Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Về quê để thấy còn nợ quê nhiều lắm!

Buồn kinh! lang thang trên nét nhặt được cái này của tác giả Trần Minh Anh. Bài viết hay kinh, làm mình đang nhớ về quê, càng thấy lòng chộn rộn lên một cảm giác khó tả...

Quê mình đơi các bẹn ơi...cái ảnh này mình chộp trước ngày rời quê Nam tiến

Bao nhiêu tình cũng chưa đủ để làm nên một tấm lòng thuần hậu dành cho quê. Bấy nhiêu lần về để thấy người ly quê vẫn còn cảm khái quê mình như gió sông và nắng trời. Thoáng đạt và tự nhiên, lòng yêu quê là một nhu cầu nguồn cội.
Nhẹ gót giày trong phố đã chục năm, nay chân trần cuốc bộ qua bến sông quê để về làng. Con đường mùa gặt thoang thoảng mùi rơm rạ. Không nồng nàn như hương hoa sữa của những phố giăng mắc tình yêu của trẻ thị thành. Không lác đác vàng rơi như Phan Đình Phùng san sát sấu mùa đổ lá.
Đường quê xuyên qua đồng bãi, chạy thẳng ra bến sông. Bắt gặp phù sa cho ngô khoai sinh trưởng, bắt gặp cả những thanh âm cầu kinh từ phía nhà thờ xóm đạo, bắt gặp những khuôn mặt mục đồng lấm lem bùn đất đang hò reo trên lưng trâu gặm cỏ...
Không gian rộng và thoáng đã làm vơi đi những chật hẹp vốn bám víu trong lòng mình trong những ngày mải miết sinh nhai giữa phố. Tiếng gió vút lên đủ gạt đi tiếng còi inh ỏi xe cộ. Hoa cỏ may đủ duyên dáng để xua đi nỗi thèm đồng nội. Trí nhớ gợi về một bài thơ nổi tiếng của nữ sĩ tài hoa Xuân Quỳnh, trong đó rưng rưng câu thơ đẹp: "Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may/ Áo em sơ ý cỏ găm đầy...".
Gác phố, về quê, lòng đã mênh mang!
 Bến sông bên lở bên bồi. Đục trong dòng nước bao đời vẫn thế. Những tổ ấm nghèo trôi dạt trên sông vẫn duy trì một hình thức phục vụ dạ dày: đánh bắt cá và đổi tiền mua gạo. Vẫn còn đó cậu bé đen nhẻm khát chữ, miệng bi bô hỏi chuyện người đi xa về mà tay không ghi nổi dòng địa chỉ. Hỏi nhỏ khi nào đến trường thì ánh mắt cụp xuống vì chưa tìm thấy câu trả lời chính xác, vì hổ thẹn với nỗi nghèo.
Đò đầy thì phải sang sông. Con sào tre nhà vạn cắm dốc đứng xuống lòng sông, làm điểm tựa để dịch chuyển một trọng lượng xe, người trước khi máy nổ xình xịch. Chen chúc và nhiều chuyện. Tiếng quê rộn rịp cả một khúc sông làm giao thông thủy lộ. Đối xứng hai bờ sông là hai phiên chợ. Dễ hiểu vì sao khách thường xuyên của nhà đò là những anh, chị đi buôn từ tinh mơ đến chập tối. Họ đã một phần làm nên lối mòn xuống bến quê, một phần từ lâu lắm rồi cất lên tiếng gọi "đò ơi" không đứt quãng, là một phần của tấp nập.
Gác phố, về quê để thấy lòng mình biết lắng nghe và còn nhiều rung cảm nguyên sơ như cái ngày đầu tiên ly quê nhập phố.
 Phải can đảm lắm mới nhìn sâu xuống giếng khơi trong khu vườn nhà cũ. Vẫn trong văn vắt và sâu thăm thẳm. Vẫn nằm trong lòng đất để đợi người về múc từng gầu nước lên. Mát và đầy vơi. Sạch sẽ và ngọt lịm.
Ở phố không ai dám uống nước máy. Về quê, tôi tha hồ uống nước giếng. Ở phố, nước là thứ mà cư dân có thể ăn cắp, đơn giản như vặn nhỏ cái vòi chảy để kim đồng hồ không quay.
Về quê, nước là thứ tài sản truyền đời, không ai đánh cắp. Những mạch ngầm chắt chiu trong lòng đất đã tích tụ một khả năng cung cấp nguồn sống cho gia đình phả hệ. Và những mạch ngầm đó còn là nơi mạnh mẽ cuốn đi bao uẩn khúc, ức chế của đời người.
Không tin bạn hãy suy ngẫm câu chuyện sau đây: khi cha tôi say mèm và bị kích thích bởi men rượu, mẹ tôi cằn nhằn tiếng bấc tiếng chì; khi giọng điệu của người đàn bà ngoa ngoắt thêm một chút, người đàn ông đang làm bạn với Chí Phèo quẫn chí phóng hỏa đốt nhà; khi mái nhà tranh bị cháy, khi tiếng kêu than thống khổ kịch tính thì nước ở giếng đã được hàng xóm múc lên để dập hỏa; khi nước đã cuốn trôi tro bụi thì mẹ tôi đã khóc ròng rã trong sự tỉnh rượu của cha.
Vài ngày sau, mái nhà được sửa sang, tôi thấy cha đứng cạnh giếng, múc nước cho mẹ gội đầu. Hương bồ kết, nước giếng trong đã gột sạch bao tức tưởi, lỗi lầm, thay vào đó là bao dung và bày tỏ tình cảm. Nếu ở phố thời nay, khi xảy ra một cuộc cãi vã giữa vợ và chồng, tôi quan sát thấy người chồng khá giả đi mua Iphone về tặng vợ. Tiện ích công nghệ bậc cao đã nằm trong ý nghĩ chiều chuộng nhau của các già nhân ngãi!
Về quê, cứ kiêu hãnh và can đảm nhìn vào giếng khơi để thấy mình còn quê để được an ủi, được gột rửa, được ngẫm nghĩ theo chiều kích nào đó của tâm tính người nhà quê mộc mạc.
Bao nhiêu tình cũng chưa đủ để làm nên một tấm lòng thuần hậu dành cho quê. Bấy nhiêu lần về để thấy người ly quê vẫn còn cảm khái quê mình như gió sông và nắng trời. Thoáng đạt và tự nhiên, lòng yêu quê là một nhu cầu nguồn cội.
Gác phố, về quê để thấy mình còn nợ quê nhiều lắm!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét