Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Tổ tiên của người Nhật

Lại nói đến chuyện ngoại ngữ, phì cười với thằng cu em cạnh nhà mình. Hồi ấy ở quê thất nghiệp nhiều, học hành thì ít, nam thanh nữ tú chẳng bằng bổi gì. Ở nhà cày cấy mãi cũng chán, mà ruộng ít lấy đâu ra mà cấy. Cả năm vất vả nhất mấy ngày cấy và gặt, xong lại rong nhan chơi cho thỏa thích, chơi chán đến độ đần cả người ra vì không tiền và cũng chẳng có trò gì mà chơi.
Tình trạng thanh niên nhớn tướng rỗi hơi đi ngoài đường rầm rập vào buổi sáng, trưa, chiều tối là chuyện thường. Chính vậy mới hay xảy ra bụp nhau giữa thanh niên xóm này với xóm kia, làng này với làng kia…mà xoay quanh cũng chỉ là chuyện mái…
Nhà nào có một mái mới nhớn thì thôi rồi, chó sủa khản cổ vì khách vào ra, sủa đến nỗi không buồn ử lên được tiếng nào nữa vì nhọc. Nguyên nhân thì rất đơn giản, bố mẹ mấy thằng ông mãnh giục đi tìm vợ, thêm người để được chia thêm ruộng, còn có cái mà cày mà cấy, sau nữa thì đẻ con đẻ cái cho vui cửa vui nhà. Về phía mấy ông choai choai, việc chẳng có, giải trí thì không, vậy nên có mỗi bài hay nhất là đi tán gái tối, vừa vui vừa sướng, nhỡ đâu được con vợ ngon thì khoái tỉ cả nửa đời người.
Thằng cu em mình cũng nằm trong cái loại cả năm chỉ có hai lần cấy, gặt ấy, nhàn quá đâm buồn. May thay, đất nước mở cửa thông thương, cái anh Mã thế quái nào tuyển công nhân Việt mình như tuyển người đi đào đất đóng gạch, mỗi đận về thông báo trên cái loa của thôn treo trên ngọn cây méo mó sẹo sọ từ cả chục năm trước, tiếng thì khọt khẹt như thằng bị cảm cúm kinh niên chữa mãi không khỏi.
Cứ mỗi tuần, cái loa lại ra rả đọc thông tin quảng cáo tuyển người đi Mã.
Thế là thanh niên, rồi bậc tứ tuần quê mình nô nức lên đường xuất ngoại, giá cả phải chăng, quĩ tín dụng hỗ trợ cho vay đàng hoàng nếu anh không có tiền thì cầm cái sổ đỏ xuống mà cắm.
Thằng em mình háo hức làm thủ tục để quyết đổi đời.
Tổng cả thảy là gần ba chục triệu, vay mượn, bán lợn cả nái lẫn con dồn vào mãi mới đủ.
Ông này lần đầu tiên được tập trung vào tỉnh nghe phổ biến qui chế và học tiếng anh mà run cầm cập.
Nó bẩu với mình, em chuyên đi lặn trai khảm vào mùa hè, cứ một cái ống bương làm phao và một sợi dây thừng, em tùm tũm lặn cả ngày được, dững đoạn sông sâu, nước lạnh toát vừa hụp tới đáy đã phải ngoi lên, máu mũi tứa ra mà em không khiếp. Sao mà đi học tiếng Tây em sợ vãi cả đái ra quần, nhất là lúc cô giáo đi ngang qua rồi bất ngờ quay lại chỉ vào mình bắt đứng dậy phát âm. Ối giời ơi, tim em đập như trống mùa lũ, muốn bắn ra khỏi ngực. Xong rồi ngượng lắm anh ạ. Nói tiếng mình trước đông người em còn ấp úng, vậy mà bắt em nói tiếng Tây trước cả đống người, em chết mất…
Thế rồi nó cũng chẳng chết, đủ tháng, đủ ngày tập huấn mấy cái kỹ năng trước khi sang xứ người kiếm ăn, thế là nó lên đường. Hùng dũng oai vệ dư cóc, nó bẩu, giờ ngon rồi bác ạ, tiếng Tây khó thế em còn học được nữa là…hahaha, mình nghe nó chào bằng tiếng Tây mà chả khác gì nói tiếng Tày.
Theo hợp đồng, nó đi hai năm. Nhoàng một cái, bốn tháng sau đã thấy nó về nhà ôm điếu cày rít sòng sọc, tóc tai vẫn vàng hoe, dưng mà dựng đứng cả lên. Nó bẩu, em mới về, hết việc bác ạ, về sớm chứ nằm bên đó chờ có việc trở lại thì chết toi mất xác.
Người ta bẩu sẽ thanh toán trả lại cho bọn em số tiền đặt cọc trong hợp đồng, dưng chẳng thấy nói ngày nào trả. Lỗ mẹ nó là cái chắc bác ạ. Quả này lại đi lặn trai mất mấy năm bù lại chỗ lỗ đây. Dưng mà không sao, ít ra em cũng được sang Tây một lần.
Mình cãi, mày sang Tây đéo đâu, đấy là Á, Đông Nam á.
Nó bẩu, bác chẳng biết cái đéo gì, Á gì mà Á, người nó toàn nặng cả trăm cân, tóc, lông xoăn tít, nói xì xồ xì xô lại bẩu không phải là Tây.
Mình im ngay, đéo cãi nữa.
Nó bẩu: - Mai em xuống bác chơi, anh em mình đi giải buồn chút, em đãi bác.
Sáng hôm sau nó xuống thật. Mình còn đủ tiền làm con vịt, xáo măng, mấy anh em ăn từ trưa đến chiều, rượu trắng nốc vào say kinh.
Xong xuôi, nó bẩu, bác ở đây quen thổ, có chỗ nào mát xa bác cho em đi phát, em đãi bác.
Mình dẫn nó ra ngay sau nhà có tiệm mát xa chân, ngâm thuốc bắc, mùi cứ dư mùi lẩu.
Mỗi thằng một ô, sát sàn sạt nhau, mình nghe nó tán tỉnh nhân viên mà cười đau rốn.
Nó bẩu:
     - Em quê đâu, nhìn anh lạ lắm phải không?
     - Anh ở đâu?
-          Anh ở xa lắm. Mới bên kia về.
-          Bên kia là đâu?
-          Tây mà em, anh đi làm ăn bên đó.
-          Tây là đâu?

Làm khẽ thôi tí anh thưởng


-          Anh ở Nhật. Em làm khẽ không anh đau, tí anh thưởng…
Mình không nhịn được cười, tí sặc!
Nhân câu chuyện này, mình nhặt trên xứ nét câu chuyện buồn cười kinh!

Trước khi đọc câu chuyện bên dưới, các bạn cần làm quen với vài câu nói tiếng Nhật sau đây để đối chiếu với ngôn ngữ dùng trong câu chuyện.
Những câu nói ngắn tiêu biểu trong tiếng Nhật thường là những cụm từ kết hợp khoảng 4 từ:
- Konnichiwa (cô-ni-chi-va) (Chào bạn)
- Ogenki desu ka (ô-gen-ki-dex- ka) (Bạn có khoẻ không?)
- Hai, genki desu (hẩy-gen-ki-dex) (Dạ khoẻ)
- Anata wa? (a-na-ta-va) (Còn bạn khoẻ không?)
- Watashi-mo genki-desu (oa-ta-si-mô gen-ki-dex) (Tôi cũng khoẻ)
- Arigatou (a-ri-ga-tô) (Cám ơn bạn)
Có một nhà nghiên cứu nhân chủng học người Nhật đi tìm nguồn gốc tổ tiên của dân tộc mình. Ông ta đã đi khắp thế giới để tìm kiếm nhưng vô vọng. Cuối cùng, ông trở về Châu Á và đặt chân đến Việt Nam. Ông đi tàu lửa từ ga Hà Nội. Vào đến ga Huế, tình cờ ông nghe được 2 người dân địa phương trò chuyện với nhau:
- Mi đi ga ni?
- Ừ, tau đi ga ni. Mi đi ga mô?
- Ga tê. Tau đi ga tê.
- Ga tê ga chi?
- Ga Lăng Cô tề.
- Răng đông như ri?
- Ri mà đông chi!
- Mi ra ga mô?
- Ra ga Nam Ô.
- Khi mô mi đi?
- Chừ chứ khi mô.
- Mi lo đi đi.
- Ừ, tau đi nghe mi!
Nhận ra cách phát âm ngôn ngữ của người dân địa phương ở đây không khác gì tiếng Nhật ngày nay, nhà nghiên cứu người Nhật đã mừng rỡ reo lên: “A! Đây chính là tổ tiên của người Nhật!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét