Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Cúng cụ


Cúng cụ

Ngày xưa, mình còn làm ở đài truyền hình, mỗi đận đi làm phim về cơ sở đón danh hiệu làng văn hóa hay anh hùng lực lượng vũ trang là vui dư Tết. Làm cái này có đồng ra, đồng vào và quan trọng nhất là nó dễ. Đại khái, lời bình thì phang từ bản báo cáo thành tích của xã hoặc huyện mà ra, có cắt xén đi chút ít không có dài bất tận hình đâu mà minh họa. Hình ảnh cứ tuần tự mà lấy theo một mẫu sẵn, cứ toàn, trung, cận mà diễn, đủ các ngành nghề, ban bệ bày lên mâm, hết ông to ra đến ông vừa vừa rồi qua ông bé và quần chúng nhân dân. Sau đó lời vác lên thủ đô, bác Trần Đức sẽ thể hiện cho, chỉ loáng cái là ok. Về ghép lời, lồng nhạc, thế là xong cái phim đôi chục phút, nhân ra đĩa cho bà con cơ sở xem, tặng quà cho khách mỗi lần về dự họp với địa phương, gọi là phim mà chả là oách à, rõ bố khỉ.
Sau này, nghe các đại ca trên thủ đô về dạy làm phim và gọi loại phim này là phim cúng cụ. Rõ là phim ảnh truyền hình ở ta có một cái thể loại không đâu có được, Tây mà xem cũng chỉ biết vái cụ!
Lâu không làm truyền hình, mình quay ra viết, thế là cũng chuyển thể phim thể loại cúng cụ sang viết bài cúng cụ. Mình xin giới thiệu một bài theo thể loại ấy, đây này:


Người phụ nữ nặng lòng với văn hóa dân tộc Xá Phó

Ngay từ khi còn học phổ thông, Má Thị Hà - người con gái dân tộc Phù Lá (thuộc nhóm Xá Phó), huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai - đã yêu thích tìm hiểu về văn hóa các dân tộc. Ước mơ của cô càng được chắp cánh bay cao khi cô thi đỗ chuyên ngành Quản lý Văn hóa,Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Cũng từ đây, niềm đam mê nghiên cứu văn hóa các dân tộc đã theo Má Thị Hà như bóng với hình.

Quê hương là nguồn sống
Sinh ra và lớn lên ở thôn Nậm Kéng, xã Nậm Sài, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, người con gái dân tộc Xá Phó, Má Thị Hà còn mang một cái tên nữa rất dễ thương: Nhìu Sa. Sinh ra trong gia đình làm nông nghiệp ở một địa phương vùng cao Tây Bắc, cuộc sống của chị gặp không ít khó khăn, vất vả. Chị kể, thuở nhỏ đi học rất vất vả, mỗi lần đến trường như là một kỳ tích. Bố mẹ lo được cái ăn cho con cái đã là một chuyện lớn lao, lại lo cho con được đi học thì rất phi thường. Nhà Nhìu Sa cũng như bao hộ gia đình đồng bào dân tộc ở Nậm Sài quanh năm tất bật với nương rẫy, sắn, ngô… Nhưng bù vào đó, cô gái Nhìu Sa ham học từ nhỏ. Bất kể ngày nắng hay mưa, ngoài những khi giúp bố mẹ việc nhà, việc nương rẫy, Nhìu Sa luôn chăm chỉ ở trường để học thêm cái chữ, học thêm con số, với mong muốn sau này có thể giúp đỡ cho bố mẹ và mọi người trong gia đình. Sau này, những ngày tháng gian lao vất vả ấy đã được Má Thị Hà viết thành truyện: “Nhìu Sa đi học”.
Vì ham học nên mình thường phải xa nhà, Má Thị Hà tâm sự. Không như các bạn ở đồng bằng, trẻ con vùng cao thường phải đi học khá xa, có những bạn nhà cách điểm trường đến hàng chục cây số, do đó muốn đi học chỉ có cách ở lại tại trường. Chính vì vậy, Má Thị Hà đã liên tục ở trong các trường dân tộc nội trú từ cấp 1 cho tới hết trung học phổ thông. Ước mơ cháy bỏng của chị là ngoài việc học tập, tiếp thu kiến thức, chị còn muốn nghiên cứu, tìm hiểu cội nguồn, gốc rễ của dân tộc mình. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Má Thị Hà đã đăng ký thi vào trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Ước mơ đã trở thành hiện thực đối với cô gái dân tộc Xá Phó vùng cao. Năm 1990, Má Thị Hà đã xuất sắc thi đỗ vào khoa Quản lý Văn hóa của trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Sau 5 năm dùi mài kinh sử ở thủ đô, Má Thị Hà trở lại quê hương mình phục vụ trong ngành văn hóa. Tháng 8/2001, chị thi đỗ cao học tại Viện Nghiên cứu Văn Hoá, thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Năm 2004, Má Thị Hà tốt nghiệp Thạc sĩ.

Gần hai mươi năm công tác và học tập, Má Thị Hà đã trải qua nhiều cương vị. Chị từng là Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2004- 2009. Mặc dù tham gia đoàn thể, công việc bận rộn, nhưng chị vẫn say mê nghiên cứu văn hoá dân gian của các dân tộc vùng cao, đặc biệt là văn hoá dân gian của dân tộc Phù Lá.

Má Thị Hà còn là một tác giả thơ chuyên viết về đồng bào các dân tộc vùng cao. Chị có nhiều tác phẩm nghiên cứu văn hoá dân gian và thơ được đăng tải trên các báo Trung ương và địa phương. Hiện nay, chị là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Nói về ngày chia tay quê hương xuống Hà Nội nhận công tác mới, Má Thị Hà không khỏi bùi ngùi xúc động. Chị tâm sự: Khi xưa được về Hà Nội học, mỗi lần nhớ quê, chỉ biết vào phòng ở ký túc xá, leo lên giường úp mặt xuống gối khóc trộm vì sợ bạn cùng phòng biết. Nhưng cái ngày cầm quyết định để về công tác tại Hà Nội, tuy chưa phải xa quê ngay mà đã nhớ quay, nhớ quắt mảnh đất nơi mình sinh ra, nơi có gia đình, có tuổi thơ, có bạn bè của mình. Trong trái tim của người con gái vùng cao, quê hương là nguồn sống không bao giờ cạn.


Nặng lòng với văn hóa dân tộc
Năm 2006, Má Thị Hà  về công tác tại Ban Dân tộc và Tôn giáo, thuộc Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với nhiệm vụ được phân công là tham mưu, thực hiện chính sách đối với các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc. Bận rộn với công việc, nhưng Má Thị Hà cũng xuất bản hai cuốn sách về văn hoá nhóm Ngôn ngữ Tạng Miến và sách ảnh về người Phù Lá ở Việt Nam.

Thời gian gần đây, chị còn tham gia viết về công tác dân tộc của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tuyên truyền việc thực hiện chính sách dân tộc, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực, giám sát chặt chẽ các chương trình phát triển văn hoá, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới...
Má Thị Hà tâm sự, chị rất vinh dự là Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là niềm vinh dự đối với bản thân chị, với dân tộc Phù Lá và với các dân tộc thiểu số trên đất nước Việt Nam. Niềm vinh dự ấy là động lực để chị không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, bản lĩnh người cán bộ, có chính kiến, có trình độ chuyên môn, có nghị lực để đóng góp thiết thực cho chính dân tộc mình và các dân tộc thiểu số trong cộng đồng 54 dân tộc anh em, cho bình đẳng giới giữa phụ nữ các dân tộc, nhằm củng cố hơn cho sự nghiệp Mặt trận và Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Khi được hỏi điều gì đã khiến chị vừa đảm nhận công tác chuyên môn lại vừa say mê nghiên cứu văn hoá dân gian, Má Thị Hà cho biết, công việc nghiên cứu về chính sách đối với các dân tộc đã giúp chị hiểu thêm về cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Mặt khác, là người con của dân tộc Xá Phó, chị nghĩ mình cần phải có trách nhiệm nghiên cứu và bảo tồn những giá trị văn hoá của dân tộc mình.
Giới thiệu về những nét độc đáo trong phong tục, tập quán của dân tộc mình, chị Má Thị Hà cho biết, hầu như vốn văn hoá truyền thống của người Xá Phó vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, chẳng hạn như kiến trúc nhà sàn, hoa văn trên trang phục... Đặc biệt, người Xá Phó vẫn giữ được tiếng nói cổ xưa, không bị pha tạp với các dân tộc anh em. Phong tục thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng về thế giới tâm linh vẫn được bảo tồn. Đồng bào Xá Phó coi văn hoá tâm linh là một yếu tố rất quan trọng trong đời sống tinh thần. Họ thờ đa thần, thần trời, thần đất, thần núi, thần sông, thần lúa, thần lửa... Đồng bào Xá Phó cũng luôn nhắc nhở nhau giữ gìn nghề truyền thống xe lanh dệt vải của dân tộc mình.
Một tâm nguyện của Má Thị Hà để đền đáp công ơn sinh thành của bố mẹ, của quê hương sắp thành hiện thực, đó là sau bao ngày tháng vất vả nghiên cứu tìm hiểu, sưu tầm, sắp tới, chị sẽ cho ra đời tập sách về tín ngưỡng, phong tục của người Xá Phó và tập dân ca Xá Phó.

Xin chúc cho chị - một người con luôn nặng lòng với nguồn cội - hạnh phúc, thành công trong sự nghiệp nghiên cứu, sưu tầm và sáng tác văn học, nghệ thuật về đề tài dân tộc thiểu số và miền núi./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét