Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Bóp còi

Một phóng viên nước ngoài khi sang Ngàn năm văn vở đã có bài viết trên trang tiếng Anh của báo điện tử Dân trí Dtinews. Chỉ một hành vi đã nói lên sự văn minh hay không của một quốc gia, dân tộc...thế nên, vì sinh ra cái còi để bóp, nên tôi mất tiền mua xe có còi tội gì không bóp...Còn đây là bài viết của người xứ văn minh khi đến xứ ta:

Giao thông ở Hà Nội rất dày đặc. Đường phố đông nghịt. Tiếng còi xe inh ỏi. Đôi khi thật là lố bịch. Việc lạm dụng bóp còi khiến nhiều người phát điên. Không thể “can thiệp” về số người lưu thông trên đường nhưng chúng ta có thể làm điều gì đó để áp dụng quy tắc ứng xử đơn giản trên đường.
Nhiều tài xế bấm còi mọi lúc mọi nơi, bất kể khi dừng lại, lên dốc hoặc chạy nhanh một cách nguy hiểm trên đường. Tiếng còi làm chói tai, gây xao nhãng và rất nguy hiểm. Họ đang hủy hoại mục đích của còi.
Mục đích đơn giản của còi là một cách giúp các tài xế (đặc biệt là những người đi xe mô-tô) biết bạn đang di chuyển, cảnh báo họ và để tránh tai nạn. Bấm còi liên hồi là hiểm họa vì khiến các tài xế khác sao nhãng khỏi đường đi và chú ý tới bạn. Khi không có chỗ để đi, không có lý do gì để bóp còi. Bóp còi không thể khiến đường xá trở nên trống vắng. Thời gian của một lần bóp còi cũng cần phải chú ý. Một tiếng còi rõ và đơn giản là đủ. Bóp còi với độ to hết cỡ liên tục trong 30 giây là khiếm nhã, không cần thiết và đặc biệt nguy hiểm.
Nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng Hà Nội có vấn đề ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng. Việc sử dụng còi xe bừa bãi đã trở thành mối nguy hiểm. Có quá nhiều tiếng còi thiếu thận trọng, mục tiêu an toàn của còi đã bị đánh mất và tiếng ồn trên đường phố không bao giờ dừng lại. Thậm chí một số người bấm còi khi không có phương tiện nào trước mặt. Có người sử dụng còi khi không có nơi nào để đi.
Việt Nam có đủ các loại còi: còi âm nhạc, còi hơi, bất kể loại nào mà bạn có thể tưởng tượng. Quá nhiều tài xế rất thích bấm còi. Ngày càng có nhiều người lắp còi hơi (được thiết kế cho xe tải loại lớn) cho xe máy và taxi cứ như thể còi càng to thì độ an toàn càng cao. Điều đó là hoàn toàn sai lầm. Những loại còi này là một mối nguy hiểm, vì chúng có thể khiến tài xế giật mình và sợ hãi, dẫn tới tai nạn.
Không có luật lệ, quy định hay hướng dẫn nào về việc sử dụng còi. Đó là chuyện ý thức của từng người. Về cơ bản, còi được thiết kế để cảnh báo những tài xế khác trên đường. Tại Việt Nam, một số tài xế nghĩ rằng họ phải bấm còi mọi lúc. Tôi thấy có người thậm chí còn coi còi giống như âm nhạc phát ra từ đài phát thanh.
Nhiều người đồng tình rằng có quá nhiều tiếng còi trên các đường phố của thủ đô. Còi nên được sử dụng “tiết kiệm”. Tiếng còi bị lạm dụng, vì thế mọi người nên hạn chế tối đa âm thanh này. Các tài xế thậm chí không để ý khi tiếng còi vang lên vì âm thanh đó lúc nào họ cũng nghe thấy. Họ đã quen với việc bấm còi vô dụng đến nỗi họ không hay biết hoặc không phản ứng khi nghe thấy chúng.
Có những quy tắc chung cho phép lịch sự khi điều khiển xe, bất kể bạn từ đâu tới. Lái xe là quyền và tài xế có bổn phận phải giữ an toàn. Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo các du khách nước ngoài cần thận trọng khi tới Việt Nam, miêu tả giao thông Việt Nam “là hỗn loạn. Tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra và hầu hết các nạn nhân là những người đi xe máy hoặc đi bộ. Ít nhất 30 người chết mỗi ngày liên quan tới tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông là rủi ro an toàn và sức khỏe lớn nhất tại Việt Nam”.
Cảnh sát giao thông khó có thể làm gì để cải thiện tình hình. Rượt đuổi ai đó với một chiếc dùi cui trên tay sẽ không giúp mọi người có ý thức hơn về việc dùng còi. Cần đặt các biển hiệu giao thông và đưa ra các chỉ dẫn cho việc sử dụng còi. Nhưng dùng còi thích hợp hay không cuối cùng là phụ thuộc vào từng tài xế. Tôi biết các tài xế tại Việt Nam phải thi để lấy bằng, vì thế trong bài thi giao thông, hoặc trong các tài liệu hướng dẫn thi, nên có phần hướng dẫn về cách dùng còi.
Theo Tổ chức Phòng chống Thương vong châu Á, “Việt Nam và Campuchia là hai nước có lượng xe máy tăng hơn 17% trong năm 2007 và 2008. Sự gia tăng này vượt quá khả năng thích nghi của xã hội. Cơ sở hạ tầng và hệ thống trợ giúp mật độ giao thông cao không đủ đáp ứng. Khu vực này chỉ chiếm 16% phương tiện có động cơ toàn thế giới nhưng chiếm 44% số thương vong vì tai nạn giao thông toàn cầu”.

Có rất nhiều điều mà tài xế không thể kiểm soát, nhưng cũng có vài điều có thể. Chúng ta nên đội mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn, lái xe thận trọng, tuân thủ luật và luật giao thông, và chỉ sử dụng còi lúc cần. Còi cứu các mạng sống, nhưng nếu lạm dụng, nó sẽ trở nên không hiệu quả khi chúng ta thực sự cần. Hãy để đôi tai và các tài xế được nghỉ ngơi, làm ơn thôi bấm còi!
David Cornish


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét