Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Loạng choạng vào nghề


Năm 2001, về làm cộng tác viên ở đài tỉnh, được đồng chí Phó Giám đốc đài phân công về huyện Yên Mỹ với nhiệm vụ: Chuyên viết tin cho phát thanh. Cái huyện đồng bằng sông Hồng bé như bàn tay, đi một tuần là hết các xã, một tháng thì Chủ tịch xã với Chủ nhiệm hợp tác xã nhẵn thín mặt. Chán ngắc ngoải, toàn là tin diệt chuột với phun thuốc trừ sâu, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giao…Tháng đầu tiên được 57 nghìn tiền nhuận bút, tháng thứ hai có tiến bộ, lên 127 nghìn và cứ giữ chỉ tiêu đó đến hết năm. Không lương, không thưởng, phát bài nào ăn tiền bài ấy. Hùng hục đi cày, tan xác con guây Tàu mẹ dành dụm tiền mấy chục năm vẫn chưa đủ, còn phải đi vay lãi thêm để mua cho đi làm. Buốt hết cả ruột mà không xoay chuyển được tình hình. Ông anh ruột làm bên báo phím: Mày viết rồi đưa qua bên này tao tìm cách đăng, kiếm thêm tí tiền xăng cộ, chứ thế thì chết.
Từ đận ấy đêm về chổng mông lên giời hí hoáy biên biên, chép chép, sửa sửa, sang sang để chuyển bài từ phát thanh qua báo đăng, may chăng kiếm thêm chút đỉnh.
Làm báo như mình đâu có biết gì về thể loại, bởi mình đâu được đào tạo bài bản như các nhà báo nhớn trong trường báo chí ra. Cái loại học một đằng đi làm một nẻo nó khổ vậy. Đại loại là cứ hứng chí lên là phang bừa ra giấy, hồi đó viết bằng giấy, chưa có máy vi tính để gõ. Khi bài được đăng thấy họ ghi là ký thì biết bài của mình ở dạng ký, ghi là tản văn thì biết là tản văn, ghi là tường thuật thì biết là tường thuật… Khiếp thật, chỉ có vậy mà bao nhiêu là thể loại, bố ai mà biết được. Mãi đến tận bây giờ mình cũng đếch biết phân biệt các thể loại báo chí, đúng là ngu lâu, dốt bền, khó đào tạo.
Và đây là bài gọi là ký đầu tiên của mình được đăng trên báo quê ta, ăn gần một trăm nghìn nhuận bút, nhưng bị khao, lõm mẹ nó mất một tuần cơm bụi bờ hồ Phố Hiến.

Ngô ngọt ở Yên Phú
Nếm quả ngọt đầu mùa
(Ghi chú: Hình ảnh nhiều khi chẳng liên quan đéo gì đến bài viết- Tất cả hình ảnh trên blog của tớ là do chính tay tớ chụp hoặc bạn bè cực thân chụp cho, vì nhẽ đó, đéo phải xin phép bản quyền cho nó lằng nhằng ra...)
Bây giờ vị nồng của vôi trong bát ngô hầm thời bao cấp đã trở nên xa lạ với mọi người trong mỗi bữa ăn. Một thời cái màu vàng rực ấy trở thành nỗi ngao ngán cho số đông người được ăn đong gạo sổ. Người ta tìm đủ mọi cách để chế biến, như ngô bung, ngô hầm, bánh ngô, chè ngô…Nhưng rút cục, hạt ngô vẫn chỉ đơn thuần là một thứ tinh bột loại hai trợ giúp cho những chiếc dạ dày kinh niên thèm bát cơm gạo trắng.
Hạt ngô thông thường giờ đây chỉ được xem như là một loại thức ăn phục vụ cho chăn nuôi, người ta như quên dần vai trò của nó trong những bữa ăn hàng ngày, thì giờ có một giống ngô khác đang được coi như một thứ đặc sản, không phải ai cũng được ăn. Đó là bắp ngô ngọt.
*** Năm tháng qua đi, vùng đất bãi Yên Phú của huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên vẫn một màu xanh mướt. Sự chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, xen canh tăng vụ, tăng hệ số vòng quay của đất khiến nơi này mùa nào cây ấy. Đất và người chẳng phụ nhau, quanh năm hoa trái tốt tươi, cung cấp không những cho thị trường tại chỗ mà còn vươn ra những nơi được coi là khó tính, khắt khe như thành phố, thị xã hoặc vượt ra khỏi biên giới quốc gia.
Hơn 1400 mẫu đất canh tác của toàn xã Yên Phú chỉ có khoảng 500 mẫu là trồng lúa, còn lại gần 900 mẫu trồng các loại hoa màu. Trong số đó, có một loại cây chỉ chiếm 3,3% diện tích nhưng lại là nỗi trăn trở của bà con nông dân nơi đây, ấy là sự nên hay không nên phát triển thêm diện tích cây ngô ngọt.
Nhớ hồi đầu khi cây ngô ngọt đứng chân trên đất Yên Phú, cách đây cũng chừng bốn năm, cả xã khi ấy chỉ trồng thử nghiệm khoảng một mẫu, mỗi người một ít, chưa ai biết được kết quả sẽ ra sao, chỉ biết rằng trên lý thuyết là rất có lãi. Thời gian ấy, ngô ngọt được nhập vào Việt Nam với giá khá đắt, chỉ có ở trong các siêu thị ở Hà Nội, với giá khoảng 3 nghìn rưỡi một bắp và cũng chỉ có người nhiều tiền mới dám ăn.
Bốn năm trôi qua, thực tế đã chứng minh rằng cây ngô ngọt sinh trưởng, phát triển trên chân đất bãi pha cát ở Yên Phú là rất tốt, độ đường trong bắp cao, chất lượng không thua kém hàng nhập từ Thái Lan về. Cây ngô ngọt trên đất bãi không như trồng ở chân đất rắn, đất thịt, bắp co lại rất ngắn, hoặc là hạt lép, ăn vào nhạt thếch như ngô thường.
Từ lúc giá thị trường cao như vậy, cho tới bây giờ, giá thành một bắp ngô ngọt đã hạ xuống chỉ còn 8 trăm đồng tại thị trường Hà Nội và 5 trăm một bắp tại ruộng mà người trồng vẫn có lãi. Để từ đây, bà con nông dân đã nhìn thấy giá trị kinh tế của loại cây này, ai ai cũng có thể tính được: 1 sào đất trồng được 1500 cây ngô, mỗi cây cho một bắp, nhân với 500 đồng/bắp, sau 1 trăm ngày sẽ cho thu hoạch, bán tại ruộng được 750 nghìn đồng, bằng giá của ba tạ thóc.
Từ một mẫu ngô ngọt đầu tiên, bây giờ số hộ theo trồng đã có trăm người với diện tích lên đến hàng chục mẫu.
Trở lại thôn Mễ Hạ, một thôn có diện tích trồng ngô ngọt lớn nhất xã Yên Phú, có một người mà dân trong vùng ai cũng biết, có người còn tôn anh lên là “Vua giống” của Yên Mỹ. Đó là anh Lê Anh Tuấn, một chủ vườn vừa say mê với nghề làm các loại giống cây, vừa tiên phong trong việc trồng thử nghiệm những giống cây mới.
Nói về cây ngô ngọt, anh Tuấn cho biết, năm 1997, nghe nói có giống ngô ngọt đặc sản nhập vào Việt Nam với giá rất đắt, sau một thời gian tìm hiểu, anh đã liên hệ được với Công ty Trang Nông và mua được giống ngô này đem về trồng thử, với cái giá 350 nghìn đồng một cân hạt giống, lúc bấy giờ không phải ai cũng dám bỏ tiền ra mua để làm thử.
Những lứa đầu thu hoạch, để tìm đầu ra, anh đã phải chở bắp ngô lên Hà Nội rao bán, nhưng người ta nói ngô lai chứ không phải ngô ngọt. Không nản lòng, anh đem luộc và mời khách hàng ăn thử. Họ lại nói, ông đem ngâm đường hóa học thì nó mới ngọt như thế này chứ đâu phải ngô đặc sản…
Sau bao thất bại, cuối cùng, anh Tuấn cũng đã chứng minh cho người tiêu dùng thấy đính thực đây là sản phẩm ngô ngọt được trồng trên đất của ta. Từ đó đến nay, sản phẩm của anh đã có mặt ở hầu hết các siêu thị như Sao Hà Nội, Marko…Cái thị trường sính ngoại, khó tính với hàng nội đã chấp nhận loại ngô ngọt của Yên Phú. Đều đều mỗi ngày, anh Tuấn chở lên Hà Nội hàng nghìn bắp ngô, với giá rẻ hơn hàng nhập ngoại từ bốn đến năm lần.
Từ kinh nghiệm của gia đình mình, anh đã nhân rộng chương trình trồng ngô ngọt cho nhiều hộ nông dân ở Yên Phú. Anh còn chủ động giao giống, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con canh tác trên ruộng của họ và nhận bao tiêu sản phẩm. Trung bình mỗi sào sau thu hoạch, anh trả lại 6 trăm nghìn đồng cho người trồng, cả hai bên cùng có lợi, và như thế đất cũng đã trả công cho người lao động một cách tương xứng. nhưng cũng không phải đơn giản chỉ có vậy, nhiều khi gặp “sự cố”, người nhận bao tiêu sản phẩm vẫn vui vẻ chấp nhận phần thiệt về mình để giữ chữ tín với bà con nông dân.
Các cụ nói “Chiêm xấp xới, mùa đợi nhau”, rủi khi có vụ người tra ngô sớm gặp thời tiết lạnh, người tra ngô muộn gặp thời tiết nóng và thế là cây ngô sinh trưởng, kết bắp đồng loạt như nhau, sản phẩm thu hoạch cùng một lúc, thành ra “cộn” sản phẩm. Lúc này giải pháp duy nhất là vẫn phải đứng ra mua hết cho bà con, mà chấp nhận rủi ro thuộc về mình.
Sự khắt khe của thị trường đối với sản phẩm rau quả cũng là một điều làm cho người gieo trồng và thu mua đau đầu. Ngô ngọt cũng vậy, phải thu hoạch khi đúng tuổi mới đảm bảo độ đường trong bắp, nếu sớm quá hoặc muộn quá đều làm giảm độ đường trong bắp và mất giá.
Anh Tuấn trầm ngâm: Để có được 30 mẫu ngô ngọt bà con theo trồng như bây giờ không phải dễ, đã có những lúc thất bại đau đớn, nhưng những lần vấp ngã ấy là bài học kinh nghiệm quí báu cho sau này.
30 mẫu ngô đặc sản là rất nhỏ so với hàng trăm, hàng nghìn mẫu đất bãi màu mỡ phù sa của các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ.v.v…cùng với đó là cả một thị trường rộng lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…Nhưng đầu ra cho nông sản vẫn đang còn là một thách thức với những hộ muốn theo trồng cây ngô ngọt. Đây là câu hỏi đeo đẳng không chỉ cho riêng những người nông dân, mà là cho cả những người làm công tác quản lý. Sẽ rất nguy hiểm nếu như hàng trăm mẫu ngô ngọt cứ được người nông dân trồng một cách tự phát mà không biết bán đi đâu, đặc sản thật đấy, nhưng lúc ế ẩm thì cũng chỉ biết quẳng cho trâu, cho bò gặm dần để rồi nhìn mà thắt ruột.
Vấn đề công nghệ sau thu hoạch đương nhiên là bức xúc ở chỗ này đây, tỉnh Hưng Yên đến nay vẫn còn quá ít các nhà máy chế biến nông sản thực phẩm. Một vài nhà máy hoạt động nhưng cũng chỉ chủ yếu chế biến vải, nhãn và dưa chuột. Còn bao nhiêu mặt hàng nông sản khác ngoài ngô ngọt của Yên Phú, một tiềm năng sản phẩm cây nông nghiệp vô cùng phong phú bị bỏ ngỏ. Chỉ khi nào có một ngành công nghiệp bảo quản hàng hóa sau thu hoạch và một hướng tiếp thị cho thị trường nông sản thì người nông dân mới yên lòng sản xuất. Chỉ dừng lại ở một khâu nào đó trong công đoạn này, không chóng thì chày, người sản xuất sẽ lao đao và dẫn tới đổ bể.
Vẫn biết đất là vốn quí và “ Người ta là hoa của đất”, vậy mà người nông dân vẫn phải bỏ quê ra thị thành kiếm sống. Có biết bao người dân ở Yên Phú đang bán hàng rong trên các đường phố Hà Nội hoặc đi làm thuê, làm mướn ở những nơi khác?
Sông Hồng hào phóng bồi đắp phù sa cho các đồng đất bãi màu mỡ như nhau, nhưng phần thiệt thòi phần lớn rơi vào những người dân nghèo khó nơi đây. Thị trường Hà Nội ngày một rộng lớn, Khu công nghiệp Như Quỳnh, Phố Nối, thị xã Hưng Yên trở nên sầm uất trong tương lai gần, tiềm năng cho thị trường nông sản là rất rộng mở. Chúng ta nên qui hoạch cho mình một vùng rau sạch, một vùng cây đặc sản và trên hết, nên đầu tư một khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp sau thu hoạch để tạo cú hích cho tiềm năng sản xuất nông nghiệp của Hưng Yên./…











 










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét