Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

sản xuất thơ

"-Mang ngay cho tao 3 tấn "Gió Lộng" ra đầu cầu Chương Dương, dạo này bên chợ Ninh Hiệp cháy lắm, không có mà bán!
-Không còn, bảo hết từ hôm tuần trước rồi, hay dùng tạm "Máu và Hoa" đi, bên kho còn chục tấn nữa, thằng Đức Như Quỳnh đang ôm!
-Đang cúm H5N1 bỏ mẹ lên được, máu với tiết cái đéo gì, dân nó không dùng. Mấy tháng rồi có bán được ít nào đâu. Tưởng còn "Gió Lộng" thì lấy chứ không thì thôi. Mấy hôm nay oi quá, chẳng mưa giông gì, nhiều người hỏi lắm..."
Đây là một trong rất nhiều câu chuyện trong quãng đời của thời sinh viên thuê nhà trọ ở làng Hậu, Dịch Vọng, Từ Liêm, Hà Nội. Sinh viên đói rã họng, không màng học, cốt chỉ có bữa ăn, xông xênh thêm bữa nhậu và ngủ để lấy sức sống qua ngày. Mình nhớ, mỗi buổi sáng dậy, mình, Tráng Tóp, Hùng Xuân Đỉnh, Đức Như Quỳnh lại trêu đùa nhau như vậy, để lấy cảm hứng sáng tạo tìm ra bữa cơm trưa, bữa nhậu chiều bằng rượu cồn bán ở căng tin khoa Lý với giá 250 đồng/1 chén da lươn.
Những lúc nằm bẹp trên giường ngẫm nghĩ cái sự đời, thấy quẫn cho cái sự ăn, sự học của mình, hết khôn dồn đến dại. Có đận nằm bẹp trên giường tầng ký túc, đốc chứng mình cũng sản xuất thơ, và đây là một trong những bài được sản xuất vào những tháng năm gian nan, ác liệt nhất trong cuộc chiến chống đói của giai cấp sinh viên:

KHÚC DÂN CA
Ngày xưa mẹ tiễn cha đi
Hoa bưởi ướp giữa trang thư quê nhà
Con cò trong khúc dân ca
Ngủ trên cánh võng theo vào giấc mơ
Năm tin đợi, bốn tin chờ
Mặn trong nước mắt dâng đầy bờ mi
Chiến tranh rồi cũng qua đi
Cành đa thì cỗi, cành si cũng già
Trẻ thơ mình đã lớn ra
Chẳng còn quen khúc dân ca ngày nào
Đã quên thăm thẳm trời sao
Đã quên ngọn gió xạc xào đêm đông
Không gian rộng đến mênh mông
Người xưa rồi cũng hòa trong sông dài
Chiều hôm rồi lại sớm mai
Chúng mình quên hết những bài dân ca./..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét