Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Bác Quí

Đây rồi hồ Bán Nguyệt
Nửa vầng trăng lung linh
Năm 2000, cầm tấm bằng đại học Luật về quê, ông anh trai xin cho vào làm cộng tác viên Đài phát thanh- truyền hình tỉnh. Lý do rất đơn giản, anh mình chơi với Giám đốc đài, mặc dù hai người hơn nhau mấy chục tuổi nhưng có sở thích sản xuất thơ, thế là đánh bạn.
Ba tháng vật vờ xuống huyện viết tin bài cho phát thanh, thấy nghề báo sao mà cực.
Viết mãi chẳng được tin bài nào khen ngợi. Cũng bắt chước tin viết hình tháp lộn ngược, cũng theo công thức 5 W, mà kiến thức này lại do cậu trưởng đài huyện dạy cho mới đau. Cậu này đi lính về, bố mua cho cái máy ảnh Praktica chụp kiếm tiền, chẳng biết thế nào học được cái bằng tại chức báo chí mở ở tỉnh và lên chức trưởng đài.
Viết mãi chẳng được, chán quá phật phờ ra quán bia hơi bờ hồ Bán Nguyệt làm tý cho đỡ buồn thì lại gặp ông anh và một ông bạn già của anh ấy.
Màn giới thiệu diễn ra chóng vánh. Anh là Quí, nhà ở Nguyễn Thiện Thuật, thích thơ của anh chú, bia hơi cũng thích, khoái nhau là chơi. Làm phóng viên hả? ừ được, hay đấy, vợ con gì chưa em?
Hẹn chiều hôm sau đưa đến nhà người quen, sau màn chào hỏi giới thiệu với phụ huynh, thế là ba tháng sau tôi lấy vợ.
Cũng từ đó hay qua lại nhà bác Quí.
Bác Quí khoe, ngày xưa học dở trường Yết Kiêu. Chẳng hiểu sao bỏ trường, về Hưng Yên làm nghề khắc bia mộ. Thỉnh thoảng hứng lên bắc giá chép tranh là chính. Nhưng kiếm được tiền chủ yếu vẫn là đục bia cho người chết.
Vợ bác Quí tên là Hồng, công nhân xuất khẩu lao động ở Liên Xô cũ về, có tý vốn mở hàng tạp hóa bán trong chợ Phố Hiến.
“Tao lấy chị mày là vì yêu văn hóa Nga”, chẳng biết có phải thế không, nhưng bác Hồng người chỉ khoảng 40 cân, gầy đét, nói luôn mồm, hỏi luôn mồm, hỏi câu trước, quên câu sau. Câu cửa mồm không cần nghe cũng biết: Tìm ông Quí hả? ông ấy chết dấp ngoài quán bia rồi, chán đéo muốn nói!
Bác Quí có hai thằng con trai, một thằng là Ninh, một thằng là Quỳnh.
Thằng Ninh giống bố, tóc để dài rũ rượi, người gầy nhẳng nhưng lại ham đá bóng. Thằng Quỳnh mập hơn chút, ham chơi game.
Bác Quí khi có bia vào thường nói rất to, dạy con cũng chỉ chừng có mấy câu, đại loại: Chúng mày phải biết bố mẹ chúng mày là ai. Không học chỉ có chết. Chỉ có đường tiến, chúng mày không được lùi. Nếu mà lùi, chúng mày sẽ ngã xuống hố sâu, chứ không phải ngã vào đống rơm đâu, đau lắm mà dậy khó đấy!
Có lúc hứng lên, bác bảo với tôi: Anh sẽ cho chúng nó chạy thỏa sức trên những luống cày, đời sẽ dạy chúng nó thành người!
Bia hơi là khoái khẩu của bác, uống không nhiều, nhưng mỗi ngày phải ba cữ, mỗi cữ ba cốc vại. Cứ vài ngụm lại vớ điếu cày rít sòng sọc, mắt tê dại nhìn ra đường mông lung.
Tôi làm ở Hưng Yên, công việc trở nên nhàm chán, cái anh phóng viên ở đài tỉnh sau vài năm như hết việc. Tháng nào cũng có từng ấy chủ đề, cứ thế mà viết, lách…lĩnh ít nhuận bút còm cõi, nhưng khổ nhất là đi họp giao ban chuyên môn với Ban giám đốc. Chán chẳng buồn chết vì nghe định hướng tuyên truyền trong tuần, trong tháng. Nào là nhân ngày phòng chống cháy nổ thì phải đến một doanh nghiệp thực hiện tốt công tác này để tuyên truyền. Nào là nhân ngày phòng chống HIV- AIDS thì phải về một địa phương khen chống AIDS tốt…toàn tốt không xấu!
Nghĩ kế chuồn, mãi mới chuyển được ra Hà Nội.
Một năm sau về quê, nghe tin nhà bác Quí vỡ nợ bị bắt nhà, vợ chồng con cái đi vào Nam tất tần tật.
Trái đất đúng là tròn xoe.
Ở Hà Nội hơn hai năm tôi chuyển vào Sài Gòn làm phóng viên thường trú.
Một buổi trưa đang thiu thiu ngủ trên ghế cơ quan, có cuộc gọi số lạ hoắc. Nghe đầu kia giọng khê, nồng…nhận ra bác Quí. Mừng kinh!
Tao nghe nói mày vào trong này rồi hả? đang ở đâu? Anh với chị ở đằng sau Suối Tiên. Hôm nào rảnh qua đây thăm tao nhé!
Sau cuộc điện thoại bất ngờ đó, phải ba tháng sau mới tìm đến nhà bác Quí.
Vòng vèo mãi qua năm bảy con ngõ nhỏ, vượt qua mấy vườn tràm, nhà bác Quí nằm ngay đằng sau khu vui chơi Suối Tiên, căn nhà lợp tôn thấp lè tè, vách cũng bằng tôn, càng tăng thêm cái nóng của buổi trưa tháng ba Sài Gòn. Thật kinh khủng, đang ở một căn nhà mặt phố Hưng Yên, trị giá cả 4, 5 tỷ đồng, giờ cả nhà chui vào chiếc lều này để mưu sinh qua ngày.
Bác Hồng líu ríu hỏi thăm nhà cửa, vợ con, chuyện làm ăn, đi lại của tôi.
Bác Quí tay rót trà, chân xua mấy con gà con dạn người vì đói, chúng nhảy choi choi, mổ lấy, mổ để vào lỗ của chiếc dép tổ ong đen xỉn mà bác Quí đang dẫm dưới chân.
“Anh nhọc rồi em ạ!”- mất hết cả, nhưng kể ra mất nhà cửa, tiền bạc, lâu rồi cũng quen, thấy bình thường, nhưng mất ông anh ruột thấy trống trải quá.
Bác Đức mất được 49 ngày rồi, anh buồn quá. (Bác Đức là anh trai bác Quí, ngày xưa ở Hưng Yên chuyên viết cho tạp chí Phố Hiến).
Trông con mắt bác Quí hơi đỏ, ươn ướt…giọng bác chùng xuống, mảnh đất này là bác Đức cho vợ chồng anh mượn từ ngày cơ nhỡ vào đây, hơn 500 mét vuông này trồng rau cỏ, nuôi chó gà đã nuôi cả gia đình anh gần chục năm nay rồi đấy!
Lâu rồi anh em mình chưa uống trận nào, hôm nay uống nhé, uống với anh cho khuây khỏa.
Ba ly cối nạp có khoảng 15 phút đã vơi, bác Quí như quên mất câu chuyện buồn đang nói dở. Lại như hôm nào ngồi uống rượu óc lợn trần ngải cứu bên bờ hồ Bán Nguyệt, gió mùa Đông Bắc giật từng hồi trên tán bàng, bác Quí cao hứng: Văn Cao trong sáng, thịnh soạn, nghe mãi chẳng khi nào chán. Tao không thích tay họ Trịnh, làm sao trong sáng như anh Cao được.
Này Tuấn nhà em vẫn đánh bạn với Tốn chứ? Tốn sống chân thành lắm đấy (Đinh Quang Tốn, Phó Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân). À mà này, sư bố cái ông Triều Tiên, cứ mang tên lửa dọa nhau suốt mà không chán nhỉ, không khéo, đéo có nhưng cứ giả bộ như thật để xin lương thực ăn dần ấy chứ!
Nhưng mà này, cái anh Triều Tiên này ngày xưa cũng chơi với mình thân ra phết đấy chứ, để anh đọc cho mày nghe bài thơ này nhé. Và cứ thế khề khà, bác Quí thu hai chân lên trên chiếc ghế gỗ đã gãy mất chỗ dựa để đọc thơ. Công nhận, trí nhớ của ông bác gần 60 rồi mà vẫn tốt thật:
Em bé Triều Tiên ơi
Mẹ của em đâu rồi?
Mẹ em đây, người dân công tải đạn
Mẹ em đây, người nữ cứu thương
Cha em đây, giữa chiến trường
Mặt đen khói đạn, chặn đường giặc lui
Anh của em đã đến đây rồi
Anh Chí nguyện, con bác Mao đã đến
Anh đã đến bên nôi em cháy dở
Với cha em giết hết loài man rợ
Cho mẹ em xây lại tổ mềm
Cho em sướng, cho em ca múa
Trên đồng hoa, bãi lúa
Nhịp sống vui muôn thuở Triều Tiên
….
Bé em ơi, giữa súng rền
Ngày mai tươi mát hát trên đất Triều

Đọc xong, bác Quí buông thõng chân xuống đất, tay vân vê mồi thuốc lào: Tố Hữu đấy em ạ, kinh không?
Kinh thật bác ạ!
Rồi bác lại xoay về chủ đề mấy thằng con. Thằng Quỳnh, thằng Ninh nhà anh giờ đi làm cả rồi, nhà cũng đỡ vất vả. Tao vẫn bảo chúng nó, nhà mình không có chỗ dựa dẫm đâu, phải vững bước mà đi, hay chạy thì cũng đừng để ngã, các con ngã là không có đệm rơm, đệm mút đỡ các con đâu, tóe máu ra đấy…Anh cho chúng nó vào đời bằng cách đi trên những luống cày, có thế chúng nó mới vững chãi được, chứ đi trên đất bằng là hỏng hết! hỏng hết.
Nhìn bác rít điếu thuốc lào phê dại đờ đẫn mắt, tôi thấy bác và bác gái gần 60 tuổi đầu rồi, giờ vẫn đang đi trên luống cày, gập gềnh, khấp khổm, nào đã bao giờ thấy hai bác được dắt tay nhau đi trên đường bằng đâu, dù chỉ là một đoạn?
Hi hi, cuộc đời này đúng là cuộc đời…
 









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét