Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Hoa tràm

  Năm 15 tuổi đang học lớp đầu tiên của cấp ba ngoài Bắc, thời ấy mọi thứ đều khó khăn, những bữa cơm gạo mậu dịch vàng như nanh chuột, mùi mốc, hôi do để lâu trong kho không là nỗi ám ảnh của chúng tôi, mà nỗi ám ảnh là cái đói cồn cào ruột gan vào mỗi buổi sáng thức dậy, mỗi trưa cắp sách từ trường về nhà vì phải nhịn ăn sáng đã hằn sâu trong đầu những đứa trẻ như tôi ngày ấy.Năm đó tôi đã theo bố đến dạy học ở một nơi mà chẳng bao giờ tôi nghĩ có ngày mình đặt chân đến , bởi nó xa đến tận cùng của đất nước. Bố và tôi đi để  ở nhà dành chút tiền lương ít ỏi của bố nuôi anh, chị tôi theo học ngoài Hải Dương…Ngồi nhớ lại những năm tháng ấy, để rồi hôm nay tôi kể cho em trong nỗi buồn, nhớ về một thời cuộc sống những người đứng trên bục giảng gặp vô cùng khốn khó, tất cả như một cuốn phim chân thực và cảm động về tình người, mong em hiểu cho tôi, vì quá khứ đối với tôi đã thành xa xỉ lâu rồi, tất cả tâm hồn tôi có dừng đâu ở đó, tụ lại trong tôi những buồn vui chất chứa, chỉ xin em đừng ghen với quá khứ trong sáng ngày xưa .
Xe máy của miền Tây
  Tôi còn nhớ hồi ấy đang học lớp 8, tức là lớp đầu tiên của trường trung học phổ thông( vì lúc đó bọn tôi chưa có hệ 12 năm). Một buổi chiều thứ bảy đi học về, tôi bước vào nhà, thấy bố mẹ đang bàn chuyện gì như quan trọng lắm, loáng thoáng nghe bố nói với mẹ:
-Trong ấy không rét đâu, đỡ lo khoản quần áo ấm cho anh và con.
Tôi nghe được có vậy, chẳng hiểu chuyện gì. Cất vội cặp sách vào ngăn bàn và đi xuốn bếp. Chị Yến đang phùng má thổi vào bếp đun bằng lá phi lao khói mù mịt, ngẩng lên bảo tôi:
-           Này Chung, mày có biết chuyện gì không?
-           Em không.
-           Bố sắp vào Minh Hải dạy học đấy.
Tôi chợt thoáng hiểu ra câu chuyện giữa bố và mẹ bàn nhau hồi nãy trên nhà.
    -Mà tao thấy bố bảo cả mày cũng đi luôn vào trong đó học nữa đấy!
Không biết từ đâu một cảm giác là lạ, buồn buồn khó tả chạy rần rần trong người tôi. Ở cái tuổi dở dở, ương ương này, buồn vì cái gì lớn lao, to tát đâu có đến phần mình, nhưng chao ôi…
   -Sao mày đứng đực ra thế hả Chung? Sướng quá còn gì, mày sắp được đi xa tít mù khơi, tao ước gì cũng được như mày… Nhưng thôi tí nữa lên nhà tao chỉ cho ở trên bản đồ chỗ mày được đến.
***
Thế là hai bố con tôi lên đường.
Sáng sớm mẹ và anh Tuấn cùng mấy cô chú trong khu tập thể đưa ra cổng trường.
Chị Yến đi Hải Dương từ chiều qua để kịp giờ học buổi sáng. Không có mặt chị, tôi nghèn nghẹn trong cổ.
   -Thôi nhé, bố con anh lên đường may mắn, khi nào vào đến trong ấy viết thư ngay về cho chị em em ở nhà mừng.
Tiếng cô Hiền to nhất đám. Mẹ chẳng nói được câu gì, cứ đứng hết nhìn bố con tôi lại nhìn mọi người. Giờ tôi mới hiểu lúc ấy mẹ buồn và muốn nói nhiều lắm nhưng đành lặng im. Tôi như thấy oai vệ hơn so với lũ trẻ cùng dãy tập thể vì sắp được đi đến một phương trời xa lắc xa lơ, lại còn nghe nói được đi tàu hỏa, qua đèo Hải Vân mây bay chạm nóc tàu. Cứ nghĩ đến lúc ấy, tôi muốn nhảy cẫng lên.
Xe của Phòng Giáo dục huyện đón ở cổng trường, cái xe cũ kỹ, già nua, đen xì tróc lở hết cả sơn trông đến khiếp, thỉnh thoảng nó rống lên hồng hộc như con lợn nái gặp lúc đói bụng. Bố con tôi lên xe, mọi người vẫy tay, chào nói ầm ĩ. Xe từ từ chuyển bánh,  tôi ngoái lại nhìn mà mắt cay xè, bóng mẹ mờ dần, mờ dần rồi mất hẳn trong đám bụi đục ngầu…
Tạm biệt mái trường thân yêu bao năm ôm ấp kỷ niệm tuổi thơ của tôi, tạm biệt nhé miền Bắc, không hiểu tôi đã sắp khóc hay chưa mà thấy nghẹn trong cổ. Cộc! Ái chà, đau điếng cả đỉnh đầu, xe nghiêng ngả trong những ổ gà, ổ trâu. Bố kéo sát tôi vào lòng và ôm chặt lấy tôi, suốt từ lúc xe chạy tới giờ bố ngồi im nhìn ra bên đường và chẳng nói câu gì.
Đoàn giáo viên đi dạy học tăng cường cho Minh Hải có khoảng bảy chục người cả thầy lẫn cô, ngồi kín toa tàu. Hai bố con tôi được ngồi cùng một ghế, bố cho tôi ngồi cạnh cửa sổ để dễ nhìn ra bên ngoài. Cái âm thanh chói tai của bánh sắt nghiến xuống đường ray đến bây giờ tôi như vẫn còn nghe thấy. Ba ngày, ba đêm ngủ thức không theo giờ giấc, qua bao nhiêu thành phố, thị xã, bao cầu, bao đèo để rồi đến Sài Gòn vào buổi tối muộn. Bố dắt tay tôi xuống sân ga mà tôi chỉ chực ngã, bác Độ người cùng đoàn nói:
   -Thằng bé nhà ông say tàu rồi.
Qua một đêm được ngủ lại Sài gòn, dù được nằm trên giường mà tôi vẫn thấy giường lắc lư và tiếng bánh xe réo ù ù bên tai. Sáng sớm hôm sau, lại tiếp tục hành trình bằng ô tô xuống thị xã Bạc Liêu, tỉnh Minh Hải. Tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết, chẳng còn sức nữa để ngắm nhìn phong cảnh lạ lẫm từ bé chỉ được biết trên trang sách “Đất rừng Phương Nam” của ông Đoàn Giỏi.
  -Chung ơi đến rồi, dậy đi con!
Tôi ngơ ngác mở choàng mắt, nắng chói chang và gió mênh mang. Sao mà lắm tàu thuyền đến vậy? Bến ô tô lại ngay cạnh bờ sông, sặc sỡ đủ các loại màu, hoa cả mắt.
  -Bây giờ đoàn sẽ chia thành các nhóm về Phòng Giáo dục từng huyện, sau đó các anh, các chị sẽ được phân công về trường.
Tiếng chú trưởng đoàn người trong này oang oang nhưng dễ nghe. Chắc là về tới quê mình nên chú nói to như vậy chứ lúc ở ngoài Bắc tôi thấy chú nói nhỏ và rất ít.
Lại một ngày ngồi tàu thủy từ thị xã Bạc Liêu về Huyện, cảm giác đi tàu xe liên miên làm tôi phát ngán, nhưng nhìn thấy bố tay xách nách mang bao nhiêu là đồ tôi lại phải cố làm như mình vẫn khỏe như thường.
***
Cuối cùng thì sau năm ngày chúng tôi cũng đến được mảnh đất chúng tôi cần đến. Đó là một trường cấp hai của một xã vùng sâu của huyện Hồng Dân, cách trung tâm tỉnh nửa ngày tàu thủy.Bốn bề là sông nước, kênh rạch. Nhà cửa lúp xúp hai bên bờ kênh. Nhà nào cũng có xuồng ba lá, ít thì một chiếc, nhiều thì vài ba chiếc, đây là phương tiện đi lại giống như chiếc xe đạp ngoài Bắc.
Tôi lạ nước sốt ly bì bỏ ăn, mỗi bữa chỉ nhấp vài miếng nước cơm mất một tuần liền. Bố phải chườm nước đá lên trán cho tôi bớt nóng, mệt quá, chẳng đủ sức để nhớ nhà nữa, tôi nằm co ro như tàu chuối héo rũ. Mấy cô chú cùng trường tíu tít chạy sang thăm nom thành viên mới, tôi mê man trong tiếng nói lạ hoắc, với những giấc mơ về quê tỉnh dậy thấy ướt hết tóc mai.
Hết một tuần ốm, tôi trở dậy bắt đầu làm quen với cuộc sống mới xa lạ. Cái gì cũng khác khiến tôi bắt đầu nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ bạn bè cùng lớp ngoài đó cồn cào. Cứ chiều xuống là nhớ mẹ day dứt, nhưng cứ mỗi lần định khóc thì lại sợ bố biết. Ra ngoài bờ kênh cắn chặt hai hàm răng vào môi thật đau để đỡ bật khóc. Mùa khô miền Tây không có mưa, nắng mênh mang, trời cao và xanh thăm thẳm, gió Chướng thổi ù ù suốt ngày đêm, chỉ nghe thấy tiếng lá dừa nước xạc xào suốt đêm ngày.
***
Bố được phân công dạy lớp chín, cả văn lẫn toán. Ngoài Bắc bố là giáo viên toán, tôi thắc mắc điều này, bố bảo: “Thế mới tài chứ”.
Học sinh cấp hai trong này lớn lắm vì họ đi học muộn. Sau giải phóng mười năm rồi mà ở đây hình như cuộc sống chẳng đổi khác, đấy là tôi nghe người lớn nói chuyện vậy.Ở đây ăn nhậu và mặc là điều người miền Tây quan tâm hơn cả. Xong công chuyện là họ nhậu.Buồn ư! Cũng nhậu, vui cũng nhậu, họ uống rượu và ca cải lương, khúc sáu câu ai oán của người Chàm thở than mất nước đầy mặt sông vào những buổi đêm trăng loang mặt nước.
***
Lớp bố chủ nhiệm có mười chín người thì chỉ có bốn là nữ. Các chị hơn tôi chừng hai tuổi, họ hay xuống nhà tôi chơi, nói chuyện với bố, mới đầu tôi rất ngại nhưng lâu rồi thành quen, tôi cảm thấy rất mến các chị. Thỉnh thoảng họ lại xách từ nhà tới có khi là mấy trái dừa, vài con cá lóc. Chẳng phải là để gần gũi thầy vì chuyện học hành điểm giả mà là tấm lòng chân thành của người miền Tây. Sau này tôi mới biết, ở trong Nam, người ta tôn trọng hai nghề, đó là thầy giáo và thầy thuốc, cho dù là người cao tuổi, hễ cứ gặp ai làm hai nghề trên là họ một điều kêu là thầy…cuộc sống của tôi ở nơi xa lạ này cứ diễn ra như vậy… và nếu như không có những chuyện ấy đến với tôi, thì chắc đâu tôi đã cầm bút kể lại cho em nghe một thời giữa mênh mông sông nước ấy.
***
Chị tên là Hiệu, là một trong bốn người con gái thường tới nhà tôi chơi. Cứ mỗi lần đó, nhà tôi lại vui lên như Tết. Chị hay hỏi bố về chuyện ngoài Bắc, chắc Hà Nội đẹp lắm a thầy? Rồi lại chuyện nhà tôi, chị kêu:thương cô em ngoài đó buồn nhiều lắm…
Bố tôi ngồi chấm bài, chị ra bờ kênh ngồi xem tôi câu cá trốt.
-Coi chừng gai nó đâm lủng tay đau lắm đó nghen!
Tôi giật mình ngẩng lên- chị, mái tóc thề chớm tới bờ vai mềm mại, dày mà xanh mướt. Chị cúi xuống nghiêng một bên đầu gỡ con cá ra khỏi lưỡi câu cho tôi, một bên tóc xõa xuống che mất nửa má bên này, mùi hương tràm thơm ngát thoang thoảng đâu đây.
-Coi bộ khoái câu ghê Chung!
Tôi cười:
-Ngoài Bắc đâu có cá này!
Chị ngồi xuống cạnh hỏi chuyện học hành của tụi tôi ngoài đó,giọng miền Nam trong trẻo thật dễ thương, tôi thấy chị mới quen sao gần gũi lạ.
-Con gái ngoài Hà Nội chắc là đẹp lắm phải không Chung?
Tôi đưa mắt nhìn chị:
-Cũng tùy người thôi, ở đâu cũng có người đẹp người xấu mà chị.
Nhìn bàn tay trắng và những ngón nhỏ thon dài của chị thoăn thoắt tết miếng lá dừa nước thành dây hoa, tôi cảm giác như bàn tay người con gái trong bức họa của Leonadevinci thời Phục hưng, đẹp đến sững sờ.
-Mai về nhà chị thăm ngoại nghe Chung!
-Để em xin phép bố đã.
-Rồi chị thưa giùm bố em cho,giờ chị phải đi mua thuốc cho ngoại, ngoại chị bệnh mấy bữa nay đâu có ăn được gì.
Chị đi rồi tôi buông cần câu, nhìn theo sau mãi bóng chị xa dần rồi mất sau con đường vòng hai bên toàn là dừa lửa thấp lòa xòa, những trái dừa lúc lỉu đánh đu giữa trời để hóng gió. Tôi bần thần, đứng dậy phủi  quần rồi lững thững xách xâu cá đi về.
Chiếc xuồng quay đầu, tôi loạng choạng bước lên, suýt nữa thì ngã ngửa, chị ra bộ cho tôi ngồi xuống đầu xuồng và bắt đầu chèo. Kênh, rạch miền Tây đẹp quá, hai bên toàn dừa nước xanh ngút ngát níu lấy nhau không cho ánh nắng lọt xuống mặt nước, một đôi quãng tràm mọc chen chân nhau thả xuống những chùm hoa hanh vàng li ti sát đầu người, hương thơm đặc sánh.
Chỉ có tiếng mái chèo khua nước đều đều, tôi ngồi mà ngây ngất nhìn cảnh đẹp đến mê hồn.
-Chút nữa đến sân chim tha hồ cho em coi!
Cái cảm giác nhớ nhà của tôi nguôi ngoai đi từ khi nào tôi cũng chẳng biết nữa, cái ấm cúng của tình người  đất Mũi đã làm cho tôi không còn thấy trống vắng, cô đơn, nhớ nhà như bữa mới đặt chân lên mảnh đất xa lạ này. Tôi thò tay xuống vớt một chùm hoa tràm rụng lang thang trôi thả vào lòng xuồng một cách vô thức.
Không biết chị có hiểu trong tâm trạng tôi đang suy nghĩ gì không, nhưng mãi giờ chị cứ yên lặng chèo xuồng để cho tôi thẫn thờ ngắm nhìn sông nước, tự nhiên tôi bỗng thấy buồn buồn, một nỗi buồn vô cớ, một nỗi buồn như dòng nước mênh mang trôi theo tôi, dùng dằng và tha thiết.
Đêm nay chị ngồi kể cho tôi nghe về chuyện nhà. Tiếng con gái miền Nam cùng với ánh trăng trong vắt giữa tháng khiến lòng tôi thấy nao nao.
Chyện của chị tôi nghe như quen lắm, càng kể, tôi càng  hình dung ra cái cảnh tủi buồn của chị giống ở trong một cuốn truyện tôi đã được đọc. Giọng chị đều đều…đến đoạn mẹ chị bỏ đi khỏi nhà vì ông bố chị nghiện ngập quá nặng không dứt khỏi ra được bình rượu, tối ngày say khướt và luôn mồm chửi mắng vợ con, tôi thấy giọng chị chậm lại, mắt ươn ướt, không dám nhìn chị nữa, tôi quay đi, cảm thấy mình cũng như đang cô đơn giữa một trời nước mênh mông.
-Cưng ơi, có thương chị không?
Tiếng cưng ngọt ngào nhưng nghèn nghẹn ấy làm tôi thấy nôn nao trong lòng, tay chị khẽ đặt lên vai tôi, mái tóc thề xang mướt của người con gái đang ở tuổi 17 như dòng suối kia, dẫu cho tôi là một thằng trẻ con mới bước sang tuổi 15 được mấy tháng cũng thấy dịu mát, nhẹ nhàng đến thăm thẳm.
-Rồi từ ấy bố cũng bỏ đi luôn?
Chị không nói khẽ gật đầu. đưa tay vuốt nhẹ mái tóc. Khuôn mặt thanh thanh trắng ngần với đôi mắt đen nhánh như hạt nhãn, chiếc mũi cao gầy và đôi môi mọng đỏ buồn hững hờ bỗng hiện ra giữa ánh trăng ngà vằng vặc khiến tôi tưởng như mình đang ngồi cạnh một tiên nga giáng thế.
Không dám nhìn lâu vào đôi mắt chị, tôi quay ra phía bờ kênh vờ trông bóng mấy con xuồng cột lại với nhau, bị sóng vỗ vào mạn nghe roàm roạp.
Trời đã về khuya, trăng lên  lập lờ trong sương trắng nhè nhẹ, đêm sâu thẳm một màu, trong veo lành lạnh. Chị nhìn tôi thật lâu khẽ nói:
-Thôi về ngủ nghe cưng, sương xuống rồi!
***
Đời người như ánh sao băng, thoảng qua rồi vụt biến mất giữa hằng hà sa. Gíá như không bao giờ có những nỗi buồn, giá như không bao giờ có những điều bất hạnh, để mặc cho bao cuộc đời đi qua mà không phải  vấn vương trong đau khổ.
Tôi đã ở trọn một mùa khô trong miền Tây Nam bộ này, quen với sông nước, quen dần với giọng nói, quen với nước triều lên xuống của con kênh bên trái nhà, quen với tiếng bìm bịp kêu khi hoàng hôn tím lịm cuối trời và tôi cũng đã quen với qui luật chị mang đến cho tôi. Cứ mỗi một tuần vào chiều thứ bảy, chị lại đón tôi về thăm ngoại. Những lúc xa chị tôi cảm thấy nhớ xác xao. Trẻ con tập làm người lớn vẫn thèm khát sự săn sóc dịu dàng ở người khác. Lại một thứ bảy nữa, hôm nay tôi không về nhà chị vì có gánh hát diễn trên huyện cách non cây số. Buổi sáng tan học chị nói với tôi đợi chị qua rủ đi coi hát. Khoảng thời gian để cho người ta chờ đợi điều gì đó kéo dài lê thê. Mãi tới sáu giờ chiều tôi mới nghe tiếng mái chèo khua và mạn xuồng ghé bờ.
   -Chung ơi, chuẩn bị đi kẻo trễ!
Xin phép bố, hai chị em lội bộ tới nơi có gánh hát, trên đường đi lại toàn những chuyện tôi hỏi chị về lối sống của người trong này. Đang xem, những trận gió lạnh thổi từ ngoài kênh lớn tới làm bật tung cả phông màn. Sắp mưa rồi, lác đác có những giọt rơi lành lạnh, cơn mưa đầu mùa năm nay kéo đến thật nhanh. Mọi người xáo xác tìm chỗ trú mưa, chị kéo vai tôi:
   -Hay mình về đi cưng, chút mưa lớn họ cũng nghỉ diễn mà.
  -Thế cũng được. Tôi đáp.
Hai chúng tôi rảo bước, gió thổi mạnh làm hàng dừa nước ngả nghiêng trên mặt nước. Mưa! Chị chỉ tôi vào một quán bỏ trống, nước mưa đan vào nhau ào ạt, xối xả…
  -Cưng ơi! Tiếng chị nhỏ nhẹ trong mưa.
  -Sao cơ chị.
  -Nhìn mưa chị nhớ câu thơ: “Bao nhiêu là giọt mưa rào, Để cho một giọt rơi vào mắt em..”
Tôi chẳng mấy khi đọc thơ, thậm chí ở trường mỗi khi gặp phải đề phân tích thơ là toát mồ hôi. Nhưng sao hôm nay nghe chị đọc bỗng dưng muốn nghe thật nhiều.
Trời đã ngớt, một vài ngôi sao lộ ra giữa những khoảng mỏng của mây đen, lấp lánh, lấp lánh. Chúng tôi rảo bước về, chị bỗng chậm lại và cầm chặt lấy tay tôi, cái cảm giác bất ngờ đến run bắn cả người lên làm tôi bước chệnh choạng, cũng may lúc ấy trời se lạnh nên chị không để ý. Bàn tay mềm mại, ấm áp của chị nắm chặt tay tôi khiến tôi bối rối vụng về. Để mặc vậy, tôi bước theo chị, mồm tự nhiên câm như hến. Trời đã tạnh hẳn tự bao giờ, bầu trời sáng ra, cao hơn, sương giăng hai bờ sông mờ ảo,cả đôi bờ như chợt ngủ say nồng sau trận mưa mát dịu. Chị định nói với tôi một câu gì đó nhưng lại thôi. Tim tôi đập mạnh, máu trong người chảy râm ran, quãng đường về giờ sao ngắn lại. Đã gần đến nhà, chị bỗng dừng lại nói:
   -Chiều mai ở nhà chị mang mứt dừa vô nghen!
   -Dạ. Tôi đáp nhát gừng.
   -Làm từ chiều tính mang vô cho thầy và cưng nhưng chưa kịp khô.
Cảm giác sợ sệt theo tôi về tận nhà, tới tận lúc chị chèo xuồng khuất sau hàng dừa nước, nhưng sau đó là nỗi nhớ chị đến cồn cào trong lòng. Sáng hôm sau tỉnh dậy, chú Thạch qua rủ tôi đi xuống Ninh Quới ăn đám thôi nôi, tôi ngập ngừng nhưng chú bảo chiều về nên lại đồng ý đi theo chú. Chú Thạch xuống ấp mải vui nhậu xỉn lúc nào chẳng hay, tôi nóng ruột như lửa đốt nhưng chẳng thể về một mình. Mãi trưa hôm sau chúng tôi mới  đến nhà, nhà vắng tanh, vắng ngắt, chỉ có mình chị ngồi bên chiếc bàn làm việc của bố, tôi thoáng thấy nét mặt chị buồn buồn.
  -Ba em đâu chị?
  -Ba đi chấm thi học sinh giỏi trên Bạc Liêu rồi, hết tuần mới về, ghi thơ cho em trên bàn đó.
Tôi ngồi thừ xuống giường chẳng buồn đọc.
   -Bữa qua không về để chị đợi đến tối?
   -Chú Thạch nói đi về luôn mà chú nhậu xỉn, mình em đâu về được.
   -Hay em không muốn về?
Tự nhiên tôi nghe tiếng em bởi đã từ lâu rồi chị kêu tôi là cưng, bữa nay nghe thật lạ. Tôi nhìn chị, thấy chị mím môi, mắt nhìn ra dòng kênh nước triều đang dâng mấp mé đôi bờ.
   -Thôi chị về đây, mứt dừa chị để trên bàn đó.
Chị với nhanh chiếc nón trên vách lá dừa, bước vội ra chỗ buộc xuồng… Lại một cơn mưa ào đến xối xả, bóng chị chèo xuồng dưới làn mưa, chiếc nón bị gió lệch sang hẳn một bên, chiếc áo cánh màu mận chín ướt dính chặt vào thân hình chị. Mưa trắng trời dần lấp bóng cả người và xuồng, tôi tủi thân đứng dựa vào cây cột nhà, nước mắt chảy mằn mặn đầu môi, không hiểu khóc vì sự cô đơn giữa chốn xa lạ này hay vì sự giận hờn vô cớ chị mang đến trong tôi.
***
Tuổi trẻ lóe lên như một nhát búa đập vào đá, như tiếng sấm trước cơn mưa đầu hạ chẻ làm đôi, tôi buồn đến mấy ngày. Buổi chiều chờ cho nhạt nắng, tôi lững thững đi bộ một mình ra cánh đồng phía trước trường học, gió thổi trống không vào mấy lùm bình bát, tìm một đám cỏ thật tốt, cứ thế nằm lên đó. Thế là mấy bữa nay chị nghỉ học, nghe nói chị xin phép đi Cần Thơ cắt thuốc cho ngoại. Bao giờ chị về chị ơi? Tôi úp mặt xuống cỏ thấy nóng ran ở lồng ngực, không gian im ắng đến vô cùng, nỗi buồn dâng lên làm tôi nghẹt thở, nhưng tự nhiên thấy hạnh phúc như chưa từng có, cảm giác ấy  không thể giải thích vì sao, và có lẽ suốt đời tôi cũng sẽ chẳng hiểu nổi.Một đàn cò lửa đang rủ nhau tìm về những ngọn tràm cao nhất trú ngụ qua đêm, thoang thoảng hương tràm vây quanh tôi, tôi thẫn thờ nhỏm đầu dậy hít lấy mùi hương thân quen ấy.
***
   -Đọc thư của mẹ chưa Chung?
Bố đưa tôi lá thư còn nguyên mùi thơm của dấu bưu điện. Thư mẹ viết nói tôi về Bắc trong năm học tới vì anh Tuấn đã nghỉ học đi bộ đội, chị chưa ra trường, còn mình mẹ ở nhà nhớ tôi không chịu nổi.
Vừa mới quen thì lại phải xa, buồn, vui, nhớ nhung lẫn lộn. Về với mẹ tôi mừng lắm, nhưng đã một năm rồi ở bên bố, bên những người bạn mới bao nhiêu là kỷ niệm thân thương và thế là tôi sẽ phải xa cái điều tôi chẳng muốn.
Đêm nay các chị đến nấu chè, làm mứt để cho tôi mang ra làm quà ngoài Bắc. Cả buổi tối, buồn hơn là vui, tôi quanh quẩn bên chị thu dọn đồ đạc, xong việc, để mặc mọi người thái dừa, tôi  và chị lững thững ra bờ kênh ngồi. Đêm không trăng, chỉ một trời sao mênh mông, kia là đôi mắt chú vịt nhấp nháy bên cạnh chiếc gàu sòng của ông Thần Nông, gió từ kênh lớn thổi vào đã mang hơi mằn mặn của muối.
   -Cưng ơi, về ngoài ấy nhớ ghi thư vô trong này nghe!
  -Dạ. Tôi như bị trúng một thứ men say chếnh choáng.
  -Nhớ nhau cưng cứ nhìn hai mắt con vịt nhấp nháy kia kìa…
Chị ơi! Lúc ấy tôi chỉ muốn nắm chặt bàn tay của chị, ôm chặt lấy chị, gục đầu vào vai chị để khóc cho thỏa thích… Và bất ngờ, chị xoay mặt tôi lại, đặt lên trán tôi một nụ hôn ấm nồng, ngạt ngào hương hoa tràm, tôi như người bị trúng gió, lặng đi trong miên man nhớ thương…
***
Chị ơi, chị ở đâu?…
Tôi mơ mình tựa lưng vào gốc tràm bạc trắng, những bông hoa hanh vàng li ti thả trước mặt đung đưa, vẫn mùi hương nồng nàn ngày nào, bóng người đội nón trắng lệch một bên đang thướt tha chèo xuồng len lỏi trong rặng dừa nước, một câu hò âm vang ngân mãi rộng khắp mặt nước: “ Hớ hênh nghiêng chút bên này, sông sâu chới với bàn tay chia lìa, hớ hênh nghiêng chút bên kia, giọt đau thương sẽ đầm đìa mắt ai”. Chỉ còn lại một vệt nước lan dài đằng sau đuôi xuồng, cứ rộng mãi ra, mãi ra. Một chùm hoa hanh vàng lững lờ trôi trên mặt nước, tôi cúi xuống vớt lên lòng bàn tay và hương tràm nồng nàn dâng lên cho lòng tôi xao xác.
Còn đây là hoa tràm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét