Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Thằng Hùng

Mình có một thời rất chăm ghi ghi, chép chép mỗi khi thấy điều gì đắc trí.
Nhưng rồi chỉ được một thời gian, tự dưng mất hứng, bỏ bẵng đi không còn thói quen ấy nữa.
Hôm nay bỗng lục trong góc tủ thấy hai cuốn sổ của thời ấy, dày đặc dững chữ là chữ.
Đọc ở trang đầu có một đoạn: " Nó là đồ chơi, có tiền mua nó để xem, đó là tôi chơi nó. Nếu vì mua nó mà đi vay nợ- trả nợ, thì đó là nó chơi tôi".
Bỗng nhớ đến thằng cháu cạnh nhà ở quê. Thằng này y chang như cái câu mình vớ được trong truyện ngắn của Tàu mà mình ghi lại trong cuốn sổ.
Tên nó là Hùng, kém mình một tuổi, cầm tinh con lợn. Bố khỉ, sao dững thằng ở lớp mình cũng tuổi nó toàn thằng khá giả, ăn chả hết, rủng rỉnh tiền, rủng rỉnh cả đất đai, vậy mà nó giờ vẫn cơ khổ.
Lý ra trong họ, nó phải gọi mình bằng chú, bởi mình gọi bố nó là anh. Sêm sêm tuổi nhau, nó gọi bằng anh và quen mồm giờ vẫn vậy, điều này cũng chẳng sao, vì mình nghe cũng quen tai rồi.
Ngày nhỏ, mẹ gửi mình về ông nội. Vẫn nhớ, trong tháng ngày thơ ấu ấy, trò vui nhất của mình và anh em nhà nó là cởi truồng, nhảy xuống cái ao đầy bèo tấm nhà ông nội bơi ùm ùm buổi trưa. Lúc lên, đầu đầy bèo, chân tay cáu bám dài từng vệt, tóc vàng hoe, khét lẹt, chẳng cần phải đi ruộm dư thanh niên bây giờ, vừa mất tiền, vừa chóng hỏng tóc.
Trò vui thứ hai là ngóng trông những đêm giăng mùa hè để chơi trốn tìm, cứ chân đất, chạy huỳnh huỵch quanh cái sân gạch của ông, ra cả vườn, chui vào bụi duối rậm rịt...mà chẳng hề biết sợ. Tha hồ cho người lớn dọa ma, dọa rắn, vẫn ham chơi đến tận khuya, mồ hôi nhễ nhại như tắm...và đến khi mệt lử cả hội nằm lăn quay ra cái chiếu ông trải giữa hè đánh ngon lành một giấc tới sáng bảnh mắt, mặt giời rọi thẳng vào người nóng ran mới dậy.
Bẵng đi một thời gian dài. Hết cấp hai, rồi cấp ba, thi vào đại học, hơn năm sau mình trở lại quê, ở nhà ông nội, thế là hai thằng lại ở cạnh nhau.
Dưng mà nó chỉ học hết lớp bảy, bỏ học giữa chừng, được mấy năm nó bị gọi đi lính, rồi ra quân về quê lấy vợ. Nó theo ông chú mình ở cùng xóm lên Tây Bắc học nghề thợ mộc. Làm thợ vài năm, dường như học hết nghề của ông chú, nó chuồn về quê tự mở xưởng ở nhà đóng đồ theo yêu cầu của hàng xóm láng giềng.
Nhà mình cạnh nhà nó, hưởng trọn dững âm thanh đặc trưng của xưởng mộc. Tiếng chan chát của cái dùi bằng gỗ lim phang vào chuôi đục, tiếng cưa máy rít lên the thé, rung cả màng nhĩ, rồi tiếng rìu đẽo cây cắc cum, cắc cum nghe mà buồn não ruột.
Nó mời mình sang nhà uống nước.
Mình nhấp chén chè nó đưa cho, rụt cả lưỡi vì đắng.
-Sao mày uống đặc thế?
-Từ ngày em làm nghề này nó cứ thế đấy. Chẳng hiểu sao nữa, dưng mà em nghi cái mạt cưa nó chui vào cổ em nhiều nên giờ uống gì cũng nhạt thếch. Chỉ pha đặc dư này em mới thấy vừa.
Mình mở nắp ấm, ối giời là giời, tuyền là chè, chẳng thấy nước đâu, thảo nào, quánh lại như hồ.
Ngồi uống nước với nó vài lần, mình phát hiện thằng này ngập nặng, đó là chè và thuốc lào. Làm thì thôi, nghỉ là cứ 3 phút nó vê một điếu, bắn cho tụt cả nõ, mồm phun mù mịt, trong làn khói thuốc trắng như mây, mình thấy mắt nó dại đờ đẫn, dưng vẫn có cái gì đó ánh lên khoan khoái đến vô cùng.
Nó chỉ vào góc trên của cái bàn thờ xây bằng gạch.
- Em vừa chơi con này, coi dư ba tháng cơm cà nén húp nước mưa để bù vào cho nó. Em mở bác nghe thử, sướng lắm!
Mình nhìn lên thấy một cái cát sét dài ngoằng ngoẵng, chữ nghĩa như giun như dế, hai cái loa cơ man nào đèn xanh đỏ, nháy vô hồi kỳ trận. Nó mở to đến nỗi nhìn thấy cả cái màng loa rung lên bần bật, phập phồng theo tiếng nhạc đập, chỉ chực rách.
- Nhỏ thôi, không rách mẹ nó loa.
- Bác không biết nghe, em cứ phải cỡ này mới sướng.
Về sau, vợ nó kể chuyện mình mới biết, nó sang nhà thằng bạn xóm bên đi chợ Lạng Sơn thấy có cái này, nhìn, nghe mê mẩn cả người, nhà chẳng có tiền, giục vợ tíu tít bán thóc đi, thiếu bao nhiêu đi vay để mua cho kỳ được. Vay không nổi, thế là tiền mua gỗ của người ta đặt trước, nó đem ra rủ thằng bạn đi chợ Sặt ôm cái cát sét Tàu về đặt lên bàn thờ nghe suốt cả ngày lẫn đêm không chán.
Từ cái cát sét ấy mà nó mắc nợ quay cuồng đến mấy năm mới trả hết, trả xong nợ thì cái cát sét ậm ạch từ đời nào, loa nhão nát, cứ phèng phèng như đập vào mẹt. Có bao nhiêu băng cắn đứt bấy nhiêu, có hôm rối cả cục như mớ bòng bong trong hộc băng, cạy mãi không ra. Thế là từ đó, nó có thêm nghề chữa đài quay băng, mà thằng này chữa băng rối với chỉnh đầu từ đại tài.
Bẵng đi một thời gian, một hôm nó chạy huỳnh huỵch sang nhà mình gọi.
- Bác sang em nhờ tí.
Mình hấp tấp chạy theo nó, thấy một cái ba bét nhè màu đỏ như con chuồn chuồn ớt bánh trước nằm gọn trong bụi mây ở cổng.
- Mày mượn ở đâu đấy?
- Em vừa mua ở dưới quê vợ về.
Hóa ra, thằng này xuống ăn cỗ ở đằng ngoại, rượu chè be bét vào, có ông chú vợ muốn đẩy con ba bét nhè này đi gạ nó.
- Làm chủ xưởng mộc phải có cái xe máy đi giao dịch mới oách, đi xe máy mới nhận được nhiều công trình nhớn nghe chửa.
Cậu bùi tai, lại chưa đi xe máy bao giờ đồng ý ngay tắp lự.
Sau ba vòng ông chú kèm cặp trong sân kho hợp tác, nó chào từ biệt mọi người bên vợ, nhảy lên con nghẽo này, phóng như bay về nhà. Thế chó nào đến cổng lao mẹ nó vào bụi mây, rút mãi xe không ra được.
Cũng kể từ hôm đó, nó bận bịu như con mọn, tay lúc nào cũng đen sì vì dầu mỡ.
Chẳng hiểu sao con ba bét nhè này giở chứng với chủ mới, sáng ra nó dựng chân chống giữa, còng lưng, toát mồ hôi hột, đạp căng hết cơ chân, cơ đùi, cả cơ đít nữa mà chẳng chịu nổ.
Có hôm nổ được, vừa thấy nó phi ra cổng đã thấy dắt xe về, mặt tái dại vì mệt, hỏi làm sao, nó bẩu:
- Hết mẹ nó xăng bác ạ. Rõ ràng hôm qua em vừa rót một lít, có đi được đéo đâu đâu, chỉ nổ máy loanh quanh trong sân mà hôm nay khô như đít chảo rang ngô.
Vụ xe này như nhời vợ nó bảo, mất đúng năm chỉ, bán một lứa lợn, gần hết thóc trong cót và nhặt nhạnh tiền công thợ vẫn thiếu, phải vay thêm hơn chỉ nữa mới trả xong nợ.
Ô hô, mình thấy bái phục thằng này!
Một thời gian sau nữa, mình về nghỉ hè, thấy nó thu dọn cưa, đục, máy móc đút ráo vào trong buồng.
Hỏi sao lại vậy? Nó bảo, đất này khó sống lắm, em làm dư thế mà chẳng bao giờ có tiền, suốt ngày đi vay lãi, cơm cháo nhì nhằng chẳng đủ. Em đang đi kiếm con min khờ lên Lạng Sơn chạy xe ôm đây.
Tưởng nó nói đùa, hai hôm sau, thấy nó như con nhái bén ngồi chồm chỗm trên cái xe min màu tím than to như con trâu mộng khùng khục, khùng khục chạy vào trong sân, khói như quạt chả, mù mịt giời, khét lẹt.
Mình đã quen, hỏi luôn:
- Mấy chỉ?
- Tất tật 9 chỉ bác ạ. Có đâu, em vay mỗi ông bà một ít, lên đó kéo cày trả dần.
Lúc đó, thằng này đã có hai con gái và nó quãng 23, 24 tuổi gì đó.
Mười năm sau, mình về quê, gặp nó ngoài đường. Trông nó già như ông cụ, răng vàng xỉn lại vì khói thuốc, tay chân gân guốc, tóc nó dựng đứng như rễ tre. Nó bẩu, em về hẳn quê rồi bác ạ. Tàn hai con min, mười năm giời trên đất Lạng, em bỏ ra được đúng 7 chỉ, về mua lại cái mảnh đất của thằng em rể, lại vay mượn để cất nhà rồi tính xem làm gì để có cái ăn.
Nó âu sầu: Biết vậy em đéo đi, cứ ở nhà kỳ cạch đục đục, đẽo đẽo giờ có khi ngon mẹ nó rồi!
Mình cũng tưởng sau đận ấy tâm nó sẽ tĩnh, nằm quê rồi tìm ra việc gì đó, túc tắc qua ngày hai vợ chồng trồng rau, cấy lúa sinh nhai.
Ba năm sau về, thấy trong cái sân tin hin nhà nó có một cái xe con cóc rách bươm, hỏi đứa lớn:
- Bố mày đâu?
- Bố cháu đang chui trong gầm ô tô ấy.
Nó trườn ra khỏi bụng xe, cái chân đen nhẻm thò ra trước, cái đầu tóc bơ phờ ra sau, áo quần đầy bụi đất và mỡ xe, trông đến khổ.
- Bác chờ em rửa cái tay rồi vào làm hớp nước.
Chưa kịp để mình hỏi, nó tuôn một tràng:
- Thấy bọn nó có ô tô, em máu quá, thèm được có cái rồi đi chở hàng thuê cũng kiếm được ca gạo nấu cháo mỗi ngày. Thèm đến nỗi ngủ mơ cũng tuyền thấy ô tô là ô tô. Cầu được ước thấy, nửa tháng sau, có ông bên chợ bảo bán con này, em sang xem, kết nổ đĩa, về quay tiền, cắm cả sổ đỏ mới đủ, sang lấy luôn. Cả học lái và mua xe tổng thiệt hại 7 chục bác ạ. Tháng em vẫn phải trả lãi cho quĩ tín dụng xã 500 nghìn.
Mình vừa nghe, vừa nhìn nó như bị ma làm!
Năm sau, mình về, cái gọi là ô tô của nó tả tơi thậm tệ, trông nó không khác gì cái thùng bằng sắt có gắn 4 cái bánh cao su.
Hỏi chuyện làm ăn, nó bảo, số em đen dư chó, dính vào cái gì chết cái ấy. Em muốn bán xe mà đéo thằng nào mua, hôm trước có hai thằng đến xem, tưởng nó kết rồi, nhưng lúc lên nổ máy đi thử, thế đéo nào em đề gãy cả thìa khóa nó không nổ cho. Lúc bọn nó về rồi, cái bé nhà em lên ngồi chơi, nó ngịch thế nào, sờ vào ổ khóa, xe nổ rầm rầm, may mà đéo cài số chứ không có đứa toi.
- Nhà mày có đứa nào bé đâu?
- Bác ít về đéo biết, em vừa cho ra một con vịt nữa rồi, tổng cộng bốn vịt giời!
Ôí giời ơi, Hùng ơi là Hùng! mình nhìn nó như nhìn một vị thánh!
Đấy là câu chuyện của hai năm về trước.
Năm ngoái mình về, gọi điện sang nhà, gặp một trong bốn đứa con gái nhà nó hỏi.
- Bố mày đâu?
- Bố cháu đi chở khách.
- Xe nhà mày thế khách đéo nào đi?
- Bố cháu vừa mua xe mới rồi!
Mình cầm điện thoại, há hốc mồm kinh ngạc.
Chiều tối sang, nhìn thấy cổng nhà nó có một con ma tịt đen thùi lũi, biển đẹp kinh: 89K-4444.
Nó đang ngồi thu lu trên ghế, tay cầm xe điếu, tay cầm đóm đang cháy phần phật.
Thả hết khói thuốc, nó chậm rãi:
- Em mua con này cách đây 6 tháng. Con kia không bán được giờ đắp chiếu để đấy, thỉnh thoảng chở phân ra đồng cho vợ. Con này cả thảy hơn trăm, em vay lãi quá nửa. Giờ nhì nhằng chạy chở khách, phục vụ họ hàng, cũng có đồng ra, đồng vào để trả lãi cho ngân hàng.
Kinh quá Hùng ơi! Mình lẩm bẩm, cả làng, có mỗi nhà mày là có 2 cái ô tô, một cái chỉ để chở cứt ra ruộng cho vợ mày bón lúa. Nhất mày rồi còn gì, ở Nhật, sướng thế cũng chỉ được dư mày là cùng thôi, tao bái phục, bái phục!!!!
Đến đây, mình lại nhớ đến cái đoạn mình chép trong cuốn sổ: " Nó là đồ chơi, có tiền mua nó để xem, đó là tôi chơi nó. Nếu vì mua nó mà đi vay nợ- trả nợ, thì đó là nó chơi tôi".
Hùng ơi! mày bị cái lũ cát sét tàu, ba bét nhè, min khờ, ma tịt nó chơi mày đến bao giờ hả Hùng???
Đời ơi là đời...










Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Ly hương mà chẳng ly nông

Hôm nay, lớp mình họp ở quê. Từ sáng đã nhận được cái tin nhắn đểu của cu Trọng:"may ve thi tran An Thi ngay"...Mình đang ngủ, nghe thấy máy choét choét, giật bắn mình tỉnh dậy, thói quen mở mắt là dòm đồng hồ, mới 5h58'.
Sớm thế mà đã nhắn tin, hóa ra cái tin đểu của cu Trọng, mẹ kiếp, trêu nhau sớm thế. Mình lầu bầu, nhắn giả lại: " Deo phai moi, trua nay bo may co mat".
Xong định ngủ tiếp, dưng sao mắt nhắm mà đầu cứ nghĩ linh tinh.
Thế là chúng nó hôm nay lại được gặp nhau. Cứ hai năm một lần, khi xưa ở quê, chẳng năm nào mình vắng mặt. Hầu như mỗi năm lại lòi ra một thằng, một con, mặt trông nhàu như dưa muối, mừng mừng, tủi tủi bên thầy chủ nhiệm, có đứa khóc tu tu khi chưa uống rượu, có đứa uống rất nhiều để khóc, mà không khóc nổi. Mặt bần thần mà bẩu: Sao tao uống cho say để khóc mà đéo khóc được?
Mình bẩu: Thế dưng làm sao phải khóc? mà cứ gì ướt mắt mới là khóc, dư thế là mày đang khóc đấy còn đéo gì nữa?
Vui lắm, những ngày như thế. Mình cũng cảm ơn giời được thầy chủ nhiệm hai năm cuối cấp đúng nghĩa là thầy. Có thầy, cái lớp chọn 12a của mình giờ mới bên nhau thắm thiết là vậy, trừ những đứa đéo thích thắm thiết.
11h30, thằng cu Tất Mạnh lại gọi trêu ngươi mình, không gian ồn ã ngoài kia của chúng nó làm mình thèm rỏ dãi. Tưởng tượng ra mùi thức ăn, mùi rượu, mùi đủ dạng người...nhưng cùng vì một cái lớp 12a khiến mình buồn nẫu ruột. Lần mần một tí cho đỡ buồn vậy, ủn mẹ nó cái bài này lên, ai đọc thì đọc, chẳng đọc thì thôi, bởi nó cũng chẳng ra cái đéo gì. Mình chỉ thích mấy cái ảnh mình sáng tác ở dưới gầm cầu Long Biên thôi.

Đây, bài ấy đây và hình ảnh mình phang được ở Bãi Giữa đây:

Nằm giữa hai quận của Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng vài cây số, nhưng cuộc sống của hàng trăm con người nơi đây gần như biệt lập, khác lạ với khung cảnh náo nhiệt, phồn hoa của phố phường.

Khi chiều xuống, một không gian thanh bình của làng quê Việt Nam hiển hiện rõ trước mắt, những cột khói màu lam mềm mại bốc lên từ thửa đất vừa thu hoạch rau màu, ẩn hiện trên con đường bạt ngàn màu xanh của ngô che phủ là đàn bò căng bụng đủng đỉnh về chuồng… Chỉ có cây cầu Long Biên như nhân chứng và cũng là chiếc gạch nối cho hai cuộc sống đối lập nhau, kéo dài suốt hàng mấy mươi năm.

Bãi Giữa sông Hồng, sau bao lần đổi tên, từ Cơ Xá, An Xá rồi Phúc Xá, nhưng cái tên dẫu có đổi thì hình như cuộc sống của con người nơi đây vẫn một nắng hai sương lam lũ. Làng Bãi, sau trận lũ to nhất thế kỷ năm 1971, dòng sông trở mình, nước đổi dòng đã làm biến mất những gì con người đặt dấu ấn của mình lên đó suốt gần trăm năm. Nhưng cũng chỉ hơn 10 năm sau, cánh bãi lại nổi lên, lại rộng, lại dài không thua kém ngày trước. Những cư dân làng cũ và người tứ xứ dẫn nhau về canh tác. Cuộc sống đổi thay, nhiều người dân là gốc gác Hà Nội đã lên bờ buôn bán, chuyển nghề khác, thế là đất đai Bãi Giữa nhường lại dần cho những người nông dân ở các tỉnh xung quanh như Hưng Yên, Bắc Ninh, Phú Thọ tới thuê lại để trồng hoa màu.

Tiếp chúng tôi trong căn chòi lợp lá cọ khoảng 10 mét vuông, căn chòi vừa là chỗ ngủ, vừa là nơi đun nấu của hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Thành, quê ở Bình Minh (Khoái Châu- Hưng Yên), anh Thành cho biết: Vợ chồng tôi đã lên đây thuê đất được dăm năm nay rồi, ở quê đất chật, người đông. Vợ chồng lấy nhau xong có người mách lên Bãi Giữa (Hà Nội) thuê đất làm màu là đi ngay, qua mấy vụ gieo trồng, thấy có làm ăn được, cả hai ở luôn từ bấy đến giờ.

Tính từ đầu bãi là trên tận giáp Phú Thượng đến cuối bãi giáp với Phúc Tân, Bãi Giữa dài chừng 5 cây số, nơi đây hiện có hàng trăm con người khắp các tỉnh đồng bằng sông Hồng đến làm ăn sinh sống, nhưng đông nhất vẫn là người Hưng Yên. Họ dựng những căn chòi tạm để che mưa che nắng, làm chỗ ăn nghỉ và trông nom hoa màu. Nói là tạm, nhưng đối với họ cũng là một gia tài, bởi một căn chòi 10 mét vuông như của vợ chồng anh Thành dựng lên cũng mất ngót chục triệu đồng. Ban đầu cột làm bằng tre, nhưng chỉ qua vài cơn giông lốc là sập đổ. Mọi người chở xi măng và sắt ra tận nơi để đổ cột cho chắc và những cây cột này đã đủ sức chống chọi với gió bãi sông Hồng. Mái lợp lá cọ cứ hai năm thay một lần, hình như giữa bãi trống, nắng và gió khắc nghiệt hơn nên lá mau hỏng, chóng rách.

Chỉ khi màn đêm kéo xuống, cuộc sống của những người dân Bãi Giữa và những người hai bên bờ sông mới thấy rõ nhất sự đối lập. Những sắc màu lung linh, huyền ảo từ ngàn, vạn ánh đèn của phố xá in bóng xuống sông Hồng, phản chiếu lên cả một vùng bãi chỉ le lói vài bóng đèn dầu, họa hoằn lắm mới có một bóng đèn thắp bằng ắc qui.

“Ngày trước mọi người ở đây đều múc nước sông về rồi đánh phèn vào để ăn. Mấy năm nay khá lên bọn em khoan được giếng rồi, nước ăn cũng đỡ ngang, đỡ tanh”. Vừa bơm nước rửa gánh rau cải mang lên cầu Long Biên bán chiều, chị Thắm ở Mễ Sở (Văn Giang- Hưng Yên) nói. Nơi trồng hoa màu của những người dân nơi đây mặc dù không xa trung tâm Hà Nội, cách chợ đầu mối Long Biên chừng một cây sào dài khi nước rút, nhưng sản phẩm của họ nhiều khi làm ra không tiêu thụ được.

Chỉ trông vào những gánh rau bán sớm hay bán chiều trên cầu Long Biên để kiếm chút tiền cho con ăn học và thêm đồng mắm muối. Nhiều khi bị lực lượng chức năng cấm không cho bán vì ảnh hưởng đến trật tự giao thông, thế là rau đành chở sang sông bán rẻ như cho, hoặc thôi thì để cho già quá lứa rồi bỏ trồng thứ khác. “Biết là vi phạm trật tự giao thông trên cầu nhưng bọn em vẫn cứ ngồi bán vì cuộc sống mà thôi” chị Thắm tâm sự. Một năm chủ yếu là hai vụ ngô và lạc, xen kẽ vào đó là các loại rau màu như cải, su hào, đỗ.v.v… sản phẩm làm ra tự mang đi tiêu thụ. Ngô, đỗ, lạc phơi khô nếu may thì bán được tại chỗ cho tàu thuyền đi qua, nếu không thì chở về quê chờ được giá rồi mới bán. Trừ tiền thuê đất, phân bón, bơm nước, mỗi sào cũng chỉ lãi vài trăm nghìn đồng mà suốt cả năm quần quật vun xới, tưới tắm.
 
Đất ở đây nếu không thuê được của nhiều nhà cùng một lúc thì rất khó canh tác, bởi mỗi suất địa phương giao cho nông dân bề rộng chỉ có ba mét rưỡi, chiều dài lại đến bốn, năm trăm mét nên tưới rất khó vì tiền mua ống dẫn nước tốn kém gấp nhiều lần bình thường. Năm, sáu năm nay, nước sông bồi ít, ngày xưa mỗi lần nước về, lúc rút đi để lại hàng chục phân phù sa màu mỡ. Bây giờ phù sa đi đâu mất chỉ còn trơ cát, chính vì vậy lượng phân bón cung cấp cho cây trồng ngày một tăng thêm nên chi phí rất lớn. Những chỗ cao vào tháng hạn chẳng thể trồng nổi cây gì.
Hầu như các hộ đến thuê đất ở Bãi Giữa đều để con cái ở quê cho ông, bà trông nom giúp. Chỉ có vậy thì bọn trẻ đến tuổi mới được đi học, bởi chi phí, điều kiện ăn uống, tiền đóng học đỡ tốn kém hơn rất nhiều ở Hà Nội. Thỉnh thoảng ngày giỗ chạp, gia đình có việc mới dắt nhau về quê, ngày trước ngày sau, sấp ngửa lại phải lên ngay để chăm sóc, trông coi hoa màu.

Một năm, chỉ trừ hai tháng nước ngập, còn lại 10 tháng, hàng trăm con người trụ lại với Bãi Giữa cần mẫn cày cuốc, không quản nắng mưa để mong tích cóp, dành dụm bỏ ra những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi trang trải cho cuộc sống gia đình. Chỉ đến những ngày cuối năm, chuẩn bị đón cái tết nguyên đán, họ mới lại được về đoàn tụ với gia đình dài ngày nhất. Những hộ mang con cái đến đây lập nghiệp thì coi như xa cách hẳn quê hương.

Nói đến làng Bãi Giữa sông Hồng, không thể không nhắc đến một cộng đồng cư dân sống trên những chiếc thuyền nhỏ bé. Neo đậu bên này bờ bãi giữa, thuộc địa phận quản lý của quận Hoàn Kiếm, nơi đây có một làng chài với gần 20 nóc nhà bập bềnh trên mặt nước sông Hồng. chính trên những chiếc thuyền chài này,nhiều gia đình đã hình thành, sinh sôi từ đây. Cuộc sống của trẻ nhỏ ở vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Không kiếm sống được bằng chài lưới, nhiều gia đình cả bố, mẹ đều đi nhặt rác, các em còn nhỏ cũng đã phải theo người lớn lang thang khắp nơi, lúc thì gầm cầu, khi thì cuối chợ. Việc ăn uống còn thiếu thốn nói gì đến việc học hành. Ở đây có chừng khoảng 20 em ở độ tuổi từ 1 đến 15. Mặc dù đã có một số tổ chức, cá nhân giúp đỡ các em về vật chất và tổ chức lớp học trên bờ, song từng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Vì vậy, ước mơ được đến trường hàng ngày như bao trẻ em khác vẫn còn là một điều quá xa vời đối với bọn trẻ.

Rất khó quản lý về mặt nhân khẩu của cộng đồng dân cư Bãi Giữa sông Hồng, bởi tính không ổn định của lượng người đến đây làm ăn sinh sống, cả ở trên bờ và dưới thuyền. Thêm vào nữa, Bãi Giữa không thuộc về một địa phương quản lý hành chính, có khu vực thuộc quận Long Biên, có khu vực thuộc quận Hoàn Kiếm.v.v… mặc dù thời gian qua, các cấp chính quyền ở đây đã có sự quan tâm đến cuộc sống của cư dân Bãi Giữa. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ dừng lại ở mức độ khiêm tốn.

Cũng khó có thể đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm tại đây vì nhiều nguyên nhân, các cấp chính quyền ở Hà Nội đến bây giờ cũng chưa tìm ra lời giải hữu hiệu. Bởi vậy cộng đồng cư dân Bãi Giữa vẫn hàng ngày bảo nhau làm ăn, giúp đỡ nhau khi xảy ra ốm đau, hoạn nạn, họ đã quen như thế từ hàng mấy chục năm nay. Cũng hàng chục năm nay, những người dân từ nhiều nơi đến đây sinh sống chưa hề gây ra vụ phạm pháp nghiêm trọng nào.
Không rõ, có phải cuộc sống bị xã hội phân biệt đối xử đã khiến những người dân bãi giữa lúc nào cũng có vẻ thiếu lòng tin vào bản thân, vào những người từ nơi khác tới. Điều này được chứng minh, bởi khi hỏi rất nhiều người dân ở Bãi Giữa: Anh, chị có kiến nghị gì tới các cấp chính quyền nơi đây để điều kiện làm ăn và cuộc sống dễ chịu hơn lên? tôi đều nhận được câu trả lời là không kiến nghị gì hoặc cái lắc đầu vô cảm.



Chứng nhân bên dòng sông Cái


Xa xa là em của nó, tên gọi là Chương Dương,
con em đẻ sau mà xấu kinh


Đất phù sa giờ cũng trở nên bạc màu vì dòng đổi


Gia tài quí giá nhất của đôi vợ chồng son,
mặc dù đã bước sang tuổi tứ tuần


Chở rau vào thành phố


Có biết bao nhiêu mồ hôi, công sức đổ ra
trên mảnh đất màu bạc phếch phơ...


Để có một màu xanh ngút ngàn dư thế này...

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Quê ơi

Đêm, lang thang trong xứ nét, gặp bài thơ về quê nhà trên Blog Cõi không màu.
Ô hay chửa, có khi nào chạnh lòng nhớ về nơi ấy, cái nơi chẳng phải mình sinh ở đó, bố mẹ cũng không sinh ở đó...cái nơi cũng chỉ có chưa đầy 1/3 đời mình gắn bó, dưng cũng đủ cho bao biến động trong cuộc đời.
Thì vậy, vẫn thấy tự đáy lòng cảm xúc rưng rưng, dư cái buổi chiều nay, đứng nhìn mưa Sài Gòn rơi lã chã, bỗng nhớ về chút kỷ niệm ngày xưa...

Gửi người Phố Hiến

Mắt ai xa trong vời vợi
Phải chăng cô gái Hưng Yên?
Tôi yêu từ thời bộ đội
Mới quen chỉ nhận đồng hương
Tháng năm quay tròn nỗi nhớ
Hướng về đất mật nhãn lồng
Cầm tay ai cũng bỡ ngỡ
Những gì ước hẹn bâng khuâng
Đường giao liên leo vách đá
Em kể tôi nghe quê nhà
Chiến tranh gái trai ra trận
Làng toàn trẻ thơ cụ già
Chiến trường rộng thành chia xa
Tìm nhau ngày vui đại thắng
Mặt người rạng như sắc hoa
Lòng tôi gió lùa trống vắng
Em có còn về phố Hiến
Tôi về thành phố Tỉnh Đông
Hai quê mà liền giải đất
Vải thiều đổi lấy nhãn lồng
Lá thư gửi về đất mật
Hỏi
Tìm
Nhắn tới "Đồng Hương"

 Và đây một bài nữa:


Phố Hiến bình yên một ngày về
Có khi nào ta như chim trời sải cánh muôn phương, để một ngày trở về với đất mẹ, ta chợt nhận ra quê mẹ yêu xưa đẹp đến nhường nào. Vẫn còn đó rêu phong hoài cổ, đình làng mái chùa nhuốm màu thời gian.

Ta tìm về nơi chốn bình yên, tiếng cười xôn xao phiên chợ quê ngày nắng.

Ta yêu lắm cụ già nhai trầu bỏm bẻm mời xơi bánh, quẳng gánh lo đi nhẹ tiếng lòng để ta thưởng thức hương vị quê, những chiếc bánh trắng tròn trong lòng lá sen thơm.

Ta yêu lắm đồng xanh thẳng tắp cánh cò bay, cây đa mái đình, yêu những con ngõ, ngôi nhà quê xưa cũ kỹ phủ màu rêu, ta nghe tiếng trẻ con í ới náo nức chạy ra đình xem lễ hội làng. Quê mẹ yêu xưa sao trong trẻo mà đẹp đến thế.

Ta tìm về Phố Hiến một thời nức tiếng gần xa, ta chợt nhớ đã từng nghe mẹ kể Phố Hiến xưa kia là thương cảng sầm uất nhộn nhịp vang bóng một thời “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố hiến”.

Phố Hiến giờ đây bình yên nhẹ nhàng như mặt nước hồ Bán Nguyệt phẳng lặng chiều cuối đông. Cái tên Bán Nguyệt tựa “nửa vầng trăng” tự khi nào trở thành dấu ấn trong lòng người xứ nhãn đi xa về gần. Bán nguyệt trở thành một phần linh hồn của Phố Hiến. Là dấu tích của một lần đê vỡ thuở xa xưa, một mảnh rơi đứt đoạn của Hồng Hà nặng đỏ phù sa, một mảnh vỡ của dòng sông trước khi trôi về với biển.

Nửa vầng trăng ấy trường tồn với thời gian dễ cũng quá 700 năm rồi, chứng kiến bao câu chuyện lịch sử của Phố Hiến. Nhìn ra Bán Nguyệt là Đền Mẫu Hoa Dương cổ kính, nơi thờ Dương Quý Phi là hoàng hậu cuối cùng của triều đại nhà Tống (Trung Hoa).

Tương truyền vào thế kỷ 13 đế quốc Nguyên Mông tiến hành chiến tranh sang Châu Á đánh vào Trung Hoa. Thế giặc mạnh, triều đình nhà Tống thất bại, bà Dương Quý Phi cùng một số gia nhân chạy về phía Nam, giặc đuổi gấp bà đã gieo mình xuống biển tuẫn tiết để giữ trọn chữ trung trinh. Thi thể của bà trôi về vùng Đằng giang được người dân địa phương nơi đây mai táng. Ngày ngày từng đàn chim tha hoa quả về phủ kín mộ bà. Linh ứng lạ kỳ, có lẽ đàn chim là những tạo nhân trồng nên cây cổ thụ hy hữu đã có tuổi 700 năm ở trong sân đền.

Ai xuôi Phố Hiến nhớ ghé Xích Đằng. Phố Hiến được tạo hóa kết hợp thật hài hòa giữa Phật giáo và Nho giáo, trước là Chùa Chuông, sau là Văn Miếu. Văn Miếu Xích Đằng đã tồn tại hơn 400 năm, nơi đây ghi danh 161 vị đại khoa là biểu tượng thể hiện tinh thần hiếu học của con người trên mảnh đất “nhất Kinh Kỳ, nhì Phố Hiến”.

Lối vào Văn Miếu là hai hàng cây và bên hai cây hoa gạo cổ thụ đứng sừng sững có thêm mỗi bên một “ông” nghè đá đã sờn màu cùng mưa gió mang đậm dấu ấn kiến trúc thế kỷ 17,18.

Xưa và nay cánh cửa gỗ Văn Miếu ngày ngày vẫn mở rộng đón ánh sáng tinh hoa hiếu học của một vùng. Xưa, các cuộc thi thơ, bình văn được tiến hành trong Văn Miếu giữa tiếng chuông, tiếng khánh ngân nga. Nay, chuông thường rung lên mỗi độ xuân về hoặc vào dịp thầy trò tới tri ân tưởng nhớ các bậc chư hiền Nho gia.

Quê mẹ yêu xưa xa rồi ta nhớ, nhớ dòng sông bên lở bên bồi, nhớ nước giếng quê trong veo mát lạnh mà ngọt lịm, nhớ Phố Hiến bình yên một ngày về.

Lang thang đi bốn phương trời, nay về sông quê tắm mát…

Đây này hồ Bán Nguyệt
Nửa vầng trăng lung linh


Hư vô

11h đêm, hành quân ra nghĩa trang Hàng Dương.
Đây là lần thứ 2 ra thắp hương ban đêm tại nghĩa trang có một không hai trên đất Việt.
Lần trước, cũng cách đây chừng tháng giời, mình và Béo lọ mọ mua đồ ra thắp hương bên mộ bà Sáu.
Nhớ cái đêm đó, không phải ngày rằm, mùng 1, dưng mà vẫn có lác đác vài người ra khấn vái sì sụp, cầu nguyện. Đêm ấy, trời Côn Đảo có giăng, giăng muộn, buồn hờ hững trên đầu, nghĩa trang như huyền ảo lúc nửa đêm.
Lần này, ra thắp hương đúng vào ngày mùng 1.
Chao ôi là người sống chen lẫn âm hồn, đông đến rầm rập, nhộn nhạo.
Từ xa đã thấy mùi hương nhức hết cả mũi.
Mình cùng đoàn chen chân vào đặt được lễ, thắp xong ba nén nhang, vái ba vái...rồi quay ra vòng ngoài đứng thở. Say hương, mắt đẫm lệ vì khói, đầu óc nặng trĩu, nhức như búa bổ vì khói hương mịt mù giời đất.
Còn một bó hương to, chạnh lòng cho những ngôi mộ ở phía xa, mình tách từng nắm nhỏ, đốt lên và bắt đầu đi thắp trên từng ngôi mộ...
Bắt đầu là những ngôi nằm phía bên phải mộ bà Sáu.
Cách chừng dăm chục mét, vẫn có hương cháy đầu đỏ lòe, dư vậy là vẫn có người ra thắp ở đây.
Mình đi tiếp vào phía sâu bên trong. Tối om, chỉ thỉnh thoảng có tia sáng nhờn nhợt dư con đom đóm đực trên đầu ngôi mộ, đó là chiếc đèn thắp bằng năng lượng mặt trời. Tất cả âm u, huyền bí.
Hết một nắm hương cầm chặt lòng bàn tay, mình quay trở ra đốt tiếp nắm khác.
Cứ thế, men theo vòng ngoài của nghĩa trang, những dãy mộ của người có tên cũng dư không có tên, mỗi mộ mình cắm lên đó một nén hương, không khí quá nửa đêm thấy se lạnh, hay nơi này, phần âm quá nhiều nên vậy?
Chẳng nhìn được thấy đường vì tối, bước thấp, bước cao cứ nhìn thấy một nấm lùm lùm là tiến đến cắm hương. Chao ơi, ở cái xứ này sao mà người chết nhiều đến vậy? nhoàng một cái, lại hết nắm thứ hai...Châm hương để đi tiếp, có những ngôi mộ nằm chênh vênh trên gò cao, lạnh lùng, có lẽ những ngôi mộ này chẳng mấy ai lui tới thắp hương, dù chỉ là một nén.
Có những ngôi mộ nằm núp dưới một hỏm đất sâu, đêm tối, nhìn không rõ tưởng là đống đất...
Tự dưng, mình thấy buồn nổi da gà.
Cuộc đời tất cả rồi cũng thế này thôi sao?
Thế thì có mấy chục năm trên dương gian, tranh giành, đâm chém nhau, gắp lửa bỏ tay bạn, chọc gậy bánh xe, ném đá giấu tay...để mà làm gì? kiếp người thật thống khổ, thống khổ. Đúng là kiếp nạn, sinh ra làm người để đày đọa nhau, biến nhau thành ngợm.
Càng đi sâu vào bên trong nghĩa trang,càng vắng lặng, lạnh thấm vào da. Cũng đúng thôi, ở cái đất Côn Đảo này, cứ đào đất lên là thấy cốt người mà. Dân số của cả đảo mới có khoảng 6 nghìn thì người chết ở đây là tận trên 20 nghìn, trong cái nghĩa trang Hàng Dương này, xương chồng xương, mộ chồng lên mộ. Từng ấy người chết mà chỉ biết tên chưa nổi một nghìn, vậy là 19 nghìn có dư mất tên tuổi, thành những âm hồn vật vờ giữa trùng khơi.
Mà thế khỉ nào sao bỗng dưng mình như bị ma làm, cứ cầm hương một mình lội sâu vào bên trong thắp rồi đứng vái bốn phía, vì đâu cũng thấy mộ.
Hóa ra, chẳng phải ở cõi dương mới có sự phân biệt đẳng cấp, nghèo hèn, giàu sang, mà cõi âm cũng vậy. Ở cái khu B của nghĩa trang này, mộ bà Sáu luôn nườm nượp người ra vào viếng thăm suốt cả ngày lẫn đêm, còn lui ra vài chục mét, tịnh không bóng người. Khắp bốn phương, tám hướng vác lễ lạt đến cầu khẩn, xin xỏ bà, nhìn cứ như là cái chợ, ồn ào, rầm rĩ.
Mình nghĩ, không biết thế có làm khổ cho bà hay không, khi mà bà đã được về nơi an nghỉ rồi mà đêm đêm vẫn bị lũ người sống hành hạ. Gương lược và quần áo gửi bà rất nhiều, có khi dùng cả mấy trăm năm nữa cũng không hết. Có bọn hào phóng, khênh cả con lợn quay nặng trĩu đến mộ bà để cầu khẩn. Mình nhìn bọn này cứ dư là bọn bơm chất tạo nạc vào lợn, đến xin bà phù hộ cho đừng bị bắt ấy.
Có bọn vác cả đàn Tây ban cầm đến gảy phèng phèng bên mộ bà và đồng thanh hát cái bài của anh Toàn, cái bài mà có hoa lê ki ma ấy. Mãi sau này mình mới biết đấy là cây trứng gà, ông nội có trồng hai cây ở tít cuối vườn nhà mình ở quê, quả sai trĩu trịt, có hôm đi học về, đói, ra lượm được mấy quả chín rụng dưới gốc, ăn lấy ăn để rồi say sùi bọt mép tưởng chết. Từ đận ấy, không bao giờ dám động lấy một miếng.
Đoàn khấn vái hát xong bài hát trước mộ, mình hỏi Châu Chấu: Có hay không?
Nó bẩu: hay, cảm động!
Mình nghe cũng thấy có điều gì đó thổn thức trong lòng, dưng mà nghĩ lại thấy càng thương cho bà Sáu, đến một giấc ngủ yên giờ cũng khó, cứ thế này quanh năm suốt tháng nó quần đảo bên mộ bà thì sức đâu mà trụ được, khéo lại chết lần hai cũng là.
Quá 12h mới hóa vàng xong, Châu Chấu bẩu mình cầm muối đi rắc xung quanh mộ bà Sáu, mình hỏi để làm gì? Nó bẩu cứ rắc đi rồi biết, nhưng phải kín đáo không thằng cha bảo vệ nó cấm đấy.
Nghe lời, mình cũng làm một nắm, dưng mà đi vòng tít bên ngoài rắc. Khó hiểu kinh, đến giờ mình cũng không hiểu.
Thủ tục xong xuôi, về đến phòng nghỉ đã khoảng 1h sáng. Ôi chao, mệt muốn xỉu, mắt hoa, chân tay rã rời, mình thăng một mạch đến 7h sáng không vẫy tai. Ngồi ăn sáng vẫn chưa hoàn hồn, mình bỗng dưng nghĩ lại, sao hôm qua mình đi thắp hương khỏe thế? Dễ phải đến ngót nửa cây số ấy.

Đêm qua, mình đã lò dò một mình đi cắm hương trên những ngôi mộ này













Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Mệt

Thế là kết thúc một tuần kinh lý.
Chuyến này lên rừng, xuống biển như cờ lông công, một tuần giời làm mẹ nó hơn một nghìn cây số, chục lít bia, rượu làm gì chả mờ mắt.
Những tưởng nằm dưới miền Tây đến thứ 6 mới về, bỗng dưng lại ngược từ sáng thứ 4.
Nhận được thông báo từ chiều hôm trước, sáng sau, 7h bắt tắc xi ra bến xe Vị Thanh- Hậu Giang ngược về Sài Gòn. Chuyến đi miền Tây tưởng lâu, buồn thối ruột, mang theo một hàng xách tay cho khuây khỏa nỗi lòng, nhưng dở nỗi, hàng của mình chỉ được cái chân dài, còn rất hay ốm vặt. Bằng chứng là chỉ sau hai bữa nhậu đã lăn quay ra sốt, chẳng nước non gì. Cũng may, sáng hôm sau về Sài Gòn chứ không bỏ mẹ!
Mình cũng thấy chán ngắc khi nhận công lệnh đi miền Tây, lại Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh... đến nhiều rồi, nên cảm giác ngao ngán khi ngồi trên xe làm mình không buồn cất tiếng nói nữa. Khỉ thật, sao ngày xưa mình thích miền Tây thế, bây giờ tự dưng bỗng chán.
Cũng may, chỉ phải ở một đêm.
Đến Sài Gòn, nhập đoàn và thế là bí tỉ suốt từ hôm đó đến ngày về. Một lịch trình dày đặc, toàn là chạy trên đường.
Điểm đến cuối cùng là Côn Đảo.
Thế là tháng trước mình ở đó và tháng này cũng ở đó.
Có rất nhiều tâm trạng khi ra Côn Đảo lần thứ ba này, nhưng chưa thể kể lể ngay được. Còn phải kiếm ăn phát đã vì từ đầu tháng đến giờ chưa mần ăn gì, bài vở lưa thưa như lông chó bị ghẻ, chết toi thật. Mình tuần này phải chổng mông lên cày ngày, cày đêm mới có thu hoạch đây. Thế nên giờ chỉ xin giới thiệu mấy tấm hình chụp tại Côn Đảo mà thôi.
Quốc Anh chụp ảnh cho đoàn, phía sau là tượng đài cao
hơn 9 mét, nhưng bị Quốc Anh cắt mẹ nó cụt ngọn

Còn đây là Kim Tỏa chụp,
chụp đéo gì mà người bé như con chim chích,
    mỗi tội được cả tượng đàiđ
ây là "Phạm Băng Băng" chụp,
Kim Tỏa chui vào khám tử hình ở Côn Đảo

Trò chuyện cùng đại ca
Chụp đéo gì mà người bé như con chim chích,
dưng mà lại được cái tượng đài.

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Giật tít

Lang thang trong xứ nét, đọc được cách giật tít. Mình thấy thảm thương thay cho cái sự "Tít, lít, sa pô" ở xứ mình. Cười rung rốn, nhất là khi nghe đại ca Hùng- Trưởng Ban Khai thác Trung ương rống lên một hồi về khóa học "Tít, lít, sa pô"... mẹ rõ khỉ, thì đây mới là bài học vỡ lòng cho cái sự giật tít, mình xin mời, xin mời các bạn tham khảo, học hành! hihihi:
Thông tấn xã Vũ Đại, cái mồm của dân làng Vũ Đại, đã họp bàn các phóng viên ưu tú nhất của mình sau 1 loạt sự kiện vừa xảy ra trong làng. Cuối cùng thu được những kết luận sau:
1. Chí Phèo đâm chết Bá Kiến, có thể "giật tít":
·                Rượu say, đâm chết cán bộ thôn
·                Giết người do không làm chủ được hơi men
·                Mâu thuẫu với cán bộ thôn, gã Phèo giết người
·                Đã tìm được kẻ giết trưởng thôn Vũ Đại
·                Bi kịch làng Vũ đại – trưởng thôn bị giết tại nhà
·                Kẻ giết trưởng thôn Bá Kiến là người cùng làng
·                Nghi phạm giết trưởng thôn là người đã có tiền án
·                Cán bộ thôn Vũ Đại: Chúng tôi đang tiếp tục điều tra
2. Chí Phèo “ấy” Thị Nở trong vườn chuối, có thể "giật tít":
·                Tin sốc: Hiếp dâm trong vườn chuối
·                Vừa ra tù đã phạm tội hiếp dâm
·                Người đàn bà dở hơi bị cưỡng dâm
·                Hiếp dâm sau khi uống rượu say
·                Chân dung kẻ đồi bại
·                Đã xác định được kẻ hiếp dâm chị N.
·                Vụ lạm dụng tình dục ở thôn Vũ đại – công an xã vào cuộc
3. Sau đó, tiếp tục khai thác bằng các nội dung khác:
·                Bộ ảnh nóng của Thị Nở
·                Thị Nở tự hào về vòng 1
·                Thị Nở thổ lộ về mối tình đầu
·                Thị Nở tự tin sánh bước bên người yêu
·                Thị Nở hot với bikini trên bãi sông
·                Thị Nở: Người yêu tôi không phải đại gia
·                Thị Nở: Giữa tôi và anh Chí chỉ là mối quan hệ cùng thôn
·                Thị Nở: Tôi luôn sống bằng bản năng
·                Chí Phèo & Thị Nở khoe ảnh sốc trên blog
·                Chí Phèo: Tôi chỉ coi em Nở như em gái
·                Những bóng hồng trong cuộc đời anh Chí
4. Nếu "có tầm nhìn" thì khai thác các đề tài:
·                Cảnh tỉnh về lối sống buông thả của 1 bộ phận thanh niên nông thôn
·                Lạm dụng tình dục ở nông thôn
·                Cần đưa giáo dục giới tính về nông thôn
·                Tình trạng thất nghiệp ở nông thôn và các hệ lụy xã hội
5. Hoặc chủ đề hút khách đàn ông:
·                Rượu và an toàn tình dục
·                Rượu và chuối xanh: Thần dược của tình yêu?!?
·                Cháo hành có phải là phương pháp hồi phục hữu hiệu sau khi làm chuyện ấy?

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Làm thằng cu tí

Vợ mình đẻ hai đứa con gái.
Mình chuyển công tác lên Hà Nội, vì trước đây làm ở Hưng Yên.
Ông ngoại nói với vợ mình, tức con gái ông ấy: Mày để nó đi là nó lấy vợ khác đấy, mày phải biết là mày đang có hai đứa con gái.
Chuyện này mình nghe vợ kể lại trong một bữa cơm chiều thứ bảy gió mùa đông bắc thổi ràn rạt trên nóc nhà.
Ái chà, mình nghĩ bụng: Ông ngoại không phải vẽ đường cho chó chạy, chân chó hơi bị dài đấy!
Hai năm sau, mình chuyển thẳng một phát vào Sài Gòn, bên ngoại sôi sùng sục.
Mình vẫn lạnh như cứt ngâm.
Vợ chỉ sau nửa năm bỏ mẹ nó việc ở quê theo mình vào để canh gôn. Mình bẩu, việc chó gì mà phải canh, gôn nào mà chả bị một lần bóng bay vào thủng lưới! Khớ khớ khớ...
Người người đều bảo, bài của chúng nó đấy, vào Nam để đẻ thằng cu chứ đéo gì.
Mình ậm ừ chẳng nói năng gì.
Vợ mình cũng bớt lầm lì...
Và sau đây mình xin giới thiệu hình ảnh thằng cu nhà mình vừa sản xuất được, đéo biết giống ai, dưng mà trông ngon canh phết:
Vợ mình đang cho cu làm tí sữa ngoài

Gái lớn ngồi nhìn mẹ âu yếm cu mà ghét

Nụ cười viên mãn khi có cu









Xấu đều còn hơn tốt lỏi

Ngồi buồn rỗi hơi tự dưng lôi được cái này ở trong đống nhặt nhạnh của mình từ thuở nảo thuở nào, cái này được cho là đánh giá của một cái Viện dở hơi đéo nào ở bên Mỹ ấy. Đọc xong mình muốn tát vào mặt những thằng khốn nạn bên kia bán cầu cho hả giận vì đánh giá gì mà đánh giá như đúng rồi. Mấy lại,cái bọn này rỗi hơi, đéo có việc gì để làm nên chổng mông tìm ra những tật hơi bị xấu của người Việt. Mình thì mình cực lực lên án những quan điểm sai trái này, dứt khoát là mình đéo công nhận, mặc dù mình biết, mình cũng có khá nhiều điểm đúng với đánh giá trên. Hihihi

 

10 ĐẶC ĐIỂM CỦA NGƯỜI VIỆT NAM


1. Cần cù lao động, song có tâm lý hưởng  thụ.
2. Thông minh, sáng tạo, song thường có tính chất đối phó.
3. Khéo léo, song không duy trì đến cùng, ít quan tâm đến sự hoàn hảo.
4. Vừa thực tế vừa mơ mộng, song lại nhút nhát.
5. Ham học hỏi, có khả năng tiếp thụ nhanh, song ít khi học 'từ đầuđến đuôi' nên kiến thức không hoàn hảo, mất cơ bản. Ngoài ra, học tập không phải là mục tiêu tạo thân của mỗi người VN (nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện & công ăn việc làm, ít khi vì chí khí hay đammê).
6. Vui vẻ cởi mở với mọi người, song không bền.
7. Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những việc vô bổ.
8. Có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh khó khăn, bần hàn.  Còn trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này rất ít xuất hiện.
9. Yêu hòa bình nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu chiến, hiếu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, đánh mất đại cuộc.
10.Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (cùng một việc 1 người làm thì tốt, mà 3 người làm thì kém và 7 người làm thì hỏng).


Ngày mai lại lên đường

Tưởng bở đi đón hàng, dưng mà cơ khổ cái thân mình đen như chó mực.
May sao sáng rời nhà lên cơ quan đút vội bộ quần áo vào túi. Đúng là trong cái rủi cũng có cái may. Nhận công lệnh đi Cần Thơ, buồn thối cả ruột, chẳng hiểu mọi người dư nào, chứ mình thấy chán ngắc ngứ khi cứ phải đi đến những nơi đã đến quá nhiều lần, quen quá hóa rồ. Mà lần này phải nằm ở khu vực chán đó đến tận cuối tuần. Nhưng thôi, đời giai nhiều phen cũng phải nuốt nước bọt vào bên trong chấp nhận run rủi, hy vọng cuối tuần sẽ có chuyến công du thú vị lần 3 ra mộ chị Sáu, nơi mà ấn tượng lần đầu vẫn chưa hề phai nhạt.
Còn đây là hình ảnh của Tây Đô, mảnh đất có da con gái trắng như trứng gà bóc. Có cậu con giai vừa lấy vợ, chợt phát hiện gái giống vợ mình sex trên mạng, chưa biết trắng đen, mặc dù vợ vừa xinh, vừa trẻ, vừa trắng nhưng vẫn ném ngay đi để lấy liền vợ mới, thế mới biết Cần Thơ không chỉ là vựa gạo mà còn là vựa gái. Hihihi
Đường phố Tây Đô

Cầu Cần thơ với những kỷ niệm buồn đau của dững người xây cầu

Mưa trên sông Hậu

Sông nước Tây Đô

Lên tàu về thôi

Đứt gần chục ngày ngoài đó, tự dưng nóng ruột muốn về. Ô hay, đời cũng thật là của khỉ, về quê thì như là đến chốn xa lạ, đến chốn đất khách quê người lại như về quê! Mới hay, quê hay không quê cũng tự trong tâm mình mà ra...
Lại lọc cọc tàu hỏa 32 tiếng, mọi người bảo mình dở hơi, sướng chẳng biết đường sướng, cái thân làm tội cái đời. Dưng mà mình thấy, đi tàu cũng có cái sướng của nó chứ lị, nằm ngồi thoải con gà mái, đi đứng lung tung, vệ sinh bất kỳ có phải xin phép hay chờ đợi ai đâu. Mỗi toa có một toa lét, sướng kinh, ngoài ra ăn uống có người bê đến tận mồm, mặc dù cơm cháo chẳng đâu vào đâu, ăn dở hơn cơm thời bao cấp!
Nằm chán lại ngồi, tàu đến địa phận tỉnh Ninh Thuận, mình chẳng biết là huyện gì, dưng mà phong cảnh thì thật thê lương, đất cằn, đất sỏi chẳng cây gì sống nổi, chỉ thấy xương rồng rặt là xương rồng. Mà của nợ, phàm những cây gì con người không ăn được thì chúng phát triển tốt tươi đến kinh người.
Khi xưa ở quê, mình cũng đã thấy những hàng rào xương rồng cao hơn đầu mình, nhưng lá thon dài và xanh mướt. Còn ở đây, lá xương rồng to như cái quạt giấy, gai tua tủa, màu lá bạc phênh phếch. Đã vậy, đầu những túm gai lại nhô ra chùm hoa đỏ, trông đến gớm. Xương rồng mọc thành rừng, nối dài hàng cây số, nó có sức sống thật mãnh liệt giữa cái vùng đất khô cằn này, chả thế, ở đây, người dân chỉ thấy nuôi nhiều cừu và bò, những đàn cừu lông lá xác xơ ung dung ghé mồm vặt lá xương rồng tóp tép nhai, khiếp thật!!!
Đoạn nữa, tuyền núi nhưng không cao mấy, dưng mà rất nhiều tảng như đá cuội bâu quanh từ chân lên đến đỉnh một màu gan gà, có những hòn nặng hàng chục tấn chênh vênh bám trên sườn núi, thoáng trông như sắp rụng đến nơi. Hoang vu đến vậy, nhưng lác đác có những ngôi nhà ẩn hiện dưới những tảng đá kinh dị kia, chứng tỏ chủ nhân của chúng cực kỳ gan dạ.
Mình nhìn mãi ở dọc nơi tàu đi qua của mảnh đất Nam Trung bộ này mới phát hiện ra một điều, nhà của người sống rất tuềnh toàng, bé nhỏ, còn những ngôi mộ của những người chết được xây cất khá lớn, cẩn thận, trang hoàng, kẻ vẽ lộng lẫy đủ màu sắc. Có những lúc giật mình nhìn xa xa như một thị trấn sầm uất đông vui, nhưng khi tiến gần thì hóa ra đây là nghĩa địa. Mới hay, cái kiếp sống gửi thác về của con người là vậy, chăm chút cho cõi âm, còn cái cõi trần tục mình đang sống chẳng cần gì khác ngoài hai bữa ăn đạm bạc, rồi lại lầm lũi bán mặt cho đất, bán lưng cho giời cứ thế ngày qua tháng lại.
Buồn...
Dải đất khô cằn này có lẽ kéo suốt từ Quảng Nam vào tới tận Bình Thuận, chỉ đôi chỗ dính dáng tới thị thành thì đỡ, cứ hết phố sá lại bắt gặp bao cảnh tiêu điều. Bao giờ mà đuổi kịp đồng bằng chứ đừng nói đến thành phố cho rầu lòng.
Mình thấy đi tàu, những gì nhếch nhác của phố sá, của nông thôn trên dải đất hình chữ S này hiển hiện cực rõ. Ở mặt tiền đường nhựa, người ta đua nhau dựng bảng hiệu, đèn màu, cờ hoa rực rỡ, còn phía sau nhà, nơi đường sắt chạy qua thì thôi rồi đủ các loại rác thải, phế thải, người thải...nhìn mà thấy kinh hồn. Nông thôn bên đường tàu thường thấy là những ngôi nhà rách nát, hiếm thấy căn nào khang trang, tươm tất, nếu có thì chắc hẳn ngôi nhà này sẽ giáp với đường bộ nào đó.
Tàu rầm rập chạy qua nơi này, những đám trẻ em lam lũ ngước mắt nhìn theo với ánh mắt thèm thuồng, nuối tiếc. Những cụ ông, cụ bà tay dắt trâu, vai gánh cỏ ngoảnh cổ nhìn với ánh mắt vô cảm và lũ thanh niên mới lớn tay lăm lăm cục đá, cục gạch sẵn sàng tương lên tàu cho hả cơn buồn chán, không cần biết sự gì sẽ xảy ra sau hành động của mình...
Rầm rập, rầm rập với tốc độ rùa dư thế này, chẳng trách nhiều người sợ đi tàu là phải. Dưng mà đối với mình, đây là phương tiện thân yêu nhất vì nó đảm bảo độ an toàn cao nhất đúng như lời quảng cáo trên Rail TV phát đi phát lại trên các chuyến tàu.
Cũng đừng nhanh nữa để làm gì, vì thực ra cuộc sống đâu có cần vội. Vội vội, vàng vàng, nhanh hay chậm cũng đều do con người ta qui định ra cả cơ mà.
Ngồi nghĩ vớ vẩn đâm ra mình thành kẻ lẩn thẩn, bởi khi xưa chẳng có internet, điện thoại...thương nhớ nhau ngồi sáng tác thư gửi cho nhau hay tuyệt. Bây giờ thì a lô a lô biết luôn và ngay. Cùng lắm lời nào khó nói nhắn cái tin, mà tin không dấu, không dấu nhiều khi ngôn ngữ tuổi tin, đéo tài nào dịch được, nghĩ mà chán kinh! Thế nên vội vàng mà làm gì?
Cái gì nhanh hóa ra đâm thành dở hết, thịt lợn, thịt gà, cá, tôm, cua, ốc, ếch... nuôi cho lớn rõ nhanh, ăn vào nhạt như thân chuối.
Lúa, ngô, khoai, sắn củ rõ to và nhanh thu hoạch ăn vào nhạt như rơm.
Rau củ quả trồng nhanh lớn, nhanh thu hoạch ăn vào nhạt như nước ốc.
Ca sỹ qua lò luyện cực nhanh hát nhạt như nước lã.
Người học tiếng Anh cấp tốc nói như người Việt nói tiếng Mông.
Thôi thì nhanh để làm gì, tốt nhất là theo phương châm: "Hà Nội không vội được đâu", mình khoái câu này kinh!

Đây là nhà...

Đất này trồng cây gì và nuôi con gì hả hả hả...

Trồng cây xương rồng

Đá bám cheo leo trên vách núi