Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

Chết như Quỳnh Dao

“Trên đời này, chết là điều chẳng mới/Nhưng sống thật tình cũng chẳng mới gì hơn” (Exenhin). Chẳng có gì mới nhưng đời này nhiều kiểu chết, có khi “xong phim” rồi mà vẫn bị chê cười. Còn chết, như dự định của nữ sĩ Quỳnh Dao, là cái chết đẹp.
Trong thư gửi con cái, Quỳnh Dao bộc lộ “Khi còn sống nguyện là ánh lửa, cháy tới phút cuối đời. Chết đi nguyện là hoa tuyết, lất phất rơi, hóa thành cát bụi”. Nếu bệnh trọng thì không cần cố chạy chữa đau đớn, “đừng để mẹ sống không được chết không xong. Làm thế, các con mới là đại bất hiếu".

Nhà văn dặn con không làm lễ truy điệu, lập linh vị, đốt vàng mã. Không loan tin bởi cái chết là việc riêng không phải để làm phiền người khác. “Ngày giỗ, tiết thanh minh cũng không cần cúng bái. Trái đất ngày một ấm lên, đốt giấy đốt hương là phá hoại. Chúng ta có nghĩa vụ giữ gìn môi trường cho những sinh mệnh nối tiếp nhau chào đời...".

Bức thư khởi phát lúc bà được đọc bài viết tựa là Hẹn trước về sự cáo biệt đẹp đẽ, khiến bà chủ tâm đón nhận cái chết nhẹ tựa lông hồng. Công khai chuyện hậu sự, Quỳnh Dao cũng đồng thời lên kế hoạch viết tác phẩm mới ở tuổi mấp mé 80.
Nhiều người nổi tiếng trước khi nằm xuống đã để lại triết lý, quan niệm sâu sắc, chỉ lối được cho những người còn đang băn khoăn về lẽ sống chết. Chẳng hạn Steve Jobs mà lập ngôn “Đừng làm người giàu nhất nghĩa trang” chỉ là một trong số lời khuyên hữu ích (nhưng đâu dễ học theo).

Giới nhà văn Việt Nam, tôi biết người như Hồ Anh Thái có thể được ai đó coi là lập dị. Luôn tránh xa chốn lao xao. Cưới không mời ai, đại tang không báo. Cơ quan có người hay tin bố anh mất bèn tự đến, anh chẳng mặn mà vì cho rằng đó là chuyện riêng của gia đình. 

Mẹ của Nguyễn Thị Thu Huệ- nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú bệnh nặng nhiều năm. Chị không cho ai thăm bởi không muốn hình ảnh già nua ốm yếu bệnh tật của mẹ bị người đời chứng kiến. Đọc bài báo một nữ thi sĩ kể chuyện đi thăm thi sĩ bạn- già yếu, lẩm cẩm, mất trí nhớ trong khi ngày xưa xinh đẹp đầy đàn ông mê, anh Thái và Huệ và tôi bảo nhau: “Thấy chưa, cho nhà văn đến thăm để về viết bôi bác. Nhiều người thăm không vì thương cảm (có thương cũng chẳng cần) mà thâm tâm họ đang nghĩ may mà mình không nằm đó thảm hại giống người kia”.

Tôi biết một phụ nữ có chức của ngành Bưu điện, chị có đứa con trai 12 tuổi sáng sủa ngoan ngoãn. Nó bị sốt nhẹ đi bệnh viện cấp cứu, tiêm thuốc thế nào mà sốc phản vệ tử vong. Mọi người đến nhà thấy chị không khóc được, chỉ ngồi lẩm bẩm “Vô lý quá”. 49 ngày cháu, chỉ họ hàng thân thuộc nhất tụ họp. Sau đó các ngày giỗ kể cả giỗ đầu đều không cỗ bàn, không mời ai. Không thể ngồi đó ồn ào uống ăn, chạm ly chạm bát. Thằng bé mới 12 tuổi! Dịch giả Vũ Đình Bình người thân của chị bảo với tôi: “Đó mới là nỗi đau thực sự”.

Tôi cũng có người bạn là con dâu danh họa Bùi Xuân Phái ở với mẹ chồng ba chục năm, không bao giờ nghe kêu ca một tiếng. Gia sản của họ không ít: căn hộ chung cư cao cấp, cửa hàng mặt phố Cửa Đông, vài căn ở số nhà 87 Thuốc Bắc mà họ dần mua được qua thời gian. Nhưng chị nói không có ý định nhận tí thừa kế nào khiến bà Phái tá hỏa, còn xác thì chị đã đăng ký hiến cho y học từ lâu. Chắc cũng lập dị lắm trong mắt nhiều người.

Chúng ta xem phim Âu Mỹ thấy đám tang rất vắng, người dự ai cũng mặc đẹp trịnh trọng màu đen tuyền, kính đen mũ đen. Lặng phắc. Nói đôi điều ngắn gọn sâu sắc. Đám tang người mình có khi quần xanh áo đỏ, bộ hoa rực rỡ. Đi lại nói năng ầm ào. Càng đông đúc càng được coi là đám lớn, quan trọng. Bao nhiêu trong số đó thực sự đến chia buồn hay là chẳng đặng đừng, quan hệ thì cha vơ chú váo? Bỏ phong bì vì muốn chia sẻ gánh nặng với tang chủ hay thâm tâm coi đó là hủ tục, buốt hết ruột mà không thể khác? Nhiều nhà tuyên bố không nhận phúng điếu. Với những người nằm xuống nổi tiếng thì đó càng là biểu hiện văn minh của tang gia.

Nguyễn Khải viết: “Già mà biết sống già thì cũng hay lắm chứ”. Hemingway: “Tuổi già là con vật nhơ bẩn”. Minh tinh Sharon Stone, người mà đến điệu hút thuốc trông cũng quyến rũ chết người, nói nghiệt ngã: “Phụ nữ bước vào tuổi 40 chẳng khác nào bệnh phong”. Cho nên, nghe hỏi thăm dạo này thế nào, tôi thích trả lời rằng “Hủi cùn hủi cụt rồi”.

Phải như thế nào để là một người biết sống già? Lời khuyên của minh tinh Jane Fonda có thể là gợi ý: “Cho đi những gì bạn có thể và đừng quan tâm nhận lại. Đừng bận tâm ai nhiều của cải hơn, con cái ai thành đạt hơn mà hãy đi chơi nhiều hơn, đến các bar, du lịch nước ngoài. Tạo trạng thái thường xuyên ổn định, và xác định điều gì khiến bạn hạnh phúc.Chớ làm nô lệ cho con cái. Giữ quan hệ, yêu thương và giúp đỡ khi con cần nhưng hãy bằng lòng với số của cải bạn dành dụm cho chúng. Đừng lo lắng về quan hệ với con cái bởi chúng có số phận riêng và sẽ tìm được đường đi trong đời. Một ngày sống mà không phút giây vui vẻ là một ngày mất đi. Một tâm hồn lạc quan thì chữa bệnh nhanh nhưng một tâm hồn hạnh phúc thì không căn bệnh nào phải chữa bởi nó không quen biết bệnh tật. Bằng lòng với những gì bạn có và đừng quên bạn bè...”

Đám tang Michael Jackson cầu kỳ sang trọng, duy mỹ, đẹp như một giấc mơ, một bộ phim hoàn hảo. Hợp với vua nhạc Pop. Ở đó cũng vẫn có tiếng cười lạc quan. Còn sự ra đi nhẹ nhàng, làm “hoa tuyết lất phất rơi, hóa cát bụi”, không phiền ai kiểu Quỳnh Dao cũng quá tuyệt. Nhà văn phải thế. Còn chúng ta không phải người nổi tiếng hay thành đạt nhưng đâu có ai bắt ta sống đã bầy đàn mà chết cũng a dua. Sống không nói làm gì còn nếu một ngày phải nghĩ đến cái chết, hãy “hẹn trước với sự cáo biệt đẹp đẽ”.

(Nhà báo Dương Phương Vinh- báo Tiền Phong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét