Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Ly hương mà chẳng ly nông

Hôm nay, lớp mình họp ở quê. Từ sáng đã nhận được cái tin nhắn đểu của cu Trọng:"may ve thi tran An Thi ngay"...Mình đang ngủ, nghe thấy máy choét choét, giật bắn mình tỉnh dậy, thói quen mở mắt là dòm đồng hồ, mới 5h58'.
Sớm thế mà đã nhắn tin, hóa ra cái tin đểu của cu Trọng, mẹ kiếp, trêu nhau sớm thế. Mình lầu bầu, nhắn giả lại: " Deo phai moi, trua nay bo may co mat".
Xong định ngủ tiếp, dưng sao mắt nhắm mà đầu cứ nghĩ linh tinh.
Thế là chúng nó hôm nay lại được gặp nhau. Cứ hai năm một lần, khi xưa ở quê, chẳng năm nào mình vắng mặt. Hầu như mỗi năm lại lòi ra một thằng, một con, mặt trông nhàu như dưa muối, mừng mừng, tủi tủi bên thầy chủ nhiệm, có đứa khóc tu tu khi chưa uống rượu, có đứa uống rất nhiều để khóc, mà không khóc nổi. Mặt bần thần mà bẩu: Sao tao uống cho say để khóc mà đéo khóc được?
Mình bẩu: Thế dưng làm sao phải khóc? mà cứ gì ướt mắt mới là khóc, dư thế là mày đang khóc đấy còn đéo gì nữa?
Vui lắm, những ngày như thế. Mình cũng cảm ơn giời được thầy chủ nhiệm hai năm cuối cấp đúng nghĩa là thầy. Có thầy, cái lớp chọn 12a của mình giờ mới bên nhau thắm thiết là vậy, trừ những đứa đéo thích thắm thiết.
11h30, thằng cu Tất Mạnh lại gọi trêu ngươi mình, không gian ồn ã ngoài kia của chúng nó làm mình thèm rỏ dãi. Tưởng tượng ra mùi thức ăn, mùi rượu, mùi đủ dạng người...nhưng cùng vì một cái lớp 12a khiến mình buồn nẫu ruột. Lần mần một tí cho đỡ buồn vậy, ủn mẹ nó cái bài này lên, ai đọc thì đọc, chẳng đọc thì thôi, bởi nó cũng chẳng ra cái đéo gì. Mình chỉ thích mấy cái ảnh mình sáng tác ở dưới gầm cầu Long Biên thôi.

Đây, bài ấy đây và hình ảnh mình phang được ở Bãi Giữa đây:

Nằm giữa hai quận của Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng vài cây số, nhưng cuộc sống của hàng trăm con người nơi đây gần như biệt lập, khác lạ với khung cảnh náo nhiệt, phồn hoa của phố phường.

Khi chiều xuống, một không gian thanh bình của làng quê Việt Nam hiển hiện rõ trước mắt, những cột khói màu lam mềm mại bốc lên từ thửa đất vừa thu hoạch rau màu, ẩn hiện trên con đường bạt ngàn màu xanh của ngô che phủ là đàn bò căng bụng đủng đỉnh về chuồng… Chỉ có cây cầu Long Biên như nhân chứng và cũng là chiếc gạch nối cho hai cuộc sống đối lập nhau, kéo dài suốt hàng mấy mươi năm.

Bãi Giữa sông Hồng, sau bao lần đổi tên, từ Cơ Xá, An Xá rồi Phúc Xá, nhưng cái tên dẫu có đổi thì hình như cuộc sống của con người nơi đây vẫn một nắng hai sương lam lũ. Làng Bãi, sau trận lũ to nhất thế kỷ năm 1971, dòng sông trở mình, nước đổi dòng đã làm biến mất những gì con người đặt dấu ấn của mình lên đó suốt gần trăm năm. Nhưng cũng chỉ hơn 10 năm sau, cánh bãi lại nổi lên, lại rộng, lại dài không thua kém ngày trước. Những cư dân làng cũ và người tứ xứ dẫn nhau về canh tác. Cuộc sống đổi thay, nhiều người dân là gốc gác Hà Nội đã lên bờ buôn bán, chuyển nghề khác, thế là đất đai Bãi Giữa nhường lại dần cho những người nông dân ở các tỉnh xung quanh như Hưng Yên, Bắc Ninh, Phú Thọ tới thuê lại để trồng hoa màu.

Tiếp chúng tôi trong căn chòi lợp lá cọ khoảng 10 mét vuông, căn chòi vừa là chỗ ngủ, vừa là nơi đun nấu của hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Thành, quê ở Bình Minh (Khoái Châu- Hưng Yên), anh Thành cho biết: Vợ chồng tôi đã lên đây thuê đất được dăm năm nay rồi, ở quê đất chật, người đông. Vợ chồng lấy nhau xong có người mách lên Bãi Giữa (Hà Nội) thuê đất làm màu là đi ngay, qua mấy vụ gieo trồng, thấy có làm ăn được, cả hai ở luôn từ bấy đến giờ.

Tính từ đầu bãi là trên tận giáp Phú Thượng đến cuối bãi giáp với Phúc Tân, Bãi Giữa dài chừng 5 cây số, nơi đây hiện có hàng trăm con người khắp các tỉnh đồng bằng sông Hồng đến làm ăn sinh sống, nhưng đông nhất vẫn là người Hưng Yên. Họ dựng những căn chòi tạm để che mưa che nắng, làm chỗ ăn nghỉ và trông nom hoa màu. Nói là tạm, nhưng đối với họ cũng là một gia tài, bởi một căn chòi 10 mét vuông như của vợ chồng anh Thành dựng lên cũng mất ngót chục triệu đồng. Ban đầu cột làm bằng tre, nhưng chỉ qua vài cơn giông lốc là sập đổ. Mọi người chở xi măng và sắt ra tận nơi để đổ cột cho chắc và những cây cột này đã đủ sức chống chọi với gió bãi sông Hồng. Mái lợp lá cọ cứ hai năm thay một lần, hình như giữa bãi trống, nắng và gió khắc nghiệt hơn nên lá mau hỏng, chóng rách.

Chỉ khi màn đêm kéo xuống, cuộc sống của những người dân Bãi Giữa và những người hai bên bờ sông mới thấy rõ nhất sự đối lập. Những sắc màu lung linh, huyền ảo từ ngàn, vạn ánh đèn của phố xá in bóng xuống sông Hồng, phản chiếu lên cả một vùng bãi chỉ le lói vài bóng đèn dầu, họa hoằn lắm mới có một bóng đèn thắp bằng ắc qui.

“Ngày trước mọi người ở đây đều múc nước sông về rồi đánh phèn vào để ăn. Mấy năm nay khá lên bọn em khoan được giếng rồi, nước ăn cũng đỡ ngang, đỡ tanh”. Vừa bơm nước rửa gánh rau cải mang lên cầu Long Biên bán chiều, chị Thắm ở Mễ Sở (Văn Giang- Hưng Yên) nói. Nơi trồng hoa màu của những người dân nơi đây mặc dù không xa trung tâm Hà Nội, cách chợ đầu mối Long Biên chừng một cây sào dài khi nước rút, nhưng sản phẩm của họ nhiều khi làm ra không tiêu thụ được.

Chỉ trông vào những gánh rau bán sớm hay bán chiều trên cầu Long Biên để kiếm chút tiền cho con ăn học và thêm đồng mắm muối. Nhiều khi bị lực lượng chức năng cấm không cho bán vì ảnh hưởng đến trật tự giao thông, thế là rau đành chở sang sông bán rẻ như cho, hoặc thôi thì để cho già quá lứa rồi bỏ trồng thứ khác. “Biết là vi phạm trật tự giao thông trên cầu nhưng bọn em vẫn cứ ngồi bán vì cuộc sống mà thôi” chị Thắm tâm sự. Một năm chủ yếu là hai vụ ngô và lạc, xen kẽ vào đó là các loại rau màu như cải, su hào, đỗ.v.v… sản phẩm làm ra tự mang đi tiêu thụ. Ngô, đỗ, lạc phơi khô nếu may thì bán được tại chỗ cho tàu thuyền đi qua, nếu không thì chở về quê chờ được giá rồi mới bán. Trừ tiền thuê đất, phân bón, bơm nước, mỗi sào cũng chỉ lãi vài trăm nghìn đồng mà suốt cả năm quần quật vun xới, tưới tắm.
 
Đất ở đây nếu không thuê được của nhiều nhà cùng một lúc thì rất khó canh tác, bởi mỗi suất địa phương giao cho nông dân bề rộng chỉ có ba mét rưỡi, chiều dài lại đến bốn, năm trăm mét nên tưới rất khó vì tiền mua ống dẫn nước tốn kém gấp nhiều lần bình thường. Năm, sáu năm nay, nước sông bồi ít, ngày xưa mỗi lần nước về, lúc rút đi để lại hàng chục phân phù sa màu mỡ. Bây giờ phù sa đi đâu mất chỉ còn trơ cát, chính vì vậy lượng phân bón cung cấp cho cây trồng ngày một tăng thêm nên chi phí rất lớn. Những chỗ cao vào tháng hạn chẳng thể trồng nổi cây gì.
Hầu như các hộ đến thuê đất ở Bãi Giữa đều để con cái ở quê cho ông, bà trông nom giúp. Chỉ có vậy thì bọn trẻ đến tuổi mới được đi học, bởi chi phí, điều kiện ăn uống, tiền đóng học đỡ tốn kém hơn rất nhiều ở Hà Nội. Thỉnh thoảng ngày giỗ chạp, gia đình có việc mới dắt nhau về quê, ngày trước ngày sau, sấp ngửa lại phải lên ngay để chăm sóc, trông coi hoa màu.

Một năm, chỉ trừ hai tháng nước ngập, còn lại 10 tháng, hàng trăm con người trụ lại với Bãi Giữa cần mẫn cày cuốc, không quản nắng mưa để mong tích cóp, dành dụm bỏ ra những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi trang trải cho cuộc sống gia đình. Chỉ đến những ngày cuối năm, chuẩn bị đón cái tết nguyên đán, họ mới lại được về đoàn tụ với gia đình dài ngày nhất. Những hộ mang con cái đến đây lập nghiệp thì coi như xa cách hẳn quê hương.

Nói đến làng Bãi Giữa sông Hồng, không thể không nhắc đến một cộng đồng cư dân sống trên những chiếc thuyền nhỏ bé. Neo đậu bên này bờ bãi giữa, thuộc địa phận quản lý của quận Hoàn Kiếm, nơi đây có một làng chài với gần 20 nóc nhà bập bềnh trên mặt nước sông Hồng. chính trên những chiếc thuyền chài này,nhiều gia đình đã hình thành, sinh sôi từ đây. Cuộc sống của trẻ nhỏ ở vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Không kiếm sống được bằng chài lưới, nhiều gia đình cả bố, mẹ đều đi nhặt rác, các em còn nhỏ cũng đã phải theo người lớn lang thang khắp nơi, lúc thì gầm cầu, khi thì cuối chợ. Việc ăn uống còn thiếu thốn nói gì đến việc học hành. Ở đây có chừng khoảng 20 em ở độ tuổi từ 1 đến 15. Mặc dù đã có một số tổ chức, cá nhân giúp đỡ các em về vật chất và tổ chức lớp học trên bờ, song từng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Vì vậy, ước mơ được đến trường hàng ngày như bao trẻ em khác vẫn còn là một điều quá xa vời đối với bọn trẻ.

Rất khó quản lý về mặt nhân khẩu của cộng đồng dân cư Bãi Giữa sông Hồng, bởi tính không ổn định của lượng người đến đây làm ăn sinh sống, cả ở trên bờ và dưới thuyền. Thêm vào nữa, Bãi Giữa không thuộc về một địa phương quản lý hành chính, có khu vực thuộc quận Long Biên, có khu vực thuộc quận Hoàn Kiếm.v.v… mặc dù thời gian qua, các cấp chính quyền ở đây đã có sự quan tâm đến cuộc sống của cư dân Bãi Giữa. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ dừng lại ở mức độ khiêm tốn.

Cũng khó có thể đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm tại đây vì nhiều nguyên nhân, các cấp chính quyền ở Hà Nội đến bây giờ cũng chưa tìm ra lời giải hữu hiệu. Bởi vậy cộng đồng cư dân Bãi Giữa vẫn hàng ngày bảo nhau làm ăn, giúp đỡ nhau khi xảy ra ốm đau, hoạn nạn, họ đã quen như thế từ hàng mấy chục năm nay. Cũng hàng chục năm nay, những người dân từ nhiều nơi đến đây sinh sống chưa hề gây ra vụ phạm pháp nghiêm trọng nào.
Không rõ, có phải cuộc sống bị xã hội phân biệt đối xử đã khiến những người dân bãi giữa lúc nào cũng có vẻ thiếu lòng tin vào bản thân, vào những người từ nơi khác tới. Điều này được chứng minh, bởi khi hỏi rất nhiều người dân ở Bãi Giữa: Anh, chị có kiến nghị gì tới các cấp chính quyền nơi đây để điều kiện làm ăn và cuộc sống dễ chịu hơn lên? tôi đều nhận được câu trả lời là không kiến nghị gì hoặc cái lắc đầu vô cảm.



Chứng nhân bên dòng sông Cái


Xa xa là em của nó, tên gọi là Chương Dương,
con em đẻ sau mà xấu kinh


Đất phù sa giờ cũng trở nên bạc màu vì dòng đổi


Gia tài quí giá nhất của đôi vợ chồng son,
mặc dù đã bước sang tuổi tứ tuần


Chở rau vào thành phố


Có biết bao nhiêu mồ hôi, công sức đổ ra
trên mảnh đất màu bạc phếch phơ...


Để có một màu xanh ngút ngàn dư thế này...

1 nhận xét: