Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Bộ đội mà lấy giáo viên

Ở đảo Phú Quí, có một số đơn vị bộ đội đóng quân.
Mình ra đó, được tới thăm các anh em Hải quân và Phòng không.
Khỏi phải nói khi gặp mọi người ở nơi xa tới, mừng vui, thắm thiết và tình cảm kinh người. Nhất là gặp được đồng hương thì không gì bằng.
Có anh ra đảo cả hai chục năm và định cư luôn ở đảo không về đất liền nữa.
Có anh mới ra, lúc đầu nhớ nhà ứa nước mắt, nhưng chỉ ở đôi năm, bẩu về không, lắc đầu quầy quậy. Hỏi ra mới biết, tình yêu người lính và thiếu nữ trên đảo đã khiến cho nhiều chàng dứt bỏ quê hương, nguyện ở lại giữa biển khơi cùng nàng.
Cũng rất lạ, khi mình hỏi về gia đình thì anh bộ đội nào cũng giông giống dư anh nào.
Hỏi:- Anh có vợ chưa?
Giả nhời: - Có rồi.
Hỏi:- Vợ làm gì?
Giả nhời: - Giáo viên.
Ở Trạm ra đa 575, tiểu đoàn 451- Vùng 4 Hải quân, mình gặp thiếu tá Nguyễn Khả Hồng, quê ở Chương Mỹ - Hà Tây. Anh Hồng ra đảo từ năm 1989, tính đến nay đã 23 năm.
Vợ anh là cô giáo cấp 1, người gốc ở đảo Phú Quí. Anh chị hiện đã có hai con trai, cậu lớn học lớp 11, cậu nhỏ học lớp 4.
Dưng mà cái gia đình đạt điểm 8 của anh luôn luôn không đoàn tụ. Bởi lẽ, ngoài Bắc, hai ông bà nội đã cao tuổi, anh thì bận trực liên miên vì làm cán bộ kỹ thuật của trạm, hơn nữa, khoảng cách từ đảo về nhà, rồi phương tiện đi lại không phải lúc nào cũng cho phép anh muốn thăm nom bố mẹ là được. Bèn chọn giải pháp, cho cậu cả về quê học, ở cùng với ông bà đỡ đần sớm khuya và cũng cho vui cửa, vui nhà.
Giọng anh khi nhắc đến điều này trầm hẳn xuống, bởi gia đình bên nội có duy nhất anh mà thôi.
Anh Hồng kể, khi mới ra đảo, buồn lắm, hồi đó mà so với bây giờ là một giời, một vực. Đường sá lầy lội, toàn đất, sỏi. Nhà cửa thưa thớt, tàu vào đất không nhiều như nay, mãi mới có một chuyến. Gặp biển động thì rau còn chẳng có mà ăn, cứ cơm cá khô mà diễn hàng chục ngày là chuyện thường.
Mới đây thôi, Tết 2011, biển động mất nửa tháng giời, làm đơn vị hết cả gạo dự trữ, tàu nhỏ không ra được, phải chờ tàu lớn và trực thăng tiếp tế mới có gạo ăn.
Đơn vị đóng quân trên địa bàn xã Ngũ Phụng, thế nào mà anh lại lui hay tới gia đình vợ anh bây giờ, mãi rồi thành thân thiết, để rồi sau một thời gian, anh quyết định hạnh phúc trăm năm tại đảo với người con gái sinh ra cách quê hương " Chiếc gậy Trường Sơn" của anh cả ngàn cây số. 
Cười rất vui, Thiếu tá Hồng khoe: Hạnh phúc đến với tôi như một giấc mơ, bởi khi ra đảo không khi nào tôi nghĩ ở lại nơi này, lắm lúc cô đơn, buồn tủi nhớ quê lắm, mong ngày được về đất liền. Giờ có bà xã quê gốc ở đây, tôi như thấy mình là người con sinh ra ở Phú Quí.

Giai Chương Mỹ lấy gái Phú Quí đơi

Cũng giống như Thiếu tá Hồng, Thiếu úy Mai Hùng Hậu quê Tiên Lãng, Hải Phòng lấy vợ giáo viên cấp 2, dưng mà vợ ở quê, năm 1995 anh Hùng ra với đảo, tuyền là đảo xa tít mù khơi, đã từng nằm ở rất nhiều đảo như Đá Tây, Thuyền Chài, Trường Sa Đông...nên anh thấu hiểu nỗi nhớ nhà, nhớ vợ của dững người lính.
Nhân một dịp phép, về quê tìm hiểu, kết một cô giáo, anh lấy khẩn trương. Vợ kém chồng 4 tuổi, vừa đẹp, vừa xinh, nghề nghiệp chuẩn chỉ, đúng mốt của các cụ bô lão đặt ra cho con cái: Bộ đội là phải lấy giáo viên.
Năm 2007, vợ Thiếu úy Hùng sinh con đầu lòng, giờ cháu đang học mẫu giáo nhớn ở quê. Mỗi năm có 37 ngày phép, anh tận dụng tối đa cho vợ con gia đình rồi lại hối hả ra với đảo.
Cũng ở Trạm ra đa phòng không 55- thuộc Quân chủng Phòng không- Không quân trên đảo Phú Quí, mình gặp tuyền dững cán bộ, chiến sỹ trẻ măng, so với tuổi mình. Cậu Trạm trưởng người Nghệ An tên Hiệp, chức Đại úy sinh năm 78. Tướng tá cao ráo, thư sinh, chẳng giống bộ đội đảo chút nào.
Đêm đó, xong công việc, ngồi với anh em của trạm tại sân đơn vị, thức ăn, đồ uống là của đơn vị sản xuất ra hết, yên tâm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhậu hết vài be, từng đôi, từng đôi đi vào chiều sâu tâm sự.
Mình hỏi Hiệp, vợ con gì chưa mà trông vẫn trẻ quá vậy.
Hiệp nói, rồi anh ơi, nhưng mà bà xã đang còn ở quê. Mỗi năm em chỉ được về bên vợ một lần vào kỳ phép. Ở đảo này mà có vợ ở xa thì nỗi nhớ, nỗi buồn còn gấp trăm ngàn lần trong đất!
Mình thấy cậu mặt đờ ra hẳn, bèn động viên: Thì càng xa nhau, càng thấy nhớ nhung và hạnh phúc tăng lên bội phần khi mỗi năm được về bên nhau một lần chứ.
Cao hứng mình đọc cho cậu câu thơ để giải tỏa tâm trạng:
" Bộ đội mà lấy giáo viên
Gia đình hạnh phúc sướng điên cả người..."
Vừa đọc xong, mấy chú bàn bên bê ghế, dồn mâm góp vui câu chuyện. Thế là mình ngồi kẹp giữa một chú Thượng úy tên Quang và Đại úy Hiệp. Quang vừa nâng chén vừa giới thiệu, nghe giọng đầy hưng phấn và hạnh phúc:
- Báo cáo anh, vợ em cũng là giáo viên như vợ chú Hiệp đây. Sau bao năm sống xa cách nhau, năm ngoái em đã chuyển được vợ em từ quê ra đảo dạy học.
Ối giời ơi, tôi nhìn Quang ngỡ ngàng thán phục.
- Thế bà xã ra đây có kêu buồn không? Tôi hỏi.
- Không anh ơi, vợ em bảo thế này là vợ chồng mình sướng lắm rồi, được bên nhau thì cả nhà ra giữa biển ở cũng được!
Rượu đêm với những người canh trời, canh biển giữa mênh mông ngàn trùng sóng nước, cảm giác không thể say mà cứ lâng lâng mãi trong đầu. Mình mới hiểu những con người nơi đây, hạnh phúc đối với họ là những điều bình dị chân thành nhất, không hão huyền, không lố lăng dư những cái bọn người sống trên nhung lụa xa hoa, những cuộc thác loạn nổ giời thâu đêm suốt sáng...
Chẳng biết ai sướng hơn ai? đó là tùy ở mỗi người, dưng mình nghĩ, các chú bộ đội nơi đây mới là sung sướng nhất trên trần gian, bởi các chú sống có lý tưởng, mục tiêu rõ ràng, không lèm nhà, lèm nhèm dư mấy cái anh trong đất. Thứ nữa, các chú được tận hưởng cái hạnh phúc do tự mình tạo dựng nên bằng mồ hôi, công sức chính mình và hơn hết, bên cạnh các chú luôn có những cô giáo yêu thương chồng của mình cháy bỏng. Đến đây mình mới thấy đúng thật là: Bộ đội mà lấy giáo viên, gia đình hạnh phúc sướng điên cả người!



Chú này là Quang, chuyển được vợ ra đảo dạy học


Còn đây, Chú Hiệp, Trạm trưởng- mình và chú ấy tẩn rượu phê lòi mắt,
ôm nhau như Gay



Bầu trồng tại đơn vị...

Gà thả vườn...


Và cả heo mọi nữa...lòng và tiết ngon kinh

Sau trận nhậu đêm tơi bời, chụp ảnh lưu niệm, mọi người trong trạm đi xe máy đuổi theo con 16 chỗ của bọn mình, tiễn đến tận phòng nghỉ, dùng dằng chẳng muốn về.
Lại trút bầu tâm sự bằng bia 3 con 3 cho đến lúc không thể đứng dậy được nữa mới chia ly thật sự. Xúc động, xúc động...suốt đời mình không quên được tình cảm này.
Sáng hôm sau, tàu dổ neo vào bờ sớm, mình vừa bò lên boong kiếm chỗ nằm vì vẫn còn tê lê phê thì thấy có điện thoại.
A lô- A lô, em Hiệp, em Quang đây, anh lên tàu chưa? bọn em ra tiễn anh đây!
Mình nhỏm phắt người dậy chạy ra lan can dòm xuống.
Ô kìa, chúng nó ra tiễn thật, hai chú đứng dưới bến, người bé tí, tay vẫy vẫy liên tục. Mình cũng giơ cả hai tay lắc tít và gào lên: Anh về đây, hẹn gặp lại, anh về đây, hẹn gặp lại, cho gửi lời hỏi thăm mọi người!
Còi tàu u ủ tru lên một hồi rồi từ từ rời bến, mình đứng trên boong nhìn mãi Quang và Hiệp...hai đứa cũng đứng đó mãi đến khi mình chỉ còn thấy bóng dáng của chúng nhòa dần cùng với hình ảnh của Phú Quí thân thương. Hẹn một ngày lại ra với đảo, với dững người sống đúng nghĩa tình người...

Tạm biệt...và hẹn gặp lại




















1 nhận xét: