Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

Ngày xưa

Năm ấy mình học lớp 5, cũng vừa tròn một năm theo bố mẹ dời về trường Quang Vinh dạy học. Ngày ấy, mỗi lần chuyển trường, chuyển nhà là vô cùng vất vả. Không có các phương tiện nhanh chóng, gọn gàng, chính xác, chuyên nghiệp dư bây giờ.
Mình nhớ cái buổi tối chuyển nhà từ trường cũ sang trường mới, bố về quê mượn được hai chiếc xe cải tiến và hai ông chú, vì đang là mùa hè nên trời rất nắng, mọi người quyết định ăn cơm tối xong bắt đầu xuất phát cho mát.
Khoảng cách từ trường cũ sang trường mới là khoảng chục cây, nhưng với vận tốc của người kéo và đẩy chiếc xe cải tiến ì ạch bò trên đường quả là gian nan, vất vả.
Đêm ấy, trăng đầu tháng như lưỡi liềm chênh chếch trên đầu, hai chiếc xe cải tiến chất gia tài của cả nhà mình đầy lên tận nóc và nhằm hướng Tây Nam thẳng tiến, của nả chẳng có gì đáng giá, ngoài mấy chiếc giường và tủ gỗ đã mọt đôi chỗ, mình thấy mẹ đặc biệt quan tâm đến một chiếc thùng bằng sắt có nắp. Sau này mới biết, đó là chiếc thùng đựng gạo mậu dịch vừa hôi vừa mốc, thứ lương thực nuôi cả nhà suốt trong những năm tháng bao cấp.
Bố cầm càng một xe.
Chú cầm càng một xe.
Sau mỗi xe có hai người đẩy, nặng nhọc, bước đi từng bước một. Ngày ấy mình thấy thích thú, vì được ngồi trên xe, không phải đi bộ mỏi chân. Nhưng giờ nghĩ lại thấy nặng trĩu nỗi buồn, vì mỗi bước chân của người kéo và đẩy xe có bao tâm tư buồn thương.
Cái tết đầu tiên ở ngôi trường mới mình vẫn nhớ là năm 1982, Nhâm Tuất.
Trẻ con, nên mình hứng khởi đón tết với pháo hồng và kẹo. Ngày đó, tiền phát vốn cũng đã hiếm vì đất nước đang trong nghèo túng.
Mùng 3 tết, có một ông ở nhà bên cạnh qua rủ mình đi chơi. Ông đó học lớp cuối của trường cấp ba huyện. Mình thích lắm và nhảy lên xe của ông này ôm chặt lấy bụng và giục đi.
Ông hỏi: em thích đi đâu?
Trả lời: em không biết.
Vậy thì cứ đi. Thế là ông ấy chở mình dọc theo quốc lộ 38, đi mãi và cứ thế đi...qua bao làng mạc, ruộng vườn, có rất nhiều hình ảnh ấn tượng mà đến giờ mình vẫn nhớ.
Đó là dòng người già trẻ, gái trai quần áo xanh đỏ dắt nhau đi chúc tết láng giềng, hàng xóm.
Những con thuyền hạ buồm bạc phếch vì nắng gió quanh năm, nằm nhàn hạ ở những bến vắng teo ăn tết.
Hàng xoan già bên triền đê trụi lá, lộ ra những mầm nhỏ li ti trên đầu cành gầy guộc.
Tiếng pháo lúc dồn dập, lúc nhát gừng vang lên từ trong các con ngõ nhỏ...
Đi suốt từ sáng đến qua đầu giờ chiều, Ông anh hình như thấm mệt, đạp xe ngày một chậm.
Mình nói: về nhà nội em chơi đi.
Ông ấy hỏi ở đâu.
Chỉ còn chút đường nữa thôi anh.
Thế là ông ấy gò lưng đạp xe. Đường đê đất thịt xóc như xóc ốc, mình ngồi sau xe mà đau hết cả mông.
Về đến ông nội là quá 3 giờ chiều.
Ông vào chạn lấy bánh chưng và hành muối cùng giò nạc cho hai anh em ăn.
Mình cũng đói và ông anh cũng đói, nhai nhồm nhoàm.
Bất chợt, từ cái đài lắp của ông nội phát ra một bài hát nghe lần đầu tiên tự dưng mình thích vô cùng.
Mãi vài năm sau thi vào cấp ba, mình mới được nghe lại bài đó nhiều hơn, và từ đó, mỗi lần nghe thấy trong lòng rưng rưng, rưng rưng...
Sau đó mới biết bài hát đó là bài" Gửi em ở cuối sông Hồng" - thơ Dương Soái, nhạc Thuận Yến, do ca sỹ Tiến Thành và Thanh Hoa trình bày.
Mãi sau này mình cũng mới biết, ông anh hàng xóm định cưa bà chị mình nên mới đưa mình đi chơi nhiệt tình như vậy, không quản cái sự đạp xe mấy chục cây số chai cả mông đít.
Và mãi sau này nữa mình mới đọc được nguyên bản bài thơ góp phần quan trọng cho sự nổi tiếng của ca khúc. Bài thơ đó là bài:

Anh ở Lào Cai
Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Tháng Hai, mùa này con nước
Lắng phù sa in bóng đôi bờ

Biết em năm ngóng, tháng chờ
Cứ chiều chiều ra sông gánh nước
Nên ngày ngày cùng bạn bè lên chốt
Anh lại xuống sông Hồng cho thoả nỗi em mong

Đài báo gió mùa, em thương ở đầu sông
Đỉnh đồi cao chiến hào anh gặp rét
Biết màu màng đồng quê chưa cấy hết
Tay em ngập dưới bùn, lúa có thẳng hàng không?

Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng...
Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy
Em ra sông chắc em sẽ thấy
Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông.

Nhưng thơ ngây đâu còn ở chúng mình
Khi Tổ quốc trao anh lên tuyến đầu chặn giặc
Khi biên cương trong anh đã trở thành máu thịt
Đạn lên nòng anh giữ trọn nguồn sông

Nỗi nhớ cho em chưa viết được đôi dòng
Đạn quân thù bỗng cuồng điên vào thị xã
Xe tăng thù nghiến mặt sông êm ả
Nhịp cầu thù chặt đứt chờ mong

Bão lửa này mang sức mạnh hờn căm
Phá cầu thù, xé vụn xe tăng giặc
Giữa dòng sông nghìn xác thù ngã gục
Máu giặc loang ố cả một vùng

Thì hỡi em yêu ở cuối sông Hồng
Nếu gặp dòng sông ngàu lên sắc đỏ
Là niềm thương anh gửi về em đó
Qua màu nước sông Hồng, em hiểu chiến công anh./...












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét