thành những chiếc áo mới vừa ấm áp vừa đẹp đẽ. Nào “đan trơn”, “quả trám”, “quấn thừng”, rồi “hạt lựu”, “dích dắc’, … Có cái một màu duy nhất nhưng phần lớn là hai, ba, thậm chí bốn năm màu, Mẹ vẫn kết hợp theo nhiều cách để có vẻ đẹp hài hòa. Hồi ở Việt Bắc, để tiết kiệm dầu dù chỉ là dầu dọc, dầu trẩu, thường đựng trong cái ống nứa nút lá chuối khô, buổi tối, mẹ âm thầm ngồi đan trong bóng đêm khi các con đã ngủ say. Có lần sáng hôm sau, mẹ phải tháo ra cả một đoạn dài vì đêm trước có chỗ bị “lỗi”. Suốt cho tới năm đã 30 tuổi, tôi toàn mặc những tấm áo len như thế do Mẹ đan. Và tất nhiên, 6 người em tôi, rồi tới các con tôi cũng đã mặc những tấm áo được kết bằng tấm lòng cùng thời gian, công sức của Mẹ. Chỉ bằng một đôi kim đan vót bằng tre, Mẹ đã biến những cuộn len cũ thành bao tấm áo ủ ấm cho các con, cho các cháu. Cứ miệt mài như thế, kiên nhẫn như thế suốt trong những năm kháng chiến gian khổ cho tới khi Mẹ đau yếu. Sinh ra trong một gia đình khá giả, cả bảy người con từ lớn tới bé đều có vú nuôi, nhưng Mẹ là con gái lớn nhất, theo lệ thường khi ấy, cũng chỉ được học hết tiểu học rồi phải ở nhà phụ giúp Bà ngoại việc làm ăn buôn bán. Những công việc quen thuộc của người phụ nữ thuộc “công, dung, ngôn, hạnh” Mẹ đều thành thạo để thu vén cho một gia đình đông con có những bữa cơm được cải thiện mỗi khi sum họp, chế biến những đồ ăn thức uống rẻ tiền sẵn có trở thành những món ăn hấp dẫn với nhiều giác quan, ai cũng chỉ có một số phiếu vải ít ỏi nhưng Mẹ vẫn khéo lo cho cả nhà có áo quần, chăn màn tươm tất. Mỗi lần có dịp qua Phú Thọ, những địa danh Chí Chủ, Vũ Yển, Đào Giã, rồi Thanh Cù, Yên Kỳ, Yên Luật, Ấm Thượng, Đoan Thượng,…trên cột cây số, trên những tấm biển chỉ đường đều nhắc tôi nhớ hình ảnh Mẹ thân hình mảnh mai, vai mang túi “dết” đạp cái xe của cơ quan cho mượn không chắn bùn chắn xích, về thăm bà cháu anh em chúng tôi trong những ngày tản cư. Sau này tôi mới hiểu, sinh ra lớn lên trong một gia đình truyền thống, Mẹ là người phụ nữ của gia đình với thiên chức làm vợ, làm mẹ, lo cho cái tổ ấm riêng của mình. Trong những ngày vô cùng gian khổ và thiếu thốn, Mẹ đã làm tốt nhất những gì có thể, cùng với Bố, nuôi dạy bảy anh em chúng tôi lớn khôn thành người hữu ích. Việc Mẹ tham gia kháng chiến, rồi vào đảng cũng chỉ là những việc “vạn bất đắc dĩ” do thời thế. Trong hoàn cảnh ấy, khi gặp người lãnh đạo tử tế, Mẹ phát huy được năng lực và phẩm cách của mình trong công việc của một nhân viên kế toán. Đức tính thẳng thắn và liêm khiết khiến Mẹ được nhiều người quý trọng. Còn nhớ bác Thi, người miền Nam tập kết, là Bệnh viên trưởng Bệnh viên Đường sắt bấy giờ (dù chỉ là y sĩ) đã cho Mẹ đi học, giới thiệu Mẹ vào đảng để rồi làm Trưởng phòng Tài vụ. Nhưng đầu những năm sáu mươi, bác Thi trở về Nam (đi B), những người lãnh đạo còn lại dần coi Mẹ là một chướng ngại trên con đường của họ. Trong những ngày sơ tán chống Mỹ, kể cả khi mưa nắng, rét buốt, Mẹ không biết bao nhiêu lần đạp xe vượt hơn 40 km từ Hà Nội lên Hương Canh theo con đường rải đá qua bến phà Chèm gập ghềnh để quyết làm sáng tỏ những khuất tất trong việc xây dựng nhà cửa ở khu sơ tán này. Rồi Mẹ được vận động về hưu sớm. Và Mẹ đã chấp nhận “chuyển công tác” về với công việc Mẹ yêu thích, chăm sóc chồng con, rồi các cháu. Cuộc sống thiếu thốn kéo dài, lại nhiều lần sinh nở cộng với những bệnh tật không được chữa trị kịp thời do thiếu thuốc men khiến những năm cuối cùng Mẹ sống trong đau yếu và ra đi khi tuổi chưa cao. Cái mùa đông cuối cùng của Mẹ, trời rét như cắt, căn nhà trống hoang trống huếch vì qua hơn bốn mươi năm không được sửa chữa, tôi cũng chỉ có cách ra chợ Trần Quý Cáp mua một cái bếp điện Liên Xô để Mẹ bớt lạnh vào ban đêm. Chỉ tiếc là sau đó không lâu, đời sống được dần cải thiện. Bây giờ, mỗi khi cả nhà sum họp bên những mâm cỗ với rất nhiều món ăn ngon lành, vẫn không quên được nồi bún bung Mẹ nấu vào ngày chủ nhật cho các con cháu “xì xụp”. Để thêm niềm vui cho cả nhà, suốt tuần Bố Mẹ phải “kiêng” thịt, dành tem phiếu mua xương hay chân giò, rồi chắt chiu từng “bò” gạo đổi bún chỉ mong được thấy các con các cháu quây quần, vui vẻ cười nói. Mẹ mất đã 25 năm, nhưng mỗi lần nhớ Mẹ, trong tôi vẫn văng vẳng lời khóc đầy xót thương của chú Cận, người em thứ hai của Mẹ khi khâm liệm. Chỉ có mấy tiếng mà sao ám ảnh mãi: Chị ơi! Cả đời chị khổ. Em lạy chị. (Nguồn: Xứ Nét)

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài bị chê: Cần một cách nhìn cầu thị

Những nhận xét về những hạn chế của Nội Bài và Tân Sơn Nhất là chính xác. Người dân và báo chí nhiều lần góp ý nhưng không ai nghe, chỉ khi một trang mạng cá nhân ở nước ngoài thông tin mới à lên kinh ngạc. Đó không phải là tâm lý của những người cầu thị... Sáng qua (20.10), vừa ra khỏi phi trường Tân Sơn Nhất, chưa đến nhà, mấy người bạn ra đón tôi đã sôi nổi bàn tán việc mấy sân bay Việt Nam bị xếp hạng kém nhất châu Á. Ai cũng bức xúc và cảm thấy lòng tự hào dân tộc bị tổn thương. Họ hỏi tôi: “Bên Mỹ, có biết việc này không?”. Tôi bảo: “Chưa nghe và dù có thì cũng chẳng hơi sức đâu mà để ý quá mức mấy lời khen chê đó”. Tối về mở mạng mới thấy báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin: “Mạng Sleepinginairport xếp hạng 2 sân bay xịn nhất Việt Nam là Nội Bài và Tân Sơn Nhất nằm trong Top Ten các sân bay tệ nhất châu Á”. Công nhận là người Việt quan tâm đến những vấn đề thời sự của đất nước. Những nhận xét về những hạn chế của Nội Bài và Tân Sơn Nhất là chính xác. Người dân và báo chí từng nhiều lần góp ý nhưng không ai nghe, chỉ khi một trang mạng cá nhân ở nước ngoài thông tin mới à lên kinh ngạc. Cục Hàng không dân dụng đáng lẽ phải tiếp thu và cám ơn, thay vì thanh minh, chống chế và cho rằng Sleepinginairports là trang mạng cá nhân không đủ tin cậy. Vấn đề ở đây là nhận xét đúng hay sai? Cái nào đúng thì cố gắng sửa, chưa đúng thì xem lại tại sao họ nghĩ sai. Không thể bắt thiên hạ nghĩ theo mình. Phải cám ơn vì họ đã quan tâm xếp hạng sân bay nước mình. Nhờ đó mọi người mới có dịp bàn luận sôi nổi và được các vị lãnh đạo để mắt tới. Trang mạng new7wonders.com bình chọn cho Hạ Long cũng là của tư nhân do Bernard Weber sáng lập, thiên hạ ít ai chú ý. Vậy mà Việt Nam rầm rộ hưởng ứng, cứ như là của Unesco. Lại còn bỏ ra cả đống tiền để được khen và làm lễ hoàng tráng. Sleepinginairports đã góp ý đúng, lại không tốn xu teng nào thì bị dè bỉu. Phải chăng tâm lý người Việt chỉ thích khen, dù tốn tiền cũng được và chưa chắc đúng, còn chê thì ngược lại? Ở đời, khen chê là chuyện bình thường. Hồi học ở Việt Nam, tôi từng được dạy: “Ai khen ta đúng là bạn tốt của ta, ai chê ta đúng là thầy giỏi của ta”. Đừng vội mừng khi được khen và chớ vội buồn khi bị chê. Trang mạng Sleepingiairports do cô Dana Mc Sherry, hiện sống ở Canada, thành lập năm 1996; dựa vào “4 C” gồm: Comfor - thoải mái, Convenience - tiện nghi, Cleanlines - sạch sẽ, Custumae services -dịch vụ khách hàng. Ngay tên gọi cũng thể hiện khái quát nội dung trang web. Tôi đã đến các sân bay ở Indonesia, Myanmar, Ấn Độ…và thấy nhiều mặt kém hơn Tân Sơn Nhất; chưa kể các sân bay ở Afghanixtan, Iraq, Mông Cổ… Mỹ có 15.095 sân bay, nhiều nhất thế giới. Indonesia có 683 sân bay trong đó hàng chục sân bay quốc tế. Sân bay Quảng Châu, Trung Quốc có tên trong bảng phong thần càng dấy lên nghi ngờ về sự chính xác. Phải chăng Sleepinginairsports chỉ xếp hạng những sân bay nổi tiếng của các nước và rất chủ quan? Năm 2011, mạng GO của CNN từng bình chọn Bitexco Finacial Tower xếp thứ 5/20 tòa nhà ấn tượng nhất thế giới, trong khi Buji Khalifa cao nhất thế giới, được xem là kỳ quan kiến trúc hiện đại xếp thứ... 18. Tất cả đều tương đối, tùy theo quan điểm và cách thức xếp hạng, ở đâu cũng vậy. Thiên hạ họ nói đúng thì phải sửa thôi, xin đừng thanh minh, chống chế; cũng đừng quá bức xúc. Người ta chê mình ở dơ, luộm thuộm, xem thường khách chứ không chê mình nghèo, mình nhỏ. Nếu muốn gia nhập Top Ten các sân bay hàng đầu Đông Nam Á, chưa dám nói châu Á, Nội Bài và Tân Sơn Nhất phải nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh (bị phàn nàn nhiều nhất), máy lạnh, wifi, mở thêm nhiều quầy thu đổi ngoại tệ, hoàn thuế, thông tin…Bắt buộc phải có khu vực riêng cho khách nghỉ ngơi khi chờ transit, trễ hoặc hủy chuyến. Khu vực này nên dùng ghế bật thay ghế cứng. Sân bay Nội Bài có dịch vụ đưa đón khách về Hà Nội rất tốt, ăn đứt nhiều nơi khác. Còn khách là còn xe buýt phục vụ, dù nửa đêm hay khuya sáng. Điều quan trọng nhất mà các sân bay Việt Nam phải làm ngay là thay đổi từ nhận thức đến thái độ phục vụ, thể hiện sự thân thiện, hiếu khách bởi đây là “bộ mặt của đất nước”. Nhân viên hàng không, sân bay, cửa khẩu… là những “sứ giả ngoại giao” thật sự. Những mặt yếu kém của các sân bay Việt Nam đều có thể khắc phục. Vấn đề là có muốn làm hay không. (Nguồn: Blog Phuoc beo)

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Thử thách đớn đau

Chúng ta đang thử thách nhau, Bằng niềm tin - chân thành - hy vọng? Bằng bão giông giữa lòng biển rộng? Sóng đánh bạc đầu, vẫn mộng chờ nhau. Chúng ta đang thử thách nỗi đau, Bằng nhớ mong chẳng ai cất thành tiếng? Cánh hải âu giữa trời chao liệng, Vẫn hướng về một phía hanh hao... Chúng ta đang thử thách nhau sao? Ai cũng mong, cũng cần, cũng nhớ, Ai cũng đau, cũng buồn, cũng lồng ngực vỡ, "Sao không lành thú độc mà vẫn giữ gươm đao"? Chúng ta thử thách nhau đến khi nào? (Nguồn: Nhà chị Beo)