Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Trăng rằm tháng giêng

Đi đại hội Long An, quen nhà báo nhớn Lê Phi Hùng, hỏi thăm quê, hóa ra đồng hương, gần ngay nhà mình.
Bố này là thợ kỹ thuật, chuyên sửa chữa máy bay. Thế nào lại quay ra làm báo. Đúng là đời. Làm báo bộ đội, dưng mà lại thích hát quan họ. Hỏi vì sao, nhà báo nhớn Phi Hùng bẩu: - Ông bố tao quê Bắc Ninh.
Chả trách, mê quan họ như mê gái. Đã từng ăn nằm, nghe, tập quan họ hàng tháng, hàng năm giời ở Bắc Ninh, đánh bạn với mấy liền chị xinh kinh.
Hôm lênh đênh trên sông Sài Gòn, nghe nhà báo Phi Hùng song phi với một liền chị bài: Tình người trong Hội Lim hay cứ dư chuyên nghiệp.
Ăn cơm ở nhà, bà cụ thân sinh hạch tội, nó suốt ngày đóng cửa phòng ôm cái máy tính. Lúc nào rời máy tính là nằm phưỡn ra nghe quan họ…trông thế thôi, dưng mà hay động lòng lắm…
Thảo nào, đọc bài “Trăng rằm tháng giêng” của nhà báo thấy cảm động ra phết, mình ủn lên, vì nó được viết ra từ cảm xúc ở quê mình.
***

Liền chị Minh Thùy, em của nhà báo Phi Hùng

Qua Tết Tân Mão, chỉ còn vài ngày nữa là đến rằm tháng Giêng. Cái ngày không chỉ thiêng liêng, đáng nhớ đối với những người theo đạo Phật, những người yêu thơ, mà còn là ngày đầy dấu ấn đối với tôi. Hồi còn tung tăng ở chốn quê nghèo, nơi cánh đồng Tam Thiên Mẫu thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, bà nội thường dẫn tôi đi chùa lễ Phật và cúng sao giải hạn vào ngày Tết Nguyên Tiêu. Bà bảo: “Đi lễ Phật ngày rằm tháng Giêng rất linh nghiệm. Nó sẽ giúp cho con người mạnh khỏe, ăn nên làm ra, tai qua nạn khỏi, công danh phát đạt, tiền tài tấn tới, vạn sự như ý, giàu sang phú quý, hạnh phúc muôn đời”.
Đúng là ngày rằm tháng Giêng người ta đi chùa đông thật. Dân gian có câu: “Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng”. Chẳng cứ gì những người theo đạo Phật, thờ cúng tổ tiên, mà cả một số người công giáo cũng đến chắp tay trước tượng Đức Phật để cầu phúc, cầu an. Theo truyền thống của đạo Phật, rằm tháng Giêng là kỷ niệm ngày Đức Phật Như Lai thuyết kinh “Giải Thoát Giáo” tại Thánh Hội Tăng Già. Đây là bài kinh cô đọng về giáo pháp của chư Phật, căn bản của đời sống tu tập và tôn chỉ hoằng pháp. Rằm tháng Giêng cũng đánh dấu ngày Đức Phật công bố Giáo Pháp đã được thiết lập vững vàng và Ngài sẽ viên tịch trong 3 tháng nữa. Sau này khi đã bước vào cuộc đời quân ngũ, mỗi khi về quê trong dịp Tết Nguyên Tiêu, tôi vẫn đội mâm cúng theo mẹ ra chùa.
Ở quê tôi, việc được ngắm trăng rằm tháng Giêng là một cơ hội hiếm hoi. Những cụ già sống thọ hơn 90 tuổi nói rằng: “Cả đời mà được thấy trăng rằm tháng Giêng năm bảy lần là một diễm phúc”. Mười bảy năm sống ở quê đối với tôi cũng vậy. Chỉ duy nhất một lần tôi nhìn thấy trăng sáng vằng vặc trong đêm rằm tháng Giêng, nhưng nó chỉ diễn ra chừng hơn ba tiếng đồng hồ. Đó là năm bố tôi hy sinh tại chiến trường B2 và cũng là năm trận lụt lịch sử diễn ra tại vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Năm 1971.
Ngày ấy mẹ còn trẻ lắm. Trẻ đến nỗi nhiều chú bộ đội về đóng quân ở làng để chuẩn bị vào chiến trường miền Nam cứ đến nói bóng, nói gió với bà nội: “U ơi! Gả con gái cho con nhé. Khi nào giải phóng miền Nam, con sẽ về ở rể nuôi u”. Bà tôi tròn mắt: “Tôi chỉ có một đứa con gái nhưng đã xây dựng gia đình rồi. Chồng nó là bộ đội tên lửa đó”. “U chỉ đùa chúng con. Thế cái cô hay đi nấu cơm giúp bộ đội và chỉ huy dân quân làm thủy lợi là ai vậy?”. Bà nội cười ngặt nghẽo, nước trầu đỏ tươi tràn cả ra cằm: “Đó là con dâu tôi đó. Nó đã ba mươi tuổi và có hai đứa con rồi. Chồng nó đang ở chiến trường B2”. Mấy chú bộ đội trẻ nghe thấy vậy, mặt ỉu xìu như bánh đa nướng nhúng nước. Buồn vậy thôi, nhưng ngày Tết các chú vẫn đến nhà tôi dọn nhà cửa, gói bánh chưng, bày bàn thờ giúp. Các chú không gọi mẹ tôi là “em” nữa, mà gọi là chị Vui.
Trước Tết bà nội nói với mẹ: “Năm nay nhà mình gói nhiều bánh hơn năm ngoái con nhé. Chỉ ngoài rằm là các chú bộ đội hành quân vào Nam rồi. Gói nhiều cho chúng nó ăn, lấy sức vượt Trường Sơn đánh giặc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.


Nhà báo Phi Hùng song phi "Tìm người trong Hội Lim" với một liền em

Đêm rằm tháng Giêng, làng tôi như vào mùa trẩy hội. Bộ đội đi từng đoàn đến các nhà chào tạm biệt người dân để chuẩn bị ra chiến trường. Từng ngõ xóm, đường làng, chỗ nào cũng râm ran tiếng chào hỏi, động viên, nhắn nhủ. Lãnh đạo xã, chi bộ thôn và tổ chức đoàn thanh niên cũng đến thăm hỏi, tặng quà, cổ vũ tinh thần của bộ đội trước khi rời làng. Nhiều gia đình còn tổ chức liên hoan chia tay các chú bộ đội đã ở trong nhà mình hơn ba tháng qua.
Khác hẳn mọi đêm giữa mùa rét, trong cái giá buốt tê tái, run rẩy thì ánh trăng xuất hiện. Trăng rằm tháng Giêng phủ một màu vàng chia ly lên khắp bờ tre, bến nước. Đám trẻ con chúng tôi cố chạy ra ngoài đường ngắm trăng, khi hàm răng vẫn va vào nhau cầm cập. Bà nội chép miệng: “Trăng rằm tháng Giêng mà sáng như vậy, năm nay sẽ có nhiều chuyện bất thường đây”. Theo kinh nghiệm từ cổ xưa, trăng sáng vào Tết Nguyên Tiêu là báo hiệu trong năm sẽ có nhiều thiên tai, rủi ro xảy ra cho vạn vật. Sau này khoa học phân tích, đằng sau vẻ mộng mơ, du dương, đẹp đến mê hồn của “chị Hằng Nga” trong tối đêm rằm, là một sự tàn phá ghê gớm. Đêm rằm tháng Giêng năm 1971 cũng vậy.
Sau những cuộc gặp gỡ ở gia đình, ở sân làng, nhiều cặp bộ đội và thôn nữ quê tôi đã tìm đến những bụi tre, góc làng, bờ sông để chia tay, hò hẹn. Trong ánh trăng lạnh lẽo đầu mùa xuân, những bàn tay đã nắm chặt lấy nhau, những tâm hồn đã sưởi ấm những tâm hồn. Và ở một nơi nào đó, tình yêu cuồn cuộn đã thôi thúc những trái tim bật ra nụ hôn đầu vụng về nhưng cháy bỏng của người lính lên má, lên môi các cô thôn nữ. Đêm càng sâu thẳm, ánh trăng càng cô đơn, tê tái.
Sáng ngày mười bảy tháng Giêng, khi mẹ dắt tôi tới lớp, nhiều người ngơ ngác hỏi nhau: “Các chú bộ đội đâu hết rồi nhỉ? Tối qua còn thấy các chú ấy tập trung sinh hoạt ở sân đình cơ mà”. Mọi người xúm đến hỏi mẹ tôi: “Thế bà Chủ nhiệm có biết bộ đội đi đâu không?”. Mẹ nhìn bà con bằng ánh mắt đượm buồn: “Các anh ấy đã hành quân từ rạng sáng rồi”. Vẫn biết điều này rồi sẽ xảy ra, nhưng gương mặt người dân làng Chùa ngơ ngác, thoảng thốt, bâng khuâng như vừa mất đi một vật gì quý giá lắm. Đường làng tôi vắng lặng, buồn tênh.
Giữa tháng Sáu âm lịch năm 1971, cô Ngân ở cạnh nhà tôi thoảng thốt thông báo một cái tin sét đánh: “Bộ đội ở làng ta dịp Tết vừa qua, nhiều người bị thương và hy sinh trên chiến trường lắm”. “Ai nói với cô như vậy?” – Ông Đảnh đội trưởng đội sản xuất giật giọng. “Cháu nghe gia đình của anh Cán ở Gia Lâm nói thế. Anh Cán bị thương mới được đưa ra Bắc điều trị đấy”. Cả làng tôi lại chìm vào khung cảnh nặng trĩu. Nhiều người còn cố lục tìm địa chỉ quê quán của các anh bộ đội đã ở nhà mình để viết thư thăm hỏi tình hình.
Những đêm trăng hè sáng đẹp là thế, mà rất ít người đi dạo chơi, hóng mát ngoài bờ đê. Ngay cả tiếng sáo trúc lắt lẻo, véo von của anh chàng Diễn chăn vịt ngoài đồng mỗi lúc trăng lên, cũng bị cái tin buồn thổi bạt đi. Đâu đó trong những căn nhà mái lá, những giọt lệ của các cô thôn nữ đã gửi tình yêu của mình theo các anh bộ đội vào chiến trường càng ướt đẫm vạt áo. Cứ ít ngày, làng tôi lại rộ lên những cái tin chiến thắng từ miền Nam, nhưng cũng xen lẫn tin anh này đã hy sinh, người kia bị thương.
Ông Khanh, một thợ cắt tóc “chuyên nghiệp” của xã như cái đài phát thanh: “Chiến trường miền Nam ác liệt lắm các ông, các bà ạ. Ta và địch giành nhau từng tấc đất, từng làng dân. Chúng ta chiến thắng cũng nhiều, nhưng thương vong cũng không ít”. Các nhà có con đi bộ đội cứ dõi ánh mắt da diết về phương Nam. Bà nội và mẹ tôi cũng vậy. Mỗi bữa ăn, mỗi giấc ngủ của hai người, đều chứa đựng nỗi khắc khoải, lo âu, trông chờ vời vợi…
Sau đó ít ngày, tức là vào giữa tháng Tám dương lịch năm 1971, những trận mưa xối xả đổ xuống đất rầm rập. Theo tin trên đài Tiếng nói Việt Nam, mưa ở Tây Bắc, mưa ở miền Trung du còn lớn gấp 5, gấp 10 vùng đồng bằng. Chưa đầy một tuần, nước từ thượng nguồn sông Đà, sông Lô, sông Hồng đã tràn về vùng Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam… như thác. Trận lũ lịch sử 100 năm nay mới lại xuất hiện đã tàn phá từ miền núi xuống đồng bằng. Nước tràn về đồng Tam Thiên Mẫu đỏ ngầu. Quá bất ngờ, nên nhà nào nhà ấy thi nhau chạy lũ. Bà nội và mẹ tôi bê cả chiếc cối đá nhỏ, chuồng gà, bao thóc lên nóc nhà rồi che đậy lại.
Chưa xong việc nhà, mẹ đã tất bật chạy ra các triền đê của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải để chỉ huy xã viên và dân quân đắp đê ngăn lũ. Cả tuần liền, chỉ có bà nội, em gái nhỏ và tôi ở nhà. Bà ngán ngẩm nói về mẹ: “Cái con này, đi đâu mà đi mãi. Nếu nước tràn về đây, ba bà cháu chạy thế nào”. Cũng may nước không tràn được tới làng tôi, vì nó ở trên một vùng đất cao. Nhưng mưa lũ đã làm cho đất đai, con người xơ xác. Ai cũng hiểu vụ mùa năm đó sẽ thất bát. Và cái Tết tới chẳng thể gói được nhiều bánh chưng. Có nhà phải đi vay từng bữa.
Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, nhiều người đi bộ đội chiến đấu trên các chiến trường miền Nam của xã tôi lần lượt về làng. Có người trở về còn lành lặn. Cũng không ít người trở về thì bị cụt chân, cụt tay, hay bị hỏng mắt… Nhưng trở về được là hạnh phúc lắm rồi. Bà nội và mẹ cứ đi khắp làng, khắp xã hỏi thăm tin về bố. Càng hỏi lại càng thấy rộng dài, mông lung. Một số người không biết tin gì nói đại: “Anh ấy bị thương ở Quảng Trị”, “Tôi đã gặp cậu ấy ở Khe Sanh”, “Câu ấy hy sinh ở Thành cổ rồi”… Mỗi lần đi hỏi thăm tin con về nhà, bà nội lại ngồi bệt ở góc hè, đầu nghẹo sang một bên, mắt nhìn lơ đãng vào không gian vô định. Còn mẹ tôi thì vác cuốc ra đồng, cứ đi thơ thẩn từ thửa ruộng này sang thửa ruộng khác.
Rồi đến một ngày, ông Phó Chủ tịch xã và ông xã đội trưởng đến nhà tôi thông báo một cái tin sét đánh: “Anh Đức đã hy sinh ở mặt trận phía Nam. Xin gia đình để xã tổ chức lễ truy điệu cho liệt sĩ”. Bà nội khóc cả làng nghe tiếng. Còn mẹ cứ ôm hai con vào lòng nấc lên, nấc xuống. Tôi thì như thấy đất trời đang nổi cơn giông tố. Thế là ước mơ đợi bố về mua cho một con búp bê ở miền Nam không còn nữa. Bố tôi hy sinh đúng vào những ngày trận lũ lịch sử năm 1971 tràn qua miền Bắc...


Say đắm lòng người câu quan họ

Thấm thoắt thế mà đã 40 năm, kể từ ngày tôi được ngắm ánh trăng rằm tháng Giêng ở nơi chôn rau, cắt rốn. Tết năm Canh Dần, tôi được nghỉ phép về quê đón xuân. Thật kỳ lạ, sau những ngày rét ngọt trong dịp Tết, đến dịp rằm tháng Giêng thì trời lại nắng rực rỡ. Và đêm Tết Nguyên Tiêu, ánh trăng sáng vằng vặc như những đêm trăng mùa hè đã nhuộm vàng cả một vùng quê đang đổi mới từng ngày. Thấy tôi ngạc nhiên, người cô ruột bảo rằng: “Bà nội con mất đến nay tròn 10 năm, nhưng đã có bốn, năm rằm tháng Giêng có trăng như thế này đấy”. “Sao không thấy mất mùa, thiên tai hay hạn hán xảy ra ở quê mình ạ?” – Tôi hỏi. “Chẳng những không có rủi ro, mà những năm xuất hiện trăng rằm tháng Giêng quê mình có nhiều biến động tích cực lắm” – Cô tôi cười.
Đúng là có nhiều đổi mới thật. Xã tôi có lẽ là một địa phương nghèo nhất của tỉnh Hưng Yên, nhưng đời sống của người dân luôn thay đổi theo năm tháng. Tính đến nay, toàn xã có hơn 95% căn nhà xây, trong đó có khoảng 30% là nhà tầng và nhà mái bằng. Con đường đê lổn nhổn đá trứng gà, trứng ngỗng và nhầy nhụa mỗi khi gặp mưa năm xưa, nay đã được rải nhựa chạy dài từ ngã tư Lực Điền đến tận Cống Tráng.
Mừng hơn nữa là con đường cao tốc 5B, nối Thủ đô Hà Nội với thành phố cảng Hải Phòng chạy qua cánh đồng của xã đã được khởi công xây dựng. Con đường mới được đổ cát thôi, nhưng giá nhà đất xung quanh cứ được đẩy cao lên vùn vụt. Và có vài chục công ty đang xúc tiến với tỉnh, huyện để có được một diện tích đất hai bên đường làm nhà máy, xí nghiệp.
Đêm rằm tháng Giêng, sau khi cùng họ hàng ra chùa khấn Phật, tôi lang thang một mình trên con đường đê năm xưa. Chao ơi! Được tắm mình trong ánh trăng vàng giữa mùa xuân mới thú vị làm sao. Tôi cứ đi mải miết, đi gần 2 cây số mà chẳng có cảm giác mỏi mệt. Đi gần đến âu thuyền Lực Điền, tôi bắt gặp một tốp thanh niên dựng xe máy trò chuyện rất rôm rả. “Bác Hải, có phải bác Hải đấy không?”. Tôi nhận ra ngay tiếng cô cháu gái con của chú em. “Các cháu cũng thích ngắm trăng rằm tháng Giêng à?” – Tôi hỏi. “Được ngắm trăng rằm tháng Giêng dăm, bảy lần trong cuộc đời là một điều diễm phúc mà. Bác vào đây vui với chúng cháu, tí cháu chở về” – Cô cháu gái đề nghị. Nhưng tôi không muốn làm phiền không gian của lớp trẻ.
Trên đường về nhà, bao kỷ niệm về đêm rằm tháng Giêng năm 1971 bỗng dưng tràn về dào dạt. Tôi nhớ hình ảnh các chú bộ đội chia tay bà con để lên đường vào Nam đánh giặc. Tôi như thấy những giọt nước mắt của các cô thôn nữ khi nghe tin người yêu của mình hy sinh ở mặt trận. Tôi thấy nước lũ đang dâng lên trên cánh đồng Tam Thiên Mẫu. Và tôi cũng như thấy nỗi đau xé ruột, xe gan của bà nội, của mẹ khi nghe tin bố hy sinh. Có lẽ tất cả những đau thương, mất mát ấy, là điểm tựa, là sức bật để quê hương, đất nước đổi mới, phát triển từng ngày như hôm nay. Trong những ngày xuân này, tôi khát khao lại được về thăm quê, biết đâu sẽ được ngắm ánh trăng rằm tháng Giêng tại các khu công nghiệp, trường học mới xây để hy vọng, chờ đợi và hân hoan đón chào những thay đổi đột phá của quê nhà…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét