Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

Người quê mình


Bình yên quê mình


Ngày mình ở quê, cái thị trấn quê mình nhỏ xíu chỉ có 4 đường trục chính, gặp nhau ở một cái ngã tư mà người ta hay gọi là Quán Cháo. Chẳng hiểu có phải ngày xưa cả cái phố gọi là sầm uất nhất quê mình chỉ có cái quán bán cháo lót dạ, chống đói cho khách lỡ độ mỗi khi qua đây hay không mà các cụ lại đặt tên dư vậy?
Dưng cơ mà, quê mình đúng là nghèo và chậm tiến thật sự, bao nhiêu năm mà vẫn vậy, không thấy đổi thay là mấy.
Nó hầu dư vẫn giữ hình hài ngày mình 9 tuổi, được cậu về cho ngồi lên chiếc xe thống nhất đưa vào hiệu sách của huyện mua truyện.
Hơn hai mươi năm sau, mình qua thị trấn, thấy có mấy tên đường được cắm trên các cột điện, cắm lên để cho giống phố mà mãi không thành nổi phố.
Người ta vẫn hay trêu mình, mỗi khi về quê: Đường Ân Thi xe gì cũng hỏng! hahaha…Xin lỗi các bẹn, nghèo thì nghèo, quê mình giờ đường cũng hơi bị ngon rồi, không đến nỗi vậy đâu, trừ dững chỗ còn tệ hơn ngày trước.
Mình đọc thấy tên đường tuyền người quê mình, cổ có, kim có…nào là Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Huy Thông, Bùi Thị Cúc…dưng có một cái tên nghe lạ lắm, đó là: Đỗ Sỹ Họa.
Hỏi ra mới biết đó là một anh hùng mới tinh thời chống Tàu.
Mấy ngày nay, biển đang có bão, dưng vẫn nóng, nóng đang lên độ từng ngày khi mà xem thông tin trên các loại quốc doanh và blog.
Ông bạn vàng đã ngày càng thể hiện dã tâm lấn biển, cướp biển của cha ông mình, của mình, của con cháu mình…
Thêm phần hừng hực khí thế, quyết đập tan xác bọn đểu, mình xin giới thiệu tấm gương của người anh hùng quê mình năm xưa đã chống trả kiên cường bọn Tàu khựa, giữ vững biên cương Tổ quốc.
Đỗ Sĩ Họa (1946-1979), dân tộc Kinh, quê ở xã Hồng Vân, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Khi hy sinh, đồng chí là Thượng úy, Phó Đồn trưởng Đồn 209, Công an nhân dân Vũ trang tỉnh Quảng Ninh (nay là Đồn Biên phòng 15, Pò Hèn, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đỗ Sĩ Họa đã tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, lập công xuất sắc được tặng thưởng Huân chương Chiến công, bị thương, sức khỏe giảm sút nhưng vẫn tình nguyện lên bảo vệ biên giới phía Bắc.
Ngày 17/2/1979, quân xâm lược ồ ạt tấn công, Đồn trưởng đi công tác xa. Đỗ Sĩ Họa đã khẩn trương triển khai đội hình chiến đấu theo phương án, trực tiếp phụ trách hướng chính diện.
Đồn và các chốt bị pháo và cối của địch bắn cấp tập. Ở vị trí chỉ huy, Đỗ Sĩ Họa bình tĩnh quan sát địch. Khi địch ngừng bắn pháo để bộ binh xông lên, đồng chí đã dũng cảm, mưu trí chỉ huy đơn vị bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch, diệt và làm bị thương nhiều tên.
 Phát hiện hỏa lực lợi hại của ta ở Đồi Quế, địch dùng chiến thuật biển người ào lên. Các chiến sĩ chốt trên Đồi Quế ngoan cường chiến đấu, diệt nhiều tên địch. Nhưng vì lực lượng quá chênh lệch, Đồi Quế đã bị địch chiếm giữ.
Quyết giành lại, Đỗ Sĩ Họa đã tổ chức lực lượng tấn công địch, chiếm lại được Đồi Quế. Địch vừa ào lên hết đợt này đến đợt khác, vừa kêu gọi ta đầu hàng, Đỗ Sĩ Họa trả lời: “Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết”.
Đi tới từng ụ súng, đồng chí động viên chiến sĩ quyết tâm chiến đấu bảo vệ Đồn, bảo vệ Tổ quốc. Nhìn người chỉ huy mặt bê bết máu, ánh mắt rực lửa căm thù, các chiến sĩ vô cùng xúc động, tin tưởng.
Noi gương người chỉ huy, cả đơn vị ngoan cường chiến đấu, tiêu diệt 227 tên địch, giữ vững trận địa.
Đỗ Sĩ Họa bị thương lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba cho đến lúc anh dũng hy sinh cũng không rời trận địa. Đồn 209 được đề nghị tuyên dương Đơn vị Anh hùng. Đồng chí được truy tặng cấp hàm Thượng úy và Huân chương Quân công hạng Ba. Ngày 19/12/1979, Liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu: Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân Việt Nam./…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét