Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Lục bát

Xưa còn sinh viên, tiền ăn chẳng có, tiền mua sách cũng hiếm. Dưng tiền uống rượu chết cũng xoay bằng ra. Chẳng biết đọc đâu được mấy câu lục bát, đại loại dư sau:
“Chăn trâu đốt lửa trên đồng
Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều
Mải mê đuổi một con diều
Củ khoai nướng để cả chiều thành tro”.
Hỏi mãi mới biết được đấy là của một ông tên Bốn.
Ông này tuyền thơ lục bát. Chẳng hiểu sao thích điên người. Đi tìm thơ in của ông, dưng tìm mãi chẳng ra, hết Bờ Hồ, ra Tràng Tiền, xuống Cầu Giấy, tới Nguyễn Thái Học, Chí Thanh… bèn chịu, hóa ra, ngày ấy chưa in.
Mãi sau này có nét, mới biết được ông này quê Hoa cải nở.
Sau này nữa biết ông qua bài giới thiệu của Nguyễn Huy Thiệp, hay kinh!
Sau đây là một đoạn trích của ông Thiệp viết về ông Bốn:
....“Đồng Đức Bốn sinh ngày 30-3-1948, quê quán ở xóm Lê Lác, thôn Song Mai (tức làng Moi), xã An Hồng, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng.
Thuở hàn vi, Đồng Đức Bốn đã từng là thanh niên xung phong. Giải ngũ, Đồng Đức Bốn về làm việc tại Xí nghiệp sửa chữa ô tô Hải Phòng, làm thợ gò bậc 6/7. Sau đó, Đồng Đức Bốn về làm việc tại Xí nghiệp xuất nhập khẩu gia cầm Hải Phòng, giữ chân đại diện cho Xí nghiệp này ở Hà Nội.
Thời kỳ buôn bán chè chai, lông vịt ở Hà Nội cũng là thời kỳ anh chàng nửa quê nửa tỉnh này gia nhập văn đàn, bắt đầu ăn những đòn văn chương đầu tiên trong cuộc đời mình. Nguyễn Khoa Điềm đã vẽ khá chính xác chân dung nhà thơ tương lai trong câu thơ sau:
“…Văn chương lấm láp vêu vao mặt người…”
Văn đàn Thủ đô khoảng những năm 1987 - 1992 rất sôi động. Tất cả đều như hóa rồ hóa dại. Công cuộc đổi mới trong toàn xã hội do Đảng Cộng Sản Việt Nam khởi xướng bắt đầu. ở đâu người ta cũng nói đến Perestroika, đến đổi mới. Giới văn chương ở Thủ đô bấy giờ luôn thấy Đồng Đức Bốn la cà, lân la ở các tụ điểm, các tòa soạn, các quán nước chè (còn có quán tên là Tương lai văn hóa văn nghệ Việt Nam đi về đâu!). Đồng Đức Bốn bấy giờ như một con ngựa trắng lang thang trong rừng quả đắng, anh hoang mang dò dẫm từng bước một trên con đường thơ, chẳng biết đâu là sở trường, sở đoản của mình. Đây cũng là thời kỳ Đồng Đức Bốn làm quen với những Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ, Vũ Quần Phương... những nhà thơ cung đình bậc nhất, những ông hoàng đang ngự trị trên ngai vàng thơ lúc ấy.
Tập thơ Con ngựa trắng và rừng quả đắng của Đồng Đức Bốn in năm 1992 do đàn anh Phạm Tiến Duật biên tập và viết giới thiệu bộc lộ khá rõ tâm thế của chàng thi sĩ tương lai lúc này: Đồng Đức Bốn hoàn toàn chưa nhận ra mình, anh đang như một người mê ngủ. Chen lẫn với một số bài thơ lục bát khá độc đáo là rất nhiều những bài thơ tự do ỡm ờ, nửa dơi nửa chuột, lúc cao giọng chính trị, lúc học đòi cung cách trí thức lả lơi.
Tập thơ đầu tiên in ra! Nhụy đào đã bẻ cho người tình chung! Chao ôi là hy vọng! Chao ôi là hạnh phúc! Mùi giấy mới thơm lừng! Các con chữ óng ánh mực in và âm điệu du dương khiến ai mà không mê mẩn!

Ông ấy đây..."Những con người cực tốt, trái tim thường hay đau..."


Thời gian trôi đi.
Thời gian vô tình, vô cảm, thản nhiên, lạnh lùng, tàn nhẫn...
 Đồng Đức Bốn rỗng túi! Tập thơ đầu tiên mà Đồng Đức Bốn trai tân đặt vào đấy rất nhiều hy vọng đổi đời đã bị dư luận nông nổi và bạc bẽo ngoảnh mặt quay đi. Giống như một gái nhà quê ra tỉnh gặp phải tay phàm, Đồng Đức Bốn chẳng được gì, vừa tẽn tò, vừa ê chề, nhục nhã, lại thân bại danh liệt. Có lẽ bài thơ tự do hay nhất, đáng kể nhất, cáu kỉnh và thảm sầu nhất mà Đồng Đức Bốn đã văng ra được trong thời kỳ này là bài thơ Em bỏ chồng về ở với tôi không?. Trong bài thơ này, bóng dáng của mấy người tình thơ như Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ, Vũ Quần Phương... vẫn còn dây đầy nhơm nhớp trong từng câu thơ, từng khổ thơ một:
 
Xa một ngày hơn triệu mùa đông
Em bỏ chồng về ở với tôi không
Nỗi nhớ cồn cào như biển.

Nơi em ở tôi đi và đến
Cho tháng ngày em sống bớt cô đơn
Con muỗm xanh trên sóng lúa dập dờn
Hương cỏ dại mãi bên hồ nước đắng.

Đồng Đức Bốn có lần hỏi tôi về bài thơ này, tôi bảo nó hay vì do cái chí, cái khí uất, cái tình cảm nông nổi thực thà, thậm chí có phần du côn liều lĩnh đã toát ra khiến cho người ta xúc động, còn toàn bộ câu thơ ở trong bài thơ thì vứt đi cả, chẳng ra gì. Nhưng anh không chịu.
Ngay từ đầu bước vào làng thơ, Đồng Đức Bốn đã có chịu ai bao giờ!
 
Khoảng 1992-1993, Đồng Đức Bốn gặp tôi. Lúc này, anh đang ở giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời mình. Tang cha, tang mẹ, tang con... Răng đau: dấu hiệu đầu tiên của tuổi già... Cuộc sống bấp bênh... Niềm khao khát thơ ca cháy bỏng khôn nguôi... Tế nhị, nhạy cảm, túi rỗng không, giàu tự trọng và đa nghi như Tào Tháo...
Đồng Đức Bốn đã ở trong gia đình tôi một thời gian ngắn. Chúng tôi nói chuyện với nhau nhiều về cuộc sống và thơ ca. Tôi nhận ra anh là một nhà thơ lục bát có một không hai.
Chiều nay Hồ Tây có giông
Tôi ngồi trên sóng mà không thấy chìm.

Vẫn còn thấy ở ca dao
Y nguyên hai múi bưởi đào em cho
Vẫn còn trong nắng thập thò
Tôi và em xuống con đò ban mai...
….Khi gặp Đồng Đức Bốn, anh đã đọc cho tôi nghe chừng hơn 100 bài thơ anh làm. Tôi đã gạt đi tất cả những bài thơ tự do của anh và chỉ chọn ra 45 bài thơ lục bát để in thành tập thơ Chăn trâu đốt lửa. Về sau Đồng Đức Bốn đã đưa vào thêm 20 bài nữa để cho tập thơ dày dặn lên. Đồng Đức Bốn cho đến bây giờ vẫn không phải là người biết tự giới. Anh không bao giờ là người biết tự giới. Đồng Đức Bốn không phải là người được học hành, đỗ đạt. Tôi không chắc anh học hết phổ thông trung học. Vốn từ của anh loanh quanh khoảng 600 từ"...

Đến khi nhận được tin ông Bốn mất, mất do ung thư phổi ở cái tuổi còn chưa tới lục tuần, thật buồn kinh! Nhớ hồi đó, mình đang ở đài Hưng Yên, đọc bao nhiêu bài viết về ông trên nét mà ngậm ngùi, người tài vắn số, phải vậy không nhỉ?
Hôm nay, ngồi đọc lại những tuyệt tác lục bát của ông, để nhớ lại năm tháng xưa, năm tháng mình đã từng phải vịn vào dững câu thơ của ông, dững bài hát của Trịnh để đứng lên đi tiếp trong cuộc đời này!
 
            Nhà quê
Nhà quê có cái giếng đình
Trúc xinh cứ đứng một mình lẳng lơ
Nhà quê có mấy trai tơ
Quần bò mũ cối giả vờ sang chơi
II -
Nhà quê chân lấm tay bùn
Mẹ đi cấy lúa rét run thân già
Chợ làng mở dưới gốc đa
Nhà quê đem mấy con gà bán chơi
III -
Bây giờ không thấy Thị Mầu
Nhưng con mắt ấy còn lâu mới già
Mỗi lần cây cải nở hoa
Thì tôi lại nhớ người ta chưa về
Mỗi lần cỏ dại trên đê
Chim ngói đi thả bùa mê khắp đồng
Bây giờ em đi lấy chồng
Tôi giờ về lại bến không tìm mình
IV -
Bao nhiêu là thứ bùa mê
Cũng không bằng được nhà quê của mình
Câu thơ nấp ở sân đình
Nhuộm trăng trăng sáng , nhuộm tình tình đau
Nhuộm buồn những hạt mưa mau
Thành sao nở trắng vườn cau trước nhà
Nhuộm hương của các loài hoa
Thành mơn mởn tóc đuôi gà cho em
           
        Vào chùa
Đang trưa ăn mày vào chùa
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày
           
            Mẹ ơi
Bây giờ con chẳng có gì
Cúi đầu lạy mẹ con đi về trời
Chỉ xin mẹ một tiếng cười
Và câu hát thuở mẹ ngồi ru con
Chỉ mong trái đất vẫn tròn
Biết đâu mẹ lại gặp con có ngày
Cõi người nhiều nỗi đắng cay
Cho nên Phật vẫn ngàn tay kêu cầu
Cõi người còn lắm bể dâu
Con lấy lục bát bắc cầu đi qua
Tin rằng sông lắm phù sa
Cho nên đời vẫn nở hoa bốn mùa
Bây giờ trời đổ cơn mưa
Xa xa đã tiếng chuông chùa gọi con
           
     Chăn trâu đốt lửa
Chăn trâu đốt lửa trên đồng
Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều.
Mải mê đuổi một con diều
Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.
   
    Trở về với mẹ ta thôi
1.
Cả đời ra bể vào ngòi
Mẹ như cây lá giữa trời gió rung
Cả đời buộc bụng thắt lưng
Mẹ như tằm nhả bỗng dưng tơ vàng
Đường đời còn rộng thênh thang
Mà tóc mẹ đã bạc sang trắng trời
Mẹ đau vẫn giữ tiếng cười
Mẹ vui vẫn để một đời nhớ thương
Bát cơm và nắng chan sương
Đói no con mẹ xẻ nhường cho nhau
Mẹ ra bới gió chân cầu
Tìm câu hát đã từ lâu dập vùi.
2.
Chẳng ai biết đến mẹ tôi
Bạc phơ mái tóc bên trời hoa mơ
Còng lưng gánh chịu gió mưa
Nát chân tìm cái chửa chưa có gì
Cầm lòng bán cái vàng đi
Để mua những cái nhiều khi không vàng.
3.
Mẹ mua lông vịt chè chai
Trời trưa mưa nắng đôi vai lại gầy
Xóm quê còn lắm bùn lầy
Phố phường còn ít bóng cây che đường
Lời rào chim giữa gió sương
Con nghe cách mấy thôi đường còn đau.
4.
Giữa khi cát bụi đầy trời
Sao mẹ lại bỏ kiếp người lầm than
Con vừa vượt núi băng ngàn
Về nhà chỉ kịp đội tang ra đồng
Trời hôm ấy chửa hết giông
Đất hôm ấy chẳng còn bông lúa vàng
Đưa mẹ lần cuối qua làng
Ba hồn bảy vía con mang vào mồ
Mẹ nằm như lúc còn thơ
Mà con trước mẹ già nua thế này.
5.
Trở về với mẹ ta thôi
Giữa bao la một khoảng trời đắng cay
Mẹ không còn nữa để gầy
Gió không còn nữa để say tóc buồn
Người không còn dại để khôn
Nhớ thương rồi cũng vùi chôn đất mềm
Tôi còn nhớ hay đã quên
Áo nâu mẹ vẫn bạc bên nắng chờ
Nhuộm tôi hồng những câu thơ
Tháng năm tạc giữa vết nhơ của trời
Trở về với mẹ ta thôi
Lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ.
           
            Chợ buồn
Chợ buồn đem bán những vui
Đã mua được cái ngậm ngùi chưa em.
Chợ buồn bán nhớ cho quên
Bán mưa cho nắng, bán đêm cho ngày.
Chợ buồn bán tỉnh cho say
Bán thương suốt một đời này cho yêu.
Tôi giờ xa cách bao nhiêu
Đem thơ đổi lấy những chiều tương tư./..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét